Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... ..  . ..  .  .
THÔNG CÁO VỀ VIỆC THÀNH LẬP
BAN DỊCH THUẬT VÀ NHÀ XUẤT BẢN ĐẠO PHẬT NGÀY NÀY

 

Kính bạch chư tôn đức Tăng Ni
Kính thưa toàn thể quý cư sĩ Phật tử

 

NGUYÊN DO VÀ MỤC ĐÍCH

Trang nhà Đạo Phật Ngày Nay được thành lập vào ngày 22-2-2000, đến nay đã hơn 1 năm rưỡi. Trong thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ tinh thần và cộng tác bài vở của chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử trong và ngoài nước, trang nhà ngày càng trở nên phong phú và đa dạng. Từ những tháng đầu tiên của năm 2000 mỗi tháng có khoảng 10 đến 20 bài được đưa vào mạng, kể từ đầu tháng 1 năm 2001 đến nay, mỗi tháng có hơn 70 bài viết, truyện, thơ và sách Phật học tiếng Việt và khoảng 20-50 bài tiếng Anh được đưa vào mạng. Trong thời gian qua, Ban biên tập nhận được rất nhiều thơ khích lệ và ủng hộ của chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử, và mong muốn Ban biên tập vững tiến trên đường truyền bá thông điệp từ bi và trí tuệ của đức Phật qua mạng internet.

Để đáp lại niềm khích lệ và mong đợi của chư tôn đức và quý Phật tử, và mở rộng phương tiện truyền bá Phật pháp dưới hình thức sách xuất bản, Ban biên tập quyết định thành lập Ban dịch thuật và Nhà xuất bản Đạo Phật Ngày Nay. Dưới sự hỗ trợ và cộng tác của Ban dịch thuật, nhà xuất bản này sẽ lần lượt cho ra đời các tủ sách (tùng thư) Phật học khác nhau, đáp ứng cho nhiều đối tượng khác nhau: tủ sách Phật giáo tổng quan, tủ sách lịch sử văn học Phật giáo (PG), tủ sách lịch sử PG, tủ sách Phật giáo Nguyên Thuỷ, tủ sách Phật giáo Đại Thừa, tủ sách triết học PG, tủ sách xã hội học và chính trị học PG, tủ sách tâm lý học PG, tủ sách đạo đức học PG, tủ sách giáo dục PG, tủ sách kinh tế học PG, tủ sách văn hoá và văn minh PG, tủ sách PG và khoa học, tủ sách sinh thái học PG, tủ sách ngôn ngữ học PG, tủ sách thiền PG, tủ sách nghi thức và nghi lễ PG, và tủ sách tham khảo (bao gồm các từ điển Phật học). Trong tương lai, có sẽ thêm các tủ sách ăn chay, thơ và truyện Phật giáo. Ba tủ sách này phần lớn thuộc về sáng tác của Tăng Ni và Phật tử Việt Nam trên khắp thế giới.

Mục đích trước nhất là để góp phần phiên dịch và xuất bản các nghiên cứu về Phật học của các học giả Phật giáo nổi tiếng từ trước đến giờ; thúc đẩy phong trào nghiên cứu và tu học Phật pháp cho mọi đối tượng trong và ngoài nước; và góp phần làm giàu mạnh nền Phật học Việt Nam.

 

THÀNH PHẦN BAN PHIÊN DỊCH

Tất cả quý Tăng Ni và Phật tử, bất luận trong hay ngoài nước, giới tính và  tuổi tác, nếu có khả năng ngoại ngữ, thông thạo phong cách diễn đạt tiếng Việt và sẳn sàng phát tâm dịch thuật để góp phần truyền bá Phật pháp, đem lại an lạc và hạnh phúc cho người hữu duyên, đều được thỉnh mời gia nhập Ban dịch thuật của Đạo Phật Ngày Nay. Sau đây là danh sách Tăng Ni và Phật tử đã phát tâm tham gia Ban dịch thuật Đạo Phật Ngày Nay:

Tăng Ni: Thích Nhật Từ, Thích Trí Thể, Thích Nguyên Tạng, Thích Quang Thạnh, Thích Giác Hoàng, Thích Quảng Bảo, Thích Nữ Giới Hương, Thích Nữ Huệ Liên, Thích Nữ Vân Liên, Thích Nữ Hằng Liên, Thích Nữ Liên Hiếu, Thích Nữ Liên Hoà,
Thích Nữ Liên Trí, Thích Nữ Huệ Đức v.v…
Phật tử: Nguyên Giác – Phan Tấn Hải, Nguyễn Trọng Dũng, Tâm Hà – Lê Công Đa, Chân Nguyên - Đỗ Quốc Bảo, Minh Thông, Nguyên Đạo - Lại Như Bằng, Mịnh Thiện Trịnh Chỉnh, Tâm Minh Hạnh, Tâm Đăng, Nguyễn Tiến, Diệu Liên, Mỹ Thanh, Đồng Loại - Trần Nguyên Trung, Nguyên Thạnh – Lê Trung Hưng, Tổ Dịch Thuật Trúc Lâm v.v…

Số lượng của Ban dịch thuật không có giới hạn và do đó sẽ được bổ sung mỗi khi có người phát tâm gia nhập. Những ai phát tâm gia nhập Ban dịch thuật nên gởi email về buddhismtoday@yahoo.com  thông báo cho Ban dịch thuật và cho biết tác phẩm nào mình phát tâm dịch trong danh sách các tác phẩm đã được lựa chọn, hoặc đề nghị các tác phẩm hay mà danh sách chọn lọc chưa nêu ra, để trách việc dịch trùng lập.

Các dịch giả đều có vai trò ngang nhau và tất cả cùng làm việc trong tinh thần tôn trọng và học hỏi lẫn nhau. Mỗi khi vấp phải các khó khăn trong dịch thuật liên hệ đến thuật ngữ chuyên môn bắt nguồn bằng tiếng Sanskrit, Pali, Anh, Hán v.v… các dịch giả   nên trao đổi lẫn nhau để hoàn thiện bản dịch của mình.

 

NHÀ XUẤT BẢN

Nhà xuất bản sẽ chính thức ra mắt vào ngày rằm tháng 4 năm 2003, để chào mừng ngày đản sanh của đức Phật. Trong lễ khánh thành hôm ấy, sẽ có ít nhất 10 tác phẩm được xuất bản, để đánh dấu hoạt động của Ban dịch thuật.

Văn phòng triễn lãm và phát hành chính thức của nhà xuất bản Đạo Phật Ngày Nay sẽ được đặt tại:

TU VIỆN BỬU HƯNG
17808 N.E. 18th St,
Vancouver, WA 98684 – 9762
USA

Thành phần của ban giám đốc và điều hành nhà xuất bản như sau:

Giám đốc Nhà xuất bản:
Tỳ-kheo Thích Trí Thể
Phó giám đốc kiêm Tổng biên tập của Nhà xuất bản:
Tỳ-kheo Thích Nhật Từ

Các thành phần nhân sự khác đều do Ban giám đốc nhà xuất bản quyết định và tuyển chọn.

 

CÁC YÊU CẦU CĂN BẢN VỀ PHONG CÁCH BẢN DỊCH

Để toàn bộ các dịch phẩm của Nhà xuất bản Đạo Phật Ngày Nay được nhất quán và đạt yêu cầu về phong cách dịch thuật, quý dịch giả hoan hỷ thực hiện bản dịch của mình theo các quy ước sau đây:

1. Chuyển dịch chính xác (accuracy) và trung thành với nội dung nguyên tác (faithfulness to the original), không thêm thắt những ý tưởng không có chứa tải trong nội dung, không tự ý tỉnh lược nội dung nguyên tác. Nếu quý dịch giả có điểm nào bất đồng với bản văn nguyên tác, nhận định, phê bình hoặc muốn ghi chú hay giải thích thêm ý tứ của nguyên tác, quý dịch giả nên đưa phần ý kiến, phê bình hoặc chú thích đó xuống cước chú, và ghi thêm câu sau đây  “nhận định/chú thích của dịch giả” để phân biệt với chú thích của nguyên tác.

Tính chính xác hay trung thành với văn bản gốc được xem là tiêu chí hàng đầu của phiên dịch nói chung, nhất là kinh sách Phật giáo. Phong cách dịch thuật này ứng với phong cách dịch theo hàng (line-by-line translation). Không nên đảo vị trí quá xa của những câu bên dưới lên trên và ngược lại. Cách dịch này giúp người đọc có thể kiểm chứng bằng phương pháp đối chiếu văn bản một cách dễ dàng. Nên lưu ý, phong cách này khác với cách dịch nghĩa đen (literary translation), chữ đâu nghĩa đó, dịch chữ theo chữ, mà bỏ quên nghĩa ngữ cảnh của chúng, nhất là nghiã tương đương của các thuật ngữ của ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ bản dịch.

2. Cấu trúc và ngôn ngữ biểu đạt phải rõ ràng, sáng sủa (stylistic elegance), có chất liệu văn học cao và nhất là phải thuần Việt. Sự rõ ràng, trong sáng trong phong cách biểu đạt là tiêu chí quan trọng bậc nhì của tiêu chí dịch thuật. Một bản dịch trung thành nhưng nếu thiếu đi phong cách diễn đạt rõ ràng, dễ hiểu sẽ đánh mất đi mục đích phục vụ của nó. Phong cách dịch này đòi hỏi nhà dịch thuật phải nhuần nhuyễn văn phạm và ngôn từ dịch thuật, ở đây là tiếng Việt. Tránh lạm dụng việc vay mượn quá nhiều thuật ngữ Hán Việt, ngoại trừ trong trường hợp các thuật ngữ này dễ hiểu và đã được Việt hóa. Tuy nhiên, sự rõ ràng về văn phong phải được đi song hành với tính chính xác. Một bản dịch dù có hay về văn phong nhưng thiếu tính trung thành với nguyên bản vô cùng tai hại, và do đó được xem là bản dịch không đạt yêu cầu.

3. Các đoạn trùng tụng hay thi kệ trong các văn bản Kinh sách nên chuyển thành thể văn vần   lục bát hay song thất lục bát hay thể ngũ ngôn, tuỳ theo văn cảnh và sở trường của dịch giả.

4. Giữ nguyên và không dịch các nhân danh và địa danh tiếng nước ngoài. Để giúp cho độc giả dễ đối chiếu với các danh từ riêng đã được phiên âm và sử dụng khá quen thuộc xưa nay, quý dịch giả có thể: (i) chua trong ngoặc đơn các danh từ riêng đã được phiên âm, hoặc (ii) làm bảng đối chiếu từ ngữ (glossary) ở cuối sách.

Nói tóm lại, quý dịch giả nên chuyển ngữ một cách trung thành với nội dung của văn bản gốc, với một văn phong sáng sủa, rõ ràng, dễ hiểu, để người đọc không cần phải tra tự điển Phật học mà vẫn có thể hiểu được. Nói khác hơn, “dịch thuật là nghệ thuật tạo ra trong ngôn ngữ dịch (receptor language) sự tương đồng mang tính tự nhiên nhất (the closest natural equivalent) so với thông điệp của ngôn ngữ được dịch hay ngôn ngữ nguồn (source language), trước nhất về mặt ý nghĩa, kế đến về phong cách.”

 

PHÉP VIẾT HOA VÀ VIẾT NGHIÊNG

1.      Viết hoa toàn bộ và không dùng gạch nối: Áp dụng cho các từ chỉ tên người (Phật, Bồ-tát, A-la-hán và người thường), tên đất (nước, tỉnh thành, quận huyện, xứ sở, núi sông, đường phố) và tên chùa tháp  có nguồn gốc tiếng Việt hay Hán-Việt.

Vd: Phật Nhiên Đăng, Bồ-tát Quan Thế Âm, Trần Nhân Tông, nước Nepal, núi Phổ Đà, chùa Giác Ngộ v.v…

2.      Viết hoa chữ đầu và không gạch nối các âm tiết còn lại: Áp dụng cho các từ chỉ chức sắc, chức danh trong Đạo và ngoài đời.

Vd: Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Trụ trì, Viện chủ v.v…

3.      Viết hoa chữ đầu và gạch nối các âm tiết còn lại: Áp  dụng cho các nhân danh, địa danh. Riêng các địa danh hoặc thuật ngữ được phiên / chuyển âm (transliteration) từ tiếng nước ngoài như Sanskrit, Pali, Tây Tạng, ngoài việc áp dụng phép viết hoa trên, quý độc giả nên viết nghiêng toàn chữ.

Vd: Thích-ca-mâu-ni, A-nan, Ca-diếp, Xá-lợi-phất, Ma-kiệt-đà, Ca-tỳ-la-vệ; A-tỳ-đạt-ma, niết-bàn v.v…

4.      Phép viết nghiêng và hoa tên tác phẩm: Đối với tên hay tựa đề tác phẩm, quý dịch giả nên viết nghiêng và hoa toàn bộ các thành tố không thuộc giới từ, liên từ và mạo từ.   Giới từ, liên từ và mạo từ chỉ được viết hoa khi chúng đứng đầu trong tên tác phẩm. Nếu các tên kinh sách có chứa các từ chỉ tên người, tên đất và thuật ngữ có nguồn gốc tiếng nước ngoài thì luật viết hoa sẽ được áp  dụng như đã nêu ở mục 3 ở trên.

Vd: Kinh Hoa Sen Chánh Pháp, Luận A-tỳ-đạt-ma, Luận Giải về Thiền (Thiền Luận), Về Chuyện Sống Chết, Nẻo Về của Ý, v.v…

 

PHONG CÁCH CƯỚC CHÚ

Để giúp cho bản dịch hoàn chỉnh về phương diện trình bày, quý dịch giả vui lòng áp dụng các quy ước sau đây:

            1. Chỉ sử dụng hệ thống cước chú, để làm các phần ghi chú của dịch phẩm. Nếu nguyên tác sử dụng hệ thống hậu chú, quý dịch giả cũng nên sửa lại thành hệ thống cước chú.  Sự thay đổi, nếu có, cần phải được nêu rõ trong lời tựa của dịch giả. Ưu điểm của cước chú là giúp cho nhà nghiên cứu / độc giả biết liền nguồn tài liệu tham khảo hay dẫn chứng mà khỏi phải mất công lật tới lật lui cuối chương hay cuối sách để đối chiếu.

2. Chỉ nên áp dụng hệ thống cước chú từng chương. Nghĩa là số thứ tự của cước chú sẽ được đánh lại từ đầu sau mỗi chương. Cứ như vậy, áp dụng cho đến chương cuối cùng của tác phẩm. Nghĩa là, vào đầu các chương 2, 3, 4 số cước chú bắt đầu vẫn là các con số 1, 2, 3.   Cách cước chú này giúp cho người đọc biết được số lượng xuất hiện của cước chú trong mỗi chương cũng như trong toàn bộ tác phẩm. Đây là phong cách cước chú được ưa chuộng nhất trong các phong cách trình bày cước chú.

3.  Vị trí của các con số cước chú phải được đánh ngay sau những thuật ngữ, nhân danh, địa danh hay tên tác phẩm…cần được chú thích.   Nếu liền sau các thuật ngữ, nhân danh, địa danh hay tên tác phẩm cần chú thích này là các dấu phẩy, dấu chấm phẩy, dấu chấm, dấu hai chấm, dấu ngoặc đơn, dấu ngoặc kép…thì các con số cước chú phải được đánh ngay sau các dấu này, và được đánh cao hơn hàng chữ thường bằng một co chữ có kích thước nhỏ hơn với phong chữ đang đánh. Ví dụ:

— Đạo Phật1 là tôn giáo bất bạo động (ahimsa)2 và an lạc (nirvÏa).3

  “Đạo Phật,4  tôn giáo của hòa bình và an lạc,5 đang đón tiếp mọi người.”6

4. Quý dịch giả có thể áp dụng nhiều loại cước chú khác nhau cho các chú thích thuộc dạng tác phẩm, như dạng cươc chú vắn tắt hay cước chú chi tiết. Tuy nhiên, nên áp dụng thống nhất một phong cách cước chú, để giúp độc giả dễ theo dõi. 

5. Phong cách cước chú vắn tắt:

Cách cước chú này “phải ứng” với bảng viết tắt tên tác phẩmthư mục tham khảo nhấn mạnh năm.

a) Đối với tài liệu gốc (Primary Sources / Texts): Tên tác phẩm viết tắt + tập / chương / mục + trang.

b) Đối với tài liệu nghiên cứu (Secondary Sources / Studies): Họ tác giả + năm XB + chương / mục / đoạn / trang.

c) Đối với tác giả chỉ có một tác phẩm trong thư mục

Chi tiết của cước chú chỉ gồm: họ (đối với người Aâu Mỹ) hay tên họ tác giả (đối với người Việt Nam) + năm XB + số trang. Năm xuất bản không cần thiết lắm vì tác giả loại này chỉ có một tác phẩm trong thư mục tham khảo và do đó không thể bị lẫn lộn với các tác phẩm khác xuất bản cùng năm của cùng tác giả.

          Ví dụ: Nếu trong thư mục tham khảo, tác giả A. K. Warder chỉ có tác phẩm duy nhất là Indian Buddhism, với chi tiết như dưới đây:

Warder, A. K. (1988). Indian Buddhism. Delhi: Motilal Banarsidass.

thì ta có thể chọn một trong các phong cách cước chú hay hậu chú sau đây.

Họ, trang.                         Warder, 145.                
Họ năm: trang.                Warder 1988: 145.
Họ năm, trang.                Warder 1988, 145.
Họ (năm: trang).             Warder (1988: 145).   
Họ (năm, trang).             Warder (1988, 145).   
Họ (năm) trang.              Warder (1988) 145.
Họ (năm): trang.             Warder (1988): 145.   
Họ, mục/ phần               Warder, §§ 11. 123.

d). Đối với tác giả có ít nhất hai tác phẩm xuất bản cùng năm trong Thư Mục Tham Khảo

    Để tránh sự lẫn lộn về các tác phẩm xuất bản cùng năm của cùng một tác giả được nêu trong thư mục tham khảo, bạn nên thêm ký hiệu a, b, c, d…ngay sau năm XB của các tác phẩm đó hay bạn cũng có thể thêm các chữ viết tắt của tác phẩm ngay sau họ tác giả, để phân biệt chúng.

    Chi tiết của cách cước chú này, do đó, chỉ gồm: họ tác giả + năm a/b hay tên tác phẩm viết tắt + trang.

Nếu trong thư mục tham khảo, bạn có 2 tác phẩm xuất bản cùng năm của cùng một tác giả như:

Wittgenstein, L., (1954). Philosophical Atomism. London: Basil Backwell.
Wittgenstein, L., (1954). Philosophical Investigations. London: Basil Backwell.

thì quý vị có thể chọn 1 trong 2 cách trình bày sau đây:

a) Họ (năm a/b): trang.

Wittgenstein (1954a): 13-5.   (1945a  được hiểu là Philosophical Atomism)
Wittgenstein (1954b): 11-2. (1945b được hiểu là Philosophical Investigations), hay

b) Họ: Tác phẩm viết tắt. trang.

Wittgenstein: PI. 11-2. (PI viết tắt của Philosophical Investigations)
Wittgenstein: PA. 123-5. (PA  viết tắt của Philosophical Atomism)

 

6. Phong cách cước chú đầy đủ và tỉnh lược các chi tiết của tài liệu tham khảo

a) Trong lần chú thích đầu tiên về một tác phẩm nào đó, ta phải ghi đủ các yếu tố sau đây: Tên tác giả, tên tác phẩm in nghiêng, nơi XB, nhà XB, năm XB, số trang. (Lưu ý: năm XB có thể đặt sau tên tác giả và nằm trong dấu ngoặc đơn).

b) Trong lần chú thích thứ hai trở đi về một tác phẩm đã được trích dẫn, để tránh rườm rà và trùng lập, ta nên dùng các ký hiệu tắt: Sđd (ibid hay op. cit), Ctsđd (loc. cit.), để tỉnh lược tên tác giả, tên tác phẩm, nơi XB, nhà XB và năm XB; và dùng “ppđể thay thế cho trang hay các trang đối với các tác phẩm Anh Pháp, và “tr.” cho tác phẩm tiếng Việt.

 

7. Trật Tự Tên Tác Giả

a) Nếu tác giả là người Âu Mỹ thì tên họ của ông/bà được ghi theo trật tự sau: Tên+ Chữ lót + Họ (nếu viết tắt tên và chữ lót thì giữa chúng và sau chữ lót phải có dấu chấm). Nhưng đối với thư mục tham khảo cuối sách, trật tự này như sau: Họ + Tên + Chữ lót.

b) Nếu tác giả là người Trung Quốc thì tên họ của ông/bà được ghi theo trật tự sau: Họ (dấu phết) Chữ lót-tên (chữ lót hoa, tên viết thường và có gạch nối ở giữa).

c) Nếu tác giả là người Việt Nam thì tên họ của ông/bà được ghi theo trật tự sau: Họ-Chữ lót-Tên (viết hoa đầy đủ và có gạch nối giữa các thành tố). Cách viết này giúp cho người Việt Nam dễ dàng tra cứu nhân danh người Việt trong các tác phẩm Anh Pháp hơn; bằng không tên sẽ được hiểu là họ và ngược lại, họ là tên.

d) Tên và chữ lót của tác giả Âu Mỹ có thể viết tắt bằng các chữ cái đầu tiên với một dấu chấm sau chúng. Nhưng nếu tác giả là người nữ thì tên của bà không được viết tắt.

e) Ghi đầy đủ nơi xuất bản và tên nhà xuất bản. Nếu trong tài liệu tham khảo không có ghi tên nhà xuất bản thì ta ghi ký hiệu “n.p.” (no publisher) cho tác phẩm tiếng Anh; “p.e.” (pas d’éditions) cho tác phẩm tiếng Pháp và knxb (không nhà xuất bản) cho tác phẩm tiếng Việt.

f) Ghi rõ năm xuất bản (và năm tái bản cuối cùng, nếu có) của tác phẩm được trưng dẫn. Nếu trong tài liệu tham khảo không có ghi năm xuất bản và tái bản thì ta ghi ký hiệu “n.d.” (no date of publication) cho tác phẩm tiếng Anh; “p.d.” (pas de date) cho tác phẩm tiếng Pháp và kn (không năm xuất bản) cho tác phẩm tiếng Việt.

g) Năm XB có thể đặt sau nhà XB theo trật tự sau đây (Nơi XB: NhàXB, năm XB), và cũng có thể đặt sau tên tác giả nhưng phải bỏ trong ngoặc đơn và sau nó phải có dấu chấm.

8. Về Số Trang: Trước số trang, ta ghi ký hiệu “p.” (chỉ một trang) hay “pp.” (2 trang trở đi) cho tác phẩm tiếng Anh hay tiếng Pháp và ký hiệu “tr.” cho tác phẩm tiếng Việt. 

 

PHONG CÁCH THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Thư mục hay thư tịch tham khảo (Bibliography) là bản liệt kê danh sách các tài liệu tham khảo trong bài khảo cứu, tác phẩm, sách, luận văn tốt nghiệp hay luận án. Thư mục tham khảo là sự mô tả có hệ thống về toàn bộ hay lịch sử ấn bản về một đề tài nghiên cứu nào đó bao gồm các chi tiết tên tác giả, tựa đề tác phẩm, (tên dịch giả nếu có) nơi xuất bản, nhà xuất bản, năm xuất bản hay tái bản của các tác phẩm tham khảo. Nó chủ yếu đề cập đến các nguồn gốc thông tin về sách tham khảo, và là bản liệt kê có hệ thống danh sách các tài liệu có cùng tính chất hay chung đặc điểm, chẳng hạn như cùng chủ đề hay cùng tác giả. Thư mục tham khảo còn được gọi bằng các tên khác nhau như “Thư Mục Trích Dẫn” (Works Cited hay List of Works Cited), “Sách Tham Khảo” (Reference hay List of Reference), “Thư Mục Chọn Lọc” (Select Bibliography) hay “Tham Khảo Chọn Lọc” (Select References).

2. Thư mục tham khảo phải bao gồm các chi tiết tên tác giả, tựa đề tác phẩm nguyên tác được in nghiêng, (người dịch hay xuất bản, tựa đề bản dịch nếu có), nơi xuất bản, nhà xuất bản, năm xuất bản hay tái bản và giới hạn số chương, mục, trang, đối với các bài nghiên cứu trong tuyển tập, bách khoa hay tạp chí.

3. Viết hoa toàn bộ tên họ tác giả, Nơi XB, Nhà XB.  Viết hoa tên tác phẩm, ngoại trừ các liên từ, giới từ, mạo từ xác định. Nếu ba từ loại này đứng đầu câu trong tên tác phẩm tham khảo thì chúng phải được viết hoa. Chỉ in nghiêng tên tác phẩm

4. Về vị trí, thư mục tham khảo khác với các tác phẩm xuất hiện ở cước chú theo phong cách đầy đủ, ở chỗ, trong thư mục tham khảo, họ tác giả đặt trước, kế đến là tên và chữ lót, trong khi đó trong cước chú, tên tác giả đặt trước, kế đến là chữ lót và họ. Nếu tác giả là người Việt Nam thì không có sự khác nhau về cách trình bày: họ-chữ lót-tên.

Thư mục thao khảo: Warder, A. K., Indian Buddhism (Delhi: Motilal Banarsidass, 1991).

Cước chú: A. K. Warder., Indian Buddhism (Delhi: Motilal Banarsidass, 1991).

 

ĐỂ ĐÁNH CÁC THUẬT NGỮ PALI, SANSKRIT VÀ HÁN

Thông thường khi dịch các kinh sách Phật học, dịch giả gặp phải nhất nhiều thuật ngữ chuyên môn, nhân danh và địa danh bằng tiếng Pali, Sanskrit và Hán.

Để đánh được các thuật ngữ Pali và Sanskrit theo dạng được la-tinh hoá, quý dịch giả nên sử dụng chương trình Vietspell Checker 2000 tại địa chỉ sau đây:

http://www.buddhismtoday.com/huongdan/vietspell_checker_2000.htm

            Để đánh chữ Hán, quý dịch giả nên sử dụng chương trình Song Kiều phiên bản CPNT2.0 cho hệ điều hành Win NT4.0 hay Win 2000. Phần hướng dẫn sử dụng có thể download tại địa chỉ:

http://www.buddhismtoday.com/huongdan/danh_chu_Han_bang_am_HanViet.htm

Riêng chương trình và các phông chữ Unicode để đánh chữ Hán, quý độc giả có thể liên lạc email yêu cầu Tỳ-kheo Thích Nhật Từ (thichnhattu@yahoo.com) gởi cho đĩa CD chứa trọn chương trình. Riêng dịch giả ở Đức có thể liên lạc xin cư sĩ Chân Nguyên Đỗ Quốc Bảo (baodo@t-online.de ), người tạo phương pháp đánh chữ Hán bằng âm Hán Việt và phông chữ Unicode CN-Times đánh chữ Hán, Pali và Sanskrit. Trong email nên ghi rõ địa chỉ bưu điện để tiện gởi tặng đĩa CD chứa chương trình.

Nếu ai muốn có bản Win NT4.0 hay Win 2000 và Song Kiều TB 4.98 đã đăng ký xin vui lòng liên lạc với cư sĩ Chân Nguyên - Đỗ Quốc Bảo theo địa chỉ email đã nêu trên. Song Kiều TB 4.98 có thể thay thế CPNT để đánh chữ Hán theo âm Hán Việt cho hệ điều hành WinMe và Win98.

 

THỜI HẠN GỞI DỊCH PHẨM VÀ XUẤT BẢN

Vì nhà xuất bản dự định sẽ được khánh thành vào ngày rằm tháng 4 năm 2003, quý dịch giả nào muốn dịch phẩm của mình được xuất bản trong dịp ra mắt này, nên gởi dịch phẩm hoàn chỉnh về địa chỉ hai địa chỉ điện thư buddhismtoday@yahoo.com hay thichnhattu@yahoo.com trễ nhất vào ngày 30 - 1 - 2003. Sau ngày khánh thành nhà xuất bản, quý dịch giả có thể gởi dịch phẩm bất cứ khi nào dịch phẩm đã hoàn tất. Dịch phẩm sẽ được in và ra mắt độc giả trong thời gian sớm nhất, hay thuận tiện nhất.

Ngoài ra, các tác phẩm Phật học có giá trị được sáng tác bằng tiếng Việt, nếu quý tác giả muốn đóng góp cho học giới, có thể gởi về Nhà xuất bản, để yêu cầu xuất bản.

Trước khi gởi dịch phẩm hay tác phẩm, chư tôn đức và quý Phật tử nên dùng chương trình winzip để nén lại rồi gởi theo dạng attachment của email. Cách sử dụng chương trình này có thể download tại địa chỉ:

http://www.buddhismtoday.com/huongdan/winzip.htm

 

TỔ CHỨC THỜI GIAN DỊCH THUẬT

Thời gian không chỉ quý như vàng mà còn là vô giá đối với những ai ý thức về cuộc sống vô thường ngắn ngủi. Thông thường, chúng ta đã dành 1/3 cuộc đời cho việc ngủ nghỉ, 1/3 cho làm việc và 1/3 còn lại cho sinh hoạt và giải trí. Như vậy, trên căn bản, 2/3 thời gian của kiếp người dành cho ngủ nghĩ và làm việc. Đây là điều cần thiết đối với phần lớn chúng ta, vì ngủ nghỉ thiếu sẽ giảm tuổi thọ và không làm việc thì không thể sinh sống lâu dài được. Do đó 2/3 thời gian của kiếp người khó có thể san sớt được.

Tuy nhiên 1/3 thời gian sinh dành cho việc hoạt gia đình và giải trí, nếu chúng ta có tấm lòng đối với Tam Bảo, đối với thế hệ con em của chúng ta, nhất là đối với việc san sẻ kiến thức và kinh nghiệm tu học Phật pháp đối với người hữu duyên với Tam Bảo, thì việc chia bớt mỗi ngày một tiếng đồng hồ để dịch thuật kinh sách Phật giáo không phải là quá đáng. Hoặc quý vị có thể dành trọn ngày thứ bảy hay chủ nhật để làm việc dịch thuật cũng được. Như vậy, nếu theo cách đầu, thì mỗi năm chúng ta cúng dường Tam Bảo 365 giờ, trong khi theo cách sau, mỗi năm chúng ta cúng dường Tam Bảo 48 ngày, mỗi ngày 7 tiếng, tổng cộng 336 giờ cho một năm . Tuỳ theo hoàn cảnh, quý vị có thể chọn lựa phương thức tổ chức thời gian một cách thích hợp.

Với cách tổ chức thời gian như vậy, hy vọng rằng việc dịch thuật không phải là một gánh nặng đối với những ai có tấm lòng đối với việc truyền bá thông điệp của đức Phật.

***

Kính bạch chư tôn đức Tăng Ni
Kính thưa quý Phật tử

Vì lợi ích cho việc tu học của người con Phật trong và ngoài nước, vì sự nghiệp truyền bá thông điệp từ bi, trí tuệ và giải thoát đến với quần chúng hữu duyên, nhằm thúc đẩy phong trào nghiên cứu Phật học cho giới trẻ, và góp phần làm lớn mạnh nền Phật học Việt Nam, kính xin chư tôn đức Tăng Ni và quý Phật tử gần xa, chia sớt thì giờ quý báu của mình, phát tâm đại bi phiên dịch các kinh sách Phật giáo và hỗ trợ cho nhà xuất bản Đạo Phật Ngày Nay hoàn thành sứ mạng quan trọng này.

Kính chúc chư tôn đức và quý cư sĩ Phật tử an lạc trong chánh pháp và hanh thông trong cuộc sống.

Ngày 25 tháng 9 năm 2001

Kính cẩn
Tỳ-kheo Thích Nhật Từ và Tỳ-kheo Thích Trí Thể
 
***
***

 


Vào mạng: 25-9-2001

Trở về mục “Ban dịch thuật và nhà xuất bản ĐPNN”

Đầu trang