Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Nhân Duyên Vào Đạo Phật
Thích Phổ Huân

5
Nguyện ghi nhớ bốn điều diệu đế

Chúng ta đã hiểu phần nào căn bản Phật pháp, chúng ta có thể bắt đầu cho cuộc lên đường đem diệu pháp đi vào đời. Diệu Pháp mà chúng ta vừa lược hiểu qua (pháp nhân duyên) có thể đủ cho ta áp dụng tu hành, nhưng tại sao chúng ta không nhắc lại một diệu pháp căn bản nữa, để ta an tâm vững chí cho cuộc đi về với chánh pháp được thành tựu.

Diệu pháp này là Tứ Diệu Đế. Tứ Diệu Đế là bài pháp vạch ra chân lý của đạo, để đưa con người quay lại bản tánh toàn thiện, để nhìn thẳng vào chính bản thân mình mà tu sửa. Nếu thế gian này có người nghiên tầm mọi triết lý đạo giáo tinh ba nhất, lại thông suốt các vấn đề như vậy, nhưng chưa biết qua Tứ Diệu Đế, thì người đó vẫn xem là chưa được hoàn chỉnh trong cuộc truy tầm sự toàn thiện của nhân sinh. Và ngược lại, dù người chưa được may mắn nghiên tầm học hỏi các vấn đề quan trọng trên thế gian, nhưng hiểu được Tứ Diệu Đế thì người đó vẫn hơn vị đại trí thức kia. Nói như thế có quá lắm không? Xin thưa rằng không, bởi vì Tứ Diệu Đế không chỉ giúp cho người thấy được một cách rốt ráo chân lý nhân sinh, mà còn giúp họ đạt tới những gì là an định nhất của tinh thần, qua đời sống hiện thực ở nhân gian. Và nếu người đó muốn đi xa hơn nữa trong việc thực hành trọn vẹn chân lý đó, nghĩa là thực hành qua đời sống một tu sĩ, thì kết quả còn an định hơn gấp trăm ngàn lần người ở thế gian. Đó là kết quả chứng được quả Thánh Vô Sanh (A La Hán).

Sau đây chúng ta thử ôn lại những gì là Tứ Diệu Đế.

Khi hành giả Tất Đạt Đa thành đạo Chánh Đẳng Chánh Giác được thế gian xưng tụng là Phật (con người tĩnh thức hoàn toàn), Ngài đã ưu tư, thương tưởng đến các vị đạo sĩ trong quá khứ một thời cùng Ngài tu khổ hạnh. Trong các vị đó có vị là Thầy và cũng có vị là bạn Ngài. Nhưng bấy giờ, lúc này Ngài không chỉ là Thầy dạy lại họ mà còn là Thầy của mấy từng trời nữa (Thiên Nhơn sư).

Thật ra pháp đầu tiên mà Ngài khai thị sau khi đắc đạo không phải là Tứ Diệu Đế, mà là Pháp lý vượt siêu thế gian dành cho các vị Bồ Tát lớn, đó là kinh Hoa Nghiêm. Pháp này Phật diễn nói cảnh nhập Pháp giới, chỉ thẳng pháp tu chứng về cảnh giới Phật. Vì chỉ thẳng như vậy nên gọi là Đốn giáo và cũng thế ngoài hàng Bồ Tát lớn ra khó ai hiểu được.

Với Tứ Diệu Đế là Sơ chuyển Pháp Luân là đối với loài người chúng ta. Và cách giáo dạy đây gọi là Tiệm giáo, tức chỉ rõ vấn đề từ thấp lên cao. Do đó Pháp Tứ Diệu Đế là căn bản nhất, vì là bài Pháp đầu tiên mà Phật đã chọn lựa khai mở cho nhân loại thấy hiểu về chân lý cuộc đời, để làm bước đi đầu tiên đến bước giải thoát, vậy đó là cội gốc nền tảng của Phật đạo. Nếu không hiểu rõ Tứ Diệu Đế hay xem thường bốn điều này thì không thể nào có được nền tảng chứng đạt Pháp giải thoát. Và dù chỉ hiểu được bốn pháp này thôi, thì quả vị Phật chắc chắn sẽ đến trong tương lai.

Phật tìm đến nhóm ông: Kiều Trần Như, Ác Bệ, Thập Lực, Ma Ha Nam và Bạt Đề; năm ông đây là những người đầu tiên được nghe diệu pháp cao quý này. Thời Pháp vừa xong, liền trong nhóm ông có người đắc Thánh quả và lần lượt trong thời gian thật ngắn, tất cả năm ông đều đắc quả A La Hán tức không còn sanh tử nữa.

Hiểu Phật nói thế nào về Tứ Diệu Đế!

Con người được sinh ra, liền tức thời thọ khổ. Tiếng khóc oa oa (khổ quá) thoát ra từ một đứa bé mới sinh, tiếng khóc ấy vang vọng mãi cho đến thành một người lớn người già. Người lớn người già nào đâu phải không khóc, họ khóc nhiều lắm chứ, nhiều còn hơn hồi nhỏ nữa! Hồi nhỏ khóc vì không được, khi được thì hết khóc; bây giờ lớn lên rồi thì cái được đó sẽ không bao giờ được nên khóc mãi đến cuối cuộc đời. Cái không được như vậy vì bắt nguồn từ cái muốn không ngừng, nên không bao giờ được. Ôi làm sao kể ra hết cái muốn! Cho nên tiếng khóc người lớn tuy không có âm thanh nhưng uất ức, u ẩn, dã dượi trong lòng.

Khóc thế nào cũng là khổ, có ai khổ mà cười không? Chỉ trừ các bậc Bồ Tát thị hiện chịu khổ, rồi cười lớn lên cho mọi người thấy; chúng sanh sao lại vô minh quá, biết khổ mà cũng lao đầu vào thật là ngộ nghĩnh, nên Bồ Tát nín cười không được!

Khổ trước hết là có thân này, hể có thân xác vật lý là có tác động với ngoại cảnh, như nóng lạnh, đau nhức v.v. và khi thân thể bị phản ứng do tiếp xúc với những gì từ ngoại cảnh thì sinh ra đau bệnh và nếu không chữa được bệnh thì hư hoại dẫn đến cái chết. Nhưng dù nếu ít bệnh, hay bệnh không trầm trọng thì cũng vất vưởng sống thọ tám chín chục tuổi, rồi đến thời kỳ hư hoại cũng phải chết. Đó là luật tự nhiên của vật lý, và theo đạo Phật có bốn thời kỳ Thành, Trụ, Hoại, Không* cũng là như vậy. Đó là phần đau khổ về thể chất (sanh, lão, bệnh, tử), riêng về tinh thần thì cũng khủng khiếp không kém.

Thường thì tâm lý ai cũng thích thương yêu, mà thương yêu được trọn vẹn thì vui mừng nào kể cho hết. Sự thương yêu làm cho người lạc quan sống thọ, sự thương yêu làm cho cảnh vật tươi hẳn ra. Nói tóm lại khi nuôi dưỡng được tính chất thương yêu, thì cả một cảnh sống bừng lên có sức mạnh chuyển hóa tất cả. Nhưng thật khổ cho ta, vì ta không thể đặt tình thương yêu đó đến tất cả, mà chỉ hạn hẹp cục bộ trong gia đình, và từ cái hạn hẹp đó, ta lại chọn lựa đặt ra duy nhất đến một người, người mà ta thương nhất. Khi ta thương yêu nhất người nào, tất nhiên khi mất đi ta sẽ đón nhận một thảm trạng đau buồn nhất. Cho nên chúng ta dững dưng với cái chết của người khác và đau khổ tột cùng với cái chết của người thân mình là vậy. Đó là Phật dạy cái khổ thương nhau mà phải sống xa nhau ( Ái Biệt Ly Khổ).

Từ tánh thương yêu hạn hẹp như thế, tất nhiên tương phản lại ta có vô số người không thương, và vô số người đó chắc chắn có người mà ta không thương nhất. Không thương nhất thì đồng nghĩa thù ghét; và hễ thù ghét chừng nào ta càng khó chịu khi nhớ lại họ, hay có ai nhắc đến.

Chỉ nhớ đến mà khổ như thế, thử hỏi phải đối diện với nhau! Đối diện với nhau rồi chốc lát bỏ đi thì còn đở khổ, không may sống chung luôn với người đó; thôi còn gì mà khó chịu cho bằng. Khó chịu đến mức ta đau khổ bấn loạn người lên, rồi có thể làm được cái gì để giải tỏa cái thù ghét này; ta dùng mọi thủ đoạn hãm hại người đó. Không hại được ta mang mãi sự oán hận này. Nhưng thưa bạn! đó vẫn chưa cay nghiệt, vì có những trường hợp người mà ta không thích không ưa đó lại là người thân trong gia đình ta, có khi lại là người mà ta đã tuyên thệ cùng nhau đi trọn cuộc đời! Đây mới thấy đầy đủ nghĩa Khổ vì không thích nhau lại sống gần nhau (Oán Tắng Hội Khổ).

Vậy thì toàn ảnh trong cuộc đời này là những gì trái nghịch chăng? Ta muốn sống gần người ta thương lại không được, ta không muốn sống với người không thương lại được sống chung! Ta muốn người mà ta thương, dù không thể sống gần ta nhưng còn cho ta thấy niềm hy vọng nào đó, nhưng nghiệt ngã thay người ta thương yêu lại ra đi thật sớm, trong khi kẻ ta cầu cho khuất mặt, cứ nhởn nhơn gần gũi với ta và còn sống thọ hoài ra đó.

Bất lực ta quay về cầu mong lại chính ta, để sống đời an phận quên hẳn chuyện xưa nhưng nào có được, vì đời sống phải giao du kết bạn, ta lại rơi vào sự thương mến người, và như định luật hễ có người thương thì có người ghét. Giờ ta chỉ cầu được hưởng thụ vật chất, hưởng thụ đời sống phó mặc để quên đi người thương người ghét, vậy mà cuối cùng đâu thể được. Đến cả vật chất cũng không thỏa mãn cho ta; và dù chinh phục được vật chất đi nữa, thì thân xác kia theo thời gian ngày càng lụn bại, đâu thể nào hưởng thụ được như xưa. Vậy thì cuộc đời có gì thỏa mãn ta đâu! Thế mới hiểu mong muốn mà không được thì khổ vậy (Cầu Bất Đắc Khổ).

Đó là những gì mà con người phải trải qua sự thật này nên gọi là chân lý: Đây là diệu đế thứ nhất: Khổ Đế.

Đến đây nhìn lại quá trình khổ đã trải qua; ta thấy gì về sự mong cầu, sự thương yêu và thù hận! Tất cả đều đến từ sự tham dục mà ra. Vì tham dục, luyến ái nên từ vô thỉ kiếp, ta cứ duổi đầu mà đi không hề quay lại ghê tởm đoạn đường tạo nghiệp chất chồng của mình. Ta mang thân xác thô kệch máu mủ, vì đã chấp chặt vào nó từ vô số kiếp quá khứ, nên bây giờ theo luật tự nhiên khoa học, hễ có thân vật chất cuối cùng phải hư họai; nhà Phật gọi là bốn thời kỳ Thành-Trụ-Hoại-Không, cũng như luật nhân quả tạo thân bất tịnh thì quả báo đến với sự thô kệch, qua việc bệnh đau, đờm dãi, phân tiểu v.v...

Từ sai lầm tham dục luyến ái, nên bị sắc dục vật chất lôi cuốn tự bồi dưỡng cho thân xác này. Khi mê mờ về thân xác dục ái đó, ta phát sinh ra lòng tham lam ích kỷ, dành trọn tình thương cho mình; và hễ phản lại lòng luyến ái, ta liền triệt để bảo vệ mong thỏa mãn cho được dục vọng luyến thương kia. Vậy, vì tham dục nên tự tạo thân sắc dục, vì mang thân sắc dục nên tâm tưởng phát sinh sự thương yêu, thù ghét thuận theo tính tham dục. Do thế Phật dạy nguyên nhân của khổ là tham dục, luyến ái, và đó gọi là Tập Đế.

Thật khó tưởng được có người sống trong đời đầy quyến rũ dục tình, tham ái lại không bị động tâm kẹt vào những thứ này. Người ấy có lẽ phải thẩm thấu sự ghê tởm của tham dục mới không còn bị nó chinh phục. Và người đó cũng chắc chắn hiểu được kết quả sẽ đến thế nào khi từ bỏ dục tình tham ái kia. Trạng thái mà người dứt được tham dục là một trạng thái an lạc trong thanh tịnh, điều này chỉ có thể mượn ngôn từ tương đối của thế gian mô tả. Trạng thái đó nhà Phật tạm gọi là Niết Bàn, vậy người đạt được Niết Bàn là người không còn tham dục nữa. Như thế, biết được con người chịu khổ là do nguyên nhân tham dục, và tham dục diệt rồi thì sự an tịnh của Niết Bàn xuất hiện. Tới đây mỗi người chúng ta có đủ sáng suốt nhìn ra bản thân mình đã từng tham dục luyến ái bao lâu rồi! Nên phải mang bao kiếp thân khổ; vậy mà chưa tỉnh ngộ! Nếu ta thật sự ghê tởm dục tình tham ái thì bao nhiêu điều khổ như trên, sẽ không còn xảy đến cho ta. Đây là chân lý thứ ba gọi là Diệt Đế.

Chân lý còn lại là phương cách thế nào để thực hành đạt tới con đường thoát ly tham dục. Đó là con đường Trung Đạo. Phật dạy có tám pháp như sau: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định.

Hiểu và hành theo tám pháp này giúp con người đạt được đầy đủ thiện pháp, dứt trừ ác pháp. Có thể nói, thế gian này không tìm được một pháp học ‘chân thiện mỹ’ nào hoàn chỉnh như tám pháp này. Chúng ta thử lược xem một người thế nào thực hành được Bát Thánh Đạo (tên gọi của tám pháp).

Một người có cái nhìn sáng suốt, thấy được sự thật của vấn đề. Thấy vấn đề như sự thật của nó, (các pháp do nhân duyên sinh) thấy như thế sẽ không bám víu vào nó, chỉ chấp nhận nó như một đối tượng trong đời và như vậy người này vẫn sống với sự sự vật vật mà không tham đắm. Người này có chánh kiến.

Rồi người này lại luôn suy tư đến những điều lành điều thiện, điều gì chỉ mang lại niềm vui an lạc cho người, cho mình. Người này sống trong sự toan tính của xã hội mà tư tưởng không bị lôi kéo ảnh hưởng, chỉ duy nghĩ về những thiện pháp. Người này đã thực hành Chánh tư duy.

Khi hiểu biết và tư duy sáng suốt như thế, người này tức thì hành động theo thiện pháp. Lời nói và hành động bây giờ luôn luôn làm đẹp làm vui đến mọi người, tức là nói lời thành thật, nhã nhặn, xây dựng, tươi vui. Hành động cũng liền đi đôi với lời nói chân thiện, nên không hành hung bạo động đả thương đến bất cứ ai. Người này thành tựu cả hai Chánh ngữ và Chánh nghiệp.

Lời nói, hành động ở trong chánh pháp người này nhất định chọn cho chính mình cuộc sống phù hợp với những gì người này đã quán xét, tư duy. Công việc người này lựa chọn hẳn không tổn hại, thương tổn đến mọi người và trái lại chánh pháp - cả đến những cầm thú súc sanh người này cũng thể hiện được cái nhìn từ bi trí tuệ. Người này đã thực hành theo Chánh mệnh.

Tiếp theo là sự kiên trì, gia công gìn giữ các pháp lành thiện nghiệp mà người này đã lãnh hội, và luôn luôn đặt mình vào những hành động tích cực phát sinh thiện pháp. Cùng lúc đó lại hướng đến tâm niệm vượt lên, đến gần với pháp hỷ lạc. Người này bấy giờ có được cả hai: Chánh tinh tấn và Chánh niệm.

Cuối cùng người này đạt được Chánh định, nghĩa là luôn luôn sáng suốt minh mẫn trong mọi ý thức hành động của mình, và đó là kết quả huân tu ba nghiệp thanh tịnh hợp theo chánh đạo.

Hiểu qua như vậy, chúng ta thấy được con đường chân thiện rốt ráo rõ ràng, và ai cũng có thể thực hành đạt tới. Bằng cách này hay cách khác ít nhất, giáo lý Tứ Diệu Đế đánh thức ta, tỉnh giấc ngủ dài mê muội; không những ngay đời sống này, mà cả giấc ngủ say từ vô thỉ kiếp còn vương vấn làm ta mãi ngây ngất người không chịu mở mắt ra. Và thực tế đó không phải là chuyện viễn vông của lý tưởng suông, vì nó là sự thật, sự thật ta đang là đây, sự thật ta đang đi đến. Nếu sự thật của khổ không chối cãi được, thì sự thật của an lạc thanh tịnh cái gọi là Niết Bàn cũng hiện hữu ra ngay đời nay. Như thế chúng ta phải công nhận rằng, người nào thẩm thấu và thực hành được pháp Tứ Diệu Đế, người ấy đã hoàn chỉnh trong cuộc truy tầm triết lý của nhân sinh.

_______________

*Thành, trụ, hoại, không: sanh ra có mặt, tồn tại khoảng thời gian nào đó, đến lúc hư hoại, tan nát mất đi.


Mục lục | Giới thiệu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 |
| 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 |

 


Cập nhật: 1-12-2000

Trở về mục "Phật giáo cho người bắt đầu"

Đầu trang