Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Nhân Duyên Vào Đạo Phật
Thích Phổ Huân

22
Thiền

Thiền là một pháp tu không thể thiếu trong nhà Phật, dù là tu theo tông phái nào cũng đều nên thực tập. Trong Phật Học Từ Điển ĐTC, giải thích:..Thiền là một cõi đạo nói không cùng, biên ra không xiết. Ấy là môn giải thoát. Những nhà học đạo giữ giới cần phải thiền định. Nhờ thiền định mới đắc Trí huệ, giải thoát khỏi các sự phiền não: tham, sân, si. Thật vậy trong Lục Độ: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ đã nói về thiền, và do thiền là tâm mối của người tu Phật, nên người học Phật nào lại chẳng không nghe. Nhưng thiền không phải do đức Phật tìm ra, vì trước khi Ngài thành đạo cũng có các môn thiền của những đạo sĩ khác. Tuy vậy thiền để vào giải thoát thì duy nhất chỉ Phật tìm ra. Thiền lưu truyền đến ngày nay đã gần thành môn khoa học, người không biết đạo Phật họ cũng học thiền, cả luôn tôn giáo khác cũng học thiền mà không phân biệt chi cả. Quyển ‘The Elements of MEDITATION’ (Những yếu tố về Thiền) của giáo sư David Fontana, phần trang tựa sau sách có ghi ‘Thiền là một kỹ thuật thời xưa tạo cho sự thư thả thân và tâm, cũng như làm phát triển tinh thần của cá nhân’ (Meditation is an ancient technique which is used for physical and mental relaxation as well as for personal and spiritual growth...)* . Định nghĩa về thiền gần đây hơn, trong quyển BUDDHA - A Beginner’s Guide (Hướng dẫn Phật pháp cho người bắt đầu) xuất bản năm nay (2000), Tác giả viết:"....Thiền là yếu tố quan trọng trong việc thực hành Phật pháp, nó được phát triển phù hợp với giới hạnh bên trong" (Meditation is a vital component of Buddhist practice, to be developed in conjunction with inner discipline and morality).*

Chúng ta thấy, đời sống vật chất thế nào rồi cũng quay về bồi dưỡng nền tâm linh, nhưng bồi dưỡng bằng cách nào thì không có món thuốc chi bằng thiền định. Dù vậy thiền phải liên đới với đời sống hiện tại, nếu không cũng chỉ là món ăn tạm thời xoa bóp vết thương bên ngoài, mà hết cơn đau này lại nhiễm cơn đau khác. Thiền theo pháp giải thoát không thể định nghĩa, vì an lạc của tâm hồn thế nào có ai định nghĩa được không? Tạm hiểu rằng thiền là phương tiện khéo léo làm cho thân dừng lại và tâm trở nên trong sáng - thân dừng lại phải trong tư thế vững vàng, tức phải ngồi xuống chân chéo lại nhau (crossed-leg), hay gọi là bán già, kiết già. Hiểu tới đây chỉ là giai đoạn đầu, giai đoạn tiến cao hơn là thiền luôn cả khi đi, khi đứng, khi nằm và cả lúc ăn uống nói năng nữa. Nên nhớ giai đoạn này có kết quả hay không là do giai đoạn đầu. Như vậy tất cả tư thế hành động thiền đây chỉ là làm sao cho tâm được an trụ và an lạc. Tới đây chúng ta lưu ý rằng mục đích của việc học Phật là làm sao được giải thoát, làm sao được vào nhà chư Phật, nếu quên mất điểm này, thiền chỉ giúp ta hưởng lạc ở cõi trời vô sắc mà thôi, và còn cách xa nhà chư Phật đến ức ức Phật độ. Thế thì ta phải tu học giữ giới theo chánh pháp để có trí huệ, áp dụng vào Thiền, và có thể đạt được chánh định như là Định trong lục độ hay trong Định của Bát Thánh Đạo. Nhưng rồi sao nữa! Đây cũng chỉ là phương tiện! Ngày nay hiếm thấy được người hành thiền đúng pháp, thiền như Lục Tổ Huệ Năng lại càng không thấy, Ngài thiền đến bậc Tổ thiền mà không tự cho mình là thiền gì cả. Trước khi được truyền y bát làm Tổ, cũng không ai thấy Ngài ngồi thiền. Quả thật phi thường, khi THI"N được ngay trong lúc sống làm việc đông chúng như vậy.

Cận đại đây, có Ngài Hư Vân lão Hòa Thượng cũng là bậc cao tăng thiền, hành tung của Ngài khó mà hiểu, có lần Ngài ngồi thiền nhập định đến cả tuần lễ, và lực tu của Ngài còn cảm hóa được thú dữ. Các vị Thiền sư chứng đạo vậy, hầu như không bao giờ lên tiếng phát ngôn những gì không phải là chánh pháp. Vì các Ngài thấy sao thì nói vậy! Chúng ta ngày nay phần lớn nặng tu về kiến thức, nên nói ra cũng chỉ là kiến thức nhiều hơn. Chúng ta đọc trong sách, rồi mượn ý lập lại không khác, điều này vẫn tốt theo mặt thường thức phổ thông, trên phương diện duy trì phát triển truyền thống văn hóa. Tuy nhiên phương diện liễu đạo chứng đạo chỉ là nhân duyên hiếm hoi, do vì không nói bằng cái thấy của tâm nên khó thể truyền cảm đến thính giả được. Thế đó mà ta thường nghe trong nhà Thiền nói ‘dĩ tâm truyền tâm’, ‘bất lập văn tự’, ‘giáo ngoại biệt truyền’ (lấy tâm truyền tâm, không lập văn tự, truyền giáo không từ kinh văn) ý nghĩa là vậy.

Dù sao thì thiền cũng là cần thiết cho người Phật tử sơ cơ như chúng ta, hay nói đúng hơn cho tất cả người đang trong cái xã hội rền vang ngày nay. Như đã biết, chúng ta luôn luôn bị vòng quay sai sử, phải bù đầu tối tăm đủ chuyện, nếu ta không chịu ngồi xuống suy tư (Thiền), tìm ra đáp số thì muôn đời vẫn không ra khỏi vòng quay. Nếu không giải đáp được đáp số, ít ra ta cũng thấy được ta đang bị nó quay trói đến mức độ nào! Chỉ cần thấy nó thôi cũng mừng rồi, vì vấn đề chịu ngồi xuống, thật quả khó khăn. Đã nói tối tăm đủ chuyện không có thời gian, nên việc buộc thân này dám ngồi xuống là một cuộc cách mạng lớn. Nhưng đôi khi không phải sợ bỏ thời gian để ngồi xuống, mà sợ tâm nó phóng ra bộ mặt thật của mình. Bộ mặt mà bấy lâu nay mình cứ tưởng nó là một, nay thì nó đổi đủ hình; khi mang diện hình người tốt người hiền, lúc mang hình hèn hạ, ghê tởm...Rồi bên trong, nó (tâm) vẽ không biết bao nhiêu dị cảnh, nó cố tình hay vô tình ta không biết, nhưng rõ ràng ta không chịu nổi với cảnh ghê tởm xấu xa mà nó vẽ ra. Không chỉ nó lên án ta, mà nó còn làm ta nghĩ đến việc xấu xa với người khác, có khi đến cả người tôn kính.

Rơi vào tình cảnh này, vẫn là thường của một tâm thức đã vô minh tung hoành ngang dọc trong quá khứ kiếp, và do không có dịp hiển hình phóng ảnh, nên nằm yên đó; nay thân tâm kia chịu ngồi lại lắng nghe, đã cho nó một cơ hội phóng thoát ra ngoài. Nhưng rồi theo luật vô thường, nó cũng phải ra đi, bấy giờ ta tìm lại được cái thật của cội nguồn thanh tịnh. Đây là chỗ mà người ngồi thiền nào cũng mong đợi, và chính như thế mà người Tây Phương đa số đã tìm về Thiền trước tiên khi bước vào đạo Phật. Hay nói cách khác trong xã hội điện năng cơ khí, khi con người bị quay nhừ quá mức, họ đâm hoảng sợ rồi cố tìm sự bình an đâu đó. Gặp được Thiền, tưởng chừng không gì sung sướng hơn trên đời này - qua đó họ có dịp thư thả thân tâm một cách tuyệt vời...

__________

*The Elements of Meditation của David Fontane, xuất bản ở Anh năm 1991, by Element Books Limited.

__________

*Buddha - a beginner’s Guide, tác giả Gillian Stokes, nxb Hodder & Stoughton (Great Britain).

 


Mục lục | Giới thiệu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 |
| 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 |

 


Cập nhật: 1-12-2000

Trở về mục "Phật giáo cho người bắt đầu"

Đầu trang