Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
 LỄ TƯỞNG NIỆM
CỐ HOÀ THƯỢNG THÍCH ĐỨC NHUẬN
TẠI NEW DELHI, ẤN ÐỘ, NGÀY 25-1-2002

Bieu ngu tuong niem Hoa thuong truoc chanh dienMùa đông ở những xứ có thời tiết lạnh, dường như mọi việc thường nhật cũng chậm lại. Những ngày vừa qua trong lòng Tăng Ni đang du học  tại Ấn Ðộ lại cảm thấy trầm lặng hơn, sâu lắng hơn khi nhận được tin chẳng lành, cố Hoà Thượng Thích thượng Đức hạ Nhuận, bậc thạch trụ tòng lâm của Phật Giáo Việt Nam đã xả bỏ báo thân vào lúc 16 giờ 53 phút ngày 21 tháng giêng năm 2002.

Dường như chẳng ai bảo ai, nhưng trong tâm tư của Tăng Ni có cùng một suy nghĩ, nếu không về Việt Nam để được dự tang lễ của Hoà Thượng, thì tại đất Phật hàng hậu học cũng nên bài tỏ chung tấm lòng kính tiếc đối với Ngài! Nên vào ngày 24/01/2002 vài huynh đệ đi thông báo thỉnh mời chư đại đức tăng ni làm lễ tưởng niệm cố Hoà thượng tại chùa Ladak Buddha. Sáng hôm sau (25/01/2002) hầu hết quý tăng ni hiện đang có mặt tại New Delhi đều trở về tham dự. Người thì nhận mua bông trái nhang đèn, người thì nhận trang trí trần thiết, người thì nhận liên hệ Chùa để làm lễ và xe đưa rước, người thì nhận nấu nướng…

Chan dung Hoa thuong Thich Duc Nhuan

Đúng như chương trình đã sắp xếp, sáng ngày 25/01/2002 Tại Chùa Ladak Buddha, cách trú xứ của Tăng Ni du học khoảng 7 cây số, đã diễn ra một buổi lễ trang nghiêm và long trọng. Trước cổng chánh điện, biểu ngữ “Vô Cùng Kính Tiếc cố Hoà Thượng thượng Ðức hạ Nhuận vừa Viên Tịch” làm cho tăng ni tham dự đều bùi ngùi cảm động. Trong chánh điện câu đối nền đỏ chữ trắng ca ngợi hạnh nguyện của cố Hoà thượng: “Ðức liễu vô thường, thất thập cửu niên tuỳ duyên giáo chúng; Nhuận ngộ chân tánh, ngũ thập cửu hạ ứng hiện độ sanh.” Chính giữa là câu đối tiếng Việt: “Non nước khắc ghi người xuất chúng; Ðạo pháp lưu truyền bậc chân tu.” Trên di ảnh của cố Hoà thượng có ghi bốn chữ: “Ðàm hoa thường tại” và hai bên di ảnh có ghi câu đối bắt đầu bằng tôn danh của Hoà thượng gắn liền với ngôi chùa Giác Minh, trụ sở của Tăng Già Phật Giáo Bắc Việt: “Ðức giải tứ đế, giác tam thừa, nhập nhi vô nhập; Nhuận chứng tam thân, minh tứ quả, quy hựu bất quy.”

Quang canh dai le tuong niem

Nhìn chung, những tấm biểu ngữ, liễn đối, trái cây, nhang đèn và di ảnh của Cố Hoà Thượng đã được tôn trí một cách khéo léo và trang nghiêm vào lúc sáng sớm.

Chư Tăng Ni đến tham dự buổi lễ tưởng niệm khoảng 55 vị, và bắt đầu hành lễ vào lúc 11 giờ. Buổi lễ được cử hành với lời tuyên bố lý do của Đại đức Thích Thanh Chương:

“…Một quy luật ắt có và đủ từ ngàn xưa cho đến ngày nay. ‘Trăng tròn rồi trăng khuyết, bèo hợp rồi bèo tan’, đó là định luật khắc nghiệt của thiên nhiên, không có ngoại lệ cho bất cứ ai đã và đang có mặt trên cuộc đời này! Dẫu biết thế, nhưng sự ra đi của  Hoà Thượng thượng Đức hạ Nhuận, là sự mất mát lớn lao của Phật Giáo Việt Nam cũng như của Tăng Ni và Phật Tử trong và ngoài nước. Giới văn học nghệ thuật mất đi một người “thầy” một “tri âm tri kỷ” trong lĩnh vực sáng tác…”

TT. Thai Sieu tuyen doc tieu suTiếp theo, Thượng toạ Thích Thái Siêu thay mặt đại chúng tuyên đọc tiểu sử cố Hoà thượng. Trang tiểu sử của Ngài vừa kết thúc, cả chúng hội tham dự lễ tưởng niệm dường như lặng đi. Sự ra đi của Ngài đã để lại trong tâm tư của mỗi người nhiều cảm nhận, cảm xúc khác nhau qua cuộc đời hành đạo của Ngài. Riêng bản thân chúng tôi trong những giây phúc đó đã thật sự cảm động, vì nhớ lại những lời giáo huấn của Ngài rất bình dị và thương kính biết bao như vừa mới hôm nào:

Ngày trước trong thời điểm của tôi, không có được điều kiện tốt như các thầy cô bây giờ, cho nên quý vị hãy nỗ lực học tập, đừng bao giờ lãng phí thời gian. Một đời người ngắn lắm, phục vụ cho Phật pháp và chúng sinh chẳng được là bao nhiêu. Tôi hy vọng và tin tưởng thế hệ trẻ của các thầy cô nhiều lắm: ‘con hơn cha là nhà có phúc’, nếu sự tu học của quý vị chỉ bằng tôi hoặc thua tôi thì xem như đã hỏng! Quý vị cần lưu tâm vấn đề hệ trọng là bên cạnh việc học còn phải có sự gia công tu tập, để tiêu hoá những gì đã học. Đồng thời, mỗi thầy cô hãy tự biến mình thành đại dương để dung nạp các dòng sông nhơ bẩn, chẳng những không bị nó làm vẫn đục mà còn giúp nó trở nên thanh tịnh. Có chuẩn bị tư tưởng như thế thì khi đi vào cuộc đời mới không bị lệch hướng thượng cầu Phật đạo hạ hoá chúng sinh.

 

Chu tang ni dang thanh kinh tuong niem

Những lời chỉ dạy thân tình cao quí tương tự như thế, kể từ nay chúng tôi vĩnh viễn không còn được nghe nữa! Có lẽ trong những giây phút đau buồn đó, còn có rất nhiều người cùng chung tâm sự như chúng tôi, nhưng họ đã để dòng lệ đau thương chảy ngược vào bên trong để gói ghém những lời dạy mẫu mực và hình ảnh thân thương của một người Thầy khả kính. Không gian trên chánh điện trở nên tĩnh lặng, mọi người chỉ còn biết mặc niệm, tỏ bày niềm kính tiếc!

Tiếp theo chương trình là lời phát biểu cảm tưởng của Ðại đức Thích Hạnh Chánh. Ðại đức đã bày tỏ niềm tôn kính vô biên đối với cố Hoà thượng. Sau đó là điếu văn của tập thể tăng ni sinh đang học tại Ấn Ðộ do Đại đức Thích Thị Quả tuyên đọc. Thay Thi Qua dai dien tang ni hoc tai An Do tuyen do tieu suKế đến phần niêm hương tưởng niệm của toàn thể Tăng Ni. Một biến kinh nguyện cầu Giác Linh Ngài sớm cao đăng Thượng phẩm thượng sinh và hồi nhập Ta-bà để tiếp tục giáo hoá quần sinh. Sau thời kinh, Thầy xướng ngôn đã bày tỏ lời tán thán tấm lòng hiếu hạnh, hiếu đạo và hiếu kính của toàn thể Tăng Ni đối với bậc tòng lâm thạch trụ. Đồng thời mong mỏi toàn thể Tăng Ni trẻ hãy noi theo tấm gương quí giá, học tập và hoằng pháp cả một đời như Ngài để Phật pháp được mãi mãi hưng thịnh. Lễ tưởng niệm ngang đó là viên mãn. Cuối cùng, mọi người quây quần bên nhau thọ trai trong tình đạo vị, trang nghiêm và an lạc.  

Delhi 25/01/2002

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/nguoi/letang_HTThich_Duc_Nhuan.htm

 


Vào mạng: 27-1-2002

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang