Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

 

...... ... ..  . ..  .  .
CẨM NANG VIẾT
KHẢO LUẬN, LUẬN VĂN VÀ LUẬN ÁN

CHƯƠNG IV
ĐỀ CƯƠNG LUẬN ÁN VÀ BẢN TÓM TẮT LUẬN ÁN
(SYNOPSIS AND ABSTRACT)
 
I. ĐỀ CƯƠNG LUẬN ÁN  (SYNOPSIS or RESEARCH PROPOSAL)

A. Dẫn Nhập

Đề cương luận án là bản phác thảo của một công trình nghiên cứu về một đề tài nào đó. Đối với các trường theo hệ thống giáo dục Mỹ, đề cương luận án thường được tiến hành sau khi sinh viên đã đậu các học phần bắt buộc ở cấp Cao học (đối với luận án cao học) hay đậu các khóa học ở năm thứ hai của tiền tiến sĩ[1] (đối với luận án tiến sĩ). Đối với các trường theo hệ thống giáo dục Anh, đề cương luận án được tiến hành sau khi sinh viên hoàn tất khóa học Cao học hay Phó tiến sĩ.[2]

Đề cương luận án thường được viết với sự tham vấn hoặc dưới sự chỉ dẫn của giáo sư hướng dẫn (research guide hay supervisor) và phải trải qua hai giai đoạn xét duyệtĐxét duyệt của hội đồng nghiên cứu của bộ môn (Departmental Research Committee) và xét duyệt của hội đồng nghiên cứu của khoa (Board of Research Studies), trước khi nghiên cứu sinh chính thức tiến hành nghiên cứu.

B. Chọn Đề Tài[3]

1) Dẫn nhập

Mục đích của nghiên cứu là đóng góp kiến thức cho lãnh vực văn học đó. Chủ đề lựa chọn phải thích ứng với mục đích đó. Trình bày lại những kiến thức đã biết hẳn không phải là công việc của nhà nghiên cứu. Đề tài nghiên cứu phải hướng đến việc cung cấp những thông tin mới, hoặc ít ra phát hiện thêm những thông tin chưa được biết tới hay hiệu đính lại những kiến thức cũ. Do đó, chọn đề tài nghiễm nhiên trở thành công việc quan trọng thuộc vào bậc nhất của luận án.

2) Tiêu Chí Chọn Đề Tài

Để đề tài chọn lọc thật sự là đề tài có nhiều đóng góp và có giá trị, bạn nên cân nhắc một số điểm quan trọng sau đây:

a) Chủ đề nghiên cứu có mới mẻ không?

b) Có giáo sư hướng dẫn thích hợp hay không?

c) Bạn có thật sự thích chủ đề đó không?

d) Bạn có đủ khả năng khảo cứu chủ đề đó không?

e) Bạn có thểå hoàn tất đề tài trong thời gian ấn định không?.

f) Các công cụ cần thiết có đủ hay không?

g) Các phương tiện thư viện có đầy đủ không? 

h) Đề tài nghiên cứu có thật sự có ý nghĩa không?

i) Đề tài có thể đóng góp gì cho học giới?

Nếu phần lớn các câu trả lời đều là ‘được’ hay ‘có’ thì bạn nên tiến hành, bằng không, bạn nên tìm đề tài khác thích hợp hơn.

C. Các Hợp Phần của Đề Cương Luận Án

1) Ý Nghĩa Nghiên Cứu hay Tầm Quan Trọng của Đề Tài

a) Nội dung yêu cầu

Trong phần này, nghiên cứu sinh phải nêu bật được một số ý trọng tâm sau đây:

— Xác định vấn đề trong bối cảnh của văn học đề tài và của xã hội hiện tại.

— Động cơ và mục đích chọn đề tài để tiến hành nghiên cứu.

— Tầm quan trọng của đề tài trong văn học của nó.

— Tầm quan trọng của đề tài trong xã hội hiện tại về phương diện học thuyết hay ứng dụng.

— Giá trị nghiên cứu của đề tài.

b) Phong cách diễn đạt

Ngôn ngữ của phần trình bày về tầm quan trọng của đề tài nên cô đọng, ấn tượng và sáng tạo. Vì chỉ là một bộ phận của bản đề cương luận án, nghiên cứu sinh không nên nhập đề bằng cách lung khởi, để tránh cách diễn đạt dài dòng không cần thiết. Cách nhập đề trực khởi trong trường này thường gây những ấn tượng đẹp ở giáo sư hướng dẫn và hội đồng xét duyệt về chủ đề và trọng tâm của chủ đề nghiên cứu.

Vấn đề trọng tâm cần phải được định nghĩa hay nêu bật một cách rõ ràng, chính xác và dứt khoát. Các phần của tầm quan trọng về đề tài nêu trên cần được trình bày theo một trật tự logic, có kết cấu liên hệ mật thiết và biện chứng, để cùng làm nổi bật được giá trị đóng góp của vấn đề nghiên cứu trong bối cảnh văn học của nó cũng như trong xã hội hiện tại.

c) Giá trị của đề tài

Mặc dù không thể có một đề tài hoàn toàn mới mẻ và sáng tạo theo nghĩa chưa hề có một nghiên cứu nào trước đây đã tiến hành, đề tài của bạn nên tránh trùng lập với các nghiên cứu trước và phải có những điểm mới hay giá trị của riêng nó trong giới học thuật. Ít nhất đề tài của bạn phải có những đóng góp nhứt định về phương diện cung cấp kiến thức hay thông tin mới về đề tài hay những cách thức giải thích mới, giả thuyết mới, giải pháp mới cho những vấn đề cũ.

2) Điểm qua Lịch Sử hay Văn Học về Đề Tài

a) Lịch sử đề tài là gì?

Lịch sử đề tài hay văn học về đề tài (reviewing literature hay review of literature hay literary survey of the topic concerned) là toàn bộ mảng văn học về một chủ đề nghiên cứu nào đó, bao gồm các nghiên cứu liên hệ trực tiếp và gián tiếp đến chủ đề đó. Lịch sử đề tài cho người đọc biết hiện có tất cả bao nhiêu tác phẩm đã viết về đề tài đang thảo luận cũng như các phương pháp nghiên cứu của các tác phẩm đó, đồng thời cho chúng ta biết được ưu điểm và khuyết điểm của các nghiên cứu trước đó. Lịch sử văn học về đề tài nhằm tóm tắt tất cả các thành quả nghiên cứu trong quá khứ và phải được trình bày một cách có logic trong mối liên hệ trực tiếp đến mục đích nghiên cứu của đề tài. Sau khi nêu bật các thành tựu cũng như thất bại của các nghiên cứu trong quá khứ, nhà nghiên cứu phải trình bày một cách cô đọng phương pháp tiếp cận mới cũng như các vấn đề khám phá mới của mình.

Điểm lược lịch sử đề tài là công việc vô cùng quan trọng đối với nghiên cứu sinh và không chỉ được tiến hành hay dừng lại ở khâu viết đề cương luận án mà còn được tiếp tục xuyên suốt thời gian viết luận án. Mỗi lần phát hiện ra tài liệu mới liên hệ đến đề tài, nghiên cứu sinh phải bổ sung vào mảng văn học đề tài của mình cũng như phần thư mục tham khảo.

b) Chức năng của lịch sử đề tài

— Điểm qua lịch sử hay văn học về một đề tài giúp cho người viết biết được các khuynh hướng nghiên cứu trước đây và đâu là ưu khuyết điểm của chúng, để thừa kế, phát huy hoặc rút kinh nghiệm.

— Lịch sử đề tài còn giúp cho nghiên cứu sinh xác định dứt khoát về phạm vi nghiên cứu cũng như phương pháp nghiên cứu cho đề tài của riêng mình.

— Lịch sử đề tài còn giúp cho nghiên cứu sinh tránh được những nghiên cứu trùng lập không cần thiết và đi sâu vào những góc độ khác với những đóng góp mới hay khám phá mới cho lãnh vực nghiên cứu đó.

c) Bố cục của phần lịch sử đề tài: Lịch sử hay văn học về đề tài có thể được trình bày theo bốn cách­­­­Đtheo biên niên kỷ tác phẩm, theo tầm quan trọng của tác phẩm, theo phương pháp hay phân loại của tác phẩm và theo trường phái tư tưởng.

Theo biên niên kỷ của tác phẩm: Văn học của đề tài được điểm qua theo năm xuất bản đầu tiên của chúng. Quyển nào xuất bản trước thì điểm trước và sau thì điểm sau. Cách điểm lược văn học này không hấp dẫn lắm và tỏ ra đơn điệu, máy móc, nếu nghiên cứu sinh không có khả năng viết lách tốt và điêu luyện.

Theo tầm quan trọng của tác phẩm: Văn học của đề tài được điểm theo tầm quan trọng của tác phẩm. Nghĩa là tác phẩm nào quan trọng nhất thì được giới thiệu trước hay sau cùng để làm nổi bật hướng nghiên cứu trước đây, để từ đó trình bày hướng nghiên cứu của riêng tác giả.

Theo phương pháp hay phân loại của tác phẩm: Văn học của đề tài được điểm theo phương pháp nghiên cứu hay phân loại của tác phẩm. Nghĩa là các tác phẩm có cùng phương pháp nghiên cứu thì được điểm một lượt rồi đến các nhóm sách có phương pháp tiếp cận khác. Trong các nhóm phướng pháp, thứ tự của các sách được giới thiệu có thể theo biên niên hay tầm quan trọng của chúng.

Theo trường phái tư tưởng của tác phẩm: Văn học của đề tài được điểm theo hệ tư tưởng của một trường phái hay học thuyết (school of thoughts), chẳng hạn như tâm lý học của trường phái Freud, của Jung hay của Skinner.

3) Kế hoạch nghiên cứu  [4]

a) Dẫn nhập

Chọn kế hoạch nghiên cứu, trên cơ bản, liên hệ đến việc chọn lựa phương pháp nghiên cứu thích hợp nhất hay những kỹ thuật giải quyết các vấn đề của nghiên cứu. Đây là bước vô cùng quan trọng của luận án, bởi vì, sự chọn lựa sai lầm có thể dẫn đến kết quả một luận án có nhiều lỗ hỏng và bị phê bình như là thiếu logic và không có khoa học.

Phác thảo kế hoạch nghiên cứu thật sự khó vì lãnh vực nghiên cứu vô bờ bến và chủ đề nghiên cứu vô cùng tận. Trên căn bản, có hai phạm trù nghiên cứu chính, đó là, nghiên cứu thực nghiệm hay thể nghiệm (empirical or experimental studies) và nghiên cứu phân tích hay văn học (analytical or literary studies). Nghiên cứu thực nghiệm chủ yếu ứng dụng trong các lãnh vực nghiên cứu khoa học (Science-type). Nghiên cứu phân tích hay văn học chủ yếu ứng dụng trong các ngành học thuộc khoa Văn hay Nghệ Thuật (Arts-type).

Dù là nghiên cứu thuộc thực nghiệm hay phân tích, các yếu tố sau đây là cần thiết trong việc phác thảo kế hoạch nghiên cứu:

b) Trình bày giả thuyết (Statement of hypotheses)

Trong nghiên cứu thực nghiệm, vấn đề được tái trình bày bằng các giả thuyết cụ thể có kiểm nghiệm. Các giả thuyết này được trình bày một cách rõ ràng trong mối liên hệ với các nghiên cứu trước đây về đề tài. Trong nghiên cứu phân tích, ít khi nghiên cứu sinh sử dụng từ “giả thuyết.” Thay vào đó, nghiên cứu sinh sử dụng hàng loạt các luận điểm để bênh vực hay đánh đổ các học thuyết trước.

c) Trình bày các giả định (Statement of Assumptions)

Trình bày các giả định là phần cần thiết đối với các loại nghiên cứu. Các giả định phải được trình bày rõ ràng, cụ thể. Tránh các thái độ chủ quan và kết luận vội vã trong các giả định.

d) Giới hạn phạm vi nghiên cứu (Limitations of the Study)[5]

Đề tài nào cũng cần phải có giới hạn nhất định của nó. Không giới hạn phạm vi nghiên cứu thì chủ đề sẽ mông lung và không thể nêu bật được đâu là vấn đề trọng tâm của nghiên cứu, và tệ hơn là, nghiên cứu sinh khó có thể hoàn thành công trình nghiên cứu của mình trong thời gian ấn định. Do đó, trong phần kế hoạch nghiên cứu, nghiên cứu sinh phải trình bày rõ ràng giới hạn phạm vi nghiên cứu của mình. Nghiên cứu sinh không nên chạy theo tham vọng chọn những đề tài quá rộng, bao gồm hay liên hệ đến nhiều lãnh vực nghiên cứu khác nhau. Tham vọng như vậy chưa cần thiết lắm trong lúc viết luận án.

Hai loại giới hạn phạm vi nghiên cứu

Giới hạn phạm vi nghiên cứu bao gồm hai loại, đó là, giới hạn phạm vi nguồn văn học và giới hạn phạm vi của vấn đề nghiên cứu. Giới hạn phạm vi nguồn văn học thường là giới hạn tối thiểu hay tối đa nguồn tài liệu gốc mà nghiên cứu sinh sẽ tiến hành khảo sát. Giới hạn phạm vi vấn đề nghiên cứu là giới hạn vào các vấn đề nghiên cứu cụ thể trong khả năng và thời gian cho phép.

Ví dụ

Đề tài “Phê Bình Triết Học Tâm trong Kinh Lăng-già Tâm Aán” có giới hạn phạm vi nguồn văn học là “Kinh Lăng-già Tâm Aán” mà thôi (không bao gồm các Kinh điển Pali và Đại thừa khác) và có giới hạn phạm vi vấn đề nghiên cứu là “triết học tâm” mà thôi (không nghiên cứu đến các vấn đề khác như thế giới quan, thiền định, ngôn ngữ v.v....trong Kinh này).

e) Định nghĩa các thuật từ

Các thuật từ cần phải được định nghĩa một các chính xác, rõ ràng. Sự giải thích của các khám phá hay đóng góp tùy thuộc một phần vào cách định nghĩa các thuật từ.

f) Tính chính xác của kế hoạch nghiên cứu

Trong các nghiên cứu thực nghiệm, các phương pháp thống kê để kiểm chứng các giả thuyết cần phải được mô tả và khảo cứu thật chính xác và thích ứng. Sự chính xác và không chính xác có thể dẫn đến hệ quả các giả thuyết được chấp thuận hay bị bác bỏ. Ngược lại, trong các nghiên cứu phân tích hay phê bình văn học, sự mô tả rõ ràng các phương pháp sử dụng để xác định nguồn dữ liệu đóng vai trò quyết định và do đó cần phải mô tả rõ ràng.

g) Mô tả số liệu và mẫu

Phần lớn các nghiên cứu thuộc thực nghiệm đòi hỏi mẫu ngẫu nhiên hay tiêu biểu về số liệu hay mật độ xuất hiện. Vấn đề đặt ra là số liệu và mẫu đưa ra đó có chính xác không và phương pháp làm mẫu đó có thích hợp không?

Các nghiên cứu phân tích hay phê bình văn bản cũng sử dụng mẫu và số liệu. Chẳng hạn như, trong một luận án về thơ ca Phật Giáo trong văn học Việt Nam sau 1975, tất cả số lượng và mẫu lựa chọn về cái gọi là “thơ ca Phật giáo” cần phải được nêu ra để thảo luận. Vấn đề sẽ cần phải nêu ra đối với tác phẩm này là số lượng tuyển chọn có tiêu chuẩn hay không, và cách đánh giá thơ Phật giáo có tiêu chuẩn không hay phát xuất từ những giả định mang tính cách cảm tính, định kiến hay thiên kiến?

h) Kiềm chế sai suất

Kiềm chế sai suất chỉ ứng dụng chủ yếu đối với các nghiên cứu thuộc thực nghiệm. Nhà thực nghiệm cần xem xét các biến thiên nào có thể diễn ra trong một tình huống cho sẵn. Trong phòng thí nghiệm, nhà thực nghiệm có thể dễ dàng kiềm chế các khả năng về biến thiên hay nguồn sai suất. Đối với các nghiên cứu hiện trường, nhà thực nghiệm thường chỉ hạn chế được các biến thiên mấu chốt và ngẫu nhiên hóa các cái còn lại. Trong cả hai trường hợp, các trị số biến thiên và cách kiềm chế của chúng cần được mô tả cụ thể và chi tiết.

i) Độ tin cậy và tính giá trị

Hình thành tính giá trị của các công cụ thử nghiệm và độ tin cậy là điều cần thiết với các nghiên cứu thực nghiệm. Nghĩa là, các thử nghiệm sẽ cung cấp các biện pháp đo lường thích hợp cũng như mục đích phục vụ của chúng. Trong các nghiên cứu phân tích hay phê bình văn học, việc đánh giá các dữ liệu cũng đóng vai trò quan trọng tương tự. Do đó, nghiên cứu sinh nên tham khảo các nguồn tài liệu gốc hơn là nguồn tài liệu hai. Càng ít sử dụng dịch thuật hay chuyển hóa thông tin hay tài liệu tham khảo càng ít có khả năng làm dị dạng hay bóp méo vấn đề được trình bày. Nghĩa là độ tin cậy và giá trị của nghiên cứu thường nằm ở các tài liệu gốc.

4) Cấu Trúc Chương của Luận Án[6]

Cũng như một ngôi nhà, cấu trúc chương được xem như khung sườn của văn bản hay luận án. Khung sườn càng cân đối thì ngôi nhà càng vững chắc. Tính cân đối của khung sườn luận án không nhất thiết bao gồm sự đồng đẳng về số trang của các chương. Cân đối ở đây được hiểu là các chương đóng một chức năng khác nhau và cùng nỗ lực làm cho tổng thể của luận án đạt được mục đích nghiên cứu của nó. Thông thường, một cấu trúc chương cân đối thường bao gồm chương dẫn nhập, các chương nội dung và chương kết luận.

Chương dẫn nhập thường bao gồm lý do nghiên cứu về đề tài, lịch sử văn học về đề tài, giới hạn phạm vi nghiên cứu về đề tài, phương pháp nghiên cứu của đề tài, các giả thuyết hay đóng góp của nghiên cứu sinh.

Chương cuối cùng thường là chương kết luận, nhằm trình bày những đóng góp của tác giả cũng như những đề nghị hay gợi ý cho các nghiên cứu chuyên sâu về đề tài.

Đối với các chương nội dung, thông thường, các nghiên cứu thuộc thực nghiệm có thêm một vài chương về tiến trình cũng như kỹ thuật nghiên cứu (bao gồm giả thuyết, mẫu, thử nghiệm, thiết kế nghiên cứu) và một vài chương về kết quả nghiên cứu. Các nghiên cứu phân tích hay phê bình văn học, trái lại, thường có cấu trúc chương theo dạng biên niên (chẳng hạn như thời kỳ đồ đá nguyên thủy, thời kỳ đồ đá giữa và thời kỳ đồ đá muộn) hay được bố cục theo dạng phát triển logic (chẳng hạn như thơ, kịch, tiểu thuyết).

Khung sườn chương của đề cương luận án nên được phác thảo tương đối chi tiết và phải thích ứng với phạm vi và phương pháp nghiên cứu đã chọn. Cấu trúc chương của luận án trong giai đoạn đề cương nghiên cứu chỉ là dự thảo và do đó, có thể được bổ sung, sửa chữa tùy theo nguồn tài liệu có được trong suốt quá trình nghiên cứu.

5) Thư Mục Tham Khảo[7]

Thư mục tham khảo của luận án thường bao gồm nguồn tài liệu gốc (Primary sources) hay văn bản gốc (Texts) và tài liệu hai (Secondary sources) hay tài liệu nghiên cứu (Studies). Các sách tham khảo này trước nhất đáp ứng cho công việc nghiên cứu ở giai đoạn viết đề cương và sau nữa là đáp ứng cho việc phác thảo một thư mục tham khảo hoàn chỉnh cho luận án. Do đó, thư mục tham khảo này thường được bổ sung theo thời gian mỗi khi nghiên cứu sinh phát hiện thêm nguồn tài liệu mới, thích ứng cho chủ đề nghiên cứu của mình. Thư mục tham khảo có thể bao gồm những sách được trích dẫn hoặc những sách chỉ tham khảo ý mà không có trích dẫn trong luận án.

      Nếu luận án thuộc công trình so sánh hai nhân vật hay học thuyết thì tài liệu tham khảo được phân bố theo biên niên của hai nhân vật theo thứ tự tài liệu gốc trước rồi đến tài liệu hai sau của từng nhân vật.

      Ví dụ, nếu đề tài luận án là “So Sánh Học Thuyết Ngôn Ngữ của Wittgenstein và Ngrjuna” thì bố cục của Thư mục tham khảo có thể được trình bày như sau:

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(A) VỀ NGRJUNA

1) Tài liệu gốc: Các sáng tác của Ngrjuna.

2) Tài liệu hai: Các tác phẩm nghiên cứu về học thuyết ngôn ngữ của Ngrjuna.

(B) VỀ WITTGENSTEIN

1) Tài liệu gốc: Các sáng tác của Wittgenstein.

2) Tài liệu hai: Các tác phẩm nghiên cứu về học thuyết ngôn ngữ của Wittgenstein.

(C) CÁC TÁC PHẨM CHUNG

1) Về học thuyết và tư tưởng chung của Ngrjuna và Wittgenstein.

2) Về học thuyết của các triết gia có liên quan: giống và khác.

D. Cách Trình Bày Đề Cương Luận Án

1) Các Chi Tiết Yêu Cầu

— Tựa đề của đề cương luận án.

— Cấp văn bằng và môn học của đề cương luận án.

— Năm nộp đề cương luận án.

— Tên của nghiên cứu sinh.

— Tên giáo sư hướng dẫn.

— Tên bộ môn.

— Tên trường đại học.

— Địa điểm của trường.

2) Qui Định về Trình Bày

— Khổ của đề cương luận án là khổ giấy A-4.

— Tất cả được trình bày ở giữa trang.

— Tựa đề của đề cương luận án, tên nghiên cứu sinh và người hướng dẫn phải viết bằng chữ in hoa và đậm.

— Các phần còn lại viết theo phong cách tiêu đề, nghĩa là viết hoa tất cả các chữ còn lại, ngoại trừ các giới từ, liên từ và mạo từ.

— Tỉnh lược toàn bộ các dấu chấm câu.

3) Mẫu Trình Bày Đề Cương Luận A'n

 

A CRITIQUE OF

WITTGENSTEIN’S THEORY OF MEANING

 

 

A Synopsis for Registration

in the Ph. D. Course in Philosophy

Academic Year 1998-1999

 

 

By

THÍCH TRÍ NHÂN

 

 

Under the Supervision of

Dr. THÍCH CHÂN NGUYÊN

Professor of Pali and Theravada Buddhism

 

 

  

Department of Philosophy

University of Delhi

Delhi-110009

 

 

II. BẢN TÓM TẮT LUẬN ÁN (ABSTRACT)

1) Định Nghĩa

Bản tóm tắt luận án (abstract) là bản phúc trình về một công trình nghiên cứu nhằm tóm lược các điểm chính yếu, các khám phá hay đóng góp của nghiên cứu sinh về một đề tài nào đó.

2) Nội Dung Yêu Cầu

Bản tóm tắt luận án thường bao gồm bốn phần sau đây:

— Tuyên bố ngắn về vấn đề nguyên cứu.

— Mô tả cô đọng về phạm vi và phương pháp nghiên cứu mà nghiên cứu sinh tiến hành trong luận án.

— Tóm tắt vài nội dung quan trọng và những đóng góp nguyên thủy của nghiên cứu sinh.

— Các đề nghị hay gợi ý về phương hướng cho các nghiên cứu chuyên sâu về đề tài về sau.

3) Sự Khác Nhau giữa Đề Cương Luận Án (Synopsis/Research Proposal) và Bản Tóm Tắt Luận Án (Abstract)

a) Về chi tiết: Đề cương luận án, ngoài bốn chi tiết trên, còn bao gồm thêm ba chi tiết khác, đó là, điểm lược văn học về đề tài, cấu trúc chương và thư mục tham khảo.

b) Về tiến trình: Đề cương luận án chỉ là bản dự thảo khởi đầu cho một công trình nghiên cứu, trong khi bản tóm tắt luận án là kết quả nghiên cứu của công trình đó.

c) Về nội dung:

— Đề cương của luận án có thể thay đổi, bổ sung tùy theo mức độ có được của nguồn tài liệu cũng như khả năng và thời gian cho phép.

— Bản tóm tắt luận án là kết luận của vấn đề đã được dày công nghiên cứu và do đó, không phải sửa chữa, bổ sung, nếu giáo sư hướng dẫn đã hài lòng.

— Ngôn ngữ của đề cương luận án thường là ngôn ngữ giả thuyết về học thuyết mới hay giải pháp mới cho một vấn đề và giả thuyết hay giải pháp đó có thể thay đổi hay chỉnh lý trong quá trình nghiên cứu, trong khi đó, ngôn ngữ của bản tóm tắt luận án là ngôn ngữ kết quả của nghiên cứu với một giả thuyết và phương pháp mới cho một vấn đề tương đối thuyết phục với những luận chứng hỗ trợ và minh họa.


[1] Về chương trình tiến sĩ của hệ thống Mỹ, xem E. M. Phillips and D. S. Pugh., op. cit., pp. 147-8ff.

[2] Dịch ý của văn bằng M. Phil. của hệ thống Anh. M. Phil. là viết tắt của “Master of Philosophy,” có nghĩa là Cao học Triết học về một môn nào đó. Đây là văn bằng nghiên cứu sau văn bằng Cao học Văn chương (Master of Arts, viết tắt là M. A.) hay Cao học Khoa học (Master of Science, viết tắt là M. Sc.) về một môn học nào đó và chuẩn bị bước lên cấp Tiến sĩ Triết học (Doctor of Philosophy, viết tắt là Ph. D., mà người Việt Nam gọi tắt/thiếu là bằng Tiến sĩ). Việt Nam do ảnh hưởng hệ thống giáo dục của Liên Xô nên có thêm văn bằng Phó tiến sĩ, văn bằng đang hướng đến (phó là hướng đến) tiến sĩ. Thực ra, từ phó tiến sĩ mà người Việt Nam dùng là lấy lại dịch ngữ của Trung Quốc về văn bằng Kandidat nauk của Liên Xô, mà tiếng Anh thường dịch Candidate of Science (Private docent; associate professor). Khóa học này kéo dài từ hai đến năm năm. Hệ thống giáo dục Việt Nam bị ảnh hưởng theo hệ thống giáo dục của Liên Xô nhưng lại xài từ dịch của Trung Quốc, nên có người mới chơi chữ (đồng âm dị tự), biếm nhẽ rằng tiến sĩ gì mà cũng chia ra phó và chánh, như chức vụ vậy.

[3] Xem chi tiết ở phần III, chương “Tiến trình soạn thảo khảo luận, luận văn và luận án.”

[4] Tiếng Anh là “Designing the Study” hay “Design of the Study.” Đối với một số trường đại học hoặc đối với một số bộ môn, phần này chỉ bao gồm phần “Giới hạn và phương pháp nghiên cứu đề tài” (Scope and Approaches of the Research) mà thôi.

[5] Xem phần III của chương “Tiến trình soạn thảo bài khảo luận, luận văn và luận án.”

[6] Tiếng Anh là “Structure of the Proposed Thesis.” Bạn có thể dùng các cụm từ đồng nghĩa như “Dàn bài của chương” (The Chapter Outline) hay “Kế hoạch chương giả định” (Tentative Chapter Plan) hay Sự phân chương (Chapterization). Về chi tiết, xem thêm phần III của chương “Cấu trúc của luận án.”

6 Về cách trình bày thư mục tham khảo, hãy xem chương “Thư mục tham khảo.”

-oOo-

Lời nói đầu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | Sách tham khảo

 


Vào mạng: 20-10-2001

Trở về mục "Tham khảo"

Đầu trang