Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
PHÊ BÌNH
KÝ SỰ HÀNH HƯƠNG ĐẤT PHẬT
Thích Nhật Từ

Chương III
Từ Ngoại Đạo Theo Dấu Phật

I. Lời Lẽ Tục Tĩu của Kẻ Cuồng Dâm (tr. 61-71)

Đó là nội dung của phần dẫn nhập của chương Từ Ngoại Đạo theo Dấu Phật. Trong phần này bạn đọc sẽ thấy ông Phan Thiết đã bịa ra một câu chuyện với những nhân vật thần linh của Bà-la-môn, với nhiều tình tiết dâm dục và tục tĩu, bằng cách sử dụng nhiều thuật ngữ Phật học để "nhục mạ" Phật giáo. Đ?c vào phần này, chúng ta sẽ thấy ông Phan Thiết lộ nguyên hình của một tên dâm dục, với nhãn quan và sự thèm khát khoái lạc thân xác, nắn ra một câu chuyện dâm dục, để thỏa mãn thị hiếu viết sách chống Phật giáo. Dưới đây là một số dẫn chứng điển hình.

1. Thay vì là "thần linh" ông cố tình dùng chữ "thần phật" để nhục mạ đức Phật. Thật là xấc xược! Ông viết "Đã hai mươi năm qua, chư thần trên đỉnh Olympus quá an nhàn trái với truyền thống thần phậtưa liễu sự, thích can thiệp vào chuyện thế gian hoặc làm bộ giáo hóa chúng sinh" (tr.61, d. 4-6). Tương tự, ở một đoạn khác, ông viết một cách vô giáo dục: "ba nữ thần này làm sao chia nhau quả táo vàng theo với tập tục thần phật "trong một cánh rừng không có hai chúa sơn lâm" (tr. 62, d.27-8).

2. Ông Phan Thiết sử dụng các thuật ngữ Phật học và thiền để nói về sự hoang đường của sáng thế trong đạo Bà-la-môn, theo sự bịa đặt của ông: "Điều kiện sáng thế là Rudra cần phải chay tịnh vaham thiền rất lâu. Muốn đốt giai đoạn, ngài bèn lặn xuống nước ngồi thiền. Tuy thế cũng phải mất đến vài a-tăng-kỳ-kiếp nữa Rudra mới xả thiền" (tr. 63, d.20-2).

3. Từ việc mượn thuật ngữ thiền để diễn tả sự tục tĩu, ông Phan Thiết nhắm đến việc mạ lỵ Phật giáo: "Dương vật trở thành cây thiền trượng cắm xâu xuống mặt đất, phần trên còn ngổng cao thấu trời xanh! Điều lạ lùng là bất cứ vật gì chạm vào dương vật ấy đều bị cháy ra tro. Thế rồi nó biến thành một quả núi rực lửa gọi là núi Tu Di (Meru)." (tr. 63-4).

4. Kém văn hóa hơn, ông Phan Thiết viết: "Công việc xem ra vô vọng vì dương vật cắm trong không hải dài quá, vô bờ vô bến, vô thủy vô chung. . . họ liền thấy đấng vừa sinh vừa diệt Siva đang ngồi tham thiền bên trong dương vật của mình . . . Siva bật cười chế nhạo Brahma và Visnu. Tiếng cười như tiếng sấm tạo thành ngôn ngữ thiêng liêng của thần phật mà người theo Bà-la-môn hay theo Phật ưa tụng niệm đại loại "Úm ma-ni-bát mi hồng" . . . Thiền trượng hay núi Tu-Di là biểu tượng dương vật của thần Siva ở trạng thái phải cương cứng, ngỏng cao vì tinh tử chưa xuất . . . Đường đến niết-bàn là đường dục vọng và hủy diệt tức giải thoát [lếu láo]. Dương vật của thần Siva quả có hai mặt nên Siva vừa là đấng sáng thế vừa là đấng hủy diệt: Hệ thống nhất nguyên trong một nhị nguyên của các nhà lập thuyết Bà-la-môn và học giả đạo Phật sau này! Vì sự tác hại do dương vật của thần Siva gây ra, các vị thiện nam tử hợp lại nhau bạch với thần Brahma . . . thiền trượng [dương vật] của ta chỉ thiền hành [giao hợp] trong thung lũng tình yêu [nữ căn] của nữ thần kiều diễm Parvati. Sự tích Yoni [cơ quan sinh dục nữ] và Lingam [dương vật] ngày nay vẫn còn được thờ phụng trong các đền thờ Ấn Độ giáo và chùa thờ Phật. (tr. 64-5).

5. Bằng cách giải thích bậy bạ về học thuyết bất nhị theo nghĩa "nam nữ giao dâm hai mà một" ông Phan Thiết đả phá học thuyết bất nhị này. Dựa trên cơn hoang tưởng bệnh hoạn về sự giao dâm của bản thân, ông Phan Thiết cho rằng hóa thân của chư Phật và bồ-tát xuất phát từ đây: "Kama (sự dâm dục, giao cấu) phá thiền bằng cách hóa thành làn hơi chui vào tai Siva cám dỗ. Siva lắc đầu trục Kama xong tiếp tục nhập định. . . Siva tức giận lấy lửa tam muội [thiền định] đốt Kama ra tro. . . Ngài hãy ở đây nhập thiền với thiếp, thiền phòng đã sẵn. . . không bao giờ ngài ngộ đạo nếu thiếu thiếp . . . Thoát chốc Siva ngộ đạo, nhị vị thần linh rơi vào nhau ân ái mê mệt. Cả hai nên một, chàng là Siva thì nàng cũng là Siva. Nàng là Parvati thì chàng cũng là Parvati: Hệ thống nhất nguyên ra đời kèm theo lý thuyết Hóa thân của chư Phật và Bồ-tát sau này [vô giáo dục] (tr. 66).

6. Để kết luận câu chuyện dâm dục tục tĩu, sản phẩm của một đầu óc kém văn hóa tinh thần và suy thoái về đạo đức, ông Phan Thiết viết "Cửa thiền phòng do bò thần Nandi canh giữ. Chứng kiến cảnh thiền hành [giao hợp] giữa linga (dương vật) và yoni (âm vật) của thần Siva, Nandi nhả ngọc phung châu thành thơ tình ái. Đời sau một thiện tri thức tên là Sretaketu chép lại thành "kinh Tình yêu" tức là bộ "Kama Sutra" vậy" (tr. 66-7).

Một kẻ tục tĩu, kém văn hóa, ngông cuồng, ác tâm như ông Phan Thiết qua câu chuyện dâm đãng hoang tưởng trên chứng tỏ ông là người bất chấp tất cả, để thỏa mãn cơn tham vọng, sân hận và ngu muội: chống lại chân lý tình thương và trí tuệ của đạo Phật.

II. Lối Ngụy Biện "Đồng Hóa Số Lượng với Phẩm Chất"

Trong bốn trang kế, từ trang 68 đến trang 71, ông Phan Thiết nhắm đến 2 điểm sau đây: (1) Phật và bồ-tát là phó bản của chư thần Bà-la-môn, (2) Phật và bồ-tát có đẳng cấp.

1. Về điểm thứ nhất, ông Phan Thiết viết: "Từ thần Ấn Độ tôi nhận ra ngay các đức Phật và Bồ-tát của phái Đại Thừa biến thể của các thần Ấn Độ dưới một góc độ và một cái tên khác" (tr. 68). Ông chứng minh theo dạng bứt râu ông nọ cắm cằm bà kia như sau: "Về thần ‘dạng’ thì phật ‘dạng’ là một phó bản của chư thần: Thần Siva có ba con mắt. Con mắt giữa chặn mày của Ngài là con mắt thần thông [sic]. Người ta vẽ cho Phật Thích-ca con mắt này, nhưng lại vẽ cho Ngài "Nơi lông trắng giữa chân mày phóng hào quang chiếu khắp một vạn tám ngàn cõi . . ." Thần Brahma vô lượng tay [sic], vô lượng đầu [sic] diễn tả tính quan phòng của thần (người ta thường vẽ Ngài 4 đầu, 4 tay tượng trưng cho 4 kinh Veda và 4 giai cấp Ấn Độ . . .) thì đạo Phật có Phật Thiên Thủ Thiên Nhãn, một vị Phật lý tưởng hay tưởng tượng cũng tiêu biểu cho tính quan phòng, đa năng, đa diện của Phật. Ông Thiện ông Ác thờ ở chùa là nữ thần sinh diệt Kali biến thể" (tr. 70).

Cách ngụy biện của ông Phan Thiết là nhằm đồng hóa hai nguyên lý, hai sự kiện hoàn toàn khác nhau về nội dung làm một, chỉ vì các nguyên lý và sự kiện này có cùng "chung số lượng!" Trên thực tế, ông không thành công, vì ông tự nắn và đẻ ra số lượng cho đồng nhau để tiến hành đồng hóa. Như người viết đã có dịp ví dụ ở phần Kinh điển Phật giáo (chương I), theo cách ngụy biện của ông Phan Thiết, từ "ba má" sẽ đồng nghĩa với "ba (3) người mẹ" bởi vì hai từ này đều có cùng chữ "ba" không cần biết đến sự khác nhau về chữ "ba" trong từ "ba má" có nghĩa là "người cha" và số từ "ba" trong cụm chữ "ba người mẹ." Theo cách ngụy biện này, ông Phan Thiết sẽ gọi tất cả những người phụ nữ, dù già hay trẻ, đáng tuổi mẹ ông hay con ông, là vợ của ông, nếu người nữ đó cùng tên với vợ của ông. Tương tự, ông đã áp dụng công thức ngụy biện này vào việc đồng nhất Phật và bồ-tát với các thần Bà-la-môn.

Về số lượng, thứ nhất, Phật Thích-ca chỉ có hai mắt. Để đồng hóa Phật Thích-ca với thần Siva ba mắt, ông cố biến sợi "lông trắng" (bạch hào) giữa chân mày của Phật thành con mắt rồi kết luận Phật là phó bản của thần Siva! Thứ hai, ông Phan Thiết đồng hóa hình "4 đầu, bốn tay" của Brahma (tượng trưng cho 4 giai cấp, và 4 bộ Veda) với hình ảnh 1000 tay 1000 mắt của Phật Thiên Thủ Thiên Nhãn làm một. Để làm việc đồng hóa trên, ông cố giải thích lệch lạc "Thần Brahma vô lượng tay, vô lượng đầu." Đã nói Brahma có 4 đầu, 4 tay tượng trưng cho 4 giai cấp và 4 bộ Veda rồi làm sao thành 1000 tay, 1000 mắt được. Hơn nữa, làm gì có thần Brahma trong Veda và Upani.sad có vô lượng tay và đầu, mà đồng hóa.

Về tính chất, thần Siva của Ấn giáo có nhiều vợ và con với tư cách là thần. Thần Brahma cũng có nhiều tình nhân. Phật Thích-ca và Phật Thiên Thủ Thiên Nhãn đã diệt sạch tham ái, ái tình. Biểu tượng của chư Phật là giác ngộ, từ bi và trí tuệ giúp đời bằng cuộc sống và lời dạy cao quý của các ngài; trong khi biểu tượng của các thần Bà-la-môn là "tạo dựng, duy trì và hủy diệt" thế giới và các tạo vật. Hơn nữa, Phật Thích-ca là nhân vật lịch sử, Siva và Brahma là nhân vật huyền thoại của Bà-la-môn. Do đó, dù cho số liệu có ngẫu nhiên trùng khớp nhau đi nữa (trên thực tế đã khác nhau) thì tính chất của chư Phật khác hẳn Siva và Brahma trong Ấn giáo.

2. Về điểm thứ hai, cũng bằng cách ngụy biện hễ cái gì giống nhau về số lượng tất giống nhau về tính chất và do đó chúng là một, ông Phan Thiết đồng hóa các cấp độ tu tập tâm linh và chứng đắc của bồ-tát (địa, bhuumi) với "đẳng cấp xã hội" của người đời. Ông viết "Hàng Bồ-tát, Thanh Văn, Giác Duyên [sic, Duyên Giác] có hàng chục đẳng cấp [sic]" (tr. 69).

Về việc các đức Phật phát nguyện độ sanh ở các hành tinh khác nhau, ông cố chụp mũ, cho rằng đó là hình thức "tứ phủ công đồng" của tín ngưỡng dân gian Việt nam. Ông viết: "Hàng Phật thế tôn chia nhau quốc độ [sic] để giáo hóa hay lãnh đạo chúng sanh như các vua chúa hùng cứ mỗi phương" (tr.69). Ở đây, ông dựa vào số liệu các hành tinh của chư Phật và địa dư của vua chúa để đồng hóa hai cái khác nhau "trời vực" này thành một, chỉ vì cả hai giống nhau về hình thức: có nhiều hành tinh (phát nguyện giáo hóa của chư Phật) và có nhiều nước (vua chúa phàm phu).

Quá trình một người từ trình độ phàm phu đạt được quả Phật là sự chuyển hóa nội tâm, về phương diện đạo đức và trí tuệ (khác với kiến thức). Cấp độ đạo đức và trí tuệ của người phàm, tu-đà-hoàn, tư-đà-hàm, a-na-hàm, a-la-hán, bồ-tát và Phật khác nhau tùy theo mức độ và công phu tu tập. Nói khác hơn, đắc đạo là điểm cuối cùng của quá trình tu luyện đạo đức và trí tuệ của bản thân bằng thiền định chân chánh. Ấy thế mà, ông Phan Thiết lại viết sai lệch: "Phần lớn sự đắc đạo nhờ vào phe đảng qua sự cúng dường, một hình thức dâng lễ vật và nhận lễ vật trong đạo thờ thần hay hình thức nhận của đút và đưa của đút trong cõi ta-bà của con người [chẳng hạn như kiểu nhiều tội nhân đã đút lót nhà cửa, vàng bạc và tài sản cho ông Phan Thiết và ông đã nhận, để giúp họ được trắng tội, trong những năm tháng ông làm Thẩm phán (?) thời trước] Như thế Phật và Bồ-tát vẫn còn cái ngã và cái ngã ấy thể hiện qua tâm lý của chư vị [sic]" (tr.69). Một con người quen thói vu khống, xuyên tạc và chụp mũ người và tôn giáo mà mình không thích như ông Phan Thiết lại làm đến chức thẩm phán thuộc Tối Cao Pháp viện thời trước, thì quả thật là khó hiểu!

3. Ngoài ra, ông còn bất chấp tính đạo đức khi viết rằng: "Kẻ nào không có ‘nam căn’ không thể tu nhập niết-bàn và cõi tịnh độ chỉ toàn giống đực sinh ra từ hoa sen" (tr. 70). Ông còn bịa ra một câu rồi nhét vào miệng của triết gia Feuerbach: "con người là thần của các thần, con người là phật của các phật" (tr. 71).

III. Phật Pháp trước Phật Thích Tôn (tr.72)

1. Về tiêu đề: Chỉ cần để ý "tiêu đề" một chút, bạn đọc sẽ thấy lối chơi chữ của ông Phan Thiết. Ông đề "Phật pháp trước Phật Thích Tôn" để nhằm cho rằng giáo lý của Phật Thích-ca đã có trước ngài, có từ đạo Bà-la-môn. Nhưng cách chơi chữ này vi phạm tính logic trong diễn đạt. Gọi là Phật pháp tức là giáo pháp được Phật giảng dạy hay nói ra sau khi Ngài thành Phật. Trước Phật Thích-ca thành Phật thì làm gì có giáo pháp của ngài mà gọi là "Phật pháp trước Phật Thích Tôn?" Tiêu đề ở trang 73 "Phật pháp đồng thời với Phật Thích Tôn" cũng vi phạm tính mâu thuẫn trong cách diễn đạt tương tự này.

2. Ngụy biện "đồng hóa khái niệm với nội dung"

Một lối ngụy biện khác nữa của ông Phan Thiết là đồng hóa các học thuyết khác nhau hoàn toàn làm một, nếu chúng có chung tên gọi. Bằng cách ngụy biện này, ông sẽ bảo "ông Phan Thiết (tác giả của Hành Hương Đất Phật) cũng chính là tỉnh Phan Thiết và ngược lại." Tương tự, không thể vin vào chữ nghiệp báo của Phật giáo và các tôn giáo khác đạo Phật rồi kết luận rằng đức Phật Thích-ca đã cóp-pi thuyết này của Bà-la-môn và Kỳ-na giáo. Vì là một kẻ ngụy biện nên ông Phan Thiết đã không tránh khỏi sai lầm và mâu thuẫn khi phủ nhận sự siêu việt của đạo Phật hơn Bà-la-môn và Kỳ-na giáo. Ông viết "Trong giáo lý nguyên thủy Phật Thích Tôn không giảng minh thị [sic] về luân hồi và nghiệp báo" (tr. 72, d.17-8) hay "Ngài cũng chẳng khai thị cho chúng sanh về luân hồi và nghiệp báo" (tr. 72, d.29-30), rồi cũng chính ông đặt bút phủ định hai câu trên: "Tứ diệu đế với Thập Nhị Nhân Duyên và Bát Chánh Đạo đã hệ thống hóa toàn bộ giáo lý và triết lý của Phật Tổ bằng sợi giây xuyên tâm là thuyết luân hồi và nghiệp báo" (tr. 72, d.24-6).

Thực ra, học thuyết nghiệp (karma) không phải là sản phẩm của Upani.sad. Trong triết học Ấn Độ chỉ có đạo Phật và đạo Kỳ-na đề cập nhiều về thuyết nghiệp báo. Học thuyết nghiệp báo của Kỳ-na vẫn còn chấp nhận yếu tố tiền định và định mệnh, trong khi đạo Phật phủ nhận không có cái gọi là tiền định. Chính thuyết nghiệp báo của Phật giáo đã ảnh hưởng tới thuật ngữ nghiệp tồn tại sau khi chết và ảnh hưởng đến tái sanh, trong kinh điển Upani.sad. (xem R. E. Hume. Thirteen Principal Upani.sad, pp. 6-7).

 

IV. Phật Pháp Đồng Thời Phật Thích Tôn (tr.73)

1. Một điển hình về lối ngụy biện mâu thuẫn: Ông Phan Thiết viết "Cùng thời với đức Thích Tôn có rất nhiều môn phái chủ trương trái ngược nhau, nhưng các phái ấy chưa thành hình, các minh sư (guru) rời rạc, yếu kém chưa tạo thành phái" (tr.73, d.10-2). Vừa mới nói có nhiều môn phái rồi lại quên, rồi lại phủ định "chưa thành hình, chưa tạo thành phái." Nếu chưa thành hình, chưa tạo thành phái thì không nên viết là "môn phái."

2. Lục Sư Ngoại Đạo (⼯a.t'saastaaraa )

Trong phần giới thiệu về Lục sư ngoại đạo, ông Phan Thiết đã lẫn lộn học thuyết của 6 vị này với nhau, và ngay cả tên của sáu vị cũng viết không đúng. Điều lệch lạc lớn nhất của ông Phan Thiết là gán cho học thuyết của Phật Thích-ca với Sa~njayii Vairatiiputra. Ông viết: "Đạo lý của Phật Tổ tổng hợp trọn vẹn tư tưởng hoài nghi, hư vô và giải thoát" (tr. 75). Nhưng mặt khác, ông lại thừa nhận rằng các minh sư, trong đó có đức Phật, "đề xướng các học thuyết với các phương pháp giải thoát đa dạng, có những điểm trùng nhau, nhưng lại chống nhau ở điểm khác" (tr. 75). Nghĩa là ông đã thừa nhận, như lịch sử đã từng, rằng giáo pháp của Phật Thích-ca khác với chủ trương của các triết phái đương thời. Dưới đây chúng tôi sẽ vạch ra những sai lầm của ông.

a. Phú-lan-na Ca-diếp (S. Puura.na Kaa'syapa, P. Puura.na Kassapa). Ông Phan Thiết sai lầm khi cho rằng Phú-lan-ca Ca-diếp "chủ trương thiền định và giữ giới" song song với "không tin nghiệp" (tr. 73), bởi lẽ rất đơn giản không tin có kết quả của hành vi đạo đức (nghiệp) thì thiền định và giữ giới để làm gì? Thực ra, ông này chỉ chủ trương "không có nhân quả đạo đức" (akiriyam vyaakaasi). Ông phủ nhận tất cả giá trị đạo đức của hành vi, dù thiện hay ác, và cho rằng không có kết quả của hành động. Theo ông, người tự mình làm hay xúi dục người khác giết người, cướp của, lừa đảo không có tội lỗi gì cả; trái lại người làm việc thiện như bố thí, thương người giúp vật, thiền định và tuyên bố chân lý cũng không mang lại lợi ích gì. Điều mâu thuẫn trong học thuyết của ông là một mặt ông không tin giá trị hành vi đạo đức như vừa nêu, mặt khác ông chủ trương xã hội loài người được chia thành sáu loại (cha.labhijaati) là, đen, xanh, đỏ, vàng, trắng và trắng nhất. Loại đen (ka.nhaabhijaati) gồm các hạng người sát sanh, bạo động. Loại xanh chỉ cho các giới tu sĩ. Loại đỏ (niilabhijaati) chỉ cho Kỳ-na. Loại vàng (haliddaabhijaati) chỉ cho các cư sĩ áo trắng và giáo đồ của Kỳ-na giáo. Loại trắng chỉ cho Aajiivaka và đồ đệ của ông, và loại trắng nhất (paramasukkaabhijaati) chỉ cho ba nhân vật: Nanda Vaccha, Kisa Sa"nkicca và Makkhali Gosaala. Đây là điều mâu thuẫn lớn nhất của học thuyết của Phú-lan-na Ca-diếp.

b. Mạt-già-lê Câu-xá-lê tử (S. Maskarii Go'saaliiputra, P. Makkhali Gosaalaputta). Ông Phan Thiết đã viết sai tên ông Go'saaliiputra thành Gosaleputra (tr.73, d.19), và nhầm lẫn hơn khi cho ông này chủ trương thuyết bảy đại: "hỏa, thủy, địa, phong, khổ, lạc, thọ" (tr.73, d.20-1). Thực ra, thuyết bảy đại là thuyết của Pakuda Kaccaayana, và đại thứ bảy không phải là "thọ" mà là "nguyên lý sự sống" (jiiva). Go'saaliiputra chủ trương thuyết vô nhân duyên luận (n’atthi hetu n’atthi paccayaa/ ahetu appaccaya). Tuy nhiên, ông lại mâu thuẫn cho rằng, trong vòng luân hồi, mỗi cá nhân sẽ phải trải qua các kinh nghiệm đau khổ và hạnh phúc, và sau cùng được thanh tịnh thông qua số phận, thay vì nhờ sự nỗ lực của bản thân (attakaare). Chủ trương này được biết đến qua tên gọi "thuyết số phận an bài" (niyativada) hay thuyết thanh tịnh qua vòng luân hồi số phận (sa"msaara-suddhi).

c. San-xà-dạ Tì-la-chi tử (S. Sa~njayii Vairatiiputra, P. Sa~njaya Bela.t.thaputta). Ông Phan Thiết đã viết sai sót tên của Sa~njayii Vairatiiputra thành Sanjaya Vairatitra (tr.73, d.23). Ông Phan Thiết còn sai lầm hơn khi cho Sa~njayii Vairatiiputra "chủ trương rất gần với giáo lý của Phật Tổ: luân hồi, nghiệp báo, tu xuất gia, thanh tịnh" [sic] (tr.73, d.23-4). Thực ra, ông này chủ trương thuyết "[ngụy biện] trường uốn như con lươn" (amaraavikkhepika), hay thuyết ngụy biện bất tận (amaraavikkhepavaada). Ông không chủ trương một học thuyết riêng biệt nào như Phan Thiết đã nhầm lẫn. Ông sử dụng 4 mệnh đề luẫn quẫn và không trả lời dứt khoác ông chấp nhận quan điểm nào. Ông luôn bảo "tôi không cho đó là A, tôi cũng không cho đó là B, tôi cũng không cho đó vừa A và vừa B, và tôi cũng không cho đó là phi-A và phi-B." Đây là điểm lý luận mà ông Phan Thiết thường gán ghép cho đức Phật (II. 156f).

d. A-kì-đa Sí-xá-khâm-bà-la (S. Ajita Ke'sakambala, P. Ajita Kesakambala). Về triết gia này, ông Phan Thiết chỉ nói đúng một phần học thuyết của ông. Phần quan trọng của học thuyết của Ajita Ke'sakambala là duy vật luận, không được ông Phan Thiết đề cập tới (tr. 73, d.27-8). Ajita Ke'sakambala là triết gia duy vật đầu tiên trong lịch sử triết học Ấn Độ. Ông là người phủ nhận toàn bộ giá trị đạo đức, luân lý (natthikavaadin) hay người chủ trương không có nhân (ahetuvaadin / akiriyavaadin). Ông bảo không có lợi ích gì trong việc bố thí giúp người, không có cha, không có mẹ, không có đời quá khứ, không có đời tương lai, không có ai chứng đạo, không có người có đạo đức và trí tuệ [na ná như quan điểm của ông Phan Thiết]. Con người và thế giới được hình thành bằng bốn yếu tố: đất, nước, lửa và không khí. Sau khi chết, thân thể trả về với bốn yếu tố này, và cuộc sống chấm dứt vĩnh viễn từ đó.

e. Ca-la-cưu-đà Ca-chiên-diên (S. Kakuda Katyaayana, P. Pakudha Kaccaayana). Ông Phan Thiết vô cùng sai lầm khi cho Kakuda "chủ trương thuyết tiền định vì mọi sự do Tự Tại Thiên (Brahma) [sic]" (tr. 73, d.16-8). Cần nhấn mạnh thêm rằng trong 6 đạo sư ngoại đạo này, những vị thuộc truyền thống sa-môn chống lại tín ngưỡng Veda, không có vị nào chủ trương thuyết "Tiền định do Phạm Thiên" cả. Kakuda chủ xướng thuyết bảy đại mà ông Phan Thiết đã gán nhầm cho Maskarii Go'saaliiputra (tr. 73, d.19-20). Bảy đại là đất, nước, lửa, gió, hạnh phúc, đau khổ và nguyên lý sống. Ông cho rằng thế giới được tạo nên bằng 7 yếu tố này, và chúng bất di bất dịch, không thay đổi, không hoại diệt. Với quan điểm này, ông được liệt vào hàng triết gia chủ trương thường hằng luận (sassatavaadin). Điểm nguy hại trong học thuyết của ông là không thừa nhận giá trị đạo đức của hành vi thiện ác.

f. Ni-kiền-đà Nhã-đề tử (S. Nirgrantha J~naatiputra, P. Niga.n.tha Naataputta) là vị kế thừa thứ 24 của Kì-na giáo và cũng là vị đề xướng chủ trương sống lõa thể. Ông Phan Thiết đã nhầm lẫn lớn khi cho rằng Nirgrantha J~naatiputra "chủ trương chúng sanh qua vạn kiếp luân hồi sẽ tự nhiên giải thoát không cần tu, không có thiện, không có ác" (tr. 73, d.24-6). Thực ra, đó là chủ trương của Maskarii Go'saaliiputra, chứ không phải của Nirgrantha. Điều buồn cười hơn, ông Phan Thiết không biết "Nirgrantha Jnatiputra" (tr.73) và "Nataputta Vardhamana" (tr. 74) là hai tên gọi khác để chỉ cho một con người "Mahaaviira," nên đã trình bày hai học thuyết hoàn toàn khác nhau và gán cho Mahaaviira. Cũng giống như quan điểm ở trang 49, ông Phan Thiết đồng hóa vài điểm giống nhau về hình thức của Phật giáo và Kỳ-na giáo rồi chụp mũ rằng "Phái Kỳ-na là anh em song sinh với đạo Phật" (tr. 74, 3). Dưới đây là phần chứng minh về các sai lầm trong việc chụp mũ này.

3. Sai lầm về Mahaaviira

a. Tự mâu thuẫn: Ông Phan Thiết bảo "Nataputta Vardhamana (Kỳ-na Đại giác) [là] giáo chủ đạo Jainism (Kỳ-na giáo)" (tr. 74, d.1-2) rồi cũng chính ông viết: "Mahavira không phải là sư tổ của phái Kỳ-na, trước ông đã có 23 vị tổ" (tr.74, d.7). Mâu thuẫn này có thể do Phan Thiết ông không biết Nataputta Vardhamana cũng chính là Mahavira.

b. Sai về tên gọi của Mahaaviira: Ông Phan Thiết tỏ ra sai lầm trong việc giải thích tên của Mahaaviira.

(i) Như vừa trích dẫn, ông Phan Thiết đã sai lầm khi chua chú thích "Kỳ-na Đại giác" cho từ "Nataputta Vardhamana" (tr. 74, d.1). Nata [Naa.ta] là tên bộ tộc hay dòng họ của Mahaaviira. "Putta" (S. putra) có nghĩa là người con trai. Nataputta, do đó, có nghĩa là "người con trai của dòng họ Naa.ta." Kế đến, "Vardhamana" là tên cha mẹ ông đặt, có nghĩa là "người thịnh vượng" (the prosperous one). Như vậy, "Nataputta Vardhamana" chỉ có nghĩa là "Người thịnh vượng, con trai của dòng họ hay bộ tộc Naa.ta" chứ hoàn toàn không có nghĩa gì là "Kỳ-na Đại giác" như ông Phan Thiết đã nhầm lẫn.

(ii) Ông Phan Thiết thật là sai lầm khi giải thích "Vardhamana Mahavira có nghĩa là kẻ đại thắng vì đã ra khỏi luân hồi" (tr. 74, d.5-6). Như vừa trình bày, Vardhamana chỉ có nghĩa là "người thịnh vượng." Mahavira có nghĩa là đại anh hùng. Như vậy "Vardhamana Mahavira" chỉ có nghĩa là "Vardhamana, bậc đại anh hùng," cũng như cách gọi "Gotama, bậc giác ngộ" (Gotama Buddha) vậy.

(iii) Ông Phan Thiết cũng còn sai lầm khi cho rằng "Tirthankara [Tiirtha"nkara] nghĩa là ông lái đò đưa rước chúng sanh ra khỏi luân hồi" (tr. 74, d.9). Thực ra, chữ này chỉ có nghĩa bóng là "người hình thành con đường đưa người vượt khỏi luân hồi một cách an toàn" (one who establishes the path that takes people safely across sa"msaara).

c. Mahaaviira và Phật Thích-ca khác nhau về tiểu sử:

(i) Cũng cần nói thêm rằng, người đương thời với Mahaaviira thường gọi ông là "người con trai dòng họ Naa.ta ‘lõa thể’ theo nghĩa đen hay người con trai dòng họ Naa.ta không còn vướng mắc, theo nghĩa triết học" (Niga.n.tha Naataputta). Tín đồ của ông còn gọi ông với tên "người mặc áo không khí" (Diigambara, the Air-clothed) với ngụ ý "không còn vướng mắc (detached), không còn trói buộc (fetterless)" (xem D. I. 57).

(ii) Như một sự thật lịch sử không còn bàn cải, tiểu sử của Mahaaviira khác hoàn toàn với Phật Thích-ca, từ tên tuổi, dòng họ, gia thất, động cơ xuất gia, tuổi xuất gia, ngày chứng đạo, cách hóa độ, mà ông Phan Thiết dám bạo miệng bảo "Tiểu sử của ông [Mahaaviira] gần giống như tiểu sử của Thích-ca" (tr. 74, d.14).

(iii) Vị Tiirtha"nkara thứ 23 tên là Paar'svanaa.tha lớn hơn Mahaaviira đến 250 tuổi. Nghĩa là, Mahaaviira chỉ là người kế thừa những vị tiền nhiệm của mình, chứ không phải là người lập nên Kỳ-na giáo. Trong khi đó, đức Phật Thích-ca là người lập nên đạo Phật.

d. Giáo pháp của Mahaaviira khác hoàn toàn với giáo pháp của Phật Thích-ca: Để chụp mũ Mahaaviira và Phật Thích-ca là hai anh em song sinh, ông Phan Thiết đã đưa ra ba lý do chính: giống nhau về tiểu sử (như người viết đã chứng minh là sai ở trên), giống nhau giới không sát sanh, và thuyết vô thần. Dưới đây là phần chứng minh về hai điểm sai lầm còn lại.

(i) Về Ahi"msaa

Thứ nhất, ahi"msaa là một trong năm đại nguyện (Pa~nca-mahaavrata) của Kỳ-na giáo, trong khi "không giết chóc" là một trong năm nguyên tắc đạo đức (P. pa~nca-siila, S. Pa~nca-'siila) của đức Phật. Năm đại nguyện của đạo Kỳ-na là: (i) không sát hại (ahi"msaa), (ii) không nói láo (satyam), (iii) không trộm cắp (asteyam), (iv) không dâm dục (brahmacaryam), (v) không chấp thủ (aparigraha). Năm nguyên tắc đạo đức của Phật giáo là: (i) không sát sanh (P. paa.naatipaataa-verama.nii, S. praa.naapaatavirati), (ii) không trộm cắp (P. adinnaadaanaa-verama.nii, S. adattaadaanavirati), (iii) không ngoại tình (P. kaamesumicchaacaaraa-verama.nii, S. kaame'sumithyaacaaravirati), (iv) không nói dối (P. musaavaadaa-verama.nii, S. m.r.saavaadavirati), (v) không uống rượu (P. suraameramajjapamaada.t.thaanaa -verama.nii, S. madyapaanavirati).

Về giới thứ nhất, Kỳ-na giáo không cho phép ăn thịt dưới mọi hình thức và từ đó có những hình thức cực đoan phát sanh từ giới này như ép xác thân thể, không mặc quần áo v.v. .. ; trong khi Phật Thích-ca cho phép ăn thịt những loại thịt cá không do mình giết, hay xúi dục người khác giết thịt cho mình, và không có hình thức cực đoan như Kỳ-na. Về giới thứ hai, Kỳ-na giáo chỉ cấm nói sai sự thật thôi; trong khi Phật Thích-ca cấm bốn thứ: không nói sai sự thật, không thêu dệt vấn đề, không nói lời gây chia rẽ và không nói lời tục tĩu. Về giới thứ ba, hai bên giống nhau. Về giới thứ tư, Kỳ-na giáo cấm chỉ việc dâm dục đối với các tín đồ, trong khi Phật Thích-ca chỉ cấm những vị tu sĩ, còn người tại gia được ân ái với chồng/vợ nhưng không được ngoại tình. Về giới thứ năm, Kỳ-na giáo khác hẳn với đạo Phật: Phật khuyên không nên uống rượu, vì rượu gây ra mất trí, bệnh tật, làm biếng, tiêu hao tài sản, giảm năng suất lao động, mất ổn định an ninh và trật tự xã hội và có thể dẫn đến các tội phạm không lường trước được.

(ii) Về giáo lý vô thần

Với tư cách là một truyền thống sa-môn chống lại tính thẩm quyền của kinh điển Veda, và một đấng sáng thế, Kỳ-na giáo có thể được xem là đạo vô thần. Tuy nhiên, giáo lý vô thần này khác với vô thần của Phật giáo ở chỗ nó nhìn nhận một hình thức khác của "định mệnh" trong khi Phật giáo phủ nhận hoàn toàn. Nói khác hơn, học thuyết vô thần của Phật giáo khác với vô thần của Kỳ-na giáo. Trong Suuyaga.da"nga, một trong các tác phẩm quan trọng của Kỳ-na giáo, Mahaaviira chỉ trích kịch liệt chủ trương tự nhân quả (saya"m ka.da"m) và tha nhân quả (annaka.da"m) nhưng lại thừa nhận bán định mệnh và bán phi-định-mệnh (niyayaaniyaya"m sa"mta"m). Mahaaviira phát biểu như sau: "Ai tuyên bố các quan điểm trên đây [tự nhân quả và tha nhân quả] là kẻ ngu si dù họ có tự cho mình là thông thái, tri thức và [nhất là] không thừa nhận tất cả mọi sự vật là bán định mệnh và bán phi định mệnh" (Suuyaga.da"nga, 1.1.2.4: "evam eyaani ja"mpa"mtaa baalaa pa.n.diamaa.nino/ niyayâniyaya"m sa"mta"m ayaa.na"mtaa abuddhiyaa."). Câu tuyên bố trên được 'Silaa"nka, tác giả của Suutrak.rtaa"nga (bản sớ giải tiêu chuẩn của tác phẩm Suuyaga.da"nga), giải thích như sau: "Bán tiền định và bán phi tiền định là thừa nhận học thuyết tiền định. Nói cách khác, hạnh phúc [và đau khổ] có một phần tiền định (avasyaaavyudayapraapitam) và một phần không tiền định, nghĩa là có phần tùy thuộc vào nỗ lực cá nhân (aatmapuru.sakaara), và trời (ii'svara), v.v. . . Trong giáo lý của Kỳ-na giáo có một số hạnh phúc và đau khổ thuộc về tiền định (niyatita eva), nghĩa là do số phận như thể hiện của nghiệp quá khứ . . . Trong khi một số hạnh phúc và đau khổ khác không thuộc định mệnh (aniyatik.rtam), nghĩa là được tạo ra bằng sự nỗ lực của con người (puru.sakaara), trải qua thời gian (kaala), bản chất (svabhaava), hành vi (karma) và do ảnh hưởng của trời (ii'svara) v.v. . . Nếu có một số người nỗ lực hay đầu tư một việc làm như nhau nhưng người có kết quả như mong muốn người thì không có gì cả, thì phải biết đó là công việc của một cái gì đó không nhìn thấy được (ad.r.s.tak.rta.h)" (Suutrak.rtâ"nga, 1: fol. 31-32.). [Điều này cũng giống như cái gọi là huyền nhiệm của ông Phan Thiết (II. 128)]. Bản sớ giải này cho thấy sự nỗ lực của con người không phải là nguyên nhân duy nhất đem lại sự thành tựu về đời sống đạo đức, nó phải còn tùy thuộc vào các nguyên nhân ngoại tại, không thể nhìn thấy được (ad.r.s.ta).

Đạo Phật không chấp nhận một quan điểm như vậy. Khi cho rằng không có một nguyên nhân khởi thủy, không có một đấng sáng thế thì toàn bộ đời sống đạo đức của ta đều do ta định đoạt. Sự nỗ lực nội tại của con người là yếu tố chính của tất cả thành công hay thất bại, hạnh phúc hay khổ đau, mà người theo tôn giáo hữu thần lầm tưởng cho rằng đó là sự thưởng phạt hay sự can thiệp của thượng đế và thần linh một cách "huyền nhiệm." Học thuyết vô thần của Kỳ-na giáo không phải là thuyết vô thần đúng nghĩa vì vẫn còn thừa nhận các nguyên nhân huyền nhiệm tác động trong hạnh phúc và khổ đau của con người. Đạo Phật liệt Kỳ-na giáo vào loại học thuyết định mệnh (niyata) và thuyết túc mệnh (pubbekatahetu), có nghĩa là học thuyết chủ trương hạnh phúc và khổ đau của con người tùy thuộc vào nghiệp quá khứ của người đó.

Ngoài ra, đạo Phật và đạo Kỳ-na còn chủ trương nhiều điểm khác nhau, từ nhận thức luận, đạo đức học, logic học cho đến phương pháp thực hành giải thoát. Các sự khác nhau này không một sinh viên triết học nào là không biết. Rất tiếc ông Phan Thiết không nghiên cứu triết học Ấn Độ nên đã phát biểu liều lĩnh rằng Phật giáo và Kỳ-na giáo là hai anh em song sinh chỉ vì hai đạo này sử dụng vài thuật ngữ đồng âm nhưng khác nhau hoàn toàn về nội dung và học thuyết.

 

V. Phật Pháp sau Phật Thích Tôn (tr. 75-8)

Trong phần này, như người viết đã nhiều lần ghi nhận, ông Phan Thiết quy kết lệch lạc rằng đạo Phật cóp-pi từ đạo Bà-la-môn. Các ngụy biện sai lầm dưới đây của ông Phan Thiết chủ yếu phát xuất từ một sở học thiển cận, biến hình thức thành nội dung, biến cái cá thể thành tổng thể, và nhất là bất chấp chuyện đúng sai của chân lý. Sau đây là một vài chứng minh điển hình:

1. Ông Phan Thiết viết: "các nhà Phật học hậu Thích-ca theo trào lưu thần học [sic] phát triển của Bà-la-môn và nương theo thần học, họ đã sáng tạo ra một Phật học giống hệt Bà-la-môn. Nó giống nhau đến nỗi chỉ cần thay tên Brahman và Atman cùng chư thần bằng Phật tính, Alaya thức, Phật và các Bồ-tát là hiện nguyên hình Bà-la-môn ngay" (tr. 76), hay "Phật Đại Thừa bứng luôn thuyết Tiểu Ngã, Đại Ngã của Bà-la-môn làm thành thuyết Phật tánh" (tr. 89). Hai câu nhận định này có 3 sai lầm căn bản sau đây:

a. Phạm thiên tính trong Bà-la-môn giáo được quan niệm là tính sáng thế, tính đại ngã, trong khi Phật tính trong Phật giáo là bản tính giác ngộ như chính đức Phật. Phạm thiên tính là độc nhất, không một ai có thể bằng được Phạm thiên; trong Phật tính là tính giác ngộ mà bất kỳ chúng sinh có tình thức nào cũng có, và các chúng sinh này đều có thể bằng được Phật nếu mức độ tu tập và phát triển thiền định bằng như Phật.

b. Ngã tính trong Bà-la-môn giáo là thường hằng, bất biến; trong khi thức Alaya trong Phật giáo là vận chuyển, thay đổi như thác đổ, tùy thuộc theo điều kiện, môi trường hoàn cảnh và sự nỗ lực của từng cá nhân.

c. Không có bất kỳ một khái niệm trong văn học Veda và Upani.sad tương đương với khái niệm Bồ-tát trong đạo Phật.

2. Ông Phan Thiết còn nhầm lẫn khi đánh đồng thánh tăng Naagasena (sống vào thế kỷ 2 trước Tây lịch) với bồ-tát Naagaarjuna (sống vào thế kỷ 2 sau Tây lịch) thành một người, chỉ vì trong tên của hai vị này đều có cùng chữ Nagaa! Ông Phan Thiết viết: "Bản kinh Milinda Panha thật ra là của Long Thụ và Nagasena là cái tên Long Thụ biến cải (Nagarjuna) thế kỷ 2 sau Tây lịch" (tr. 76, d.10-2). Ngoài ra, ông Phan Thiết đã chép sai lệch về niên đại của vua Milinda như sau: "khoảng năm 190-167 (?) [xin trả lời trước Tây lịch], có một ông vua Hy Lạp cai trị một vương quốc phía bắc Ấn Độ, vùng Punjab ngày nay, ủng hộ Phật pháp . . . bản kinh Milinda Panha đối đáp Phật pháp giữa vua "Indo-Greek" Memander và đại đức Nagasena (Na-Tiên Vấn Kinh) . . ." (tr. 76, d.5-8). Đoạn này có vài sai lầm như sau. Thứ nhất, vua Milinda chính là Menander, chứ không phải Memander như ông Phan Thiết đã ngộ nhận. Thứ hai, thời đại trị vì của vua Milinda vào khoảng 163-150 trước Tây lịch, chứ không phải 190-167 (?) như ông Phan Thiết đã hồ nghi. Thứ ba, niên đại 190-167 trước Tây lịch không phải là niên đại của vua Milinda, mà là niên đại của vua xứ Bactria tên là Demetrius. Vua Demetrius lên nắm quyền hành khi triều đại Maurya của Ấn Độ bắt đầu suy sụp. Demetrius tận dụng tình thế này, cất quân đánh chiếm Gandhaara, Punjab và Thung lũng Indus, thành lập nên kinh đô ở Taxila. Vào năm 180 trước Tây lịch, quân lính Bactrian chiếm lĩnh toàn bộ vùng đông Punjab và Avanti và lăm le kinh đô Paa.taliputra của Magadha. Do vì cuộc nội chiến dành quyền lực của dân Bactria diễn ra, đế quốc Bactria phân hóa thành 2 vương quốc đối lập: vương quốc tây Hy Lạp và vương quốc đông Hy Lạp. Vương quốc tây Hy Lạp bao gồm lãnh thổ Bactria, các nước chư hầu. Vương quốc đông Hy Lạp bao gồm Punjab, Gandhaara và Kapisa. Vua Apollodotus thứ I làm vua đông Hy Lạp được 4 năm (khoảng 167-163 trước Tây lịch) rồi qua đời. Milinda hay Menander kế ngôi và trị vì suốt 13 năm (163-150 trước Tây lịch). Thứ tư, vua Menander là người Hy Lạp ở vùng Bactria nên được gọi là vua Bactrian Greek, chứ không phải Indo-Greek như ông Phan Thiết đã thiếu chính xác. Thứ năm, thay vì chua tựa đề "Na-tiên vấn kinh" vào ngay sau tác phẩm "Milinda Panha" ông Phan Thiết lại đặt nhằm sau tên của Na-tiên, làm cho người đọc hiểu nhầm Naagasena có nghĩa là Na-tiên vấn kinh, thay vì là Na-tiên. Thứ sáu, vì nhầm lẫn Naagasena với Naagaarjuna làm một nhân vật, trong khi hai vị sống chênh lệch nhau hơn 300 năm, ông Phan Thiết đã suy luận "bậy" khi kết luận "Vua Indo-Greek Memander [sic] vùng Punjab mộ đạo có lẽ là huyền thoại" (tr. 76).

3. Ông Phan Thiết viết: "Phật Đại Thừa [sic, Phật giáo đại thừa] và Bà-la-môn phát triển đồng hành cùng một cứu cánh, một phương tiện hoặc phối hợp cả ba phương tiện trên, chỉ khác nhau địa dư: đạo Bà-la-môn trong nước Ấn Độ, đạo Phật ngoài cõi Ấn Độ" (tr.77). Kế đến, ông đồng hóa "khái niệm" của phương tiện giống nhau dẫn đến "cứu cánh" giống nhau, để cho rằng Bà-la-môn và Phật giáo là một. Ba phương tiện là tu tập trí tuệ, tu tập thiền và giữ giới và thờ phượng. Nhưng ông nào có biết rằng trong triết học Ấn Độ hầu như triết phái nào cũng có đề cập đến trí tuệ, thiền định và tín ngưỡng nhưng không có chủ trương hay học thuyết nào giống học thuyết nào cả. Vin vào sự trùng hợp về khái niệm để đánh đồng với nội dung là một sai lầm, cũng giống như cho rằng tất cả các nước trên thế giới đều giống nhau, vì nước nào, dù là Mỹ, Úc, Việt Nam hay Cu-ba thì cũng là nước với nhau cả.

4. Ông Phan Thiết hoàn toàn bịa đặt khi viết rằng: "Cả Bà-la-môn lẫn Phật Nguyên Thủy và Phật Đại Thừa xem chúng sanh như những giọt nước bốc hơi thấm vào muôn vật rồi thành mưa rơi xuống đại dương tức là Brahman hay Chân Như" (tr. 77). Đây là một trong nhiều câu nhận định của ông Phan Thiết không hề tìm thấy trong giáo lý của đạo Phật và Bà-la-môn.

5. Chụp mũ các vị cao tăng Phật giáo là Bà-la-môn: Trong phần này, ông Phan Thiết chỉ vin vào yếu tố một số vị cao tăng thuộc dòng giống Bà-la-môn trước khi theo đạo Phật rồi chụp mũ các ngài "du nhập Bà-la-môn vào Đại Thừa" (tr.77). Ông viết sai lệch hơn: "Các vị tổ và tăng sĩ gây dựng nên phái Đại Thừa đều là Bà-la-môn hay chịu ảnh hưởng của Bà-la-môn. Chư vị đã bứng luôn cả nền thần học Bà-la-môn cùng với sinh hoạt đạo giáo của Bà-la-môn vào Phật giáo Đại thừa. Phật Đại thừa là em sinh sau của Bà-la-môn cũng như đạo Phật thủa khai đạo là anh em song sinh của đạo Kỳ-na" (tr. 78).

Truyền thống tôn giáo của một gia đình không có gì đảm bảo rằng con cái của gia đình đó phải theo hay chịu ảnh hưởng của hệ tư tưởng tôn giáo đó cả. Tương tự, các vị bồ-tát và thánh tăng Phật giáo dù sanh ra trong gia đình Bà-la-môn nhưng khi theo Phật giáo các ngài đã sống và giảng dạy trái ngược lại với Bà-la-môn, không phải là chuyện lạ.

Sau đây là vài sai lầm của ông Phan Thiết khi viết về các vị bồ-tát đại thừa:

a. Cho bồ-tát Long Thọ là "tác giả của Kinh Hoa Nghiêm và Thập Trụ Luận" (tr. 78) là hoàn toàn sai.

b. Cho Cưu-ma-la-thập là tác giả của "Kinh A-di-đà, Kinh Pháp Hoa, Kinh Kim Cang, Kinh Bát-nhã Ba-la-mật" (tr.78) là sai, bởi lẽ Cưu-ma-la-thập sống vào cuối thế kỷ thứ 4 sau Tây lịch trong khi các Kinh này được lưu hành dưới dạng văn bản trước thế kỷ thứ 1 Tây lịch.

c. Bản chữ Phạn của Đại Thừa Khởi Tín Luận vẫn còn nguyên, và không mất. Tên nguyên tác của tác phẩm này là Mahaayaana'sraddhotpaada-'saastra, đã được phát hiện tại Nepal và được ấn hành trong nhiều tùng thư Phật học trên thế giới. NXB Motilal Banarsidass cũng đã in tác phẩm này trong tùng thư Phật học của NXB này.

Nói tóm lại, đức Phật xuất hiện trong đất nước Ấn Độ như vầng thái dương xua tan bóng tối của tôn giáo và tín ngưỡng hữu thần. Giáo pháp của ngài là con đường đạo đức, trí tuệ và thiền định để đạt ngộ giải thoát, từ sự tu tập và nỗ lực của bản thân. Ai không nhìn nhận đức Phật như bậc đạo sư lỗi lạc và siêu xuất của Ấn Độ, chống lại cả một truyền thống mấy ngàn năm hữu thần ở đất nước này, cũng giống như kẻ mù phủ nhận sự hiện hữu của mặt trời, chỉ vì anh ta không nhìn thấy được ánh sáng và màu sắc.


Lời giới thiệu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 |

 


Cập nhật: 27-4-2000

Trở về thư mục "Điểm sách"

Đầu trang