Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
PHÊ BÌNH
KÝ SỰ HÀNH HƯƠNG ĐẤT PHẬT
Của PHAN THIẾT (NGUYỄN KIM KHÁNH)
Do Southern Stars Publisher, Australia, chủ trương và xuất bản năm 1999
Thích Nhật Từ

Lời Tri Ân
(Ấn bản Internet lần thứ hai)

Ngay sau khi tập phê bình này được đăng tải trên trang nhà Quảng Đức (http://www.quangduc.com), tác giả nhận được nhiều thư chỉ giáo và góp ý của chư tôn đức cũng như các thức giả Phật tử, ở các nơi gởi về. Trong số đó, trước nhất chúng con phải kể đến và thành kính tri ân Thượng tọa Thích Huyền Diệu, trụ trì Việt Nam Phật Quốc Tự (Ấn Độ), Thượng tọa Thích Quảng Ba (Úc châu), và đại đức Thích Tâm Hòa (Canada) đã chỉ giáo cho chúng con nhiều điều quý báu.

Chúng tôi xin cảm ơn đại đức Thích Lệ Thọ (Magadh University), Tịnh Tuệ, Vương Thúy Nga và tiến sĩ Bình Anson đã chịu khó đọc và sửa các lỗi đánh máy và đóng góp nhiều ý kiến rất hay cho tập sách. Ngoài ra, tiến sĩ Bình Anson còn giúp chúng tôi chuyển đổi hệ thống dấu của các thuật ngữ Paali và Sanskrit từ dạng văn bản thông thường sang dạng văn bản trên Internet, để giúp cho quý độc giả có thể đọc được dễ dàng trên mạng. Chúng tôi chân thành cảm ơn đại đức Thích Nguyên Tạng đã chuyển cho chúng tôi các thư điện toán của quý độc giả gởi về, và nhất là kiên nhẫn "cập nhật" nhiều lần tập phê bình này mỗi khi chúng tôi có dịp hiệu đính.

Trong trong phiên bản điện tử lần này, chúng con/ chúng tôi đã cố gắng hiệu chỉnh theo những lời chỉ giáo và góp ý của chư tôn đức và quý độc giả. Các sai sót nếu còn đều thuộc về trách nhiệm của chúng con/ chúng tôi.

 

Ngày 15 tháng 3 năm 2000
Thích Nhật Từ


Lời Tri Ân
(Ấn bản Internet lần thứ nhất)

Tác giả xin chân thành tri ân đại đức Somnuek Saksree (Panjab University), người đã độ lượng cho tác giả mượn phòng và máy vi tính trong suốt 10 ngày tác giả viết tập nhận định này, khi hệ thống điện của Ký túc xá nơi tác giả cư ngụ bị hư hỏng nặng.

Tác giả cũng xin bày tỏ lòng biết ơn đến Thầy Nguyên Tạng, người đã có hảo tâm, mua quyển Ký Sự Hành Hương Đất Phật với giá 28 $ và sẵn lòng bỏ thêm gần 15 $ để gởi biếu tác giả qua đường bưu điện, như món quà tết Canh Thìn 2000. Nhờ đó, tác giả biết được trên đời này có một người như ông Phan Thiết tự hào, kiêu căng khi tự nhận mình là một con "cóc" (II. 157, d.1), một con cóc dưới đáy giếng, từ chối không nhìn nhận có một bầu trời Phật giáo bao la, sáng lạn ngoài cái giếng chật hẹp, tối tăm.

Ngày mùng 4 Tết Canh Thìn
Thích Nhật Từ


Ghi Chú

1. Số la-mã "I" trong ngoặc đơn ngay sau các đoạn nguyên tác của Phan Thiết, được trích trong tập nhận định này là chỉ cho "tập I" của Ký Sự Hành Hương Đất Phật. Tương tự, số la-mã "II" chỉ cho "tập II" của quyển này.

2. Chữ "d" đứng sau các số trang được trích trong ngoặc đơn là viết tắt của chữ "dòng," chỉ cho số dòng của trang sách, tính từ trên xuống.

3. Hầu hết các phần "in đậm" và "in nghiêng" trong các đoạn nguyên tác của Phan Thiết, được trích dẫn trong tập nhận định này là do tác giả (TNT) nhấn mạnh, để giúp bạn đọc dễ thấy được ý đồ xuyên tạc Phật giáo của ông Phan Thiết.

4. Ngoại trừ chương I, X và XI, chúng tôi sử dụng lại "nguyên văn" tiêu đề các chương của ông Phan Thiết, trong tập phê bình này, để giúp qúy độc giả dễ đối chiếu.

5. Trong phiên bản Internet này, các ký tự Paali-Sanskrit được dùng theo qui ước sau đây:

Mac uoc Pali va Sanskrit tren internet

6. Chúng con/ chúng tôi vô cùng hoan hỷ và biết ơn nếu được chư tôn đức / quý Phật tử phát tâm xuất bản hay truyền bá rộng rãi tập phê bình này. Để có bản đã dàn trang (có đầy đủ chữ Hán, dấu Paali và Sanskrit), kính xin chư tôn đức/ quý Phật tử vui lòng cho chúng con/ chúng tôi biết, qua địa chỉ điện toán sau đây: thichnhattu@yahoo.com


Mục Lục

Lời tri ân
Ghi chú
Lời đầu sách

I. Các Sai Lầm Căn Bản về Thuật Ngữ và Giáo Lý

Các sai lầm về phiên âm và dịch nghĩa thuật ngữ
Các sai lầm căn bản về Phật học

II. Kinh Điển Phật Giáo

Các sai lầm sơ đẳng
Kết tập kinh điển Phật giáo
Tính thẩm quyền của kinh điển Phật giáo

III. Từ Ngoại Đạo Theo Dấu Phật

Lời lẽ tục tĩu của kẻ cuồng dâm
Lối ngụy biện đồng hóa số lượng với phẩm chất
Phật pháp trước Phật Thích Tôn
Phật pháp đồng thời Phật Thích Tôn
Phật pháp sau Phật Thích Tôn

IV. Từ Thần Brahma đến Phật Thích-ca

Chuổi sai lầm mắc xích
Thủa khai đạo đức Thích Tôn chủ chương vô thần
Đệ tử nhà Phật thần hóa Phật tổ và chư Phật

V. Đạo Lý của Phật Thích-ca hay Bốn Chân Lý Cao Thượng

Tổng quát
Danh xưng của tứ đế
Bóp méo tứ đế qua tam đoạn luận tự bịa
Về nguồn gốc của tứ đế
Về các nghi vấn của ông Phan Thiết về tứ đế

VI. Đạo Lý Của các Tông Phái Nhà Phật

Ý nghĩa của chữ "độ"
Khái niệm "vô độ"
Hiểu sai về tự độ
Quy kết sai lầm
Khái niệm pháp tính
Các sai lầm ở phần Phật giáo tiểu thừa
Các sai lầm ở phần Phật giáo đại thừa

VII. Chánh Đạo, Lạc Đạo, Tà Đạo

Về phần chánh đạo
Về phần lạc đạo
Về phần tà đạo

VIII. Duyên Đạo Quan

Về Phật đà quan
Về đạo lý quan
Về nhân sinh quan
Về tri đạo quan
Về hành đạo quan
Về chân lý quan

IX. Các Sai Lầm của Tập II

Các sai lầm của chương 1
Các sai lầm của chương 2
Các sai lầm của chương 3
Các sai lầm của chương 4
Các sai lầm của chương 6
Các sai lầm của chương 7 và 8

X. Lịch sử không phải là các mệnh đề ...

Các sai lầm sơ đẳng về thuật ngữ
Lịch sử không phải là các mệnh đề "tôi nghĩ"
Lịch sử không phải là các mệnh đề chứa đức tin …
Sinh hoạt của tăng già tiên khởi
Tỳ-kheo là cán bộ hay kẻ tu hành?
Vì sao Phật Tổ và Tăng già có lắm kẻ thù?

XI. "Có Không" = "Sắc Không" -- Lối NgụBiện

Có không: chủ đề của Hành Hương Đất Phật
Khởi đi bằng những sai lầm
Lối ngụy biện về có và không
Đánh đồng "sắc không" với "có và không có"
Ý nghĩa chữ "không" trong đạo Phật
Ý nghĩa chữ sắc trong "sắc tức thị không..."

XII. Kết luận và họa thơ

Bảng Viết Tắt và Tài Liệu Tham Khảo

 

Lời Đầu Sách

Ký Sự Hành Hương Đất Phật của tác giả Phan Thiết, mới nghe qua người đọc có thể lầm tưởng cho là sách viết ca ngợi về các Phật tích như tên gọi của nó. Nhưng thực chất nó là một quyển sách được đầu tư đến 8 năm liền (II. 151, 14) nhằm xuyên tạc, bôi nhọ, chống phá Phật giáo của một người xuất thân từ một gia đình Ky-tô giáo. Tên thật của ông là Nguyễn Kim Khánh, sinh năm 1943 tại Hưng Yên, miền Bắc Việt Nam. Ông Phan Thiết tự xưng đã từng là thẩm phán (?) thuộc Tối Cao Pháp Viện, Việt Nam Cộng Hòa và có lúc cũng còn làm Chánh án Tòa sơ thẩm Bình Thuận tại Phan Thiết (II. 164-5).

Sách Ký Sự Hành Hương Đất Phật gồm trên 370 trang khổ 19cm X 24.5cm, với 2 tập nhập thành một: tập một mang tựa đề "Theo Dấu Phật qua Kinh Truyện" gồm 206 trang, và tập hai mang tựa đề "Bước Hành Hương theo Dấu Đức Phật Lịch Sử" gồm 165 trang. Trong cả hai tập, các mục tiêu chính của ông Phan Thiết là nhằm phủ nhận đức Phật Thích-ca như một nhân vật lịch sử, phủ nhận tính nguyên thủy, sáng tạo, siêu tuyệt của giáo pháp của Phật, xuyên tạc các vị cao tăng Phật giáo, viết lệch lạc về lịch sử, về cuộc đời của đức Phật, về cộng đồng tăng sĩ Phật giáo. Ông Phan Thiết thừa nhận rằng ông khác với Ngô Thừa Ân và Trương Quốc Dũng những kẻ làm bộ tán thán Phật giáo nhưng thực ra đi đường vòng để chống phá Phật giáo (II. 12, 20-1). Ông đi đường thẳng, trực tiếp xuyên tạc, thêm thắt, bịa đặt, cắt xén, giải thích sai lệch, viết nhầm lẫn các thuật ngữ, học thuyết Phật giáo để lạc dẫn người đọc.

Để thực hiện mưu đồ xuyên tạc, chống đối Phật giáo này, ông Phan Thiết đã bất chấp sự thật lịch sử, vận dụng lối ngụy biện bằng cách chơi chữ đồng âm dị tự, đánh đồng hai khái niệm hoàn toàn khác nhau làm một để xuyên tạc Phật giáo. Chẳng hạn, khái niệm tánh "không" (P. su~n~nataa, S. ᠼi>uunyataa) vốn có nghĩa là tính không thực thể, duyên sinh, vô ngã, vô thường của các sự vật, bị ông Phan Thiết đánh đồng với khái niệm "không có" (natthitaa) để ông có cớ giải thích xuyên tạc rằng: "không tức thị sắc" có nghĩa là đạo Phật "từ không [có] người ta làm ra có" (II. 155, d.10-11) và "sắc tức thị không" có nghĩa là "không có gì cả mà phát động đấu tranh sẽ lãnh số không" (II. 159, d.1-2). Đây chính là mục tiêu xuyên tạc Phật giáo của ông Phan Thiết, xuyên suốt trong hai tập Hành Hương Đất Phật.

Cái tai hại lớn nhất của ông Phan Thiết là với vốn chữ Hán "ăn đong, viết không đầy lá mít, chữ Paali và Sanskrit thì mù tịt" (I. 23, d.26-7) mà lại thích phân tích chữ Hán, giải thích chữ Paali và Sanskrit, để chứng tỏ ta đây là một tam tạng hiện đại hơn hẳn các tam tạng Phật giáo trong quá khứ (II. 13-4). Cái thất bại lớn nhất của ông Phan Thiết là chưa từng thấy được mặt mũi của các kinh điển Phật giáo bằng tiếng Việt và bằng tiếng Anh, huống chi là đọc, và cũng chưa từng đọc qua các kinh điển Veda, Braahma.na, Upanid, Vedaa"ngaPuraa.na và các bản văn nguyên tác hay bản dịch về triết học của các phái triết học Ấn Độ (I. 24, 50) mà dám phân tích về các học thuyết này theo kiểu thích gì nói đó, chứ không phải nói sự thật. Kết quả là ông cho ra đời một tác phẩm với hàng trăm sai lầm về thuật ngữ, nhân danh, địa danh, học thuyết, công khai bịa đặt, bôi nhọ lịch sử và xuyên tạc đạo Phật, đạo giác ngộ do sự tự lực của bản thân qua quá trình trau dồi đạo đức, trí tuệ và thiền định, khác với tín ngưỡng của ông, lệ thuộc vào niềm tin cứu chuộc giả tạo của Thiên chúa. Quả là một việc làm non kém, thiển cận, uổng phí công sức và tiền bạc.

Ông xuyên tạc rằng "Kinh Phật bắt nguồn từ đạo Bà-la-môn" (I. 47), hay "từ đạo Bà-la-môn bịa đặt ra" (I. 55), để phủ nhận tính nguyên thủy của kinh điển Phật giáo (I. 48, 50). Từ đó, ông kết luận mang tính xuyên tạc rằng đạo Phật là "phóng ảnh của đạo Bà-la-môn với tên gọi khác" (I. 54, 103). Ông cho cấu trúc Tam thánh (Phật A-di-đà, bồ-tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí) là cóp-pi từ ba hình dạng của Phạm thiên, chỉ vì hai mô hình này có cùng con số 3! (I. 80, xem 95). Các nhận định sai lầm tương tự như vừa nêu còn xuất hiện ở các trang 54-5, 57, 68, 70, 77, 78 của tập I, để từ đó ông bóp méo đạo Phật: "Như thế cái tinh thần của Thích-ca ở chỗ nào? Và Phật Thích-ca đã "khai thị chúng sanh ngộ nhập tri kiến" cái gì?" (I. 78). Nhưng trên thực tế, những hành vi ngông cuồng và vô cơ sở của ông đã làm cho ông dấu đầu lòi đuôi. Ông cho Phật cóp-pi đạo Bà-la-môn, nghĩa là Phật không có cái gì "mới," cái gì "sáng tạo" hay cái gì "siêu việt hơn" đạo Bà-la-môn, nhưng trong "sự giác ngộ vô tình" ông đã phải thừa nhận rằng Phật là siêu suất như sao bắc đẩu giữa vô vàn các đạo sư Bà-la-môn thời đó. Ông viết (mà không hề biết đến sự mâu thuẫn của mình): "Trong vô vàn các đạo sư xuất hiện đó đây, đức Thích Tôn là sao bắc đẩu. Ngài có sức hấp dẫn quần chúng lạ lùng không những vì lời dậy minh triết mà còn ở phong độ bao dung, cử chỉ hòa nhã và lời lẽ dí dỏm" (I. 83).

Ông chụp mũ "đại" khi cho rằng Phật giáo chủ trương chủ nghĩa hư vô: "Đạo lý của Phật Tổ tổng hợp trọn vẹn tư tưởng hoài nghi, hư vô và giải thoát" (I. 75) và thiển cận hơn khi cho rằng "Bài Bát nhã Tâm Kinh do sư Cưu-ma-la-thập chép ra [sic, dịch] đề là Kinh Phật chắc là bài kinh của những người hư vô chủ nghĩa viết bằng lối văn ngụy biện chối bỏ sắc, tướng …" (I. 95) chỉ vì ông không hiểu được hai khái niệm sắc (ruupa) không (ᠼi>uunyataa). Ông cũng còn cho Phật giáo chủ trương thuyết bất khả tri (I. 98), chỉ vì ông không hiểu được triết lý của ngụ ngôn "Mù rời voi" và ngụ ngôn "Lá trong rừng và lá trên tay" (I. 98-9).

Ông cố tính bóp méo tứ đế qua tam đoạn luận tự phịa của ông (I. 51), công khai xuyên tạc học thuyết vô ngã và bình đẳng của đạo Phật (I. 69-70), đánh đồng Phật tính với đại ngã (I. 52). Ông đánh đồng hai khái niệm hoàn tòan khác nhau là chân như của Phật giáo với Brahma của Bà-la-môn giáo: "Cả Bà-la-môn lẫn Phật Nguyên Thủy và Phật Đại Thừa xem chúng sanh như những giọt nước bốc hơi thấm nhuần vào muôn vật rồi thành mưa rơi xuống đại dương tức là Brahman hay Chân Như" (I. 77). Cách đánh đồng tương tự còn được trình bày rải rác ở các trang 76, 77, 89, 90 của tập I. Về thuyết luân hồi và nghiệp báo, ông Phan Thiết cho rằng Phật Thích-ca không giảng về luân hồi (I. 72) hay "Ngài cũng chẳng khai thị cho chúng sanh về luân hồi và nghiệp báo" (I. 72, d.28-9) mà "công của đức Thích Tôn là Ngài trình bầy vấn đề rõ ràng và hợp lý hóa" (I. 72, d.26-7).

Ông còn gán ghép đại khi cho rằng đạo Phật và đạo Kỳ-na là anh em sanh đôi: "đạo Phật và đạo Jain (Kỳ-na) của Mahavira giống nhau như hai anh em sinh đôi" (I. 49) hay "Phái kỳ-na là anh em song sinh với đạo Phật" (I. 74) hay cho rằng Phật giáo và Bà-la-môn và Kỳ-na là một (I. 106).

Về các tông phái của đạo Phật, ông đánh đồng đại, khi cho rằng Vaisesika là "thủy tổ của duy thức luận trong đạo Phật" (I. 92), chỉ vì triết phái này có đề cập đến chữ manas! Ông bảo Nyaya và Vaisesika là nguồn gốc của Phật giáo đại thừa "Phật Đại Thừa nương theo hai phái này [Nyaya và Vaisesika] hoàn chỉnh thuyết luân hồi, nghiệp báo, duy thức thành một hệ thống triết học chặt che?uot; (I. 92) chỉ vì hai triết phái này cũng có nói về nghiệp báo và các thức. Ông cho Yoga là nguồn gốc của Thiền Phật giáo (I. 93) chỉ vì một trong các hình thức yoga là thiền định. Ông cũng còn cho rằng "Phái Mimamsa được xem như tổ của các phái Tịnh Độ đạo Phật" [sic, đã gọi là "các phái" mà sao chỉ nêu ra Tịnh Độ] (I. 94) chỉ vì ông thích nói như vậy. Ông còn gán ghép vô căn cứ rằng "Phái Zen pha trộn tư tưởng phương Tây, du nhập Ky-tô giáo [sic] vào Phật giáo." (I. 41, xem thêm I. 93).

Ông phủ nhận kinh điển đại thừa bằng cách xuyên tạc rằng: "kinh điển Đại Thừa là kinh ngoại đạo" (I. 35, xem I. 40) hay do người sau ngụy tạo (I. 39). Ông gán ghép cho các vị cao tăng Phật giáo viết kinh đại thừa. Ông xuyên tạc rằng bồ-tát Long Thọ là tác giả của các kinh đại thừa như Kinh Hoa Nghiêm và Thập Trụ Luận (I. 78). Ông bảo Cưu-ma-la-thập là tác giả của kinh Pháp Hoa, A-di-đà, Bát-nhã Ba-la-mật: "Ở đấy ông viết kinh, tự cho là kinh Phật dịch từ Phạn ngữ được 98 bộ gồm 420 quyển. Chính ông là tác giả của nhiều bộ kinh còn truyền đến nay như kinh Diệu Pháp Liên Hoa, kinh A-di-đà, kinh Bát-nhã Ba-la-mật . . . " (I. 39-40, tương tự ở I. 78). Buồn cười hơn khi ông cho rằng tôn giả Tu-bồ-đề là người giảng kinh Kim Cang (I. 53). Ông cũng còn cho rằng kinh A-di-đà cóp-pi từ "truyện cổ tích Purana của Ấn Độ" (I. 53) mà không hề chứng minh gì cả.

Bằng lối văn ngụy biện dâm dật, tục tĩu, ông Phan Thiết cố tình biếm nhẻ Phật giáo dưới nhiều hình thức, mỗi khi ông tìm ra được một cơ hội gán ghép bậy bạ. Tháp tưởng niệm đức Phật chuyển pháp luân ở vườn Nai mà ông Phan Thiết bảo là "cái linga [dương vật] biểu tượng của thần Siva" (II. 92, d.26). Để bôi bác thế giới của Phật A-di-đà và trạng thái an lạc của niết-bàn, ông Phan Thiết cố tình viết tục tĩu: "Kẻ nào không có ‘nam căn’ không thể tu nhập niết bàn và cõi tịnh độ chỉ toàn giống đực sinh ra từ hoa sen!" (I. 31-2). Chưa thôi, ông Phan Thiết còn dựa vào trí tưởng tượng hoang dâm của ông, bịa ra một câu chuyện với các thuật ngữ Phật học pha lẫn các cảnh dâm dục để biếm nhẻ đức Phật một cách vô giáo dục. Ông bảo "phật là ưa liễu sự, thích can thiệp vào chuyện thế gian hoặc làm bộ giáo hóa chúng sinh" (I. 61, d.4-5). Ông Phan Thiết còn bôi nhọ các quốc độ khác nhau của chư Phật, vốn đáp ứng cho việc hóa độ theo các căn tính khác nhau, như một "tập tục thần phật "trong một cánh rừng không có hai chúa sơn lâm"" (I. 62, d.28). Ông Phan Thiết cố tình ví cây thiền trượng với cái dương vật, để bôi nhọ thiền Phật giáo: "Dương vật trở thành cây thiền trượng cắm sâu xuống mặt đất, phần trên còn ngỏng cao thấu trời xanh" (I. 63, d.30-1) hay tục tằn hơn: "ngồi tham thiền bên trong dương vật" (I. 64, d.11). Ông Phan Thiết biếm nhẻ công khai hơn: "Thiền trượng hay núi Tu-Di là biểu tượng dương vật của thần Siva ở trạng thái phải cương cứng, ngỏng cao" (I. 64, d.16-7). Rồi ông Phan Thiết còn viết bậy bạ hơn "hệ thống nhất nguyên . . . của học giả đạo Phật sau này" là lấy từ "dương vật của thần Siva hai mặt" (I. 64, d.22-5). Ông Phan Thiết còn cho "niết bàn là đường dục vọng và hủy diệt tức giải thoát" (I. 64, d.22) để lạc dẫn người đọc rằng con đường hướng đến niết-bàn của Phật giáo là con đường dục vọng và giải thoát khổ đau là hủy diệt chính mình. Đánh đồng dương vật với thiền trượng, giao dâm với thiền hành, ông Phan Thiết viết bậy bạ như sau để bôi nhọ Phật giáo: "thiền trượng [dương vật] của ta chỉ thiền hành [giao hợp] trong thung lũng tình yêu [nữ căn] của nữ thần kiều diễm Parvati" (I. 65, d.2-3). Hay cụ thể hơn ông Phan Thiết viết cảnh giao dâm giữa dương vật và nữ căn thành "cảnh thiền hành giữa linga [dương vật] và yoni [nữ căn] của thần Siva" (I. 66, d.29). Rồi ông thô thiển hơn khi gán ghép bậy cảnh ân ái của Siva và Parvati do ông hoang tưởng thành "lý thuyết hóa thân của chư Phật và bồ-tát sau này" (I. 66, d.16-7). Và còn hàng trăm sai lầm và tục tĩu khác nữa v.v. . . Quả thật là kém trí thức!

Ông Phan Thiết ngang nhiên vu khống, xuyên tạc, nhục mạ các vị cao tăng và tu sĩ Phật giáo một cách vô cớ. Ông bảo đức Dalai Lama vi phạm ba-la-di, do tán đồng luật "Euthanasia" (tức tiêm thuốc cho người bệnh nan y chết, để tránh đau đớn về thân xác cho bệnh nhân) mà ông không dẫn ra được bằng chứng nào (I. 164, d.8-11). Ông tỏ ra xấc láu khi chửi Hòa thượng Trí Quang "là ác tăng, quỉ tăng thi hành kế quỉ cho tà đạo" (I. 167, d.29) và gán ghép Hòa thượng "tham sân si đến cỡ nào ‘cả gan’ phạm tội vọng ngữ, lưỡng thiệt trắng trợn" (I. 167, d.4-5) chỉ vì Hòa thượng dám nói lên sự thật về việc chính phủ Ky-tô giáo của Ngô Đình Diệm cấm Phật tử Việt Nam làm lễ Phật đản năm 1963. Ông Phan Thiết tỏ ra vô giáo dục khi gọi Hòa thượng Nhất Hạnh là "bất lương . . . vừa sân vừa cố tình si che dấu cái bụng tham" (I. 165, d.11-2) hay "bất lương bẻ cong lịch sử, ăn gian nói dối" (I. 166, d. 1-2) và "tên phù thủy thi hành tà đạo" (I. 168, d.9) chỉ vì Hòa thượng dám tố cáo ách thống trị bất công của chính thể Ky-tô giáo Ngô Đình Diệm. Ông Phan Thiết khinh chê Hòa thượng Minh Châu là "dốt" chỉ vì Hòa thượng gọi Phật Thích-ca bằng từ Blessed One và Lord Buddha (I. 162, d.16-7). Ông Phan Thiết vu khống Thượng tọa Tuệ Sỹ thêm thắt một đoạn văn trong khi dịch quyển The Essentials of Buddhist Philosophy, "Các Tông Phái của Đạo Phật," chỉ vì Thượng tọa dịch quá chuẩn xác (I. 161-2). Ngoài ra, ông Phan Thiết còn vu khống Thượng toạ Huyền Diệu làm "trưởng ban ám sát Hòa thượng Tâm Châu" (II. 15, d.31-2) để gây chia rẽ sự hòa hợp của tăng đoàn Phật giáo. Và còn nhiều xuyên tạc khác nữa v.v. . .

Với hàng trăm nhầm lẫn, sai lạc về thuật ngữ, giáo nghĩa căn bản của Phật giáo, cộng thêm nhiều bịa đặt, thêm bớt tùy tiện trong khi dịch, với một mớ kiến thức tôn giáo và triết học Ấn Độ tào tạp, chấp vá, cóp-pi thiếu chuẩn xác và hàng loạt lời lẽ ngụy biện, ba phải, mâu thuẫn trước sau, như được chứng minh trong tập nhận định này, mà ông Phan Thiết lại kiêu căng, tự phụ, khi cho mình là một "tam tạng hiện đại" hơn hẳn các tam tạng Phật giáo trong quá khứ (II. 13-4), khinh khi quần chúng Phật tử là "các đồng bào thấp bé trong đạo Phật" (II. 157, d.11) và đại ngôn hơn khi ông gọi dân tộc Việt Nam là "các đồng bào thấp kém" (II. 163, d.5) thì quả thật ông xứng đáng để tự xưng mình là một con "cóc" (II. 157, d.1), một con cóc dưới đáy giếng, ngẩng cao đầu, miệng há to, kêu oang oảng, tự hào rằng "ta là số một trên đời, ta đã thấy được toàn thể bầu trời" mà thật chất nó chỉ nhìn thấy được một bầu trời vô cùng giới hạn qua miệng giếng chưa đầy hai thước.

Chandigarh, Ấn Độ, mùng 4, tết Canh Thìn 2000
Thích Nhật Từ
Cẩn bút


[Lời giới thiệu] chương | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 |

 


Cập nhật: 27-4-2000

Trở về thư mục "Điểm sách"

Đầu trang