Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
VÔ NGÃ
( Phần I )

 

Có thể nói, trong bất cứ cuốn sách nào viết về giáo lý căn bản của Phật Giáo đều có, không ít thì nhiều, nói về Vô Ngã. Ngoài ra, Ôn Từ Đàm Thích Thiện Siêu có viết một cuốn dày gần 300 trang về chủ đề Ngũ Uẩn Vô Ngã, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, Hà-Nội, 1999; và Tỳ Kheo Thích Trí Siêu (Hoàng Quốc Bảo) cũng viết một cuốn dày gần trăm trang riêng về chủ đề Vô Ngã. Vậy tôi còn có thể viết gì thêm về Vô Ngã? Tuy nhiên, viết bao nhiêu thì Phật Pháp cũng chẳng thừa, mà không viết thì Phật Pháp cũng chẳng thiếu, do đó tôi xin mang cái vốn hiểu biết rất giới hạn của tôi về Phật Giáo để viết một bài về chủ đề Vô Ngã, mục đích chính là để kiểm điểm sự hiểu biết của tôi về Vô Ngã, chứ không phải để giảng thuyết về Vô Ngã..

Trước khi đi vào thuyết Vô Ngã trong Phật Giáo, có lẽ chúng ta cần phải nhớ lại một vài hiểu biết căn bản về Phật Giáo.

  1. Phật giáo không phải là một tôn giáo theo nghĩa người Tây phương thường hiểu, nghĩa là một tôn giáo trong đó các tín đồ tin rằng có một vị Thần có khả năng sáng tạo ra vũ trụ muôn loài, và thưởng phạt con người, do đó sợ hãi và cầu nguyện để vị Thần đó ban ân huệ cho mình, hoặc để cho mình có sự sống đời đời sau khi chết. Phật Giáo quan niệm một tâm cảnh như trên làm mất phẩm giá con người vì như vậy là con người tự buộc vào mớ xiềng xích nô lệ. Nô lệ vật chất hay nô lệ tôn giáo, tâm linh, cũng đều là nô lệ.
  2. Do đó, nếu chúng ta coi Phật Giáo là một tôn giáo, thì chúng ta cần phải hiểu đó là một tôn giáo nhân bản và nhân chủ. Nhân bản là đặt căn bản trên con người, và nhân chủ là con người làm chủ chính mình, tự mình tu tập để đi đến giải thoát chứ không trông ngóng ở bất cứ Thần quyền nào.
  3. Vì là một tôn giáo nhân bản và nhân chủ nên tất cả những giáo lý, triết lý trong Phật Giáo không phải để thảo luận suông mà để hành trì. Phật giáo quan niệm hiểu mà không thực hành thì cái hiểu đó quả thật là vô ích, như người đọc thực đơn mà không ăn, hay như người đếm tiền của thiên hạ trong ngân hàng.
  4. Phật Giáo dẫn dắt con người đạt đến thế giới của các chân lý nhưng không phủ nhận thế giới của các hiện tượng. Điều này được thuyết minh trong quan niệm về Nhị Đế của Bồ Tát Long Thọ, trong quan niệm về Chân Không Diệu Hữu của Đại Thừa v..v..

Với những hiểu biết căn bản như trên, nay chúng ta đã có thể đi vào một giáo lý đặc thù nhất của Phật Giáo: thuyết Vô Ngã. Đặc thù vì Phật Giáo là tôn giáo duy nhất trên thế gian chủ trương Vô Ngã.

Trong Phật Giáo, thuyết Vô Ngã ít khi đứng một mình, thường đi cùng với Vô Thường và Khổ, được biết dưới danh từ Tam Thế Sự hay Tam Pháp Ấn liên hệ tới ba cửa giải thoát là Không, Vô Tướng và Vô Tác (hay Vô Nguyện), và lẽ dĩ nhiên, không thể thiếu mặt một thuyết căn bản nhất của Phật Giáo: Duyên Sinh hay Duyên Khởi.

Thật ra, bảo rằng Vô Ngã là một thuyết lý hay triết lý không hoàn toàn đúng, vì, cũng như mọi giáo lý khác, Vô Ngã là một phép quán. Phép quán này giúp con người cởi bỏ được sự chấp vào một cái gì không thực, nguồn gốc của mọi bất hạnh trên thế giới, từ sự xung đột giữa người với người, giữa tôn giáo với tôn giáo, cho đến giữa quốc gia với quốc gia v..v... Còn nếu chỉ luận suông về Vô Ngã bằng triết lý, hay lý luận trí thức, thì không mang lại ích lợi gì.

Trước khi tìm hiểu tại sao Phật Giáo lại chủ trương Vô Ngã chúng ta cần phải hiểu thế nào là Ngã, nhất là quan niệm về Ngã trong xã hội Ấn Độ trong thời Phật tại thế. Trong Áo Nghĩa Thư có nhiều quan niệm về Ngã khác nhau: hoặc là toàn thể thân thể vật chất của con người, hoặc là một khối vật chất nhỏ như ngón tay cái nằm trong tim. Nhưng quan niệm thông thường vào thời đó thì cho rằng, trong mỗi người đều có một thực thể phi vật chất, trường tồn, bất biến, cá biệt (anh là anh, tôi là tôi), có tính cách tuyệt đối, làm chủ tể hay chúa tể nơi thân người, có chức năng cắt đặt, sắp đặt, xét đoán, sai sử mọi ý nghĩ hành động và quyết định tương lai của con người, gọi là "cái ta" hay "Ngã", tiếng Sanskrit là "Atman". Theo đạo Bà La Môn thì thực thể phi vật chất trên chuyển qua nhiều kiếp sống, dần dần trở nên thanh tịnh và cuối cùng trở thành đồng nhất với Đại Ngã, một danh từ tương đương với Thượng đế hay Brahma.

Quan niệm về Ngã này tương tự như quan niệm về "linh hồn" trong Ca-Tô Giáo. Thật vậy, Sách Giáo Lý của Giáo Hội Ca-Tô (Catechism of the Catholic Church, 1994) giảng về linh hồn như sau, trang 93: "Trong Thánh Kinh, từ "linh hồn" thường chỉ sự sống của con người hay toàn thể con người. Nhưng "linh hồn" cũng chỉ thể trạng sâu thẳm nhất của con người… "linh hồn" có nghĩa là nguyên lý tâm linh trong con người…Giáo Hội dạy rằng mọi linh hồn đều được Thiên Chúa (của Ki Tô Giáo) tạo ra tức thời – nó không "sinh ra" bởi cha mẹ – và nó bất diệt: nó không bị hủy diệt khi nó tách rời khỏi thân xác vào lúc chết, và nó sẽ đoàn tụ với thân xác trong lúc sống lại sau cùng" (In Sacred Scripture the term "soul" often refers to human life or the entire human human person. But "soul" also refers to the innermost aspect of man… "soul" signifies the spiritual principle in man…The Church teaches that every spiritual soul is created immediately by God – it is not "produced" by the parents – and also that it is immortal: it does not perish when it separates from the body at death, and it will be reunited with the body at the final Ressurection).

Khác với đạo Bà La Môn, Linh Hồn trong Ki Tô Giáo chỉ sống có một đời, sau khi chết thì, hoặc bị đày đọa xuống hỏa ngục vĩnh viễn nếu không chịu tin Chúa Giê-su, một người Do Thái mới sinh ra đời cách đây 2000 năm, trong khi nhân loại đã xuất hiện trên trái đất cả triệu năm, hoặc được lên một kho chứa linh hồn trên thiên đường ngồi chờ cho đến ngày phán xét cuối cùng Chúa Giê-su sẽ phù phép làm cho xác chết, bất kể chết bao giờ, trước hay sau khi Chúa sinh ra đời, chết như thế nào, an lành trên giường hay tan xác ngoài mặt trận, và chết ở đâu, bên Tây hay bên Tàu, sống lại để linh hồn được đoàn tụ với xác chết sống lại, rồi từ đó cả hồn lẫn xác hưởng đời sống đời đời bên Chúa. Chuyện lẩm cẩm, tàn nhẫn, ác độc, vô lý, phi-lôgic, phản khoa học v..v.. như vậy mà thời buổi này vẫn còn có nhiều người tin thì kể cũng lạ.

Phật Giáo bác bỏ mọi quan niệm về Ngã hay linh hồn như trên bằng hai phương pháp: Dùng biện chứng pháp Reductio ad Absurdum, nghĩa là dùng lôgic để đưa tới kết luận là những quan niệm trên vô nghĩa; và dùng triết lý Phật Giáo để chứng minh không có cái gì có thể gọi là Ngã. Chúng ta nên biết, triết lý Phật Giáo không cùng nghĩa như triết lý Tây phương, thí dụ như triết lý của Thomas Aquinas hay của Augustine, đặt sự hiện hữu của Thiên Chúa Ki Tô (Christian God) như một tiền đề không có nghi vấn, rồi mới dùng những giải thích thần học để biện minh cho sự hiện hữu của Thiên Chúa hay một "đô thị của Thiên Chúa" (City of God). Trước sự tiến bộ trí thức của con người, những triết lý thần học trên đã bị phá đổ dứt khoát trong giới hiểu biết, và chỉ còn sót lại trong sách lược mê hoặc đám tín đồ đầu óc yếu kém, hoặc trong đức tin không cần biết không cần hiểu của một thiểu số trên thế giới. Triết lý Phật Giáo có tính cách phổ quát, đúng trong mọi thời đại, vì đó là những kinh nghiệm thực chứng của Đức Phật, của các Tổ và các Cao Tăng đắc đạo, những người đã thấy rõ sự vận hành của vạn Pháp như chúng là như vậy (như thực tri kiến).

 

I. Biện Chứng Pháp Reductio ad Absurdum:

  1. Nếu cho rằng Ngã hay Linh Hồn là toàn thể con người thì quan niệm này không thể đứng vững, không có tích cách thuyết phục, và thiếu sót một cách trầm trọng. Một người bị tai nạn, hoặc một thương phế binh, có một thân xác không toàn vẹn, hoặc một người có đầu óc không bình thường vì bị hội chứng Down v..v.., vậy thì cái gọi là Ngã hay Linh Hồn của những người này ra sao? Có còn toàn vẹn hay mất đi một phần? Và khi con người chết đi thì cái Ngã hay Linh Hồn này đi đâu? Tan rã cùng với xác thịt hay ở lại với những mảnh xương vụn? Do đó, quan niệm Ngã hay linh hồn là toàn thể con người trở thành vô nghĩa.
  2. Nếu cho rằng Ngã hay Linh Hồn "được Thiên Chúa của Ki-Tô Giáo tạo ra tức thời – nó không "sinh ra" bởi cha mẹ – và nó bất diệt: nó không bị hủy diệt khi nó tách rời khỏi thân xác vào lúc chết, và nó sẽ đoàn tụ với thân xác trong lúc sống lại sau cùng" như Ca-Tô Giáo chủ trương thì chúng ta hãy làm một thí nghiệm tưởng tượng (thought experiment): Giả thử chúng ta nhốt một người rất tin Chúa và đang còn sống vào trong một thùng sắt rất dày, đậy nắp và hàn kín nắp lại. Ai cũng biết chỉ sau một thời gian người đó sẽ chết. Vậy nếu linh hồn của người đó không bị hủy diệt và tách rời khỏi thân xác vào lúc chết thì linh hồn đó sẽ đi đâu? Và nếu thùng sắt đó không bao giờ được khui ra thì tới bao giờ nó sẽ đoàn tụ với thân xác mà Chúa sẽ làm cho sống lại vào ngày phán xét, khoan nói đến chuyện bao giờ là ngày phán xét vì ngày đó hiện vẫn là một trong nhiều ẩn số vĩ đại của một phương trình "cứu rỗi" duy nhất. Học sinh lớp mười đều biết rằng nếu chỉ có một phương trình mà lại có nhiều ẩn số thì phương trình toán học đó không thể nào có đáp số? Do đó, định nghĩa về linh hồn của Ca-Tô Giáo hoàn toàn vô nghĩa vì nó không thể áp dụng trong mọi trường hợp. Trừ phi chúng ta tiếp tục tin rằng "Chúa quyền phép vô cùng, làm gì chẳng được", niềm tin của một số dân Do Thái cách đây 20 thế kỷ.

Với trí tuệ của con người ngày nay, vấn đề "linh hồn do Thiên Chúa tạo ra tức thời - không sinh ra bởi cha mẹ" đã không còn tính cách thuyết phục. Thật vậy, trong cuốn "Đối Thoại Với Giáo Hoàng...", một tác giả, học giả Trần Văn Kha, đã đặt vấn đề "linh hồn" đại khái như sau, trg. 82-83:

Nếu bảo rằng linh hồn là một thực thể riêng biệt, không do thân xác sinh ra, nên không chết cùng với thân xác, thì linh hồn ấy ở đâu mà ra? Nếu bảo rằng linh hồn do Chúa sinh ra, chứ không phải thân xác, thì vị trí của cái linh hồn ấy đối với thân xác là như thế nào? Sự thông minh, hay ngu dốt, hay tính độc ác của một người là ở trong đầu óc, nghĩa là ở thân xác, hay ở linh hồn? Nếu bảo là ở thân xác, thì tại sao Chúa lại đem một linh hồn trong sạch bỏ vào một thân xác ngu đần, độc ác, rồi lại bắt linh hồn phải chịu trách nhiệm? Nếu bảo là ở linh hồn, thì lại càng vô lý. Tại sao Chúa lại sinh ra linh hồn tội ác? Chúa có chịu trách nhiệm về linh hồn do Chúa sáng tạo ra không? Những linh hồn do Chúa sinh ra đều bình đẳng như nhau, hay có cái tốt , cái xấu, như xe hơi Nhật, xe hơi Mỹ? Linh hồn có tội gì đâu mà sinh ra ở Phi Châu đói khổ, rồi bị người da trắng cai trị, bóc lột, đem buôn bán làm nô lệ?

Những linh hồn do Chúa sinh ra, ở đâu trước khi nhập vào một đứa trẻ sơ sinh? Ở một chỗ nào đó trên Thiên Đàng có một kho chứa linh hồn? Kho ấy lớn hay nhỏ, hay cần tới đâu thì nới rộng tới đó?... Nhập vào khi nào? Khi vừa bắt đầu thụ thai, hay khi đứa trẻ lọt lòng mẹ? v...v...

Linh mục Thiện Cẩm của thế kỷ 20 trả lời tác giả Trần Văn Kha bằng "lý luận": "Chúa đã sáng tạo ra vũ trụ muôn loài thì chuyện ban cho mỗi người một linh hồn đâu có khó khăn gì? " Đó là "trí tuệ" Ca-Tô A-Na-Mít (đặc).

Tưởng chúng ta cũng nên biết rằng, năm 1996, giáo hoàng John Paul II đã phải công nhận thuyết Tiến Hóa và đặt chắc thẩm quyền giáo lý của Giáo Hội Ca-Tô Rô-ma sau quan điểm là "Thân xác con người có thể không phải là một sự sáng tạo tức thời của Thiên Chúa, mà là kết quả của một quá trình tiến hóa dần dần". Ngài nói: "Những kiến thức mới nhất dẫn đến việc phải chấp nhận thuyết Tiến Hoa hơn là một giả thuyết". (Pope John Paul II has put the teaching authority of the Roman Catholic Church firmly behind the view that " the human body may not have been the immediate creation of God, but is the product of a gradual process of evolution. The pope said that "fresh knowledge leads to recognition of the theory of Evolution as more than just a hypothesis") nhưng để nuôi dưỡng niềm tin vào một sự cứu rỗi trong Ca-Tô Giáo, Ngài vẫn còn phải bám vào thuyết Chúa ban linh hồn cho mỗi người, đúng như hai câu vè của ông linh mục Việt Gian Trần Lục:

Phần hồn thì Chúa sinh ra
Phần xác Chúa phó mẹ cha sinh thành

Điều này thật là khó khăn và không có tính cách thuyết phục. Chính Giám mục John Shelby Spong cũng đã phải đặt vấn đề linh hồn trong Ki Tô Giáo như sau:

Nếu chỉ có con người có linh hồn, như Giáo hội đã dạy, thì chúng ta phải biết rõ khi nào nhân loại thành hình và được Thiên Chúa ban cho một linh hồn vĩnh cửu. Không có một sự sáng tạo tức thời, sự ban cho một linh hồn này trở thành một vấn đề lớn. Những sinh vật đi thẳng đứng có phải là con người không? Hay định nghĩa của con người chỉ dành riêng cho tình trạng tiến hóa của sinh vật đi thẳng đứng thành con người? Nếu vậy, ở giai đoạn nào của sự phát triển thành con người? Ngôn ngữ chỉ xuất hiện trong khoảng từ 35 tới 50 ngàn năm. Nếu các nhà sinh học không thể xác định tại thời điểm nào sinh vật đi thẳng đứng trở thành con người, ngoại trừ chỉ có thể nói rằng, tiến trình này trải dài trong khoảng 1 triệu rưỡi năm, vậy các nhà Thần học có dám xác định rõ hơn không?

Theo như nhận định của Giám mục Spong thì, nếu thuyết Sáng Tạo là một sự thật, và con người được Thiên Chúa Ki Tô tạo ra tức thời tại một thời điểm nào đó, vấn đề mỗi người có một linh hồn có thể tạm cho là có lý tuy không thể nào chấp nhận được, vì không có tính cách hoàn toàn thuyết phục. Nhưng điều rõ ràng là con người hiện nay đã tiến hóa dần dần, trải qua nhiều triệu năm một cách liên tục, từ những sinh thể ban khai, rồi tới những sinh vật đi thẳng đứng (homo erectus), sau cùng mới tới con người như chúng ta (homo sapiens), vậy linh hồn của con người được Thiên Chúa Ki Tô tạo cho bắt đầu vào thời điểm nào, và tạo như thế nào, biết rằng mỗi giây, mỗi phút, trên thế giới có biết bao đứa trẻ đủ mọi chủng tộc, sắc dân, sinh ra đời?

Trong cuốn The Happy Heretic, nữ học giả Judith Hayes viết về quan niệm linh hồn trong Ki Tô Giáo như sau, trang 40:

Linh hồn, cái mà người ta không thể nhìn, nghe, sờ, mó, ngửi thấy, hay có thể dò ra được bằng bất cứ cách nào đó qua giác quan của con người, cũng không thể tìm thấy bằng tia X, những kỹ thuật nội soi CAT scans, MRI, hay thử máu. Người ta bảo rằng linh hồn không có những tính chất vật lý, nghĩa là không có chất lượng. Điều này phù hợp với định nghĩa của một cái gì đó không hề hiện hữu. Trong khi, thí dụ, tư tưởng con người hiện hữu và không có chất lượng, nhưng những neuron cần phải có để tạo ra các tư tưởng hiển nhiên là có chất lượng. Do đó, tôi cho rằng linh hồn con người, hoàn toàn tách biệt với thân thể, không thể hiện hữu.

Nhưng những người Ki Tô Giáo đoan quyết rằng họ biết là có một nơi chốn có thực gọi là thiên đường, nơi đây các linh hồn phù du, chóng tàn, ở vĩnh viễn, và ở đây thời gian chỉ trôi theo một chiều – tới tương lai...

Nếu có một thiên thần hay một loại tâm linh nào đó giáng trần để nhập vào cơ thể con người, vậy biến cố này phải chăng xẩy ra ngay lúc tinh trùng gập trứng? Vậy linh hồn bắt đầu có lúc nào, lúc người đàn bà đang tắm? Hay đang ngáy?

Nếu linh hồn bắt đầu có sau đó, vậy thì bao giờ? Vào khoảng 30 hay 40 ngày sau khi thụ thai như giáo hội Ca-Tô một thời đã dạy như vậy? Khi đứa trẻ mới sinh ra? Có ai biết khi nào hay không? Đây có phải là một điều quan trọng mà chúng ta cần phải biết hay không?

Chúng ta thấy rằng, quan niệm về một "linh hồn" trong Ki Tô Giáo ngày nay đã không còn chỗ đứng trong luận lý học cũng như trong khoa học. Nhưng hiển nhiên là nó vẫn còn tồn tại trong đầu óc của nhiều người thuộc loại "không đội trời chung" với luận lý học và khoa học. Xin quý độc giả đọc thêm bài Thích Giác Hoàng trả lời một câu hỏi về linh hồn của "Tiến sĩ Tin Lành" Lê Anh Huy.

Trần Chung Ngọc
Ngày Đông Chí + 4, 2001
 
Mời độc giả đón xem phần II

http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/vonga.htm

 


Vào mạng: 1-1-2002

Trở về mục "Đức Phật và Phật pháp"

Đầu trang