Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Nếu không có linh hồn thì mẹ của Mục-kiền-liên
khi ở dưới địa ngục là gì?
Lê Anh Huy hỏi; Thích Giác Hoàng trả lời

 

Phật dạy không có linh hồn. Như thế thì mẹ của Mục-kiền-liên khi ở dưới địa ngục là gì?

Lê Anh Huy

***

Xin chào ông Lê Anh Huy,

Ban HTPH chúng tôi đón nhận câu hỏi của ông cũng khá lâu, nay mới sắp xếp được thời  gian viết bài trả lời gởi đến ông, mong ông thông cảm cho sự không được sớm như mong đợi!

Vấn đề ông đặt ra là một vấn đề được nhiều người quan tâm, đó là một điểm rất căn bản của các tôn giáo. Khi luận giải vấn đề nầy, chúng ta thấy sự khác biệt giữa Phật giáo và các tôn giáo khác thật rõ nét. Bất cứ nhà tôn giáo học hay nhà nghiên cứu về triết học Đông Phương nào cũng thường nhấn mạnh ở chủ đề này. Vì thế, tài liệu  về chủ đề này rất nhiều.

Trong phạm vi bài viết ngắn mang tính chất  gợi ý này, chúng tôi xin trình bày một số điểm căn bản sau:

1) Linh hồn là gì?

Khái niệm “linh hồn” trong triết học hay trong văn học rất mơ hồ. Gần như nó là khái niệm quan trọng trong các tôn giáo Đông và Tây, cổ và kim, ngoài trừ Phật giáo. Vì hầu hết các tôn giáo đều xoay quanh việc giải thích thực trạng: Con người chết rồi còn hay mất? Người chết đi về đâu? Cái gì tồn tại sau khi thân xác đã bị huỷ hoại? v.v... Khái niệm “linh hồn” được sử dụng rộng rãi trong các tôn giáo hữu thần như Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo và các tôn giáo thờ vật linh, ngẫu tượng khác. Tuy nhiên, giới Phật giáo không những không sử dụng đến khái niệm nầy mà còn bác bỏ, phủ nhận nó. Dĩ nhiên, trong ngôn ngữ bình dân hoặc các câu chuyện trao đổi, rất nhiều Phật tử đã sử dụng khái niệm “linh hồn” để chỉ cho cái gì đó tồn tại sau khi chết, và chính cái này đi tái sanh. Nhưng trên văn học thành văn, đức Phật và các nhà sớ giải, biên tập và trước tác Kinh Luận đều không dùng từ “linh hồn” để chỉ cho dòng tâm thức liên tục của con người.

Các tôn giáo hữu thần đều cho rằng có một linh hồn bất tử trong con người. Nếu khi sống làm như lời Chúa dạy, thì sau khi chết người ấy được Chúa cứu rỗi lên Thiên Đàng hoặc ngược lại thì bị đày xuống hoả ngục. Cái phần phi vật chất được lên thiên Đàng hay xuống hoả ngục đó, họ gọi là linh hồn. Điều nầy chúng ta có thể kiểm chứng qua các tài liệu như Kinh điển gốc, sách sớ giải hoặc  sách của các chuyên gia viết về tôn giáo học hoặc các loại từ điển về tôn giáo.

Đọc Kinh tạng và Luận tạng Phật giáo, chúng ta có thể tìm thấy vài từ Sanskrit hoặc Pàli được dịch là “linh hồn” như Jìva, àtma, atta hoặc satta. Từ  “Jìva”  phần lớn được dùng trong Kỳ-na giáo (Janism), chỉ cho phần bên trong của một con người, đối lập lại với phần cơ thể vật chất. Chữ “àtma” thường được dùng trong hệ thống Bà-la-môn. Hai chữ còn lại thường được dùng dung thông cho các tôn giáo thời bấy giờ.

T.W. Rhys Davids đã viết trong bộ từ điển của mình về quan niệm “linh hồn” trong các tôn giáo thời cổ như sau: “Linh hồn được trình bày trong các học thuyết vật linh vào thế kỷ thứ VI, thứ VII trước Tây lịch ở Bắc Ấn Độ. Linh hồn được mô tả trong các bộ Upanisad (Áo Nghĩa Thư) như là một sinh vật nhỏ có hình dáng giống con người, thường an trú trong tim. Nó sẽ rời bỏ thân thể khi ngủ hoặc trong các trạng thái xuất thần. Khi nó trở lại xác thân thì sự sống và tình cảm của con người tái hiện. Nó thoát khỏi thân thể sau khi chết, rồi tiếp tục một đời sống vĩnh hằng khác”[1].

 Bài nghiên cứu “Các Khái Niệm về Linh Hồn ở Ấn Độ” của William K. Mahony trong bộ Từ Điển Bách Khoa về Tôn Giáo cũng nhận định học thuyết linh hồn trong văn học Veda và Upanisad như sau: “Linh hồn (àtma), được giải thích theo quan điểm thần học, hiện diện trong một hữu tình thần linh tối thượng, như các thần Ì's, Ísa, hoặc I'svara, và đặc biệt hơn là các thần 'Siva, Vi.s.nu hoặc các thần linh tối thượng khác tuỳ theo [đối tượng của] nhóm người thờ phụng[2].

Katha Upanisad 2.1.13 viết: Ngài là chúa tể của quá khứ và tương lai. Ngài là hôm nay và cũng sẽ là ngày mai. Ngài chính thật là Linh Hồn.[3]

Nếu chúng tôi trích các câu có cùng nội dung như vậy trong các bộ Upanisad, có lẽ vài trăm câu là ít.  Điều chúng ta có thể nhận định ở đây, là các nhà thuộc Bà-la-môn giáo này lẩn quẩn trong tư biện triết học từ độc thần đến phiếm thần, cho rằng sự thờ phụng các Thượng Đế cũng chính là sự thờ phụng atman của mình. Hay nói cách khác, atman cũng chính là linh hồn, và Thượng Đế Brahma là chúa tể các linh hồn đó.  Như vậy, từ quan điểm độc thần họ bước qua phiếm thần, từ nhị nguyên, họ bước qua nhất nguyên. Bao nhiêu đó đủ cho chúng ta thấy sự mù mờ, lẩn quẩn trong học thuyết linh hồn của Bà-la-môn giáo.

Các học thuyết về Thượng Đế, thần linh, linh hồn và con người của các tôn giáo khác cũng có những cách lý giải lờ mờ tương tự. Do đó, đức Phật đã không chấp nhận khái niệm linh hồn của thời đó vào hệ thống giáo lý của Ngài là vậy.

 2) Tại sao đức Phật phủ nhận một linh hồn bất tử hay một bản ngã thường tại?

Theo đức Phật, con người (puggala) là sự tập hợp của hai thành phần chính gọi là danh (nàma) và sắc (rùpa). Danh gồm có 4 hợp tố khác, đó là thọ, tưởng, hành và thức. Sắc gồm có hai, đó là nội sắc và ngoại sắc. Các bài giải thích về ngũ uẩn rất nhiều, ông có thể bấm vào phần Đức Phật và Phật Pháp để chọn bài nào thích thì tham khảo thêm. Tuy nhiên, chúng tôi xin giới thiệu bài khảo cứu chuyên đề về Năm Uẩn của Thầy Thích Viên Giác như là tài liệu tiêu biểu để hiểu về con người ngũ uẩn theo quan điểm của đạo Phật.

Theo quan điểm của đức Phật, mọi sự vật hiện tượng, trong đó có cả con người, đều chịu  sự chi phối của quy luật biến dịch, thay đổi của vũ trụ. Định luật đó gọi là “vô thường” (anicca). Chính vì bản chất của mọi sự vật hiện tượng là không thật (Sabbe dhamma anattà), do các duyên hội tụ mà thành, nên chúng mới chịu sự chi phối của định luật vô thường nầy. Thân hay tâm của con người cũng  phải chịu sự chi phối, tác động này. Tất cả mọi sự vật hiện tượng, dù là  các ý niệm  hay là tư tưởng đều luôn luôn thay đổi nên  không có một cái gì gọi là một linh hồn bất tử được. Do đó,  đức Phật nói rằng mọi sự vật hiện tượng không thực thể (Sabbe dhamma anattà), chúng chịu sự biến hoại (Sabbe sankhara anicca), khi chúng chịu sự biến hoại, cho nên dẫn đến khổ đau (Sabbe sankhara dukkha).

Cũng cần nói thêm, người bình dân Việt Nam và Trung Hoa thường hiểu nôm na “linh hồn” là  tâm thức tồn tại sau khi chết, là phần phi vật chất, chứ không phải là một linh hồn bất biến, và chính nhờ linh hồn nầy mà chúng sanh đi đầu thai vào các cõi tương ứng. Nếu hiểu như vậy, thì ở đây chúng ta tạm chấp nhận. Trong trường hợp nầy, “linh hồn” có nghĩa là một dòng chảy của các ý niệm, sau khi chết do sự thúc đẩy của tập quán  tạo tác của thân tâm đời trước, nó tạo thành một động lực dẫn đến tái sanh, như vậy nó có nghĩa tương đồng với chữ “kiết sanh thức” trong đạo Phật. Bài viết Có hay không có linh hồn trong Phật giáo của Giáo sư Minh Chi có thể đại diện cho cách hiểu nôm na này.

Tuy nhiên, cách dùng từ như vậy cũng chỉ là tạm thời, vì Phật giáo hoàn toàn không dùng khái niệm “linh hồn” để chỉ cho các trạng thái tâm lý, hay dùng từ “linh hồn” để chỉ cho lực đẩy của các ý niệm (nghiệp). Chương thứ VI: Lý thuyết Vô Ngã  trong tác phẩm Con Đường Thoát Khổ của Hoà Thượng W.Rahula được Ni Sư Trí Hải dịch sang Việt ngữ có thể xem là tiêu biểu cho cách dùng từ chính xác này.

Trong nhiều bài Kinh, đức Phật đã chỉ trích hai quan điểm chấp thường và chấp đoạn của các nhà ngoại đạo thời bấy giờ. Chấp thường là chấp có một linh hồn bất tử. Chấp đoạn là chấp không có gì cả, cho rằng con người chỉ là sản phẩm của gien, của di truyền, chết là hết, không có tội phước, nhân quả. Đạo Phật vượt lên trên hai quan điểm cực đoan đó và chấp nhận sự hiện hữu của một dòng tâm thức đang thay đổi.

 3) Hiện tượng mẫu thân của tôn giả Mục-kiền-liên dưới địa ngục

Điểm cần lưu ý ở đây, là trong Kinh và Luận, đức Phật và các nhà sớ giải đề cập không biết bao nhiêu lần tính chất “vô ngã” (anattà) của vạn pháp, trong đó có cả con người. Tuy nhiên, khái niệm “vô ngã”, hay “không có một linh hồn bất tử” hoặc “không có một bản ngã thường tại” không có nghĩa là Phật giáo phủ nhận sự tương tục của một dòng tâm thức.

 Thức (vì~n~anà) được hiểu như là dòng chảy liên tục của các ý niệm. Các ý niệm này tuỳ thuộc nhiều yếu tố khác mà phát sinh, đức Phật gọi quá trình tuỳ thuộc phát sinh nầy là “duyên khởi” (paticasamupàda). “Thức” chỉ là một mắc xích trong 12 mắc xích duyên khởi  mà thôi. Do đó, khái niệm “thức” của Phật giáo khác nhau với "linh hồn bất tử" của các tôn giáo khác rất lớn. Chính sự tiếp nối của các ý niệm tương tục  nầy mà thức đi tái sanh, lên xuống trong 3 cõi 6 đường, chứ không phải là một linh hồn bất tử, vĩnh hằng như cách hiểu của các tôn giáo khác.

Câu chuyện  bà Thanh Đề, mẫu thân của tôn giả Mục-kiền-liên bị đoạ xuống địa ngục được tôn giả Mục-kiền-liên và chư tăng cứu độ nhân ngày rằm tháng bảy. Ở đây, chúng tôi không xét đến khía cạnh lịch sử. Nhưng có một sự thật không thể sai được, đó là, nếu bà Thanh Đề bị đoạ xuống địa ngục thì do nghiệp ác bà ấy đã tạo, và tự thân nghiệp xấu ấy chiêu cảm mà khiến bà sanh vào cảnh giới tối tăm, đau khổ tương ứng với tâm thức tăm tối của bà, chứ không hề có một Thượng Đế nào đày bà xuống địa ngục. Đây cũng là điểm khác biệt nổi bật của Phật giáo với  các tôn giáo hữu thần khác.

Mình gieo nhân thì tự gặt quả lấy, hoàn toàn không có một tác nhân của Phật, Chúa Trời, Thần, Quỷ … can dự vô nhân quả của mình được. Mình gieo nhân tốt, không cần sự cứu rỗi của ai cũng được sanh lên các cảnh giới chư Thiên. Nếu mình làm chuyện bất thiện thì sau khi chết, nghiệp bất thiện nầy tương ứng với cảnh giới của những người bất thiện, khiến tâm thức của người ấy sanh về cảnh giới chịu khổ sở để trả quả báo ác độc, không có một vị thần nào đày ta xuống cõi âm ti, địa ngục cả. Người Trung Hoa nói “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” cho trường hợp này cũng rất đúng vậy.

4) Thay lời kết

Để hỗ trợ cho các quan điểm trên, đồng thời để giúp ông có thêm tài liệu nghiên cứu về chủ đề này, chúng tôi xin giới thiệu bài Phật giáo có tin rằng có linh hồn tồn tại hay không? trong cuốn Phật Giáo Chính Tín của Hoà Thượng Thánh Nghiêm, một cao Tăng cận đại ở Trung Hoa. Ngũ uẩn và Vô ngã trong tác phầm Phật Học Khái Luận của Thượng Toạ Thích Chơn Thiện.  

Với những tài liệu chuẩn xác của những nhà nghiên cứu uyên bác được giới thiệu ở trên, chúng tôi tin tưởng ông  có thể hiểu thêm về khái niệm “linh hồn” và học thuyết “vô ngã”  trong đạo Phật, đồng thời có thêm thông tin về các quan điểm của một hai tôn giáo khác về vấn đề nầy.

Cầu chúc ông hanh thông trong cuộc sống, trong nghiên cứu và trong tu tập tâm linh của mình.

 

[1] "The soul as postulated in the animistic theories held in North India in the 6th and 7th century B.C. It is described in the Upanishads as a small creature, in shape like a man, dwelling in ordinary times in the heart. It escapes from the body in sleep or entrance, when it is returned to the body life and motion reappear. It escapes from the body at death, then continues to carry on an everlasting life of its own." (Pali-English Dictionary, Delhi, Moltilah Banasidass Publishers Private Limited, 1997, trang 22).

[2] "Interpreted theologically, the soul (here àtman) is said to be the presence in the living being of a supreme deity, known generally as I's, Ì'sa or Ì'svara, and more particularly as 'Siva, Vi.s.nu or some other supreme  deity according to the specific  sectarian  group."  của  William K. Mahony  trong bài khảo cứu: SOUL: Indian Concepts trong bộ The Encyclopaedia of Religion  do Mircea Eliade làm tổng biên tập, vol.13 được nhà xuất bản Collier Macmillan Publisher ấn hành tại London, năm 1987, trang 441.

[3] "He is the Lord of the past and of the future. He is the same today and [will be] the same tomorrow. This [soul], truly, is That". (như trên, trang 440)

http://www.buddhismtoday.com/viet/hopthu/linhhon.htm

 


Vào mạng: 13-12-2001

Danh sách các câu hỏi Phật học

Đầu trang