Trang tiếng Anh

    Đạo Phật Ngày Nay

Trang tiếng Việt

   

...... ... ..  . ..  .  .
Mặc Giang – Thơ 29

01.  Bài thơ 28 : Thăm viếng Trại Cùi

02.  Bài thơ 29 : Thăm người lao động

03.  Bài thơ 30 : Xin gởi cho Anh !

04.  Bài thơ 31 : Xin gởi cho Chị !

05.  Bài thơ 32 : Xin gởi cho Em !

06.  Bài thơ 33 : Trao thế hệ đàn em !

07.  Bài thơ 34 : Thăm hỏi Tiền Nhân

08.  Bài thơ 35 : Không biết ngày mai tôi trở về !

09.  Thoát khỏi, được mấy người !

10.  Cho thõa mãn cuộc đời !

 

Bài thơ hăm tám :

Thăm viếng trại cùi !

Tháng 03—2005

 

Ta viếng đi thăm những trại cùi

Mới vào đến cổng đã nghe mùi

Cái mùi dần chết ôm thân phận

Một cõi trần gian, khép ngậm ngùi

 

Vào thăm, mới thấy cảnh thê lương

Trường đoạn còn đâu, khúc đoạn trường

Não thảm chất chồng thêm thảm não

Thương đau, rữa nát những đau thương

 

Bỗng nhớ ngày xưa Hàn Mặc Tử

Đường lên dốc đá, nát tan hoang

Mộng Cầm thổn thức vầng trăng lặn

Nguyệt lạc trường giang lạnh đá vàng

 

Trại cùi, một thế giới âm u

Bóng tối, vẽ chi cảnh mịt mù

Đến cuối đường hầm còn khép lại

Canh tàn còn đợi cửa thiên thu

 

Tấm thân đang sống bỏ dần thân

Từng khúc rữa ra, cắt bỏ dần

Gởi đớn đau về thăm cát bụi

Giữ trần thân đếm những phong trần

 

Cắt đi, cắt nữa, bỏ từng phần

Cắt bỏ khi nào hết tấm thân

Cắt chỗ thối tha, thêm chỗ chết

Ui cha ! đau quá ! thân ơi ! thân !

 

Thấy rồi, tội lắm, hỡi người ơi

Còn khổ nào hơn trong cuộc đời

Cùi đã cùn dần, thêm phát hủi

Còn gì mà nói nữa, người ơi !

 

Bài thơ hăm chín :

Thăm người lao động !

Tháng 03—2005

 

Giờ ghé qua thăm người lao động

Để nhìn từng giọt đẫm mồ hôi

Vá áo phong sương dày lao nhọc

Là biết cuộc đời khổ tới đâu

 

Lao động, những ai có trải qua

Khổ rồi, mới biết thương người ta

Nếu chưa, sao hiểu ngàn công khó

Từ cổng bước vô, ngập nóc nhà

 

Cái nghề lao động của chân tay

Sần sũi làn da đến mặt mày

Gian khổ đeo đời trôi lận đận

Cần lao cực nhọc tự xưa nay

 

Một nắng, hai mưa, nhuộm gió sương

Ba lao, bốn khổ, ngấm tang thương

Năm cay, sáu đắng, chồng chua chác

Bảy xót, tám xa, chất đoạn trường

 

Ngày, hứng mồ hôi, lớp lớp trào

Đêm, kè đau khổ, quải gian lao

Hai bờ thăm thẳm mòn đôi mắt

Cơm nếp đầy vơi, ngấy nhét vào

 

Của một nhưng công nặng bạc vàng

Bao nhiêu vật dụng cõi trần gian

Đều nhờ công sức người lao động

Đừng bỉ dè nhau hỡi thế nhân

 

Mong ai chia xẻ, quí thì thôi

Bắt nhịp cảm thông, ơn cảm rồi

Chớ trọng khinh chi bao nghiệp dĩ

Nghề nào, cũng sống vậy mà thôi !

 

Bài thơ ba mươi :

Xin gởi cho Anh  !

Tháng 03—2005

 

Này anh, từ lúc gánh hai vai

Một sắc hai son cứ miệt mài

Nước chảy thấm sâu lòng đất nước

Đá mòn cho phỉ chí làm trai

 

Này anh, từ thuở bước lên đường

Đem sức tang bồng vá nhiểu nhương

Đem chí nam nhi bồi tích sử

Góp bàn tay hiến tặng quê hương

 

Này anh, đừng hỏi, đến bao giờ

Đã bảo rằng xây dựng ước mơ

Như núi cùng non reo tuế nguyệt

Như sông cùng biển tựa cơ đồ

 

Một khi, trái chín mộng, treo cành

Nhụy thoảng thơm thơm, hương tỏa quanh

Là đến thời kỳ thâu kết quả

Chan hòa mưa nắng, đẹp trời xanh

 

Chỉ sợ không rèn đức trượng phu

Biển sông, sao sánh vũng ao tù

Tiểu nhân, sao sánh cùng quân tử

Sống ở đời, chỉ khác chữ “ngu”

 

Trao nhau như thế, đủ rồi anh

Nếu thiếu hay dư, thì cũng đành

Nếu thiếu thì bao giờ cũng thiếu

Nếu dư, thì đã quá, rành rành

 

Ta hẹn nhau về nơi bến cũ

Bên dòng sông quyện, suối nguồn xưa

Quê hương thắm thiết tình non nước

Ta mãi còn nhau, anh nhớ chưa ???

 

Bài thơ ba mốt :

Xin gởi cho Chị !

Tháng 04—2005

 

Này chị, từ ngày chị bước đi

Buồn không, sao chẳng nói năng gì

Đã mang thân phận làm nhi nữ

Xuất giá, là lên cầu biệt ly

 

Hãy tròn bổn phận bên người ta

Còn chỗ thật sâu, cất nỗi nhà

Không ruột rà mà thương mến chị

Chừng nào như thế mới hoan ca

 

Một thân, chị phải chẻ làm hai

Nặng nhẹ đôi đàng gánh trĩu vai

Cứ gánh vuông tròn nghe chị nhé

Hết hôm nay đến những ngày mai

 

Cứ thế, chị trang trải suốt đời

Một lòng đem xẻ gởi hai nơi

Tay nâng, tay đỡ, tay mòn mỏi

Vai vác, vai mang, vai rã rời

 

Chị này, nhớ mẹ những ngày xưa

Dậy sớm, thức khuya, cũng chẳng vừa

Gian khổ bào mòn sao chịu nổi

Khi thương, cỏ mọc đã bao mùa

 

Đã biết rồi mà, chị khổ lắm

Nào nhà nào cửa nào chồng con

Hai quê một cảnh tràn mi mắt

Xót dạ thương lòng nát sắc son

 

Ấy thế thành người mẹ Việt Nam

Cơm lành canh ngọt quít còn cam

Cửa nhà gia thế noi giòng giống

Đưa nước về nguồn nhớ Tổ Tông.

 

Bài thơ ba hai :

Xin gởi cho Em !

Tháng 04—2005

 

Này em, đâu có nhỏ gì đâu

Mái tóc ngày xưa đã đổi màu

Chiếc bóng thời gian lay động mãi

Sắc còn phai huống nữa là màu

 

Nhưng em phải hiểu cuộc đời này

Nhân thế đã mang kiếp đọa đày

Trần thế còn đeo thêm khốn khổ

Nên vô thường cứ chuyển lăn quay

 

Để tôi đi truớc, tiếp theo em

Đi mãi đến khi bước xuống thềm

Cùng giữ gìn nhau, trao thế hệ

Hỏi khung trời mấy ánh sao đêm

 

Tôi chỉ hỏi thăm những chuyện xưa

Chứ làm sao kéo tuổi ngày thơ

Hỏi thăm để nhớ về xưa cũ

Dĩ vãng cuốn trôi tận cuối bờ

 

Giờ em ngấm nghé tuổi hơi già

Mái tóc của tôi đã trổ hoa

Rêu phủ bên đường còn biến sắc

Hỏi chi bóng xế của chiều tà

 

Cuộc đời chồng chất phải không em

Máu chảy về tim thấm ruột mềm

Tươi thắm quá thời thâm tím tím

Úa tàn xơ xác cả con tim

 

Đuối sức mỏi mòn bên dốc đá

Hơi tàn quờ quạng cuối đường đi

Rừng già che bóng rừng non vậy

Đại thọ chở che tiểu mộc thì

 

Nên tôi chỉ nhắc em ngần ấy

Cộng của em, đời sẽ khá hơn

Gom góp và vun bồi mãi mãi

Như hoa thêm nhụy sắc thêm son.

 

Bài thơ ba ba :

Trao thế hệ đàn em !

Tháng 04—2005

 

Xin trao về thế hệ đàn em

Thế hệ chúng tôi đâu có quên

Gắng sức hoàn thành bao gạch nối

Từ tiền nhân gởi lại cho em

 

Thế hệ chúng tôi bao dấu ngoặc

Chống sào lái mũi giữa muôn chiều

Ngửa nghiêng tơi tả như chiếu rách

Bầm dập dậy men tợ cơm thiu

 

Có trách chúng tôi thì cứ trách

Đồng thời đồng thế mới đồng cam

Ngoài chăn, sao cảm trong chăn ấy

Há miệng đã đau bỡi nát hàm

 

Cũng may còn ngóp ngoi lên được

Trao lại các em hơi tạm yên

Những khổ đau, vá bằng vụn vỡ

Những tang thương, đắp bỡi oan khiên

 

Máu, nước mắt cùng hòa đổ ra

Một thời lịch sử đã đi qua

Bao nhiêu tình tự hy sinh ấy

Cũng bỡi vì non, nợ nước nhà

 

Thuyền vượt trùng dương biết biển khơi

Phong ba ụp phủ, giập tơi bời

Gió sương xơ xác, vùi tan nát

Nát cả con người, nát biển khơi

 

Có sống chẳng qua còn sót lại

Chỉ xin làm sỏi đá bên đường

Và xin được lót thềm loang lở

Bồi đắp quê hương, vá đoạn trường !

 

Bài thơ ba bốn :

Thăm hỏi tiền nhân !

Tháng 04—2005

 

Cho xin thăm hỏi bậc tiền nhân

Thời thế đã qua bao lưỡng phân

Chống đỡ mấy chiều hay tạp lục

Mà sao gió bụi nát phong trần

 

Cha ông đã đổ những ngày xưa

Xương núi máu sông chứ chẳng vừa

Nước mắt viết đầy trang lệ sử

Tâm can tan nát biết hay chưa

 

Dư đồ tơi tả, cùng đan, vá

Lịch sử ngửa nghiêng, cùng đắp xây

Thế hệ hôm nay còn cấu xé

Còn gì cho thế hệ ngày mai

 

Không phải đá vàng chẳng sắc son

Cũng không ngoại tại siết hao mòn

Bỡi vi trùng nội bào sông núi

Bỡi phá tam giang rẽ nước non

 

Thế hệ chúng ta nên thẩm thấu

Đã qua một thế kỷ, còn gì

Hoàng tuyền rêu phủ còn ân hận

Không lẽ trần gian rũ mốc xì

 

Đừng dày non nước thêm nông nỗi

Đừng xéo quê hương cạn dấu tình

Lịch sử cứ đi, đi tới mãi

Tro tàn vờn vợn khói lung linh

 

Thương người đi trước tức thương ta
Kèo cột vách xiêng chung mái nhà

Xin góp bàn tay xây dựng lại

Ngày mai con cháu sẽ thương ta

 

Xin cảm ơn người, hỡi cố nhân

Biết rồi, mới hết những phân vân

Thế thời, thời thế đều gai góc

Đen trắng, trắng đen, đều dự phần.

 

Bài thơ ba lăm :

Không biết ngày mai tôi trở về !

Tháng 04—2005

 

Không biết ngày mai tôi trở về

Đường làng có trách nỗi tình quê

Cô thôn có dỗi buồn hương vị

Cây cỏ dọc ngang có ủ ê

 

Không biết ngày mai qui cố hương

Tiếng kêu con quốc có ai thương

Sông xưa con nước còn in bóng

Bến cũ con đò có vấn vương

 

Không biết ngày mai tôi bước đi

Bao năm mong mỏi có còn gì

Có còn một chút tình quê cũ

Hay lạ quá rồi có nghĩa chi

 

Không biết ngày mai tôi viếng thăm

Mừng mừng, hay bảng lảng xa xăm

Thân thương, hay dửng dưng xa lạ

Như vải bỏ gai, kén bỏ tằm

 

Dù sao tôi cũng bước đi về

Không hẹn nào ai có lỗi thề

Lối cũ khép hờ không đóng mở

Đường xưa bỏ ngõ rộng tình quê

 

Cho nên tôi sẽ bước đi qua

Nối nhịp ruộng đồng vang hát ca

Trổi khúc hương quê lồng gió nắng

Vương vương ôm ấp vạn tình ta

 

Nhìn cánh đồng quê mỉm miệng cười

Nhìn bông lúa trắng ngậm xinh tươi

Tiếng chim ca hót tình quê gọi

Bếp lửa hồng êm, ấm mọi người.

 

Thoát khỏi, được mấy người !

Tháng 04—2005

 

Khi đối diện mênh mông

mới thấy mình lạc lõng

Khi con đường đã đóng

mới thấy kẹt lối đi

Khi đối diện tuyệt kỳ

mới biết mình u tối

Khi ba đào sóng nổi

mong sao được bình yên

Khi vây bủa ưu phiền

nhẹ buông là sướng nhất

Khi khốn cùng chật vật

mới thấu hiểu cơ hàn

Khi nứt vách bạc vàng

coi kim tiền cỏ rác

Khi bốn bề phiêu bạt

mới mong mỏi bến bờ

Khi rã rượi mệt khờ

mới mong giờ thư giãn

Khi cằn khô nắng hạn

mới quí những xinh tươi

Khi không có nụ cười

mới thương đời ảo não

Khi dẫy đầy gian xảo

mong được chút mỹ chơn

Khi oán hận căm hờn

mới thương bồ câu trắng

Khi than dài thở ngắn

mới cảm nỗi đớn đau

Khi vụn vỡ chiếc cầu

mới tiếc thương từng nhịp

Khi đọa đày trọn kiếp

mới sợ cõi trần gian

Khi khổ ải vô vàn

mới ê đời nhân thế

Khi vào ra sông bể

mới thương cảnh ao tù

Khi cuối nẻo mịt mù

còn gì nữa người ơi

Nên ta lên tiếng gọi

thoát khỏi được mấy người

Xin trao tặng nụ cười

cho đời ta thêm đẹp.

 

 

Cho thõa mãn cuộc đời !

Tháng 04—2005

 

Thương không con thiêu thân,

vùi đầu vào chỗ chết

Thương không hỡi con ếch,

bụng nhỏ trông hơn bò

Thương không con tò vò,

ươm tơ tằm làm tổ

Thương không hươu cao cổ,

ngất ngưởng giữa lưng trời

Thương không hỡi con dơi,

sống đêm đời tăm tối

Thương không này con mối,

đụn đất nhô làm nhà

Thương không này con gà,

lá chanh kêu cục tát

Thương không đời con vạc,

đục nước khổ chim cò

Thương không hỡi con còng,

sợ đời khi lìa tổ

Thương không này loài hổ,

mang kiếp sống núi rừng

Thương không loài chim ưng,

mắt lườm nhe nanh vuốt

Thương không này con quốc,

vì non nước gọi hồn

Thương không này con công,

vì đời mang chơn thiện

Thương không loài chim yến,

mang tiếng hát oanh vàng

Thương không này con ngan,

cả đời ăn nói ngược

Thương không loài cá lượt,

còn chải chuốc giữ gìn

Thương không này con ĩn,

suốt đời kêu ụt ịt

Thương không loài bọ xít,

còn đánh thối bọ hung

Thương không đời con giun,

vùi đời trong vũng đất

Thương không con lật đật,

luôn bộp chộp tới già

Thương không này sơn ca,

còn họa mi đâu nữa

Thương không đời con sứa,

sao cứ ợ ra hoài

Thương không những rọi soi,

đèn nhà ai nấy sáng

Thương không này cánh nhạn,

có làm nổi mùa xuân

Đứng trước giữa bâng khuâng,

mơ ngày mai hy vọng

Cho thõa mãn cuộc đời !!!

 


Vào mạng: 1-5-2006

Trở về thư mục "Thơ Phật giáo"

Đầu trang