Trang tiếng Anh

    Đạo Phật Ngày Nay

Trang tiếng Việt

   

...... ... ..  . ..  .  .
Mặc Giang – Thơ 27

 01.    Tôi không có bán thơ đâu !

02.    Nơi quê nghèo nho nhỏ !

03.    Tôi phải chết !

04.    Tôi phải sống !

05.    Những người em bé nhỏ của tôi ơi !

06.    Phải biết sống và bình yên vững sống !

07.    Đổi thành họ “ĐỔ” !

08.    Trong cuộc đời, cái gì cũng trả giá !

09.    Em thấy đó, nơi xa mờ hoang đảo !

10.    Những vành Hoa Thế Hệ !

 

Tôi không có bán thơ đâu !

Mặc Giang * Tháng 03-2005

 

Nhớ Hàn Mặc Tử bán trăng

Nhớ người khố rách làm văn bán nghèo

Cơ cùng ai bán mốc meo

Sơn khê ai bán giữa đèo hoang vu

Còn tôi xin bán cái ngu

Bán luôn cái dốt mặc dù chẳng mua

Bán luôn những cái hơn thua

Chỉ xin giữ lại quê mùa mà chơi

Bán luôn phi thị cuộc đời

Chỉ xin giữ lại cơ ngơi an bình

Bán luôn danh lợi lưu linh

Chỉ xin giữ lại nguyên trinh độc hình

Có ai mua được chình ình

Để tôi bán nốt nhục vinh đã nhiều

Bán luôn trưởng giả quan liêu

Bán luôn cái lạnh cuối chiều mùa đông

Bán luôn bèo bọt trôi dòng

Chỉ xin giữ lại bờ sông lần về

Bán luôn những cái nhiêu khê

Để coi trong nỗi ê chề ra sao

Bán luôn đến cả trăng sao

Chỉ xin giữ lại cây đào trước sân

Bán luôn những cái phong trần

Cho luôn chiếc bóng phù vân trôi bờ

Nhưng tôi không bán vầng thơ

Để tôi nhìn nó hững hờ tôi chơi

Mang thơ đi khắp cuộc đời

Rải thơ cùng khắp chơi vơi trên ngàn

Dù ai đã bán trăng vàng

Còn tôi gõ tiếng tao đàn thân thương

Dù ai khép lại nẻo đường

Nhưng thơ tôi đó, vương vương vô cùng !

 

Nơi quê nghèo nho nhỏ !

Mặc Giang * Tháng 03-2005

 

Tôi thương mái nhà tranh

Nơi quê nghèo nho nhỏ

Những ngày xa xưa đó

Dọc nước cạnh bờ ao

Cùng bọn trẻ ồn ào

Khắp thôn trên xóm dưới

Những đứa trang lứa tuổi

Vui giỡn những trò chơi

Sung sướng nhất cuộc đời

Là thời xưa bé nhỏ

Một tiếng kêu đâu đó

Là cả lũ hè nhau

Lấp ló trông trước sau

Là cùng nhau vọt lẹ

Bao năm trời như thế

Nên mọi nẻo trong làng

Khắp ngõ hẻm cùng hang

Như bàn tay năm ngón

Mỗi khi mùa nước lớn

Chặt chuối kết làm đò

Đẩy sào chạy ro ro

Té nhào lăn bì bõm

Đêm về bắt đom đóm

Bỏ trong bọc làm đèn

Cùng chí chóe rùm beng

Đèn của ta sáng quá

Qua rồi mùa lá mạ

Lúa gặt đổ đầy đồng

Mót từng bó ngóng trông

Chờ những khi đổi cốm

Khắp cùng trong lối xóm

Tiếng đập lúa hòa vang

Bọn trẻ kéo một đàn

Mà chơi trò cút bắt

Rạ, xót ơi là xót

Ù té, chạy ra sông

Nhảy xuống nước ùm ùm

Nước mềm môi dịu ngọt

Rồi tập tành đến lớp

Đánh xuôi ngược trường làng

Trôi theo bước thời gian

Qua rồi ngày thơ ấu

Đến nay nhìn theo dấu

Thỉnh thoảng nhớ xa xưa

Lại nhung nhớ sao vừa

Nơi quê nghèo nho nhỏ

Và thời xa xưa đó

Tuổi trẻ của tôi ơi !

 

Tôi phải chết !

Mặc Giang * Tháng 03-2005

 Tôi phải chết, cố nhiên, ai cho sống

Dù có cho cũng chẳng sống nổi mà

Khi tấm thân đã đến chỗ trầm kha

Dù cho sống cũng lắc đầu, muốn chết

 

Tôi phải chết, vì cuối đời, thấm mệt

Đã bao năm đập dũa biết bao lần

Nên tiêu điều, tàn tạ cả tấm thân

Sống không nổi, làm sao mà chẳng chết

 

Tôi phải chết, đúng rồi, sống chi mệt

Đến cuối đường kết thúc mọi lối đi

Nằm ì thêm, khốn khổ, chớ ra gì

Dứt cái một, lìa đời, cho sướng quách

 

Tôi phải chết vì châu thân lìa mạch

Sức không còn mà lực cũng tiêu ma

Như mũi tên đã đi đến cuối đà

Nên chúi mũi cắm đầu lao xuống đất

 

Tôi phải chết có nghĩa là sẽ mất

Sống không xong khi chết bảo sao còn

Nhưng trong đời sẽ có những cái hơn

Danh, ô danh, và còn ai nhắc nhở

 

Tôi phải chết để đi vào muôn thuở

Cùng nhân gian sẵn một lối đi về

Cả một đời còn gì nữa mải mê

Cho chật đất và trần gian choáng chỗ

 

Tôi phải chết vì tôi cần phải chết

Bụi đã tàn mà cát cũng tiêu sơ

Tôi phải đi, kìa, cát bụi đang chờ

Đón cái mới và ngày mai xuất hiện.

 

Tôi phải sống !

Mặc Giang * Tháng 03-2005

 

Tôi phải sống, hẳn chưa, không thể được

Dù có cho, nào đã đến trăm năm

Đường còn dài, đã vội vã nằm lăn

Bảo mở mắt nhìn đời, không động đậy

 

Tôi phải sống, thật không, chưa hẳn vậy

Kiếp trăm năm đếm thử được mấy người

Từ xưa nay, chưa kịp đến mấy mươi

Đã thứ lớp chen chân chầu thiên cổ

 

Tôi phải sống, cố nhiên, ai đánh đổ

Cứ sống đi, phải sống, đó là quyền

Cứ sống đi, và sống, lẽ tự nhiên

Cái Quyền Sống, thiêng liêng, ai dám động

 

Tôi phải sống cỡi phù sinh vào mộng

Ôm mơ màng nói chuyện với chiêm bao

Bách niên ư, huyết ẩm tại Vườn Đào

Nghĩa cao đẹp nhưng câu thề chưa vẹn !

 

Tôi phải sống bỡi dương trần đã vén

Bức màn nhung treo giá đổi tử sinh

Mỗi thế nhân trôi nổi bước đăng trình

Bồ hóng phủ rong rêu thêm mấy lớp

 

Tôi phải sống để nếm mùi tan hợp

Cho hợp tan ủ mặt nét tang thương

Cho đắng cay sắt cạn nước đoạn trường

Nhưng phải sống làm sao cho ý nghĩa

 

Chiếc bào ảnh trắng xanh vàng đỏ tía

Kiếp nhân sinh lăn lộn bạc sắc màu

Sống làm sao để lại bóng đêm thâu

Ghi một điểm nhạt nhòa dòng huyễn hóa.

 

Những người em bé nhỏ của tôi ơi !

Mặc Giang * Tháng 03-2005

 

Này, những người em bé nhỏ của tôi ơi !

Mới lớn lên, vào ngưỡng cửa cuộc đời

Đời sẽ đưa em đi muôn vạn nẻo

Hồn xinh xắn nhuộm trần gian khô héo

Lòng thanh thiên vấy nhân thế gợn màu

Những trang sách học trò gởi lại phía sau

Và đời em sẽ trở thành một pho sách truyện

Này, những người em bé nhỏ của tôi ơi !

Em sẽ đi, như những con tàu rẽ tuyến

Bụi thời gian, ngày thêm thấm dặm trường

Bụi không gian, ngày thêm thấm phong sương

Theo năm tháng, bào mòn bao sức lực

Thời thư sinh là cái thời đẹp nhứt

Tuổi trẻ thật dễ thương

Vui với mái học đường

Cùng bè bạn vui chơi trang đèn sách

Giữa trường học, trường đời, đôi bờ ngăn cách

Tôi nói trước với em, dù chỉ đôi câu

Nhưng rồi em sẽ hiểu thật thâm sâu

Những câu đó là những lời chân thực

Giữa hai nẻo, còn nhiều lằn mức

Em dần xa tuổi ngọc thiên thần

Vào cuộc đời, đối diện tân toan

Em sẽ đi trên nhiều gai góc

Này, những em bé nhỏ của tôi ơi !

Những ngày xưa em khóc

Vì những bài học, mở khóa không ra

Sợ thua chúng bạn, sợ thầy cô la

Nhưng ngày nay em khóc, vì đời không như em nghĩ

Sách vở là những huyền mơ, ly kỳ, mộng mị

Trường đời là những hiện thực, cạm bẩy, tạp đa

Sách vở kia, không phải của em, mà của người ta

Còn hôm nay, không phải dạo chơi, mà người trong cuộc

Em ơi, hãy thắp ngọn đèn trong tâm làm đuốc

Em ơi, hãy giữ đôi mắt thương yêu nhìn đời

Dù nay mai, có những lúc chơi vơi

Sẽ phí phạm nhiều tâm tư, trí lực

Xin chúc các em, tròn đầy hạnh phúc

Đường nhân gian em sẽ bước đi qua

Đường trần gian em sẽ nếm phong ba

Và thưởng thức bản trường ca nhân thế !!!

 

Phải biết sống, và bình yên vững sống !

Tháng 03—2005

 

Tôi còn nhớ, những ngày xưa mẹ nói

Khi lớn lên đối mặt với trường đời

Dù làm gì vẫn chừa lại một nơi

Sống có hậu lương tâm nghe không thẹn

 

Khi ra đi như đò ngang rẽ tuyến

Bão tố nhiều chỉ mong được tồn sinh

Một ra đi theo định hướng đăng trình

Phải đón nhận thế trần phiêu lưu lắm

 

Đời sẽ thấm ngọt, bùi, chua, cay, mặn

Càng bước đi càng thêm thấm thật nhiều

Làm bao nhiêu càng đón nhận bấy nhiêu

Càng thấu hiểu những gì xưa mẹ nói

 

Áo mặc qua đầu, làm sao qua khỏi

Gội gió sương làm sao tránh phong trần

Nhưng làm gì, phải nhớ giữ đức nhân

Thì sẽ dễ tựa nương hòa điệu sống

 

Vũ trụ mênh mông, lưới trời lồng lộng

Vạn vật cùng chung, dưới ánh mặt trời

Như thể châm ngôn, đâu phải chuyện chơi

Lại còn tòa án lương tâm chế ngự

 

Đạo nghĩa, là một lâu đài dinh thự

Đức nhân, là kiền thạch trụ ba chân

Mỗi hành vi, nghĩ kết quả, lượng phân

Lưỡi phải uốn bảy lần trước khi lên tiếng

 

Cùng cực tất biến

Thái cực tất suy

Duy nhất an vi

Tại trung hữu lộ

 

Khổ, phải khổ, và nếm mùi gian khổ

Lạc, phải lạc, và nếm vị lạc an

Người trần gian không nên sợ thế gian

Phải biết sống, và bình yên vững sống.

 

Đổi thành họ “ĐỔ” !

Tháng 03—2005

 

Ở trong đời, người ta không chịu đổi tên

Mà thường hay đổi họ

Có một điều vô cùng kỳ ngộ

Không ai giống ai, mà tất cả lại giống nhau

Dù ở tỉnh, ở thành, hay ở bất cứ nơi đâu

Khi đã đổi, là đổi cùng một họ

Họ này họ kia, dài dòng chi khó

Chữ Đ ghép Ổ ngắn ngủn mới kỳ

Hễ có chuyện gì, không hỏi tên chi

Mà gọi trúng phóc, đúng là họ “ĐỔ”

Dù dị dù đồng, giống nhau ở chỗ

Câu nói ra, cũng giống mới kỳ khôi

Đó là câu : “chuyện đó không do tôi

Tôi đâu dính dự, mà do người khác”

Một điều nữa, cũng vô cùng kinh ngạc

Cái họ nầy không phân biệt riêng ai

Dù già trẻ, gái trai, lê thứ, anh tài

Khi ứng xử đều dùng chung mới lạ

Họ ĐỔ Thừa, không cần giấy tờ tùy thân gì cả

Lại xuyên qua châu lục, di trú, chủng tộc, quốc gia

Chuyện thơm tho, danh giá, ban khen, xía đến có ta

Chuyện đổ bể, tiếng tai, thất bại, biến thành họ Đổ

Nếu làm nhỏ, chỉ gây ít nhiều phiền nộ

Nếu làm to, mà “Đổ”, mới thật chết người

Mỗi một khi mà thiên hạ muốn khui

Thì láo liêng, bịp bợm, núp giòng họ “Đổ”

Vì nhân thế, nên thế nhân khốn khổ

Vì trần gian, nên gian tận đổ thừa

Việc thấy êm thì trân tráo dạ thưa

Nhắm chưa ổn như gà toi mắc nước

Dùng họ nầy họ nọ, ít ai nhớ được

Nên dùng chung một họ dễ nhớ nhất trong đời

Khi bình thường, dùng họ thiệt danh-giá-vọng-nòi

Khi thấy biến, đổi ngay thành họ “Đổ” !!!

 

Trong cuộc đời, cái gì cũng trả giá !

Tháng 03—2005

 

Trong cuộc đời, cái gì cũng trả giá

Từ nữ nam đến lớn nhỏ, trẻ già

Mỗi thời kỳ khi đã bước đi qua

Còn đứng vững đường đường, đâu phải dễ

 

Trong cuộc đời, cái gì cũng trả giá

Dù bình thường hay quyền quí cao sang

Dù thứ dân hay lá ngọc cành vàng

Đều xơ xác bỡi trần gian đập giũa

 

Trong cuộc đời, cái gì cũng trả giá

Từ nội gia đến xã hội con người

Từ năm ba đến mấy chục mười mươi

Khi nhìn lại đều rùng mình ngán ngẫm

 

Trong cuộc đời, cái gì cũng trả giá

Từ thân sơ đến thế thái nhân tình

Sống bình thường hay ôm mộng ba sinh

Cũng xây xát biết bao phen chìm nổi

 

Trong cuộc đời, cái gì cũng trả giá

Trả tuy nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu

Nhớ những khi về trên gác cô liêu

Mới thấm thía đời mình nơi quán trọ

 

Trong cuộc đời, cái gì cũng trả giá

Còn sống thì còn trả bỡi chưa xong

Trả đến khi nằm tắt ngủm, đi đong

Mới kết thúc cuộc hành trình chấm dứt

 

Nếu biết sống, biết điều, biết chừng mực

Không phong trần nào có ngại gió sương

Không tang thương nào có ngại đoạn trường

Mà cứ sống ung dung dầu vẫn trả

 

Nếu biết sống, luôn luôn thầm khẽ bảo

Muốn làm gì, có mức độ, nghe chưa

Thì dù cho trời có nắng hay mưa

Cũng không ngại, huống gì là trả giá !!!

 

Em thấy đó, nơi xa mờ hoang đảo !

Tháng 03—2005

 

Em thấy đó, nơi xa mờ hoang đảo

Khép khung trời dù bão táp sương sa

Khép âm u dù mưa gió bốn mùa

Đếm từng bước trên đường dài thân phận

 

Em thấy đó, nơi xa mờ hoang đảo

Ngày dài thêm chống chõi tháng năm dài

Đêm dài thêm mòn lối cũ hôm mai

Để thương tiếc những vì sao heo hút

 

Em thấy đó, nơi xa mờ hoang đảo

Đom đóm bay lạc lõng thắp đêm trường

Đếm canh tàn tiếng quốc vọng kêu sương

Vừng đông tỏa nhưng bao giờ được sáng

 

Em thấy đó, nơi xa mờ hoang đảo

Lá bạc màu rũ cánh đọng ngân sương

Nhụy cũng tàn mà sắc cũng phai hương

Nhìn cô vọng rã rời thân tam thể

 

Em thấy đó, nơi xa mờ hoang đảo

Nắng có lên không đủ ấm tình người

Nét tang thương luôn đè nén nụ cười

Sương khói đọng mái tường rêu mấy lớp

 

Em thấy đó, nơi xa mờ hoang đảo

Dòng thời gian gõ tiếng núi vẫn non

Sóng nhấp nhô từng nhịp nước không mòn

Thuyền vẫn đợi bến đò ngang đưa khách

 

Khi đã gọi là theo dòng lịch sử

Cũ qua rồi thì mới phải sang trang

Hãy viết lên những đen đỏ xanh vàng

Cho đậm nét những vết mờ bôi xóa.

 

Những vành hoa thế hệ !

Tháng 03—2005

 

Ta không quên những gì xa xưa cũ

Dù thời gian có phải mãi bước đi

Dù ra đi, có làm được những gì

Theo dòng chuyển quá hiện tương truy tán

 

Ta vẫn nhớ, ngọn đèn khuya khô cạn

Trắng đêm dài nhắn gởi những tâm tư

Dù đã qua, chưa tới, hay bây chừ

Đường chân chánh vẫn ngàn đời thiện mỹ

 

Dù không gian có đổi thay, ừ nhĩ !

Dù thời gian có nhanh chậm, đương nhiên !

Núi bên non vẫn còn đó linh thiêng

Đèo bên dốc vẫn trơ trơ tuế nguyệt

 

Lúa gặt xong, gieo mạ non xanh biếc

Mộng đơm bông chờ lúa chín hoen vàng

Đã qua rồi những nhỏ giọt lầm than

Mùi gạo mới thơm thơm tình quê mẹ

 

Nước còn đó tự đầu nguồn khe khẽ

Khơi thành dòng ươm mạng mạch tốt tươi

Bóng già nua chống gậy mỉm môi cười

Trông gật gụ, thế đủ rồi, mãn nguyện

 

Những ngày qua như dòng lưu tích chuyển

Những ngày nay nứt nẻ vá ruộng đồng

Những ngày mai hoa trái sẽ đơm bông

Ta kết lại những vành hoa thế hệ. 

 


Vào mạng: 1-5-2006

Trở về thư mục "Thơ Phật giáo"

Đầu trang