Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Con Đường Thoát Khổ
Đại đức W. Rahula
Thích Nữ Trí Hải dịch

Chương I
Thái độ và tinh thần trong Phật học

Trong số những nhà sáng lập các tôn giáo, Đức Phật (nếu ta có thể gọi Ngài là nhà sáng lập một tôn giáo theo nghĩa thông thường của danh từ) là Vị Thầy độc nhất đã không tự xưng là gì khác hơn là một con người, hoàn toàn chỉ là một con người. Những vị Giáo chủ khác thì hoặc là Thượng Đế, hay Thượng Đế nhập thể trong những hình thức khác nhau, hay được Thượng Đế mặc-khải. Đức Phật không những chỉ là một con người, Ngài lại còn là một con người tự nhận không được một thiên-khải nào từ bất cứ một vị Thần linh hay một quyền năng nào khác. Ngài tuyên bố tất cả những gì Ngài thực hiện được, đạt đến được và hoàn thành được, đều hoàn toàn do nỗ lực và trí tuệ con người. Một con người và chỉ có một con người, mới có thể trở thành một Đức Phật. Mọi người đều mang trong mình khả năng trở thành một Đức Phật nếu họ muốn và nỗ lực. Ta có thể gọi Đức Phật là một con người tuyệt luân. Ngài quá toàn thiện trong "Nhân tính" của Ngài đến nỗi về sau, trong tôn giáo của đại chúng, Ngài được xem như một "Siêu nhân"

Theo Phật học, vị trí của con người là tối thượng. Con người là chủ nhân ông của chính mình, và không có một thực thể hay quyền năng nào trên cao để định đoạt số phận của nó. Đức Phật dạy: "Người ta là nơi nương tựa của chính mình, còn ai khác nữa có thể làm nơi nương tựa ?" (1).

Ngài khuyên các môn đệ hãy là "một nơi nương tựa cho chính mình" và không bao giờ nên tìm nơi nương tựa hay sự giúp đỡ của bất cứ người nào khác (2). Ngài giảng dạy, khuyến khích và cổ võ mỗi người hãy tự mở mang và tìm sự giải thoát cho chính mình, vì con người có năng lực giải thoát mình ra khỏi mọi ràng buộc, bằng trí tuệ và nỗ lực riêng mình. Đức Phật dạy: "Các người nên làm công việc của mình, vì các Đức Như Lai (3) chỉ dạy con đường mà thôi" (4). Nếu người ta có gọi Đức Phật là một người "cứu thế" đi nữa thì cũng chỉ có nghĩa rằng Ngài đã tìm ra và chỉ con đường đi đến Giải thoát, Niết Bàn. Nhưng tự chúng ta, ta phải bước trên đường ấy.

Chính vì nguyên tắc trách nhiệm cá nhân này mà Đức Phật cho các môn đệ hoàn toàn tự do. Trong kinh Mahàparinibbàna (Đại Bát Niết Bàn), Đức Phật dạy rằng Ngài không bao giờ có ý nghĩ điều khiển đoàn thể Tăng già (Sangha) (4b) và Ngài cũng không muốn đoàn thể này tùy thuộc vào Ngài. Ngài dạy rằng trong giáo lý của Ngài, không có lý thuyết huyền bí, không có gì giấu giếm trong "nắm tay của Đức đạo sư" (àcariyamutthi), hay nói cách khác, Ngài không giấu gì trong tay áo cả" (5).

Trong lịch sử các Tôn giáo, người ta không thấy một tôn giáo nào khác có tự do tư tưởng như Phật giáo. Sự tự do này thật cần thiết, vì theo Đức Phật sự giải thoát của con người tùy thuộc vào chính sự trực nhận chân lý của nó, chứ không phải vào ân huệ của một vị thần linh hay bất cứ một quyền năng bên ngoài nào ban thưởng cho sự vâng lời của nó.

Một lần nọ, Đức Phật viếng thăm Kesaputta, một thành phố nhỏ trong vương quốc Kosala, những người dân trong thành này thường được gọi là người Kàlàma. Khi nghe Đức Phật đến thành phố, những người Kàlàma tới thăm Ngài và bạch Ngài:

"Bạch Đức Thế Tôn, có nhiều ẩn sĩ và Bà La Môn đến viếng Kesaputta. Họ chỉ giảng giải và làm sáng tỏ những lý thuyết của chính họ, và khinh miệt, lên án, bài-xích những lý thuyết của những người khác. Rồi có những người ẩn sĩ và Bà La Môn khác, và những người này cũng thế, chỉ giảng giải và làm sáng tỏ những lý thuyết của riêng họ, khinh miệt, lên án và phỉ báng những lý thuyết của những người khác. Nhưng Bạch Thế Tôn, về phần chúng con, chúng con luôn luôn hoài nghi và hoang mang không biết vị nào trong số những nhà ẩn sĩ và Bà La Môn khả kính ấy đã nói sự thật và vị nào nói sai quấy".

Khi ấy Đức Phật đã cho họ lời khuyên sau đây, thật độc đáo trong lịch sử các tín ngưỡng:

"Phải đấy, hỡi những người Kàlàma, các người đã hoài nghi và hoang mang là phải, vì vấn đề ấy rất đáng hoài nghi. Hỡi những người Kàlàma, đừng để bị lôi cuốn bởi những lời thuật lại, hay bởi truyền thuyết, hay bởi những lời đồn. Đừng để bị dắt dẫn bởi quyền lực của những bài kinh hay những dẫn chứng, hay bởi sự xét đoán bề ngoài hoặc bởi lạc thú trong những quan niệm suy tư, hay bởi những gì có vẻ đáng tin, hay bởi ý nghĩ "đây là thầy ta". Nhưng hỡi Kàlàma, khi nào các người tự mình biết rằng những gì đó là ác, sai, xấu, thì hãy dứt bỏ chúng.. và khi các người tự mình biết rằng những gì đó là thiện, là tốt thì hãy chấp nhận và theo chúng. (6)

Đức Phật còn đi xa hơn nữa. Ngài bảo các tỳ kheo rằng một môn đệ cần phải xét đoán ngay cả Đức Như Lai (Đức Phật) nữa, để có thể hoàn toàn tin chắc giá trị của vị Thầy mà mình đang theo. (7)

Theo Giáo lý của Đức Phật, nghi (vicikichà) là một trong năm món ngăn che (ngũ cái - nivarana) (8), năm trở ngại cho sự hiểu biết chân lý và cho sự tiến bộ tâm linh (hay cho bất cứ sự tiến bộ nào). Tuy nhiên, nghi không phải là một "tội lỗi", bởi vì trong Phật giáo không có những "tín điều". Quả thế, trong Đạo Phật không có "Tội lỗi" hiểu theo nghĩa "tội lỗi" trong vài tôn giáo khác. Cội rễ của mọi sự xấu xa là vô minh (avijjà) và tà kiến (micchà ditthi). Một điều không thể chối cãi là bao lâu còn có hoài nghi, hoang mang, do dự, thì không thể nào có tiến bộ. Cũng không thể chối cãi được rằng hoài nghi không tránh được khi mà con người không hiểu rõ, thấy rõ. Nhưng để tiến xa hơn, thì tuyệt đối cần phải xa lìa hoài nghi. Muốn khỏi hoài nghi, ta cần phải thấy rõ.

Vấn đề không phải là ta không nên hoài nghi hay nên tin tưởng. Chỉ nói rằng "tôi tin", không có nghĩa là bạn đã hiểu và thấy rõ. Khi một học sinh làm một bài tính, em đi đến một giai đoạn không biết làm sao nữa, và rơi vào hoài nghi, hoang mang. Nếu còn hoài nghi như thế, em không thể tiến thêm. Nếu muốn tiến lên, em phải giải quyết sự hoài nghi ấy. Và có nhiều cách giải quyết. Chỉ nói rằng "tôi tin" hay 'tôi không nghi", nhất định sẽ không giải được bài toán. Tự buộc mình phải tin tưởng và chấp nhận một điều mình không hiểu gì hiết, là một thái độ chính trị, không phải thái độ tâm linh hay trí thức.

Đức Phật luôn luôn bài xích hoài nghi. Cả đến khi Ngài sắp mất, vài phút trước khi lìa trần, Ngài còn nhiều lần bảo các môn đệ phải hỏi kỹ nếu còn có hoài nghi nào về Giáo lý của Ngài, để sau đừng hối tiếc vì không thể giải hết những thắc mắc kia. Nhưng các môn đệ đều im lặng.

Khi ấy Đức Phật dạy một lời rất cảm động: "Nếu vì kính nể Như Lai mà các con không dám hỏi điều gì, thì mỗi người hãy nói cho bạn biết" (có nghĩa là mỗi người hãy nhờ bạn hỏi giùm cho mình điều thắc mắc).

Không những sự tự do tư tưởng, mà còn sự khoan hồng của Đức Phật, đã làm cho người nghiên cứu tôn giáo sử phải ngạc nhiên. Một thuở nọ ở Nàlandà, một người giàu có và lỗi lạc tên Ưu-Bà-Li (Upàli), một đồ đệ tại gia hữu danh của phái Ni-Kiền-tử (Nigantha-Nàtaputta) thuộc Kỳ-na-giáo của Jaina Mahàvìra, được chính Mahàvìra cử đến gặp Đức Phật để tranh luận và bài bác vài điểm trong thuyết Nghiệp báo, bởi vì quan điểm của Đức Phật về vấn đề này khác với quan điểm của Mahàvìra (10). Trái ngược với mong đợi, Upàli sau khi tranh luận phải chấp nhận rằng những quan điểm của Đức Phật là đúng và quan điểm của thầy mình sai. Bởi thế ông ta cầu xin Đức Phật nhận mình làm một đệ tử tại gia (Upàsaka, Ưu-bà-tắc). Nhưng Đức Phật bảo ông ta hãy suy nghĩ lại, và đừng vội vã, vì "sự xét đoán cẩn thận rất tốt cho những người lỗi lạc như ông." Khi Upàli lập lại những lời cầu xin, Đức Phật khuyên ông hãy tiếp tục kính trọng và ủng hộ những vị thầy cũ của ông ta như trước.(11)

Vào thế kỷ thứ III trước Tây lịch, vị Hoàng Đế Phật tử A-Dục (Asoka) của xứ Ấn Độ, theo gương đức tính khoan hồng và thông cảm cao quý ấy, đã kính trọng và nâng đỡ tất cả mọi tôn giáo khác trong đế quốc lớn rộng của ông ta. Trong một lời tuyên bố của Hoàng Đế khắc trên trụ đá đến nay ta còn đọc được:

"Người ta không nên chỉ kính trọng tôn giáo của riêng mình và bài bác những tôn giáo của kẻ khác, mà phải kính trọng tôn giáo kẻ khác vì lý do này hay lý do khác. Như thế ta có thể làm cho tôn giáo mình phát triển và giúp đỡ các tôn giáo khác nữa. Nếu không, tức là ta đã đào huyệt cho chính tôn giáo của mình, và còn làm hại các tôn giáo khác. Kẻ nào chỉ kính trọng tín ngưỡng của mình và bài xích những tín ngưỡng khác, thực ra họ đã làm thế vì sùng kính tín ngưỡng của riêng mình, nghĩ rằng: "Tôi sẽ làm rạng danh tôn giáo của tôi". Nhưng trái lại, khi làm thế họ đã làm tổn thương tôn giáo mình một cách trầm trọng hơn nữa. Bởi thế sự hòa hảo là tốt đẹp: mọi người nên lắng nghe, và có thiện chí lắng nghe những lý thuyết mà người khác đề xướng".(12)

Ở đây ta cũng nên thêm rằng tinh thần hiểu biết cảm thông ấy ngày nay cần được áp dụng, không những chỉ trong vấn-đề lý thuyết tôn giáo, mà còn ở trong những địa hạt khác nữa.

Tinh thần khoan dung thông cảm ấy từ khởi thủy đã là một trong những lý tưởng được yêu chuộng nhất trong văn hóa và văn minh Phật giáo. Chính vì thế mà suốt trong lịch sử 2,500 năm truyền giáo, Phật giáo đã không để lại một vết tích đàn áp nào, hay làm đổ một giọt máu nào để khiến người vào đạo Phật hay để truyền bá lý thuyết. Phật giáo đã lan rộng một cách thanh bình, khắp lục địa Á châu, và hiện nay có trên 500 triệu tín đồ. Bạo động, dưới bất cứ hình thức nào, lý lẽ nào, cũng đều tuyệt đối trái ngược với giáo lý Đức Phật.

Người ta thường hỏi: Phật giáo là một tôn giáo hay một triết học? Gọi nó là gì, điều ấy không quan trọng. Phật giáo vẫn là Phật giáo, dù bạn dán lên đấy nhãn hiệu gì đi nữa. Nhãn hiệu là điều phụ thuộc. Ngay cả nhãn hiệu Phật giáo mà ta đặt cho Giáo lý Đức Phật cũng không mấy quan hệ. Cái tên mà ta đặt cho Phật giáo là điều không thiết yếu.

Có gì trong một danh từ?
Hoa hồng hương ấy cho dù tên chi.

Cũng thế, chân lý không cần nhãn hiệu, nó không là Phật giáo, Gia tô giáo, Ấn Giáo hay Hồi giáo. Chân lý không là độc quyền của ai. Những nhãn hiệu tông phái là một trở ngại cho sự hiểu biết chân lý một cách tự tại, và chúng làm phát sinh những thành kiến tai hại trong tư tưởng con người.

Điều này đúng không những trong các vấn đề trí thức và tâm linh, mà còn cả trong những giao tiếp giữa người với người. Chẳng hạn, khi ta gặp một người, ta không nhìn họ như một con người, mà ta đặt cho họ một nhãn hiệu như Anh, Pháp, Đức, Mỹ hay Do Thái và xét người ấy với tất cả những thành kiến đi kèm với nhãn hiệu ấy trong trí ta. Nhưng người ấy có thể hoàn toàn vượt khỏi những thuộc tính mà ta gán cho họ.

Con người vốn ưa thích những nhãn hiệu phân biệt, đến nỗi họ đặt cả những nhãn hiệu ấy lên trên những đức tính và cảm xúc mà mọi người đều có. Họ nói đến những "loại" bác ái khác nhau, chẳng hạn: Bác ái Phật giáo và Bác ái Gia tô giáo và khinh bỉ những nhãn hiệu bác ái khác. Nhưng lòng bác ái không thể là bè phái, nó không là Chúa, Phật, Ấn hay Hồi. Tình thương của một bà mẹ đối với con không là Phật hay Chúa: đấy là tình mẹ. Những đức tính và cảm xúc của con người như tình yêu, bác ái, từ bi, khoan hồng, kiên nhẫn, tình bạn, ham muốn, thù hận, biếng trễ, ngu si, tự phụ v.v.. không cần đến những nhãn hiệu bè phái, chúng không thuộc về một tôn giáo nào cả.

Đối với người đi tìm chân lý, một tư tưởng do từ đâu đến là điều không quan hệ. Nguồn gốc và sự phát triển của một tư tưởng là vấn đề của học giả. Quả vậy, để hiểu sự thật, chúng ta không cần biết đến ngay cả lời dạy đến từ Đức Phật hay từ một người nào khác. Điều thiết yếu là thấy rõ vấn đề, hiểu nó. Có một câu chuyện quan trọng trong Trung bộ Kinh (Majjhima-nikàya, Kinh số 140) làm sáng tỏ điều này.

Một hôm Đức Phật ở lại đêm trong xưởng một người thợ làm đồ gốm. Cũng trong xưởng ấy có một ẩn sĩ trẻ đến đấy trước Ngài (13). Họ không biết nhau. Đức Phật quan sát người ẩn sĩ và tự nhủ: "Thanh niên này có những cử chỉ ngộ thay. Ta nên hỏi xem về người này". Bởi thế Đức Phật hỏi người ấy:

-- "Hỡi bạn, nhân danh ai mà bạn đã từ bỏ gia đình? Ai là thầy của bạn? Bạn thích lý thuyết của ai?"

Chàng thanh niên đáp: "- bạn ơi, có ẩn sĩ Cồ-Đàm dòng họ Thích Ca, đã từ bỏ gia đình để trở thành một ẩn sĩ. Người ta đồn rằng đấy là một vị Arahant (A la hán), một bậc toàn giác. Chính nhân danh con người thánh thiện ấy mà tôi đã trở thành một ẩn sĩ. Người là Thầy tôi và tôi thích lý thuyết của người."

-- Vậy chớ con người thánh thiện ấy, vị A La Hán, đấng toàn giác ấy bây giờ ở đâu?

-- Ở các xứ về phương Bắc, hỡi bạn, có một đô thị gọi là Sàvatthi (Xá Vệ). Chính đấy là nơi đấng Thế Tôn, vị A La Hán, đấng toàn giác đang ở.

-- Bạn đã có khi nào thấy vị ấy chưa, Đấng Thế Tôn ấy? Nếu gặp Người, bạn có sẽ nhận ra Người hay không?

-- Tôi chưa bao giờ thấy Đức Thế Tôn ấy. Nếu gặp Người, tôi cũng sẽ không làm sao nhận ra được.

Đức Phật nhận ra rằng chính nhân danh Ngài mà người thanh niên xa lạ này đã từ bỏ gia đình và trở thành một khất sĩ. Nhưng vẫn không để lộ tông tích, Ngài bảo:

-- Hỡi khất sĩ, tôi sẽ dạy cho bạn lý thuyết. Hãy chú ý lắng nghe. Tôi sẽ nói.

-- "Được, bạn nói đi", người trẻ tuổi chấp thuận.

Khi ấy Đức Phật giảng dạy cho người thanh niên một bài thuyết pháp đặc sắc nhất về chân lý (mà ta sẽ trình bày những điểm tinh yếu sau này).

Chỉ sau khi Ngài thuyết pháp xong, người ẩn sĩ tên là Pukkusàti, mới nhận ra rằng người nói với mình chính là Đức Phật, ông cúi thấp mình dưới chân Đức Đạo sư, và xin lỗi với Ngài vì đã không biết và gọi Ngài là "Bạn". Rồi người ấy cầu xin Đức Phật truyền giới pháp và nhận mình vào đoàn thể Tăng già.

Đức Phật hỏi anh ta đã có y, bát sẵn sàng chưa (một bhikkhu - tỳ kheo - phải có 3 y và 1 bình bát để khất thực). Khi Pukkusàti trả lời không có, Đức Phật dạy rằng những Đức Như Lai (Tathàgatas) sẽ không thọ ký cho một người nào nếu họ không có sẵn y, bát. Bởi thế Pukkusàti ra đi tìm y và bát, nhưng rủi thay dọc đường anh ta bị bò húc chết (15).

Về sau khi tin buồn ấy đến tai Đức Phật, Ngài bảo môn đệ rằng Pukkusàti là một người thánh thiện đã thấy được chân lý và đã đạt đến giai đoạn gần cuối trên đường thực hiện Niết Bàn, và được tái sinh vào một cõi, ở đấy người ấy sẽ trở thành một vị A La Hán (16) và cuối cùng chết để không bao giờ phải trở lại thế gian này (17).

Qua câu chuyện trên ta thấy rõ là khi Pukkusàti lắng nghe Đức Phật và lãnh hội được lời dạy của Ngài, anh ta không biết người đang nói với mình là ai, hay đấy là giáo lý của ai. Anh ta tìm thấy chân lý. Nếu vị thuốc hay thì bệnh sẽ lành. Không cần thiết phải biết ai làm nên vị thuốc ấy, hay nó từ đâu lại.

Hầu hết mọi tôn giáo đều được thiết lập trên đức tin - đúng hơn, lòng tin có vẻ mù quáng - Nhưng đạo Phật nhấn mạnh trên sự "Thấy biết", hiểu rõ, lãnh hội, chứ không phải trên lòng tin. Trong các bản kinh văn Phật giáo có danh từ Saddhà (Skt. Sraddhà) thường được dịch là đức tin, lòng tin tưởng. Nhưng saddhà không phải là "đức tin" theo nghĩa thông thường, mà đúng hơn đấy là "tín", phát sinh do sự quyết đoán. Trong đạo Phật bình dân và cả trong cách dùng thông dụng nơi các bản kinh, ta phải công nhận danh từ "saddhà" có một phần ý nghĩa "đức tin" khi nó được giảng là sự nương theo Phật, Pháp (Dhamma) và Tăng (Sangha, đoàn thể tăng già).

Theo Vô Trước (Asanga), triết gia vĩ đại về Phật học vào thế kỷ thứ IV, "tín" có ba phương diện:

Sự tin tưởng chắc chắn và toàn vẹn về một điều gì.
Niềm vui thanh thoát trước những đức tính và
Sự ước vọng hay mong muốn hoàn thành một mục đích theo đuổi (18)

Dù hiểu thế nào đi nữa, đức tin hiểu theo nghĩa trong phần đông các tôn giáo có rất ít liên quan với đạo Phật.(19)

Vấn đề đức tin phát sinh khi không có sự thấy rõ - thấy với mọi ý nghĩa của danh từ. Khi ta thấy rõ, vấn đề đức tin biến mất. Nếu tôi bảo bạn: tôi có một hòn ngọc dấu trong nắm tay, vấn đề tin tưởng phát sinh, vì chính bạn không thấy được viên ngọc. Nhưng nếu tôi mở nắm tay và chỉ cho bạn viên ngọc thì lúc ấy chính bạn thấy nó, và vấn đề tin tưởng không đặt ra nữa. Bởi thế trong các bản kinh Phật ngày xưa có câu: "Nhận biết như người ta thấy một viên ngọc trong lòng tay".

Một môn đệ của Phật tên Musìla bảo một thầy tu khác: "Này bạn Savittha, không cần đức tin (20), lòng tin tưởng sùng bái, không cần ưa thích hay thiên vị, không cần nghe lời đồn đãi hay truyền thuyết, không cần xét đoán những lý lẽ bề ngoài, không cần lạc thú trong sự tư duy về các quan niệm, tôi biết và thấy rằng sự chấm dứt của sanh tử là Niết Bàn." (21)

Và Đức Phật đã dạy: "Hỡi các Thầy Tỳ kheo, ta nói rằng sự diệt trừ những điều xấu xa, bất tịnh là cốt để cho một người đã thấy và biết chứ không phải để cho một người không thấy và không biết." (22)

Vấn đề luôn luôn là biết và thấy chứ không phải là tin. Giáo lý của Đức Phật được gọi là ehi-passika, mời bạn "đến để thấy", chứ không phải đến để tin.

Trong các bản kinh văn, những từ ngữ luôn luôn được dùng để chỉ những người đã chứng ngộ Chân lý là: "Pháp nhãn (con mắt pháp - dhamma-cakkhu), không bụi bặm và không cấu bẩn, đã phát sinh: Người nào đã thấy chân lý, đã nhập vào chân lý, đã vượt qua hoài nghi, người ấy không còn do dự. Với trí huệ chân chính người ấy thấy sự vật đúng như sự vật (yathà bhùtam)." (23). Nói đến sự giác ngộ của chính Ngài, Đức Phật dạy: "con mắt đã phát sinh, trí thức đã phát sinh, kiến giải đã phát sinh, ánh sáng đã phát sinh" (24). Luôn luôn đấy là sự thấy biết qua trí hay huệ (nàna-dassana), chứ không phải sự tin tưởng qua đức tin.

Điểm này càng ngày càng được tán dương vào thời mà giáo lý chính thống Bà La Môn bắt buộc phải tin tưởng và đương nhiên chấp nhận truyền thống và thẩm quyền của họ như Chân lý độc nhất. Một ngày kia, một nhóm Bà La Môn học thức lỗi lạc đến viếng Đức Phật và tranh luận rất lâu với Ngài. Một người trong bọn, một thiếu niên Bà La Môn mười sáu tuổi tên là Kàpathika, được cả bọn xem là thông minh xuất chúng, đã hỏi Đức Phật (25):

-- "Thưa Đức Cồ-Đàm, có những bài thánh kinh xưa cũ của những người Bà La Môn được truyền tục liên tục qua những bản kinh khẩu truyền. Về những bài kinh ấy, những người Bà La Môn đã có kết luận tuyệt đối này: "Chỉ có đây mới là Chân lý, và mọi điều khác đều là sai lầm." Vậy Đức Cồ-Đàm sẽ nói gì về điều ấy?"

Đức Phật hỏi: "Trong những người Bà La Môn, có một người Bà La Môn nào tuyên bố tự mình biết và thấy rằng "chỉ có đây là mới chân lý, mọi điều khác đều là sai lầm" chăng?"

Người thiếu niên thật thà đáp: "Không"

-- Thế thì, có một vỴ thầy nào, hay một vị thầy của những vị thầy nào trong những người Bà La Môn mãi đến thời đại thứ bảy, hay cả đến bất cứ một người nào trong số những tác giả đầu tiên của những kinh điển ấy, đã tuyên bố rằng ông ta biết và thấy: "chỉ có đây mới là chân lý, mọi sự khác đều sai lầm?"

-- Không.

-- Vậy thì họ giống như một chuỗi những người mù nối đuôi nhau, người đầu tiên không thấy, người giữa cũng không thấy, và người cuối cùng cũng không thấy. Như thế thì dường như trạng huống của những người Bà La Môn giống như trạng huống của một chuỗi người mù."

Rồi Đức Phật cho nhóm người Bà La Môn một lời khuyên vô cùng quan trọng: "Một người trí giữ gìn chân lý không nên đi đến kết luận: Chỉ có đây mới là sự thật, và mọi điều khác đều sai lầm"

Khi người thiếu niên Bà La Môn yêu cầu Ngài giải thích ý nghĩa thế nào "giữ gìn chân lý", Đức Phật dạy:

"Một người có một lòng tin. Nếu y nói: "Đây là lòng tin của tôi" như thế là y đã gìn chừng ấy sự thật. Nhưng bởi thế y không thể tiến lên đến kết luận tuyệt đối: " Chỉ có đây mới là chân lý và mọi sự khác đều sai lầm". Nói cách khác một người có thể tin điều gì tùy ý, và có thể nói "tôi tin điều này". Như thế là y tôn trọng sự thật. Nhưng y không nên vì lòng tin ấy mà nói rằng chỉ có cái gì y tin mới là chân lý, và mọi sự khác đều sai."

Đức Phật dạy: "Chấp trước vào một điều gì (một quan điểm nào) và khinh miệt những điều khác (quan điểm khác) xem là thua kém - đấy người trí giả gọi là một xiềng xích. (26)

Một hôm Đức Phật giảng dạy (27) cho môn đệ lý thuyết về nhân quả, và họ thưa rằng đã thấy và hiểu rõ điều ấy. Đức Phật liền dạy:

"Hỡi các Tỳ kheo, ngay cả quan niệm ấy, minh bạch và rõ ràng như thế, nhưng nếu các ông bám chặt vào đó, nếu các ông quý chuộng nó, nếu các ông cất giữ nó, nếu các ông ràng buộc vào với nó, thì vậy là các ông đã không hiểu rằng giáo lý chỉ như một chiếc bè, cốt dùng để qua sông chứ không phải để mà ôm giữ lấy'. (28)

Ở một chỗ khác, Đức Phật giảng lời dụ danh tiếng này trong ấy giáo lý được ví như một chiếc bè dùng để qua sông, chứ không phải để nắm giữ và mang trên lưng.

"Hỡi các Tỳ kheo, một người đi du lịch, đến một khoảng sông rộng. Bờ bên này rất nguy hiểm, nhưng bờ bên kia thì an ổn và không có nguy nan. Không có một con thuyền nào để qua bên kia bờ sông, cũng không có một chiếc cầu nào để đi qua. Người ấy tự nhủ: "bể nước này thì rộng, và bờ bên này đầy cả hiểm nguy, nhưng bờ bên kia thì an ổn và không hiểm nguy. Không có con thuyền nào để sang bờ bên kia, cũng không có một chiếc cầu để đi qua. Bởi thế, thật sẽ rất tốt nếu ta lượm cỏ, gỗ, cành cây và lá để làm một chiếc bè, và nhờ chiếc bè đó mà qua bờ bên kia cho an ổn. Dùng tay chân của ta để chống chèo. Rồi người ấy, hỡi các Tỳ kheo, lượm cỏ, gỗ và cây lá làm một chiếc bè, và nhờ chiếc bè ấy đưa sang bờ bên kia một cách an ổn, chống chèo bằng chân tay cuả y. Sau khi đã vượt qua sông và đến bờ bên kia, y nghĩ: "Chiếc bè này thật đã giúp ích cho ta rất nhiều. Nhờ nó ta đã vượt qua an ổn đến bờ sông bên này, chống chèo bằng tay chân ta. Thật đáng nên mang chiếc bè này trên đầu hay trên lưng ta bất kỳ đi đâu."

"Các ông nghĩ thế nào, hỡi các thầy Tỳ Kheo? Nếu người ấy làm như thế thì hành động của y có phải là một hành động thích đáng đối với chiếc bè hay không?

--"Bạch Thế Tôn, không phải".

--"Vậy thì y sẽ nên làm thế nào với chiếc bè? Sau khi đã vượt qua sông và đến bờ bên kia, giả sử người ấy suy nghĩ: "Chiếc bè này thật đã có công dụng rất lớn với ta. Nhờ nó ta đã sang đến bờ sông bên này một cách an ổn, chống chèo bằng tay chân của ta. Ta nên để chiếc bè này trên nước, rồi tiếp tục đi, bất kỳ đi đâu." Làm như thế là người ấy hành động một cách thích đáng đối với chiếc bè.

"Cũng thế, hỡi các Tỳ Kheo, ta đã truyền dạy một giáo lý tương tự như một chiếc bè, nó cốt dùng để vượt qua, chứ không phải để mang theo (ôm giữ lấy). Hỡi các Tỳ Kheo, đã hiểu rằng giáo lý chỉ như một chiếc bè, các ông cần phải lìa bỏ ngay cả những thiện pháp (dhamma), huống nữa là các phi pháp (adhamma) (29), các ông lại càng nên xả bỏ biết chừng nào."

Từ lời dụ này ta thấy rõ rằng giáo lý của Đức Phật là cốt để đưa con người đến an ổn, thanh tịnh, hạnh phúc, đạt đến Niết bàn (Nirvàna). Toàn bộ lý thuyết Đức Phật dạy đều dẫn đến cứu cánh này. Ngài không nói ra những điều chỉ để mà thỏa mãn tò mò của trí thức. Ngài là một vị Thầy thực tiễn chỉ dạy những điều sẽ đem lại hạnh phúc an vui cho con người.

Một lần Đức Phật ở lại trong một rừng Simsapa ở thành Kosambi (gần Allanhabad). Ngài cầm một nắm lá, và hỏi các môn đệ: "Hỡi các thầy Tỳ Kheo, các thầy nghĩ thế nào? Lá trong tay ta nhiều hơn hay lá trong rừng nhiều hơn?"

-- Bạch Đức Thế Tôn, lá trong tay của đấng Giác ngộ rất ít, nhưng lá trong rừng Simsapa đây quả thật nhiều hơn muôn vàn."

-- Cũng thế, hỡi các Tỳ Kheo, ta chỉ dạy các ông rất ít từ những gì ta đã kiến giải được. Những gì ta không nói với các ông thật nhiều hơn muôn vàn. Và tại sao Như Lai đã không giảng dạy những điều ấy? Bởi vì nó không ích lợi - không đưa đến Niết Bàn. Chính vì thế mà ta đã không nói những điều ấy".(30)

Thật là vô ích cho ta khi cố suy tưởng - như vài học giả đã cố làm một cách vô vọng - về những gì Đức Phật biết nhưng không nói cho môn đệ Ngài.

Đức Phật không muốn bàn đến những vấn đề siêu hình không cần thiết, hoàn toàn thuộc địa hạt tư duy và phát sinh những chuyện tưởng tượng. Ngài xem chúng như một "rừng quan niệm". Dường như chính trong số những môn đệ của Phật cũng có những người không thích thái độ này của Ngài. Trường hợp một người trong số ấy là Man-đồng-tử (Màlunìkyaputta) đã thưa hỏi mười câu hỏi cổ điển danh tiếng về những vấn đề siêu hình và xin Đức Phật trả lời. (31)

Một ngày kia Màlunikyaputta, sau khi xuất thiền vào buổi xế trưa, đi đến Đức Phật đảnh lễ, ngồi xuống một bên và hỏi:

-- "Bạch Đức Thế Tôn, khi con đang ngồi thiền định một mình, ý tưởng này đã đến với con: "Có những vấn đề mà Đức Thế Tôn đã không giải thích, để sang bên và loại bỏ. Đấy là:

vũ trụ trường tồn hay không trường tồn,
vũ trụ hữu hạn hay vô hạn,
linh hồn là một với thể xác hay
linh hồn là một vật và thể xác là một vật khác,
Đức Như Lai có còn tồn tại sau khi chết hay
Ngài không tồn tại sau khi chết,
Ngài vừa tồn tại vừa không tồn tại sau khi chết hay
Ngài vừa không tồn tại và cũng vừa không không-tồn tại.

Những vấn đề này Đức Thế Tôn đã không giải thích cho ta. Thái độ này không làm cho ta thỏa mãn. Ta không ưa thích thái độ ấy. Ta sẽ đi đến Đức Thế Tôn và thưa hỏi Ngài về việc này. Nếu Đức Thế Tôn không giải thích cho chúng ta, ta sẽ từ bỏ đoàn thể tăng chúng và ra đi. Nếu Đức Thế Tôn biết được vũ trụ là trường cửu, Ngài hãy nói thế. Nếu Đức Thế Tôn không biết vũ trụ là trường cửu hay không,v.v.. thì một người không biết hãy nên nói thẳng ra là "Ta không biết, ta không thấy rõ".

Sự trả lời của Đức Phật cho Màlunikyaputta quả đáng lợi ích cho hàng triệu người trên thế giới hiện nay đang phung phí thì giờ quý báu vào những vấn đề siêu hình và làm bận trí mình một cách không cần thiết:

-- "Này Màlunikyaputta, ta có bao giờ nói với ông: Hãy lại đây, Màlunikyaputta, sống đời thánh thiện dưới bóng ta, ta sẽ giải thích những vấn đề ấy cho ông hay không?",

-- Bạch Thế Tôn, không.

-- Còn ông, này Màlunikyaputta, ông có nói với ta: Bạch Thế Tôn, con sẽ sống đời thánh thiện dưới bóng Ngài và Ngài sẽ giảng giải những vấn đề ấy cho con không?

-- Bạch Thế Tôn, không.

-- Ngay bây giờ, Màlunikyaputta, ta không nói với ông: "Hãy đến sống đời thánh thiện dưới bóng ta, ta sẽ giải thích những vấn đề ấy cho ông". Và ông cũng không nói với ta: "Bạch Thế Tôn, con sẽ sống đời thánh thiện dưới bóng Đức Thế Tôn và Ngài sẽ giải những vấn đề ấy cho con. Trong những trường hợp ấy, hỡi người điên rồ kia, ai chối từ ai?" (có nghĩa không có gì ràng buộc giữa hai bên).

"Hỡi Màlunikyaputta, nếu một người nào nói: "Tôi sẽ không sống đời thánh thiện dưới bóng Đức Thế Tôn nếu Ngài không giải thích cho tôi những vấn đề ấy" thì y có thể chết trước khi những câu hỏi được Như Lai giải đáp. Giả sử, hỡi Màlunikyaputta, một người bị trúng mũi tên độc và bạn bè bà con y đưa y đến một y sĩ. Giả sử khi ấy người kia nói: Ta sẽ không để rút mũi tên này ra nếu ta không biết được ai bắn người ấy là một người Sát-Đế-lị (Ksatriya) hay một người Bà-La-môn (thuộc giai cấp tu sĩ) hay một người cư sĩ (Vaisya, giai cấp thương nông) hay một người Thủ đà-la (Sùdra- thuộc giai cấp hạ tiện), tên người ấy là gì, gia đình ra sao, người ấy cao, thấp hay tầm vóc trung bình, da người ấy đen, nâu hay vàng, người ấy đến từ làng tỉnh hay đô thị nào. Ta sẽ không để rút mũi tên này ra nếu ta không biết được loại cung nào đã bắn ta, dây cung ra sao, loại mũi tên gì, làm bằng lông gì và đầu tên làm bằng chất gì. Hỡi Màlunikyaputta, người ấy sẽ chết trước khi biết được điều nào trong số những câu hỏi ấy. Cũng thế, hỡi Màlunikyaputta, nếu một người nói: "Ta sẽ không theo đời sống thánh thiện dưới bóng Đức Như Lai cho đến khi Ngài giải đáp những câu hỏi như thế giới trường tồn hay không,v.v..", người ấy sẽ chết trước khi được Như Lai giải đáp."

Khi ấy Đức Phật giải thích cho Màlunikyaputta rằng đời sống thánh thiện không phụ thuộc vào những quan niệm ấy. Dù người ta có quan niệm thế nào về những vấn đề ấy đi nữa, thì vẫn có sanh, lão, bệnh, tử, ưu bi, khổ não.. mà sự chấm dứt những điều ấy (nghĩa là Niết Bàn) ta nói là có thể thực hiện ngay trong cuộc sống này.

"Bởi thế, này Màlunikyaputta, hãy ghi nhớ trong tâm trí: những gì ta đã giải thích, thì coi là được giải thích, và những gì ta đã không giảng giải thì xem là đã không được giảng giải. Những gì là điều ta đã không giảng giải? Thế giới trường cửu hay không v.v..(10 quan niệm trên) ta đã không giải thích. Vì sao, hỡi Màlunikyaputta, mà ta đã không giải thích chúng? Bởi vì nó không ích lợi, không quan hệ căn bản đến đời sống thánh thiện tâm linh, không đưa đến sự chán bỏ, sự giải thoát, sự chấm dứt khổ đau, sự an tĩnh, sự thâm nhập, sự liễu ngộ, Niết Bàn. Chính vì thế mà ta đã không nói cho ông về những vấn đề ấy.

"Còn những gì, hỡi Màlunikyaputta, ta đã giải thích? Ta đã giải thích khổ (dukkha), nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ, và con đường đưa đến sự diệt khổ (32). Hỡi Màlunikyaputta, vì sao mà ta đã giải thích chúng? Bởi vì nó ích lợi, nó quan hệ căn bản đến đời sống thánh thiện tâm linh, nó đưa đến sự chán bỏ, sự giải thoát, sự chấm dứt khổ đau, sự an tĩnh, sự thâm nhập, sự liễu ngộ, Niết Bàn. Bởi thế ta đã giải thích chúng" (33)

Bây giờ ta hãy xét đến Tứ Diệu Đế mà Đức Phật bảo Màlunikyaputta rằng Ngài đã giải thích.


Chú thích

(1) Dhp. XII 4.

(2) D II (Colombo, 1929), p.62 (Mahaparinibbàna-sutta).

(3) Tathàgata (Như Lai) "người đã đạt đến Chân lý", "người tìm ra Chân lý". Danh từ này Đức Phật thường dùng để tự xưng và chỉ chung các Đức Phật khác.

(4) Dhp. XX4

(4b) Sangha có nghĩa "đoàn thể", nhưng trong Phật giáo danh từ này chỉ "đoàn thể tăng lữ Phật giáo", nghĩa là tập đoàn tu sĩ. Phật, Pháp (Dhamma hay Giáo lý) và Tăng (đoàn thể Tăng già) được xem là tam quy (Tisarana) hay Tam bảo (Tiratana).

(5) D II (Colombo, 1929), p.62.

(6) A (Colombo, 1929), p. 115.

(7) Vimamsaka-sutta, M 47.

(8) Năm món ấy là: 1) tham dục, 2) sân hận, 3) hôn trầm (buồn ngủ), 4)trạo cử (thân tâm không lúc nào yên), 5) hoài nghi

9) D II (Colombo, 1929) p.95; A (Colombo, 1929), p. 239.

(10) Mahàvìra, người sáng lập Kỳ na giáo (Jainism), là một người đồng thời với Đức Phật, và có lẽ hơn Ngài vài tuổi.

(11) Upàli-sutta, M 56

(12) Trụ đá, XII

(13) Ở Ấn Độ, những xưởng đồ gốm thường rộng rãi yên tĩnh. Trong các bản Pali thường nói đến những nhà khổ hạnh, ẩn sĩ cũng như Đức Phật, ở lại ban đêm trong một xưởng đồ gốm trong đời sống lang thang của họ.

(14) Xem chương nói về Diệu Đế thứ ba.

(15) Bò ở Ấn Độ thường chạy rong ngoài đường. Theo chi tiết này, thì dường như tục ấy có từ rất lâu xưa. Nhưng thường những bò nầy hiền chứ không nguy hiểm.

(16) Một vị A-La-Hán là một người đã thoát khỏi những xấu xa, bất tịnh như dục vọng, thù hằn, ác độc, ngu si, kiêu ngạo, ngã mạn v.v.. Người đã đạt đến tầng thứ tư và tầng cuối cùng trong sự thực chứng Niết Bàn, đầy trí huệ từ bi và những đức tính trong sạch cao quí. Lúc này Pukkusàti chỉ mới đạt đến tầng thứ ba mà thuật ngữ gọi là Bất lai (không trở lại - Anàgàmi). Tầng thứ hai gọi là Nhất lai (còn một phen trở lại cõi Ta Bà - Sakadàgàmi) và tầng thứ nhất gọi là Dự-Lưu (nhập vào dòng Thánh - Sotàpanna).

(17) Chuyện "The Pilgrim Kamanita" của Karl Gjellerup dường như rút cảm hứng từ chuyện này.

(18) Abhisamuc, p. 6.

(19) Luận án Ph.D. của Edith Ludowyk-Gyomroi nhan đề "The Role of the Miracle in Early Pali Literature" bàn đến đề tài này (chưa xuất bản). Cũng cùng tác giả ấy có viết cho một mục về cùng một đề tài trong UNIVERSITY OF CEYLON REVIEW, Vol. 1, No (April, 1943) p. 74 và kế tiếp.

(20) Đây chữ tín được dùng trong nghĩa thông thường "mộ đạo, sùng đạo, ngoan đạo."

(21) S II (PTS), p.117.

(22) S III (PTS), p. 152

(23) S V (PTS), p.423, III, p. 103; M III (PTS), p. 19.

(24) S V (PTS), p. 422.

(25) Canki-sutta, M 95

(26) Sn (PTS), p. 151 (V. 798)

(27) Trong Mahàtanhàsankhaya-suttà, M 38

(28) M I (PTS), p. 260.

(29) M I (PTS), p.p. 134-135. Dhamma (Pháp) ở đây, theo Luận có nghĩa những sự chứng đạt tâm linh cao cả, những ý tưởng và quan niệm thanh khiết. Sự chấp vào ngay cả những điều cao quý này cùng phải được xả bỏ, thế thì lại càng nên xả bỏ những gì xấu xa biết chừng nào.

(30) SV (PTS), p. 437.

(31) Cùla-Màlunkya-sutta, M 63

(32) Tứ Diệu Đế (4 chân lý cao cả) này được giải thích trong 4 chương sau.

(33) Dường như lời khuyên này của Phật đã có hiệu quả mong muốn đối với Màlunkyaputta, vì ở một chỗ khác ta thấy ông ta đã đến viếng Đức Phật lại để xin chỉ giáo, và theo lời dạy Ngài, ông ta chứng quả A-La-Hán. A (Colombo, 1929), p.p. 345-246.


Lời nói đầu | chương 1 | chương 2 | chương 3 | chương 4 | chương 5 | chương 6 | chương 7 | chương 8

 


Cập nhật: 1-2-2001

Trở về mục "Đức Phật và Phật pháp"

Đầu trang