Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
VẪN ĐÓ NỤ CƯỜI

 (Hơn một tuần lễ qua, giới Phật giáo Việt nam trong lẫn ngoài nước đã mất đi một cội đại thọ, đã tắt đi một dòng suối mát ngọt ngào, đã rơi rụng một vì sao sáng, đã xa rời một bậc thạch trụ tài đức vô vàn.

Hôm nay, trước giờ phút tiễn biệt Ngài, trước chánh điện nguy nga thanh tịnh, với di ảnh từ bi hoan hỷ của Ngài, người viết chợt nhận ra nụ cười thanh tao, siêu tục của bậc Thầy xuất trần giải thoát. Nụ cười hiền không khác nụ cười Ca Diếp năm nào. Chính vì vậy, trong không khí ngầm ngùi của kẻ còn  tiễn người ra đi, không khí ẩn chứa tấm lòng trân kính của kẻ hậu học, xin mượn bài viết này như lời cung kính  tiễn biệt sau cùng. Vì tư tưởng thơ ca của Thiền sư thi sĩ Huyền Không rất dạt dào, mênh mông cao siêu, người viết chỉ xin trích dẫn một số bài thơ đặc biệt, mang thể thơ Lục Bát truyền thống và  mang nội dung nụ cười hoan hỷ như khi Ngài còn sinh tiền, để phủ phục dâng cúng lên Người. Những mong, qua dáng dấp và nụ cười của Thầy, vẫn còn in đậm trong lòng chúng Phật tử hữu duyên!)

 Nói đến Ôn Mãn Giác, từ giới học giả uyên thâm Phật học, đến thành phần bình dân chơn chất, không ai không công nhận sự đóng góp của Ngài ở hai lãnh vực: Đạo và Đời.

Nhắc đến Ôn Mãn Giác, người Phật tử không chỉ đề cập đến những đóng góp của Ngài trong ngôi nhà Phật học, mà còn phải đề cập đến một nhà thơ lớn của văn giới Việt Nam. Ngài thật sự có phong cách riêng biệt của người sáng tác, có một vị trí quan trọng trong nghiên cứu Phật học, vì thế, Ôn Mãn Giác rất xứng đáng được tôn trọng, kính ngưỡng trong giới Phật học, rất xứng đáng được đặt một vị trí cao thượng trong vườn hoa dân tộc Việt Nam nói riêng và vườn hoa nhân loại nói chung.

Chính những tác phẩm Phật học được nghiên cứu nghiêm túc, những thi phẩm tuyệt vời của Ngài là nét đặt thù để trở thành những bằng chứng cụ thể, hiển nhiên, rõ ràng nhất.

Thơ Huyền Không –Mãn Giác là tiếng nói thật, là hơi thở thật và là sự sống thật của một người dấn thân nhập cuộc. Thái độ dấn thân của nhà thơ không còn hệ luỵ, vướng bận, nhiễm đục bởi não phiền, mà thong dong như mây trắng, vượt lên khỏi tầm nhìn của thế cuộc.

Thơ Huyền Không-Mãn Giác chính là trái tim của con người, đang thổn thức, đang nhẹ nhàng đưa máu về tim. Trong từng phút giây của thế giới kinh hoàng, vẫn đều đều thoi thóp để sinh soi nẩy nở hàng vạn đoá hoa huyền nhiệm, dâng hiến cho cuộc đời và nhân loại! Vì vậy, mỗi bài thơ của thi sĩ đều dung chứa cả một vũ trụ tuyệt vời, đều hứng chịu cả cuộc lữ của kiếp người hạn hẹp và sự sống thường hằng bất tận!

Như bao nhiêu nhà thơ Việt nam khác, Huyền Không đã mai mắn tiếp nhận, thừa kế tất cả di sản văn hoá quí báu của dân tộc. Hơn thế nửa, trong tiến trình tu tập và hành đạo, Thiền sư đã có được những kinh nghiêm tâm linh riêng tư tuyệt vời, những kinh nghiệm tâm linh được chính nhà thơ thể nghiệm, trực nghiệm, thực nghiệm, để từ đó, chính những tâm linh được khai phóng này,  đã trở thành một trong những những nét đặc thù của dòng thơ Huyền Không.

 Ai đã một lần được hạnh duyên tiếp kiến nhà thơ, đều một lần cảm nhận được nguồn tâm linh này. Nguồn tâm linh đó, được un đúc, rồi nở ra những nụ cười tươi vui, không chút xả giao, những nụ cười hoan hỷ, không niệm giận hờn. Hơn hết, không phải chỉ trong thơ ca của Người, mà ngay cả trong đời thường, con người của thi sĩ cũng chính là hình ảnh trong thi ca.

 Những hình ảnh quê hương, con sông, giọt nước, mái chùa, ngôi đình là một trong những chất keo dính chặt vào đời thơ mình. Bởi vì, Huyền Không đã từng chiêm nghiệm được sức sống nhiệm mầu, đã từng hứng chịu cảnh ly tan đỗ nát của chiến tranh, bom đạn, đã từng chạm mặt với sự chết của kiếp người đang đè nặng lên kiếp sống mong manh héo hắt và đã thấy được rõ ràng ngọn cỏ xưa xanh mãi, ngọn cỏ cuộc đời nhiều màu sắc ly kỳ vẫn đong đưa dưới ánh nắng ban mai, hay bóng hoàng hôn ngả xuống giữa chiều tà, hay ngọn cỏ nhỏ xíu vẫn hiên ngang đứng dưới bão tố phong ba cuộc đời và trên đôi môi hồng đỏ của thi sĩ Thiền sư vẫn mỉm cười hoan hỷ:

 …………………………

Cỏ xưa xanh mãi không vàng

Đong đưa giọt nước hiên ngang dưới trời

Bao nhiêu màu sắc đầy vơi

In trong giọt nước mỉm cười nắng reo (Giọt Nước Đầu Ngọn Cỏ- trang 20)

Giọt nước mỉm cười, ánh nắng reo vui đã tạo thành nhịp điệu chan hoà ấm áp.

Ngọn cỏ xanh mãi không vàng là cách nhìn của Thiền sư chứng đạo. Thấu hiểu vạn pháp thường hằng, thấy rõ trong cái cao ngất trùng trùng, còn có những giọt nước tịch lặng, luôn bám vúi, quyện chặt vào cuộc đời. Vì vậy, Thiền sư thi sĩ đã cho người đọc thưởng thức cái tịch lặng nhiệm mầu của tâm thức, cái bát ngát mênh mông của Phật tánh. Từ đó, Ôn  Mãn Giác lại còn cho người đời cảm nhận sự thanh thoát tự do của  mười phương ba cõi, thấy rõ đám mây trắng đang thong dong, phiêu bồng hoá hiện cuối chân trời phiêu lãng, rồi bật nụ cười nguyên sơ, nụ cười muôn đời của Ngài Ca Diếp năm nào, hay nụ cười của Thiền sư Huyền Không thời đại:

……………………………….

Ngàn năm mây trắng thong dong

Phiêu bồng hoá hiện mênh mông cuối trời

Còn đây, một đoá hồng tươi

Trên môi nhân loại nụ cười còn nguyên (Mây Trắng Thong Dong-trang 33)

 Một đoá hồng tươi, một nụ cười trinh nguyên vẫn còn đó, vẫn như mây trắng thong dong bên vòm trời Hy Mã, hay vẫn như mây trắng của cõi lòng đang rộn rã hát ca, cất lên tiếng hát của Khúc Ca Chứng Đạo.

Bài thơ như một đánh động, như một hối thúc vào tâm thức người đọc, đồng thời, mặt dù là thể thơ Lục Bát, nhưng sức công phá của bài thơ còn hơn những trái bom được thử nghiệm nơi xứ Phù Tang năm nào, hay Bắc Hàn mới đây.

Nếu như súng đạn, vũ khí hạt nhân phá hoại, huỷ diệt mần sống nhân loại và môi trường, nếu như chiến tranh mang đến đau khổ, lầm than chết chốc, thì thơ của Huyền Không lại là dưỡng chất nuôi lớn tình người, kết sâu tình thân ái và ăn sâu vào ngõ ngách của tâm hồn người đọc-Đây chính là thi tài của nhà thơ lớn, chính là tâm đức của người liễu đạo. Cũng chính sự tự nhiên, như nhiên, minh nhiên và thong dong trong tâm thức tác giả, đã làm nẩy nở nhiều nhánh hoa tươi phụng hiến cho đời, đã mang về cho kiếp người những phút giây an lạc tuyệt vời và đã đóng góp cho ngày Phật Đản những nụ cười tươi mát đầy ấm áp tình thương của Sĩ Đạt Ta xa xưa:

…………………………

Dù sao vẫn giữ môi cười

Khổ đau, mầu nhiệm chưa vơi trong lòng (Về Trong Phật Đản-trang 72)

 Đối với Thiền sư thi sĩ, dẫu cuộc đời có trăm đắng ngàn cay, dẫu đường đời có khổ đau cùng cực, nhưng, trong mọi thể thái của tâm thức, mọi hành vi của tạo tác, tâm hồn luôn  hướng về đức Phật, cố gắng giữ mãi trên môi nụ cười bao dung, thì tất cả  buồn khổ hiu hắt cùng cực kia cũng bị hạn hẹp, co thắt lại.  Nụ hàm tiếu sẽ an hoà  dàn trãi rộng biên độ, những đoá hồng chớm nở, hoa lan hay tâm hoa của cõi lòng được nở nhuỵ khai hoa,  để khúc ca chân tình hoà điệu như nhất trong tâm thức mọi người và để hết thảy chúng sanh đều cảm nhận được giá trị của giải thoát khổ đau, thong dong tự tại trước những Tham-Sân-Si thấp cùng::

…………………….

Người về ngắm đoá hoa hồng

Nhìn lên đức Phật mênh mông nụ cười

Xuân về muôn vạn hoa tươi

Thong dong tự tại trước lời sân si (Xuân Về-trang 73)

 Giọng thơ ẩn chứa cả một thiết tha kêu gọi. Không phải lời kêu gọi của Thích Ca bên dòng sông Hằng tĩnh lặng năm xưa.  Không phải lời khai thị lặng thinh như sấm sét của tổ Bồ Đề Đạt Ma, sau chín năm diện bích trong Thiền sử Trung Hoa hôm nào. Càng không phải là kiểu Cáo Tật Thị Chúng của Thiền sư Mãn Giác thời Lý hay bài kệ tuyệt vời của quốc sư Vạn Hạnh, Việt nam cách đây hằng bao thế kỷ. Cũng không phải là thể cách của những áng thơ bất hủ trong làng thi văn Việt Nam cận đại. Nơi đây, ta thấy rõ ràng, chính Thiền sư thi sĩ Huyền Không đã tự tạo cho mình một sức sống thơ, một ý thức thơ, một hồn thơ lay láng, hoàn toàn mới như mùa xuân bất diệt, mới như ngọn lửa trong đêm đen mù mịt đốt cháy vô minh, để vĩnh hằng ngun ngút vượt khỏi mọi chi phối của thời gian và không gian hạn hữu.

 Ở một bài thơ khác, nụ cười của thiền sư thi sĩ Huyền Không, đã làm người say mê thơ Ngài thấy trái tim tác giả rất dạt dào tình cảm, rất hào phóng tình huynh đệ.  Không chỉ đối với quê hương dân tộc, đối với chúng sanh nhân loại, mà còn đối với những bậc Thầy, mà chính nhà thơ đã chung sống từ thuở thiếu thời, đã trao cho nhau nhiều kỷ niệm ấn tượng đẹp trong khi thừa hành Phật sự. Quí ngài đã hy hiến đời mình cho dân tộc, đạo pháp. Tình cảm dạt dào thiêng liêng đó đã làm cho thơ của Thiền sư thi sĩ vốn dĩ đã hay lại càng hay thêm, đã thơm tho dịu mát lại cáng chất ngất đượm tình.

Quả thật, những thâm ân cao quí của các bậc xuất trần, đã tuyệt nhiên quên hẳn hạnh phúc cá nhân để dành cho chúng sanh vạn loại. Sự hy hiến cao cả này là bệ phóng trãi dài đến tận cùng sâu thẳm trong mỗi nhịp đập của trái tim trinh thành.

Nhị vị Hoà thượng Thích Thiện Minh và Thích Thiên Ân, là những bậc long tượng. Quí Ngài đã hiên ngang bước vào lửa đạn để gánh chịu đau thương cho tha nhân, đã chấp nhận mọi thiệt thòi của cá thể, để mang hạnh phúc tuyệt vời vĩnh hằng cho đại thể. Quí Ngài sẳn sàng chấp nhận số kiếp đoạ đày đau khổ trong vòng lao lý cơ cực, để mọi người có được cuộc sống ấm no, tự do hạnh phúc.

Thiền sư thi sĩ Huyền Không đã thấm thấu toàn triệt, đã thấy rõ tấm lòng hy hiến kia, đã kính quí tấm lòng của chư pháp hữu, để rồi, trong khổ đau luyến tiếc, Ngài nở nụ cười bất diệt, nở nụ cười hoan hỷ đón nhận mọi chi phối của vô thường.  Để rồi, trong khoảng không tĩnh lặng, một mình đốt nén trầm hương, một mình dỡ tranh kinh Hoa Nghiêm chiêm nghiệm, cho đời nụ cười thấu thị cảnh giới duyên khởi trùng trùng:

…………………………..

Bổng nhiên ta nở môi cười

Khói hương mầu nhiệm rạng ngời Hoa Nghiêm

Trùng trùng duyên khởi bên thềm

Mái chùa xưa đã lặng yên thuở nào (Những Người Đi Qua-Tưởng niệm giác linh nhị vị Hoà thượng Thích Thiện Minh và Thích Thiên Ân-trang 89)

 Đây là tình cảm thiết tha của Thiền sư thi sĩ đối với những pháp hữu đã vĩnh viễn trả tấm thân tứ đại về với bụi cát nhân duyên. Nhưng, chính những hình ảnh cao đẹp này, lại mãi mãi nằm sẳn trong Tạng thức A lại da. Nó gắn bó, dính chặt như khối óc và con tim, như hữu thể và vô thể, như thiên nhiên ngoại giới và cảnh giới nội quan.

Hơn thế nửa, đối với những pháp hữu đồng lêu còn sinh tiền, đang hoằng dương Phật pháp trên cõi Diêm phù, thì  tình cảm của Thiền sư thi sĩ Huyền Không cũng gắn bó ăn sâu, không bao giờ phai nhạt. Nó không cột chặt con người vào dòng chảy quá khứ, nhưng lại đưa con người trở về với thực tại nhiệm mầu, vượt qua bao thác ghềnh của không-thời gian:

 Thiền sư đi trên đường

Áo rộng đầy tình thương

Thời gian không níu lại

Cười vang suốt đêm trường (Thiền Sư-trang 85) với Thiền Sư Nhất Hạnh

 Hình ảnh hai vị Thiền sư của thời đại đang thênh thang cất bước trên đường giải thoát, đang dang tay áo rộng để ban trãi những trái ngọt yêu thương và tình thân ái cho nhân sanh.  Hình ảnh  nhị vị Thiền sư song hành, cất bước ngao du, không phải như những người thưởng lãm vị ngọt của cuộc đời, mà quí Ngài còn chấp nhận những đắng cay của cuộc đời, chấp nhận những đơn côi của kiếp người, mạnh dạng làm những kẻ độc hành trên đường giải thoát. Tuyệt đối không cô liêu hiu quạnh mà chứa đầy dáng dấp của tịch liêu, chứa đầy hương vị của thương yêu.

Chân đi dang rộng cả càn khôn địa giới, áo rộng phủ kín tình thương con người, làm cho thời gian và không gian như ngừng lại để chia vui.

Thời gian đối với Thiền sư thi sĩ chỉ là thứ thời gian được đúc cất bằng chất liệu hạnh phúc và nụ cười trên môi, cười suốt cả đêm trường.

Thời gian đối với người đạt đạo không phải là thời gian phá nát tâm hồn, không phải là thời gian huỹ diệt trái tim trinh khiết, không phải là thời gian áo não, chua cay, chất chứa những đau thương, ũ dột trong lòng.

Thời gian đối với người thấy trọn đường về, thênh thang cất bước, tuyệt đối không bị đóng khung trong những bức tường của  tham giận, kiêu căng, si mê lầm lạc, càng không phải là thời gian giam nhốt con người vào những định kiến, biên kiến của nhận thức tội lỗi sai lầm.

Để từ đây, Thiền sư thi sĩ Huyền Không là làm một cuộc khai phá mới, táo bạo và bất ngờ, nhưng vô cùng êm ái, dịu dàng. Nó có sức mạnh đẩy dần những đớn đau của vị kỷ, những thống khổ của  kiếp luân hồi, của tan biến vô thường, để, mặt đối mặt với chính mình, hát lên khúc ca của người đạt đạo nơi ngôi chùa Việt Nam thân yêu:

…………………………….

Thiền môn xưa sạch phong trần

Kim Cang kinh chép trầm luân thoát rồi

Ta từ sanh tử về chơi

Ngồi trên chót đỉnh mỉm cười với trăng… (Đạt Đạo-trang 91)

 Phong trần đã sạch, tự tay mình chép kinh Kim Cang dâng cúng đức Phật. Rồi như một hoá kiếp, với nhãn quan Phật giới, Thiền sư thi sĩ lại thấy cuộc tử sinh giống như cuộc lữ đầy thi vị nên thơ. Nó không phải như những cuộc lữ của thế tình oan nghiệt, cay đắng. Trong cuộc lữ này, Thiền sư thi sĩ đã an nhiên ngồi trên chót đỉnh, để mỉm cười với trăng, để dấn thân vào cát trắng, hoá thành đôi bồ câu trắng cho hoà bình.

Trong cuộc chơi sanh tử, người thơ chưa bao giờ bị bứt tử, hay chưa bao giờ hoạnh tử. Hơn thế, tâm hồn trinh bạch, trái tim nguyên sơ của Thiền sư thi sĩ đã vượt lên chín tầng mây, thoát khỏi những kiếp đoạ đày và để lòng mình trên đỉnh non cao của bạt ngàn trí tuệ. 

Mặc khác, tác giả tuy đã ngồi trên chót đỉnh non cao, nhưng không bị lệ thuộc, không bị giam hãm trong những tâm lý buồn giận, hơn thua, luôn xé nát tâm hồn con người.

Thiền sư thi sĩ Huyền Không đã để cho tâm mình vượt lên trên mọi vùng sáng tối của ý thức, vượt lên trên mọi đối đãi nhị nguyên và cõi lòng luôn phát sáng, tỉnh thức.

Chính ánh sáng trí huệ bạt ngàn giữa muôn ngàn tinh tú, đã thôi thúc người thơ tiếp tục trò chơi sanh tử. Bởi vì, một khi đã tỉnh giấc chiêm bao rồi, thì mọi sự vật hiện tượng trong nội hàm lẫn ngoại giới đều rõ ràng nhận biết. Thấy rõ để tạo thành những ánh sáng thâm u, huyền bí, tạo thành những âm thanh tinh ảo, lấp lánh trên cao như báo hiệu một hồi quang phản chiếu:

……………………….

Trong mơ thấy đoá hoa tươi

Bây giờ tỉnh dậy ta cười với ta

Giang tay đón cả Ta bà

Lòng nghe rợn ngợp hẳng sa kiếp rồi…. (Tỉnh Giấc Chiêm Bao-trang 106)

 Khi đã tỉnh giấc chiêm bao rồi thì tự mình hiểu ra, tự mình nở nụ hàm tiếu, nở ra để đón nhận hằng sa diệu thể. Đón nhận hương thơm từ cõi Ta bà dâng hiến. Nhận không cần điều kiện. Chính điều này đã là tâm hồn vô lượng của người thơ không bị nung nấu, không bị chi phối bởi cuộc đời.

Khi tâm hồn con người vượt ngoài ngã nhân, bỉ thử, là lúc tâm xuân đang phơi phới bên lòng. Tất cả những giải thoát thong dong cũng từ đây phát sinh, tất cả những u hiển huyền bí của đất trời cũng từ đây khai mở-trái tim con người được khai mở. Ngay lúc đó, những khổ đau phù phiếm thế gian không còn hiện hữu, những phù hư mộng ảo của kiếp người không còn chi phối. Tất nhiên, hương thơm đạo đức tâm linh sẽ toả ngát ngàn trùng, ánh sángtrí tuệ sẽ chiếu soi bạt ngàn, nhịp đập con tim êm ả, thiết tha diệu kỳ như dòng sông tĩnh lặng bao la sẽ sống mãi.  Thiền sư thi sĩ sẽ vui vẻ hứng lấy tất cả những thứ của trần gian, sẽ mang tất cả những gánh nặng nhất của con người mà không một mải mai than trách:

………………….

Bây giờ ta mới hiểu ra

Phù hư mộng ảo hằng sa kiếp người

Còn đây giọt lệ cuối rơi

Trần gian xin hứng cuộc đời xin mang (Giọt Lệ Cuối-trang 53)

 Nói tóm, trong ngôi nhà thi ca nước Việt và trong kho tàng Thiền kệ Phật giáo, thi sĩ Thiền sư Huyền Không đã vô tình để lại nhiều bài thơ Thiền, giá trị văn chương, giá trị nghệ thuật cao và giá trị tâm linh rất hữu ích. Ngoài ra, khi tỉnh tâm tiếp xúc với thơ Huyền Không, người đọc còn nhận thấy nhiều thể loại, nhiều hình thức và đủ mọi chủ đề cũng được tác giả múa bút cho hoa, nhưng lại chứa đựng trong một trái tim trinh thành giải thoát.

 Thơ Huyền Không-Mãn Giác là tiếng nói muôn đời của vô thuỷ, nhưng lại là pháp âm của thời đại mới. Đơn giản nhưng thâm u, hiển lộ nhưng kỳ bí, vừa mang dáng dấp rêu phong phủ kín của một ngôi chùa truyền thống, đơn sơ trơ gan cùng tuế nguyệt, nhưng lại mang dáng vẻ tân kỳ nguy nga tráng lệ, được điểm tô nhờ  ánh mặt trời lung linh toả chiếu rạng ngời.

Thơ của Thiền sư thi sĩ Huyền Không giống như dòng chảy của một dòng sông, có lúc mảnh liệt ì ầm thành tiếng thuỷ triều diệu huyền, có khi êm ả thành tiếng gió vi vu từ cõi chơn không, để tạo thành dòng nước mát tâm linh chất ngất, cuống xoay phần nào những vẩn đục của thế tình.

 Thơ của thiền sư thi sĩ Huyền Không đã  thành công không chỉ ở phạm vi ngôn từ phong phú, nhiều hình ảnh, mà còn ở chính sức sống, kinh nghiệm tâm linh của nhà thơ, nhà tu hành được tưới mát sau bao năm tháng công phu.

Thơ của Thiền sư Huyền Không không chỉ có nước mắt khổ đau của cuộc đời, hay những giọt nước mắt của oan gia oán hận tha nhân, mà hầu hết đều có nụ cười reo vui, lạc quan yêu đời, trân trọng cuộc đời, trân quí tình người.

 Thơ Ôn Mãn Giác là sự kết hợp ngôn ngữ kỳ đặc của tâm thức và cảm xúc, của tâm linh và chân tình. Thứ ngôn ngữ của trần gian nghèo túng, hạn cuộc, nhưng khi qua ngòi bút tài ba của Ôn, thì tự nhiên trở thành ngôn ngữ phong phú giàu sang siêu xuất thế gian.

Trong thơ Ôn, người đọc không thấy tác giả nhọc công đi tìm từng chữ, từng lời, để trao chuốc câu thơ, mà mỗi khi dòng cảm xúc tâm linh dâng trào qua năm tháng tịnh tu, thì tự động những hình ảnh lạ kỳ lấp lánh bất ngờ lại hiện hữu trong tứ thơ và lời thơ.

Vì vậy, công tâm mà nói, trong kho tàng thơ ca Thiền học Phật giáo, Thiền sư thi sĩ Huyền Không đã đóng góp rất nhiều để làm phong phú kho tàng Thiền kệ, đã nhẹ nhàng mở cửa Không môn để trang nghiêm cuộc đời qua hình thức thi ca. Những tác phẩm nghiên cứu Phật học kiệt tác, nặng về phần chất đã hiển nhiên trở thành những pho sách quí giá trong các thư viện, hoặc trên đầu giường của người Phật tử. Những thi phẩm tuyệt vời của Thi sĩ Huyền Không đặc biệt là thi phẩm Mây Trắng Thong Dong, đã trở thành hương thơm ngào ngạt, trở thành những phấn hoa để phụng hiến trong vườn hoa dân tộc và vườn thi ca thế giới. Người đọc sẽ cảm nhận sâu sắc về sức khám phá mới, vô cùng phong phú đầy hình tượng, âm thanh, nhiều màu sắc, gồm thâu cả vũ trụ thiên nhiên vô cùng hoà trong nhân gian hữu hạn.  

Sau cùng và trên hết, muốn hiểu và biết về Thiền sư Mãn Giác xin hãy tìm đọc thơ Thiền của thi sĩ Huyền Không trong thi phẩm Mây Trắng Thong Dong!

  

Chùa Phật Đà, Úc Châu

Ngày 22 tháng 10 năm 2006
Nhằm mùng 01 tháng 09 năm Bính Tuất

T.K.Thiện Hữu

 Ghi chú: Những bài thơ trích dẫn trong bài viết này, được trích từ thi phẩm Mây Trắng Thong Dong của Huyền Không.

Nhà xuất bản Thanh Văn tại Califoria xuất bản. Năm 1993.

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/nguoi/ht_ManGiac_1.htm

 


Vào mạng: 20-10-2006

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang