Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
 
Ba câu hỏi Richard Gombrich

 

Lê Việt Liên dịch

(Theo tạp chí Người quan sát mới, số 2228, 19-25.7.2007)

« Đức Phật là người thông minh, hài hước và nhân từ… »

 

Vị giáo sự xuất sắc của trường Đại học Oxford (*) quả quyết là có thể hiểu biết lịch sử về Đấng Giác ngộ và tư tưởng của Ngài.

 

Tạp chí Người quan sát mới: Những kinh sách nói về cuộc đời của Đức Phật, viết bằng nhiều thứ tiếng như tiếng Pali hay tiếng Phạn thường là những mẩu chuyện rời rạc và có nhiều cách kể khác nhau. Dù thế đi nữa, chúng ta có thể có một ý tưởng về cuộc đời và tư tưởng của Đức Phật hay không ?

 

R.G : Câu trả lời của tôi là có, mặc dù các trường Đại học của Mỹ thường vẫn cho rằng Đức Phật đơn giản là không thể biết được. Một số người còn đi tới chỗ thắc mắc về sự tồn tại của Ngài, hoặc nghi ngờ tính chân xác của những bản kinh sách. Nói tóm lại, nếu nghe họ, người ta không thể khẳng định rằng có thể  nghiên cứu đạo Phật từ thủa sơ khai… Vả lại từ 15 năm nay, chúng ta đã không còn thấy những công trình nghiên cứu về tiểu sử của Đức Phật nữa – trừ ở các sinh viên của tôi. Ấy vậy mà, nếu như những nguồn thông tin về đạo Phật không được phong phú như trong đạo Cơ đốc chẳng hạn, thì chúng cũng không đến nỗi là không có gì. Kinh điển bằng tiếng Phạn chắc chắn là rất thiếu thốn : 90% các bản kinh bằng ngôn ngữ gốc đã bị thất lạc (hoặc chỉ còn tồn tại dưới dạng các bản dịch), song ngày nay, người ta tìm thấy rất nhiều tài liệu chưa được biết tới trong các tu viện Tây Tạng. Ngược lại, kinh điển bằng tiếng Pali được viết tại Sri Lanka vào thế kỷ I trước CN là một nguồn đáng tin cậy, bởi lẽ nhờ vào một môi trường rất bảo thủ nên nó được coi như một bảo tàng của Phật giáo nguyên thuỷ. Việc nghiên cứu các kinh sách đó bằng tiếng gốc của chúng cho chúng ta vô số thông tin có giá trị.

 

Tạp chí Người quan sát mới : Những kinh sách đó cho chúng ta biết thêm điều gì ?

 

R.G : Khi so sánh các kinh sách của Phật giáo và những kinh sách của các dòng tôn giáo đương thời khác như Vệ đà và Giai-na, tôi đã phát hiện ra rằng Đức Phật không chỉ thông hiểu những kinh sách của các đối thủ của mình, mà Ngài còn tỏ ra rất khôi hài khi bình luận về chúng. Tính hài hước ấy, các đệ tử của Ngài không cảm nhận được do họ quá sùng kính Ngài và đã viết lại một cách quá cứng nhắc những lời Ngài nói… Khái niệm về Nghiệp báo của đạo Giai-na được Ngài tranh luận thật cuốn hút. Tôi đồng ý với các vị, Ngài nói, về một nghiệp báo tốt hoặc một nghiệp báo xấu. Song nghiệp báo không phải là một kiểu bụi bặm che phủ tâm hồn như các vị tưởng. Nó là một tiến trình năng động, không hoàn toàn bị quy định, cũng không hoàn toàn tùy tiện, mà để cho con người hoàn toàn tự do và chịu trách nhiệm về những việc mình làm. Thật dũng liệt làm sao khi khẳng định trong một nước Ấn Độ cổ đại rằng mỗi người là chủ vận mệnh của mình !

 

Tạp chí Người quan sát mới: Làm sao mà Đức Phật có được một tư tưởng tự do đến thế ?

 

R.G : Chắc chắn Ngài là một trí tuệ vĩ đại đã được rèn luyện rất nhiều để làm chín muồi tư tưởng của mình. Một điểm quan trọng nữa là Ngài thông hiểu nhiều nền văn hóa khác nhau thời đó. Trong các nước ở miền tây bắc Ấn (có thể là nước Ba tư), Ngài nói, chỉ có hai tầng lớp người : chủ và tớ, và tình trạng này có thể thay đổi được. Chắc chắn điều này đã giúp Ngài hiểu ra rằng chế độ đẳng cấp, và kèm theo nó là quan điểm của Bà la môn giáo về xã hội, chỉ là một sự sắp đặt có thể phải được tranh luận. Sự phê phán của Ngài thực sự là rốt ráo :  Đức Phật đã phê phán những lễ hiến tế của những người Bà la môn căn cứ vào bạo lực họ gây ra, Ngài đập tan quan điểm của họ về linh hồn. Và trước thái độ kiêu hãnh về địa vị tối cao của họ, Ngài khẳng định mạnh mẽ rằng mọi người đều bình đẳng. Có thể đó là một trong những lý do để thông điệp của Đức Phật trường tồn một cách đáng kinh ngạc.

 

                                                                   Bài phỏng vấn của Ursula Gauthier

 

(*) « Thế giới Phật giáo », Thames và Hudson, 2003.

 

-----------------------------

 

Một nhà nghiên cứu Phật học kể chuyện….

 

Ngày xửa ngày xưa ở nước Ấn Độ…

 

Hans Wolfgang Schumann(*) giải thích bối cảnh chính trị và tâm linh của Ấn Độ vào thời Đức Phật : đó là một thời kỳ tri thức sôi sục.

 

Đã từ lâu lắm rồi, nền văn minh Ấn Độ có thái độ nghi ngờ chữ viết, chỉ tin độc nhất vào sự truyền khẩu. Vì thế mà chúng ta thiếu những nguồn thông tin dưới dạng chữ viết cho phép soi sáng lịch sử của Ấn Độ cổ đại. Để có thể hiểu được thời Đức Phật tại thế, cần phải quay về với chính những kinh sách của đạo Phật, bởi lẽ chúng là những văn bản đầu tiên được viết lại. Những kinh sách này cho chúng ta biết rằng vùng đồng bằng trung tâm của sông Hằng  - cái nôi của Phật giáo- khi đó đang trải qua những sự thay đổi sâu sắc, giống như Hy Lạp cùng thời kỳ đó. Những nhà nước nhỏ dần dần hòa nhập vào  những vương quốc lớn, như vương quốc Magadha (Ma Kiệt Đà) và Kosala (Câu Xá Na). Những trung tâm lớn ở thành thị trở nên phồn thịnh, các hoạt động ở hầm mỏ và những trao đổi hàng hóa rất phát triển, kéo theo những đám đông dân chúng. Những vị khất sỹ lang thang, những nhà sramana (có nghĩa là « những người tinh tấn » ; từ này đưa đến từ chaman có nghĩa là « thầy cúng »), xuất phát từ mọi tầng lớp, đi ngược xuôi trên các nẻo đường và nghỉ trong những công viên ở ngoại vi các thành phố. Người dân phố thị giàu có thường đi nghe họ thuyết giảng và say mê những cuộc tranh luận đầy tính tri thức của họ.

 

Những người tinh tấn kia (đôi khi là những lang băm hoặc những người được ca tụng và thường là những kẻ phiêu lưu trong lĩnh vực tư tưởng) không còn thỏa mãn với những bài kinh Vệ đà thiêng liêng cũng như những việc thờ cúng của đạo Bà la môn nữa . Họ đi tìm thứ kinh nghiệm huyền bí nằm ngoài những hình thức cổ truyền. Tôn giáo Vệ đà cổ được những người chủng tộc Indo-Aryens đưa vào Ấn Độ từ hàng nghìn năm trước thật ra đã thoái hóa và trở thành một thứ ảo thuật máy móc. Những tu sỹ Bà la môn giáo, những người phải mất tới ba chục năm để nhớ thuộc lòng những bản kinh thiêng bằng một ngôn ngữ đã chết, đã làm phức tạp thái quá những nghi lễ mà chỉ một nhúm người tiên tiến trong xã hội mới được tham gia. Các hoài bão tôn giáo của mọi giai cấp khác trong xã hội còn đang ở trạng thái ấp ủ. Vậy mà một vấn đề lớn đang làm điên đảo mọi tâm trí : đó là chuyện tái sinh. Thực vậy, người ta  tin rằng linh hồn của cá thể vẫn tồn tại sau khi chết để tái sinh dưới một dạng mới (người, súc vật, thần thánh hoặc ngạ quỷ) cho tới khi đủ một số lần nhất định. Cái vòng không thể xê dịch được ấy gọi là luân hồi, và ai cũng sợ sẽ phải tái sinh làm thân phận nghèo khổ. Đối với những người Bà la môn, chỉ có cách đọc đúng những câu chú thiêng mà riêng họ được quyền biết sẽ đảm bảo được tái sinh thuận lợi. Còn tất cả các đẳng cấp còn lại chỉ có thể tìm kiếm tái sinh chủ yếu qua hai con đường : làm người sống khổ hạnh hoặc trở thành tu sỹ hành khất. Những người sống khổ hạnh hoàn toàn trần truồng, sống ẩn dật hoặc tập hợp thành những nhóm nhỏ ở  trong rừng. Họ ép mình theo những luật lệ hà khắc, kiểu tự hành xác, để đạt được một quyền năng tâm linh huyền bí giúp họ giải thoát. Còn các tu sỹ hành khất tham gia vào một phong trào mạnh mẽ, song không có tổ chức, trong đó có rất nhiều nhà chứng nghiệm gặp gỡ nhau : một số người là những kẻ nghi ngờ, chối bỏ mọi giáo điều ; một số khác là những nhà duy vật, theo chủ nghĩa khoái lạc thì phủ nhận ngay cả sự tồn tại của Thánh thần, của linh hồn và sự giải thoát ; một số khác nữa thì tin rằng những hành động là hoàn toàn bị quy định bởi một số phận, gần như định mệnh… Đức Phật đã lấy trong phong trào trí thức sục sôi ấy một số yếu tố mà Ngài làm cho phù hợp để xây dựng một giải pháp hoàn toàn độc đáo cho vấn đề luân hồi.                                               

                                                                   Bài phỏng vấn của Ursula Gauthier

(*) « Đức Phật lịch sử », Sully, 1999.

 

 

Một đối thủ của Phật giáo

 

« Tu khổ hạnh cực đoan của Kỳ na giáo»

 

Theo Johannes Bronkhorst (*), giáo sư Đại học Lausanne, chủ thuyết này là một cứu cánh và đạo Phật đã được lập ra để chống lại nó.

 

Theo truyền thống, các nhà sử học coi đạo Phật là một phản ứng chống lại sự câu nệ nghi lễ một cách xơ cứng của Bà la môn giáo. Song ở thời đó, vương quốc Magadha (Ma Kiệt Đà), cái nôi của Phật giáo - tương đương với vùng trung tâm châu thổ sông Hằng, chưa hoàn toàn theo đạo Bà la môn. Một tôn giáo khác đang ngự trị ở đấy : đó là đạo Kỳ na  (tôn giáo chính này đến nay vẫn còn tồn tại trên đất nước Ấn Độ), và chính để chống lại nó mà đạo Phật ra đời.

 

Mahavira, còn gọi là Jina, người sáng lập ra đạo Kỳ na, là một người cùng thời với Đức Phật và chỉ hơn Ngài vài tuổi. Song tông phái của ông kế thừa những truyền thống lâu đời nhất làm nên nền tôn giáo của vương quốc Ma Kiệt Đà. Chính từ kho tàng tôn giáo này mà có những tín ngưỡng hứa hẹn một tương lai đẹp đẽ như vòng luân hồi và nghiệp báo – những tín ngưỡng mà thời Đức Phật mới chỉ bắt đầu thẩm thấu vào những vùng phía tây Ấn theo truyền thống Vệ đà. Vậy nên những nhà tư tưởng của vương quốc Ma Kiệt Đà là những người đầu tiên đặt ra vấn đề mới mẻ và cơ bản là làm sao thoát ra khỏi cái bẫy của luân hồi – chứ không phải vấn đề do Bà la môn giáo nêu ra là làm cách nào để có một kiếp sau tốt đẹp hơn.

 

Người ta có thể chặt đứt vòng luân hồi, theo lời khẳng định của Jina. Khó khăn chính nằm ở nghiệp báo : mọi hành động, dù tốt hay xấu, dù cố ý hay vô tình, đều dứt khoát tạo ra nghiệp. Ngược lại, sau này Đức Phật khẳng định rằng chỉ những hành động cố ý mới tạo nghiệp mà thôi. Như vậy, đối với các đệ tử đạo Kỳ na, đã hành động là phải luân hồi. Cho nên giải pháp là ngừng mọi hành động. Các phương pháp của đạo Kỳ na chủ trương bất động : ví dụ phải đứng mãi, hóa mình thành đá hay thành cội cây. Nỗi đau đớn do sự khổ hạnh cùng cực này đưa lại sẽ giúp « thiêu đốt những cặn bã » của các hành động trước đây. Mức rốt ráo chính là sự xóa bỏ vĩnh viễn mọi hành động, kể cả sự hít thở theo sau cái chết. Nếu người sống khổ hạnh tính toán đúng, nếu ông ta thành công trong việc thanh toán hết nghiệp quá khứ của mình thì sẽ được « giải thoát » trước khi chết.

 

Với hai người thầy của mình, Đức Phật đã thực hành các kỹ thuật về tâm thức được thiết lập trên những hình thức loại trừ hành động. Ngài đã phủ nhận học thuyết của họ mà theo Ngài chẳng đưa tới đâu. Tự mình, Đức Phật cũng đã tinh tấn thực hành một lối sống khổ hạnh cùng cực, có thể do ngẫu hứng với đạo Kỳ na, và Ngài đã rũ bỏ nó vì cùng những lý do như vậy. Trong giáo lý của mình, Đức Phật đã giải thích rằng không hành động có thể đưa tới cái chết, song không đưa tới giải thoát về mặt tâm linh. Cái cần phải diệt trừ, theo Ngài, không phải là hành động, mà chính là ham muốn ẩn đằng sau hành động (Ngài gọi là « khát ái »), bởi vì với bản chất của nó là vô minh, ham muốn này chính là động lực của vòng luân hồi. Vì thế, phương pháp của đạo Phật là một phương pháp tâm lý – đó là sự độc đáo của nó – giúp con người đi vào trong chính cái đầu của mình để nhổ bật gốc rễ của ham muốn.

 

                                                                   Bài phỏng vấn của Ursula Gauthier

 

(*) « Vương quốc xinh tươi Ma Kiệt Đà. Nghiên cứu về văn hóa Ấn Độ cổ đại », Brill, 2007.

 

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/doi/bacauhoiRichardG.htm

 


Cập nhật: 08-07-2008

Trở về mục "Đối thoại"

Đầu trang