Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
PHẬT GIÁO TRONG THẾ KỶ MỚI
PHẬT LỊCH 2540 – GIAO ĐIỂM
Tuyển tập 1
***
PHẬT GIÁO: SINH LỘ CHO NHÂN LOẠI?
Tinh Tiến

Nhân Loại? Lịch sử thành văn ghi lại nhiều chiến tranh hơn hòa bình, nhiều áp bức hơn tự do, nhiều tranh chấp hơn đối thoại… Có thể nào khác được không khi Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi và Ác Kiến là sáu thuộc tính bản chất nhất của nhân thể, cũng có nghĩa là từ vô thỉ. Nhưng chỉ là vậy thôi sao, khi nhân loại cũng là Phật tính, là Bồ Tát Hạnh, là các tâm sở Dục như khát vọng tới lý tưởng, Thắng Giải như khả năng Chính Tri, Tinh Tiến như nỗ lực tự vượt mình, Định Tuệ như giải pháp toàn năng… Tương quan của hai thiên hướng nội tại này, hai lực đẩy câu sinh này trong thời đại hiện nay và triển vọng trong thế kỷ 21 sẽ ra sao?

Hãy nhìn thẳng, với mức độ Chân lượng tối đa, vào những gì đưa tới hiện trạng của nền Văn Minh Nhân Loại trong những thập niên cuối này, vì thế có nhiều khả năng và trên nhiều vị thế được kéo dài và khuếch đại cho những năm sau 2000. Muốn viện dẫn cái gì đi nữa, muốn huênh hoang kiểu nào đi nữa, dù truyền thống văn hóa, dù giá trị Châu Á, dù minh triết Phương Đông,… thực tế là toàn cầu đang sống dưới dấu ấn của nền Văn Minh Phương Tây hiện hình trên các lĩnh vực kinh tế, quân sự, chính trị, văn hóa, … nghĩa là trên các lĩnh vực chủ đạo của hiện thực nhân sinh.

Vậy thì ta buộc phải bước nhanh trở xuôi từ…

Thời Trung Cổ Châu Âu đặc trưng hóa bởi sự bỏ quên con người như một cứu cánh cho các hoạt động của chính họ, sao nhãng con người như một homo sapiens đối trước những thách thức của Tự Nhiên. Cái gì mâu thuẫn với Tự Nhiên, cái ấy sớm muộn rồi ra cũng sẽ tiêu vong. Vậy mà Con Người, tạm nói Tham, Nghi; tạm nói Sân, Ác Kiến; tạm nói Si, Mạn như những tiềm phục câu sinh của Chủ Nghĩa Cá Nhân, của lối sống thực dụng, của bạo lực cách mạng. Cho nên thời Phục Hưng, rồi thế kỷ Ánh Sáng, từng bước, qua đấu tranh bằng lý luận và qua lý luận bằng đấu tranh, đã phục hồi và đăng quang cái tư cách Cứu Cánh cái tính năng Lý Trí của Con Người. Trong giai đoạn vinh quang của sự Tiến Hóa chói lọi này, Pascal, Berkeley đã dịch sao lại Lock, Descartes được hỗ trợ cực kỳ hữu hiệu bởi Newton, Darwin. Vả chăng, trên hiện thực lịch sử, đường hướng duy lý và thực dụng, tinh thần nhân bản và duy vật, đã tự biện minh hùng hồn biết bao, qua biết bao những kỳ tích tiến hóa huy hoàng từ trên 300 năm nay trên các lĩnh vực cá nhân và cộng đồng, quốc gia và quốc tế. Làm sao khoa học tự nhiên có thể lớn mạnh đủ để giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác cho Phúc Lợi của Con Người, hay cũng vậy, cho Ngũ Dục: Sắc, Tài, Danh, Thực, Thụy? Làm sao khoa học nhân văn lại có thể trưởng thành đủ để phát triển sâu rộng Dân Chủ, Tự Do, Bình Đẳng trong nội bộ quốc gia như những giải pháp cho cuộc xung đột giữa các tâm sở Phẫn, Hận, Não, Tật… và Giải Đãi, Phóng Dật, Thất Niệm, Bất Tín… nếu Con Người như một thực thể hiện sinh lại bốc hơi trong tư thế bao trùm của một Đấng Toàn Năng được đại diện bởi một thế lực xã hội có, ở đâu cũng vậy, và thời nào cũng thế, có tính Phàm nhiều hơn tính Thánh; nếu Con Người như một hữu thể nhận thức lại bị hóa giải trong ánh hào quang rực sáng của một Đấng Toàn Tri phát biểu qua một thẩm quyền phán quyết bất khả kháng?

Không thể chối bỏ được rằng trong hơn 300 năm qua, trên bình diện hiện sinh, nhân loại đã chế ngự được nhiều tai ương mà trước đó được xem là vô phương khắc phục như đói rét, bệnh tật,…; trên bình diện nhận thức, đã vén mở được bức màn che phủ các thế giới vi mô và siêu vĩ mô mà trước đó được xem là nằm ngoài cảnh giới của sáu Liễu Biệt Thức: Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý, tức là ngoài toàn bộ (?) khả năng tri giác và trí tuệ của Con Người. Nhiên liệu vận hành các tiến bộ văn minh này được khai thác trong các kho thiên hướng ngũ dục và lý trí hướng ngoại; và khai thác ngày càng triệt để…

Trên lý thuyết

Ngũ Dục, đó là phương diện tác dụng của cấu tạo nhân thể “ngô hữu thân” định hình hóa trong khuôn đúc của Cộng Nghiệp và Biệt Nghiệp, hay nói một cách thô thiển theo khoa học, của thể chế xã hội và ADN. Lý trí hướng ngoại, đó là một phương thức phản xạ trí tuệ hay pháp chấp câu sinh và hậu đắc tạo dựng bởi Ý Thức hay Thức Thứ Sáu thao tác trên thông tin, tư liệu của tiền ngũ thức và dựa vào sự đạo diễn của Mạc-na (Manas) hay Thức Thứ Bảy. Ngũ Dục không tự ấn định cho nó một ranh giới cuối cùng và con người hiện đại say sưa buông thả vô hạn độ trong đại dương cực phân biệt của xã hội tiêu thụ. Lý trí hướng ngoại ngày một Mạn và Kiêu trước những thành tích chói lọi thu hoạch trên con đường Làm Chủ Tự Nhiên của nó, từ đó sự tương xung tương khắc ngày càng ác liệt giữa Con Người và, hay cái tưởng đâu là Trí Tuệ Nhân Loại và bên đối tác, Tự Nhiên khách quan.

Ngũ Dục nơi mỗi cá nhân, mà nhiều khi được xếp vào hạng mục Nhân Quyền; Ngũ Dục nơi mỗi cộng đồng, mà nhiều khi được xếp vào hạng mục Tự Quyết, không dễ gì tìm ra cách thỏa mãn, ngoài con đường xung đột vũ trang và chưa vũ trang, đừng nói vội sự thỏa mãn nọ tất yếu đẻ ra truy cầu kia, và cứ thế, cứ thế cho đến một ngày “đẹp trời” Ngũ Dục của tất cả được hóa giải trong chiếc “nấm” Ngũ Dục mà một nhóm điên khùng dựng lên dưới chiêu bài văn minh, tôn giáo, chính nghĩa, chủ quyền… Ngũ Dục được vuốt ve, chiều chuộng ngày một âu yếm hơn, mặc nhiên tự đồng nhất hoá với Văn Minh, dưới sức nặng thuyết phục cực lớn đến nỗi dường như không còn cách nào cho phương châm thiểu dục của Lão Tử, diệt dục của Đức Thích Ca có cơ may cất lên được tiếng nói, dù chỉ thều thào.

Lý Trí hướng ngoại, bên cạnh kỳ tích thượng tri thiên văn, hạ tri địa lý, trung tri nhân sự, bằng những thành tựu ngoại thân hóa của nó, tức là những computer trí tuệ, đang ngày càng được tôn vinh như một quyền năng không bị hạn cục trong bất kỳ một khuôn viên nào từ sự truy tìm Chân Lý. Đồng thời, mỉa mai thay, và cũng đáng đời thay, đang tự ngày càng xói mòn bản thân nó: cần gì nữa sự rèn luyện trí năng một khi robot có thể làm thay và làm tốt hơn.

Và trên thực địa,

Các thành viên của nhóm G7, mục tiêu lý tưởng cho phần còn lại của nhân loại, không phải là thiên đường cho các chủ thể cấu thành: tội ác, bạo lực, ma túy, Sida, gia đình phân rã, đức tin tiêu vong, đạo đức tàn lụi, lý tưởng thiếu vắng… Kể gì đến phần còn lại, ở đây, nếu không muốn nói, còn tệ hơn.

Làm sao khác được nếu Con Người chỉ chuyên chú vào Ngũ Dục như lý do tồn tại của nó, các Ngũ Dục hoặc không được thỏa mãn và không bao giờ được thỏa mãn đầy đủ, hoặc chính nó thị hiện qua các hiện tượng. Tội ác ư? Đó là Tài; Sida ư? Đó là Sắc; Ma túy ư? Đó là Thụy; Bạo lực ư? Đó là Danh; Trọng bệnh ư? Đó là Thực. Hoặc lẫn lộn, và lẫn lộn trong gia đình, đức tin, đạo đức, lý tưởng.

Nói riêng Bạo Lực. Phải chăng bạo lực chỉ giới hạn trong một chiếc ô tô đầy ắp chất nổ quy ước TNT đủ làm sập cả một cao ốc ở Oklahoma City, Colombo… trong những tràng tiểu liên hoặc tiếng nổ của một quả lựu đạn trên một đường phố ở Alger, Cairo,… hay vì nhân loại đang tiến cực nhanh trên con đường công nghệ dân sự cung cấp trở lại cho công nghệ quân sự, vật liệu làm bom nguyên tử cỡ nhỏ, như kết quả của xu hướng phi hàng loạt hóa (demassification) sản xuất, có thể tìm mua ngay… ở đầu phố, theo đúng thông báo của Builden, chuyên gia về vũ khí hạt nhân: "nếu không phải trong đời tôi, thì có thể trong một tương lai gần, vũ khí hạt nhân sẽ được phổ biến đến tận tay cá nhân, có thể các cá nhân sẽ chế tạo được vũ khí hạt nhân bằng nguyên liệu đang lưu hành trên thị trường thương mại", và nhân loại văn minh đương đại thiếu gì Trọc Đầu, Báo Đen, Hổ Tamil…

Ngũ Dục, dưới tấm khăn phủ hữu phú loè loẹt màu chính nghĩa là phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, phú cường tổ quốc, thị hiện trên đường hướng không ai dám phản bác để chuốc lấy danh vị phản bội, ít nữa mất gốc, và từ đó, và đồng thời cùng với cái bóng của nó, sự hủy diệt cân bằng sinh thái, sự ô nhiễm môi trường sống còn, sự phá vỡ thượng tầng ozon, sự thù địch trong quan hệ xã hội, sự vị kỷ trong nếp nghĩ và ứng xử… Con Người của Ngũ Dục, của xã hội tiêu thụ, của phát triển kinh tế,… có thể nào hợp lý hóa Ý Thức của họ về những hiểm họa đang đè nặng lên một Trái Đất đang lâm nguy và đang hẹp dần bằng những lời kêu gọi vu vơ, hàm hồ, lỗi thời của Thanh Tâm, của Quả Dục, của Ngũ Giới, của Thập Hạnh Balamật. Lý Trí… Hữu Phú sao được! Một khi nhờ tính năng này Con Người vượt lên đứng đầu muôn loài và có tham vọng tranh ngôi bá chủ với Thượng Đế.

Hãy tạm xét thành tích của Lý Trí hay Trí Tuệ Hướng Ngoại trên ba bình diện:

    • Quốc Nội: bởi vì một trong hai thuộc tính của Lý Trí là truy cầu cái Lợi, cái lợi cho bản thân, cho phe nhóm, cho giai cấp (nặng tính lý thuyết), cho dân tộc (như một ngộ nhận). Cái lợi được thực hiện thường xuyên và "hồn nhiên" qua "cuộc chiến tranh của tất cả chống lại tất cả", chi tiết hóa trên xung đột giữa cá nhân, giữa phe nhóm, những giai cấp một bên, trong khuôn viên của một cộng đồng, cực đoan dưới hình thức cách mạng, nhiều lúc dưới là cờ "phải đạo" của một Nhà Nước tập quyền bá đạo hay cực tri, một bên trên trường….
    • Quốc tế: qua xung đột quốc gia với quốc gia, liên minh tung với liên minh hoành. Quan hệ giữa các quốc gia được tiêu chuẩn hóa trước hết và trên hết trên tình trạng chiến tranh hay hòa bình. Mà chiến tranh thì khỏi nói, phi lý và ngu xuẩn đã rành rành, chẳng thế mà cùng với Lý Trí của toàn nhân loại văn minh, Lý trí của một H.G. Well, năm 1914 ngay trên cửa ngỏ của Thế Chiến I: "Không có gì rõ ràng hơn đối với con người đầu thế kỷ XX là việc chiến tranh sẽ nhanh chóng trở thành điều không thể có được”; của một Henry Ford, năm 1928, gần đúng một giáp trước Thế Chiến II: “Con Người đang trở nên quá thông minh nên không thể để xảy ra một cuộc chiến tranh lớn khác nữa". Và thảm hại hơn nữa, mới đây thôi, với sự hỗ trợ của đủ loại computer toàn năng, sau khi “bức tường Berlin” sụp đổ và chiến tranh lạnh giữa “Đế Quốc” và "Dân Chủ" tàn lụi, niềm hy vọng của lý trí, của niềm tự hào của Con Người, đã nhanh chóng nhường chỗ cho một tình thế rất bi quan của … của hiện thực; từ đó nỗi nuối tiếc một thời Nhị Phân… dù sao xác xuất sống còn của nhân loại còn đủ lớn trong những bàn tay của Lý Trí siêu cường. Nuối tiếc vô lý, vì sớm muộn gì, bất kỳ quốc gia nào, ngay cả khi nó đang chết đói, vẫn có thể tống tiền, bắt chẹt phần còn lại của thế giới bằng thói bần cùng liều thân của một Chí Phèo hạt nhân hóa, dù là một thứ hạt nhân hóa hạng bét.

Tính chất Chính Trị của hai phần trên có tính ngàn đời, nhưng ít nữa về lâu về dài, không thể có sắc thái biệt lập với cái sắc thái nhân học đang chịu những biến động cực lớn có nguy cơ làm thay đổi cả cấu trúc sinh hóa của nhân thể.

    • Đặc thù của Hiện Đại: Nếu Lý Trí Hướng Ngoại không loại trừ nhận thức về mối liên hệ công sinh như một điều kiện căn bản cho tồn tại cá nhân thì, trong hiện thực của những cộng đồng hiện đại đang ngày càng manh múng về mặt cấu trúc như hậu quả của xu thế manh múng trên các lĩnh vực sản xuất, thông tin, tín ngưỡng, văn hóa, giáo dục… nó khó tránh khỏi tác động của một thúc đẩy tách rời nó ra khỏi mối liên hệ cộng sinh. Hiện tượng này càng được tăng cường bởi tính phù du ngày càng rõ nét của mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với đồ dùng và nơi cư ngụ, bởi tính độc lập của con người đối với các cơ chế mà trước kia có ý nghĩa sống còn. Cái liên hệ mật thiết nhất, liên hệ trong hôn nhân, đang rã rời qua số liệu ly dị, qua các hình thức hôn nhân không đăng ký (concubinage), hôn nhân theo hợp đồng, theo nhóm, cả giữa những người đồng tính. Cái liên hệ thiêng liêng nhất, tưởng đâu là tự nhiên cũng bị phi tự nhiên hóa là tình mẫu tử, đang bị pha loãng trong một nghề nghiệp mới, nghề làm cha mẹ chuyên nghiệp, mà lý do phát sinh là nhằm giúp các bậc cha mẹ sinh học có nhiều thời gian hơn cho… họ.

 Tiến bộ khoa học, kỹ thuật đẩy nhanh tốc độ sản xuất và nhịp độ đổi mới hàng tiêu dùng đến mức ngày nay hầu như bất cứ đồ vật nào đặt vào tay người tiêu dùng chỉ để vứt vào sọt rác một thời gian ngắn sau. Ý niệm sở hữu phai nhạt cùng với những tình cảm đối với nơi mà có cả trăm lý do khiến người ta phải hay muốn rời bỏ sau một thời lượng cư trú ít nhiều dài ngắn. Cũng chính nhờ tính năng, hiệu năng, của nền sản xuất phi hàng loạt hóa, trực tiếp ảnh hưởng lên quyền hạn của các tổ chức của giới chủ, của Nhà Nước quan liêu và mệnh lệnh, mà con người tìm được những mảnh đất cho tự do ngày càng rộng thoáng hơn. Cái ý nghĩa quan trọng nhất và khẩn cấp nhất, trong mọi ý nghĩa có thể tìm ra từ hiện thực trên, ấy là…

 Nếu sang thế kỷ 21 Nhân Loại có thể không phạm phải cái ngu xuẩn lớn nhất là cuộc xung đột hạt nhân giữa các quốc gia - một điều cho tới nay không mấy chắc chắn, vì trên đống gạch vữa của Bức Tường Berlin, đã rất nhanh hiện rõ tham vọng bá quyền của… , chúng tôi rất tán thưởng quan điểm của ẩn sĩ Hammoud về sự sổ lồng của các âm hồn tà giáo – thì một hiểm họa mới, ngay bây giờ đây, đã thế chỗ rồi: nó còn trầm trọng hơn cái mà Huntington đã giả định, sự đụng độ giữa các nền văn minh, nó… chúng tôi muốn nói tới hiểm họa về một nhân loại vô chính phủ, về cái mà Vivekananda đã gọi là thể hỗn hống (amalgame) và giờ đây trở thành cực bác tạp, cực ô trọc hay PHÂN BIỆT. Tình hình là như vậy đó khi ta nghĩ đến các nhóm sắc tộc Kurd, Tchéchène, Tamil, Serbe, Croate, Bosnia… kể cả những hình thức mới trong những nước văn minh của Lữ Đoàn Đỏ Ý, “Con Đường Sáng” Perou, khi ta nghĩ đến những tai họa khủng bố đã xảy ra rồi trên bầu trời, dưới mặt biển và sẽ dứt khoát xảy ra cả trên siêu xa lộ thông tin mà dấu hiệu báo trước là những đàn virus điện tử đang đe dọa nhiều cơ quan Nhà Nước, tổ chức tư nhân; khi ta nghĩ đến những stress mà từ đó cuộc sống vũ bão hiện đại sẽ làm nảy sinh những anh điên, chị khùng, có trong tay không chỉ hơi độc sarin (theo Seaquist, chiến lược gia ở Bộ Quốc Phòng Mỹ: "một xí nghiệp hóa dược cũng có khả năng chế tạo vũ khí sinh học"), và rồi đây cả những trái mìn siêu nhỏ tự tái sinh và v.v…. Cho nên…, nhưng còn quá hẹp hòi và lạc quan, Warren Christopher cảnh cáo: "Nếu chúng ta không tìm ra được biện pháp nào đó để các nhóm sắc tộc khác nhau có thể chung sống trong một đất nước… thì chúng ta sẽ có 5000 quốc gia, so với trên 100 như chúng ta hiện có". Biện pháp nào? Hơn nữa rõ ràng Ngoại Trưởng Mỹ mới chỉ xem xét mặt chính trị của vấn đề. Bao quát hơn, trong cuộc gặp mặt giữa các cựu nguyên thủ quốc gia ở Colorado Springs, tháng 10-1995, cố Tổng Thống Pháp F. Mitterand nhận định: “Điều tuyệt đối cần cấp là năm 2000 phải định ra được các quyền của những nhóm thiểu số… Nếu không chúng ta sẽ chứng kiến sự tan rã và phân hủy rộng lớn, mà không ai còn đứng ngoài được nữa".

Và quan trọng hơn, cấp bách hơn và trực tiếp liên quan tới cuộc hội thảo này, khi ta nghĩ đến những giáo phái Davidiens, Hamas, “Đền Thờ Mặt Trời”, Aum Shinrikyo… đang mọc lên như nấm khắp mọi hang cùng ngõ hẻm. Giáo phái… Tôn Giáo… Tại sao vậy và ý nghĩa gì?

**

Nói đến Tôn Giáo…, trước hết và một cách phổ biến, đó là niềm tin vào sự hiện hữu của Đấng Thượng Đế được quan niệm qua hình tượng và tính cách con người lý tưởng hóa cực điểm. Đấng Thượng Đế, với tư cách ấy, “buộc” phải sáng tạo ra toàn bộ cái vũ trụ hiện thực này, và "buộc" phải có quyền lực tuyệt đối lên bất kỳ cái gì nằm trong vũ trụ ấy. Đồng thời, về sự hiện hữu của Linh Hồn như một sở thuộc của mỗi cá nhân, đặc trưng hóa cá nhân ấy và tồn tại vĩnh hằng.

Niềm tin này được trình bày lại và chi tiết hóa cho các mặt tâm linh và thế tục trong một hệ thống giáo điều nối tiếp nhau ít nhiều logic, bởi những tổ chức xã hội, một số rất nhanh chóng trở thành những thế lực xã hội hùng mạnh mà các tâm sở tham, mạn, sân, tật, san, phẫn, biên kiến, kiến thủ… nổi trội hơn nhiều lần các tâm sở tàm, quý, tinh tiến, vô tham, vô sân, bất hại, hành xả… mặc dù họ vẫn luôn luôn nhắc nhở, đòi hỏi các tín đồ phải trì giới nghiêm khắc, mà giới thì ở tôn giáo nào cũng vậy, đều ít nhiều đồng nghĩa với các tâm sở thiện, cũng là các biện pháp phòng ngừa, khống chế Ngũ Dục.

đồng minh rất gần gũi, có thể gọi là nguồn dự trữ chiến lược của tôn giáo, mặc dù vẫn thường xuyên bị tôn giáo chối bỏ, hất hủi một cách hết sực khinh bỉ và Cực Kỳ Phi lý (!), mê tín dị đoan cũng tự định nghĩa trên niềm tin và sự hiện hữu của các sức mạnh siêu tự nhiên, những hữu thể siêu tự nhiên theo nghĩa không thể, về phía con người, tùy ý tri giác trực tiếp bằng các giác quan hoặc những công cụ khuếch đại, nhưng lại có thể gây nên những tác động vào sự sống còn của mỗi người thông qua những thủ pháp mà trình tự nhân quả không nằm trong tri thức duy lý khoa học. Niềm tin loại này rất phổ biến trong nhân loại tuy có nồng độ rất khác nhau và không được "chủ thuyết hóa" bởi một lực xã hội nào và nhất là thường không bày tỏ một quan điểm cụ thể về một Thượng Đế “có tên họ", hình như bởi vì đó là tàn dư của giai đoạn vật linh luận và phiếm thần luận.

Sự đăng quang của Lý Trí Hướng Ngoại lên ngôi thống trị Trí Tuệ đã thực hiện được trong 300 năm qua những kỳ tích chói lọi của Khoa Học và Kỹ Thuật, đã xây dựng được những xã hội công dân dân chủ và tự do, những phẩm chất xứng đáng nhất của con người với tư cách sinh vật xã hội; cả hai tổng hợp vào nửa sau của thế kỷ 20, trong xã hội tiêu thụ, lúc đầu như một thành công bất khả phản bác của những tư tưởng Ánh Sáng, rồi rất nhanh như những hiểm họa tiềm phục mà chính những tư tưởng ấy phải trả giá.

Và trước hết, tất cả đều có ý nghĩa, đều có tác dụng đẩy lùi Thượng Đế, và cùng với Ngài, "đẩy lùi các tôn giáo vào bóng tối". Tình hình là như vậy, và không thể khác được; vài tiếng nói lẻ tẻ từ Pascal đến Einstein, từ Schopenhauer đến Bergson, lại là tiếng nói của Thế Trí Biện Thông (trừ Pascal) không thể vực tôn giáo khỏi sự tàn lụi của nó, bởi vì:

  • Trên mặt Lý: Tôn giáo phải có Thượng Đế, Thượng Đế là Đấng Sáng Tạo, Sáng Tạo là sáng tạo trong thời gian, có nghĩa là Thượng Đế tồn tại trong thời gian, và người ta tự hỏi, trước thời điểm bắt đầu Sáng Tạo, Ngài làm gì? Thượng Đế có quyền lực tuyệt đối lên Vạn Vật – lên vạn vật là lên vạn vật trong không gian, có nghĩa là Thượng Đế tồn tại trong không gian và người ta tự hỏi, trước thời điểm Sáng Tạo, Ngài ở đâu? Chưa kể quyền lực dựa trên phán xét, sự triền phược vào một thể vô định hình là Thị Phi! là Thiện Ác!
  • Trên mặt Sự: Bằng những lập luận có đằng sau nó cả loạt thực nghiệm chính xác và chặt chẽ, có đằng trước nó sức mạnh của chính những lập luận ấy vật chất hóa, khoa học đã buộc tôn giáo phải từ bỏ, chí ít phải hiệu chỉnh hết giáo điều này đến giáo điều khác mà ngày xưa nó đã dại dột chi tiết hóa và khẳng quyết quá sớm. Đồng thời trước những vấn nạn nóng bỏng của nhân loại, tư duy duy lý khoa học đã đẩy nhiều tôn giáo vào thế lấn bấn, lúng túng, như hiện thân của sự bất lực và vô năng, giữa giải pháp và giáo điều. Ngoài ra, vì Dân Chủ và Tự Do không hề kiêng nể, dè mặt bất kỳ ai, dù Thánh hay Phàm, vậy mà tôn giáo nào cũng đều muốn quảng bá đạo học của mình, mở rộng quần chúng tín đồ, do đó phải được tổ chức chặt chẽ, khoa học (!) do đó phải có một hệ thống lãnh đạo quan liêu, do đó… thôi thì… cho nên… Và trong cả trăm, cả ngàn những tệ hại, tạm nói cái bé nhất mà Krisnamurti đã phát hiện từ lâu "Ngày nay may ra Phật Giáo chỉ còn tồn tại ở những nơi không có bóng dáng Thượng Đế".

Cho nên từ Friedrich Nietzsche (1844-1900) Thượng Đế đã chết, và cách nay vài ba thập kỷ, người ta đã tính chuyện thành lập khoa Thần Học về cái Chết của Thượng Đế. Dĩ nhiên cùng với Ngài, cả tôn giáo vốn lấy Ngài làm lý do tồn tại. Và như vậy tất cả đều quá hợp lý! Có điều… Lý Trí Khoa Học chưa hề bao giờ vét cạn được hiện thực nhân sinh và vũ trụ. Cho nên… và Chứng cớ là…

Trong vài ba thập kỷ qua, nhân loại đã chứng kiến vụ bội thu của hàng vạn, hàng chục vạn những giáo phái trong các nước đang dẫn đầu nền văn minh hiện đại, tức là văn minh khoa học, duy lý và vật chất chủ nghĩa. Có những giáo phái đã trở thành nguy hiểm cho an toàn và ổn định của cả một quốc gia; có những giáo phái đã tiến lên chiếm vị trí trọng yếu về mặt ảnh hưởng và quyền lực đối với xã hội. Aum Shinrikyo làm nảy sinh vấn đề an ninh không chỉ trong phạm vi một đất nước; và Ikeda, người cầm đầu giáo phái Soka Gakkai được đánh giá là nhân vật có thế lực nhất ở Nhật: tổ chức Cứu Rỗi Toàn Thống đang thách thức sự sống còn của Nhà Nước Algérie… Cạnh đó, cả một quốc gia, cả một khu vực nữa, Iran, Iraq, Khối Hồi Giáo, Khối Nho Giáo,…. Đã 10 năm rồi, bản án tử hình vẫn lủng lẳng trên đầu người công dân của nước Anh Salmon Rushdie như một cái tát vào mặt nền Văn Minh Đương Đại, Duy Lý và Pháp Trị; và việc trục xuất Talisman Nasrin ra khỏi tổ quốc của bà dù sao cũng phải được xem như dấu hiệu của sự đồng thanh tương ứng. Và tuy phải đạo hơn và ôn hòa hơn, Lý Quang Diệu hay Mohamed Matin có ý nghĩa gì nếu không phải cũng là những manh nha… Cho nên ở nhiều nơi trong thế giới Văn Minh đương đại, người ta, những nhà khoa học hay những người có tư duy khoa học, đang phải xem xét rất nghiêm túc một vấn đề rất khẩn trương: “Sự Phục Thù của Chúa” đang thị hiện vào những năm cuối của thế kỷ này và chắc chắn sẽ được thi hành ác liệt và tàn bạo hơn nhiều.

Không phải là nhà khoa học, cũng không phải là người có tư duy khoa học, chúng tôi cũng không thấy trong những hiện tượng trên, dấu hiệu cho sự phục thù của Chúa; chỉ thấy ở đó dấu hiệu, dù đôi lúc và đôi nơi, có nhuốm sắc màu ảm đạm, cho khuynh hướng đi về tâm linh của nhân loại. Thực ra, đợi chi cho đến những năm này! Ngay từ đầu thế kỷ 20, Charles Lancelin đã tiên đoán "Khoa Học Huyền Bí sẽ là khoa học của thế kỷ 20". Và rồi trước khi "thế kỷ 21 là Thế Kỷ Tâm Linh", George Velgel đã thông báo: "Phi thế tục hóa thế giới là một trong những hiện tượng xã hội nổi bật của thế kỷ 20".

Chứng cớ, đó là sự kiện, và thế đã quá đủ. Tuy nhiên chúng ta có thể "bàn chơi" về Tại Sao và Thế Nào vậy.

- Nếu Khoa Học một mặt cứ khư khư tinh thần quyết định luận của Vật Lý Newton và tinh thần bài trung của logic Aristote mà, hoặc chính vì thế vẫn, hoặc không vì thế không, tiếp tục tiến lên đánh đâu thắng đó trên khắp các trận địa của hiện thực nhân sinh thì quả thực tôn giáo còn phải ấp a, ấp úng, gãi đầu gãi tai tự bào chữa cho quyền sống của nó trước tòa án của Trí Tuệ Nhân Loại như nó từng làm thế từ thời Phục Hưng đến đầu thế kỷ 20. Song, từ thuyết Tương Đối trở lại nay, người ta không còn tìm đâu ra được cái thái độ tự chủ đầy ngạo mạn của Laplace, trái lại, dễ dàng nhận ra ở khắp nơi, hoặc một R. Feynman "Khoa học chẳng cho ta biết cái gì hết…, chẳng chứng minh cái gì hết", hoặc một D. Hilbert "Trong Toán học, người ta không biết người ta đang nói cái gì và những điều người ta nói có đúng không”, hoặc một A. Zadeh, hoặc một Heisenberg… nhất là Heisenberg: Nguyên Lý Bất Định giáng một đòn chí tử vào quyền độc tôn của Khoa Học với tư cách những phán quyết sắt thép và đơn trị. Nói cách khác, chính khoa học thế kỷ 20 đã thu hẹp vương quốc của Tất Yếu bằng sự thừa nhận đế quốc của Ngẫu Nhiên. Cũng là tự thu hẹp quyền lực và oai phong của chính nó và mặc nhiên cho phép mọi khả năng cơ hội hiện thực. Từ đó cái Vô Lý của Tôn Giáo không còn là một luận cứ đủ để phản bát quyền tồn tại của Tôn Giáo.

Lại càng như vậy, cái Vô Lý của Thượng Đế. Ngược lại là đằng khác. Chính Khoa Học đôi lúc không khỏi… “Ôi! Thời oanh liệt.. ôi Feuerbach, ôi Karl Marx…”. Chẳng hạn, gần đây nhất, góp phần vào một bản hợp tấu bắt đầu cũng đã lâu rồi, nhà bác học nổi tiếng thế giới Trịnh Xuân Thuận rất tin vào sự hiện hữu của Thượng Đế chỉ bởi vì, dựa vào tính toán của ông và các đồng nghiệp, vũ trụ này đã được tạo dựng theo một chương trình được thi công chính xác đến từng một phần tỷ tỷ giây. Để đảm bảo được sự chính xác kinh khủng này – kinh khủng đối với ai? một giây mà đã là ngắn à? "Một satna bao gồm toàn bộ thời gian từ vô thỉ đến vô chung” - phải có một Đấng Thượng Đế đứng ra chủ trì chứ không thể mặc nhiên giao phó cho Ngẫu Nhiên được. Thì ra nhà bác học rất tài năng và đạo đức ấy, vốn sợ Ngẫu Nhiên như nước sợ Chân Không, tin rằng Thượng Đế có thực vì Ngài rất giỏi, giỏi bằng Con Người: chẳng phải cái gọi là chính xác đến một phần tỷ tỷ tỷ ấy chính là sản phẩm của Con Người, thậm chí của một số người nào đó hay sao? Mà những người này thì quá thật đến nỗi câu hỏi "Tôi là Ai?" trở thành quá lố đối với họ! Thêm nữa chẳng phải chính Trịnh Xuân Thuận đã khẳng định ngay trên bìa cuốn sách: Và Con Người đã tạo ra Vũ Trụ! - Thế kỷ 20 là thế kỷ của thông tin, của giao lưu và kỹ thuật trắc nghiệm. Chính trong tình hình này mà nhiều hiện tượng mới gần gần đây thôi còn bị Khoa Học, và những người theo đuôi nó, đáng chú ý nhất là Tôn Giáo, ném thẳng tay vào sọt rác của mê tín dị đoan mà không cần xem xét thật giả gì hết, giờ đây lại được lôi ra, rồi kiểm tra, rồi đo đạc, rồi thí nghiệm, và cuối cùng trong nhiều trường hợp người ta buộc phải rụt rè công nhận "khoa học chưa giải thích được" thay vì nói thẳng ra và ít ngu xuẩn hơn "nằm ngoài logic khoa học."

Từ đó, người bạn đồng minh trung thành, tuy thường bị rẻ rúng, của tôn giáo, dần dần ngẩng cao đầu, nói năng đàng hoàng với thiên hạ, tuy nhiều lúc, do tự ti lâu năm lại thêm ít học, cứ tự làm mình lố bịch bằng cách vay mượn dăm ba chiếc lá nho khoa học rất rẻ tiền. Cũng có nghĩa là Tôn Giáo giờ đây đã hiểu ra hoặc phải hiểu ra rằng nó không cần quá rụt rè, khúm núm trước Khoa Học nữa mà cần hiên ngang hơn, tự tin hơn, đứng vững hai chân trên mảnh đất của nó.

  • Thế kỷ 20, trong toàn bộ nền văn minh nhân loại đến lúc đó, là đỉnh cao nhất của những thành tích kỳ vĩ mà Khoa Học và Kỹ Thuật đã thực hiện trên hiện thực cũng đủ làm các tôn giáo phải kính nể, đồng thời cũng là đỉnh cao của biết bao nhiêu cái… chúng tôi đã sơ sơ nói qua một vài chi tiết. Và thế kỷ ấy, kiêu mạn là thế, lại đang sắp kết thức trong hồi chuông róng rả báo tin Chúa đang trở lại, Chúa tái sinh, và kinh khủng hơn hết, Chúa… phục thù!

 Chúng ta vừa bàn chơi ba động lực của khuynh hướng về tâm linh nhưng có một sự kiện không phải là nói chơi, đó là Tôn Giáo, bất kỳ tôn giáo nào, không hề tham gia tí nào vào sự hình thành bất kỳ một động lực nào trong ba động lực trên, bất kỳ… kể cả Phật Giáo. Mặc dù cả ba động lực ấy đều tìm được đáp án, vượt quá cả nội dung mà con người hiện đại đặt ra cho chúng trong kinh luận của Nhà Phật.

 **

Trong tất cả các tôn giáo, các hệ tư tưởng duy tâm, duy nhất chỉ có Đạo Phật đã làm được điều cực kỳ vĩ đại, đủ vô hiệu hóa mọi thách thức của Trí Tuệ Con Người trong mọi thời đại, trước mắt trong thế kỷ 21, ngay cả với mọi giả định về sự phát triển không thể hình dung được của Khoa Học và Kỹ Thuật, ấy là Đạo Phật đã phủ định: Thượng Đế như nguyên nhân đầu tiên của Tồn Tại

Và Linh Hồn như sở thuộc cá nhân, như lý do cho tín ngưỡng và tu tập.

 Mỗi nền Văn Minh đều hình dung Thượng Đế trong một mô hình riêng, có tính đặc thù về các mặt truyền thống, dân tộc, địa lý, lịch sử, … Thượng Đế Brahma hay Ishvara của người Ấn Độ, Đức Thích Ca tuy có thừa nhận chức năng coi sóc vũ trụ của Ngài, cái vũ trụ trong tri kiến của chúng sinh trong cõi Ta Bà, nhưng Đức Phật không đánh giá Ngài cao lắm, vẫn xếp Ngài vào giỏ Lục Đạo liên tục rỉ chảy vào vòng Luân Hồi; chính bản thân Thượng Đế này cũng tự phản tỉnh tính hạn chế của mình nên Ngài vẫn thường xuyên đến nghe Đức Phật thuyết pháp. Vậy ai đóng vai Thượng Đế Toàn Năng Toàn Tri bây giờ?

 Mặc dù Đức Thích Ca đã nói trắng ra, không úp mở, vòng vo, bóng gió: "Thiên thượng, thiên hạ duy Ngã độc tôn" mặc dù cái tài tính toán chính xác và sắp xếp chi li trong vòng 10-43 giây sau bức tường Planck chẳng ăn nhằm gì so với "Như Lai… cho đến giọt nước ở ngoài hằng sa thế giới, cũng biết số mục, không rời nơi đạo trường mà hiện khắp cả Mười Phương Thế Giới",

"Thân ta bao trùm mười phương hư không vô tận ;

Trên đầu một mảnh lông hiện ra các cõi nước, ngồi trong một hạt bụi mà chuyển Đại Pháp Luân"

nhưng Đức Phật lại không tự cho mình cái tư cách sáng thế, không phải vì Người, thái Tử Sidartha, dòng họ Gautama, con của Quốc Vương Suddhodana, mới sinh ra vào năm… nào có ăn nhằm gì với tuổi của vũ trụ ít nhất là 15 tỷ năm; đơn giản chỉ bởi vì

 Đối trước cái vũ trụ quan sát được này (l’univers observable) – mà theo một giả thuyết thiên văn hiện đại về vũ trụ muôn thể (univers multiples) chỉ là một thứ bọt bèo (bulle) mất tăm trong một cái siêu vũ bọt bèo (bulle méta-univers), cái này đến lượt nó lại mất tăm trong… và cứ thế vô tận - Đức Phật có cái tư cách bình đẳng với bất kỳ một chúng sinh nào; nghĩa là một bộ phận? một thành phần? một mô hình thu nhỏ của Vũ Trụ. Không, toàn những câu chuyện trẻ con vì nó vẫn không giải quyết được vấn đề nguyên nhân, vần đề phát sinh. Ấy vậy mà và trái lại, Đức Phật, và cùng với Ngài mỗi người chúng ta, đều có cái Tư Cách SÁNG THẾ: "Núi sông, thế giới, và hư không đều là vật trong CHÂN TÂM hiện ra… Các ông thấy có núi, có sông, có thế giới, có chúng sinh vì các ông đều Mang Bệnh Nhặm Mắt (tức là Vô Minh ) từ vô thỉ… Toàn thể các chúng sinh trong Mười Phương Thế Giới đều do Vô Minh Vọng Động từ vô thỉ nên cùng Vọng Tưởng có thế giới như thế, có chúng sinh như thế hiện ra".

 Hãy tạm tưởng tượng con mắt của chúng ta có thể xuyên sâu vào cấu trúc nguyên tử của vạn pháp thì ta dễ hình dung, dễ tiếp cận tính chân lý tuyệt vời của khẳng định cực kỳ phi lý trên (!). Nhưng Đức Phật đâu thèm dừng lại ở mức nguyên tử, hay hạt quarks, hay gì gì đi nữa: "Cái giới hạn về sắc tướng đến Hạt Lân Hư là cùng tột. Nếu có thể làm phân rã hạt lân hư này một lần nữa thì sẽ có Hư Không". Rõ ràng: "Tính của SẮC là CHÂN KHÔNG".

 Cái Chân Không xuất hiện thay thế cho sự tiêu vong của Lân Hư như lượng tử của vật chất, và ta không khỏi liên tưởng đến thí nghiệm bắn phá hạt cơ bản mới đây nhất làm mất tiêu vật chất trong Trường Chân Không Vật Lý. Mà Vật Chất chính là Không Gian, vì ngày nay Không Gian không còn được quan niệm như cái Chứa trống rỗng mà như tính cách của vật chất: Vật Chất tạo ra Không Gian chứ không phải Không Gian chứa vật chất.

 Thế còn Thời Gian thì sao? Cái thành phần cấu tạo thứ hai của Vũ Trụ? Chẳng phải Đức Phật vẫn nói đến Luân Hồi, đến Nhân Duyên, đến Quả Báo… và tất cả đều tất yếu diễn ra trong thời gian chứ còn trong cái gì khác nữa: "Ta nói thuyết nhân duyên là đúng về phần sự tướng chỉ các pháp trong thế gian mà nói, chứ không phải chỉ do Lý Tính Tuyệt Đối vậy".

 iống như chúng ta đang sống nhởn nhơ trên Trái Đất này với giờ, với phút, với giây, có cái chính xác của vàng ròng, nhưng nếu ta rời khỏi Trái Đất với tốc độ gần bằng tốc độ tuyệt đối, hoặc lọt vào hố đen, hoặc vọt ra hố trắng… Đại khái các pháp trong thế gian và Lý Tính Tuyệt Đối khác nhau như vậy. Nhưng còn Tam Thế Chư Phật? Ông Duy Ma Cật đã đỡ lời Đức Thích Ca: "Do văn tự thế tục ghi chép nên nói có ba đời chứ chẳng phải Bồ Đề (tức là Trí Tuệ Tối Thượng) có Đời Đã Qua, Đời Sẽ Tới và Đời Hiện Nay”.

 Tóm lại, qua ống kính Võ Phân Biệt của Trí Viên Thành Thực trên Vương Quốc của Chân Đế: "Cả cái Tự Nhiên ấy, cả cái Nhân Duyên ấy đều do CHÂN TÂM vọng động ra cả” Mà Chân Tâm thì ai chẳng có, ai chẳng là chính Nó: "Cái CHÂN TÂM CỦA ÔNG, sao ông không tự nhận lấy, lại cần ta chỉ CHÂN TÂM cho nữa?"

 Nó có dáng dấp của Linh Hồn mà thoát khỏi cái Vô Lý cực lớn là tính Cá Ngã vĩnh hằng. Còn Vọng Động? Đã là chuyện ảo, chuyện huyễn, như một giấc mơ, sao còn phải quá bận tâm đến Tại Sao hay Thế Nào, như ông Phú Lâu Na: "Chân Tâm bản nhiên thanh tịnh, vân hà hốt nhiên sinh sơn hà, đại địa?”.

 Vậy là? bởi vì khoa học lý thuyết đang ngày càng, và không thể làm khác được, dấn bước trên con đường hóa giải hai thành tố cơ bản và duy nhất của Tồn Tại là Không Gian và Thời Gian, cho nên, không phải chỉ riêng cho thế kỷ 21 mà cho muôn đời sau này, Đạo Phật đã đem lại câu trả lời không bao giờ có thể vượt quá cho những câu hỏi về bản thể, về vũ trụ. Nhưng Con Người, nhưng chính chúng ta đang sống đây, có những nhu cầu trực tiếp, với những vấn đề cấp bách, trước những hiểm nguy gần kề mà phần trên chúng tôi đã điểm sơ sơ, tất cả còn khẩn thiết hơn, hiện thực hơn nhiều lần những vấn đề vũ trụ luận hay bản thể luận. Đạo Phật tuyệt vời thật, nhưng là tuyệt vời trong thế giới siêu việt cái cõi đời tầm thường mà quá thật này. Vậy nó có ích gì cho con người tầm thường và quá thực là chúng ta đây không?

 Cái Vĩ Đại thứ hai của Đạo Phật là những đối sách rất thực dụng của nó cho con nguời trên Tục Đế, dựa trên mặt thứ hai, mặt Vọng của CHÂN TÂM: "Tính của KHÔNG là CHÂN SẮC".

 Nếu chúng ta chưa vượt được trường hấp dẫn của những chủng tử hữu lậu đã huấn tập mà còn bị câu thúc bởi cấu tạo sinh lý, bởi phân tử ADN, bởi tri thức đã học hỏi, bởi cảnh quan văn hóa, lịch sử… nghĩa là bởi Kiếp Trược, Kiến Trược, Phiền Não Trược, Chúng Sinh Trược…Nếu chúng ta vẫn tin rằng ta là cái Có Thật trước nhất, đối trước cái Có Thật khác là Thế Giới và Chúng Sinh thù địch nhiều hơn thân thiện, thì Đạo Phật còn chỉ ra một cái Có Thật không kém, đó là luận Nhân Quả, luật Luân Hồi. Đây là một răn đe, hoặc một động viên cho con người đang hướng thân, khẩu, ý của mình vào con đường Thập Ác hay Thập Thiện. Thiên Đường và Địa Ngục đều có thật hết, với những ai tin rằng có thật cái Ngũ Dục mà họ gắn bó và hành động và suy nghĩ dưới sức đẩy của sáu Căn Bản Phiền Não hay 21 Thiện Tâm Sở.

Tất nhiên Tôn Giáo nào cũng đều khuyên người ta làm ta làm điều thiện, tránh điều ác với một phần thưởng Thiên Đường hay một trừng phạt Địa Ngục mà chỉ Thượng Đế mới quyết định, và quyết định một lần là xong hẳn cho mỗi người. Đạo Phật cũng chỉ rõ những gì đang chờ đợi con người thiện và ác, những gì ấy không do sự áp đặt hay ban phát của ai hết mà chỉ đến với họ từ chính bản thân họ, và đến trên rất nhiều quốc độ - tam thiên Đại thiên thế giới – và đến dưới mười dạng sinh tồn: Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sinh, Atula, Nhân, Thiên, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật, trong một vòng tròn bất tuyệt cho sáu loại đầu. Như vậy, lời dạy của Đức Phật, rất phù hợp với phương hướng suy nghĩ của nhân loại văn minh vừa thừa nhận tính tất yếu, vừa thừa nhận tính tự do: con người không phải chỉ là một con rối trong tay của một cái Nghiệp như một tiền định mà còn là quyền tự do lựa chọn hoặc dừng Nghiệp hoặc chuyển Nghiệp.

 Nhưng những hiện tượng này có thật không? Con người hiện đại có nhiều biện pháp trắc nghiệm, và Đức Phật đã chỉ ra một phương thức ngày càng chinh phục được Trí Tuệ Nhân Loại, đó là Tọa Thiền.

 Chúng tôi không đề cập ở đây những lợi ích của Tọa Thiền cho đời sống hiện sinh mà ai cũng đã biết cả, cũng không đề cập tới hiệu lực của Tọa Thiền đối với sự thủ đắc các quyền năng siêu việt quy luật vật lý học mà ta dễ phải công nhận; chúng tôi chỉ muốn lướt nhanh cái tính năng giác ngộ từng phần mà Tọa Thiền đem lại cho hành giả về vấn đề cốt tử của con người, tức là vấn đề “Tôi là Ai”, từ đó Thế Giới này là gì, từ đó, sao lại khác được, chí ít một cuộc sống hòa bình, thăng tiến tâm linh trên Trái Đất này, bởi vì chúng tôi tin tưởng sắt đá rằng qua Tọa Thiền chúng ta sẽ từng bước thể nghiệm được, sinh nghiệm được nhận định bất hủ của ngài Milarepa: "Hai ngụy thuyết căn bản của tư tưởng con người: Tin vào thực tại của những gì chỉ thuộc về Hiện Tượng và tin vào sự hiện hữu của Bản Ngã".

 Chúng tôi nghĩ rằng sự tiến hóa thế tục của Nhân Loại sẽ được đo và chỉ được đo bằng một loại thước, cái thước của Dân Chủ và Tự Do. Những phẩm chất ấy vốn dĩ lại nằm trong Đạo Phật nhiều hơn bất kỳ một hệ tư tưởng nào mà con người đã và sẽ nghĩ ra. Đức Phật, mặc dù tất cả những vinh danh Thế Tôn, Thiên Nhân Sư, Điều Ngự Trượng Phu, Vô Thượng, Chính Biến Giác Tri, … vẫn khẳng định: “Ta là một vị Phật đã thành, các người là những vị Phật sẽ thành",

thành ở đâu? "Ta thành Phật trong Tâm Chúng Sinh".

 Khi Ngài còn tại thế và đi truyền pháp, Ngài thường dùng "phương tiện" để giáo độ, từ đó ngay cả những lời dạy của Ngài cũng không được Ngài gán cho cái ý nghĩa của giáo huấn tuyệt đối: "Pháp của ta như bè để qua sông. Khi đã qua được sông rồi còn dùng bè làm gì nữa". Như vậy Pháp của Phật chỉ có tác dụng của một gợi ý: "Các người hãy tự thắp đuốc lên mà đi, mồi lửa vào Chính Pháp của ta".

 Tinh thần Dân Chủ và Tự Do của Đạo Phật thực là vô địch, cho nên một người vốn chưa có danh vị Bồ Tát hay A La Hán, hay Thanh Văn, Duyên Giác, thậm chí cũng chẳng có địa vị trong giáo đoàn tăng lữ như các ông A Nan, Ca Diếp, Ưu Ba Ly,… mà vẫn có cái tư cách thuyết pháp cho tứ chúng, cho cả Bồ Tát, cả A La Hán, ngang bằng với Đức Phật, đó là Ngài cư sĩ áo trắng Duy Ma Cật. Mà Ngài lại toàn thuyết những pháp trái ngược với những lời dạy có tính kinh điển của Đức Thế Tôn, tỷ như: "Nếu Bồ Tát thi hành những việc trái đạo, đó là Bồ Tát thông đạt Đạo Phật”. Thông đạt đến mức: "Chẳng lìa dâm, nô,…; chẳng cắt si, ái…; chẳng thấy Phật, chẳng nghe Pháp; sáu sư ngoại đạo là thầy, kết bạn với chúng ma; chê Phật, khinh Pháp, chẳng nhập chúng Tăng".

 Chúng tôi không bàn đến ở đây tinh thần tương đối luận của Ngài Duy Ma Cật, chỉ lưu ý rằng trong Tục Đế vốn có tính tương đối, mặc dù vậy Đạo Phật không hề là vương quốc của tùy tiện, hay chủ nghĩa hư vô: "Tuy hành lẽ Không, nhưng trồng các cội lành, tuy hành lẽ Vô Tướng nhưng độ các chúng sinh, tuy hành lẽ Vô Tác nhưng thị hiện thụ lấy thân sống, tuy hành lẽ Vô Khởi nhưng khởi tất cả các nết lành".

 Với loại sơ cơ, lưỡi gươm luân hồi nhân quả lúc nào cũng lủng lẳng trên đầu họ như một răn đe; với loại lợi căn, Tọa Thiền có tác dụng của ánh sáng soi rọi phương tiện thiện xảo. Có lẽ vì chưa thấy rõ hiệu năng tuyệt đối của Tọa Thiền như phương pháp tu luyện cơ sở trên nguyên lý bao quát "Tam Giới Duy Tâm, Vạn Pháp Duy Thức" và phương pháp truyền đạo theo tinh thần “phương tiện” cho từng đối tượng và trình độ, cho nên một con người (hết sức đáng kính) như Giáo Hoàng John Paul II vẫn tự cho phép mình phát biểu một nhận định rất đáng tiếc về đạo Phật.

 Không ai cứu được con người, kể cả Đức Phật, ngoại trừ chính bản thân họ. Tương lai của Nhân Loại trong thế kỷ 21 sẽ ra sao? Đạo Phật chỉ là một gợi ý, dù có tính tối ưu vì phù hợp sát nhất với đường hướng tiến hóa của Trí Tuệ Nhân Loại, nhưng nó vẫn chẳng phải là một đảm bảo tuyết đối. Lại càng như vậy khi…

 **

Thực sự, trên những tiêu chí "khoa học", chúng tôi không đủ tư cách và hiểu biết để bàn về Đạo Phật trong hiện trạng và phương hướng triển vọng trong tương lai trên phạm vi thế giới. Ngay cả trên phạm vị quốc gia! Nhưng với tư cách một kẻ thất phu thành thực có đôi chút ý thức về "vũ trụ giai phận sự" và đã thấy, đã nghe, đã sống, chúng tôi vẫn mạnh dạn trình bày đôi điều suy nghĩ nông cạn và nhận xét phiến diện về tình hình Phật Giáo Việt Nam.

 Trong vài thập kỷ qua, đất nước này đã trải qua nhiều biến động, cuốn hút một tôn giáo đứng ngoài tục giới như Phật Giáo vào dòng thác cuồng nộ của nó và do đó gây nên những phân biệt không đáng có trong nội bộ Phật Giáo vốn, trong cứu cánh, chỉ quan tâm đến cái khổ làm người theo nghĩa luân hồi và nhìn nhận vũ trụ này chỉ như một trò huyễn hóa "Bồ Tát quán chúng sinh như một vị ảo sư nhìn thấy người ảo hóa của mình".

 Căn cứ trên thực tiễn hành xử của giới tăng ni, chúng tôi được gặp không nhiều lắm các vị tu hành thấm nhuần cái yếu nghĩa đó của Đạo Phật, đủ không để mình sa đà vào những hoạt động thế tục và phù hoa không liên quan gì đến mục đích cứu độ của Phật Giáo. Từ đó, một hậu quả trực tiếp, gần như tất yếu, là hiện tượng trì giới thiếu nghiêm khắc khá phổ biến trong hàng ngũ Tăng Già. Mặc dù, trên mặt đời, trì giới là tư cách, là danh dự, là "quyền hành nghề" của người tu hành, cũng là của toàn thể Giáo Hội; trên mặt đạo, trì giới là yêu cầu số một, có tính bản thể cho Định, Tuệ hiện thực hóa, đặng tiến tới Cứu Cánh của Đạo. Vì vậy việc đầu tiên phải làm cho mọi Giáo Hội Phật Giáo hay Hội Phật giáo, danh xưng là gì đi nữa, là phải thanh lọc triệt để hàng ngũ tăng ni trên tiêu chuẩn trì giới, thay vì nói quá nhiều đến những vấn đề chung cục chỉ có tác dụng tha hóa người tu hành trên cả hai lĩnh vực Lý và Sự.

 Ngay cả những vấn đề nội bộ, tức là liên quan đến Tiểu Thừa và Đại Thừa. Chúng tôi nghĩ rằng nếu như bằng cỗ xe nhỏ mỗi cá nhân nhà tu hành có khả năng hiện thực để đi đến những cấp bậc nào đó chỉ của thế giới hiện tượng thôi, chưa dám nói đến Niết Bán, Tịnh Thổ chi cả, trên những nẻo đường của Thiền Định, là điều có thể quan niệm được, hình dung được trên cơ sở thực nghiệm, thì chúng tôi lại thấy yêu cầu và bản nguyện chở thật nhiều người trên cỗ xe thật lớn đế cùng đến Niết Bàn thật vui là một tham vọng thật cao mà thật tế chưa có một Hội Phật Giáo nào đã làm được, dù cho trên những tiêu chí thật đơn giản, thật sơ lược của lý thuyết. Cho nên, thay vì quá lắm lời tự đề cao cái tư cách Đại Thừa, và dựa vào một số lời lẽ trong trong Kinh Luận mà miệt thị đạo hữu Tiểu Thừa của mình, các Hội Phật Giáo nên dành thì giờ và sức lực vào cố gắng làm giảm nhẹ những đau khổ tầm thường của con người thế tục bằng cách thường xuyên thực thi hạnh Bố Thí trong cả ba nội dung Tài, Pháp và Vô Úy, bắt đầu bằng sự phản tỉnh của bản thân trên các "thuộc tính nhân thể" là Tham, Giải Đãi và Úy của chính mình. Chính ở đây sẽ được đánh giá bởi Nhân Loại thế tục, mà Hội Phật Giáo nào cũng cần đến, vai trò và vị trí của Phật Giáo trong những bước tiến hóa của văn minh nhân loại.

 Một phương tiện cực kỳ hữu hiệu liên quan đến hiệu lực của Pháp Thí mà tiếc thay cho đến nay các Hội Phật Giáo đều đã bỏ qua, đều đã không biết quan tâm đúng mức trong thực tiễn nhân sinh đương đại. Nếu ở nước Ấn Độ cổ vào thời đại Đức Phật tại thế, mọi người đều tin mà không đặt vấn đề gì về tính hiện thực của các hiện tượng siêu tự nhiên và các quyền năng huyền bí thì thật quá tự nhiên, quá hữu lý, quá hợp đạo việc Đức Phật cấm các môn đồ của mình thi triển thần thông và xếp vào loại tà giáo tất cả những môn phái tu hành chỉ nhằm sở đắc những quyền năng khuynh đảo con người và sự vật. Nhưng vào thời đại chúng ta đang sống đây, trong tinh thần duy lý và dưới sức ép của Khoa Học và Kỹ Thuật, người ta dễ dàng phản bác những chuyện trên, xem đó chỉ là di lụy của một thời bán khai, ấu trĩ, với sự đồng tình của không ít tăng ni, Phật tử quá ngây thơ mà cứ tưởng mình khoa học và hiện đại, thì chính những việc đó lại là những bằng cứ bất khả kháng cho các luận thuyết Duy Tâm trong đó Đạo Phật đứng hàng đầu.

 Vì vậy Giáo Hội Phật Giáo phải nghiêm túc nghiên cứu, sưu tầm các hiện tượng thần bí, lấy đó làm căn cứ sơ đẳng, làm phương tiện thiện xảo để giáo hóa hàng sơ cơ khoa học và duy lý những luận thuyết cao siêu cũng là siêu thực, phi lý trong Kinh Luận Phật Giáo; phải dành vị trí đặc biệt cho Mật Tông, Thiên Thai Tông… không kém gì Thiền Tông, Tịnh Độ Tông…; phải hỗ trợ tích cực Mật Tông để tông phái này làm tròn được sứ mệnh của vị Hộ Pháp đối trước những đợt tấn công ác liệt của Khoa Học, Kỹ Thuật, của tinh thần duy lý, vật chất, thay vì các nhà thuyết giảng Phật Giáo mải mê mô phỏng những phương pháp luận trong thế kỷ trước của các bộ môn khoa học xã hội Phương Tây, cứ tưởng làm như vậy là trang bị được cho mình cái diện mạo hiện đại hấp dẫn lắm.

 Mặt khác, kho tàng Kinh Luận Phật Giáo chứa đựng đến vô hạn những giáo huấn mà các lý thuyết khoa học hiện đại và những phát hiện thực nghiệm mới nhất có thể được dùng làm những minh họa ít nhiều thành công, đây phải là một phương hướng hoạt động mà Hội Phật Giáo cần đặt ra cho các Phật Tử đang làm công tác khoa học ở ngoài đời, thay vì Hội Phật Giáo hớn hở chộp lấy như một bằng cớ chứng minh giúp, như một chất liệu trang trí hộ cho bản thân họ, thay vì lo cử các tăng ni ưu tú vào các trường cao cấp thế tục để mang về cho H?i những Sở Tri Chướng Phương Tây rồi ra chỉ có cái ý nghĩa của việc "nuôi ong tay áo".

 Tạm thời cuối cùng, những không phải là dưới cùng, các tông phái Phật Giáo cần phải hiểu bản thân mình như sự thị hiện của Phật Giáo trên một phương diện của cái "hiện thực huyễn hóa" có nhiều cấp độ này, thay vì công kích nhau loạn xạ, miệt thị nhau bằng những luận điểm nhiều khi rất hẹp hòi, tầm thường, thậm chí cả ngu xuẩn nữa. Các tông phái Phật Giáo thật sự phải coi nhau là những vị Bồ Tát có sứ mệnh khác nhau trong những quốc độ khác nhau, khác nhau như các ngài Quán Âm, Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, Di Lặc, Long Thụ, A Nan, Ca Diếp… đối trước những chúng sinh khác nhau, không bao giờ được phép tự coi mình là người thừa kế duy nhất của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

 Một lần nữa, xin cho phép chúng tôi tự giới thiệu chỉ là một thứ Phật tử dân dã, đã thành thực, ít ra trong một lúc bộc phát của vài ba thiện tâm sở từ cái tâm chúng sinh của mình, bày tỏ đôi ba ý nghĩ và nhận xét mà chắc rằng rồi ra có nhiều cơ may được Giáo Hội Phật Giáo quan phương dành cho những lời phê phán không thương tiếc, mà chư tôn đức và chư thiện hữu trí thức trong hội thảo này đã dành cho một sự chú ý nhỏ nhoi nào đó, mà chúng tôi xin ghi nhận như một ân thưởng quá quý báu và chúng tôi chỉ biết đáp lại bằng tấm lòng thành thực.

20.02.1996

Mục lục | Dẫn Nhập | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 1 8 | 19 |

 


Vào mạng: 2-12-2004

Trở về mục "Diễn đàn"

Đầu trang