Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
PHẬT GIÁO TRONG THẾ KỶ MỚI
PHẬT LỊCH 2540 – GIAO ĐIỂM
Tuyển tập 1
***
NHỮNG VẤN ĐỀ TRƯỚC MẮT ĐỐI VỚI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
 Thích Trung Đạo

Đạo Phật xuất hiện cách đây hơn 25 thế kỷ, trải qua những thăng trầm của lịch sử, từng chịu đựng biết bao thử thách khắc nghiệt, nhưng vẫn đứng vững và mỗi ngày một lớn mạnh, là vì nó có đủ ba yếu tố: khế lý, khế cơ và khế thời. Trên phương diện khế lý, đương nhiên lấy nguồn cảm hứng từ sự giác ngộ của đức Thế tôn dưới cội bồ đề, nhưng về phương diện khế cơ và khế thời, các sứ giả của Như Lai cần khéo léo vận dụng tinh thần tùy duyên bất biến của giáo pháp để đáp ứng được mọi căn cơ và nhu cầu thời đại, thì hiệu quả của chánh pháp mới phát huy một cách sinh động.

 GIỚI LUẬT, CẦN PHẢI CẬP NHẬT HÓA

    Tất cả mọi tổ chức, mọi đoàn thể muốn được ổn định và tồn tại, nhất thiết phải có những điều lệ làm kỷ cương và những tôn chỉ để hoạt động. Nếu không có những điều lệ làm cương lĩnh, chắc chắn tổ chức ấy không tồn tại lâu dài. Cũng thế, một tôn giáo muốn đạt được mục đích cao cả, cần phải có những giới luật thích hợp làm cơ sở mới duy trì được sự thanh tịnh. Chính đức Phật đã dạy: "Tỳ ni tạng trụ, Phật pháp diệc trụ, Tỳ ni tạng diệt, Phật pháp diệc diệt". (Giới luật còn thì Phật pháp còn, Giới luật mất thì Phật pháp cũng mất).

    Như vậy, giới luật chính là mạng mạch của Phật Giáo, và chỉ có đức Phật mới có đủ thẩm quyền chỉ định, điều đó ai cũng hiểu. Thế nhưng, thời đại của chúng ta cách Phật đã 25 thế kỷ, do thời thế biến thiên, hoàn cảnh thay đổi, nên những điều Phật quy định trước kia, tuy ngày nay đại bộ vẫn còn giữ được giá trị hiện thực, nhưng có một ít chi tiết đã tỏ ra không còn phù hợp với căn cơ của chúng sinh và hoàn cảnh hiện tại. Nếu không điều chỉnh kịp thời, thì tác dụng của giới luật chắc chắn sẽ bị hạn chế không ít. Do đó, thiết tưởng giáo hội cần có một số quy định mới cho phù hợp với những sinh hoạt của Tăng ni trong giai đoạn hiện tại, có như vậy mới phát huy được tác dụng của giới luật một cách trọn vẹn. Vấn đề này, chính Đức Phật xưa kia đã căn dặn: “Này các Tỳ kheo, tuy là những điều do Ta chế định, nhưng nếu không phù hợp với phong tục tập quán của địa phương đó, thì không nên áp dụng. Trái lại, có những điều không do Ta quy định, nhưng vốn là phong tục tập quán của địa phương ấy, thì không thể không thi hành" (Ngũ Phần Luật, ĐTK, 1421, tr 153a).

    Đó là tinh thần uyển chuyển của giới luật do Phật dạy. Và chúng ta cũng biết rằng Quốc gia nào không muốn cho Hiến Pháp và Luật pháp của mình bị lỗi thời và vô hiệu lực, thì Hiến pháp và Luật pháp ấy phải luôn luôn được tu chỉnh và bổ sung kịp thời. Nhưng, muốn cho pháp luật của quốc gia hay giới luật của tôn giáo phát huy đầy đủ tác dụng của nó, không gì hơn là nhờ đến phương tiện giáo dục hỗ trợ.

  1. TẦM QUAN TRỌNG CỦA GIÁO DỤC PHẬT GIÁO.
  2. Cổ đức từng nói: “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý". (Ngọc không mài không thành vật quí, người không học không thông đạo lý). Hiện nay, vấn đề giáo dục Phật Giáo - chủ yếu là dành cho Tăng Ni quả thật có những khởi sắc đáng khích lệ. Thế nhưng trên thực tế, vẫn chưa đáp ứng một cách đầy đủ nhu cầu học hỏi của Tăng Ni. Do đó, thiết nghĩ, Giáo hội nên đặt vai trò giáo dục lên tầm quan trọng hàng đầu trong những Phật sự cấp bách hiện nay. Đồng thời những người giữa vai trò giáo dục phải có thực chất, đủ uy tín, và phương thức tổ chức giảng dạy phải tương đối nghiêm túc, có quy củ. Có như thế mới đạt được hiệu quả tốt nhất. Khi một ngôi trường được phép hoạt động, không những trình độ hiểu biết của người học trò được mở rộng, mà cùng lúc kiến thức của người thầy cũng được nâng cao. Mà hễ trình độ Phật học và thế học của Tăng ni được nâng lên đúng mức, thì sức mạnh của Phật giáo tự nhiên được củng cố; nhờ đó, những lệch lạc và lủng củng ít nhiều tiềm tàng trong hàng ngũ Phật giáo dần dần sẽ bị loại trừ.

    Vấn đề cấp thiết nhất hiện nay đối với công tác giáo dục là thiếu sách giáo khoa Phật học, không những thiếu, mà hầu như chưa có. Chúng tôi đề nghị: Hiện thời những sách giáo khoa nào mà các nước khác đã soạn sẵn có thể dùng được, thì chúng ta dịch sang tiếng Việt để sử dụng, còn loại sách giáo khoa nào chưa có thì bắt buộc phải biên soạn. Có thể sách mới biên soạn lần đầu chưa được hoàn bị, nhưng qua thời gian, chúng ta sẽ hoàn chỉnh dần dần, chứ không nên cầu toàn trách bị. Thế nhưng, nếu muốn cho sự giáo dục đạt đến mức độ hoàn chỉnh, tất yếu phải có Tam tạng giáo điển bằng tiếng Việt. Đó là một trong những yêu cầu bức thiết nhất hiện nay của Phật Giáo Việt Nam.

  3. ĐẠI TẠNG VIỆT NAM, MỘT YÊU CẦU BỨC THIẾT
  4. Nhìn các nước Phật Giáo chung quanh chúng ta, gần như nước nào cũng đã có Tam tạng giáo điển bằng tiếng mẹ đẻ, chỉ có Việt Nam đến nay vẫn chưa có. Nguồn Tam tạng giáo điển gồm có hai: Hán tạng của Phật giáo Bắc truyền và Tạng Pali của Phật giáo Nam truyền.

    Về Hán tạng, hơn nửa thế kỷ qua, có những vị tôn túc đã cố gắng phiên dịch sang tiếng Việt được một số kinh luận đáng kể, nhưng so với toàn bộ Đại tạng vẫn còn chưa thấm vào đâu. Tuy vậy, những công trình ấy thật vô cùng quí giá. Nhờ đó mà trình độ phật học của Tăng ni Phật tử ngày càng tiến bộ rõ rệt. Nhưng hình như công việc phiên dịch chưa được phân công đồng bộ và hợp lý, vì trong lúc còn nhiều dịch giả dịch đi dịch lại nhiều lần. Đề nghị từ nay, khi phiên dịch, các dịch giả nên tham khảo thư mục Phật giáo Việt Nam, xem những bộ kinh luận nào chưa phiên dịch thì hãy phiên dịch, còn bộ nào đã có người dịch tương đối tạm ổn thì khỏi phiên dịch, để đỡ tốn thì giờ. Ngoại trừ những bản dịch chưa đạt thì đương nhiên phải dịch lại. Về thư mục dùng để tham khảo thì trước năm 1975 đã có hai bản: Một bản do thầy Tuệ Sĩ soạn, và một bản do nhà sách Minh Đức biên soạn. Nhưng từ đó đến nay, số lượng kinh sách đã gia tăng khá nhiều, do vậy, khi phiên dịch cần phải tham khảo thêm.

    Về Tam tạng Pali, sau bao năm miệt mài, cho đến nay Hòa Thượng Minh Châu đã dịch gần xong Tạng kinh, còn Tạng luật và Tạng luận cũng đã có vài vị tôn túc bên Nam tông dịch được một ít. Công việc còn lại sẽ có các vị hậu bối tiếp tục trong thời gian sắp đến.

    Chúng ta có thể nói rằng, chỉ khi nào hai Tạng kinh Nam truyền và Bắc truyền được phiên dịch đầy đủ sang tiếng Việt thì trình độ Phật học ở nước ta mới được kể là ngang tầm với thời đại và quốc tế. Đành rằng hiện nay có một số vị tôn túc đọc được Tam tạng bằng tiếng nước ngoài, nhưng số này rất hiếm, và cũng không phải yêu cầu mà chúng ta mong đợi. Điều chúng ta mong muốn là trình độ Phật học của quảng đại Tăng ni Phật tử Việt Nam phải tương đương với các nước có nền Phật học tiên tiến như Nhật Bản, Đài Loan vv… hiện nay.

  5. LỢI ÍCH CỦA TẠNG KINH BẰNG TIẾNG VIỆT
  6. Khi hai Tạng kinh được dịch đầy đủ sang tiếng Việt, mọi người sẽ có cơ hội nghiên cứu, học hỏi, nhờ đó, mà thấy được giá trị siêu việt của giáo lý đức Phật, biết những giáo lý nào do các vị Bồ tát Thánh Tăng khai triển sau này và vì sao phải khai triển. (Phải chăng vì muốn cho bánh xe Chánh pháp luôn luôn vận chuyển, ngõ hầu đáp ứng được mọi thời đại và mọi căn cơ của chúng sinh?).

    Một điều lợi ích khác mà chúng ta thấy rất rõ là những ai quan tâm tìm hiểu cả hai Tạng kinh sẽ dễ dàng rút ra một điểm nhất quán xuyên suốt trong giáo lý đức Phật; nhờ đó sẽ thông cảm được trước những bất đồng của các tông phái khác, để cùng nhau chung sức chung lòng quyết tâm phụng sự chánh pháp.

    Xưa kia, khi Ngài Huyền Trang (602-664) chưa đi du học, nghe các vị pháp sư thuyết giảng có đôi chổ bất đồng, khiến cho Ngài rất hoang mang, không hiểu vì sao cùng là Phật pháp mà lại có những dị biệt như vậy. Nhưng sau khi sang Ấn Độ du học, Ngài học kinh luận của tất cả các bộ phái Phật giáo với một thái độ khách quan, không thành kiến. Nhờ vậy, Ngài nhận ra được chung điểm nhất trí của giáo pháp, rồi soạn ra bộ Hội Tông Luận, xiển dương giáo nghĩa Nhất thừa của đạo Phật. Do đó, Ngài đã chiến thắng cực kỳ vẻ vang trong tất cả các cuộc tranh luận với các vị luận chủ, kể cả các vị giáo trưởng của ngoại đạo. Đáng tiếc là bộ Hội Tông luận của Ngài sau đó bị thất truyền.

    Khi nhận xét về ảnh hưởng của Phật Giáo tại Trung Quốc, học giả Lương Khải Siêu nói: "Nhờ công trình phiên dịch Tam tạng kinh điển Phật giáo của các nhà Phật học mà kho tàng ngôn ngữ Trung Quốc giàu thêm được 35.000 từ”. Như vậy, nếu hai tạng kinh được Việt hóa toàn toàn, chắc chắn ngôn ngữ Việt Nam cũng sẽ phong phú thêm không phải là ít. Thế thì, đâu phải chỉ có Phật giáo mới có lợi mà nền văn học Việt Nam cũng được lợi ích rất nhiều.

    Điều quan trọng hơn nữa là khi có đầy đủ Đại Tạng kinh Việt Nam, các học giả sẽ có phương tiện nghiên cứu Phật học một cách đứng đắn, nhờ đó sẽ tránh được rất nhiều những ngộ nhận lệch lạc về Phật giáo. Và giả sử có kẻ nào đó vẫn cố tình hiểu sai, hoặc ác ý xuyên tạc Phật Giáo, thì chúng ta sẽ có cơ sở vững chắc để đối thoại với họ một cách nghiêm túc.

  7. THÁI ĐỘ CẦN CÓ TRƯỚC NHỮNG SỰ CHỈ TRÍCH PHẬT GIÁO

Những trường hợp ngộ nhận, phê phán hoặc chỉ trích Phật giáo, khái quát có thể xếp thành ba loại:

  1. Những chỉ trích phát xuất từ thiện chí xây dựng, vì muốn bảo vệ tính chất trong sáng của đạo Phật, hoặc vì bức xúc trước những suy thoái lệch lạc của Phật Giáo mà lên tiếng phê phán. Gặp trường hợp này, người Phật tử cần phải chân thành tiếp thu, thẳng thắn công nhận, và nỗ lực khắc phục những mặt yếu kém và lệch lạc đang tiềm tàng trong nội bộ Phật giáo.
  2. Những chỉ trích phát xuất từ sự ngộ nhận, hoặc vì ganh tị, hoặc vì những động cơ thiếu lương thiện, cố ý tung hỏa mù, làm cho công chúng hoang mang, gây ảnh hưởng không tốt, nhằm triệt hạ uy tín của Phật giáo. Đứng trước tình huống này, thiết tưởng người Phật tự phải thẳng thắn đối thoại, trình bày rõ lẽ phải trái, làm cho chân lý được sáng tỏ, để trấn an mọi nỗi hoang mang. Nhưng phải giữ thái độ bình tĩnh nhã nhặn và công bằng, tránh những lời lẽ có tính cách gay gắt hoặc khiếm nhã. Như người xưa từng nhắc nhở: "Kỷ sở bất dục vật thí ư nhân, kỷ sợ dục giả khả thi ư nhân" (Những gì mình không muốn thì chớ làm cho người, những gì mình muốn thì nên làm cho người).
  3. Điều này chính đức Phật cũng đã dạy: "Nầy các Tỳ kheo, khi có người hủy báng Ta, hủy báng Pháp hay hủy báng Tăng, các ngươi không nên phẫn nộ, mà phải nói rõ những điểm không đúng sự thật là không đúng sự thật: - Như thế này, điểm này không chính xác, việc này không có giữa chúng tôi; việc này không xảy ra giữa chúng tôi. Trái lại, này các Tỳ kheo, nếu cò nguời tán thán Ta, tán thán Pháp hay tán thán Tăng, thì các ngươi không nên đắc chí, mà hãy công nhận những gì đúng sự thật là đúng sự thật: - Như thế này, điểm này đúng sự thật, như thế này, điểm này chính xác; việc này có giữa chúng tôi; việc này đã xảy ra giữa chúng tôi" (Trường Bộ I, tr.14, ấn hành 1991, thuộc Đại Tạng Kinh Việt Nam).

  4. Những lời chỉ trích phát xuất từ ác ý hồ đồ, thiển cận hoặc nhảm nhí, và không có ảnh hưởng hay tác dụng gì đáng kể. Thiết tưởng, đứng trước trường hợp này, chúng ta không cần phải lên tiếng đối thoại, mà nên giữ im lặng. Nhưng không phải không làm gì cả, mà phải cố gắng trình bày thật súc tích những đặc trưng của Phật giáo, như các đức tính từ bi trí tuyệ, tinh thần vô ngã vị tha, nhập thế tích cực của đạo Phật, cho mọi người thấy rõ. Một khi chân lý được cực lực tuyên dương, thì mọi tà thuyết tự nhiên sẽ bị đào thải một cách thảm hại; cũng như khi vầng thái dương xuất hiện, thì mọi bóng tối tức khắc bị xua tan, chìm vào trong tàn lụi.

Trên đây, chúng tôi chỉ nêu lên vài suy nghĩ thô thiển và những trăn trở có tính cách thời thượng, rất mong được sự thông cảm và chia sẽ của mọi người. Nếu các bạn tôn túc và những Phật tử giàu lòng nhiệt thành thấy có những điểm nào đồng tình được, xin hãy lên tiếng hưởng ứng, khai triển rộng rãi, để ai nấy đều nhận thức được vấn đề. Chính ý kiến của các vị mới đủ trọng lượng làm cho thao thức trăn trở kia biến thành những việc khả thi, những Phật sự ưu tiên mà Giáo hội phải quan tâm th?c hiện.

Mục lục | Dẫn Nhập | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 1 8 | 19 |

 


Vào mạng: 2-12-2004

Trở về mục "Diễn đàn"

Đầu trang