Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

 

...... ... ..  . ..  .  .
CẨM NANG VIẾT
KHẢO LUẬN, LUẬN VĂN VÀ LUẬN ÁN

CHƯƠNG II
TIẾN TRÌNH SOẠN THẢO
KHẢO LUẬN, LUẬN VĂN VÀ LUẬN ÁN
(PLANNING THE ASSIGNMENT AND THE THESIS)

 

I. DẪN NHẬP

Ở năm thứ nhất và thứ hai của cấp cử nhân, bài khảo luận thường được chọn trong số các chủ đề do thầy giáo gợi ý.  Vào những năm cuối của cử nhân và ở cấp cao học và tiến sĩ, chủ đề nghiên cứu của bài khảo luận, luận văn tốt nghiệp và luận án thường do chính sinh viên hay nghiên cứu sinh chọn mặc dù có tham khảo với giáo sư hướng dẫn hay cố vấn. Dù là được gợi ý hay tự lựa chọn, các chi tiết sau đây cần phải ghi nhớ khi tiến hành viết khảo luận hay luận án.

1.      Định nghĩa vấn đề.
2.      Chọn đề tài.
3.      Giới hạn đề tài.
4.      Lập chương trình làm việc.
5.      Tham khảo tài liệu.
6.      Phác thảo dàn bài sơ bộ.
7.      Phác thảo thư mục làm việc.
8.      Đọc văn bản và ghi chú tài liệu.
9.      Phân tích tài liệu ghi chép.
10.  Phác thảo dàn bài chi tiết.
11.  Viết bản thảo.

II. ĐỊNH NGHĨA VẤN ĐỀ

“Định nghĩa vấn đề” liên hệ đến việc xác định đâu là vấn đề bài khảo luận hay luận án cần thực hiện. Sách mà bạn cần tham khảo trước nhất thường là quyển tự điển hay, để giúp bạn biết một cách chính xác nội dung và ý nghĩa của các từ quan trọng. Sau đây là ý nghĩa của một số từ mô tả phương pháp của vấn đề được nghiên cứu mà bạn nên nắm vững.

a)      Phân tích: khảo sát các yếu tố khác nhau của một tổng thể đề tài và mô tả tính tương quan của chúng.

b)      So sánh: khảo sát các đặc điểm của các đối tượng khảo cứu với mục đích đưa ra các điểm giống và khác nhau của chúng.

c)      Đối chiếu: khảo sát các đặc điểm của các đối tượng khảo cứu với mục đích nhằm đưa ra các điểm khác nhau mà thôi.

d)      Định nghĩa: nêu ra ý nghĩa và nội dung của một sự vật hay sự việc hay trình bày nội dung của các thuật từ tham khảo.

e)      Mô tả: giải thích về một vấn đề nào đó.

f)                Thảo luận: trình bày các phương diện khác nhau của vấn đề.

g)      Dẫn chứng: đưa ra một danh sách các vấn đề có cùng nội dung hay ý tưởng để minh họa hay chứng minh một luận điểm nào đó.

h)      Đánh giá: khảo sát các mặt khác nhau của vấn đề rồi tiến hành phán đoán.

i)        Phê bình: phán đoán, tán thưởng những điểm hay hoặc chỉ trích những điểm yếu.

j)        Minh họa: đưa ví dụ, giải thích, vẽ hình minh chứng.

k)      Chứng minh: trình bày kết luận về một vấn đề bằng các luận điểm logic và biện chứng.

l)        Tóm tắt: khảo sát các điểm trọng tâm một cách vắn tắt.

Bất cứ chủ đề nào cũng có các từ điển chuyên nghành hay tự điển thuật ngữ của chúng. Nếu bạn muốn nghiên cứu chuyên sâu về một đề tài nào đó, bạn sẽ nhận thấy được tầm quan trọng của việc sử dụng các từ điển như vậy. Tra khảo tự điển để định nghĩa các thuật từ được sử dụng trong bài khảo luận hay luận án là điều không thể thiếu đối với khảo cứu.

III. CHỌN ĐỀ TÀI

1. Dẫn Nhập

Kiến thức thì có giới hạn trong khi đề tài cần được nghiên cứu thì không bờ bến. Do đó, chọn được đề tài có giá trị và thích hợp với trình độ, khả năng, sở trường của nhà khảo cứu là một việc không phải dễ dàng. Kiến thức toàn diện hay bao quát về một chủ đề là điều cần thiết cho một đề tài có thể thực hiện được trong một bối cảnh và điều kiện cho phép. Càng biết rộng và sâu về đề tài càng giúp cho nhà khảo cứu nhận dạng dễ dàng các góc cạnh và lãnh vực của vấn đề để tiến hành khảo cứu một cách có hiệu quả.

Điều quan trọng kế là nhà khảo cứu phải tự hỏi rằng chủ đề mà mình sẽ tiến hành khảo cứu thực sự có giá trị hay không, ít nhất về phương diện đóng góp những kiến thức mới cho lãnh vực đang nghiên cứu, và bài khảo cứu hay luận án của mình có thể làm được chức năng hay mục đích đó hay không? Nếu câu trả lời là ‘không’ thì bạn nên chọn đề tài khác dễ hơn, thích hợp hơn và có thể thực hiện được trong tiêu chuẩn vừa nêu.

Chính vì có khoảng cách rất lớn giữa những điều mong ước, hy vọng, nỗ lực và thực tế, các nhà nghiên cứu kinh nghiệm thường khuyên những ai mới bắt đầu công việc khảo cứu không nên chọn các đề tài mang tính cách chuyên sâu, thuộc kỹ thuật, thiếu tài liệu cần thiết, quá rộng hay quá hạn chế hay những đề tài gây nhiều tranh luận.

2. Nguồn Tài Liệu của Đề Tài Khảo Cứu

Một trong những nguồn tài liệu tốt nhất cho các đề tài khảo cứu có giá trị và thích hơp là các nhà nghiên cứu, các chuyên gia về lãnh vực mà bạn đang nghiên cứu. Các chuyên gia và các nhà nghiên cứu này là kho tàng về các chủ đề nghiên cứu về một lãnh vực hay bất cứ góc cạnh nào thuộc lãnh vực đó. Tham vấn họ, bạn sẽ biết được những gì cần tiến hành nghiên cứu và nghiên cứu bằng cách nào, với công cụ nghiên cứu gì?

Nguồn tài liệu kế đến là các sáng tác mới nhất và gần đây nhất trong các tạp chí chuyên nghành liên hệ đế lãnh vực của chủ đề nghiên cứu của bạn. Sự nghiên cứu về văn học hiện hành của đề tài hay lãnh vực bạn chọn không những giúp cho bạn biết được đâu là vấn đề hay phương diện cần được nghiên cứu mà còn đề nghị cho bạn các vấn đề cần những nghiên cứu chuyên sâu hơn.

3. Tiêu Chí Chọn Đề Tài

Sau khi bạn đã giới hạn phạm vi sở thích của nghiên cứu và đã xác định được lãnh vực hay vấn đề cho các nghiên cứu mang tính khả thi, bạn cần cân nhắc một số câu hỏi sau đây:

a) Chủ đề có mới mẻ không?

Mặc dù không thể có khái niệm “hoàn toàn mới” theo nghĩa chưa từng có trước đây bao giờ, bạn cũng nên cân nhắc xem chủ đề mà bạn sẽ tiến hành nghiên cứu có mới mẽ không. Thật là vô ích nếu như bạn bỏ ra vài tháng hay vài năm để đầu tư vào một chủ đề không có gì đóng góp cho học giới, hay ít nhất có những điểm khác biệt với những nghiên cứu trước đó. Do đó, nếu đề tài bạn chọn không mới thì ít nhất nó phải có những đóng góp mới hay đặt lại những vấn đề về những nghiên cứu trước và đưa ra giả thuyết mới hay giải pháp mới cho vấn đề cũ.

b) Coù giáo sư hướng dẫn thích hợp hay không?

Câu hỏi dường như phản ánh thái độ hoài nghi về khả năng chuyên môn của các thầy cô giáo nhưng lại là câu hỏi vô cùng cần thiết. Vì không phải lãnh vực nào cũng có những giáo sư thích hợp về phương diện kiến thức chuyên sâu, và hơn nữa, không phải giáo sư chuyên ngành nào cũng thích đề tài bạn chọn để sẵn sàng hướng dẫn bạn. Nếu không có người hướng dẫn thích hợp thì bạn nên chọn đề khác hoặc bạn nên tìm người hướng dẫn ở các học viện, viện nghiên cứu khác làm giáo sư hướng dẫn cho bạn.

c) Bạn có thật sự thích chủ đề đó không?

Chỉ có sở thích mới có thể giúp bạn vượt qua tất cả những khó khăn trong khi tiến hành nghiên cứu đề tài đã chọn. Do đó, bạn phải cân nhắc kỹ lưỡng. Nếu câu trả lời là ‘không’ thì tốt nhất bạn nên chọn đề tài khác.

d) Bạn có đủ khả năng khảo cứu chủ đề đó không?

Không phải bất kỳ những gì bạn thích bạn đều có thể thực hiện được chúng trong đời. Trong nghiên cứu cũng vậy. Có nhiều đề tài bạn thích nhưng bạn sẽ không đủ sức để thực hiện chúng một cách tuyệt hảo do những những hạn chế về kiến thức chuyên môn, kiến thức liên ngành, kiến thức ngoại ngữ và cổ ngữ. Do đó, bạn nên chọn đề tài nào thích hợp với sở thích và khả năng của bạn mà thôi.

e) Chủ đề đó có thể hoàn tất trong một thời gian ấn định không?

Có nhiều chủ đề đòi hỏi nhiều thời giờ, do những khó khăn về việc tìm tài liệu, kiến thức chuyên môn và các công cụ nghiên cứu cần thiết. Do đó, bạn nên giới hạn đề tài để công trình nghiên cứu của bạn có thể hoàn thành đúng thời gian dự định hay cho phép.

f) Các công cụ cần thiết có đủ hay không?

Các công cụ chuyên môn và đắc tiền thường cần thiết cho nhiều nghiên cứu, nhất là lãnh vực khoa học. Ngoại trừ bạn có được đảm bảo về sự có đủ các thiết bị cần thiết cho công trình nghiên cứu khi cần đến thì bạn hãy nghĩ đến việc thực hiện bằng không hãy chọn đề tài khác.

g) Các phương tiện thư viện có đầy đủ không?

Các phương tiện thư viện không chỉ cần thiết cho các nghiên cứu thuộc văn học hay phân tích mà còn cần thiết cho tất cả các loại hình nghiên cứu. Một đề tài có thể được xem là không thích ứng nếu nó không có đủ các tài liệu nghiên cứu thích ứng, và do đó không nên tiến hành các đề tài như vậy.

h) Đề tài nghiên cứu có thật sự có ý nghiã không?

Đây là câu hỏi khó trả lời bởi vì, trong ý nghĩa rộng nhất, không có gì được gọi là ‘tiêu chuẩn’ để đánh giá và không có cái gọi là ‘giá trị cố định.’ Điều không quan trọng có thể trở nên quan trọng và có ý nghĩa, nếu nhà nghiên cứu biết cách tận dụng, khai thác, triển khai.

Ngoài ra, bạn cũng nên cân nhắc các yếu tố thời gian, nỗ lực và tài chánh trong khi tiến hành chọn và viết về một đề tài.

IV. GIỚI HẠN VỀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI

Lỗi thông thường mà các bài khảo luận cấp cử nhân cũng như các luận văn tốt nghiệp và luận án hay vấp phải là quá tham vọng và chọn đề tài với phạm vi quá rộng. Đề tài rộng không những không làm cho chủ đề nghiên cứu được nổi bật hay trở nên chuyên sâu mà còn làm cho nghiên cứu sinh khó có thể hoàn tất trong thời gian cho phép. Do đó, tốt nhất trước khi tiến hành nghiên cứu, sinh viên và nghiên cứu sinh nên bỏ ra một vài giờ để suy nghĩ và cân nhắc kỹ lưỡng trong việc giới hạn phạm vi nghiên cứu của mình.

Giới hạn đề tài không có nghĩa là tỉnh lược các thông tin quan trọng, bỏ lửng các chi tiết hay chỉ trình bày vài phần nào đó của luận điểm. Một chủ đề hay đề tài chỉ có thể được giới hạn bằng cách giảm bớt đi phạm vi nghiên cứu của nó. Chẳng hạn, bạn hãy xem xét các chủ đề sau đây:

1. Triết học tâm trong kinh Lăng-già Tâm Aán.

2. Triết học tâm trong các kinh ( thuộc hệ) Phương Quảng.

3. Triết học tâm trong kinh điển Đại Thừa.

Chủ đề thứ nhất có phạm vi nghiên cứu tương đối vừa phải cho một bài khảo luận hay luận án. Chủ đề thứ hai quá rộng cho bài khảo luận. Chủ đề thứ ba không chỉ rộng cho bài khảo luận, luận văn tốt nghiệp mà còn cho cả luận án tiến sĩ.

Thất bại trong việc giới hạn phạm vi nghiên cứu sẽ có thể dẫn đến các thất bại về thời gian, nội dung trình bày và chất lượng của nghiên cứu. Việc xác định rõ ràng giới hạn nghiên cứu không chỉ có giá trị ngược lại mà còn cho thấy được tính tiêu chuẩn của một công trình mang tính học giả.

V. LẬP CHƯƠNG TRÌNH LÀM VIỆC

Phác thảo thời khóa biểu cho chương trình làm việc là việc cần thiết, giúp nhà nghiên cứu hoàn thành công trình trong thời gian dự kiến. Sự phân bố thời hạn làm việc cho từng tiến trình của tác phẩm cần phải thích hợp. Chỉ có sự phân bố thời gian làm việc thích hợp mới đem lại kết quả nghiên cứu như mong đợi. Thông thường bảng thời gian cho công việc nghiên cứu có thể chia theo tỷ lệ sau đây:

1. Định nghĩa và giới hạn vấn đề, tham khảo nguồn tài liệu và góp nhặt tài liệu ..... 30%

2. Đọc và ghi chú tài liệu ……………………………………………………… 30%

3.  Viết bản thảo lần thứ nhất ……………………………………………..…… 20%

4.  Hiệu đính, ghi chú thích, tham khảo và viết bản thảo cuối cùng, dò bản in thử…………………………..………………………………………...……..... 20%

Lưu ý, thời khóa biểu làm việc không nhất thiết cố định như bảng gợi ý trên. Nếu bạn đã có sẵn tài liệu thích ứng thì thời gian đầu tư cho việc tham khảo, chọn lọc có thể giảm đi và thay vào đó bạn có thể đầu tư thời gian cho các phần khác.

VI. THAM KHẢO TÀI LIỆU SƠ KHỞI

Sách tham khảo thường cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về đề tài. Để có được một dàn bài lý tưởng, thích ứng, bạn nên đến các thư viện tìm đọc mục lục hoặc bảng chú dẫn các mục từ của các sách vở (cùng đề tài bạn đang nghiên cứu) từ các danh mục hoặc tìm thẳng trên các kệ sách, nếu thư viện sắp xếp đúng phân loại và có ngăn nắp. Nghĩa là bạn nên nhớ hệ thống phân loại sách của Dewey[1] để bạn dễ dàng tìm sách có chung số phân loại. Ví dụ, nếu chủ đề nghiên cứu của bạn thuộc lãnh vực đạo đức học đông phương thì bạn chỉ việc đến số phân loại từ 180 đến 190 rồi tìm thẳng trên kệ sách.

Ngoài ra, các từ điển, bách khoa, sổ tay, sách hàng năm, các bảng chú dẫn, các sách tóm tắt luận án và sách, tạp chí và báo chí…cũng có thể cung cấp các nguồn thông tin thích ứng cho chủ đề nghiên cứu của các bạn.

VII. PHÁC THẢO DÀN BÀI SƠ BỘ

Sau khi tìm và tham khảo các nguồn tài liệu liên hệ đến đề tài từ thư viện hoặc các tư liệu cá nhân, bạn có thể dễ dàng phác thảo dàn bài tạm cho nghiên cứu của bạn. Có một số sinh viên và nghiên cứu sinh phác thảo dàn bài trước sau đó tìm đọc sách ở thư viện sau. Theo kinh nghiệm cá nhân của chúng tôi, tham khảo thư viện trước rồi phác thảo dàn bài sau thường chu đáo hơn và toàn diện hơn. Bởi lẽ lúc đó bạn sẽ có thể quyết định giới hạn đề tài và chọn hướng nghiên cứu nào, sau khi đã nắm vững có bao nhiêu tài liệu thích ứng, có bao nhiêu hướng nghiên cứu trước đây về cùng một chủ đề, và nghiên cứu của bạn có gì mới, đóng góp cho thế giới học thuật.

Trong dàn bài sơ thảo, bạn phải nêu bật được đâu là vấn đề chính và phụ cũng như các chi tiết cần có của các vấn đề chính và phụ đó. Tùy theo loại hình văn bản, chủ đích nghiên cứu và mục đích phục vụ, bạn có thể phác thảo thành nhiều hay ít chương mục.

Thông thường, đối với bài khảo luận, các yếu tố cần có để phác thảo dàn bài là chương Þ mục Þ tiết Þ đoạn. Đối với luận văn hay luận án, các yếu tố trên lại được chia thành nhiều chi tiết hơn, như quyển Þ tập Þ phần Þ chương Þ mục Þ tiết Þ đoạn Þ tiểu đoạn... Đánh số la-mã (I, II, III...) cho “Phần và Chương.” Đánh số á-rập (1, 2, 3...) cho các “mục của chương.” Đánh các mẫu tự nhỏ (a, b, c...) cho các “tiết, đoạn và tiểu đoạn.” Tuy nhiên, bạn cũng có thể đánh số á-rập cho các “tiết, đoạn và tiểu đoạn.”[2]

VIII. PHÁC THẢO THƯ MỤC LÀM VIỆC

1. Mô Tả: Thư mục làm việc là thư mục cá nhân do chính các bạn ghi chú bằng các thẻ giấy dày. Mỗi loại hình sách vở có một phong cách trình bày thư mục riêng.[3]

2. Chi Tiết của Thư Mục Làm Việc: Ngoài các chi tiết tên tác giả, tựa đề tác phẩm, nơi ấn bản, nhà xuất bản và năm xuất hay tái bản, thư mục làm việc của các bạn còn ghi thêm 4 chi tiết sau đây: số thư tịch (call number) + tên thư viện hay nơi có sách này + ghi chú về nội dung của tác phẩm + số chương/mục/trang cần + số thứ tự của thẻ thư mục.

a) Số thư tịch: Đây là số phân loại sách của thư viện, thông thường theo hệ thống phân loại của Dewey. Số này được ghi ở trên góc trái của thẻ thư mục.

b) Họ tác giả viết tắt: Đối với các tác giả Âu Mỹ, họ tác giả được viết tắt bằng chữ cái đầu hay vần đầu của họ tác giả. Đối với các tác giả người Việt Nam và Trung Quốc, vì họ tác giả luôn là đơn âm nên nó phải được ghi đầy đủ. Vị trí của ‘họ viết tắt’ này được ghi ngay bên dưới số thư tịch.

c) Họ tên + tựa đề tác phẩm: Nên viết đủ họ và viết tắt tên và chữ lót bằng chữ in hoa. Tựa đề tác phẩm được gạch dưới để dễ nhận dạng.

d) Nơi, nhà và năm xuất bản: Được viết thành một hàng riêng.

e) Ghi chú: Bao gồm tên cơ quan có tài liệu, nội dung quan trọng của tác phẩm, chương/ mục/phần/trang cần tham khảo.

f) Số thứ tự của thẻ thư mục: Đây là số thứ tự của các thẻ thư mục của chính tác giả (ở đây là các bạn) cho một đề tài nào đó. Số thứ tự này được ghi ở góc phải của thẻ. Mục đích của thẻ nhằm giúp cho người nghiên cứu biết được số lượng của tác phẩm tham khảo có được, và về sau khi ghi chú, tác giả chỉ cần viết tắt số thứ tự của thẻ cho các nội dung cần ghi chú mà không phải ghi chép lại toàn bộ các chi tiết từ a đến e của phần này.

3. Giấy, Khổ và Cách Trình Bày: Giấy cho thẻ thư mục tốt nhất là giấy dày. Khổ của thẻ thư mục của bạn nên theo khổ thông dụng là 7x12 cm. Khổ này gọn và do đó rất tiện cho bạn mang theo bất cứ nơi nào và dễ dàng cất chứa hay bổ sung về sau. Trong mỗi thẻ thư mục, bạn chỉ nên ghi một tài liệu tham khảo mà thôi.

4. Mẫu Trình Bày

chuong2-1.jpg (14750 bytes) 

 

IX. ĐỌC VÀ GHI CHÚ TÀI LIỆU

1. Đọc Tài Liệu

a) Hai Cách Đọc

 Sau khi phác thảo thẻ thư mục hay thư mục làm việc, công việc kế đến của nhà nghiên cứu là đọc các tài liệu và ghi chú tài liệu. Tài liệu có thể được đọc cho từng chương, từng vấn đề hay một lượt cho tất cả các vấn đề nội dung nghiên cứu của tác phẩm.

 ¾  Thường cách đọc tài liệu cho từng chương hay từng vấn đề giúp tác giả tập trung và dễ dàng ghi chú cũng như viết cho từng chương hơn.

 ¾  Cách đọc và ghi chép tài liệu một lượt cho tất cả các vấn đề nội dung nghiên cứu đòi hỏi nhà nghiên cứu phải có kiến thức bao quát và khả năng phân tâm để phân loại chủ đề và tư tưởng của tài liệu trong khi đọc.

 Tùy theo sở thích và sở trường, bạn có thể chọn một trong hai cách trên. Một điều lưu ý quan trọng là đừng bao giờ “tham lam” trong khi đọc. Nghĩa là đừng bao giờ đọc hết một tác phẩm trong một mạch. Đọc như vậy, bạn sẽ không nhớ được gì, và do đó, cũng không thể ghi chú được cái gì. Hãy đọc có suy tư, phản ánh văn bản và ghi chú khi thấy cần.

 

b) Ba thái độ đọc: Có ba thái độ của người đọc phản ánh những gì được tác giả viết, đó là, đọc với thái độ tin toàn bộ những gì tác giả viết như chân lý, đọc với thái độ thành kiến phủ nhận toàn bộ những gì tác giả viết, dù đúng hay sai, và đọc với thái độ vô tư, không thành kiến, cái gì đúng thì cho là đúng và ngược lại.

 ¾  Thái độ đọc đầu tiên là thái độ đọc với niềm tin dựa trên uy tín của tác giả, mà không bao giờ đặt vấn đề. Thái độ đọc này thường xuất hiện đối với những người đọc nặng đầu óc tôn giáo. Cách đọc này có thể rất có lợi cho việc ứng dụng, nếu những điều được viết là đúng và mang tính giáo dục cao. Và ngược lại, nó trở nên vô cùng tai hại, nếu nội dung của văn bản mang tính phi xã hội, đạo đức, gây bạo động, phân chia, tạo hận thù . . . Độc giả nên tránh thái độ đọc cực đoan này.

 ¾  Thái độ đọc thứ hai là thái độ đọc đầy thành kiến, biên kiến, tư kiến hay nặng mặc cảm với tác giả, do đó, khó có thể tiếp nhận ý tưởng văn bản một cách chính xác. Trong cuộc sống đời thường, người đọc có thể có những va chạm, mâu thuẫn với tác giả do khác nhau về ý thức hệ tôn giáo, ý thức hệ chính trị, quan niệm, cách sống hay đời sống riêng tư v.v…nhưng không vì thế mà người đọc lại cho phép mình có quyền phủ nhận giá trị của tác phẩm của tác giả mình không thích. Bất lợi cho hạng độc giả này là họ không thể tiếp thu được những điều hay của tác giả chỉ vì không thích đời sống riêng tư của tác giả hay do khác ý thức hệ. Độc giả nên tránh thái độ đọc cực đoan này.

 ¾  Cách đọc thứ ba là cách đọc thích hợp nhất. Ở đây, độc giả không bị thành kiến, tư kiến, đức tin mù quáng chi phối. Độc giả đọc một tác phẩm với một tâm hồn và khói óc rộng mở, vô tư, không thiên vị và có khoa học. Những điều dở hay sai lầm thì ghi nhận để rút kinh nghiệm hay góp ý xây dựng tác giả. Những điều nào hay thì ghi nhận học hỏi, trích dẫn minh họa khi cần thiết. Đọc như vậy mới thật sự có giá trị nghiên cứu.

 c) Đọc cái gì?  Sách và tài liệu thì vô số. Nếu không biết chọn lọc trong lúc đọc, bạn sẽ dễ dàng bị lạc vào trong thế giới mông lung, vô định của những kiến thức và ý tưởng. Do đó, bạn chỉ nên đọc những gì cần thiết cho đề tài chứ không phải đọc hết những gì đã có:

 ¾  Các tài liệu gốc về đề tài.

 ¾  Các tài liệu hai thật hay về đề tài.

 ¾  Dù là tài liệu gốc hay tài liệu hai, bạn cũng chỉ nên đọc các phần liên hệ đến các vấn đề trong đề tài.

¾  Đọc mục lục và bảng chú dẫn mục từ của các tài liệu gốc và tài liệu hai có thẩm quyền để chọn phần cần đọc và tham khảo.

  

2. Ghi  Chú Những Gì?

 ¾  Những kiến thức hay thông tin cần thiết nhất, phổ quát nhất và cần có cho lãnh lực nghiên cứu của bạn, để hệ thống kiến thức của bạn.

¾  Những kiến thức hay thông tin sáng tạo, khám phá hay đóng góp riêng của các tác giả nổi tiếng, để học hỏi và trích dẫn về sau.

 ¾  Những nhận định, đánh giá thật sự mới mẻ, đặc biệt và có sáng tạo của các tác giả khác, để học hỏi và trích dẫn về sau.

— Những nhận định, đánh giá, phê bình sai lầm hay mang tính định kiến về bất kỳ góc độ nào của lãnh vực nghiên cứu nào đó, để phê bình hay góp ý khi cần thiết về sau.

3. Cách Ghi Chú Tài Liệu

a) Về thẻ ghi chú:

 Tốt nhất người nghiên cứu nên ghi chú tất cả tài liệu bằng các thẻ riêng biệt. Nên làm thẻ bằng loại giấy cứng để có thể bảo quản lâu dài. Cở của thẻ ghi chú tùy thích, miễn sao tiện dụng là được. Có hai khổ thường được sử dụng nhiều nhất là khổ 4x6 và 5x8 inch.

 

b) Tiêu chí ghi chú

 ¾  Sử dụng mỗi thẻ cho mỗi ý tưởng, sự kiện hay khái niệm độc lập để dễ dàng tham khảo sau này. Cách này giúp cho nhà nghiên cứu dễ dàng phân loại, sắp xếp và sử dụng.

  ¾  Tên chủ đề được đặt ở phần trên hết của thẻ. Mỗi chủ đề thường bao gồm các từ chìa khóa để giúp nhà nghiên cứu nhận dạng chúng dễ dàng mà không cần phải đọc lại nội dung ghi chú.

    ¾  Ghi chép đầy đủ thông tin để nhận dạng các ghi chú dễ dàng khi sử dụng. Vì trong thẻ thư mục, bạn đã ghi chú đầy đủ các chi tiết số thư mục, tên tác giả, tên tác phẩm, các chi tiết về ấn bản, nội dung chính của tác phẩm, chương/mục/trang cần tham khảo và số thứ tự của thẻ, cho nên bạn chỉ cần ghi số thứ tự của thẻsố trang là đủ để nhận dạng chúng. Nếu trong thẻ thư mục của bạn không có ghi số thứ tự thì bạn phải ghi thêm các chi tiết: họ + năm xuất bản + số trang để nhận dạng thẻ ghi chú.

¾  Nếu phần ghi chú vượt quá khổ hiện hành của thẻ ghi chú thì bạn có thể ghi tiếp ở các thẻ tiếp theo bằng các ký hiệu a, b, c.

 — Đối với những câu, đoạn nguyên tác mà bạn sẽ dẫn chứng sau này, bạn nên ghi chú theo phong cách trích dẫn, nghĩa là chép lại nguyên văn, không thêm thắt và đặt phần ghi chép này trong ngoặc kép, để dễ dàng kiểm tra chính tả về sau.

 ¾  Đối với các ghi chú chỉ để tham khảo tư tưởng, bạn chỉ cần tóm tắt đại ý của văn bản nguyên tác bằng ngôn ngữ và văn phong của riêng bạn, và không phải bỏ chúng trong ngoặc kép.

 

c) Vị trí các chi tiết của ghi chú

 ¾  ên chủ đề ghi chú nằm ở góc trái của thẻ.

 ¾  Số thứ tự của thẻ nằm ở góc phải. Số thứ tự này cũng chính là số thứ tự của thẻ thư mục làm việc.

 ¾  Phần ghi chép là phần còn lại của thẻ, thường được viết theo cách ‘bằng đầu thả lỏng đuôi’ (align left).

 

d) Mẫu thẻ ghi chú (trích dẫn trực tiếp)

 chuong2-2.jpg (12571 bytes)

e) Mẫu thẻ ghi chú (trích dẫn gián tiếp) chuong2-3.jpg (12168 bytes)

X. PHÂN TÍCH TÀI LIỆU GHI CHÉP

Trước khi tiến hành phác thảo một cách chi tiết dàn bài thực thụ của bài khảo luận hay luận án, nhà nghiên cứu nên đọc kỹ lại các tài liệu đã ghi chép trên các thẻ ghi chép của riêng mình. Nhờ sự đọc lại, nhà nghiên cứu có thể phân loại tài liệu, bổ sung, sửa chữa, nhận định và ghi chú một cách chi tiết những gì cần thiết cho công việc chấp bút. Thường trong khi đọc lại và phân tích tài liệu, sẽ có nhiều ý tưởng rất mới lạ, sáng tạo xuất hiện trong tâm trí tác giả. Lúc ấy, bạn phải ghi chép liền, bằng không các ý tưởng ấy rất dễ dàng tan biến và mất đi.

 

XI. PHÁC THẢO DÀN BÀI CHI TIẾT

Để việc chấp bút trở nên dễ dàng và suông sẻ, bạn nên phác thảo lại lần cuối dàn bài nghiên cứu của bạn.

1. Chức Năng của Dàn Bài Chi Tiết

 a) Giúp bạn có cái nhìn bao quát và liên tục về ý tưởng về tất cả những gì sẽ viết và phải viết.

 b) Nhờ đó, bạn sẽ cân nhắc kỹ lưỡng về tính cân đối giữa các phần và các luận điểm minh họa chúng.

c) Tránh được lỗi viết lạc đề.

d) Dù có bị gián đoạn trong khi viết do bận công việc, bạn cũng có thể tiếp nối lại ý tưởng đang viết dở dang một cách dễ dàng.

2. Các Phần Chính của Dàn Bài

a) Phần dẫn nhập

¾  Xác định vấn đề.

¾  Tầm quan trọng của nghiên cứu về đề tài.

¾  Định nghĩa các thuật từ.

¾  Điểm lược văn học về đề tài.

¾  Xác định phạm vi nghiên cứu.

¾  Đặt vấn đề trong bối cảnh có ý nghĩa.

¾  Giới thiệu các thông tin sẽ có trong phần chính của bài khảo luận hay luận án.

b) Phần thân bài khảo luận hay luận án

¾  Triển khai một cách logic các luận điểm nêu ra trong phần dẫn nhập.

¾  Giải pháp tiệm tiến cho các vấn đề nêu ra trong phần dẫn nhập.

¾  Phát triển các tiêu đề nêu trong thẻ ghi chú thành các tiêu đề của các phần chính của bài khảo luận hay các chương của luận văn hay luận án.

¾  Các phần chính của bài khảo luận hay các chương của luận văn, luận án phải liên đới ý tưởng với nhau để cùng làm nổi bật nội dung chủ đề chính.

c) Phần kết luận

¾  Tóm lược nội dung của phần thân bài.

¾  Trình bày các khám phá hay đóng góp của bài khảo luận, luận văn, luận án.

¾  Giải pháp hay các phương thức dẫn đến giải pháp của các vấn đề.

¾  Các đề nghị cho các nghiên cứu chuyên sâu về đề tài.

XII. VIẾT BẢN THẢO

1. Điều Kiện Cần và Đủ

¾  Các tài liệu tham khảo.

¾  Các từ điển chuyên ngành, bách khoa, thuật ngữ, đối chiếu.

¾  Các thẻ ghi chú.

2. Những Điều Cần Nhớ Nằm Lòng

¾  Không dùng những lời lẽ hay từ ngữ dao to búa lớn.

¾  Không dùng những lời lẽ cao ngạo, cống cao, khinh thường các nhà nghiên cứu khác.

¾  Không dùng những từ ngữ rỗng tuếch.

¾  Hạn chế tối đa việc sử dụng các “đại danh từ và sở hữu tính từ ngôi thứ nhất” như “tôi, của tôi.”

¾    Thay thế các đại danh từ và sở hữu tính từ ngôi thứ nhất như “tôi, của tôi” bằng “chúng tôi, của chúng tôi” hay “người viết” hay “tác giả” hay “người nghiên cứu” bài này hoặc luận án này.

¾  Nên nhất quán về cách sử dụng các thuật ngữ, nhất là các thuật ngữ dịch có nguồn gốc từ tiếng nước ngoài.

¾  Đối với ngôn ngữ gốc của Phật học, hoặc là bạn chọn phong cách trích thuật ngữ Pali hoặc Sanskrit; chứ không nên khi thì trích từ Pali và khi thì Sanskrit. Nếu bạn muốn sử dụng cả hai thì bạn nên dùng một ngôn ngữ chính, chẳng hạn như Pali, và ngôn ngữ còn lại được điền trong ngoặc đơn, để độc giả không bị nhầm lẫn khi đọc.

3. Giai Đoạn Một

— Đặt nặng phương diện ý tưởng, nội dung và tư tưởng của chủ đề.

Không đặt nặng về việc ghi các cước chú, văn phạm và văn phong.

4. Giai Đoạn Hai

— Đọc lại bản thảo đã viết một cách kỹ lưỡng.

Bổ sung những gì cần thiết như cước chú và những gì cần thêm vào.

Bỏ đi những ý tưởng trùng lập, lượm thượm, không cần thiết.

— Sửa chính tả, chỉnh lý câu cú và văn phong.

5. Giai Đoạn Ba

— Viết hay đánh lại bản thảo cho sạch sẽ.

— Dò và biên tập lại văn bản lần cuối.

Nhờ bạn bè đọc góp ý.

Bổ sung hay sửa chữa theo những ý kiến đóng góp, nếu ý kiến hay.

-oOo-

Lời nói đầu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | Sách tham khảo

 


Vào mạng: 20-10-2001

Trở về mục "Tham khảo"

Đầu trang