Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
GIẢNG GIẢI KINH A-DI-ĐÀ


THIỀN TỊNH KHÔNG HAI ^

H

iện Pháp là những gì đang xẩy ra bây giờ và ngay ở đây. Lạc là hạnh phúc, và Trú là an trú, là sống.

Đây là giáo lý mà đức Thế Tôn thường nhắc đi nhắc lại. Tại sao chúng ta phải đợi tới tương lai mới có an lạc? Ta có thể có an lạc ngay trong ngày hôm nay. Giáo pháp của đức Thế Tôn là giáo pháp đẹp đẽ và mầu nhiệm, có thể đem lại an lạc ngay lúc bắt đầu thực tập.

Khi ta bắt đầu ‘‘thở vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười’’ và bước những bước chân thanh thản và nhẹ nhàng thì lúc đó ta đã có an lạc rồi. Đâu phải cần tám năm sau mới có an lạc? Tám năm sau chắc chắn là có an lạc, nhưng bây giờ và ở đây cũng đã có an lạc.

Vì vậy cái búp sen kia ta có thể làm cho phát sinh và nở bất cứ lúc nào. Bằng mỗi nụ cười, mỗi hơi thở, mỗi bước chân, ta làm cho búp sen lớn lên, nở ra. Ta không cần đợi đến tương lai. Và ta có thể gom những bài giảng này về kinh A-di-đà và làm thành một cuốn sách, gọi là A-di-đà Kinh Thiền Giải. Không phải là Tổ sư thiền, Như Lai thiền hay là Như Lai thượng thượng thiền. Không phải thiền Công Án hay thiền Mặc Chiếu. Thiền này là thiền của đạo Bụt nguyên thỉ. Thiền của kinh Quán Niệm Hơi Thở, của kinh Niệm Xứ, của kinh Người Bắt Rắn, của kinh Người Biết Sống Một Mình. Theo các kinh này, Bụt dạy rằng hạnh phúc có thể có ngay bây giờ, và Tịnh Độ có thể có ngay bây giờ trong khung cảnh này. Ta có thể đưa Thiền và Tịnh tới với nhau.

Ngày xưa, có nhiều người nói: Tu thiền thì khó thành, tu Tịnh độ thì dễ thành. Thực ra theo cái nhìn của chúng ta thì Tịnh độ là một loại thiền tập, Tịnh độ mà không có thiền tập thì đó chỉ là một sự đầu tư vào tương lai mà thôi. Còn nếu có thiền trong Tịnh độ thì ta có Tịnh Độ ngay bây giờ. Và giáo nghĩa Tịnh độ đi rất đúng vào tinh thần của đạo Bụt nguyên thỉ. Mỗi chúng ta đều đã có hoa sen, ta không cần phải đi qua bên cõi Tây phương để xem, hoặc nhờ người đem cái máy vidéo sang đó để thâu hình, xem thử nó đã lớn được chừng nào. Tại vì hoa sen ấy đang có mặt trong ta, cho nên búp sen lớn chừng nào thì ta phải biết chứ, phải không? Bông sen của mình mà mình không tự thấy thì uổng biết mấy.

Ta có thể đem đóa sen ấy trở về với ta. Trong kinh Pháp Cú, Bụt dạy: Trong tất cả các pháp, tâm là chủ. Trong kinh Hoa Nghiêm, Bụt dạy: Tất cả đều do tâm, ‘‘Tâm như họa sư, năng họa nhất thiết hình tượng.’’

Bài kệ kinh Hoa Nghiêm như sau:

   ‘‘Nhược nhơn dục liễu tri
    Tam thế nhất thiết Phật
    Ưng quán pháp giới tánh
    Nhất thiết duy tâm tạo.’’

Nếu người nào muốn thấy và muốn hiểu được tất cả các đức Bụt trong ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai thì người ấy nên quán chiếu rằng: trong bản chất của pháp giới, tất cả đều do tâm của mình tạo ra. Vì vậy, Tịnh Độ cũng là một sáng tạo của tâm thức, tâm thức của chư Bụt cũng như tâm thức của chúng ta. Cũng như đạo tràng Mai Thôn và tăng thân này cũng là một sáng tạo phẩm của tâm thức; chúng ta đã cùng nhau cọng tác để tạo ra tăng thân và đạo tràng này. Nó từ tâm ta mà ra, do lòng ước muốn nương tựa vào nhau để tu học.

Đóa sen ở trong tim mình cũng là do tâm tạo ra. Đóa sen biểu tượng được cảnh Tịnh Độ. Tịnh Độ cũng do tâm mà địa ngục cũng do tâm. Chúng ta ai cũng biết địa ngục nóng như thế nào rồi. Chúng ta đã từng ở địa ngục, đã từng bị lửa giận, lửa phiền não, lửa tuyệt vọng đốt cháy. Chúng ta cũng đã biết rằng tất cả những đau khổ của địa ngục đều từ ở trong tâm mình đi ra chứ không phải từ ở ngoài đi vào. Tịnh Độ cũng vậy. Chúng ta có khả năng chế tác ra Tịnh Độ, chế tác bằng hơi thở, bằng bước chân, bằng câu niệm Bụt. Và nếu ta muốn cho búp sen tượng hình là nó tượng hình, ta muốn búp sen lớn thì nó lớn. Và khi bông sen ở trong trái tim ta lớn rồi thì ta bước đi tới đâu là Tịnh Độ hiện ra ở đó. Nó tự trình bày ra, chứ mình không cần phải đi qua phương Tây mới có được. Khi Bụt nói đến phương Tây thì đó chỉ là một cách nói mà thôi.

Với bông sen trong ta, ta có thể nhận rằng thật ra những bậc gọi là thượng thiện nhân, và bồ tát nhất sanh bổ xứ, họ có ở xa đâu. Họ đang có mặt xung quanh ta. Tại ta mê mờ nên ta khổ đau; tại ta ganh tỵ nên ta không nhận ra được họ thôi. Đức Thích Ca Mâu Ni đã không chọn một chỗ nào khác, mà chọn ngay chỗ này. Ngài cũng thành Phật ngay cõi này.

Trong kinh Pháp Hoa có phẩm ‘‘Tùng Địa Dõng Xuất’’, (từ dưới đất mà đi lên). Từ trái đất này vô số Bồ tát đã từ dưới đất xuất hiện. Bụt Thích Ca nói với các vị Bồ tát đã đến từ mười phương: Các vị Bồ tát này đều là những người học trò của tôi. Nghe vậy, các thầy Ca Diếp và A Nan quá đỗi ngạc nhiên. Thầy Ca Diếp và thầy A Nan cùng một số đệ tử của Bụt nói: ‘‘Chúng con không ngờ rằng đức Thế Tôn mới hành đạo bốn mươi lăm năm trên trái đất mà đã có nhiều học trò như vậy.’’ Tại vì các thầy chưa biết nhìn bằng con mắt của các vị Bồ tát cho nên chưa thấy đó mà thôi.

Khi các vị Bồ tát từ mười phương đến nói rằng: ‘‘Đức Thế Tôn cho phép chúng con ở lại đây để giúp đức Thế Tôn hành đạo trong cõi Ta bà ác trược này’’ thì đức Thế Tôn mỉm cười, nói: ‘‘Xin cám ơn quý vị, ở trái đất chúng tôi cũng có đủ người hành đạo rồi.’’ Và Ngài cho họ thấy sự có mặt của các vị Bồ tát tùng địa dõng xuất ấy.

Vì vậy ta đừng nói rằng cõi này không có ai. Những vị như Bồ tát Trì Địa, Bồ tát Thường Bất Khinh, Bồ tát Quán Âm, Bồ tát Đại Thế Chí,v.vv... đang có mặt rất nhiều chung quanh ta. Họ đều là những đứa con của trái đất.

Trong giáo lý Tịnh Độ, ta nghe nói rằng đứng bên tay phải Bụt A-di-đà là Bồ tát Quan Thế Âm, và đứng bên tay trái Ngài là Bồ tát Đại Thế Chí. Nếu tâm trí hẹp hòi, nghe thế chúng ta sẽ buồn. Ta tưởng là Bồ tát Quan Thế Âm đang ở biển Nam Hải, không ngờ Ngài lại đang ở bên đó. Nhưng thực sự Tịnh Độ và Ta Bà chỉ là một mà thôi. Những nhà khoa học vật lý nói rằng một điện tử vừa có mặt ở đây mà cũng vừa có mặt ở bên kia. Đó là một lời tuyên bố căn cứ trên sự thực nghiệm. Một điện tử vừa có thể có mặt ở đây và vừa có mặt ở bên kia, vừa có thể là một làn sóng vừa có thể là một chất điểm. Trí óc thông thường của ta cho rằng nếu là làn sóng thì chỉ có thể là làn sóng thôi chứ không thể vừa là làn sóng mà cũng vừa là chất điểm. Nhưng ở đây, khoa học có thể chứng nghiệm rằng nó có thể là cả hai và nó đồng thời vừa ở đây mà cũng vừa ở bên kia. Vì vậy mình có thể thấy được đức Quan Thế Âm cũng đang có mặt ngay tại đây. Đức Quan Thế Âm là một người con của trái đất, do trái đất sinh ra. Mình cũng vậy. Cố nhiên Bồ tát Quan Thế Âm muốn ở lại phục vụ cho những loài chúng sanh đang chịu khổ ở đây, thì ta cũng vậy. Ở chung quanh ta có bao nhiêu bậc đại nhân và bao nhiêu vị Bồ tát. Nếu ta không bị vô minh che lấp, nếu ta không có tâm ganh tỵ và tâm hận thù thì ta có thể nhận diện được các vị một cách rất rõ ràng. Ngay trong tăng thân của chúng ta đây cũng có những vị Bồ tát, những vị Bồ tát lớn tuổi và trẻ tuổi. Bồ tát xuất gia hay Bồ tát tại gia đều có mặt. Nói đúng hơn ở trong mỗi chúng ta, ai cũng có một vị Bồ tát, nhưng cơ hội biểu hiện chưa có, nên ta chưa phải là Bồ tát đích thực và toàn thời gian (full time bodhisattva mà thôi.

Cách đây chừng mười lăm năm, dạy ở tu viện Kim Sơn về Thiền và Tịnh trong một bài pháp thoại, tôi có nói:

   ‘‘Tịnh độ mà không thiền
    Tịnh độ của tương lai
    Tâm ta là đất tịnh
    Thiền với Tịnh không hai.’’

Bài thơ này đã giúp cho thiền sinh khóa ấy khá nhiều. Đem con mắt của thiền tập mà quán chiếu vào giáo lý Tịnh độ, ta hiểu sâu được giáo lý Tịnh độ. Giáo lý Tịnh độ có thể thực tập để Tịnh Độ hiển bày ra ngay bây giờ và ở đây. Các thầy ngày xưa đã từng dạy: ‘‘Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh độ’’, tức là Tịnh Độ nằm trong tâm và Di Đà là tự tánh. Biết bao nhiêu nhà chú thuật, biết bao nhiêu nhà bình giải, biết bao nhiêu nhà trước thuật đã nói tới giáo lý duy tâm Tịnh độ. Búp sen kia đang nằm trong trái tim mình. Mình phải làm cho nó lớn lên mỗi ngày. Chính bông sen đó sẽ làm cho Tịnh Độ được biểu hiện trong đời sống hàng ngày của mình để mình được thừa hưởng và để cho những người bạn tu của mình được thừa hưởng. Bông sen càng lớn chừng nào, thì cái hỏa lò càng nhỏ chừng đó. Hỏa lò tức là địa ngục trong lòng mình.

Lấy con mắt của thiền quán mà nhìn Tịnh độ như thế thì Tịnh độ không còn là một mơ ước viễn vông, không còn là một điều mê tín mà là một giáo lý rất thực tiễn. Tịnh độ là những gì mà ta sống trong đời sống hàng ngày và ta thấy ta có liên hệ đến Tịnh độ một cách rất mật thiết. Mỗi bước chân, mỗi hơi thở, mỗi lời nói, mỗi cái nhìn đều phải có tác dụng tạo ra Tịnh Độ. Sự thực tập xây dựng Tăng thân của ta được đồng nhất với sự thực tập xây dựng Tịnh Độ. Có một thầy tuyên bố là thầy ấy chỉ có thể chấp nhận cái lý của Tịnh Độ mà không thể chấp nhận cái sự của Tịnh Độ. Lý tức là lý thuyết. Lý của Tịnh Độ là Tịnh Độ duy tâm, Di Đà tự tánh. Nhưng còn chuyện có một cõi Tịnh Độ ở Tây phương và chỉ cần niệm Bụt đến bất thối chuyển để sau khi mạng chung được sanh sang cõi đó, thì Thầy không chấp nhận. Thầy ấy chấp nhận lý mà không chấp nhận sự. Nhưng nói như vậy chưa ổn, vì lý mà không đi đôi được với sự, lý đó chưa phải là chân lý và sự không đi đôi với lý thì sự đó chưa phải là chân sự. Ở đây, sự và lý, cả hai đều phải có mặt trong nhau và không thể tách rời nhau. Sở dĩ ta thấy hai cái không đi đôi với nhau là vì trong hai cái mà ta thấy, chưa có cái nào chín cả. Cái thấy về lý cũng chưa chín mà cái thấy về sự cũng chưa chín. Nếu quả thật cái thấy về sự và về lý đã thuần thục rồi, thì chúng sẽ luôn luôn đi đôi với nhau và dung hòa nhau. Niệm Bụt và làm cho bông sen lớn lên và nở ra trong đời sống hàng ngày đó là sự. Thực tập không phải là lý nhưng tất cả những lý mà chúng ta đã nêu lên để thực tập đều phù hợp một cách tuyệt đối với sự. Sự thực tập về Tịnh Độ là sự thực tập hàng ngày và cái hưởng thụ cũng là cái hưởng thụ hàng ngày, ta không phải đợi đến chết mới bắt đầu có sự hưởng thụ. Cách đây chừng mười lăm năm, giảng tại một nhà thờ Thiên Chúa giáo ở Philadelphia, tôi có tuyên bố một câu: ‘‘Anh đâu cần phải chết mới được đi vào nước Chúa.’’ Nếu anh có niệm, có định, có tuệ, thì anh có thể mở trái tim của anh ra và nước Chúa sẽ biểu hiện và anh có thể đi vào nước Chúa trong giây phút hiện tại.

Ở Đạo tràng Mai Thôn, chúng ta tập đi thiền hành như thế nào để mỗi bước chân của chúng ta dẫm lên được Tịnh Độ. ‘‘Mỗi bước chân đi vào Tịnh Độ.’’ Đó là sự thực tập của chúng ta. Trong sự thực tập ấy, sự và lý đạt được đến mức tuyệt hảo. Nếu sự và lý chưa thực sự đi đôi với nhau là vì Sự chưa được chín muồi, Lý cũng chưa được chín muồi. Nói khác hơn, hai cái chưa dung thông được với nhau, chưa quyện được vào nhau.

GẠN ĐỤC KHƠI TRONG ^

T

rong kinh A-di-đà, đức Thế Tôn nói: ‘‘Xá Lợi Phất, trong khi tôi đang ca ngợi công đức không thể nghĩ bàn của chư Bụt thì chư Bụt cũng xưng tán công đức không thể nghĩ bàn của tôi’’.

Ở đây, ta thấy các đức Như Lai luôn luôn yểm trợ nhau, liên đới yểm trợ nhau trên con đường hoằng hóa. Công đức không thể nghĩ bàn tức là đối với những thực hiện của một bậc giác ngộ, ta không thể dùng tư tưởng mà hiểu thấu được, không thể dùng ngôn từ mà diễn tả được. Không thể nghĩ bàn, tiếng Hán là ‘‘bất khả tư nghị’’. Tư có nghĩa là nghĩ, nghị có nghĩa là bàn luận.

‘‘Bụt Thích Ca Mâu Ni thật là hiếm có. Ngay trong cõi Ta bà đầy năm yếu tố ô nhiễm là kiếp trược, phiền não trược, chúng sanh trược, kiến trược và mạn trược mà ngài có thể chứng đắc được quả vị giác ngộ vô thượng và còn tuyên thuyết được cho chúng sanh những pháp môn mà bất kỳ ở đâu, mới nghe qua người ta cũng rất khó mà phát sinh niềm tin.’’

Có những pháp môn khi thuyết ra thì được người ta tin ngay nhưng cũng có những pháp môn khi thuyết ra người ta thấy rất khó tin. Pháp môn Tịnh độ chủ trương có một cõi ở Tây phương tên là ‘‘cõi Cực Lạc’’ và một vị Bụt tên A-di-đà đang thuyết pháp và trong cõi đó có vô lượng vô số người đang sinh hoạt với nhau một cách rất là hạnh phúc, là một pháp môn khó tin. Nhưng giáo lý Tịnh độ không phải là giáo lý khó tin duy nhất. Nhiều giáo lý khác của đức Thích Ca, kể cả những giáo lý căn bản, cũng rất khó tin. Ví dụ giáo lý vô ngã. Tất cả mọi người đang tin rằng họ có một cái ngã. Vậy mà đức Thế Tôn nói rằng làm gì có cái ngã đó. Giáo lý vô ngã đi ngược lại với nhận thức thông thường của cả một xã hội. Niềm tin của Ấn Độ giáo lúc bấy giờ là thần ngã. Không những dân Ấn Độ giáo mới tin thần ngã mà mỗi chúng sinh đều có ý niệm về ngã, khi sinh ra đã có sẵn ý niệm về ngã, cho nên ta mới gọi đó là câu sanh ngã chấp, nghĩa là ý niệm về ngã ấy đã sinh ra cùng với thân thể của ta. Đức Thích Ca Mâu Ni nói rằng không có một cái ngã đích thực. Vì vậy, giáo lý vô ngã ngay từ đó là một giáo lý khó tin. Giáo lý về ‘‘không’’ cũng vậy. Bông hoa này, cái bàn này và con người này đều được diễn bày là ‘‘không’’. Điều đó cũng khó tin. Mỗi pháp đều có hình tướng mà đức Thế Tôn lại nói rằng thực tại là vô tướng, điều đó cũng là điều khó tin. Giáo lý ‘‘vô tác’’ cũng vậy, cũng là một giáo lý khó tin. Vô tác có nghĩa là ta khỏi phải đeo đuổi theo một dự án nào hết, khỏi phải thực hiện gì hết, tất cả đều đã được thành tựu rồi.

Cho nên không phải chỉ có giáo lý Tịnh độ mới khó tin mà cả những giáo lý căn bản do đức Thế Tôn thuyết ra đều là khó tin cả. Nếu không chịu quán chiếu sâu sắc thì làm sao ta có được niềm tin. Niềm tin có được là nhờ sự quán chiếu sâu sắc. Mới nghe qua mà tin liền thì chuyện đó khó mà xẩy ra, nên ta mới gọi giáo lý này là giáo lý khó tin. Chư Bụt trong mười phương đã khen ngợi đức Thích Ca Mâu Ni trong hai điểm:

Điểm thứ nhất: Ở ngay trong hoàn cảnh khó khăn này mà thành Phật được và giáo hóa được.

Điểm thứ hai: Những giáo lý rất khó tin mà đức Thích Ca Mâu Ni đã tuyên thuyết được và thuyết phục được con người tin theo.

‘‘Xá Lợi Phất, thầy nên hiểu cho rằng, cư trú trong thế giới đầy năm loại ô nhiễm này mà đạt tới quả vị giác ngộ vô thượng và còn diễn giải được cho mọi giới những pháp môn rất khó tin như pháp môn này, đó là việc làm quả là cực kỳ khó khăn.’’

Chúng ta thấy được đức Thích Ca Mâu Ni là một con người, một mình một ngựa đi trong chiến trận đầy dẫy bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu nghi ngờ. Ngài đã một mình đánh phá và tiêu diệt được bao nhiêu chướng ngại của mê tín, của huyền đàm để đưa ra những chân lý mà lúc ban đầu thuyết ra, người ta thấy khó mà có thể tin được. Vậy mà đức Thế Tôn đã thành công.

Đoạn kinh trên cũng nói tới năm loại ô nhiễm và năm loại ô nhiễm đó được gọi là năm loại ô trược. ‘‘Trược’’ tiếng Bắc gọi là ‘‘trọc’’ có nghĩa vẩn đục, không trong sáng. Năm yếu tố ấy làm khổ. Năm yếu tố vẩn đục ấy là:

Kiếp trược: Kiếp có nghĩa là một khoảng thời gian, khoảng thời gian ấy có thể là năm mươi năm, bảy mươi năm hay một trăm năm... Khi ngắn thì gọi là tiểu kiếp, khi vừa vừa gọi là trung kiếp và khi dài gọi là đại kiếp.

Sở dĩ thời gian đó gọi là vẩn đục tại vì nó quá ngắn ngủi, nó đầy dẫy vô thường, nó không có sự ổn định và vững chãi. Vì vậy chúng ta khó mà có được hạnh phúc. Thời gian quá ngắn ngủi, sống trong cuộc đời, chúng ta không đủ không gian và thời gian để thực hiện những ước muốn thâm sâu của mình. Chúng ta có thể có ảo tưởng rằng chúng ta có rất nhiều thời gian và không gian để thực hiện những ước muốn của chúng ta, nhưng thực sự thì cuộc sống rất vô thường, rất bấp bênh, không có sự ổn định, tai nạn hay xẩy ra tới tấp và chận đứng đà tiến triển của chúng ta. Chúng làm cho quá trình thực hiện lý tưởng của ta bị chận đứng lại nên gọi là kiếp trược.

Tình trạng chính trị không có sự ổn định, xã hội nhiều tai nạn, tật bệnh và nghèo đói, khó cho xã hội tiến triển, đó gọi là kiếp trược.

Ngược lại với kiếp trược là sự ổn định mà chúng ta đạt được do thiền quán. Sống trong thế giới vẩn đục mà đức Thích Ca đã thành công. Ở thế giới Cực Lạc, người ta vượt khỏi kiếp trược và thiết lập được ổn định trong đời sống hàng ngày. Ở đó không có tai nạn xẩy ra. Vì vậy đặc tính đầu tiên mà mọi người trong cõi Cực Lạc phải thực hiện, đó là sự ‘‘ổn định’’. Sự ổn định giúp cho người tu tập thành công viên mãn đối với công trình giải thoát và giác ngộ.

Nhìn vào một Tăng thân có tu học, ta thấy rằng trong Tăng thân có nhiều yếu tố ổn định. Có người chỉ mới thọ trì năm giới, giới Tiếp Hiện tại gia hay giới Bồ tát tại gia. Họ sẽ trở về với gia đình họ, với khung cảnh hàng ngày của họ để sống và để thực tập. Họ biết rằng hoàn cảnh địa phương không được ổn định như ở trong Tăng thân. Trong hoàn cảnh đó, họ thực tập không được đều đặn và việc thực tập thường bị cắt đứt bởi những biến cố của xã hội. Cái đó gọi là kiếp trược. Nhưng khi ta có điều kiện ở lại với Tăng thân một năm, hai năm, ba năm hay mười năm, ta thấy rằng Tăng thân có yếu tố ổn định nhiều hơn trong thế giới bình thường ở ngoài đời. Vì vậy tăng thân rất gần với cõi Cực Lạc.

Tăng thân có yếu tố ổn định. Tăng thân hiến tặng cho chúng ta thời gian và sự tiếp nối để chúng ta thực tập. Vì vậy quay về nương tựa Tăng là để hưởng được yếu tố đầu tiên của Tịnh Độ, đó là sự vững chãi, sự liên tục, sự ổn định của thời thế và của tình thế.

Một bên là đục, một bên là trong, một bên là trược, một bên thanh. Đối với danh từ ngũ trược, ta có danh từ ngũ thanh. Ở Tịnh Độ có ngũ thanh thì Ta bà có ngũ trược. Sống trong thế gian, ta bị lôi kéo bởi năm thứ vẩn đục nhưng sống trong Tăng thân, ta có thể thấy được năm sự trong sáng. Ở đây, sự trong sáng đầu tiên là sự ổn định. Người nào đã từng rời Tăng thân là đã tự mình đánh mất sự ổn định nơi tự thân mình. Là người xuất gia hay người tại gia cũng vậy, khi chúng ta đã đánh mất Tăng thân, trở về với khung cảnh hệ lụy của ta ngày trước, thì ta thấy rằng ta đã đánh mất một cái gì rất quý báu trong tự thân, đó là sự ổn định.

Yếu tố vẩn đục thứ hai là kiến trược. Kiến tức là những cái thấy sai lầm, nói đủ là tà kiến. Ví dụ như sự vật là vô thường mà ta cho là thường còn. Người thương của ta có thể ngày mai không còn nữa, thế mà ta nghĩ rằng, họ sẽ có mặt với ta suốt đời, hàng ngàn năm. Thân này không phải là ngã của ta, mà ta cứ cho đó là cái ngã của ta. Những cái thấy như vậy được gọi là tà kiến.

Tà kiến lại có năm loại căn bản:

Thân kiến: Cho rằng ta là thân này, ta đồng nhất ta với thân này. Nếu có cái nhìn như vậy, thì ta đau khổ lắm. Nhất là khi sắp chết, ta rụng rời, lo sợ. Ta cứ nghĩ rằng khi thân thể ta tan rã, thì mọi sự nghiệp sẽ cùng với thân thể ta tan rã luôn. Từ có ta trở thành không, điều này làm cho ta sợ hãi. Sợ hãi hư vô. Thân kiến là cái thấy dại dột như vậy đó. Chính vì thế ta phải giúp cho người đang hấp hối thấy rõ dược rằng thân này không phải là họ.

‘‘Thân này không phải là tôi
 Tôi không bị kẹt vào thân ấy
 Tôi là sự sống thênh thang
 Tôi chưa bao giờ từng sanh
 Mà cũng chưa bao giờ từng diệt.’’

Điều này, trong đời sống hàng ngày, ta phải tập quán chiếu để thấy cho được, có như vậy thì trong phút giây lâm chung, ta mới buông bỏ thân này một cách dễ dàng.

Biên kiến: Vướng vào một bên, một thái cực. Bên này là một bên, và kia là một bên, đó là những cặp đối nghịch với nhau, như có - không, thường - đoạn, một - nhiều, tới - lui. Tin vào ý niệm ‘‘một’’ là một biên kiến, tin vào ý niệm ‘‘nhiều’’ là một biên kiến khác. Kẹt vào bên này cũng là biên kiến, kẹt vào bên kia cũng là biên kiến. Tin rằng có sanh cũng là biên kiến, tin rằng có diệt cũng là biên kiến. Kẹt vào những cặp đối nghịch nhau là biên kiến.

Ví dụ trên một dòng sông có một khúc củi đang trôi. Có thể khúc củi sẽ bị kẹt vào bờ này hay bờ bên kia và không trôi ra được biển cả. Tin rằng ta là một cái gì thường hằng, niềm tin ấy là một biên kiến. Tin rằng sau khi chết ta hoàn toàn đoạn diệt, đó cũng là một biên kiến khác.

Tà kiến: Những cái thấy đảo ngược. Ví dụ khổ đau mà ta cho là hạnh phúc, hệ lụy mà tin là tự do, trắng mà ta nghĩ là đen, ác mà ta cho là thiện...

Ta phải quán chiếu sâu sắc các hiện tượng vẩn đục ở cõi Ta bà để trong ta có thể sinh khởi hai chất liệu - Yếm và Hân. Yếm là chán, Hân là thích. Chán là chán những gì vẩn đục ở nơi cõi Ta bà và Thích là thích sự yên vui, thanh thoát ở cõi Tịnh Độ. Chán là chán cái tâm trạng chạy theo danh lợi, tài sắc. Vì chúng đưa lại quá nhiều khổ đau, nên bây giờ ta quyết định buông bỏ chúng.

‘‘Tôi không còn muốn cái đó, tôi chán cái đó lắm rồi.’’ Đối với cái đó, lòng tôi lạnh như tro tàn. Cái đó gọi là yếm. Trong khi đó, trong ta tự nhiên có một cái ước muốn mới: ước muốn xa lìa cái cảnh hệ lụy chán chường này để đi tìm tới một khung cảnh có sự an toàn, có sự thương yêu, có sự an lạc, để mà thực tập. Khung cảnh ấy là Tăng thân. Ta sẽ đóng góp phần ta cho Tăng thân ấy. Khi tới đó, ta tới với bản nguyện, nghĩa là ta biết ta tới đó để đóng góp phần của ta vào với Tịnh Độ và Tăng thân chứ không phải tới chỉ để hưởng thụ. Cũng như Sư em Chân Uy Nghiêm ở tu viện Rừng Phong. Trước khi xuất gia, Sư em có đọc sách, đọc kinh và Sư em đã đọc được lời nguyện của đức Địa Tạng. Đức Địa Tạng nói: ‘‘Địa ngục mà chưa trống không, thì tôi vẫn phải còn làm việc và chưa muốn thành Phật.’’ Khi đọc câu đó, Sư em đã thấy rung động trong trái tim. Sư em nói rằng: ‘‘Con cảm động quá và con muốn giúp Ngài một tay (I am so moved, and I want to give him a helping hand). Khi nói lên như vậy, Sư em đã bắt đầu phát khởi năng lượng của bản nguyện ấy rồi. Ta tới với Tịnh Độ không phải chỉ là để hưởng thụ mà còn để giúp Bụt A-di-đà một tay nữa. Tới với Tăng thân cũng vậy, không phải ta chỉ được thừa hưởng sự an toàn của Tăng thân mà còn để giúp Tăng thân một tay. Đến với bản nguyện là trong ta đã có đức A-di-đà. Đức A-di-đà có ngay trong lòng ta. Và chừng nào ta còn niềm tin, chừng nào ước nguyện ta còn mạnh thì chừng đó ta vẫn còn là ta và ta sẽ không tự đánh mất ta trong những trạng huống hệ lụy và khổ đau nữa. Dù mình đang đứng trong hoàn cảnh hệ lụy hoặc đau khổ, nhưng nếu có tín và nguyện thì mình đã có diều kiện để thoát ra. Tại vì trong ta, năng lượng của tín, của hạnh và của nguyện đã bắt đầu có mặt. Tịnh Độ không phải chỉ là Tịnh Độ của Đức Bụt A-di-đà. Đức Thế Tôn nào cũng muốn thành lập Tịnh Độ. Bất cứ một vị Bồ tát nào, dù lớn hay nhỏ, cũng đều muốn thành lập Tịnh Độ. Nếu ở Tây Phương có cõi Cực Lạc (Sukhavati), thì ở cõi Đông Phương lại có cõi Diệu Hỷ (Abhirata)... Ở cõi Diệu Hỷ ấy có đức Bụt A Súc Bệ (Bất Động). Đó là đức Thế Tôn của sự vững chãi (Aksobhya). Cõi của Ngài là cõi Diệu Hỷ, trong đó có nhiều niềm vui. Ở cõi Diệu Hỷ không có ai bị giận hờn đốt cháy, nên cõi đó là một cõi rất mát mẻ. Các kinh đầu của hệ Bát Nhã có đề cập đến danh hiệu của Đức Bụt A Súc Bệ. Kinh Pháp Hoa cũng như kinh Bảo Tích đều có nói tên của Ngài. A Súc là một vị Đạo sư đang giảng dạy ở phương Đông. Ngài ngồi trên một bông sen. Tay trái Ngài nâng chéo áo, tay phải Ngài sờ xuống chấm vào mặt đất trong tư thế địa xúc. Có rất nhiều cõi Tịnh Độ, nhưng vì một nguyên do nào đó mà chúng sanh ở cõi Ta bà thường hướng về Tịnh Độ của Bụt A-di-đà. Vì những điều kiện để được sinh sang cõi Tịnh Độ của Bụt A-di-đà hết sức đơn giản. Còn muốn sanh sang Tịnh Độ Diệu Hỷ của Bụt A Súc Bệ thì phải cố gắng nhiều hơn một chút. Bản tánh của chúng ta ở cõi Ta Bà là làm biếng. Cho nên cõi Tịnh Độ của đức Bụt A-di-đà được ta chọn lựa nhiều hơn và Ngài biết phần lớn chúng ta là những người hay sợ hãi khó khăn. Tịnh Độ cũng có thể có mặt trong hình thức một Tăng thân. Tăng thân có mặt khắp nơi, do đó nếu chú ý một tý là ta có thể tìm ra địa chỉ của một Tăng thân và khi ta tới được với Tăng thân ấy rồi thì tức khắc ta được hưởng khung cảnh an ninh và hoàn cảnh thuận lợi cho sự tu học của nó. Nếu muốn biết đó có phải là một Tịnh Độ đích thật hay không thì ta có thể căn cứ trên tiêu chuẩn thanh và trược. Ở đâu mà có quá nhiều chất liệu vẩn đục, thì ở đó chỉ có Ta Bà mà không có Tịnh Độ. Và ở đâu chất liệu vẩn đục rất ít mà chất liệu của sự trong sáng như là ổn định, trí tuệ, an lạc, tình thương, bình đẳng và đại nguyện có nhiều thì ta biết đó là Tịnh Độ. Ta có thể tham dự và cọng tác để xây dựng thêm cho Tịnh Độ ấy. Tín và Nguyện là hai nguồn năng lượng có khả năng làm cho ta bớt khổ ngay trong giờ phút hiện tại. Trong trạng thái chán chường và tuyệt vọng của cõi Ta Bà, ta đau khổ rất nhiều. Nhưng đứng trong cõi Ta Bà mà có năng lượng của Tín và Nguyện, thì ta cảm thấy nhẹ nhàng ra và sẽ hết khổ. Tín và Nguyện là năng lượng đưa ta tới Tịnh Độ, đưa ta tới với Tăng thân mà ta cần nương tựa. Thứ ba là năng lượng Hành. Hành hay là Hạnh. Hành là thực tập, là cái biểu hiện cụ thể. Chúng ta đừng tưởng rằng chúng ta chỉ hành trước khi đi về Tịnh Độ và về Tịnh Độ rồi thì khỏi cần hành. Nghĩ như vậy là ngược lại với lời kinh dạy. Chúng ta đã đọc kinh A-di-đà và thấy rất rõ rằng ở tại cõi Tịnh Độ, ngày nào dân chúng cũng thực tập niệm Bụt, niệm Pháp, niệm Tăng và thực tập Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần, Bát chánh đạo phần. Các chi tiết này cho ta thấy rằng tới Tịnh Độ rồi ta cũng phải thực tập, nếu không thực tập thì mất Tịnh Độ. Vì vậy mỗi bước chân phải đi trong chánh niệm, mỗi hơi thở phải thở trong chánh niệm, mỗi buổi ăn phải ăn trong chánh niệm thì Tịnh Độ mới tiếp tục hiện tiền. Cũng như trong khi hành xử, nếu ta đánh mất chánh niệm là ta đánh mất Tịnh Độ. Xây dựng Tịnh Độ không phải là tổ chức cho giỏi, mà chủ yếu là sống cho có chánh niệm. Tịnh Độ là vấn đề hành trì. Hành thì ‘‘bất lao đàn chỉ đáo Tây phương’’, nghĩa là không cần một tích tắc nào cũng vẫn tới Tây phương được. Nếu thiết lập được thân tâm trong giây phút hiện tại, an trú được trong chánh niệm, thì mình có được Tăng thân, có được Tịnh Độ ngay tại chỗ. Và cách sống hằng ngày của mình là tự đặt mình trong Tịnh Độ và duy trì Tịnh Độ, đừng để cho Tịnh Độ biến mất. Chữ hành ở đây có nghĩa như vậy. Hành là action, là practice. Hành làm cho Tịnh Độ được biểu hiện và được duy trì. Năng lượng của tín và của nguyện đủ để giúp cho ta không chìm đắm vào biển khổ sông mê. Năng lượng của hành có khả năng duy trì cõi Tịnh Độ. Nó có khả năng gìn giữ mình trong cõi Tịnh Độ để cho mình đừng đánh mất Tịnh Độ. Hành ở đây có thể là sự niệm Bụt thường xuyên. Mà niệm Bụt là gì? Niệm Bụt là duy trì sự tỉnh thức. Bụt là tỉnh thức, là chánh niệm, và vì vậy niệm Bụt là duy trì tỉnh thức và chánh niệm. Thực tập chánh niệm cũng là niệm Bụt. Niệm Bụt cũng là thực tập chánh niệm. Thực tập chánh niệm có công năng làm hiển lộ Tịnh Độ và xây dựng Tăng thân trong mỗi bước chân của mình. Nó có công năng duy trì Tịnh Độ cho chính mình. Tịnh Độ không phải là chỉ có mặt cho bây giờ mà Tịnh Độ còn có mặt cho tương lai nữa. Nếu giờ phút này là Tịnh Độ, thì giờ phút kế cũng sẽ là Tịnh Độ. Thành ra mỗi bước chân, mỗi hơi thở và mỗi cử chỉ trong đời sống hằng ngày của ta đều có khả năng phát hiện và duy trì Tịnh Độ.

Cái vô thường mà cho là cái thường, cái thường mà cho là cái vô thường, khổ mà cho là lạc, lạc mà cho là khổ, cái không phải ngã mà cho là ngã, cái ngã mà cho là không ngã, cái an tịnh mà cho là không an tịnh, cái không phải an tịnh mà cho là an tịnh, v.vv... Những cái thấy ngược như vậy gọi là tà kiến.

Thứ tư là Kiến thủ kiến: kẹt vào một ý tưởng, một quan điểm. Chữ ‘‘thủ’’ ở đây có nghĩa là bám víu, là kẹt vào. Chữ ‘‘kiến’’ ở đây là kiến thức, ý niệm, nhận thức. Khi ta có một nhận thức rồi thì ta có khuynh hướng cho nhận thức đó là chân lý tuyệt đối. Kẹt vào cái đó và không buông nó ra được nữa thì gọi là kiến thủ kiến. Ví dụ anh học được cách làm đậu hủ và anh nghĩ rằng cách làm đậu hủ của anh là duy nhất hoặc hay nhất trên thế giới. Anh không thấy có nhiều người làm đậu hủ hay hơn và đậu hủ của họ ngon hơn. Đó là kiến thủ. Hay là mình được nghe một một ý thức hệ hoặc một giáo điều nào đó rồi mình cho đó là chân lý tuyệt đối và mình nói người nào không theo cái ấy là người đó đi lầm đường, người đó không có trí tuệ. Bị kẹt vào trong ý thức hệ đó, mình cho tất cả nhận thức khác, các lý thuyết khác là sai lầm và mình trở thành cuồng tín. Cái đó gọi là kiến thủ kiến. Kiến thủ là bị kẹt vào trong một kiến thức, kẹt vào trong một nhận thức. Mình học được một pháp tu, mình nói phương pháp tu của mình là nhất, không có phương pháp nào hay hơn và mình không chịu mở lòng ra để học hỏi thêm. Đó là kiến thủ kiến. Hoặc mình nghĩ rằng mình sẽ có hạnh phúc lớn nếu mình nắm được cái này, nắm được cái kia, có cái bằng cấp này, có cái chức vụ kia, làm chủ được cái chùa này hay làm hội trưởng được cái hội kia. Và khi không đạt được những cái đó thì mình đau khổ suốt đời. Cái đó cũng là kiến, và kẹt vào ý niệm đó là mình sẽ không bao giờ có hạnh phúc. Nếu buông bỏ được những cái kiến đó thì mình sẽ được tự do, mình sẽ có những cái thấy sâu sắc hơn. Có nhiều người đau khổ từ năm này sang năm khác là vì họ đang bị kẹt vào những ý niệm và những cái thấy của họ. Ví dụ mình tin chắc rằng có một người đang ghét mình, muốn trả thù mình, muốn tiêu diệt mình. Có ý niệm ấy thì họ khổ suốt đời. Trong kinh Bách Dụ, đức Thích Ca có kể một câu chuyện rất hay về kiến thủ kiến. Có một nhà buôn trong khi đi vắng, ăn cướp vào đốt làng và bắt cóc đứa con bốn tuổi của ông đi. Khi trở về, ông thấy nhà mình cháy tan và bên trong nhà lại có tử thi của một em bé cháy đen. Trong tâm trạng hoảng hốt đó, ông tin rằng em bé cháy thành than đó là con của mình. Ông ta đau khổ vô cùng. Ông ta làm lễ hỏa thiêu thân xác em bé. Thương con quá, ông ta giữ tro trong một cái túi bằng gấm và mang theo bên mình. Suốt ngày, ăn cơm, làm việc, đi ngủ, ông đều ôm theo cái túi tro của đứa con. Một hôm, đứa con thoát khỏi tay bọn ăn cướp và tìm được về làng. Về tới nhà mới của ông ta, nó gõ cửa vào lúc hai giờ khuya. Lúc đó ông ta còn đang ôm cái túi tro, tin tưởng rằng đứa con mình đã chết và nước mắt đang chảy ròng ròng. Nghe tiếng gõ cửa, ông hỏi : Ai đấy? Đứa bé nói: Con đây, con là con của ba đây. Ông ta nổi giận la lên: Con của tao đã chết rồi. Mày là đứa nào mà quá nửa đêm còn tới đây để phá phách chòng ghẹo? Và cuối cùng đứa bé phải bỏ đi. Đây là một câu chuyện rất hay. Đức Thế Tôn muốn dạy rằng có nhiều khi ta ôm ấp một tri kiến sai lầm mà tin tưởng đó là chân lý, cho đến nỗi khi tự thân chân lý tới gõ cửa mà ta cũng không chịu mở. Thường thường người ta đi tìm chân lý. Ở đây, đích thân chân lý tới gõ cửa mà mình vẫn không mở. Cái đó gọi là kiến thủ kiến.

Thứ năm là Giới cấm thủ kiến. Giới đây là những kiêng cử, những cấm kỵ, những hình thức nghi lễ, những giáo điều hoặc những tín điều mà mình bị kẹt vào. Ví dụ mình tin rằng con bò là vật linh thiêng và mình không dám động tới nó. Hoặc tin rằng ông táo hay bình vôi là những vật thiêng liêng. Hoặc mình tin rằng tổ tiên mình là cây cau, mình không dám động tới cây cau. Xứ nào, dân tộc nào cũng có những niềm tin phát sinh do sự tưởng tượng hay do sự sợ hãi của con người xứ đó. Nghi lễ được đặt ra là để nhắm tới bảo vệ và làm cho mình an tâm. Nhưng rút cuộc mình bị kẹt vào trong nghi lễ. Giới cấm thủ kiến là sự bị kẹt vào các hình thức nghi lễ, giáo điều và tín điều không phù hợp và không có lợi ích gì cho việc thực tập chuyển hóa.

Phiền não trược là những thứ làm cho tâm ta bị vẩn đục như tham lam, sân hận, si mê, hiếu danh, kiêu mạn... Ở cõi Cực Lạc, không có những thứ phiền não ấy, hoặc có rất ít. Trong Tăng thân cũng vậy, nhờ có sự tu tập nên những thứ phiền não làm vẩn đục tâm mình ít phát hiện hơn ở ngoài thế gian.

Chúng sanh trược tức là những lỗi lầm tội ác của chúng sinh như bất hiếu, không chịu giữ giới, ganh tỵ lẫn nhau, không hành xử bình đẳng, phân chia thành từng giai cấp để bóc lột lẫn nhau, cấu xé lẫn nhau. Trong xã hội, người ta chia ra nhau thành nhiều giai cấp, giai cấp này bóc lột giai cấp khác, giai cấp này đè nén giai cấp khác. Họ sống không có lý tưởng, họ làm khổ nhau. Ở cõi Tịnh Độ không có chúng sanh trược, vì ở Tịnh Độ có Bụt, và ta được sống chung với các bậc thượng thiện nhân và các vị bồ tát nhất sinh bổ xứ. Các chất vẩn đục và nhơ bẩn không còn lại bao nhiêu, do đó không còn chúng sanh trược. Nhìn vào Tăng thân, ta thấy rằng chất vẩn đục trong Tăng thân tương đối ít hơn ở những tổ chức ngoài đời nhiều và sự tu học hằng ngày của chúng ta là để cho sự vẩn đục này tiếp tục giảm bớt. Hạnh phúc của chúng ta là ở chỗ đó. Nhờ sự thực tập mà các chất vẩn đục của chúng sanh trược nơi ta mỗi ngày mỗi được chuyển hóa và tiêu diệt.

Cuối cùng là mạng trược. Mạng trược ở đây tức là sự đi vòng quanh, là sự chìm đắm ở trong sanh tử luân hồi. Ở cõi Ta bà, người ta ít có một hướng đi cao thượng. Người ta chỉ đi vòng quanh để tìm kiếm danh lợi. Người ta sống không có mục đích nào khác, ngoài năm dục. Người ta sanh ra rồi chết đi, chết đi rồi sanh ra trở lại là chỉ để đi vòng quanh và theo đuổi danh lợi mà thôi. Chính điều đó là sự vẩn đục ở cõi Ta Bà. Còn ở Tịnh Độ thì mọi người đều có một hướng đi và đều hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nếp sống của con người nơi cõi Tịnh Độ có một mục đích và một lý tưởng. Lý tưởng đó được chia sẻ với các vị bồ tát nhất sanh bổ xứ, với các bậc thượng thiện nhân chung sống với mình. Vì vậy, cõi Tịnh Độ là một cõi trong sáng. Ở trong Tăng thân cũng vậy, mình không đi vòng quanh, mình biết rằng mình gia nhập tăng thân là để chấm dứt sự đi vòng quanh. Mình tham dự vào một con đường hướng thượng và nhắm tới sự giải thoát và giác ngộ, cứu giúp cho những loài chúng sanh đang chìm đắm. Vì thế, trong một Tăng thân thanh tịnh, không có những chất liệu đục ngầu, gọi là cái đi tìm danh lợi theo mạng trược. Vậy muốn sanh về cõi Tịnh Độ, chúng ta cần phải gạn lọc, cần phải làm cho những chất liệu đục ngầu kia lắng lại và làm cho những chất liệu trong sáng phát hiện. Chúng ta biết rằng cái đục có thể hàm chứa đựng cái thanh trong lòng nó, và nếu chúng ta biết cách thì chúng ta có thể biến đục thành trong, gạn đục khơi trong. Có một ly nước đục trên sa mạc khô cháy mà liệng ly nước đục đó đi thì làm sao có ly nước trong để uống. Vì vậy, ta phải giữ ly nước đục đó và từ ly nước đục đó làm cho nó trong lại. Cũng như thế, ngũ thanh nằm trong ngũ trược và Tịnh Độ nằm ngay trong Ta Bà. Ta Bà là Tịnh Độ. Như hoa nằm trong rác, nếu chúng ta biết cách quản lý rác thì ta có thể chế tác ra được hoa, điều này rất rõ. Đức Thích Ca là một bậc có khả năng chuyển rác thành hoa, vì vậy cho nên ở trong cuộc đời ngũ trược mà ngài đã tạo dựng được Phật Độ.

Nếu ta gọi yếu tố kiếp trược là thuộc tính của cõi Ta bà, thì ở cõi Tịnh Độ thuộc tính kiếp trược này đã được chuyển hóa thành yếu tố ổn định hay thanh tịnh, gọi là ‘‘chúng biển lớn thanh tịnh’’ (thanh tịnh đại hải chúng). Yếu tố kiến trược là sự vẩn đục của nhận thức, là một thuộc tính của cõi Ta bà. Ở cõi Tịnh Độ thuộc tính kiến trược này đã được chuyển hóa thành yếu tố Chánh kiến hay Trí tuệ. Nó đã được chuyển hóa thành biển hội liên trì (liên trì hải hội). Nghĩa là chúng hội của những hồ sen trên biển cả bình lặng, xanh tươi và trong mát. Cái vẩn đục kia đã được chuyển hóa thành chất liệu ‘‘vô lượng quang’’, nghĩa là ánh sáng vô lượng. Yếu tố phiền não trược, tức là tâm hồn dơ bẩn, là một thuộc tính của cõi Ta Bà. Ở cõi Tịnh Độ, thuộc tính phiền não trược này đã được chuyển hóa thành tâm bồ đề tức là tâm tính giác ngộ. Tâm tính giác ngộ là tâm tính hạnh phúc, an lạc, không còn hờn giận, tham lam, ganh tỵ, ích kỷ, tuyệt vọng. Yếu tố chúng sanh trược tức là sự vẩn đục trong đời sống của chúng sanh, là một thuộc tính khác của cõi Ta bà, đã được chuyển hóa ở đây thành ‘‘tự tánh thanh tịnh bình đẳng’’, do đó ở cõi Tịnh Độ không còn có sự kỳ thị giữa loài này với loài khác, không còn sự kỳ thị giữa người này với người khác, không còn sự phân biệt về giới tính mà chỉ có Từ bi. Yếu tố mạng trược, tức là sự vẩn đục về thọ mạng, nghĩa là sinh mạng đi vòng quanh trong sinh tử, là một thuộc tính của cõi Ta bà. Nay ở cõi Tịnh Độ thuộc tính mạng trược này đã được chuyển hóa thành ‘‘thọ mạng vô lượng’’, nghĩa là thọ mạng vượt ra ngoài không gian, trạm nhiên, tự tại và giải thoát. Nó được biểu hiện từ đại nguyện chứ không phải do nghiệp duyên. Do đó, sanh về Tịnh Độ là do ta có lý tưởng của bản nguyện. Không những trong kiếp này mà trong vô lượng kiếp về sau, ta vẫn được tiếp tục đi trên con đường của lý tưởng bản nguyện ấy để tu tập và hành đạo.

Cái khác của Ta Bà và Tịnh Độ là một bên có năm sự vẩn đục và một bên có năm sự thanh trong.

BA NGUỒN NĂNG LƯỢNG ^

C

húng ta đi tới cõi Tịnh Độ và thiết lập cõi Tịnh Độ bằng cách nào? Muốn đi tới cõi Tịnh Độ hay thiết lập cõi Tịnh Độ của Tăng thân, chúng ta phải hội đủ ba yếu tố hay ba nguồn năng lượng.

Nguồn năng lượng thứ nhất là niềm tin. Ta tin tưởng rằng khổ đau của ta có thể được chuyển hóa bằng những con đường thoát ly sanh tử. Tịnh Độ là một trong những con đường ấy. Niềm tin này hoàn toàn không phải là những ý niệm, căn cứ trên những suy nghĩ vu vơ, mà được căn cứ trên nền tảng của lý trí và sự chiêm nghiệm của chính mình. Niềm tin đó gọi là chánh tín, chứ không phải là mê tín. Chúng ta đang ở trong một hoàn cảnh bi đát tuyệt vọng, nhiều hệ lụy và khổ đau, và cũng từ nơi chính ta, khởi dậy niềm tin và ý chí muốn thoát ly những hệ lụy khổ đau ấy. Do đó mà niềm tin Tịnh Độ bắt đầu có mặt ở nơi ta và ta bắt đầu đi tìm kiếm con đường xây dựng Tịnh Độ hay con đường xây dựng Tăng thân để nương náu, vui sống, tin tưởng và thực tập.

Nguồn năng lượng thứ hai là bản nguyện. Bất cứ một bậc Đại nhân hay một vị cao tăng nào cũng đều có bản nguyện trong sự tu tập. Và do có bản nguyện, các Ngài mới thiết lập được một cõi Tịnh Độ hay một Tăng thân để cùng nhau nương tựa và tu tập.

Chư Bụt và Bồ tát cũng vậy, vị nào cũng đều có đại nguyện muốn thiết lập một cõi Tịnh Độ hay một Tăng thân để tạo ra những điều kiện thuận lợi cho sự tu tập. Tăng thân cũng có khi còn gọi là Tịnh Độ. Đã là Tăng thân, thì dù Tăng thân lớn hay nhỏ cũng đều có những chất liệu như nhau. Đã là Tịnh Độ thì dù cõi Tịnh Độ lớn hay cõi Tịnh Độ nhỏ cũng đều phải có những chất liệu như nhau, đó là niềm tin, bản nguyện và sự thực tập.

Bản nguyện nào cũng được tạo ra từ hai chất liệu. Chất liệu thứ nhất là ‘‘buông bỏ’’. Buông bỏ hệ lụy khổ đau. Buông bỏ mọi sự vẩn đục trong đời sống. Và chất liệu thứ hai của bản nguyện là ‘‘hân thích’’. Hân thích là mong muốn đi tới sự an lạc, với hạnh phúc, với năm chất liệu thanh trong của Tịnh Độ.

Nguồn năng lượng thứ ba là sự thực hành. Thực hành Tịnh Độ tức là biến niềm tin và bản nguyện Tịnh Độ trở thành hiện thực trong đời sống hàng ngày, bằng cách niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, nghĩa là luôn luôn nuôi dưỡng chánh niệm trong từng giây từng phút, để các vọng tâm không có điều kiện sinh khởi. Mỗi khi thực hành đời sống Tịnh Độ, đạt tới nhất tâm bất loạn, thì Tịnh Độ hiện tiền. Bấy giờ dầu ta không cầu sinh Tịnh Độ mà Tịnh Độ vẫn hiện bày trong đời sống của ta. Tịnh Độ chỉ là sự chuyển hóa năm thuộc tính vẩn đục của Ta bà thành năm chất thanh trong của Tịnh Độ. Mỗi ngày, trong ta, chất vẩn đục được gạn lọc bao nhiêu, thì chất liệu Tịnh Độ trong ta được lưu xuất bấy nhiêu. Do đó, mỗi tiếng niệm Bụt, mỗi tiếng niệm Pháp, mỗi tiếng niệm Tăng đều có công năng tạo ra nguồn năng lượng hóa giải những yếu tố vẩn đục trong ta, tháo gỡ những hệ lụy khổ đau trong ta, đưa ta đi tới với tự do, với hạnh phúc, với an lạc. Hay nói cách khác, mỗi tiếng niệm Bụt của ta là nguồn năng lượng đưa ta đi tới với Tịnh Độ và với Tăng thân. Bởi vậy, Tín, Nguyện và Hạnh là ba yếu tố căn bản để dựng nên Tịnh Độ, nơi nương náu cho ta và cho biết bao nhiêu kẻ khác.


Mục lục | Phần 1 | Phần 2 | Phần 3 | Phần 4 | Bản dịch Kinh A-di-đà

 


Vào mạng: 1-4-2002

Trở về thư mục "Kinh điển"

Đầu trang