Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
GIẢNG GIẢI KINH A-DI-ĐÀ


 

DIỆU DỤNG PHÁP THÂN ^

‘‘Này nữa, Xá Lợi Phất! Ở nước Cực Lạc có bảy lớp lan can, bảy lớp lưới giăng, bảy lớp hàng cây, tất cả đều được làm bằng bốn thứ châu báu, bao quanh giáp vòng, vì vậy cõi ấy được gọi là cõi Cực Lạc.’’

Câu kinh này nói về y báo trang nghiêm của cõi Cực Lạc. Y báo là môi trường và hoàn cảnh tương hợp với chánh báo. Chánh báo chính là bản thân đức Bụt A-di-đà. Y báo bao gồm cả nhân dân và cõi nước. Y báo và chánh báo trang nghiêm của cõi Tịnh Độ là do bản nguyện của đức Bụt A-di-đà và nhân dân của cõi nước ấy tạo nên. Cũng vậy, y báo và chánh báo của cõi Ta Bà đều do nghiệp lực cộng đồng của chúng sanh ở cõi này tạo tác ra. Nghiệp lực của chúng sanh nơi cõi Ta Bà này được tạo nên bằng ngũ dục. Nhân dân cõi này luôn luôn lao mình vào ngũ dục, do đó chất liệu Tịnh Độ biến mất, không còn nữa.

Tại sao Bụt Thích Ca nói ở cõi Tịnh Độ không có mặt ba con đường ác? Một mặt thì Bụt A-di-đà thuyết pháp, một mặt thì chim chóc nhắc nhở và giúp mình đi về nẻo hướng thượng, thì làm sao mà có tam ác đạo được? Chỉ trừ khi nào ta chán Tịnh Độ và muốn bỏ đi. Điều này là do ta mà ra. Tâm ta bất an. Bất an nên không an trú được. Ta đã sinh về Tịnh Độ với một ít hành trang phiền não; còn giận, còn ganh, còn được muốn biệt đãi. Sinh về Tịnh Độ rồi, ta thấy Bụt A-di-đà không dễ thương như ta đã tưởng. Cái mặt ngài cứ lầm lầm lì lì, không chú ý nhiều tới ta. Ngoài những giờ thuyết pháp, ăn cơm và đi thiền hành với dân chúng, Ngài chỉ bàn chuyện với các vị Bồ Tát lớn. Các vị Bồ tát lớn cũng thế, họ để ý tới ta ít quá, vì họ suốt ngày bận rộn hướng dẫn cho những người vừa được vãng sinh tới. Số người vãng sinh qua Tịnh Độ hàng ngày sao mà đông quá, các vị Bồ tát phải lo cho họ, nên không còn thì giờ để chú ý tới ta. Không được biệt đãi, ta chán, ta ghét, ta ganh tỵ và ta muốn bỏ đi. Ta tới tuyên bố với Bụt A-di-đà như thế. Đức Bụt A-di-đà sẽ nói: ‘‘Tội nghiệp cho con. Con không muốn ở đây, con lại muốn trở về bên đó. Ở đây thì con có Tăng thân, có Bụt, có chim, có hồ sen, có đủ điều kiện để giữ cho con đừng đi thối lui. Nhưng nếu lòng trần của con đã biểu hiện và con muốn trở về với cõi Ta Bà thì con sẽ đánh mất Tịnh Độ và Tăng thân này.’’

Tăng thân là một môi trường có khả năng hiến tặng cho ta sự an ninh. Tăng thân với hai vòng tay vững chãi giữ ta lại trên con đường giới, định và tuệ. Vì vậy chúng ta phải quyết tâm ở lại với Tăng thân. Chúng con nguyện một lòng về nương tựa Tăng thân. Cõi Tịnh Độ là một trong những Tăng thân quý báu nhất.

Khi đi vào bếp nấu cơm, ta cũng có thể tu chánh niệm được. Đến phiên ta nấu cơm cho đại chúng, ta vào bếp, thắp một cây hương, dâng hương, rồi bắt đầu nấu cơm. Trong suốt thời gian một giờ rưỡi hay hai giờ làm việc dưới bếp, ta biết thực tập theo dõi hơi thở, biết là ta đang xắt gọt, rửa nồi hay xào nấu, v.vv.. trong chánh niệm. Do đó ta vẫn còn đang an trú trong cõi nước Cực Lạc. Còn nếu không biết tu thì ta vừa làm vừa giận, vừa làm vừa buồn, vừa ganh, vừa làm vừa nói xấu người khác, thì tuy cũng là khung cảnh ấy nhưng đó lại là cõi Ta Bà. Nếu ta có giới, định và tuệ, tức là có sự thực tập, thì nhà bếp là Tịnh Độ chứ không phải là Ta Bà. Tất cả đều tùy nơi ta.

Bất cứ một cái gì ta thấy được và tiếp xúc được đều có thể biến thành pháp khí. Cái chổi hay cái nồi cũng là pháp khí, cái gì cũng có thể trở thành một điều kiện thuận lợi cho sự tu học của ta. Đó là tài năng của đức A-di-đà. Tài năng của đức A-di-đà là sử dụng tất cả những gì đang có mặt để đưa dân chúng của mình đi lên trong sự tu học. Tài năng của Tăng thân cũng vậy, từ chuyện nấu nướng, dọn dẹp, làm vườn, cho đến việc chăm sóc cây cảnh, tất cả những cái đó đều trở thành phương tiện tu học. Chúng ta phải sử dụng tất cả những yếu tố kia để đi tới trên con đường tu tập và chuyển hóa.

Trong một cõi Tịnh Độ, người ta cũng có nấu cơm, ăn uống, đi hái hoa cúng Bụt, nghe kinh và đi thiền hành; mọi người thảnh thơi và an lạc trong khi làm những việc ấy. Cõi ta đang ở cũng vậy thôi. Không cần phải qua bên đó ta mới làm được những chuyện kia. Ngay bây giờ ta cũng có thể làm được những chuyện mà bên ấy người ta đang làm, tức là hái hoa, cúng Bụt, tụng kinh, nghe kinh, rửa chén, ăn cơm, đi kinh hành... Cõi Tịnh Độ đang có mặt cho chúng ta. Chỉ có một điều đáng hỏi là chúng ta đang có mặt cho cõi Tịnh Độ hay không mà thôi.

Trong khung cảnh Tăng thân, mỗi khi chúng ta rửa nồi, pha trà, đi tắm hay làm vườn, mỗi hành động và mỗi bước chân của chúng ta đều phải trở thành một lời thuyết pháp. Bước đi một bước, đó là một bài thuyết pháp; nâng chén trà lên để uống cũng trở thành một bài thuyết pháp. Bởi vì trong khi nâng chén trà lên ta có sự vững chãi, thảnh thơi và ung dung. Uống trà như vậy là thuyết pháp. Ăn cơm như thế nào để có hạnh phúc và an lạc trong khi ăn, thì ăn cơm cũng là thuyết pháp. Nhìn vào ta, người khác thấy một vị Bồ tát đang sống trong Tịnh Độ. Điều này không phải đợi tới ngày mai ta mới làm được. Ta phải làm được ngay ngày hôm nay. Làm được một ngày là ta đã đi đến Tịnh Độ được một ngày.

Vì muốn làm cho pháp âm được tuyên lưu rộng rãi trong xứ của Ngài, đức A-di-đà đã sáng tạo ra các loài chim mầu nhiệm. Cũng vậy, muốn cho pháp môn và giáo lý của đức Bổn Sư được thấm nhuần trong Tăng thân, chúng ta cũng phải sáng tạo như thế. Mỗi cử chỉ, lời nói và ý tưởng của ta đều phải trở nên một phương tiện để thuyết pháp. Ta phải tham dự vào sự nghiệp của Pháp thân, vì Pháp thân là thân của Pháp, thân luôn luôn biểu hiện Pháp. Một bài thuyết pháp của Ứng thân hay Hóa thân có thể dài tới một giờ rưỡi hay là hai giờ. Nhưng thế nào Ứng thân cũng phải dừng lại để nghỉ ngơi, để ăn cơm. Còn Pháp thân thì khác, pháp thân thuyết pháp liên tục không ngừng. Thuyết pháp bằng chim, bằng mây, bằng gió, bằng bước chân hay bằng hơi thở. Vì vậy chúng ta phải tham dự vào sự nghiệp của Pháp thân. Chúng ta thuyết pháp bằng đời sống hàng ngày của chúng ta. Ta thuyết pháp bằng hai bàn tay, bằng hai bàn chân, bằng cái miệng trong khi ăn hoặc khi nói và bằng hai con mắt trong khi nhìn. Bổn phận của người sống trong Tịnh Độ là phải tham dự vào sự nghiệp của Pháp thân. Nghĩa là phải thuyết pháp bằng đời sống hàng ngày của mình.

Ngày xưa thánh Ghandhi có nói rằng: ‘‘Đời sống của tôi là bức thông điệp của tôi’’(My life is my message). Thông điệp không được viết trên giấy mà được viết bằng đời sống hàng ngày. Một bài thuyết pháp cũng vậy, không phải chỉ làm bằng ngôn ngữ và danh từ. Bài thuyết pháp còn được làm bằng bước chân, hơi thở, động tác và cái nhìn của ta. Tham dự vào sự nghiệp của Pháp thân là điều chúng ta có thể làm được hàng ngày. Nhìn vào cách ta đi, đứng và tiếp xử hàng ngày tự nhiên người ta sinh lòng kính ngưỡng và phát tâm tu tập. Như vậy, ta đã là một phần của đức Bụt Di Đà.

Xá Lợi Phất, ở nước Bụt ấy, mỗi khi có gió nhẹ xao   động các hàng cây và các màn lưới châu báu thì người ta được nghe những âm thanh vi diệu, giống như là có trăm ngàn nhạc khí cùng được tấu lên một lần. Người dân nước ấy mỗi khi nghe các âm thanh kia thì đều nhiếp tâm niệm Bụt, niệm Pháp và niệm Tăng.Ể

Hiện tượng này ở đâu cũng có. Mỗi khi có gió đi ngang các hàng cây tùng hay các hàng cây phong thì âm thanh cũng mầu nhiệm vô cùng. Trong kinh không nói tới mưa, nhưng tiếng mưa cũng êm đềm dễ chịu lắm. Những cơn mưa có khi rạt rào, có khi êm đềm làm cho tâm hồn ta dịu lại và ta nghe trong tiếng mưa có âm nhạc của chư thiên, có tiếng thuyết pháp. Nếu nhìn kỹ cõi Ta Bà với tất cả niệm và định, ta sẽ thấy cõi Ta Bà này đẹp lắm. Tôi nghĩ rằng cõi Tịnh Độ có đẹp cách mấy thì cũng chỉ đẹp bằng cõi Ta Bà mà thôi. Tất cả những gì ta thấy ở cõi Tịnh Độ thì bên này ta cũng có thể thấy được cả. Chúng ta đã từng nghe các vị tổ sư nói: ‘‘Tịnh Độ ở trong tâm mình.’’ Trong tâm mình có sự nhẹ nhàng, có sự cởi mở, có sự thanh thoát thì tự nhiên nhìn cái gì cũng thấy là Tịnh Độ cả.

‘‘Mỗi khi có gió nhẹ xao động các hàng cây và các màn lưới châu báu thì người ta được nghe những âm thanh vi diệu...’’

Chúng ta nghĩ rằng ở tiệm kim hoàn mới có những hạt châu báu, nhưng kỳ thực những hạt sương long lanh trên ngọn cỏ cũng đẹp và còn đẹp hơn cả kim hoàn nữa là khác. Và hay nhất là không có ai muốn ăn cắp hoặc chiếm hữu. Tại vì ở đâu cũng có và chúng đẹp vô cùng. Nói rằng những hàng cây bên đó làm bằng châu báu, nhưng những hàng cây làm bằng châu báu thì làm sao đẹp bằng những hàng cây thật. Trên bàn Bụt, thỉnh thoảng ta dâng cúng những hoa sen làm bằng gỗ, bằng bạc, bằng ngọc hay bằng vàng nhưng những bông sen dâng lên trên bàn Bụt làm bằng vàng hay bằng ngọc thì không thể đẹp bằng những bông sen thật. Những gì nhiệm mầu đã tả trong kinh A-di-đà đều có đủ ở nơi ta ở, chỉ cần ta có tâm hồn thanh thoát và an lạc là có thể thấy hết tất cả.

Ở cõi Tịnh Độ, khi có gió đi qua các hàng cây và các màn lưới châu báu thì có những âm thanh vi diệu, có âm nhạc và có lời thuyết pháp. Và khi được nghe những âm thanh như vậy thì có cơ hội để dân chúng nhiếp tâm niệm Bụt, niệm Pháp và niệm Tăng. Ở đây chúng ta cũng có thể làm y hệt như vậy. Chúng ta có tiếng chuông đại hồng, tiếng chuông gia trì, tiếng chuông báo chúng, tiếng đồng hồ và tiếng điện thoại. Chúng ta có những tiếng xướng kệ của các sư chú và các sư cô, có những hình ảnh đi ra đi vào của thiền sinh trong chánh niệm. Tất cả những cái đó đều là những phương tiện để nhắc ta trở về với sự niệm Bụt, niệm Pháp và niệm Tăng. Tiếng mưa, tiếng gió, tiếng chim ta cũng có. Quả thật là không cần đi đâu hết, ở đây ta cũng có đủ tất cả những gì diễn tả trong kinh A-di-đà.

 

TÍCH MÔN BẢN MÔN ^

 ‘‘Xá Lợi Phất! Thầy nghĩ sao? Đức Bụt kia tại sao có tên gọi là A Di Đà?’’

Tại sao đức Bụt ở cõi Tịnh Độ không có tên khác mà có tên là Amitabha? Đức Thích Ca trả lời:

‘‘Xá Lợi Phất! Bởi vì đức Bụt ấy là ánh sáng vô lượng có thể chiếu soi được tất cả các cõi nước trong mười phương mà ánh sáng ấy không bao giờ bị ngăn cách. Vì vậy, nên ngài được gọi là A-di-đà.’’

A-di-đà là ánh sáng vô lượng, cũng vì vậy Tuệ Trung Thượng Sĩ đã nói:

‘‘Di Đà đích thực pháp thân ta

Nam, Bắc, Đông, Tây khắp chói lòa’’

Khi đốt lên một cây đèn nến hay một cây đèn dầu, ta sẽ có ánh sáng, nhưng ánh sáng đó không vô lượng. Tại sao vậy? Tại vì nến sẽ hết, dầu sẽ hết và theo đó ánh sáng sẽ hết. Nhưng đức A-di-đà là một nguồn ánh sáng vô tận. Một vị bồ tát, một vị giác ngộ, một vị Bụt luôn luôn từ cơ thể phóng ra ánh sáng. Đó là ánh sáng của chánh niệm. Ánh sáng của các vị Bụt đi rất xa, đi xa lắm. Phóng ra ánh sáng đó để làm gì? Để soi đường và giúp người ta đừng bước sa vào hầm hố của khổ đau.

Chúng ta đừng nghĩ rằng chỉ có Bụt và các vị Bồ tát mới có thể phát ra ánh sáng này. Người nào trong chúng ta cũng có thể phát ra ánh sáng đó, ánh sáng của chánh niệm. Trong khi đi, đứng, nằm, ngồi hay thuyết pháp, ánh sáng của chánh niệm tỏa chiếu đi rất xa. Khi người ta tới chơi hay tới thăm viếng mà thấy chúng ta đi, đứng, nằm và ngồi trong chánh niệm, họ cũng thấy ánh sáng trong thân ta đang chiếu ra. Khi một tia sáng này của ta chạm vào một người khác thì người ấy cũng cảm động và cũng muốn được đi, đứng và làm việc ung dung như vậy. Các thầy, các sư cô, các sư chú và các đạo hữu ở đây người nào cũng có thể phát ra ánh sáng từ thân thể, từ tâm hồn của mình. Tất cả chúng ta đều có khả năng phát ra ánh sáng chánh niệm, và chỉ có sự thực tập chánh niệm mới làm phát ra ánh sáng đó. Chánh niệm đưa đến chánh định, chánh định đưa đến trí tuệ. Đó là những viên ngọc lưu ly có thể chiếu ra ánh sáng. Chúng ta đừng có mặc cảm. Chúng ta cũng có thể phóng quang được như đức A-di-đà, tuy ánh sáng của ta chưa đi xa bằng, nhưng chúng ta đã có thể phóng ra được. Nếu mỗi ngày ta đều thực tập thì ánh sáng càng ngày càng được phóng xa. Ánh sáng đó có thể được phát ra dưới nhiều hình thức. Ở trên thế giới bây giờ có biết bao nhiêu người đang tu tập theo pháp môn của Làng Mai. Hàng triệu người đọc sách, nghe băng và tiếp xúc với các vị giáo thọ ở Làng Mai. Vì vậy ánh sáng của chúng ta đã đi rất xa, và chúng ta cũng đang tham dự vào công nghiệp của đức A-di-đà tức là phát ra ánh sáng. Phát ra ánh sáng là điều chúng ta làm được và làm được ngay ngày hôm nay. Hễ bước một bước chân có chánh niệm thì có ánh sáng lóe ra liền. Ta phải hiểu ánh sáng là như vậy. Và ánh sáng của đức A-di-đà là vô lượng. Đó là định nghĩa đầu của chữ Amitabha: ánh sáng vô lượng. Bây giờ ta đi đến định nghĩa thứ hai:

‘‘Hơn nữa, Xá Lợi Phất! Thọ mạng của đức Bụt ấy cũng như của dân chúng trong nước ngài là thọ mạng vô lượng kéo dài tới vô lượng vô biên kiếp a tăng kỳ, vì vậy, danh hiệu của ngài là A Di Đà’’

A tăng kỳ có nghĩa là vô lượng, vô số. Đứng về phương diện tích môn thì chúng ta có sanh có diệt. Kẹt vào ý niệm thọ mạng, ta nghĩ rằng ta chỉ bắt đầu có mặt từ năm đó và sẽ trở thành không có mặt từ năm kia. Nhưng theo giáo lý đạo Bụt thì bản chất của chúng ta là không sanh và không diệt. Đứng về phương diện bản môn thì thọ mạng của ta cũng vô lượng như thọ mạng của đức Thế Tôn và của đức A-di-đà. Nhìn cho kỹ ta thấy tất cả mọi hiện tượng trong vũ trụ đều như vậy. Một bông hoa hay một chiếc lá cũng có thọ mạng vô lượng. Nhìn cạn cợt thì ta thấy chiếc lá có sinh và có diệt; nhìn sâu thì chúng ta thấy sinh diệt chỉ là cái bên ngoài. Bản chất của một chiếc lá là vô sinh bất diệt, bản chất của chúng ta cũng như vậy. Ánh sáng của đức A-di-đà là vô lượng nên thọ mạng của ngài cũng là vô lượng. Ánh sáng của cái đèn dầu có khi tắt, nhưng ánh sáng của đức A-di-đà không bao giờ tắt. Vì sao? Vì thọ mạng của đức A-di-đà là vô lượng. Chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng có thể tham dự vào thọ mạng vô lượng của đức A-di-đà. Bởi vì chúng ta cũng có bản chất bất sanh và bất diệt. Niệm Bụt cho sâu sắc, quán chiếu về đức A-di-đà cho sâu sắc, ta tiếp xúc được với bản môn, với tính vô sinh bất diệt của chính ta, và đó là thành quả cao nhất của sự thực tập. Ta thấy được rằng bản chất của ta cũng là bản chất vô lượng thọ.

Hai định nghĩa về đức A-di-đà như vậy là vô lượng quang (ánh sáng vô lượng) và vô lượng thọ (tức là thọ mạng vô lượng). Không phải chỉ có đức A-di-đà mới có bản môn mầu nhiệm, mới có bản chất bất sanh bất diệt, mà tất cả chúng ta cũng đều có bản chất bất sanh bất diệt. Vì vậy chúng ta có thể tham dự đời đời vào công việc chế tác ánh sáng của đức A-di-đà và ánh sáng đó sẽ có mặt liên tục không bao giờ chấm dứt.

‘‘Xá Lợi Phất! Từ khi Bụt A-di-đà thành đạo đến nay tính ra là đã mười kiếp. Này nữa, Xá Lợi Phất, số đệ tử Thanh Văn đã đắc quả A La Hán của đức Bụt ấy nhiều vô lượng không thể đếm được bằng toán học. Số đệ tử bồ tát của ngài cũng đông đảo như thế.’’

Trên phương diện tích môn, từ khi đức Bụt A-di-đà thiết lập ra cõi Cực Lạc chỉ có mười kiếp thôi và Bụt A-di-đà đang biểu hiện như một Hóa thân. Và chúng ta thấy rằng tuy Hóa thân hay Ứng thân của đức A-di-đà mới thiết lập cõi Cực Lạc được mười kiếp, nhưng số đệ tử Thanh Văn đã đắc quả A La Hán của Ngài nhiều vô lượng không thể đếm được bằng toán học. Không thể dùng điện toán để đếm. Số đệ tử bồ tát của ngài cũng đông đảo như thế. Nghĩa là đức A-di-đà có đệ tử về phía Thanh Văn và cũng có đệ tử về phía Bồ tát. Dân chúng Tịnh Độ gồm những người tu theo đạo Bụt nguyên thỉ và những người tu theo đạo Bụt phát triển. Ở bên nào cũng đông đến nỗi các nhà toán học cũng không thể nào đếm hết được.

‘‘Này Xá Lợi Phất! Nước Bụt kia đã được xây dựng bằng những công đức đẹp đẽ như thế.’’

Những công đức đẹp đẽ như thế là những điều chúng ta đã được nghe trong những đoạn kinh vừa qua, như các hàng cây, các hồ sen có nước tám công đức, âm nhạc trên không, dân chúng có thì giờ để đi hái hoa cúng dường các vị Bụt, nấu cơm, ăn cơm, đi kinh hành, nghe chim hót, nghe thông reo, nghe thuyết pháp và dân chúng ở nước Cực Lạc rất đông. Tất cả những cái đó đều là những công đức và những cái đẹp mầu nhiệm của cõi Cực Lạc.

 

ĐẠO TRÀNG LÝ TƯỞNG ^

‘‘Này nữa Xá Lợi Phất! Tất cả những ai sinh về nước Cực Lạc đều có tư cách bất thối chuyển, trong số ấy có nhiều vị đã là bồ tát nhất sinh bổ xứ. Số lượng của các vị này đông đảo vô cùng, không thể dùng toán học mà kiểm đếm được, ta chỉ có thể dùng danh từ vô số A Tăng Kỳ để diễn tả mà thôi.’’

Trong kinh này, Bụt liên tiếp đưa ra những hình ảnh rất tích cực về nước Cực Lạc, và sau khi đưa ra những hình ảnh tích cực kia Bụt lại nói: ‘‘Còn nữa... này nữa...’’ Trong nguyên văn là: ‘‘Phục thứ Xá Lợi Phất!’’. Chúng ta dịch là ‘‘Này nữa Xá Lợi Phất!''. ''Này nữa Xá Lợi Phất! Tất cả những ai sinh về nước Cực Lạc đều có tư cách bất thối chuyển.’’  Bất thối chuyển có nghĩa là không còn bị sa đọa trở lại. Thối là đi lui; hễ sinh sang nước đó rồi thì chỉ đi tới thôi, không còn đi lui, không rơi rụng trở lại nữa, nghĩa là không rơi rụng trở lại trong cõi đau khổ, chìm đắm và hệ lụy. Tại sao?  Tại vì có một cái gì giống như một cái lưới đã được giăng ra làm cho mình có muốn rơi xuống cũng không rơi xuống nữa. Cái lưới đó là cái lưới gì mà giữ cho ta không sa đọa trở lại? Đức Thế Tôn sẽ cho chúng ta biết trong một đoạn kinh tiếp theo.

Bất thối chuyển nghĩa là không còn sa đọa trở lại. Những người nào sinh về cõi Cực Lạc đều có tư cách bất thối chuyển. Và trong số đó có nhiều vị bồ tát đã là nhất sanh bổ xứ. Bồ tát nhất sanh bổ xứ là bồ tát sẵn sàng được sinh ra một lần cuối để thành Phật. Muốn cõi nào thì đi về cõi đó để thành Bụt. Đức Thích Ca Mâu Ni trước khi sanh đã là bồ tát nhất sanh bổ xứ, sinh ra lần chót ở cõi Ta Bà và thành Bụt ở đây. Số lượng các vị này, tức là các vị bồ tát nhất sanh bổ xứ, đông đảo vô cùng, không thể nào dùng toán học để kiểm đếm được. Ta chỉ có thể dùng danh từ vô số A Tăng Kỳ để diễn tả mà thôi. A Tăng Kỳ có nghĩa là vô số. Chữ A tức là vô và Tăng Kỳ là số.

‘‘Xá Lợi Phất! Chúng sanh mọi nơi, khi nghe nói tới nước Cực Lạc đều nên phát nguyện sanh về nước ấy.’’

Đó là lời gởi gắm, nhắn nhủ và khuyên bảo của đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn khuyên rằng: Nếu quý vị được nghe nói đến cõi Cực Lạc thì nên phát tâm sanh về cõi đó. Và Thế Tôn đưa ra một lý do rất chính đáng:

‘‘Tại sao? Tại vì sinh về nước đó thì sẽ được sống chung và gần gũi với rất nhiều các bậc thiện nhân cao đức.’’

Trong kinh có rất nhiều câu hay nhưng câu này là câu hay nhất. Không phải là sinh về nước đó thì có vàng, bạc, ao, hồ, gió, các loại chim, các hàng cây hay các thứ đẹp đẽ khác mà bởi vì một lý do rất quan trọng. Nước này có một cảnh tượng rất đẹp: đó là nơi tụ họp của rất nhiều người dễ thương, rất nhiều bậc cao đức. Đó là lý do số một để chúng ta sinh về. Tại vì sinh về chỗ đó thì ta sẽ được sống chung và gần gũi với rất nhiều người dễ thương. Tuy Bụt Thích Ca không nói rõ nhưng chúng ta biết rằng Bụt A-di-đà là một người có khả năng rất lớn trong việc xây dựng tăng thân. Nếu đức Bụt A-di-đà không dễ thương thì đâu có ai muốn đến cõi đó để cộng tác và sống chung với Ngài. Vì đức A-di-đà dễ thương quá chừng, cho nên hầu hết tất cả những người dễ thương đều quy tụ về bên đó. Chìa khóa của sự thành công là quy tụ được những người dễ thương, những bậc thượng thiện nhân, về chỗ mình ở. Câu hội nhất xứ là đến cùng ở chung một chỗ. Chúng ta người nào cũng muốn được như đức Bụt A-di-đà. Khi chúng ta thiết lập một đạo tràng, một quê hương tịnh độ thì ta cũng muốn rằng tất cả những người dễ thương trên thế giới đều quy tụ về trú xứ đó để cùng cộng tác với chúng ta. Và ta biết trước rằng nếu ta độc tài, khó chịu và không biết sử dụng ái ngữ thì các bậc thiện nhân sẽ không tới. Vì vậy ta biết rằng đức Bụt A-di-đà là một người rất dễ thương, nghe tới đức Bụt A-di-đà và cõi nước của ngài ai cũng muốn đi tới để được cùng sống và gần gũi với những người dễ thương nhất trên đời.

‘‘Xá Lợi Phất! Chúng sanh mọi nơi, khi nghe nói tới nước Cực Lạc đều nên phát nguyện sanh về nước ấy. Tại sao? Tại vì sinh về nước đó thì sẽ được sống chung và gần gũi với rất nhiều các bậc thiện nhân cao đức.’’

Thiện nhân là những người có trái tim rất rộng, có những hạt giống rất lành trong tâm thức, chỉ muốn nghĩ điều lành, nói điều lành và làm điều lành thôi. Thiện nghĩa là tốt lành. Nhân phẩm của các vị thiện nhân là nhân phẩm cao đẹp cho nên gọi là thiện nhân cao đức. Trong cõi này, ta chỉ nghĩ tới những điều thiện thôi và tư tưởng của ta là tư tưởng thiện. Vì sao vậy? Vì hoàn cảnh chung quanh có nhiều điều kiện để tưới tẩm và đánh động tới những hạt giống lành ở trong ta. Ví dụ, khi nghe tiếng chim hót, thì được nhắc nhở những giáo lý Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần,... khi nghe tiếng gió reo qua đọt thông thì ta cũng được nghe pháp; sống giữa những người biết đi, đứng, nằm và ngồi trong chánh niệm thì ta cũng được đi, đứng, nằm và ngồi trong chánh niệm và tâm tư ta luôn luôn nghĩ đến điều thiện.

Buổi sáng nghĩ điều lành, buổi trưa nghĩ điều lành, buổi tối nghĩ điều lành, ta có một niềm vui. Sở dĩ tâm ý ta luôn luôn tương ứng với điều lành là do hoàn cảnh chung quanh rất thuận tiện. Chung quanh ta toàn là những người lành. Và tất cả những gì ta thấy và nghe ở chung quanh cũng đều có tác dụng tưới tẩm những hạt giống tốt đẹp ở trong ta, gọi là ý lành. Miệng lành, tức là những lời ta nói ra đều là lành. Ta không còn chửi mắng, vu khống, thêu dệt hay nói xấu. Vì mọi người đang học tập chánh pháp, do đó không ai có cơ hội để nghĩ và nói tới những điều không lành. Mỗi lời nói của ta đều có tác dụng làm cho êm dịu tâm tư và ban phát hạnh phúc cho những người ở chung quanh. Ở cõi Tịnh Độ không có ác ngữ mà chỉ có thiện ngữ. Và thân ta cũng vậy. Tất cả mọi người đều thực tập với tư cách của các vị bồ tát. Vì vậy nơi cõi Tịnh Độ, không có sự giết chóc lẫn nhau và không có sự ăn cắp. Ở cõi Tịnh Độ không có sát, đạo và dâm. Vì ở bên đó có những niềm vui rất lớn. Ở Tịnh Độ dân chúng thực tập giới cho nên không ăn thịt, không uống rượu và không sử dụng những thứ kích thích. Vì vậy người ta không phạm giới dâm dục, không phạm giới sát sanh, cũng không phạm giới trộm cắp. Những con người bên đó đều có lý tưởng cao vời, ai cũng muốn những chuyện đẹp thôi, tức là muốn thành lập Tịnh Độ. Sau khi đã ở Tịnh Độ với Bụt A-di-đà thì ta cũng muốn đi xây dựng một Tịnh Độ theo mô thức của nước Bụt A-di-đà. Tại vì ta là một vị bồ tát nhất sanh bổ xứ. Ta muốn về Việt Nam để làm Tịnh Độ, ta muốn về Phi Luật Tân để làm Tịnh Độ, ta muốn về Mỹ để làm Tịnh Độ...

‘‘Này nữa, Xá Lợi Phất, ở nước Cực Lạc có rất nhiều hồ thất bảo chứa đầy thứ nước có tám công đức, dưới đáy hồ toàn là cát vàng; bốn bên hồ có những lối đi làm bằng vàng, bạc, lưu ly và pha lê; phía trên các con đường ấy lại có vô số lâu đài, cũng được xây dựng và trang trí bằng các chất liệu vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu và mã não. Sen trong các hồ lớn như những chiếc bánh xe, sen xanh chiếu hào quang xanh, sen vàng chiếu hào quang vàng, sen đỏ chiếu hào quang đỏ, sen trắng chiếu hào quang trắng, hương sen tỏa ra vi diệu và tinh khiết. Xá Lợi Phất! Nước Cực Lạc được tô điểm bằng những cái đẹp như thế.’’

Trong đoạn kinh này ta thấy có danh từ nước tám công đức. Tám công đức đó là: trong trẻo sạch sẽ, thanh tịnh mát mẻ, có vị ngon ngọt, nhẹ nhàng mềm mại, thuần nhị mượt mà, yên ổn điều hòa, uống vào thì trừ được vô lượng quá hoạn như đói khát ..., uống xong thì chắc chắn có thể trưởng dưỡng được các căn.

‘‘Này nữa, Xá Lợi Phất! Ở nước Bụt ấy, người ta thường được nghe nhạc từ hư không vọng xuống. Đất được làm bằng vàng ròng. Mỗi ngày sáu lần có mưa hoa mạn đà la rơi xuống. Dân chúng nước ấy có thói quen buổi sáng lấy lẵng hứng đầy các bông hoa mầu nhiệm ấy để đem đi cúng dường các vị Bụt đang cư trú ở vô số các cõi Bụt khác. Đến giờ cơm trưa, mọi người đều về kịp nước mình để ăn cơm rồi đi kinh hành. Xá Lợi Phất, nước Cực Lạc đẹp tuyệt vời như thế đấy.’’

Chúng ta không biết những tiếng nhạc từ hư không vọng xuống là nhạc gì? Thiên nhạc. Chúng ta biết rằng mỗi buổi sáng thức dậy ở Xóm Thượng, Xóm Hạ hay Xóm Mới, nếu tâm hồn ta thanh tịnh thì ta sẽ thấy đất trời rất thơm. Tuy là im lặng nhưng như có âm nhạc ở trong không gian, rất thanh thoát và nhẹ nhàng. Tất cả những mùi hương, những âm điệu đó đều ở trong tâm ta thoát ra. Chúng ta không nhất thiết phải mua hoa ở chợ. Hoa đã có sẵn. Nếu chúng ta biết nhìn và thưởng thức thì sẽ thấy bất cứ cành hay lá nào cũng đều là hoa cả và những người cắm hoa giỏi không cần phải đi ra mua hoa ở chợ. Trong đoạn kinh này, ta nghe nói tới hoa, tới nhạc, tới chuyện đi thăm các vị Bụt để cúng dường, tới chuyện ăn cơm trưa và đi kinh hành, chúng ta tự hỏi: Ai nấu cơm? Nếu ăn cơm thì thế nào tám giờ sau cũng phải đi cầu. Ở Tịnh Độ có cầu tiêu hay không? Đó là những câu hỏi rất thực tế. Chùa Bảo Liên ở Hương Cảng ngày xưa có treo bốn câu thơ:

‘‘Hữu độ tức phi tịnh
  Ngôn thuyên hà sở vi?
  Phật thuyết nguyên vô ngã
  Thiền sư vấn thị thùy?’’

Hữu độ tức phi tịnh tức là nếu đã có một cõi nước thì làm sao mà cõi nước đó tịnh được?  Hễ có ăn cơm thì thế nào cũng phải đi đại tiện, có uống nước thì thế nào cũng có đi tiểu tiện. Trên Tịnh Độ cũng có phân và rác, nghĩa là không tịnh theo cách ta đã tưởng tượng.

‘‘Hữu độ tức phi tịnh
 Ngôn thuyên hà sở vi’’

dịch là:

 Có độ là không tịnh
 Lời nói dùng làm gì?

Sự diễn tả của lời nói là để làm gì? Hễ nói tới cõi nước thì không thể có tịnh được. Có cõi thì thế nào cũng có người, có người thì thế nào cũng có sự tiêu thụ, có sự tiêu thụ thì thế nào cũng có phân rác, thành ra không thể nào có độ mà không có bất tịnh. Có độ là không có tịnh. Lời nói của mình được dùng để làm gì? Mở miệng ra là bị mắc kẹt:

‘‘Phật thuyết ngôn vô ngã
  Thiền sư vấn thị thùy?’’

dịch là:

  Bụt đã dạy vô ngã
  Thiền sư là ai kia?

Bụt đã dạy rằng chúng ta vốn không có ngã. Vậy thì người được gọi là thiền sư đó là ai vậy?  Tại sao đã vô ngã rồi mà còn có cái ông gọi là thiền sư ? Thiền sư đó có phải là một cái ngã không?  Ngôn từ ta nói ra là có thể bị mắc kẹt. Đứng về phương diện Tịnh cũng vậy, mà đứng về phương diện Thiền cũng vậy. Ta đang còn kẹt vào ngôn từ. Hễ nói tới độ là không nói tới tịnh được, hễ nói tới vô ngã thì từ ngữ thiền sư không thể nêu lên. Thiền sư là một cái ngã. Do đó, khi đọc kinh ta phải quán chiếu. Có thể ta phải ăn cơm, uống nước, đi đại tiện, đi tiểu tiện, nấu cơm và rửa bát. Ăn cơm thì phải dùng bát đĩa, có bát đĩa thì thế nào cũng phải rửa bát đĩa. Mà rửa bát đĩa có dùng tới xà phòng không? Và thức ăn ở trên Tịnh Độ có dầu mỡ hay không? Tịnh hay không tịnh là tùy theo nhận thức của chúng ta. Ban đầu chúng ta đã nói tới tịnh là sự vắng mặt của ô nhiễm. Ô nhiễm của sự bận rộn, của tiền bạc, của quyền hành, của sự ganh tỵ, của sự lo lắng hay của sự sợ hãi. Ô nhiễm là những cái phân rác. Nếu biết cách chúng ta sẽ chuyển được phân rác thành ra hoa quả và rau trái để sử dụng hàng ngày. Vì vậy tịnh ở đây có nghĩa là không bị ô nhiễm bởi phiền não và danh lợi chứ không phải là vì có cầu tiêu, nhà tắm, có nấu ăn và chén bát cần rửa.

Ở đạo tràng Mai thôn, chúng ta phải đặt những câu hỏi như vậy. Đạo tràng Mai thôn có phải là một cõi Tịnh Độ hay không? Nếu sống trong một khung cảnh mà ta thấy có an ninh, có hiểu biết, có thương yêu và có khả năng chuyển hóa được những khổ đau, sợ hãi và vướng mắc thì ta biết rằng đó là khung cảnh của Tịnh Độ. Còn nếu ta không thấy những yếu tố an ninh, thương yêu, hạnh phúc và hòa điệu trong đó thì ta biết rằng đó không phải là một cõi Tịnh Độ mà là một Uế độ. Ta cũng thấy rằng ta có khả năng đóng góp hay phá hoại khung cảnh đó. Tịnh Độ là một nhu yếu rất lớn của tất cả mọi người trong xã hội chúng ta. Vì vậy, đọc kinh A-di-đà là một cơ hội để quán chiếu nhu yếu ấy và khám phá ra khả năng tạo dựng Tịnh Độ của mỗi chúng ta. Tại vì mỗi chúng ta đều là một vị Bụt A-di-đà tương lai, mỗi chúng ta đều có hoài bão muốn thiết lập Tịnh Độ cho chính ta và những người thân cận với ta.

‘‘Này nữa, Xá Lợi Phất! Ở nước Cực Lạc kia, thường có nhiều loại chim đủ màu rất kỳ diệu như Hạc trắng, Khổng tước, Anh vũ, Xá lợi, Ca lăng tần già và Cọng mạng... Những con chim ấy, sáu buổi mỗi ngày, thường hót lên những thanh âm hòa nhã: trong giọng hót của chúng, người ta nghe được tiếng diễn xướng các pháp môn ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát thánh đạo phần... Dân chúng trong nước nghe được những pháp âm như thế đều nhiếp tâm trở về thực tập niệm Bụt, niệm Pháp và niệm Tăng.’’

Trong đoạn văn này chúng ta thấy Bụt nhắc lại pháp môn trì niệm. Trì niệm là một pháp môn thực tập có từ hồi Bụt còn tại thế. Niệm Bụt, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí và niệm Thiên. Theo giáo lý của kinh A-di-đà, những người thường trú ở thế giới Cực Lạc cũng thực tập niệm Bụt, niệm Pháp và niệm Tăng. Niệm Bụt, niệm Pháp và niệm Tăng là để tiếp xúc được với Tam Bảo và khi tiếp xúc được với năng lượng của Tam Bảo thì ta được sống trong sự an ninh, vững chãi và thảnh thơi. Thử tưởng tượng những người ở trong cõi Cực Lạc mà không thực tập niệm Bụt, niệm Pháp và niệm Tăng: cõi Cực Lạc sẽ không còn là cõi Cực Lạc nữa. Tại sao? Tại vì ở đó sẽ không còn sự an ninh, vững chãi và thảnh thơi.

GIÓ CHIM THUYẾT PHÁP ^

S

 ở dĩ ta gọi cõi ấy là cõi Cực Lạc là tại vì dân chúng ở đó có thực tập chánh niệm và vẫn thường được nghe pháp thoại. Nếu có sự chú tâm thì khi những con chim hót lên, ta cũng nghe được pháp thoại và pháp thoại này có đủ ba mươi bảy phẩm trợ đạo, là tứ niệm xứ, tứ như ý túc, tứ chánh cần, v.v.. Sang bên đó ta vẫn còn nghe pháp thoại như ở đây và cũng sẽ được học những điều y hệt như ta đang được học trên cõi Ta Bà này, nghĩa là ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Chúng ta biết rằng đức A-di-đà là một vị thầy. Ngay trong giây phút này ngài đang thuyết pháp. Đức Bụt Thích Ca dạy:

 ‘‘Từ đây đi qua phương Tây, cách khoảng mười vạn ức cõi Bụt, có một thế giới gọi là Cực Lạc, trong cõi ấy có một vị Bụt tên là A-di-đà, hiện đang thuyết pháp.’’

Bụt A-di-đà đang thuyết pháp và những con chim bạch hạc, khổng tước, anh vũ, xá lợi, ca lăng tần già, và cọng mạng... cũng đang thuyết pháp và giọng hót của những loài chim đó rất hòa nhã. Những con chim này thay phiên nhau hót, một ngày sáu lần (trú dạ lục thời). Đó là công phu sáu thời. Ngày xưa trong sự tu tập người ta chia một ngày làm sáu phần gọi trú dạ lục thời. Trú là ban ngày, dạ là ban đêm. Khi hành trì phép sám hối của vua Trần Thái Tông thì chúng ta cũng sám hối sáu lần một ngày. Vua Trần Thái Tông sáng tác ra nghi thức sám hối này để tự hành trì, gọi là Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi, tức là khoa nghi để sám hối sáu lần trong một ngày. Chia sáu thời trong một ngày, đó là sự thực tập trong truyền thống. Những con chim này biết rằng dân chúng mỗi ngày đều thực tập sáu thời cho nên bắt đầu mỗi thời là hót lên, và trong khi chim hót lên thì ta nghe được tiếng pháp trong đó. Có thể khi chim hót thì đức A-di-đà ngừng thuyết pháp và khi đức A-di-đà thuyết pháp thì chim ngừng hót. Cũng có nghĩa là Bụt A-di-đà và cả các loài chim, cây và gió, khi mở miệng là chỉ thuyết pháp mà thôi.

Chung quanh ta cũng đang có rất nhiều loại chim. Nếu sống trong chánh niệm và tâm có định thì chúng ta cũng có thể nghe trong tiếng gió và tiếng chim có tiếng nói pháp. Tiếng nói pháp này có thể được xem như là tiếng nói pháp của đức Bụt A-di-đà hay là của những con chim ở cõi Cực Lạc. Nếu có niệm và định thì tất cả những gì chúng ta thấy và nghe trong đời sống hàng ngày đều là những bài pháp thoại. Một chiếc lá rụng, một bông hoa nở, một con chim bay ngang hay một tiếng chim hót đều là những bài thuyết pháp và người đang nói pháp là Bụt Tỳ Lô Giá Na, tức là Bụt pháp thân.

Chúng ta phân biệt ra ba thân của Bụt, tức là pháp thân, báo thân và hóa thân. Pháp thân là bản thể trong sáng bất sinh bất diệt. Báo thân là thân tướng tốt đẹp của những người đã tu học, đã tạo ra rất nhiều công đức. Và hóa thân hay ứng thân là cái thân bình thường của ta. Đức Thích Ca cũng có một thân như vậy, gọi là ứng thân hay hóa thân. Khi đức Bụt Thích Ca ngồi ở trên núi Thứu mà thuyết pháp thì đó là ứng thân Bụt hay hóa thân Bụt đang thuyết pháp. Ứng thân thì có khi ngủ, có khi thức dậy, có khi đi tắm, có khi đi ăn cơm. Còn pháp thân của Bụt thì lúc nào cũng có mặt để thuyết pháp. Vì vậy, nếu có chánh niệm thì chúng ta có thể nghe pháp bất cứ lúc nào trong tiếng gió, tiếng chim, trong khi cành trúc lay, bông hoa nở và người đang thuyết pháp là pháp thân của Bụt. Ứng thân hay hóa thân của Bụt thì chỉ nói tiếng người, còn pháp thân có thể nói tiếng chim, tiếng hoa, tiếng gió và tất cả mọi thứ tiếng. Đoạn kinh này cho chúng ta biết rằng nếu có niệm và định thì chúng ta có thể nghe pháp trong khi chim hót, thông reo và hoa nở. Pháp chúng ta đang nghe đó là pháp nguyên thỉ, nghĩa là tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc... và phương pháp niệm Bụt, niệm Pháp và niệm Tăng. Kinh đại thừa này chuyên chở giáo lý nguyên thỉ. Trong cõi Cực Lạc, dân chúng thực tập pháp môn nào? Thực tập ba mươi bảy phẩm trợ đạo và phương pháp niệm Bụt, niệm Pháp và niệm Tăng. Ta là thiền sinh giỏi thì đừng đợi đến giờ pháp thoại mới nghe thuyết pháp mà phải biết nghe pháp trong khi nhìn hoa nở, trong khi nghe thông reo, chim hót và khi ngắm trúc lay. Pháp thân của Bụt chưa bao giờ ngừng thuyết pháp. Trong bài Trường ca Avril, tôi có viết một câu: ‘‘Bông hoa vẫn chưa ngưng lời hát ca.’’ Câu này cũng có nghĩa như vậy: pháp thân của Bụt vẫn đang thuyết pháp. Ở Việt Nam, trong thời chiến tranh Việt-Pháp, có một thi sĩ trẻ tên là Quách Thoại. Quách Thoại cùng với Trụ Vũ đã từng sống ở chùa Giác Nguyên. Quách Thoại chết trẻ, để lại một bài thơ rất hay là bài Bông Thược Dược:

‘‘Đứng yên ngoài hàng dậu
Em mỉm nụ nhiệm mầu
Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu.’’

Bông thược dược đứng ở ngoài hàng rào và đang mỉm cười một cách mầu nhiệm. Có thể nhiều thiền sư cũng không làm thơ hay bằng thi sĩ trẻ này. Tại vì trong giây phút đó, thi sĩ may mắn tiếp xúc được với sự mầu nhiệm của bông hoa thược dược, thấy bông hoa thược dược là biểu hiện nhiệm mầu của pháp thân Bụt. Thấy bông hoa thược dược chưa bao giờ ngưng hát ca, chưa bao giờ ngưng thuyết pháp.

‘‘Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lạy cúi đầu.’’

Đứng trước một sự biểu hiện nhiệm mầu như vậy, tiếp xúc được với pháp thân của Bụt thì thái độ của ta chỉ là sụp lạy và cúi đầu trước bông hoa thôi. Tại vì bông hoa đó là pháp thân của Bụt. Năm 1966, trong khi đi diễn thuyết bên Úc, tôi có tá túc tại một tu viện Thiên Chúa giáo. Tôi đang ngồi ở ngoài sân cỏ thì có một bà sơ đem ra cho tôi một chén nước trà. Rồi bà rút lui để đi thỉnh chuông. Tôi ngồi yên trên bãi cỏ uống trà và làm được bài thơ Tiếng Gọi sau đây:

‘‘Sáng hôm nay,
 tới đây
 Chén trà nóng
 Bãi cỏ xanh
 Bỗng dưng hiện bóng hình Em ngày trước
 Bàn tay gió
 Dáng vẫy gọi
 Một chồi non xanh mướt
Nụ hoa nào
Hạt sỏi nào
Ngọn lá nào
Cũng thuyết Pháp Hoa Kinh.’’

Ngồi đó và an trú trong giây phút hiện tại, nên tôi thấy được một chồi cây xanh đang vẫy tay chào gọi. Đó là biểu tượng của pháp thân. Và khi thấy được sự mầu nhiệm đó rồi, ta nhận thấy rằng bất cứ nụ hoa nào, hạt sỏi và ngọn lá nào cũng đang thuyết pháp và đang thuyết pháp đại thừa, thuyết kinh Pháp Hoa.

Bàn tay gió
Dáng vẫy gọi
Một chồi non xanh mướt
Nụ hoa nào
Hạt sỏi nào
Ngọn lá nào
Cũng thuyết Pháp Hoa Kinh.

Bài thơ này, cũng như bài thơ của Quách Thoại, nói tới sự kiện pháp thân của Bụt hiện đang thuyết pháp. Nếu chúng ta chăm chú, sống có giới và có định thì chúng ta tiếp xúc được với pháp thân và được liên tục nghe thuyết pháp, chứ không phải cần bỏ băng giảng vào trong máy bấm nút rồi mới được nghe. Chúng ta có thể nghe pháp bất cứ lúc nào. Đọc đoạn kinh này, ta phải thấy được rằng ở cõi Cực Lạc, không những Bụt A-di-đà đang thuyết pháp mà chim chóc, hoa lá đều thuyết pháp cả. Và ta có thể thấy rằng Bụt A-di-đà cũng như chim chóc ở đây đều là biểu hiện của pháp thân. Chúng ta hãy cùng đọc lại:

‘‘Này nữa, Xá Lợi Phất! Ở nước Cực Lạc kia, thường có nhiều loại chim đủ màu rất kỳ diệu như hạc trắng, khổng tước, anh vũ, xá lợi, ca lăng tần già và cọng mạng... Những con chim ấy, sáu buổi mỗi ngày, thường hót lên những thanh âm hòa nhã: trong giọng hót của chúng, người ta nghe được tiếng diễn xướng các pháp môn ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát thánh đạo phần... Dân chúng trong nước nghe được những pháp âm như thế đều nhiếp tâm trở về thực tập niệm Bụt, niệm Pháp và niệm Tăng.’’

Một điều cần để ý là ở ngay đây, trong giây phút hiện tại, chúng ta cũng có thể thừa hưởng được những tiện nghi của cõi Cực Lạc. Nghĩa là ở đây chúng ta cũng có thông reo, hoa nở và cũng có đức A-di-đà. Những yếu tố hấp dẫn được nói đến trong kinh A-di-đà chúng ta đều đang có đủ. Chúng ta không cần đi đâu hết, không cần đợi tới sau khi chết rồi mới đi vào thế giới Cực Lạc.

‘‘Xá Lợi Phất, thầy đừng tưởng rằng các loài chim ấy đã được sinh ra trên căn bản nghiệp báo. Tại sao? Tại vì ở nước Bụt kia không có ba nẻo đường đen tối là địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Xá Lợi Phất! Ở nước ấy danh từ ác đạo mà còn không có, huống hồ là sự thực về ác đạo. Những con chim kia đã được Bụt A-di-đà biến hóa ra với mục đích là làm cho pháp âm được tuyên lưu rộng rãi trong xứ của ngài.’’

Bên nước Cực Lạc dân chúng không cần dùng máy video cassette, chỉ dùng chim thôi. Ở đây, chúng ta ngồi trong phòng và mở video cassette ra nghe pháp được, nhưng ra ngoài đi thiền hành, lắng nghe tiếng chim, tiếng suối, nghe thông reo hay nhìn hoa nở ta cũng có thể nghe thuyết pháp. Không có ngọn lá nào, hạt sỏi hay nụ hoa nào mà không đang thuyết pháp cả. Đứng về phương diện tích môn thì những con chim đó, những bông hoa, cành trúc và những đám mây đó đều có sinh diệt và luân hồi. Nhưng đứng về phương diện pháp thân thì tất cả đều là biểu hiện của pháp thân mầu nhiệm. Trong đạo Bụt đại thừa, tất cả những mầu nhiệm trong vũ trụ như trời xanh, mây trắng, trúc tím và hoa vàng đều là biểu hiện của pháp thân. Chúng ta hãy luôn luôn ý thức điều này.

 ‘‘Thúy trúc hoàng hoa phi ngoại cảnh
  Bạch vân, minh nguyệt hiện toàn chân.’’

(Trúc biếc, hoa vàng đều không phải là những cái gì bên ngoài. Trăng sáng, mây bay đều là biểu hiện của pháp thân.) Nhìn từ phương diện nghiệp thì tất cả đều do nghiệp báo mà hiện thành. Nhưng nhìn từ phía của pháp thân thì ta thấy tất cả đều là biểu hiện của pháp thân. Những con chim kia cũng vậy, về phương diện nghiệp báo thì thấy chúng là sản phẩm của nghiệp báo. Đứng về phương diện pháp thân thì chúng lại là biểu hiện mầu nhiệm của pháp thân, không sinh cũng không diệt. Có khi ta tự hỏi là không biết vì nghiệp báo nào mà ta phải sinh ra ở trên cõi đời này cho khổ? Những con chim, con ruồi, con muỗi, con nai và con cá kia do nghiệp báo nào mà phải sinh ra làm thân con chim, con ruồi, con muỗi, con nai hay con cá? Đó là câu hỏi từ phương diện nghiệp báo. Cũng những cảnh tượng đó, mà nếu ta bi lụy, sầu đau, nghi ngờ và giận hờn thì đó là biểu hiện cái quả của nghiệp báo. Còn nếu tâm ta nhẹ nhàng, an lạc và giải thoát thì tất cả những cái đó trở thành biểu hiện của pháp thân mầu nhiệm. Tất cả đều do nhận thức nơi ta. Những con chim này không hẳn là khác với những con chim mà mình thấy và nghe mỗi ngày. Đúng là những con chim đó, nhưng nếu tâm ta trong sáng, nhẹ nhàng, không có ganh tỵ, sợ hãi và kỳ thị, thì tự nhiên chúng trở thành những con bạch hạc, khổng tước, anh vũ, xá lợi, ca lăng tần già và cọng mạng... ở cõi Cực Lạc. Còn nếu tâm hồn ta đen tối, lo lắng, sợ hãi và kỳ thị thì chúng trở thành những con chim của nghiệp báo, của vô minh và khổ đau. Thực vậy, chúng ta muốn tiếp xúc với loài chim nào (chim của đức Bụt A-di-đà biểu hiện hay là chim của nghiệp báo) là tùy chúng ta. Ví dụ tiếng điện thoại hay tiếng chuông đồng hồ. Tiếng điện thoại có thể làm ta bực bội và lo âu, đó là tiếng điện thoại của nghiệp báo, của phiền não. Nhưng nếu ta làm như ở Làng Mai, tiếp nhận tiếng điện thoại là một tiếng chuông chánh niệm thì khi tiếng điện thoại reo lên, ta biết nhiếp tâm vào hơi thở, mỉm cười và làm cho thân tâm an lạc, thì tiếng điện thoại đó là do uy lực của đức A-di-đà sáng tác. Tiếng điện thoại có thể làm cho ta hồi hộp, lo lắng và sầu đau, mà cũng có thể làm cho ta có chánh niệm, giải thoát và tự do. Tùy theo cách tiếp nhận của ta. Tiếng chuông nhà thờ hay tiếng chuông chùa cũng vậy, có thể ta đang nghe tiếng chuông mà vẫn tiếp tục buồn tủi, khổ đau và giận hờn. Nhưng nếu biết phương pháp biến hóa của đức A-di-đà, thì ta cũng có thể chế tác ra được những tiếng chuông có bản chất thanh thoát và nhẹ nhàng. Khi nghe những tiếng chuông ấy tất cả các phiền não đều tan thành mây khói, bởi vì ta biết trở về với hơi thở và đem chất liệu của sự thảnh thơi và vững chãi đi vào trong tâm hồn ta. Vì vậy, tiếng chuông hay tiếng điện thoại cũng là sáng tạo phẩm của đức A-di-đà, của đức Thích Ca và của tăng thân. Ta cần sử dụng những âm thanh đó cho cuộc đời bớt khổ. Khi gặp nhau, chúng ta chắp tay lại thành búp sen để xá chào thì cử chỉ chắp tay đó không phải chỉ là lễ phép mà là sự thực tập chánh niệm. ‘‘Sen búp xin tặng người, một vị Bụt tương lai.’’  Khi thở vào, ta làm nên một đóa sen búp bằng hai bàn tay; khi thở ra, ta xá xuống người trước mặt. Trong thời gian làm như thế ta có an lạc và hạnh phúc. Vì vậy, chắp tay búp sen cũng là sáng tạo phẩm của Bụt A-di-đà, của Bụt Thích Ca, hay của tăng thân có mục đích đem lại an lạc và hạnh phúc cho tăng thân. Nếu chắp tay giống như một cái máy, không có niệm, không có định, không có tuệ, không có an lạc gì hết thì sự chắp tay ấy không đưa tới một an lạc nào. Vì ở đây, ta nghe trong tiếng chim có tiếng thuyết pháp, nên ta cũng biết rằng ta không cần đi đâu hết. Chỉ cần an trú trong hiện tại với tâm có niệm và có định là ta nghe được tiếng chuông mầu nhiệm, và tiếng chim đang thuyết pháp. Những tiếng chim hót ở cõi Cực Lạc, ở đây mình cũng có. Học kinh A-di-đà, ta phải thấy rõ điều này.


Mục lục | Phần 1 | Phần 2 | Phần 3 | Phần 4 | Bản dịch Kinh A-di-đà

 


Vào mạng: 1-4-2002

Trở về thư mục "Kinh điển"

Đầu trang