Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
GIẢNG GIẢI KINH A-DI-ĐÀ


BỤT TẠI MƯỜI PHƯƠNG ^

K

inh A-di-đà là một kinh Đại thừa, thuộc về nền Phật giáo phát triển. Đạo Bụt giống như một cây đại thọ và cũng là một thực tại sinh động. Bất kỳ một cái gì đang sống cũng phải lớn lên. Một cây đang sống thì ngày nào cũng cho thêm cành, lá; cành dài ra thêm, lá mọc nhiều thêm. Có cành mới, lá mới, hoa mới và trái mới thì cây đạo Bụt mới là một thực tại linh động, một cái gì đang sống. Vì vậy, mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm, đạo Bụt phải phát triển thêm. Đạo Bụt Đại Thừa là những hoa trái phát triển từ cội nguồn Phật giáo nguyên thỉ.

Mình không muốn Đạo Bụt là một cái xác khô nằm trong Bảo tàng viện mà là một thực tại sống động, mỗi ngày đều có thêm sức sống. Và vì vậy, mình phải chấp nhận rằng cây Phật giáo mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm phải có thêm cành mới, lá mới. Đạo Bụt phát triển không ngừng nhưng vẫn là Đạo Bụt như thường.

Kinh A-di-đà hiện giờ đang được đọc tụng ở khắp các chùa, dầu là chùa Thiền tông, vì kinh A-di-đà trình bày một giáo lý rất dễ thực tập. Những người không có căn trí lớn, những người không đủ Niệm, Định, Tuệ cũng có thể thực tập được kinh A-di-đà. Nói như vậy, không có nghĩa là những người có căn trí lớn thì không thực tập được. Tại vì kinh A-di-đà có thể được hiểu rất sâu, cũng có thể được hiểu rất cạn. Người hiểu sâu cũng có thể thực tập, người hiểu cạn cũng có thể thực tập. Vì vậy chúng ta cũng phải học kinh A-di-đà bằng một nhận thức hết sức cởi mở, bởi vì kinh A-di-đà là một giáo pháp có tính cách phổ biến. Người đại căn thực tập cũng được mà người căn trí nhỏ hẹp thực tập cũng được. Khi người có đại căn niệm "Nam mô A-di-đà Phật" hay là "Nam mô Bụt A Di Đà" thì sở kiến và sở đắc rất lớn lao. Khi người có căn trí nhỏ hẹp niệm câu "Nam mô A-di-đà Phật" thì tuy người ấy cũng có sở kiến và sở đắc nhưng có thể sở kiến và sở đắc ấy nhỏ bé hơn. Niệm Bụt, ta có thể đạt tới Niệm, Định và Tuệ rất cao. Ta cũng có thể niệm Bụt mặc dù năng lượng Niệm, Định và Tuệ chưa hùng hậu. Hiệu quả của câu niệm Bụt có thể lớn hay nhỏ. Đó là do cách hành trì của chúng ta. Hiệu quả lớn hay nhỏ là do Niệm và Định vững chãi nhiều hay ít

Trước khi đi vào kinh A-di-đà, chúng ta phải biết một vài chi tiết.

Thứ nhất, trong Đạo Bụt nguyên thỉ, phương pháp Niệm Bụt đã là một phương pháp rất quan trọng. Niệm Bụt, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí và niệm Thiên đều là những phương pháp thực tập có ngay trong thời Bụt tại thế. Phương pháp này được gọi là Tùy niệm, và ngay trong thời Bụt tại thế đã có nhiều người Phật tử thực tập Niệm Bụt. Đức Thế Tôn có vững chãi, có thảnh thơi, có từ bi, có hỷ xả, và mỗi khi nhớ tới đức Thế Tôn thì tự nhiên mình thấy trong người khỏe, có được tính vững chãi, tính thảnh thơi của đức Thế Tôn. Cho nên thời bấy giờ có nhiều người niệm Bụt. Người ta thường chắp tay và đọc: "Namo tassa bhagavato arahato sammà sambuddhassa" (Kính lạy đức Thế Tôn, bậc Ứng cúng, bậc Chánh biến tri). Bhagavato: Thế Tôn, Arahat: Ứng cúng, và Chánh biến tri là Sammà Sambuddhassa. Và sau đó, người ta tụng mười danh hiệu của đức Thế Tôn: ‘‘Đức Như Lai là bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Bụt, Thế Tôn. Trong trang 203 của quyển "Thiền Môn Nhật Tụng năm 2.000", quý vị sẽ thấy có bài "Xưng Tán Tam Bảo", bên trái là tiếng Hán Việt và bên phải là tiếng Pali.)

Họ đọc mười danh hiệu của đức Như Lai và họ hiểu được mười danh hiệu đó. Mỗi danh hiệu tượng trưng cho một đức tính, một năng lượng của Như Lai. Khi đọc lên các danh hiệu đó thì ta đã thấm được một ít năng lượng và thấy trong người có thêm vững chãi và thảnh thơi. Tiếng Pali: "Iti pi so Bhagavà: Araham, Sammà-sambuddho, Vijjà-carana-sampanno, Sugato, Lokavidu, Anuttaro purisà-damma-sàrathi, Sattha-deva manussànam, Buddho, Bhagàvati." Ngày xưa, người ta niệm Bụt như vậy, và niệm Bụt là để có sự vững chãi, thảnh thơi, an lạc. Người ta còn niệm Pháp, niệm Tăng và niệm Giới... Vì thế, niệm Bụt là một pháp môn chính thống ở trong truyền thống Phật giáo ngay từ ban đầu. Theo nguyên tắc của pháp môn niệm Bụt thì trước hết hành giả phải nghĩ rằng Bụt là một thực tại ngoài mình. Ngài đang cư trú ở tu viện Kỳ Viên hay trên núi Thứu. Khi niệm Bụt như vậy, tự nhiên mình tiếp xúc được với sự thảnh thơi và vững chãi, với chất liệu Từ, Bi, Hỷ và Xả trong con người của mình. Khi ta bắt đầu thực tập Niệm Bụt, thì Bụt là một thực tại ở ngoài, nhưng từ từ Bụt trở thành một thực tại vừa ở trong, vừa ở ngoài. Tại vì trong tâm thức của ta cũng có những hạt giống của vững chãi và thảnh thơi, của Từ, Bi, Hỷ, Xả, của Ứng cúng, của Chánh biến tri, của Minh hạnh túc... như Bụt. Khi ta niệm Bụt như vậy, ta tiếp xúc được vừa với thực tại của Bụt ở ngoài và vừa với thực tại của Bụt ở trong tâm. Nếu ta giỏi thì ta nhận thức ra rất sớm rằng Bụt luôn luôn có mặt trong tâm ta. Nhờ đó nên khi Đức Thế Tôn qua đời, ta không còn than khóc nữa. Ta biết rằng Bụt luôn luôn ở trong ta. Ngài không bao giờ mất. Nguyên tắc chỉ đơn giản như vậy thôi.

Đối với người vừa mới thực tập niệm Bụt thì Bụt là một thực tại ở ngoài. Nếu người ấy thực tập cho sâu sắc thì Bụt trở nên một thực tại ở trong tâm. Và vì vậy, dù Bụt ở Tịnh Độ hay Bụt ở ngoài Tịnh Độ thì Ngài vẫn có mặt trong tâm ta và trong tâm của ta vẫn thường có Tịnh Độ. Các thầy sau này đã nói rằng Bụt A-di-đà có mặt trong tâm mình và Tịnh Độ cũng có mặt ngay ở trong tâm mình. Đó gọi là "Duy tâm Tịnh Độ". Ý niệm - Tịnh Độ là một thực tại ở ngoài, nằm về phương Tây - đó chẳng qua chỉ là ý niệm ban đầu. Nếu thực tập giỏi thì ta sẽ thấy sâu hơn rằng Bụt A-di-đà và cõi Tịnh Độ không phải chỉ nằm ở phương Tây mà còn nằm ở trong tâm mình và ở cả mọi phương. Như vậy, cả người thực tập giỏi lẫn người thực tập chưa giỏi đều đạt tới kết quả, nhưng đối với người tu tập giỏi thì kết quả rất lớn, còn người tu tập chưa giỏi thì kết quả chỉ vừa vừa.

 

TỊNH NHIỄM DO TÂM ^

T

rong Đạo Bụt nguyên thỉ có kinh Đại Thiện Kiến Vương. Kinh này cũng có trong tạng Pali. Đọc kinh này, ta thấy khung cảnh rất giống khung cảnh kinh A-di-đà ở trong truyền thống Bắc Phạn. Trong kinh này cũng có nói đến "Thất trùng lan thuẫn, thất trùng la võng, thất trùng hàng thọ,..." và ‘‘hoa sen lớn như bánh xe’’. Cảnh tượng giống hệt như cảnh Tịnh Độ ở kinh A-di-đà.

Hồi đó Bụt sắp tịch, thầy trò đang đi lên miền Bắc. Có lẽ Bụt muốn trở về thành Ca Tỳ La Vệ để nhập diệt, nhưng khi tới được thành Câu Thi Na thì Bụt nghĩ rằng mình nhập diệt nơi đây cũng được. Đây chỉ là một thành phố nhỏ. Thầy A Nan yêu cầu Ngài đừng nhập diệt ở đây, đợi tới một thành phố nào thật đẹp mới nên nhập diệt. Đó là chiến thuật của Thầy A Nan. Thầy muốn Bụt chậm nhập diệt giờ phút nào thì quý giờ phút đó. Thầy A Nan thưa: "Bạch Đức Thế Tôn, thành phố Kusinagara này nhỏ xíu, phần nhiều nhà cửa được làm bằng nền đất tường vôi. Đức Thế Tôn đừng nhập diệt ở đây. Đức Thế Tôn, xin Ngài đợi đến một thành phố nào lớn hơn và đẹp hơn rồi hãy nhập diệt." Bụt cười và nói: "Thầy đừng tưởng rằng thành phố này không đẹp. Ngày xưa, thành phố này đã từng là một Tịnh Độ. Ta đã từng ở thành phố ấy." Và Đức Thế Tôn tả cho Thầy A Nan nghe về những nét đẹp đẽ, phồn vinh và hạnh phúc của quốc độ Câu Thi Vương ngày xưa của vua Đại Thiện Kiến. Những điều này đã được ghi chép trong kinh Đại Thiện Kiến Vương - Kinh số 68 của bộ Trung A Hàm. Quý vị sẽ thấy là trong kinh A-di-đà cũng có những chi tiết giống hệt kinh Đại Thiện Kiến Vương.

Trong tạng Pali, kinh này tên là Mahàssudarsana, nằm trong Trường bộ số 17. Kinh có ghi lời thưa của thầy A Nan: "Bạch đức Thế Tôn, có những thành phố lớn khác như thành Vương Xá, Xá Vệ, Ba La Nại,... Tại sao đức Thế Tôn không nhập diệt nơi các thành phố ấy mà Ngài lại quyết định nhập diệt ở nơi thành phố nhỏ hẹp này - một thành phố nhỏ hẹp nhất trong các thành phố?"

Đức Thế Tôn nói: "Này A Nan, Thầy đừng nói rằng đây là một thành phố nhỏ hẹp. Thuở quá khứ, thành Câu Thi Na này có tên là Câu Thi Vương, giàu có cùng tột, dân chúng đông đúc. A Nan, thành Câu Thi Vương dài mười hai do diên, rộng bảy do diên. Ở đây, người ta đã dựng lên các tháp cao bằng một người, hai, ba, bốn cho đến bảy người. Này A Nan, thành Câu Thi Vương ở bên ngoài có bảy lớp hàng rào bao bọc, rào được xây bằng gạch với bốn loại châu báu là vàng, bạc, lưu ly, thủy tinh; bảy lớp hào thì được rãi bằng cát với bốn lớp châu báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh.

Này A Nan, Câu Thi Vương được bao bọc bởi bảy lớp tường thành. Ở ngoài các lớp tường thành ấy, cũng được xây dựng bằng bốn lớp châu báu vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Này A Nan, thành Câu Thi Na cũng được bao bọc bởi bảy lớp cây đa la. Các cây ấy được dựng bằng bốn lớp châu báu; cây đa la bằng vàng thì hoa, lá, trái bằng bạc; cây đa la bằng bạc thì hoa, lá, trái bằng vàng; cây đa la bằng thủy tinh thì hoa, lá, trái bằng lưu ly và hoa, lá, trái bằng thủy tinh thì cây đa la bằng lưu ly.

Này A Nan, khoảng giữa cây đa la có đào những ao hoa. Trong các ao ấy có trồng các loại thủy hoa như hoa sen xanh, hoa sen đỏ, hoa sen trắng, hoa sen hồng. Bờ ao hoa ấy có đắp bốn loại châu báu là vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Ở đây, ao hồ trải cát bằng bốn loại châu báu vàng, bạc, lưu ly, thủy tinh. Trong các ao ấy, có thềm cấp bằng bốn loại châu báu vàng, bạc, lưu ly và thủy tinh. Này A Nan, các ao ấy được màn che ở dưới, có chuông lắc ở giữa, bốn loại châu báu là vàng, bạc, lưu ly, thủy tinh; chuông bằng bạc thì quả lắc bằng vàng và chuông bằng vàng thì quả lắc bằng bạc."

Nói tóm lại, ở trong kinh này, ta thấy có những chi tiết về những vẻ đẹp của Tịnh Độ. Các vị Tổ sư đã có nhiều tác phẩm chú giải kinh A-di-đà và nhiều tác phẩm diễn giải rất sâu sắc. Chúng ta có thể thừa hưởng được những bộ sách diễn giải đó.

Ở Làng Mai, chúng ta hãy học hỏi và thực tập kinh A-di-đà theo phương pháp thiền quán hiện pháp lạc trú để đừng bị chìm đắm, dù là chìm đắm trong những lý thuyết thậm thâm vi diệu. Chúng ta học hỏi và áp dụng kinh A-di-đà trong đời sống tu tập hàng ngày của chúng ta, học hỏi và thực tập như thế nào để có hạnh phúc, an lạc, vững chãi và thảnh thơi, để Đức A-di-đà và cõi Tịnh Độ có thể có mặt trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Vì vậy, trong những buổi giảng về kinh A-di-đà, tôi sẽ không sử dụng những tác phẩm diễn giảng của các vị Tổ sư đi trước. Chúng ta hãy học kinh A-di-đà bằng nhãn quan mới, chúng ta nhìn giáo lý của kinh A-di-đà bằng cách nhìn của đạo Bụt nguyên thỉ.

Ta nên biết rằng niềm ao ước sâu xa nhất của con người là tìm ra được môi trường sống có an ninh, tình thương và sự hiểu biết. Tất cả chúng ta đều mong ước có một môi trường như vậy. Các đức Bồ tát, các đức Thế Tôn cũng thấy được ước muốn của chúng ta và của mọi loài chúng sanh. Cho nên, bất cứ ai mà thực tập một cách thông minh và vững chãi đều nghĩ tới sự thành lập những môi trường như vậy, để mình tự nuôi dưỡng mình, và để mình có thể nuôi dưỡng những người khác. Vì vậy ý hướng thành lập Tịnh Độ là tâm niệm của tất cả những người tu học. Trong chúng ta, người đã tu lâu năm hay người mới tu cũng vậy, ai cũng ao ước thiết tha là làm thế nào để lập ra một khung cảnh trong đó chúng ta được sống có thầy, có bạn, có an ninh, được che chở, được thương yêu và có điều kiện đi tới trên con đường thành tựu đạo nghiệp và chuyển hóa khổ đau.

Kinh A-di-đà cũng nằm trong viễn tượng đó. Đức A-di-đà là người đã từng tu học và cũng đã có ước vọng đó, nên Ngài đã tạo ra một khung cảnh có an toàn, có tình thương, có những điều kiện để thực tập. Người chủ trương Tịnh Độ là Bụt A-di-đà, khung cảnh có tên là Cực Lạc. Chúng ta, ai cũng ôm ấp ước muốn ấy. Chúng ta cũng muốn lập ra một khung cảnh để an trú, để có nơi đón tiếp những người bạn của mình, những người thương của mình, mời họ đến đó để cùng chung sống, cùng tu học, cùng hưởng được sự có mặt của vững chãi, thảnh thơi, tình thương và sự an lạc. Tuy nuôi dưỡng tâm niệm đó, nhưng có khi chúng ta không có nhiều may mắn. Chúng ta chỉ lập ra được một cơ sở, rồi chúng ta bị mắc kẹt và chạy theo cơ sở ấy. Chúng ta mất hết thì giờ để xây dựng cơ sở, nhưng chúng ta lại không tạo ra được một nội dung cho cơ sở đó. Nghĩa là tạo ra được sự an lạc, hòa hợp và thanh tịnh của một Tăng thân. Nếu ta không tạo được một khung cảnh có nội dung như vậy, thì ta chỉ là người làm nô lệ cho khung cảnh mà thôi. Chúng ta phải chạy kiếm tiền để tiếp tục duy trì và phát triển cái vỏ của những cơ sở ấy, rốt cuộc ta không có thì giờ để chăm sóc cho bản thân ta và cho những người đến với ta. Từ khởi điểm thì bản nguyện ta cũng cùng bản chất với bản nguyện của đức A-di-đà, nhưng sau đó chúng ta bị lầm lạc - lầm lạc đi sang một nẻo khác, đó là nẻo làm chùa. Việc làm chùa khiến chúng ta trở thành một người bận rộn nhất trên đời. Ta mất hết thảnh thơi, mất hết an lạc và bản hoài ban đầu của ta, ta không thực hiện được. Xây dựng và kiến thiết Tịnh Độ là hoài bão của tất cả chúng ta. Nhưng ta phải khéo léo lắm mới xây dựng được một Tịnh Độ, nếu không, ta sẽ đánh mất bản thân của ta. Trú xứ ta xây dựng phải có chất liệu an tịnh ta mới gọi nó là Tịnh Độ được. Khung cảnh mà chúng ta muốn tạo lập ra phải có chất liệu "Tịnh" của nó. Tịnh tức là không có sự ô nhiễm. Sự ô nhiễm nào? Trước hết, ta gọi tên nó là sự bận rộn. Chúng ta bận rộn quá, bận rộn về chuyện đi cúng, làm đám và xây cất. Chúng ta đâu có thì giờ để tu học, đâu có thì giờ chăm sóc cho nhau, đâu có thì giờ thương nhau. Có sự bận rộn là không có tịnh, tức là nhiễm. Cõi của ta là Uế độ, không phải Tịnh Độ. Chúng ta để tiền bạc thống trị chúng ta, chúng ta để tiền bạc và quyền lực của nó chi phối chúng ta. Ở trong khung cảnh đó, người nào cũng muốn làm lớn, cũng muốn có uy quyền với những người khác, người nào cũng muốn có tiền bạc. Cõi đó đâu còn là cõi Tịnh Độ nữa. Vì trong khung cảnh đó, ta chỉ thấy có sự ganh tỵ, giận hờn và sợ hãi. Tất cả các yếu tố ấy đều là bất tịnh. Những gì làm ô nhiễm môi trường thì ta gọi là bất tịnh. Ban đầu thì tâm chúng ta rất tốt; ta muốn tạo ra một cõi Tịnh Độ. Nhưng vì thiếu khéo léo, thiếu chánh niệm mà chúng ta đã tạo ra một cõi Uế độ. Bận rộn là yếu tố làm hư hoại sinh môi của chúng ta, làm ô nhiễm môi trường sống của chúng ta. Ô nhiễm tiếng Pháp là pollution. Khi tới một đạo tràng, như Đạo tràng Làng Mai, chúng ta thử hỏi Đạo tràng Mai Thôn có ô nhiễm không? Nơi đó có chuyện tranh giành quyền bính không? Người ta có suốt ngày lo chuyện tiền bạc, người ta có bận rộn về chuyện tổ chức quá không? Người ta có thì giờ để tu học, người ta có thì giờ để thương nhau, để chăm sóc cho nhau không? Người ta có ganh tỵ, giận hờn và sợ hãi nhau không? Người ta có sống an lạc không? Tất cả những câu hỏi đó ta có thể trả lời được. Nhờ sự tu tập, nhờ sự quyết tâm của ta mà ta giữ được khung cảnh thanh tịnh - khung cảnh của sự không ô nhiễm. Đó là Tịnh Độ. Cõi của ta có thể là Tịnh Độ hay Uế độ, điều đó tùy thuộc theo tâm niệm của những người sống ở trong cõi đó. Chúng ta có quyền và có khả năng tạo ra một Tịnh Độ để sống với nhau, chăm sóc nhau, thương yêu nhau, giúp cho nhau tu học và chuyển hóa. Chúng ta cũng có quyền tạo ra một Uế độ, trong đó sự giành giật, sự ganh tỵ, sự sợ hãi, tiền bạc và quyền lực đóng vai trò then chốt.

Khi đọc kinh A-di-đà, ta nghe nói cõi Tịnh Độ (Sukhavati) là do đức A-di-đà sáng tạo ra bằng bốn mươi tám nguyện lực của ngài. Kinh A-di-đà có nói về dân chúng của Tịnh Độ, và về sinh hoạt hàng ngày của những người trong cõi Tịnh Độ. Sáng sớm, những người trong nước có thì giờ lấy lẵng vải đi nhặt hoa trên trời rơi xuống để đem cúng dường các vị Bụt và Bồ tát ở các cõi nước khác. Họ đi bằng thần thông, nên sau khi viếng thăm và cúng dường hoa cho các vị Bụt và các vị Bồ tát ở nước khác rồi mà về vẫn còn dư thì giờ để ăn trưa. Ăn trưa xong thì đi thiền hành.

Những điều mình ưa thích nhất trong kinh, mình có thể kể ra. Mỗi khi có gió nhẹ thổi qua, các hàng cây xao động. Từ trong tiếng xao động của lá cành, nếu lắng tai, mình có thể nghe được tiếng thuyết pháp về Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần, Bát thánh đạo phần và Tứ thánh đế. Và bay liệng giữa hư không có những loài chim mầu nhiệm. Khi mình lắng nghe tiếng hót của các loài chim ấy, mình cũng nghe được pháp âm của các đức Như Lai. Kinh không nói đến một cách trực tiếp hay đầy đủ về phần đóng góp của dân chúng mà chỉ nói đến thần lực của đức A-di-đà trong việc tạo ra một cõi Tịnh Độ. Thật ra, trong một khung cảnh sinh hoạt, tất cả những người tham dự đều có bổn phận đóng góp. Nếu mình biết sống an lạc và thảnh thơi như những người đang sống ở Tịnh Độ, có thì giờ lắng nghe tiếng gió trong cây, nghe tiếng chim, đi nhặt hoa cúng dường, ăn cơm và đi kinh hành, tức là mình đã đóng góp được vào việc kiến thiết Tịnh Độ rồi.

Dầu đức A-di-đà có thảnh thơi cách mấy, có vững chãi cách mấy, có thương yêu cách mấy, mà những người vãng sinh về cõi A-di-đà vẫn còn bận rộn, vẫn còn tập quán bước đi như bước trên than hồng, vẫn chưa nói được với nhau những lời ái ngữ thì cõi đó chưa thể gọi là một cõi Tịnh Độ được cả. Hãy tưởng tượng trong cõi Tịnh Độ có một người đang đi như bị ma đuổi, hãy tưởng tượng trong cõi Tịnh Độ có một người đang nói với người khác bằng giọng trách móc, chua chát. Cõi Tịnh Độ tan biến liền lập tức. Tịnh Độ là một sáng tạo phẩm cộng đồng của đức A-di-đà và của dân chúng trong nước đó. Vì vậy, tịnh hay không tịnh, tịnh nhiều hay tịnh ít, điều đó không phải chỉ do đức A-di-đà mà còn do dân chúng trong cõi ấy nữa. Khung cảnh mà ta tạo ra ở Âu châu, ở Việt Nam hay ở Hoa Kỳ để cho một số người về tu học cũng vậy, không phải chỉ là sáng tạo phẩm của người đứng ra thành lập mà là sáng tạo phẩm chung của tất cả những người đã tới bằng bước chân thảnh thơi, bằng nụ cười hiền hậu, bằng cái nhìn bao dung, bằng lời nói ái ngữ của họ. Như thế là mình cùng chung sức tạo ra một cõi Tịnh Độ, trong đó mọi người được sống an ninh trong tình thương và sự hiểu biết. Cho nên Tịnh Độ phải là một sáng tạo phẩm cộng đồng mà không phải chỉ là sáng tạo phẩm của một người, dầu người đó là một người có nhân cách vĩ đại như đức Bụt A-di-đà. Ta hãy tưởng tượng một người chưa biết đi thiền hành, bây giờ sanh sang bên kia và tiếp tục chạy như bị ma đuổi. Đức A-di-đà sẽ gọi người ấy đến và nói: "Con hãy tới đây, Thầy dạy cho con cách đi thiền hành". Cố nhiên bên Tịnh Độ có rất nhiều vị giáo thọ, và đức A-di-đà có thể dặn dò các vị giáo thọ kiên nhẫn dạy phép thiền hành, phép theo dỏi hơi thở và ăn cơm chánh niệm cho những người vừa mới sanh về cõi Tịnh Độ. Một ngày có không biết bao nhiêu là người sanh về Tịnh Độ, nhiều lắm, mà chắc chắn là đức A-di-đà có đủ số giáo thọ để lo dạy dỗ và hướng dẫn cho họ.

Nói như vậy để làm gì? Nói như vậy là để chúng ta thấy rằng: dù đang ở trong cõi Ta Bà, chưa sinh về cõi Tịnh Độ, nhưng nếu chúng ta đi được từng bước vững chãi và thảnh thơi, nếu chúng ta biết sử dụng ái ngữ, biết thương yêu nhau và đùm bọc cho nhau, thì Tịnh Độ đã có thể có mặt ngay tại đây rồi, và chuyện gia nhập vào cõi Tịnh Độ của đức A-di-đà trở thành một chuyện rất dễ. Vì nếu ngay ở đây ta đã được có Tịnh Độ rồi thì đi đâu cũng là Tịnh Độ cả. Mình không thể lấy Tịnh Độ ra khỏi con người của mình được, mình ở đâu là Tịnh Độ ở đó, vì Tịnh Độ ở ngay trong tâm mình. Và vì đã quyết tâm thực hiện Tịnh Độ cho mình và cho người, nên đi tới đâu là ta có Tịnh Độ ở đó. Tịnh Độ là sáng tạo phẩm cộng động của mình với những người tham dự. Và càng thực tập, ta càng thấy rõ ràng rằng đức A-di-đà và cõi Tịnh Độ là những sáng tạo phẩm của Tâm.

KHỔ VUI TƯƠNG TÁC  ^

V

ào thời Lý - Trần, Thiền tông ở Việt Nam rất vững chãi. Đời Trần, pháp môn Niệm Phật đã trở thành quan trọng. Tuệ Trung thượng sĩ và vua Trần Thái Tông đã tu thiền. Nhưng hai người đã bắt đầu thấy được sự quan trọng của pháp môn Tịnh Độ. Cho nên Trần Thái Tông đã nói về Tịnh Độ và Tuệ Trung thượng sĩ cũng đã nói về đức A-di-đà.

Chúng ta hãy nghe tổ tiên của chúng ta nói về Tịnh Độ. Trước hết, vua Trần Thái Tông, trong tác phẩm Khóa Hư Lục - đây là một tác phẩm của vua Trần Thái Tông viết về Thiền - đã viết:

"Niệm Phật là do tâm phát khởi, tâm phát khởi về nẻo Thiện thì đó là thiện niệm, thiện niệm đã phát khởi thì thiện nghiệp sẽ đền bồi. Tâm phát khởi về nẻo Ác thì đó là ác niệm, ác niệm đã sinh thì ác nghiệp sẽ ứng nghiệm. Như kính hiện ảnh, như bóng theo hình. Cho nên Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ nói: Ai mà vô niệm, ai mà vô sanh?’’

Đó là ý niệm căn bản về sự thực tập. Vua Trần Thái Tông nói tất cả đều do tâm. Nếu tâm niệm mình Thiện thì hành động của mình và nếp sống của mình sẽ là Thiện và mình sẽ được đền bồi bởi điều Thiện. Và nếu tâm mình khởi ác niệm thì con người mình và hành động của mình sẽ là Ác. Ác nghiệp đưa tới những hậu quả không có hạnh phúc. Và vì vậy, khi tâm mình lấy đức A-di-đà và Tịnh Độ làm đối tượng, thì Niệm đó thành ra Thiện Niệm, mà có Thiện Niệm là có sự đi lên, tức là có hạnh phúc.

Chúng ta hãy nghe vua nói tiếp: "Nay hành giả muốn khởi Chánh niệm để dứt Tam nghiệp thì cũng cần mượn công phu Niệm Phật. Vì sao? Vì niệm Phật là dứt trừ được Tam nghiệp. Khi niệm Phật, thân ngồi ngay thẳng, không hành tà đạo, đó là dứt thân nghiệp. Miệng tụng chân ngôn (tức là danh hiệu Bụt), không nói lời tà ngữ, đó là dứt trừ khẩu nghiệp. Ý duy trì tinh tấn mà không khởi tà niệm, đó là dứt trừ ý nghiệp." Đây là những giải thích rất đơn giản của vua Trần Thái Tông. Khi niệm Bụt, thân mình ngồi ngay thẳng, không làm những tà nghiệp, miệng mình không nói những lời ác độc, ganh tỵ thì cái đó cũng gọi là thiện niệm của thân và khẩu nghiệp. Ý của mình không nghĩ đến chuyện ganh đua, sợ hãi, tham đắm và vì vậy, ý nghiệp của mình cũng thiện. Thân, khẩu, ý đều hướng về nẻo thiện, đó là kết quả của sự niệm Bụt. Và như vậy theo vua Trần Thái Tông, niệm Bụt cũng là một hình thức của sự tập Thiền. Tại vì trong khi tập Thiền, thân khẩu ý đi vào đường chính. Vua lại nói: "Tuy nhiên, có ba trình độ trí giả. Đối với bậc thượng trí, tâm chính là Phật, không cần thêm gì vào, chủ thể niệm và đối tượng niệm là một, không phải là hai thực thể tách rời nhau. Đối tượng và chủ thể niệm vốn bản nhiên thanh tịnh. Vì thế nên nói rằng như như bất động là Phật thân. Pháp thân và thân ta không phải là hai hình tướng khác nhau, nó tịch nhiên thường tồn, vượt ngoài mọi tư duy, nên gọi là Phật đang sống.’’

Ở đây, vua Trần Thái Tông nói về ba căn trí hay ba trình độ Niệm Bụt. Đối với bậc thượng trí - bậc cao nhất, thì Bụt không phải là một thực thể ở ngoài, mà nằm ngay trong tâm mình. "Đối với bậc thượng trí, tâm chính là Bụt, không cần thêm gì vào, chủ thể niệm và đối tượng niệm là một không phải là hai thực thể tách rời nhau.’’ Năng niệm và sở niệm là một, tất cả đều ở trong tâm, và đối với bậc thượng trí, Tịnh Độ là Duy tâm Tịnh Độ, và A-di-đà là bản thể vắng lặng, trong suốt của tự tâm.

Tổ tiên của chúng ta đã thấy được như thế. Nếu niệm Phật mà niệm theo kiểu thượng thừa đó, thì Phật không phải là một thực tại bên ngoài nữa mà Phật ở trong tâm. Năng niệm và sở niệm (chủ thể Niệm Bụt và đối tượng là Bụt) không chia cách. Tuệ Trung thượng sĩ, tên là Trần Quốc Tung, anh ruột của tướng Trần Hưng Đạo, cũng đã làm một bài kệ bốn câu như sau:

Di Đà vốn thật pháp thân ta
Nam, Bắc, Đông, Tây khắp chói lòa
Trăng thu ngự giữa trời cao rộng
Đêm lặng trùng dương rạng chiếu xa.

Vua Trần Thái Tông và Tuệ Trung thượng sĩ là hai cây đuốc sáng của Thiền học đời Trần. Cả hai đều có nói về Tịnh Độ và cái thấy của họ rất chín chắn. Đối với những vị này, đức A-di-đà cũng như cõi Tịnh Độ không phải là những thực tại nằm ngoài không gian mà là một thực tại nằm ngay trong tâm. Và đức A-di-đà, trước hết đối với Tuệ Trung thượng sĩ, là pháp thân của chính ta:

Tâm nội Di Đà tử mạc khu
Đông, Tây, Nam, Bắc pháp thân chu
Trường không chỉ kiến cô luân nguyệt
Sát hải trừng trừng dạ mạn thu.

Pháp thân (Dharmakaya) là pháp thân của chính mình. Tất cả chúng ta, người nào cũng có nhục thân và người nào cũng có Pháp thân. Pháp thân của chúng ta là đức A-di-đà. Đó là một thực tại, không phải là một ý niệm, nó nằm trong không gian, nó có trong thời gian. Nếu nó là Pháp thân của chính ta, thì nó không phải chỉ có mặt ở phương Tây thôi, mà còn có mặt ở phương Nam, phương Bắc và phương Đông nữa - "Nam, Bắc, Đông, Tây khắp chói lòa". Đây là vượt thoát ý niệm "Tùng thị Tây phương quá thập vạn ức Phật độ". "Tây" là một ý niệm. Nếu đức A-di-đà là Pháp thân của mình rồi, thì đâu có phải "cõi Tịnh Độ chỉ nằm ở phía Tây". Nó cũng nằm ở phía Nam, phía Bắc, phía Đông, nó nằm ngay trong tâm mình - cùng khắp chói lòa. Nghĩa là chỗ nào cũng có mặt Ngài. A-di-đà là ánh sáng - là vô lượng quang, là vô lượng thọ, nên cõi Tịnh Độ cũng có khi gọi là "Thường tịch quang" - cõi Tịnh Độ thường tịch quang luôn luôn có ánh sáng, ánh sáng đó không bao giờ bị ngưng lại, luôn luôn chiếu sáng, nên Bụt cũng gọi là Vô lượng quang hoặc Vô lượng thọ. Chân tâm của mình là pháp thân của mình, nó vắng lặng, nghĩa là không bị ràng buộc bởi những ý niệm và danh từ . Tịch ở đây nghĩa là sự im lặng của tất cả mọi ngôn từ và ý niệm. Và chỉ có ánh sáng thường trực nên gọi là Thường tịch quang. Vậy thì đức A-di-đà, cũng như cõi Tịnh Độ, là ánh sáng chiếu soi cùng khắp. Ánh sáng là Pháp thân của mình. Đây là lời tuyên bố của Tuệ Trung thượng sĩ về A-di-đà và cõi Tịnh Độ: ‘‘Phật A-di-đà và cõi Tịnh Độ là ánh sáng của pháp thân, không bị ngăn cách bởi không gian và thời gian.’’ Và cả hai câu sau đây là hai câu của thi sĩ muốn dùng hình ảnh trăng và biển để làm cho rõ thêm. Thi sĩ phải dùng hình ảnh làm cho rõ lên điều mình muốn nói:

Trăng thu ngự giữa trời cao rộng
Đêm lặng trùng dương rạng chiếu xa.

Trên kia có trăng và dưới này có biển lớn. Đi tới đâu ta cũng thấy bóng trăng chiếu xuống. Đứng tại nơi này cũng thấy bóng trăng, đi tới một trăm cây số nhìn xuống cũng còn thấy bóng trăng. Bóng trăng ở khắp nơi, nghĩa là ánh sáng của trăng thu này không bị ngăn cách bởi không gian và thời gian, giống như pháp thân A-di-đà trong ta luôn luôn có mặt không chỉ ở phương Tây mà ở khắp nơi. Trùng dương là biển rộng. Vì biển lặng nên mình thấy trăng thu có mặt khắp nơi. Đó là hình ảnh mà thi sĩ dùng để diễn tả cái pháp thân A-di-đà của ta. Đó là quan niệm về A-di-đà và Tịnh Độ của bậc thượng trí.

Bây giờ ta hãy nói đến quan niệm của bậc trung trí. Chúng ta trở về với lời tuyên bố của vua Trần Thái Tông: "Đối với bậc trung trí, tất cả đều cần mượn đến phương pháp Niệm Phật, chuyên tâm tinh cần, niệm trước nối tiếp niệm sau, không vong thất, gián đoạn, tự tâm thành ra thuần thiện. Thiện niệm được hiện thì ác niệm liền tiêu, ác niệm đã tiêu thì chỉ còn lại thiện niệm. Dùng thiện niệm để ý thức đến sự có mặt của khái niệm và dùng khái niệm để diệt trừ khái niệm. Khái niệm đã diệt, tất nhiên hành giả trở về với chánh đạo. Khi mạng chung thì ta đạt tới niềm vui Niết bàn. Thường, Lạc, Ngã, Tịnh vốn chính là chất liệu Niết bàn của Bụt vậy."

Đối với bậc thượng trí, A-di-đà là Pháp thân của mình và Tịnh Độ cũng nằm trong Pháp thân đó. Đối với bậc trung trí thì hành giả phải thực tập tinh chuyên niệm Bụt, niệm trước nối tiếp niệm sau không vong thất, không gián đoạn. Và niệm Bụt trước hết là niệm cái tâm của mình, trở về với tâm mình trong giây phút hiện tại. Bụt A-di-đà và cõi Tịnh Độ là đối tượng của Niệm. Mình phải mượn hình ảnh của Bụt A-di-đà, hình ảnh của ánh sáng, hình ảnh của một cõi không ô nhiễm bởi danh lợi, sân si, phiền não làm đối tượng của Niệm. Vì niệm bao giờ cũng phải niệm một cái gì. Niệm là nhớ. Niệm có chủ thể niệm và đối tượng niệm. Và niệm đó phải là niệm liên tục. Đối với bậc thượng căn, thượng trí thì không cần niệm. Tại vì A-di-đà vốn là pháp thân của mình, cõi Tịnh Độ vốn là pháp thân của mình. Nhưng đối với bậc trung trí chưa thấy được A-di-đà là tâm của mình, thì cần phải thực tập niệm để trở về với giây phút hiện tại, và đối tượng của giây phút hiện tại là đức A-di-đà và cõi Tịnh Độ. Bậc trung trí luôn luôn nổ lực để duy trì chánh niệm để chánh niệm có mặt liên tục. Nhờ sự thực tập liên tục đó mà một ngày kia, khi đã được thuần thục, ta sẽ đạt tới chỗ vô niệm - nghĩa là không còn niệm nữa mà A-di-đà và cõi Tịnh Độ vẫn hiện tiền. Bậc trung trí luôn luôn duy trì thiện niệm, do đó ác niệm không sanh. Tại vì khi mà đức A-di-đà và cõi Tịnh Độ còn tiếp tục có mặt trên ý thức của mình thì những phiền não không có môi trường và cơ hội để sinh khởi. Thiện niệm miên mật ngăn được tà niệm, đó là sự thực tập của bậc trung trí.

"Đối với bậc trung trí, cần mượn đến phương pháp Niệm Phật, chuyên tâm tinh cần niệm trước nối tiếp niệm sau không vong thất, gián đoạn, khiến tự tâm thành ra thuần thiện, đưa hành giả trở về với chánh đạo". Lúc đó hành giả từ nơi niệm trở về với vô niệm nghĩa là không cần phải niệm nữa mà ánh sáng của Bụt A-di-đà vẫn hiện ra ở nơi tâm mình.

"Đối với bậc hạ trí, miệng phải chuyên niệm lời Bụt, tâm phải mong thấy tướng Bụt và phải nguyện sanh về nước Bụt. Ngày đêm siêng năng tu hành không thối chuyển, sau khi mạng chung, tùy thiện niệm của mình mà sanh về nước Bụt. Sau đó, được nghe chánh pháp do chư Phật giảng dạy mà cũng chứng được quả vị Bồ đề. Đây là sự thực hành Tịnh Độ của bậc hạ trí."

Hạ trí thì dùng cả thân, khẩu, ý để niệm Bụt nghĩa là phải niệm Bụt bằng miệng và tâm phải mong thấy tướng Bụt. Vì sao? Bậc hạ trí chưa có trí tuệ lớn để có thể thấy được đức A-di-đà và Tịnh Độ chính là pháp thân của mình. Bậc hạ trí nghĩ rằng đức A-di-đà và cõi Tịnh Độ là ở phương Tây và phải sử dụng danh hiệu "Nam mô Bụt A Di Đà" hoặc "Nam mô Tây phương Cực Lạc thế giới đại từ, đại bi A-di-đà Phật". Họ phải sử dụng âm thanh niệm Bụt, phải nương vào hình ảnh của Bụt để có thể quán tưởng. Tại vì người sơ cơ cần có những hình ảnh và âm thanh làm điều kiện để duy trì chánh niệm. Và đối tượng của chánh niệm là Bụt A-di-đà và cõi Tịnh Độ ở phương Tây.

Như vậy, bậc thượng trí tu theo thượng trí, bậc trung trí tu theo trung trí, bậc hạ trí tu theo hạ trí, tu tập theo bậc nào thì có lợi ích theo bậc đó. Do đó kinh A-di-đà đáp ứng được cho cả ba trình độ tu tập, cho nên mình đừng bắt buộc người khác phải thực tập Tịnh Độ giống hệt như mình. Đây là điều hết sức tế nhị. Mình không có quyền nói rằng phương pháp thực tập của tôi mới đúng, còn phương pháp thực tập của anh là sai. Ta phải biết rằng mọi phương pháp tu tập chỉ là phương tiện đưa người thực hành đi tới với Tịnh Độ, hay đi tới với sự an toàn và hạnh phúc. Và mỗi người đi tới với Tịnh Độ tùy theo căn trí của mình. Căn trí đã khác nhau, người thì bắt đầu từ chỗ này, người thì bắt đầu từ chỗ kia. Vì vậy, nhận thức của mình về sự thực tập Tịnh Độ phải là một nhận thức rộng rãi mới được. Đạo Bụt có tám mươi bốn ngàn pháp môn; nếu may mắn thì mình tìm ra được một trong các pháp môn ấy và sự thực tập đem lại cho mình hạnh phúc.

Ta hãy cẩn thận đừng nói chỉ có pháp môn của ta mới đúng còn các pháp môn khác là không đúng. Nói như vậy là không hợp với tinh thần đạo Bụt. Vì vậy giáo lý Tịnh Độ có thể nói là một hình thức thực tập của Thiền. Tịnh có thể là Thiền mà Thiền cũng có nghĩa là Tịnh. Đứng về phương diện Thiền ta có thể thấy rằng Tịnh Độ là một thực tại có mặt ngay trong giây phút hiện tại. Khi mình bước đi những bước chân vững chãi và thảnh thơi, khi hơi thở của mình đưa lại sự vững chãi, thảnh thơi và đem lại an lạc thì Tịnh Độ hiện tiền ngay trong giây phút này. Vì vậy, mình không thấy sự khác biệt giữa Thiền và Tịnh. Khi sử dụng âm thanh để niệm Bụt, sử dụng hình ảnh để quán chiếu về Bụt mà ta có được một ít năng lượng Chánh niệm và Tam muội thì lúc đó Thiền đang có mặt trong ta. Như vậy Thiền và Tịnh chỉ khác nhau ở danh từ mà không khác nhau ở bản chất. Ta cần có cái nhìn tương tức như thế khi đi vào kinh văn:

"Đây là những điều tôi đã được nghe Bụt nói vào một thời Người còn cư trú ở tu viện Cấp Cô Độc, trong vườn cây của Thái tử Kỳ Đà." Đó là lời của Thầy A Nan. "Hồi đó cùng ở bên Bụt có một ngàn hai trăm năm mươi vị khất sĩ, trong đó có những vị A La Hán đệ tử lớn của Bụt mà ai cũng biết đến như các thầy Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Ca Diếp, Ca Chiên Diên, Câu Hy La, Ly Bà Đà, Châu Lợi Bàn Đà Già, Nan Đà, A Nan Đà, La Hầu La, Kiều Phạm Ba Đề, Tân Đầu Lô Phả La Đọa, Ca Lư Đà Di, Kiếp Tân Na, Bạt Câu La và A Nậu Lâu Đà."

Tất cả những tên gọi này chúng ta đều có tiếng Phạn ở trong bản tiếng Anh. Nếu có thể được, thì quý vị hãy tìm hiểu về từng người, tại vì trong kinh có ghi chép về từng vị. Chúng ta nghe tên quý vị nhưng chúng ta cũng phải biết sơ lược công hạnh của sự thực tập, cũng như bản tính của từng người. Hiện nay, chúng ta đã có những cuốn sách nói về quý thầy, và khi đọc những cuốn sách đó, chúng ta có một ít nhận thức về tánh tình, sự hành trì và trí tuệ của từng người. Sự hiểu biết như vậy là rất quý!

"Lại cũng có mặt các vị Bồ tát đại nhân như Văn Thù, A Dật Đa, Càn Đà Ha Đề, Thường Tinh Tấn, và rất nhiều các vị Bồ tát lớn như thế, cùng với chư thiên như Thích Đề Hoàn Nhân, nhiều đến vô lượng, đều cùng có mặt."

Tất cả những danh từ đó, chung và riêng, chúng ta có thể học hiểu thêm từ những tác phẩm chú giải.

"Lúc bấy giờ Bụt gọi thầy Xá Lợi Phất và bảo: Từ đây đi qua phương Tây, cách khoảng mười vạn ức cõi Phật, có một thế giới gọi là Cực Lạc, trong cõi ấy, có một vị Bụt tên là A-di-đà, hiện đang thuyết pháp."

Chúng ta biết rằng kinh này thuộc về loại kinh "vô vấn tự thuyết" nghĩa là tuy không có ai hỏi cả mà Bụt tự nhiên nói ra. Bụt Thích Ca giới thiệu đức A-di-đà và cõi nước Cực Lạc nằm về phía Tây. Nằm về phía Tây, nghĩa là lúc đó Bụt ngồi tại tu viện Cấp Cô Độc và Ngài chỉ về phía Tây của Ngài. Nếu lúc ấy ta ngồi ở bên kia bán cầu thì Tịnh Độ lại nằm ở phương Đông của ta. Chỉ điều đó thôi cũng đủ cho chúng ta thấy rằng ý niệm Tây, Đông là không quan trọng.

Bây giờ chúng ta hãy tìm đọc câu kinh định nghĩa về Cực Lạc: "Này Xá Lợi Phất, đất nước ấy vì sao gọi là Cực Lạc? Bởi vì dân chúng trong nước ấy không biết khổ là gì, chỉ hưởng thụ mọi thứ an lạc, cho nên cõi ấy được gọi là Cực Lạc." Nếu ta hiểu được câu kinh này thì ta khỏi cần học thêm kinh nào nữa hết. Câu kinh ấy trong văn hệ chữ Hán như sau: "Kỳ độ chúng sanh, vô hữu chúng khổ, đản thọ chư lạc, cố danh Cực Lạc." Đây là định nghĩa về Cực Lạc. Chúng sanh ở trong cõi nước đó không biết khổ là gì, chỉ hưởng thụ hạnh phúc mà thôi. Vì vậy, cõi đó gọi là cõi Cực Lạc. Câu kinh này có thể được xếp loại vào các kinh văn "bất liễu nghĩa". Bất liễu nghĩa là chưa đạt tới cứu cánh. Tôi còn nhớ ngày xưa ở Phật học đường Báo Quốc có một học tăng tên là Viên Giác, bổn sư của Thầy Tịnh Từ, viện trưởng tu viện Kim Sơn bây giờ. Hồi đó là mùa thi lên lớp. Sau khi làm bài rồi thì đến lượt thi vấn đáp. Thầy Viên Giác được gọi tên, các học tăng khác ngồi dưới. Hôm đó thi kinh A-di-đà. Các thầy giáo thọ còn hỏi lại: Cực Lạc nghĩa là gì? Thầy Viên Giác hơi có tự ái, tại vì cho rằng mình đã học lên trung học rồi mà các thầy giáo thọ còn bắt mình định nghĩa thế nào là Cực Lạc. Thầy Viên Giác không vui và thầy nói liều: ‘‘Cực là cực khổ, Lạc là hạnh phúc.’’ Chữ "Cực" có nghĩa là rất; Cực Lạc là rất sung sướng chứ không phải là cực khổ và sung sướng. Vì tự ái nên thầy đã trả lời như vậy, chứ không phải là thầy không hiểu nghĩa chữ Cực lạc. Các thầy giáo thọ đều thấy điều đó, nên ai cũng cười.

Khi đọc câu kinh này, mình thấy được lòng từ bi của đức Thế Tôn. Vì sao? Vì trong chúng ta, ai cũng muốn trốn chạy khổ đau, tìm tới một cõi không có khổ đau. Phần lớn chúng ta đều là những người nhát gan, đều là những người yếu đuối, chúng ta ai cũng sợ đau khổ, chúng ta ai cũng chạy trốn đau khổ, ai cũng muốn đi tìm tới một cõi không có khổ đau. Đó là tính người. Bụt thấy được điều đó, nên Bụt nói: "Có một cõi không có khổ đau, chỉ toàn là hạnh phúc."  Nghe như thế, chúng ta tỉnh người ra và vễnh hai tai lên nghe. Thi sĩ Chế Lan Viên viết như thế này:

   ‘‘Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh
    Một vì sao trơ trọi cuối trời xa
    Để nơi ấy tháng ngày tôi lẫn tránh
    Những ưu sầu, đau khổ với buồn lo.’’

Thi sĩ ưu sầu, đau khổ, buồn lo nhiều quá đi, nên bây giờ muốn đi tới một vì sao, xa bao nhiêu cũng được, nơi mà ông có thể trốn chạy được những ưu sầu, đau khổ và buồn lo ấy trong cuộc sống hiện tại.

Tội nghiệp cho thi sĩ quá! Trong khi đó, với sự quán chiếu của tương tức, không thể có cái gọi là vui mà không đi theo cái gọi là khổ. Cũng như vậy, không thể nào có cái rác nào mà lại không thể biến thành hoa, cũng không thể nào có cái hoa nào mà lại không biến thành rác. Cũng như cái bên phải và bên trái. Nếu không có bên phải thì làm gì có bên trái, nếu không có bên trái thì làm gì có bên phải. Cái khổ với cái vui cũng vậy thôi. Mình đi tìm một cõi mà trong đó chỉ có cái vui mà không có khổ, đó có phải là một không tưởng không? Ở đây, đức Thế Tôn có muốn hiến tặng cho chúng ta một cái không tưởng hay không? Nếu chúng ta không biết đói là gì, thì khi ăn cơm chúng ta sẽ không có hạnh phúc. Sở dĩ ăn cơm mà có hạnh phúc là vì chúng ta đã biết đói là gì. Hãy tưởng tượng một người chưa bao giờ biết đói. Người đó có ăn cái gì đi nữa, thì cũng không có hạnh phúc. Những người chưa bao giờ bị rét thì không thấy được cái hạnh phúc của người được mặc áo ấm, hoặc những người chưa bao giờ nếm mùi địa ngục thì không thể nào thấy được giá trị của Thiên đường. Rõ ràng là nếu chúng ta không biết khổ là gì thì chúng ta không thể nào biết vui là gì. Vì vậy, một cõi không có khổ mà chỉ có vui là một cõi hoàn toàn không tưởng. "Dân chúng trong nước đó không biết khổ là gì, chỉ hưởng thụ mọi thứ an lạc, nên cõi ấy được gọi là Cực Lạc." Câu đó có phải là một câu kinh "liễu nghĩa" hay không, hay là một câu kinh quyền nghĩa? Cho nên câu kinh này là một câu kinh có thể làm cho chúng ta mất ngủ.

Chúng ta có thể đi sâu vào câu kinh này để giải thích rằng cái Lạc của cõi Tịnh Độ không phải là cái Lạc tương đối mà là cái Lạc tuyệt đối, vượt thoát ra khỏi cái vui khổ tầm thường, nhưng điều đó cũng chỉ nằm trong phạm vi triết học và lý luận. Cũng như nói là: "Thiên hạ đua nhau nói khổ vui, có chi là khổ, có chi vui" rồi kết luận: "thà rằng đừng khổ cũng đừng vui." Đừng khổ, đừng vui mới là cái vui tuyệt đối, nói như vậy cũng chỉ là lý thuyết thôi. Sự thật có những người trong chúng ta rất sợ đau khổ, có những người nghĩ rằng có thể chạy trốn đau khổ, đi tìm tới một chỗ không có đau khổ. Ta biết họ đang khao khát như vậy, nên ta mới thiết lập phương tiện để hiến tặng cho họ một tia hy vọng, nói rằng có một cõi không có đau khổ mà chỉ thuần là hạnh phúc thôi, đó là cõi Cực lạc.

Sư em Kính Nghiêm có một đứa em gái tên là Ánh, mười hai tuổi. Nó tới Làng Mai và tuyên bố một câu động trời: "Con muốn sống ở một nơi mà buổi sáng có hạnh phúc, buổi trưa có hạnh phúc, buổi chiều có hạnh phúc." Theo ý nó thì chỉ có Làng Mai mới được như vậy thôi. Nếu ở lâu tại Làng Mai chừng ba, bốn tháng thì nó sẽ biết hạnh phúc ở chỗ là tuy mình có đau khổ nhưng nếu mình biết chuyển hóa đau khổ thì hạnh phúc sẽ có mặt. Cái khổ ở bên cạnh nhắc mình nhận diện ra hạnh phúc cũng ở bên cạnh. Nếu không có cái khổ đó thì mình không biết được là hạnh phúc đang có mặt. Do đó cõi Cực Lạc của chúng ta, nếu quả thực là một cõi Cực Lạc đúng theo nghĩa của nó, thì phải có những dấu hiệu của khổ đau để người ta được nhắc nhở rằng: Anh đang được hạnh phúc. Có rất nhiều người đang ở Thiên đường nhưng không biết là họ đang ở Thiên đường, tại vì họ không biết hoặc chưa biết khổ đau là gì.

Xin đại chúng hãy tổ chức pháp đàm về câu kinh này. Đọc câu kinh này, trước hết ta thấy được lòng từ bi của Bụt. Bụt thấy rằng con người yếu đuối, con người đau khổ, con người muốn chạy trốn khổ đau và Bụt nói rằng có một cõi, nơi ấy chỉ có hạnh phúc thôi, không có đau khổ. Đây là một Hóa Thành (a magic city) - một thành phố do nhà ảo thuật biến hiện ra để cho đoàn người, sau bao nhiêu ngày đi mệt mỏi, có một chỗ để mà nghỉ ngơi. Sau thời gian nghỉ ngơi, đoàn người đó có khả năng lên đường trở lại - đây là một hình ảnh trong kinh Pháp Hoa. Một đoàn người đang đi kiếm châu báu. Sau bao nhiêu tuần lễ trèo non, lặn suối, đoàn người đó mệt nhoài và trong tâm có người muốn thoái lui. Vị Đạo sư - người dẫn đường - nói rằng: "Các người cố gắng đi, gần đây có một thành phố. Nếu chúng ta đi thêm bốn, năm giờ nữa thì chúng ta sẽ tới thành phố đó thì chúng ta sẽ được nghỉ ngơi, ăn uống, tắm rửa. Khi nghe như vậy, đoàn người có năng lượng thêm và họ đi thêm được bốn, năm giờ. Sau đó, người lãnh đạo dùng phép thần thông của mình biến hiện ra một thành phố gọi là Hóa Thành. Hóa tức là biến hiện. Tất cả những người kia thấy thành phố liền tìm nơi đi rửa chân, rửa mặt, tắm rửa, ăn uống, nằm ngủ. Sáng mai thức dậy, thì thành phố đó biến mất, vì thành phố đó chỉ là một hóa thành.

Tôn giáo, nói chung, có mục đích là để an ủi con người, để làm dịu bớt những đau khổ của cuộc sống, hứa hẹn một nếp sống ít đau khổ, nhiều an lạc. Vì vậy tôn giáo hay cống hiến cho chúng ta một cái gọi là Thiên đường và cho chúng ta nuôi một niềm hy vọng. Đạo Bụt cũng có thể được diễn tả như là một tôn giáo, nhưng sự thật đạo Bụt không phải chỉ là một tôn giáo. Đạo Bụt còn là một nền đạo đức có nhiệm vụ đáp ứng lại những nhu yếu đích thực của con người. Và bản hoài của đức Thế Tôn là đưa ra những biện pháp cụ thể, giúp con người chuyển hóa khổ đau, đạt được an lạc. Đó là cái chính. Nhưng con người còn có những nhu yếu khác, nhu yếu bám víu vào một niềm tin, nhu yếu chạy trốn khổ đau. Có những người không đủ khả năng tu tập để chuyển hóa khổ đau, họ chỉ muốn chạy trốn khổ đau để tìm tới an lạc thôi. Vì vậy, đạo Bụt cũng phải tạo tác ra những phương tiện và những câu giải đáp cho những người đó. Đạo Bụt không phải dành riêng cho bất cứ ai. Bậc thượng căn, thượng trí không bị bỏ đã đành; bậc trung căn, trung trí không bị bỏ đã đành, mà bậc hạ căn, hạ trí cũng không bị bỏ. Cho nên chúng ta có thể hiểu được câu kinh này. Chúng ta thấy được lòng từ bi bao la của đức Thế Tôn trong câu kinh này. Ban đầu chúng ta nói câu kinh này không phải là một câu kinh liễu nghĩa, tại vì nếu là liễu nghĩa thì nó phải chứa đựng tuệ giác tương tức, nghĩa là không có cái này thì không có cái kia. Nếu chúng ta nhìn sâu hơn nữa vào những nhu yếu của con người, những nhu yếu đa dạng của con người, thì chúng ta có thể hiểu được câu kinh này và câu kinh có thể được nhận thức là liễu nghĩa.


Mục lục | Phần 1 | Phần 2 | Phần 3 | Phần 4 | Bản dịch Kinh A-di-đà

 


Vào mạng: 1-4-2002

Trở về thư mục "Kinh điển"

Đầu trang