Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Xin giới thiệu tài liệu về Tứ ân trong Phật giáo
Thành Trúc hỏi; Thích Giác Hoàng trả lời

Câu hỏi:

Chúc Thành đang tìm bài Tứ Ân để đọc. Không biết tìm đâu ra, mong sự chỉ dẫn.

Thành thật cảm ơn.

Một ngày vui.

Thành Chúc. 

Trả lời:

Chúc Thành mến,

Truớc nhất, GH xin thay mặt Ban HTPH xin gởi lời cầu chúc sức khỏe và tinh tấn đến Chúc Thành. Giờ GH xin ngỏ lời “tâm sự” đến Chúc Thành về đề tài “Tứ Ân” và những vấn đề liên hệ.

Ðề tài nầy làm cho GH bối rối một chút, vì biết rằng không dễ tìm ra tài liệu cụ thể để giới thiệu đến với bạn đọc. Ngày nào tụng Kinh cũng đọc văn phát nguyện “thượng báo tứ trọng ân, hạ tế tam đồ khổ…”, rồi thỉnh thoảng đọc lại Quy Sơn Cảnh Sách như để tự nhắc nhở mình, cứ nghe văng vẳng lời của Ngài Ðại Viên “phù xuất gia giả … dụng báo tứ ân,…”, “…diệc nãi thù báo tứ ân, bạt tế tam hữu..”,”…bất khả đẳng nhàn quá nhật… diệc nãi cô phụ tứ ân”, còn nhiều bài Sám trong các thời công phu trong truyền thống Trung Quốc, nhấn mạnh đến công hạnh của người xuất gia là để đền đáp bốn ơn  nặng và cứu vớt ba đường khổ, thế mà khi bắt tay tra khảo lại các bài viết về tứ ân thì thấy không nhiều! Cho tới nay theo chỗ GH phát hiện trên các diễn đàn Phật Pháp dưới dạng trang Web chưa có bài nghiên cứu nào cụ thể mang tựa đề “Tứ Ân” cả, mà phần lớn khai triển một  hoặc hai trong tứ ân thôi.

Có lẽ khái niệm “tứ ân” được đưa vào và phát triển mạnh trong văn học Trung Quốc sau khi Đức Phật vào vô dư niết-bàn, . Không biết có đúng không, nhưng GH cũng không tìm thấy khái niệm “bốn ân” trong Kinh điển Pàli. Dựa vào Kinh điển  và những tác phẩm sớ giải cũng như văn học sử Phật giáo Pàli, chúng ta thấy Đức Phật thường dạy các vị Tỳ-kheo thường tu tập tâm Từ và Bi đến tất cả chúng sanh trong mỗi lúc, thỉnh thoảng nhắc đến công ơn cha và mẹ trong trường hợp có thể cho một vài vị cư sĩ. Điều này chúng ta có thể hiểu vì tình thương yêu rộng lớn của Đức Phật đối với mọi chúng sanh, không hề sanh tâm phân biệt gia đình, chủng tộc, màu da, sắc tóc, vượt khỏi biên giới đối đãi của con người. Với Phật nhãn, Ngài nhìn khắp chúng sanh ai cũng đã từng là cha là mẹ, là thân nhân nhiều đời nhiều kiếp của Ngài. Với tâm đại bi đồng thể, Ngài thương yêu tất cả chúng sanh mà không hề vướng mắt trong đối đãi biên giới, quốc độ của kiếp người.

Như GH đã nói ở trên, khái niệm “bốn ân” có thể là đặc thù của Phật giáo Trung Quốc. Chúng ta có thể hiểu được vì tinh thần hiếu đễ, tôn quân, ái quốc ở Trung Quốc quá mạnh, các nhà truyền giáo Phật giáo đã vận dụng các khái niệm “hiếu đễ” có mặt trong hệ A-hàm và khái quát hoá để tương thích với các quan niệm văn hoá của xã hội đương thời. Điều này không những giương cao tinh thần hiếu đạo của người con đối với gia đình và các mối quan hệ hỗ tương trong xã hội như trong hệ thống của Phật giáo.

Từ Ðiển Phật Học Hán Việt[1] (tập II), trang 1726 đưa ra hai quan điểm về Tứ Ân. Theo Kinh Tâm Ðịa Quán, bốn ơn gồm có: 1. Ơn cha mẹ; 2. Ơn chúng sanh; 3. Ơn quốc vương; 4. Ơn Tam Bảo. Theo Thích Thị Yếu Lãm, bốn ơn gồm có: 1. Ơn cha mẹ; 2. Ơn Sư trưởng; 3. Ơn quốc vương; 4. Ơn thí chủ. Như vậy bốn ơn của 2 thuyết mặc dầu cách dùng từ và sắp xếp có khác, nhưng tựu trung vẫn giống nhau cơ bản. Tuy nhiên, Kinh Tâm Ðịa Quán trình bày tứ ân rộng hơn. Vì ơn chúng sanh bao hàm luôn cả ơn thí chủ. Ơn Tam Bảo bao hàm luôn nghĩa ơn Sư trưởng. Do đó theo cách hiểu GH thì chúng ta nên xem thuyết bốn ân trong Kinh Tâm Ðịa Quán làm chuẩn để trình bày vấn đề.

 Trong trường hợp ơn quốc vương ở đây có lẽ chúng ta nên hiểu là ơn quốc gia. Không hiểu vì sao ngày xưa các dịch giả, các nhà biên tập văn học lại dùng chữ “quốc vương”, đáng lẽ ra là phải dùng chữ “quốc gia” thì mới đúng. Vì nhiều ông vua trong lịch sử cổ kim cho thấy mấy ổng cũng ngu si, tàn bạo, độc ác … nói chung có quá nhiều những thuộc tính bất nhân. Trong thực tế hiện nay nhiều nhà lãnh đạo quốc gia cũng tương tự, có thể làm cho quốc gia đổ nát chỉ vì những sắc lệnh, những quyết định điên rồ của mình, chưa kể đến những chính sách khủng bố đàn áp tôn giáo, đặc biệt là  khủng bố Phật giáo, phá hoại luân thường đạo lý của con người! Do đó, GH có gợi ý là mạn phép sửa lại chữ “ quốc vương” thành chữ “quốc gia”, thì dầu ông vua  hay nhà lãnh đạo đó có tồi như thế nào thì mình cũng mang ơn những người cùng chia xẻ vận mệnh của mình. Nói cụ thể hơn, là mang ơn những người cùng chia vui xẻ buồn của cả một dân tộc và những người chiến sĩ hy sinh vì muốn đem lại sự thanh bình của  đất nước. Nhờ những người quên mình vì quốc gia đó mà mình mới có thể có cơm ăn, đến trường học, học hỏi đạo lý  và sống một đời sống yên ổn mà tu tập, sau đó chia xẻ và hướng dẫn người khác cùng   tu tập.

Trong bốn ơn, đứng đầu là ơn Cha Mẹ. Vì thấy được ơn trọng của Cha Mẹ, nên quý Hoà Thượng, Thượng Toạ, Đại Đức, quý Sư Cô và các Phật tử tại gia khai triển chủ đề này dưới mọi phương diện. Thông qua mục “Vu-lan-bồn” trong trang nhà Ðạo Phật Ngày Nay hoặc mục “Vu lan” trong trang nhà Quảng Ðức, chúng ta có thể tham khảo hàng loạt bài nêu bật công ơn sanh thành dưỡng dục của cha và mẹ. Cũng qua các bài viết này, Chúc Thành có thể truy nguyên các thông tin về hiếu đạo từ hai tạng Kinh điển Hán và Pàli. Như vậy Chúc Thành có thể vào các trang nhà  Phật học để tham chiếu.

Ơn thứ hai là ơn đối với chúng sanh và thứ ba là ơn đối với quốc gia dường như không được đề cập đến nhiều. Tần số xuất hiện quá ít về các bài viết các ơn sau cũng dễ hiểu, vì trong thực tế nếu mình có thể thực hiện hiếu đạo đối với cha mẹ thì mới có thể thực hiện được các ơn sau. Vì tính trọng yếu của ơn Cha Mẹ nặng sâu đối với từng cá nhân như vậy nên các nhà nghiên cứu đương đại cũng tập trung xiển dương vấn đề này và dường như bỏ quên các ơn khác. Vả lại, vấn đề vương quyền và cương thổ của một quốc gia cũng có giá trị hạn hẹp và tương đối, trong khi đó mục tiêu của Đức Phật là nhắm đến lợi ích cho tất cả chúng sanh, chứ không theo chủ nghĩa dân tộc, vì lợi ích của dân tộc hoặc của một bộ tộc nào.

Ở đây,  xin trình bày một ý nhỏ, có lẽ là một nhược điểm khi chúng ta quá thiên trọng về các ơn như ơn Cha Mẹ, ơn Sư Phụ, mà ít để ý đến ơn của tất cả chúng sanh. Mặc dầu chúng ta thường nhắc đến Tứ Phạm Trú: Từ, Bi, Hỷ, Xả mà một vị thâm hiểu giáo pháp cần tu tập, nhưng trên thực tế ơn của chú lao phu quét rác đêm thâu, của người nông phu cày cấy trên nắng dưới nước, ơn của người làm công mỗi ngày hai buổi, ơn của chú gác gian đêm khuya lạnh lùng trên phố vắng, dường như không được nhắc đến nhiều; hẳn có người đã trả lời lạnh lùng rằng: Ôi, họ làm, mình trả tiền sòng phẳng, có chi đâu mà ơn với nghĩa!!! Mình cũng làm việc cực khổ mới có tiền chứ bộ…! Những luận điểm như vậy thật hoàn toàn không hiểu gì về lý “duyên sanh” của Phật Pháp. Cuộc sống cạnh tranh kinh tế thị trường ngày nay lắm lúc làm cho mình dường như quên hẳn mối hỗ tương trong xã hội mà trong Kinh Hoa Nghiêm gọi là “tương tức tương nhập”. Con người, động vật, thiên nhiên và đến ngay cả thế giới quỷ thần cùng cộng trụ trên hành tinh nầy. Ai được tiếp cận và học hỏi giáo Pháp của Đức Phật cũng biết rằng thế giới này được mệnh danh là “ngũ thú tạp cư địa”nghĩa là  năm cõi ở chung trên trái đất, thế mà mình không hề quan tâm đến sự huỷ hoại sự sống của các loài khác. Khi loài khác bị huỷ hoại tức là mình bị huỷ hoại. Huỷ hoại thiên nhiên là huỷ hoại sự sống của chính mình. Giết hại động vật bừa bãi cũng chính là giết hại sự sống của chính mình.

Các bài viết về công ơn cha mẹ thì khá nhiều, nếu ai đã từng đọc Kinh Vu-lan-bồn và các bài viết về hiếu hạnh chắc không khắc khoải vì mình chưa làm được điều gì để đền ơn cha mẹ! Còn các bài viết về công giáo dưỡng của Sư Phụ và ơn giúp đỡ trợ duyên của bằng hữu đồng tu hoặc các bậc Thầy giáo thọ dường như chỉ được nghe trong các lễ điếu tang, hoặc đó đây trong các kỷ yếu của một khóa học khi mãn trường, hoặc trong kỷ yếu để tưởng niệm của một  người khi đã đi xa ! Viết đến đây, GH cũng cảm thấy có gì đó thật xót xa!

Còn ơn đối với Tam Bảo trong đó có Sư trưởng không có bài viết cụ thể nhưng nó bàng bạc trong các bài viết về lời ngỏ của các bài viết về phương diện ứng dụng của giáo pháp, hoặc các bài tự sự vì sao đến với giáo pháp của một vài vị. Trong phần Phật Giáo Cho Người Bắt Đầu -> Đến Với Đạo Phật của Trang ĐPNN cũng giới thiệu các bài viết  những nguyên nhân nào thúc đẩy Phật tử đến giáo pháp. Qua các bài viết đều thể hiện sự biết ơn đối với Tam Bảo. Mặc dầu ơn của Thầy (nói chung là ơn Tam Bảo) đối với hàng xuất gia có thể nói là ơn đứng đầu trong các ân. Vì chính bậc Minh Sư mới có thể hướng dẫn mình trên con đường hướng đến quả vị liễu sanh thoát tử. GH nhớ đâu đó nói rằng, sanh xác thân và cho mình thành nhân là nhờ ơn cha mẹ, nhưng sanh mình ra trong chánh pháp, trở thành con của giòng giống Phật phải nhờ Sư trưởng, bạn hiền. Ðiều này thiết tưởng là phần vô cùng quan trọng trong tứ ân đối với bậc xuất gia.

Trong cuốn The Seeker’s Glossary of Buddhism[2] của  cư sĩ Minh Thành và P.D. Leigh, trang 230, cũng trình bày tứ ân nhưng trật tự của tứ ân và nội dung cũng có phần khác: 1) Ơn Tam Bảo; 2) Ơn Cha mẹ và Thầy Cô giáo; 3) Ơn thiện trí thức (bạn tâm linh); và 4) Ơn của tất cả chúng sanh. Như vậy trong 4 ơn này không thấy đề cập đến ơn quê hương đất   nước như trong Kinh Tâm Địa QuánThích Thị Yếu Lãm như đã trình bày ở trên. Cũng không rõ cư sĩ Minh Thành và ông P.D.Leigh đã dựa vào Kinh hoặc Luận nào để đưa ra bốn ơn ở trên. Tuy nhiên, chúng ta thấy có một điểm chung là ơn Cha và Mẹ, và ơn chúng sanh là ơn chung nhất dù cho người đó là có theo Đạo Phật hay không.

Nhìn lại một cách khách quan những bài về phương diện học thuyết và về phương diện ứng dụng về “Tứ Ân” còn chưa nhiều. Vì điều kiện của GH cũng thiếu tài liệu rất nhiều, chỉ tham khảo được qua hệ thống các trang Web mà thôi. GH viết  đôi lời “tâm sự” trên để chia xẻ cùng với bạn đọc những suy nghĩ nhỏ của mình, còn để đáp ứng yêu cầu bạn đọc như Chúc Thành nói “mong sự chỉ dẫn” bài về Tứ Ân để đọc thì không dám nhận nơi đây.

Kính mong qúy Thầy Cô và các Phật tử với tinh thần chia xẻ kiến thức và giúp đỡ lẫn nhau trong nghiên cứu, nếu biết được các bài viết về “Tứ Ân” giới thiệu đến Ban Biên Tập ĐPNN, sau đó sẽ chuyển đến Chúc Thành. Và cũng rất mong đón nhận các bài viết về Tứ Ân của Chúc Thành và của các Phật tử khác để làm hồi sinh tinh thần “tri ân và báo ân” của Ðức Từ Phụ đã tuyên thuyết.

Thân chúc Chúc Thành an vui trong chánh pháp và gặp nhiều thuận duyên trong nghiên cứu và tu tập.

Hôm nay thật vui và hy vọng mọi ngày đều vui trong chánh pháp.


[1] Hoà Thượng chủ biên: Kiêm Cương  Tử,  xuất bản tại Hà Nội năm  1994.

[2]  Bản này được tái bản năm 1998, do The Corporate Body  of the Buddha Educational Foudation tại Đài Loan ấn tống.

http://www.buddhismtoday.com/viet/hopthu/tu_an.htm

 


Vào mạng: 1-10-2001

Danh sách các câu hỏi Phật học

Đầu trang