Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Tiếng Hót Chim Anh Vũ
Truyện ngắn - Lam Khê

Tám tuổi theo mẹ lên chùa, thấy quý sư đắp y vàng rực, thấy mấy điệu ai cũng hiền lành dễ mến, Anh Vũ thích lắm. Dù chưa hiểu gì, chú bé cũng phát khởi đạo tâm, về nhà xin mẹ cho đi xuất gia. Mẹ bảo:- Còn nhỏ xíu, biết gì mà tu con ơi! Mấy chú tiểu ở chùa do đã gieo nhân từ nhiều đời rồi. Con không kham nổi đời sống tu hành khắc khổ đâu...

Để con hiểu hơn, người mẹ lại chậm rãi giải thích: - Khi có mang con, mẹ thường đi chùa nghe quý thầy giảng kinh. Mẹ thích nhất câu chuyện về con chim Anh Vũ. Chim rất có lòng hiếu dưỡng, mỗi ngày đi lượm thóc về nuôi cha mẹ mù. Chim thường lấy trộm thóc nơi đám ruộng của người nông dân nọ. Ông ta rình bẫy được. Chim kể lể gia cảnh còn cha mẹ mù không ai nuôi dưỡng xin ông tha mạng. Người nông dân cảm kích tấm lòng hiếu thảo của chim nên bằng lòng tha và cho phép chim được tự do đến lấy thóc để nuôi cha mẹ. Sau này sanh con, bố mẹ đặt tên Anh Vũ với ước mong con sống thuần lương nhân hậu như loài chim mang sự tích về tiền thân của Phật.

 Anh Vũ còn quá nhỏ để hiểu hết niềm kỳ vọng sâu xa của bố mẹ. Câu chuyện về con chim Anh Vũ, nó cũng được nghe qua khi tham gia sinh hoạt gia đình Phật tử. Càng tự hào với tên gọi mang ý nghĩa về một loài chim kỳ diệu, Anh Vũ càng tỏ ra là một đứa con hiếu thuận biết vâng lời cha mẹ, ngoại trừ việc cứ nằng nặc đòi đi xuất gia học đạo.

 Một hôm thầy trụ trì ngôi chùa Anh Vũ đến sinh hoạt nhìn nó hồi lâu rồi cất tiếng hỏi: - Con có thích xuất gia làm chú tiểu ở chùa không?

- Dạ bạch thầy! Con thích lắm.

- Vậy về nhà xin mẹ rồi đến đây thầy cạo tóc cho.

Lúc ấy mẹ vừa sanh thêm em gái Anh Nhi. Anh Vũ về nhà một mực xin mẹ:

- Cho con đi tu. Con chỉ thích làm chú tiểu ở chùa thôi.

Sau nhiều lần năn nỉ khóc lóc, người mẹ đành đưa con lên chùa gởi cho thầy. Chú được Thầy Bổn sư xuất gia chừa lại một chỏm tóc và đặt pháp danh là Tâm Thiện. Nhưng mọi người vẫn quen gọi chú là Anh Vũ. Ngẫm ra thì tên gọi này nghe cũng có đạo vị lắm.

Thời gian thấm thoắt, Anh Vũ hành điệu cũng đã được năm năm rồi. Năm năm chú vẫn là chú điệu có chỏm tóc. Quý thầy hay nói đùa:- Còn một chỏm trên đầu là còn một nhúm phiền não đấy. Chú hãy mau mau cạo sạch nó đi.

Anh Vũ cũng muốn cạo sạch lắm mà chưa thể được. Đành phải đợi đúng tuổi thôi. “Điều quan trọng là con lo cạo sạch tâm mình chứ cạo nhúm tóc đó thì mấy hồi”- Thầy Bổn Sư luôn bảo với chú như vậy mà.

Anh Vũ vừa tốt nghiệp xong bậc trung học cơ sở. Trước mắt còn ba tháng nghỉ hè, Anh Vũ dành trọn thời gian này học thuộc lòng các bộ luật Tỳ ni, để cuối hạ được thầy cho đi lãnh thọ giới phẩm Sa di. Chú nao nức chờ đợi đến ngày thọ giới và ao ước được đắp lên người chiếc y màu vàng giải thoát như quý thầy.

“Con người ta đôi khi phải trải qua nhiều bước ngoặt thì mới có dịp nhìn lại chính mình” Thầy Tâm Thiện thường nói câu ấy. Bởi con đường xuất gia, khao khát giới pháp của thầy đã không được thuận êm ngay từ bước khởi đầu...

Thầy tri sự vừa may xong chiếc man y cho chú điệu Tâm Thiện kịp đi thọ giới sa di. Kinh luật chú đã làu thông. Mọi việc sẵn sàng cho ngày đăng đàn thọ giới. Và trong lúc chờ đợi, chú nhận tin bố bị tai nạn nghiêm trọng khi đang làm việc. Mẹ đau buồn nên bịnh tim tái phát. Thế là Anh Vũ phải về nhà ngay trong tâm trạng hoang mang lo lắng. Từ hôm ấy, ngày ngày chú tất tả vào bệnh viện săn sóc cho bố, rồi lại vội vã trở vềø lo thuốc thang an ủi mẹ. Gia đình rơi vào cảnh cùng quẫn nợ nần. Chú chim non ngày nào đã không còn cất cao giọng hót thanh tao lảnh lót.

Sau nửa năm chạy chữa, người bố cũng vượt qua cơn nguy kịch, nhưng ông vĩnh viễn trở thành phế nhân. Bịnh của mẹ Anh Vũ lúc tăng lúc giảm. Chú lại rơi vào thế ở đi không đành đoạn khi bà mẹ hết khóc lóc lại giận hờn cương quyết bắt con phải hoàn tục trở về nhà gánh vác sự nghiệp gia đình. Một chú tiểu còn niên thiếu, Anh Vũ chưa thể tự mình định đoạt được điều gì, ngoài tâm chí thành cầu học đạo. Là người con chí hiếu, Anh Vũ càng rối lòng khi nhìn mẹ héo hắt trong bệnh hoạn. Chú nghĩ ngợi bao đêm, cuối cùng quay về chùa đảnh lễ thỉnh ý sư phụ.

Sư phụ yên lặng ngồi nghe chú đệ tử trình bày sự việc. Nghe xong người chỉ nhẹ nhàng phân tích:

- Trường hợp của con cũng thật đặc biệt. Cha mẹ đang cơn bệnh ngặt. Vậy con nên lấy đạo hiếu làm đầu. Đạo hiếu dù xuất gia hay tại gia chúng ta cũng phải chu toàn. Tâm hiếu là tâm Phật. Phụng dưỡng cha mẹ cũng là một pháp môn tu tập đấy con ạ! Con hẳn nhớ sự tích về con chim Anh Vũ. Cha mẹ đặt tên cho con đều có ngụ ý cả. Nay con nên đem tâm hạnh Bồ Tát về nhà lo báo hiếu song thân. Lấy việc làm vui lòng đấng sanh thành làm ý nguyện tiến tu cho mình. Có như vậy lòng con mới được an lạc. Con đường ngày mai còn dài. Thầy tin tưởng dù mang hình thức nào, con luôn giữ vững tâm đạo...

 

Thời gian qua nhanh, Anh Vũ bây giờ đã là một chàng trai trưởng thành khôi ngô đĩnh ngộ. Bố Vũ mất đã hai năm, dù thân mang bệnh tật, ông ra đi cũng thật nhẹ nhàng an lạc. Người mẹ trải qua bao ưu phiền, nay tâm lý cùng sức khỏe cũng dần hồi phục ổn định. Bà lại mở cửa hàng buôn bán như trước kia. Anh em Vũ vẫn đến trường học tập. Vũ đã quen với môi trường mới, có nhiều bạn bè và nhiệt tình tham gia các sinh hoạt đời thường với cả tâm huyết cùng sự năng nổ của tuổi trẻ. Hoàn tất các bậc học vào loại tối ưu. Bước đường danh vọng luôn hanh thông rộng mở. Trong cuộc sống riêng tư Vũ từng trải qua vài cuộc tình chóng đến vội tàn. Nhưng tất cả chỉ dừng lại có thế. Ngày qua ngày Vũ vẫn điềm nhiên vui sống bên mẹ và em, tưởng chừng như anh chàng không có mơ ước hay chủ đích gì cho mình. Những năm tháng ở chùa cũng nhạt nhòa trong ký ức.  

Một hôm, người bạn đem cho Anh Vũ con chim Két. Vũ thích thú lắm. Suốt ngày cậu ta chỉ lo chăm sóc chim như đứa em nhỏ, lại bỏ ra nhiều công sức để luyện nói cho nó. Cô bé Anh Nhi thường đứng nhìn anh trong vai trò người huấn luyện chim Két. Rồi không nén nổi tò mò, cô bước tới gần hỏi:

- Sao anh Hai không dạy chim nói câu nào khác mà lại dạy nó niệm Phật. Nó có niệm được đâu. Chẳng phải là phí sức à?

- Tại nó chậm tiêu đó thôi. Không sao. Rồi anh sẽ cố dạy cho chim niệm được. Dù vậy nó cũng bập bẹ nói được tiếng Phật rồi đó. Này Két, niệm Phật nào...Phật...

- Ph..ật...Ph..ật...

Con Két ngoác miệng kêu lên hai tiếng.

Cô em lại ngập ngừng hỏi:- Mà cớ gì anh cứ phải dạy cho chim niệm Phật?

Anh Vũ nghiêng đầu nhìn vào lồng chim như thể đang nói chuyện với nó: - Vì anh muốn gieo vào lòng chim một chút Phật tánh đấy mà. Anh thử xem con chim Két này có được chút linh tánh nào như con chim Anh Vũ trong câu chuyện cổ Phật Giáo mà mẹ hay kể.

Cô em gái phì cười chưa kịp hỏi gì thêm thì Anh Vũ đã ngồi ngay lại, ngước nhìn em bằng ánh mắt nghiêm trang chững chạc:

- Anh định đợi đến ngày mãn tang bố sẽ nói rõ ý định với mẹ và em. Nhưng bây giờ nói trước để em chuẩn bị tinh thần. Anh sẽ trở vào chùa xin thầy xuất gia tu học và lãnh thọ giới phẩm. Điều mà anh chờ đợi trong gần mười năm qua.

Anh Nhi không tỏ vẻ gì ngạc nhiên khi nghe anh, đôi mắt cô chỉ gợn chút u hoài:- Mẹ và em cũng đoán ra ý định này của anh. Mấy lần mẹ lén vào phòng anh. Và mẹ biết lâu nay anh từ bỏ hết mọi chuyện vui thú bên ngoài để chuyên tâm nghiên cứu đọc kinh sách Phật cùng phác họa những bức tranh về cuộc đời đức Phật.

Anh Vũ cảm thấy nhẹ lòng. Vẻ mặt trầm ngâm bỗng rạng rỡ hẳn lên:

- Thì ra lâu nay cả nhà đều để ý, hiểu rõ từng việc làm và ý tưởng của anh. Anh thật cám ơn mẹ và em đã nhận ra được điều mà anh cảm thấy thật khó nói. Anh sợ mẹ không chịu nổi, rồi bệnh cũ tái phát.

Cô em cười:- Anh giấu được người ngoài chứ làm sao giấu được mẹ. Anh ở mãi trong phòng bảo là ôn thi cao học. Khóa thi trôi qua lâu rồi mà anh làm như không ai biết. Nhưng anh an tâm. Mẹ không cản trở sự nghiệp tu hành của anh nữa đâu. Mẹ đã nói như vậy mà. Con chim Anh Vũ sớm muộn cũng sẽ bay ra khỏi chiếc lồng son... Mẹ bảo hồi mang thai anh mẹ cứ thích đi chùa nghe kinh. Chưa sanh ra anh đã là con Phật rồi, làm sao bắt anh ở mãi nơi ngôi nhà thế gian này...

... Bước đi của con chim Anh Vũ là như thế. Sau bao năm chú tiểu xưa lại trở về chùa, được xuất gia thọ giới, được thầy gởi đi tham học các nơi. Bây giờ khi đã trở thành một vị đại đức giới pháp trang nghiêm đức độ, thầy Tâm Thiện trở về kế thừa tiếp nối sự nghiệp hoằng hóa của Bổn sư. Người mẹ được thầy rước về chùa phụng dưỡng vui sống trong cảnh thiền môn yên tịnh. Mấy chú điệu vui tính thường gọi bà là mệ. Mệ già rồi mà vẫn thích kể chuyện cho mấy chú nghe. Và câu khởi đầu của mệ bao giờ vẫn là: “Chuyện kể rằng... ngày xưa có con chim Anh Vũ...”./.

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/truyen/tienghot.htm

 


Vào mạng: 15-07-2009

Trở về mục "Truyện Phật giáo"

Đầu trang