Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
MỘT CHUYẾN HÀNH HƯƠNG TRUNG QUỐC

Phần V

Ngày 8 tháng 10 năm 1997.

Để tiết kiệm tiền khách sạn, chúng tôi chỉ giữ một phòng của anh Cao và gom tất cả hành lý để vào đó. Thầy Trí Minh dặn là chỉ nghỉ tại Bích Hồ Sơn Trang có một đêm thôi, không cần mang nhiều đồ. Mang càng ít càng tốt. Chúng tôi chỉ đem theo một túi xách nhỏ để đồ vệ sinh cá nhân và đồ ngủ. 6 giờ thức dậy, 6 giờ 30 ăn sáng, 7 giờ lên xe bus đi ra ga xe lửa. Quảng Châu có bốn khách sạn 5 sao là Hoa Viên, Bạch Thiên Nga, Trung Quốc và Đông Phương. Công viên Lưu Hoa cạnh Đông Phương rất đẹp mà không có thì giờ xem.

Dùng xe lửa đi Thiều Quan để thăm chùa Nam Hoa. Thị xã Thiều Quan là trung tâm điểm giao thông. Tuy nằm trên đồi núi nhưng không hoang vu, lạc hậu vì có nhiều hãng xưởng và đường xe lửa Bắc Kinh - Quảng Châu.

 

Chùa Nam Hoa.

Còn gọi là Bảo Lâm Tự, được coi là thiền lâm đứng đầu ở Lĩnh Nam. Nằm ở núi Nam Hoa cách thị xã Thiều Quan tỉnh Quảng Đông 22 km. Nam Bắc triều, Lương Vũ Đế năm Thiên Giám nguyên niên (502) cao tăng Ấn là Trí Dược Tam Tạng qua Trung Quốc, vân du đến Khúc Giang Tào Khê thôn, thấy sơn thanh thủy tú, liền ngợi khen: “Khác gì núi Bảo Lâm ở Tây Thiên, nếu xây chùa ở đây phải lấy tên Bảo Lâm”. Ý này được quan Thích Sử Hầu Kính Trung làm biểu tâu lên Vũ Đế. Thiên Giám năm thứ ba (504) chùa được xây dựng với tấm biển vua ban “Bảo Lâm”. Trải qua bao lần thịnh suy, đến đời Đường Nghĩa Phong năm thứ hai (677) dưới sự giáo hóa của Thiền Tông Lục Tổ Huệ Năng, chùa này đã trải qua thời kỳ hưng thịnh nhất, được coi là Tổ đình của Nam tông Thiền, đương thời được Đường triều ban tên Trung Hưng Tự, rồi Pháp Tuyền Tự. Đời Tống mới thành Nam Hoa Thiền Tự, trải qua bao lần hưng phế, đến năm 1934, Hư Vân lão Hòa Thượng quyên góp trùng tu, diện mạo của chùa mới bắt đầu thay đổi, các kiến trúc chủ yếu như Ngũ Hương Đình, Thiên Vương Điện, Đại Hùng Bảo Điện, Tàng Kinh Các, Linh Chiếu Tháp, Lục Tổ Điện được thiết trí chủ thứ phân minh, kết cấu nghiêm mật. Ngũ Hương Đình hình bát giác dựng trên cầu phóng sinh, qua cầu sẽ thấy sơn môn thứ hai treo tấm biển lớn đề bốn chữ Bảo Lâm Đạo Tràng, hai bên cổngđề hai câu: “Đông áo đệ nhất bảo sát” và “Thiền Tông Bất Nhị Pháp Môn”.

Thiên Vương bảo điện xây vào đời Minh năm Thành Hóa 14 (1474) trước là La Hán Điện, được trùng tu vào đời Thanh, giữa điện thờ tượng Di Lặc, đâu lưng là Vy Đà, hai bên là Tứ Đại Thiên Vương. Sau Thiên Vương Điện hai bên có lầu chuông và lầu trống, xây vào đời Nguyên Đại Đức năm thứ 5 (1310) trùng tu vào năm 1933, hồng chung đúc vào đời Tống. Đại hùng bảo điện còn gọi là Tam Bảo Điện xây vào triều Nguyên, năm Đại Đức thứ 10 (1306), trùng tu nhiều lần, lần cuối vào năm 1934, thờ Tam Bảo Phật (Dược Sư, Thích Ca, Di Đà) cao khoảng 8 thước, tường chung quanh đắp tượng 500 La Hán, theo phong cách nghệ thuật đời Thanh, bối cảnh là cơn sóng dữ để nêu tinh thần ” Khổ Hải Vô Biên, Hồi Đầu Thị Ngạn” Tàng Kinh Các sau điện Tam Bảo chứa nhiều kinh bản của vua chúa ban tặng.

Lục Tổ Điện xây lại vào năm Minh Hoằng Trị thứ 3 (1490), trùng tu lần cuối vào năm 1933, thờ nhục thân của Lục Tổ Huệ Năng (sinh Đường Trinh Nguyên năm 12, tịch Đường Khai Nguyên năm đầu 638-713), cùng với nhục thân của Hám Sơn đại sư và Đan Điền thiền sư. Chùa còn 360 tượng gỗ A La Hán vô cùng sinh động, khắc vào đời Bắc Tống. Sau chùa có Phục Hổ Đình, kỷ niệm nơi Hư Vân Hòa Thượng hàng phục hổ.

Để hiểu rõ hơn sự liên hệ giữa Hư Vân hòa thượng và Chùa Nam Hoa, xin trích vài đoạn trong “Đường Mây Trên Đất Hoa” do Nguyên Phong phóng tác. [Năm Dân Quốc thứ 23 (1934/35) ta (Ngài Hư Vân) được 95 tuổi. Thấy sức khỏe đã suy yếu, ta thỉnh lão pháp sư Từ Chu làm viện chủ, trông nom chương trình giáo dục tại Phật học viện Cổ Sơn. Phần ta, lui vào thất tu thiền tĩnh dưỡng. Đến tháng hai, vào đêm nọ, trong lúc tọa thiền, tâm ta dường như đang mộng mà cũng chẳng phải mộng, ta thấy Lục Tổ đại sư đến bảo: “Đã đến lúc rồi, Thầy hãy trở về!”. Hôm sau ta bảo thị giả là Quán Tâm: “Duyên đời của thầy chắc không còn lâu đâu vì hôm qua Lục Tổ đã gọi thầy trở về!”. Thấy Quán Tâm buồn bã ta bèn an ủi. Đến giữa tháng tư, ta lại mộng ba lần thấy Lục Tổ thúc giục ta trở về. Thật là việc lạ kỳ khiến ta không biết thế nào, nhưng vài hôm sau ta nhận được điện tín của chính quyền tỉnh Quảng Đông muốn thỉnh ta về sửa chữa đạo tràng của Lục Tổ. Ta nghĩ đến thánh địa đó hiện tại rất cần tu bổ sửa sang vì lần sửa chữa cuối cùng là do ngài Hám Sơn (1546-1623) đảm trách đã xảy ra từ mấy thế kỷ trước. Ta bèn thu xếp hành lý đi về Lĩnh Nam. Lúc đó tướng Lý Hán Hồn đóng quân tại Quảng Đông, đã tận mắt thấy chùa Nam Hoa bị hư hại nặng nề, nên ông tự cho sửa sang đôi chút, nhưng thấy còn nhiều việc phải làm nên có ý mời ta trông coi việc này. Mùa đông năm đó tại chùa Nam Moa, chư tăng thỉnh ta làm lễ truyền giới. Vì phòng ốc, điện đường bị hư hoại, sụp đổ rất nhiều nên chúng tăng tạm cất những chòi tre để cho tăng chúng cư ngụ. Quan dân sĩ thứ vùng Quảng Châu và Triều Châu đến thọ giới quy y rất đông. Tối đến, đang khi ta truyền giới Bồ Tát thì có một con hổ đến, như thể muốn thọ giới quy y, khiến toàn thể đại chúng đều hoảng sợ. Ta truyền tam quy y và thuyết giới cho hổ. Nó có vẻ như hiểu biết mà thọ nhận một cách thuần thục, thọ giới xong nó liền bỏ đi.

(Phụ chú của cư sĩ Sầm Học Lữ: Tối nọ, khi bốn chúng cùng quan dân sĩ thứ đồng tụ hội tại chánh điện thì cư sĩ Giang Khổng Ân, đang đứng trên lầu chuông bỗng phát hiện trước cửa chùa có hai luồng ánh sáng chói lòa. Nhìn rõ thấy đó là hổ nên ông bèn la lên. Quân lính cầm súng định bắn thì kịp lúc Hòa thượng Hư Vân bước ra cản lại. Hổ liền quì xuống trước mặt ngài. Hòa thượng Hư Vân thuyết tam quy y, cùng dạy nó rằng hãy nên ẩn trong núi thẳm rừng sâu, chớ có ra ngoài hại người. Hổ cúi đầu ba lần rồi đứng dậy, đi vào rừng, nhưng với điệu dạng rất quyến luyến. Kể từ đó, mỗi năm hổ đều xuất hiện một hai lần trong những kỳ lễ lớn. Hòa thượng Hư Vân đôi khi đi ra rừng gặp nó, vỗ về an ủi lời lành thiện. Việc hổ già quy y Tam Bảo tại chùa Nam Hoa thật rất kỳ lạ. Chính kẻ này được nghe Hòa thượng trong lúc thuyết giới có nói bài kệ:

     Hổ quy y Phật,
     Tánh chánh không hai,
     Tâm người, tâm thú,
     Đồng tạng quang minh.

Năm Dân quốc thứ 24 (1935/36), tướng Lý Hán Hồn được chuyển đi nơi khác nên chùa mất đi một vị đại hộ pháp. Việc kiến lập tự viện ngày một khó khăn. Sau kỳ truyền giới, theo lời thỉnh mời của Đông Hoa Tam Viện, ta qua Hồng Kông kiến  lập đàn tràng Thủy Lục Không tại vườn Đông Liên Giác Uyển. Sau đó ta trở về Cổ Sơn, từ chức trụ trì, thỉnh lão hòa thượng Thạnh Huệ kế nhiệm chức vụ tại đây rồi trở lại chùa Nam Hoa. Ta cho tu bổ lại chánh điện thờ chư Tổ Sư, xây điện thờ Bồ Tát Quán Âm và cất phòng xá. Tháng chạp, nơi phía bắc đình Phục Hổ, thuộc phía nam suối Trác Tích, có ba cây tùng cổ thụ trồng từ đời Tống (960-1279), đã khô héo trong vài trăm năm nay, nay đột nhiên ra lá xanh tươi. Thủ tọa Quán Bổn có ghi lại việc lạ kỳ này. Bài ký sự được cư sĩ Sầm Học Lữ cho khắc trên đá tại chùa.

Năm Dân Quốc thứ 25 (1936/37), việc tu sửa điện đường phòng xá tạm thời hoàn tất. Tổng thống Dân Quốc, ông Lâm Tử Siêu cùng tướng Tưởng Giới Thạch lần lượt đến thăm chùa. Ông Lâm Tử Siêu hộ trợ việc xây cất trùng tu đại điện, còn tướng Tưởng Giới Thạch cúng dường tiền để mướn nhôn công đào sửa lại con suối chạy ngang qua chùa. Tuy nhiên vào lúc cuối, nhờ ơn chư long thần hộ pháp gia hộ nên không cần nhân lực mà vẫn hoàn thành.

(Phụ chú của cư sĩ Sầm Học Lữ: Xưa kia con suối này cách xa chùa Nam Hoa khoảng một trăm bốn mươi thước. Vì lâu năm không ai đào vét nên cát đá trôi đến lấp đi khiến giòng nước chảy ngược về hướng bắc, thẳng đến cửa chùa. Muốn đưa con suối trở lại hướng cũ, người ta ước lượng phải mướn khoảng ba ngàn nhân công vét suối, khai thông những khúc bị tắc nghẽn rất tốn kém. Ngày hai mươi tháng bảy, chùa đang chuẩn bị khởi công vét suối thì tối hôm đó, trời đổ mưa rất to, nước lũ từ trên núi tràn xuống, khai thông những chỗ bị nghẽn. Sáng hôm sau dứt mưa, nước suối chảy trở lại theo hướng mà chúng ta ước muốn. Đất đá bị nước đắp thành bờ đê cho con suối sau này, cao cả vài thước. Dường như long thần hộ pháp đã giúp đỡ chúng ta sửa lại hướng của con suối này.)

Năm Dân Quốc thứ 28 (1939/40) Thế Chiến tại Âu Châu phát khởi, các tỉnh Trung Hoa cũng đều bị nạn binh đao loạn lạc. Ta đề nghị là trong cảnh loạn ly, chiến tranh tàn khốc, binh sĩ và dân chúng bị thương vong rất nhiều, phàm là mgười Phật tử, mỗi người phải phát tâm thiết lễ đàn tràng, mỗi ngày sám hối hai giờ, cầu siêu độ cho các vong linh vất vưởng, cùng cầu nguyện tiêu tai giải nạn. Ta cũng đề nghị là toàn thể đại chúng nên giảm bớt khẩu phần ăn của mình để dùng vào việc cứu giúp dân chúng. Lời đề nghị của ta được chấp thuận và thi hành. Năm sau Quảng Châu bị vây hãm, quân dân chính phủ thối lui về Triết Giang. Tăng chúng các nơi chạy loạn đổ dồn về chùa mỗi ngày mỗi đông. Ta bèn cho trùng tu chùa Đại Giám tại Triết Giang làm hạ viện của chùa Nam Hoa để tiện việc tới lui và trùng tu thêm chùa Nguyệt Hoa để tiếp đón tăng chúng. Mùa xuân năm sau, ta khởi công xây dựng các điện đường mái ngói, khoảng tám chím mươi người ra công xây cất trong hai năm liền. Trong thời gian này, các đệ tử cùng chư thiện nam tín nữ đến cúng dường được khoảng hơn hai trăm ngàn đồng. Ta giao cho chính quyền địa phương dùng để cứu giúp dân nghèo. Ta không muốn giữ chút nào hết vì dân chúng tỉnh Triết Giang đang bị chịu cảnh thiếu ăn, đói khổ khắp nơi. Cuối năm tỉnh Triết Giang thành lập hội Phật Giáo Quảng Đông, đề cử ta làm chủ tịch và cư sĩ Trương Tử Kiêm làm phó chủ tịch. Năm Dân Quốc thứ 31 (1942/43) ta được 103 tuổi. Trong kỳ truyền giới lần này có vị thần cây đến cầu giới thật là lạ. Giám Viện Quán Bổn có ghi lại như sau: Vào lúc truyền giới, có một vị hành giả đến cầu thọ giới tỳ kheo. Khi được hỏi danh tánh là gì, người ở đâu, bao nhiêu tuổi, thầy thế độ là ai, và có mang đủ ba bộ áo ca sa và một bình bát không thì thầy đó trả lời rằng họ Trương, người Triết Giang, ba mươi bốn tuổi, không có thầy thế độ, cũng không có ba y ca sa hay bình bát. Vì thấy thầy có lòng chân thành xin thọ giới nên Hòa Thượng ban cho thầy tất cả vật dụng cần thiết để xuất gia, cùng với pháp danh là Thường Nhục. Trước khi được thọ giới, thầy làm những việc rất nặng nhọc trong chùa như quét dọn lau chùi trong ngoài tự viện. Tính thầy trầm mặc, không nói chuyện chi với ai. Khi được cho lên đàn thọ giới thì nhất nhất đều tuân theo giới luật. Đến khi tam đàn đại giới sắp kết thúc, tức sau đàn truyền giới Bồ Tát thì không ai thấy thầy đâu hết mà y áo ca sa, giới cụ vẫn còn để lại giới đường. Vài hôm sau Hòa Thượng Hư Vân mộng thấy thầy kia đến xin lại giới điệp, ngài bèn hỏi rằng thầy đi đâu sau khi lễ truyền giới chấm dứt thì thầy trả lời rằng thầy vẫn ở nơi đó chứ không đi đâu hết. Sau cùng thầy thú nhận mình là vị thần cây cổ thụ sau chùa, hàng ngày nghe lời kinh tiếng kệ nên phát tâm muốn quy y Phật.

Tuy nhiên trong lễ truyền giới trang ngiêm, vị thần thấy có hằng hà sa số chư Phật, chư Bồ Tát cùng các vị Hộ Pháp đến chứng giám nên vị thần cây sợ, không dám vào trong Chánh điện chỉ dám đứng ở ngoài. Tỉnh dậy, Hòa Thượng Hư Vân bảo tăng chúng đem giới điệp đó đến dưới gốc cây cổ thụ bên cạnh chùa, nơi miếu thổ địa, mà đốt để trả lại cho thần.

Trong năm đó ta cho sửa lại Am Vô Tận cho ni chúng trú ngụ. Chùa Đại Giám vừa được xây xong nhưng công trình trùng tu chùa Nam Hoa vẫn chưa hoàn tất. Đồng thời ta phải lo lắng những việc thế gian lẫn xuất thế gian tại Cổ Sơn, không lúc nào được rảnh rỗi. Lại thêm có máy bay Nhật quấy rối mãi không yên. (Phụ chú của cư sĩ Sầm Học Lữ: Từ lúc Nhật chiếm Quảng Châu, chánh phủ Dân Quốc rời về Triết Giang, các tướng tá cao cấp thường hay lui tới chùa Nam Hoa lễ Phật. Tình báo Nhật biết được nên cho máy bay lượn vòng quanh chùa mãi. Hòa Thượng Hư Vân biết nguy hiểm sắp đến, bảo tăng chúng cùng mọi người nên trở về phòng xá, còn Ngài thì vào Tổ Đường, một mình đốt hương, ngồi xếp bằng tọa thiền. Lát sau máy bay thả bom xuống chùa, nhưng bom không nổ. Đoàn máy bay lại lượn vòng quanh chùa nhưng đột nhiên có hai chiếc trong đoàn tự đâm vào nhau , rồi rớt xuống, cách chùa khoảng bốn mươi dặm tại vùng Mã Bá. Cả người và máy bay đều tan xác. Từ đó máy bay Nhật không còn dám bay ngang chùa nữa.)

Tháng mười một năm đó, tổng thống Chính phủ Dân Quốc cùng các bộ trưởng, phái hai vị cư sĩ Chuyết Ánh Quang và Trương Tử Khiêm đến chùa thỉnh ta qua Trùng Khánh, kiến lập pháp hội tiêu tai giải nạn. Ngày sáutháng mười một, ta khởi hành đến Hành Ngạc, dâng hương lễ bái. Tướng Lý Tế Thâm phái người đến tận nơi tiếp đón. Lúc đến Quí Châu, qua chùa Kiểm Minh, hòa thượng Quảng Diệu thỉnh ta thượng đường khai thị. Ta đến Trùng Khánh gặp tổng thống họ Lâm bàn thảo việc tổ chức pháp hội tại hai chùa Từ Vân và Hoa Nam.

Tháng giêng năm Dân Quốc thứ 32 (1943/44) ta làm lễ sám hối, pháp hội cầu tiêu tai giải nạn. Đến ngày hai mươi sáu mới chấm dứt. Tổng thống họ Lâm, tướng họ Tưởng và các bộ trưởng v.v... lần lượt đến tham dự. Tướng Tưởng Giới Thạch vấn hỏi Phật pháp rất thâm sâu, từ luận duy vật, duy tâm đến các tôn giáo hữu thần như Cơ Đốc Giáo, Thiên Chúa Giáo v.v... Mọi chi tiết ta đều trả lời bằng thơ từ. Tháng ba ta trở về Nam Hoa sửa chữa tháp Hải Hội của bảy chúng. Khi đào đất lên thì thấy bốn cái hòm trống, không có hài cốt. Mỗi cái dài một thước sáu tấc, cùng một thẻ màu đen, hình vuông khoảng tám tấc. Trên hòm có khắc hình chim, động vật, biểu tượng thiên văn học, nhưng không ghi rõ ngày tháng. Tháng sáu ta khai mở học viện giới luật để giáo hóa thanh niên tăng rồi thành lập trường tiểu học tại làng Bảo Lâm cho các con em thuộc gia đình nghèo khó trong làng.

Mùa đông năm đó ta hoàn thành việc xây tháp Hải Hội. Năm Dân Quốc thứ 33 (1944/45) sau khi trùng tu lại chùa Nam Hoa, đạo tràng Lục Tổ Huệ Năng xong, ta cùng thầy Phước Quả đi Triết Giang để tìm đạo tràng Long Thọ nhưng không thấy....]

Ăn trưa tại chùa, ở Tố Thái Quán. Dùng cơm xong vào gặp Trụ Trì là Thầy Phật Nguyên để cúng dường nhưng Ngài đi vắng. Tri khách tăng Giác Huệ đón tiếp. Chùa có trên 100 tăng chúng. Lúc trước nhục thân Lục Tổ được trí trong Tháp Linh Chiếu, nay đem ra để ở tủ kính tại Lục Tổ Điện. Tất cả chúng tôi đều thành tâm cung kính lậy chân thân của Lục Tổ, Ngài Hám Sơn và Ngài Đan Điền. Hỏi Đan Điền là ai thì Thầy Thiện Huệ cũng không trả lời ngay được vì không có kinh sách nào ghi tên ngài. Sau hỏi lại mới biết ngài chỉ là một vị tăng tu thiền trong chùa như các vị khác nhưng khi mất để lại thân kim cang bất hoại nên được thờ.

Buổi chiều đi thăm chùa Đại Giám ở ngay trong thị xã Thiều Quan. Chùa cổ trên ngàn năm, khi xưa tên Đại Phạn Tự. Đức Lục Tổ Huệ Năng thuyết Pháp Bảo Đàn Kinh tại đây.

Đêm đó nghỉ tại Bích Hồ Sơn Trang. Tên rất đẹp, cảnh cũng đẹp nhưng giường nệm cũ, rách, hôi, lại có muỗi. Mang thuốc trừ muỗi từ Adelaide mà không có dịp dùng, nay cần tới thì không có vì bỏ lại khách sạn Đông Phương.  

Ngày 9 tháng 10 năm 1997.

Rời Bích Hồ Sơn Trang về Quảng Châu, nhưng ghé thị xã Thiều Quan để mua đồ kỷ niệm nên xe lửa tới Quảng Châu thì đã chiều. Lúc 5 giờ đi tham quan một dược viện của Tứ Xuyên. Cách quảng cáo của họ rất hay. Trước nhất là có người biết tiếng Việt rất rành rọt ra đón, chào hỏi và giới thiệu các thứ thuốc. Thứ nhì là họ áp dụng lối của bọn “Sơn Đông bán thuốc”. Sau khi tán tụng hiệu năng của một loại cao có chất xạ hương, người giới thiệu cho đem đến một lò lửa, trên đó đã có một sợi xích sắt nung đỏ, hai người căng sợi xích, người giới thiệu đưa một tờ giấy chạm vào xích, lửa bốc cháy, chứng tỏ xích nóng lắm. Ông lấy tay nắm vào xích, một người vội đưa ra hộp cao mở sẵn, lấy cao thoa lên tay người bị bỏng. Người này tiếp tục giới thiệu các thứ thuốc khác, chừng nửa giờ sau dơ tay cho mọi người thấy là vết bỏng đã lành. Rồi lại những màn, thoa bóp, coi mạch, ra toa và mua thuốc. Thuốc đắt kinh hồn, mỗi hộp cả trăm Mỹ kim. Vậy mà vẫn có nhiều người mua. Dược Viện thu được cả mấy ngàn USD.

Trên nguyên tắc, đến đây là chấm dứt cuộc hành hương. Thời gian ở Hồng Kông là tự do nhưng quý Thầy vẫn đi chung. Sẽ chia tay tại Hồng Kông.

 

Ngày 10 tháng 10 năm 1997.

Lẽ ra rời khách sạn Đông Phương lúc 10 giờ nhưng gặp rắc rối. Phái đoàn Mỹ có xe bus lớn nên đã đi rồi. Phái đoàn chúng tôi người đông, hành lý lắm mà xe nhỏ không đủ chứa nên phải xin đổi xe. Tưởng là dễ dàng, té ra không phải vậy. Hồng Kông đã được trao trả cho Trung Quốc từ tháng 7 nhưng vẫn được coi như một vùng đặc biệt, dân chúng không được phép lai vãng. Xe bus từ Hồng Kông tới chứ không phải của Quảng Đông vì tài xế ở Lục Địa không được phép vào H.K. Nay muốn có xe lớn hơn thì phải chờ xe khác từ H.K. qua. Chờ mãi, tới 1 giờ mới có xe, lớn hơn xe cũ một chút nên chật ních như nêm cối. Lại có hai người da trắng cũng đi theo. Phải mất thêm nhiều thì giờ mới giải quyết xong. Thầy Thiện Huệ cho biết lần nào tới Quảng Châu cũng bị rắc rối.

Xe chạy, thở ra cái phào. Ai dè vẫn còn phải chịu khổ sở. Đến trạm kiểm soát biên phòng của Quảng Châu, tất cả phải xuống xe, đem hết hành lý ra khỏi xe để kiểm tra, phải kéo hành lý theo người qua khỏi khu vực kiểm soát mới được chốt trở lại lên xe. Chạy cỡ năm ba phút lại phải xuống xe, lấy hết hành lý ra để kiểm soát vì là trạm biên phòng của H.K. Ai cũng đổ mồ hôi hột và thở ra mang tai luôn. Muốn ra khỏi đại lục Tàu phải chịu khổ sở như thế. Nhưng chưa hết đâu! Trời xế xế chiều mà một hành khách bị mắc kẹt. Đó là Bà Đ. T. B. (Thụy Sĩ), bà không kịp xin chiếu khán vào Hồng Kông nhưng vẫn cứ đi vì có người cho hay là có thể dàn xếp được tại Quảng Châu. Nay bà không được phép vào Hồng Kông. Cũng may là trong đoàn có mấy vị gốc Hoa nói tiếng Tàu rất giỏi nên giúp bà năn nỉ và phải quấy với nhân viên hữu tách nên chừng một giờ sau thì bà được đi.  Tối hôm đó chúng tôi nghỉ tại khách sạn Kimberly ở Cửu Long. Cất hành lý xong ra phố ăn cơm tại hiệu Công Đức Lâm và đi dạo phố. Người đông như nêm cối, nhà cao, không thấy cây cối nên lúc nào cũng nóng hừng hực. Có cảm giác như đang ở Chợ Lớn Việt Nam. Cửa hàng và lối sinh hoạt cũng giông giống như ở Chợ Lớn. Chỉ khác là người đông hơn và phố xá lớn hơn, cửa hiệu đẹp hơn, hàng hóa nhiều hơn.

 

Thứ bảy 11 tháng 10 năm 1997.

Đi Lan tau tham quan một pho tượng Phật lớn. Vì thăm quá nhiều chùa và Phật lớn tại nội địa Trung Hoa nên chùa và tượng Phật Lan tau cũng đại khái như ở những nơi khác. Có nhiều thì giờ nên chúng tôi cho xe chạy qua Hồng Kông. Cỡi ngựa thăm hoa nên nay chỉ nhớ đại khái là các tòa nhà chọc trời, phố xá đông người đi mà thôi. Cảm tưởng chính là Hồng Kông chật chội lắm và có lẽ ô nhiễm cũng khá cao.

 

Chủ nhật 12 tháng 10 năm 1997.

Đi dạo phố ở Cửu Long để mua đồ kỷ niệm. Hàng hóa đẹp thì đắt quá nên chỉ xem mà không mua.

 

Thứ hai 13 tháng 10 năm 1997.

Buổi sáng tiếp tục đi shopping.

4giờ30 đi xe bus ra phi trường. Nằm, ngồi vạ vật tại phi trường đến 9giờ00 hơn thì lên phi cơ. 9giờ45 tối bắt đầu bay. Bẩy giờ đồng hồ sau thì tới Sydney, sang phi cơ khác về Adelaide.

 

Kết Luận: Chuyến đi rất hữu ích nhưng qua mau như một giấc mơ. Tôi chỉ hơi tiếc là tuổi già, trí nhớ kém cỏi nên không thể hồi tưởng lại cho đầy đủ các chi tiết. Những thích thú hưởng được thuộc lãnh vực tâm linh và tinh thần nhiều hơn vật chất. Theo tôi nghĩ các du khách qua Tàu, ngoài cái thú ngắm phong cảnh còn cái thú rất lớn là ăn các món ngon nổi tiếng nấu theo lối Bắc Kinh, Quảng Đông, Phúc Kiến và Tứ Xuyên. Chúng tôi hoàn toàn ăn chay nên không biết mùi rượu thịt Trung Quốc ra sao. Thượng Tọa Trí Minh muốn chúng tôi được hưởng tối đa những tiện nghi về ăn uống, ngủ nghỉ, di chuyển để tập trung tinh thần vào việc lễ bái và tham quan các thánh tích Phật giáo. Bữa ăn nào cũng như bữa cỗ với cả chục món. Thời gian đầu ăn hết sức ngon. Nhưng ngán dần. Các món chay được nấu với nhiều dầu quá mà bộ tiêu hóa của dân Việt ta chịu không nổi. Hầu như tất cả mọi người đều thèm một đĩa rau luộc hay một tô canh tương đối thanh đạm, nhưng nhà hàng luôn luôn bưng ra những món thịnh soạn nấu công phu nhưng ... nhiều dầu quá. Phải chi chỉ ăn một nơi thì còn dặn đầu bếp nấu theo ý mình. Đằng này luôn luôn di chuyển nên phải cố mà ăn cho có sức.

Trở ngại lớn nhất là ngôn ngữ. Không biết nói Hoa ngữ là một thiệt thòi quá to lớn. Một hôm, món ăn lạt quá muốn xin ít muối mà không làm sao nói cho các chiêu đãi viên hiểu được.

Số chùa đến thăm quá nhiều, chùa nào cũng quá lớn không sao tham quan hết nổi, nên không có dịp tham vấn chư tăng về đường lối tu hành. Chỉ lễ bái, ngó rồi đi nơi khác. Cũng may là Thầy Thiện Huệ tinh thông Phật pháp và giỏi Hoa ngữ nên giảng nghĩa cho chúng tôi nghe phần nào về sự tích các nơi thăm viếng. Bất ngờ lớn lao và thú vị là gặp anh Vũ Văn Phường và nhà văn Nguyên Phong Vũ Văn Du. Tôi già yếu, mắt kém nên chỉ lo sao cho đừng vấp, đừng ngã, không ngó chung quanh, quan sát các bạn đồng hành. Nhưng cháu Diệu Anh thì khác, còn trẻ, lanh lẹn nên chỉ cần nhìn thoáng qua là biết ai với ai. Cháu đọc nhiều sách của Nguyên Phong và nhớ khuôn mặt nhà văn in tại bìa sách nên khi gặp, hình như ở Cửu Hoa Sơn thì phải, là biết ngay. Cháu cho tôi biết là có nhà văn Nguyên Phong trong phái đoàn Mỹ, Chùa Đức Viên, tôi đến gặp hỏi thăm thì đúng là Nguyên Phong bèn tự giới thiệu là khi xưa tại Vạn Hạnh có biết cha anh là Vũ Văn Phường. Nguyên Phong sốt sắng nói có ba cháu đi và giới thiệu tôi. Anh Phường không nhớ tôi nhưng khi nói là em anh Phi (anh ruột tôi) thì anh vui hẳn lên, hỏi thăm anh Phi, cho địa chỉ để nhắn anh Phi liên lạc với anh. Chỉ tiếc là thì giờ rất ít, đi rất nhiều nơi nên không thể hàn huyên tâm sự nhiều. Phật Giáo Trung Hoa có Tứ Đại Danh Sơn là: Ngũ Đài Sơn với Đức Văn Thù Bồ Tát, Cửu Hoa Sơn với Bồ Tát Địa Tạng, Phổ Đà Sơn với Bồ Tát Quán Thế Âm và Nga Mi Sơn với Bồ Tát Phổ Hiền. Tôi may mắn biết được hai nơi là Cửu Hoa Sơn và Phổ Đà Sơn. Hai nơi kia có lẽ không bao giờ được biết vì không có phương tiện hành hương Trung Quốc lần nữa. Kể ra được đi như thế là có phước nhiều lắm rồi. Đâu dám mong thêm!./.

 Ghi chú: Các đoạn nói về sự tích chùa, cũng như thơ và câu đối v.v... đưọc trích trong tập hướng dẫn “Chiêm Bái Thánh Tích Trung Quốc” của Thầy Trí Minh. Xin cám ơn Thầy và đạo hữu Nguyên Phong.

~~oOo~~

 


Vào mạng: 10-12-2001

Trở về mục "Phật tích và Danh thắng"

Đầu trang