Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
MỘT CHUYẾN HÀNH HƯƠNG TRUNG QUỐC

Phần IV

Ngày 1 tháng 10 năm 1997.

Ăn sáng xong, đi viếng Ngọc Phật Thiền Tự.

 

Ngọc Phật Thiền Tự.

Đời Thanh, Quang Tự năm thứ tám (1882), Huệ Căn Pháp Sư ở Phổ Đà Sơn qua Ấn Độ lễ Phật tích, ngang qua Miến Điện được cư sĩ Trần Quân Phổ và Quốc Vương xứ này giúp đỡ, quyên được 5 tôn ngọc Phật. Đem về tới Thượng Hải, thiếu phương tiện vận chuyển ra Phổ Đà Sơn, nên đành theo lời đề nghị của Thịnh Húc Nhân thân phụ quan đại thần Thịnh Tuyên Hoài, tạm cất mao xá thờ phụng hai pho lớn, còn ba pho nhỏ đem ra thờ ở Phổ Đà Sơn. Quang Tự năm 24 (1898), Huệ Căn pháp sư được sự trợ giúp của Trang Lục, xây chùa Ngọc Phật rộng 33 mẫu với 72 gian. Chẳng  bao lâu, Huệ Căn viên tịch, pháp sư Bổn Chiếu kế nhiệm thỉnh được từ Bắc Kinh bộ Long Tạng (tức Càn Long bản Đại Tạng Kinh). Cách mạng Tân Hợi, chùa bị chiếm dụng, Ngọc Phật bị đem ra để ở công viên, nhờ Thịnh Tuyên Hoài mướn một ngôi biệt thự, đem Ngọc Phật về thờ phụng. Sau khi pháp sư Bổn Chiếu viên tịch, chư sơn trưởng lão suy cử pháp sư Hoằng Pháp kế vị, đổi tên chùa thành Thập Phương Truyền Hiền Tùng Lâm. Đương thời ở Thường Châu chùa Thiên Ninh, ngài Trị Khai một bậc tôn túc trong Thiền Tông đề xướng pháp hội niệm Phật, xiển dương Thiền Tịnh song tu rất được hưởng ứng. Năm 1917, Hoằng Pháp viên tịch, các danh tăng Trị Khai, Tề Nam đề nghị pháp sư Khả Thành trụ trì. Thấy chỗ chật hẹp, không đủ cho số lượng đồ chúng tu học nên quyên mua được 10 mẫu, khởi công từ năm 1918 đến năm 1928 lạc thành, đổi lại thành Ngọc Phật Thiền Tự thuộc thiền hệ Lâm Tế thứ 46. Tháng sáu 1932, Khả Thành viên tịch, Viễn Trần kế nhiệm. Đến tháng năm 1942 pháp sư Chấn Hoa đảm nhận trụ trì, thiết lập thư viện Phật Học và Phật Học Viện Thượng Hải. Kiến trúc chủ yếu gồm Di Lặc Điện, Đại Hùng Bảo Điện, Ngọc Phật Lầu, Ngọa Phật Đường, Quan Âm Đường, Phương Trượng Thất... Ngọc Phật Lầu kiêm Tàng Kinh Lầu thờ pho Ngọc Phật cao 1 thước 90. Thái Hư đại sư từ Nam Kinh về trụ nơi đây vào năm 1946 đến tháng ba 1947 thì viên tịch. Hư Vân hòa thượng cũng từng hướng dẫn đả thiền thất tại đây. Từ 9giờ40 đến 12giờ, chúng tôi gặp trụ trì lễ bái, cúng dường. Trụ Trì Giác Tỉnh rất trẻ vì mới 27 tuổi, đệ tử Thầy Chân Thiền, đã cùng Thầy đi rất nhiều nước nên quen biết pháp sư Việt Nam Minh Lễ. Pháp sư học Phật Khoa tại Đại học Vạn Hạnh năm 1966 nên tôi biết Thầy. Thầy đã viên tịch và trụ trì Giác Tỉnh cũng biết. Sau đó chúng tôi đi tham quan các nơi. Ngọc Phật là tượng Phật tạc trong đá cẩm thạch trắng được mài dũa kỹ nên mịn và trắng bóng. Phái đoàn dùng cơm trưa tại chùa.

Buổi trưa dạo phố mua sắm. Thượng Hải quá to lớn, ít thì giờ nên chỉ coi được một phần rất nhỏ. Đúng là phi ngựa xem hoa nên nay không nhớ được rõ ràng. Chiều 6 giờ phải ra bến cảng lên phà, không dám chần chờ vì hôm nay quốc khánh, người đông lắm, giao thông tắc nghẽn. Đến bến rất mệt vì di chuyển hành lý nặng từ xe bus xuống bến và từ bến lên phà. Vất vả vì trơn ướt, phải kéo hành lý lên từng trên. Nhưng rồi cũng qua, và cảm thấy thoải mái ngắm cảnh Thượng Hải ban đêm. Từ biển nhìn vào, Thượng Hải rất lớn với vô số cao ốc, y như tấm ảnh in trên hộp brillantine “Evening in Shanghai”. Đêm nay khác là có vô số đèn chăng mắc và pháo bông mừng Quốc khánh.

Có một bài hát “Máu nhuộm bãi Thượng Hải” nói về vụ các băng đảng thanh toán nhau. Không hiểu có thật hay chỉ là tuồng hát. Nhưng vụ Quốc Dân Đảng Trung Hoa tàn sát Cộng Sản thì có thật trong năm 1927 khiến cả trăm ngàn “đồng chí” chạy trối chết về Diên An mà sau này gọi là “Vạn Lý Trường Chinh”. Phà chạy suốt đêm đến sáng hôm sau tới quần đảo Chu Sơn.

 

Ngày 02 tháng 10 năm 1997.

6 giờ 25 phà cặp bến Phổ Đà Sơn, thánh địa của đức Quán Thế Âm Bồ tát. Phổ Đà Sơn. Thuộc quần đảo Chu Sơn, tỉnh Triết Giang, diện tích hơn 12 cây số vuông. Phổ Đà gọi đủ là Phổ Đà Lạc Gia (Potala) có nghĩa là Tiểu Bạch Hoa. Năm Đại Trung thứ 12 (858), có thuyết cho là vào đời Hậu Lương Trinh Minh thứ hai (916), Nhật tăng là Huệ Ngạc thỉnh tượng Quán Thế Âm từ Ngũ Đài Sơn, trên đường từ Ninh Ba về nước bị giông tố cản trở con tầu, trôi dạt đến một đảo hoang, vắng bóng dân cư. Huệ Ngạc lên đảo lập am tu hành gọi là Quán Âm Bất Khẳng Khứ Am (Am Quán Âm Không Chịu Đi). Ban đầu chỉ có dân đánh cá tới lui, cúng dường. Dần dà sự linh ứng của pho tượng Quán Âm, cũng như đức hạnh của Huệ Ngạc lan từ quần đảo Chu Sơn vào đến tỉnh Triết Giang. Từ đó hòn đảo này trở thành đạo tràng của Quán Âm Bồ Tát và được gọi là Phổ Đà Sơn.

Chúng tôi trọ ở khách sạn Hoi Tak. Nhưng khi mới tới chưa có phòng nên tôi đã theo Thầy Thiện Huệ đi thăm vài chỗ như Chữ Tâm Lớn, Hai Con Rùa Nghe Pháp, Động Nước Đạo Sĩ, Động Quán Âm. Ăn trưa, lên phòng nghỉ, đến 2giờ 30 sẽ đi nhưng phái đoàn Hoa Kỳ chưa tới nên phải chờ đến 3 giờ 15 mới đi chùa Phổ Tế bằng xe bus.

 

Phổ Tế Tự.

Xây vào cuối đời Hậu Lương, dưới chân ngọn Linh Thứu, còn gọi là Tiền Tự, hậu thân của Bất Khẳng Khứ Am. Đời Bắc Tống thay đổi danh xưng như “Ngũ Đài Viên Quang Tự”, “Bảo Đà Quán Âm Tự”. Đời Minh được ban tặng “Hộ Quốc Vĩnh Thọ Phổ Đà Thiền Tự”. Đời Thanh tặng biển “Phổ Tế Quần Linh”, từ đó gọi luôn là Phổ Tế. Là ngôi chùa lớn nhất của toàn đảo, rộng 36,630 thước vuông, diện tích xây cất khoảng 11,400 thước vuông , bao gồm Thiên Vương Điện, Đại Viên Thông Điện, Già Lam Điện, Tổ Sư Điện, Tàng Kinh Các, Đông Tây La Hán Đường, Pháp Đường, Đông Tây Thiền Đường, Khách Đường, Vân Thủy Đường, Bạch Vân Lầu, Đắc Nguyệt Lầu, Hương Tích Lầu... Điện chính Viên Thông thờ tượngQuan Âm cao 8 thước 8, hai bên tường mỗi bên có 16 hình tướng của “Quán Âm tam thập nhị ứng tùy hình”. Điện này do vua Khang Hy sắc xây, đông và tây có điện Văn Thù và điện Phổ Hiền, Trước chùa là ao phóng sinh gọi là Hải Ấn hoặc Liên Hoa Trì.

 

Pháp Vũ Tự.

Còn gọi Hậu Tự, bên dưới ngọn Quang Hy lớn thứ nhì sau Phổ Tế, rộng 33,300 thước vuông, diện tích xây cất khoảng 8,800 thước vuông. Minh Vạn Lịch năm thứ 8 (1580), ngài Đại Trí từ Tây Thục đến Phổ Đà lễ Phật, thấy nơi đây u tĩnh, liền kết thảo am gọi là Hải Triều Am. Năm Vạn Lịch 22 (1594), quan quận thú Ngô An Quốc đổi thành Hải Triều Tự. Vạn Lịch 34 (1606) triều đình ban là Hộ Quốc Trấn Hải Thiền Tự. Thanh Thánh Tổ Khang Hy ban tặng biển đề “Thiên Hoa Pháp Vũ” và “Pháp Vũ Thiền Tự” từ đó gọi là Pháp Vũ.

Nổi tiếng nhất là Cửu Long Quán Âm Điện và Cửu Long Bích. Chùa ẩn trong rặng tùng và cổ ngân hạnh. Trong Tàng Kinh Lầu có Ấn Quang Đại Sư Kỷ Niệm Đường, bên trong để ảnh Ngài giữa hai câu liễn: “Mạc nhạ nhất xưng siêu thập địa, Tu tri lục tự quát tam thừa” (Đừng ngờ một câu qua thập địa, Phải hay sáu chữ phủ tam thừa). Chính tại phòng này Liên Tông thập tam tổ Ấn Quang Đại Sư đà tu trì, trước tác, dậy chúng gần 30 năm, cạnh bên là phòng ngủ của Ngài vẫn được giữ nguyên với y áo, giường chiếu, hài vớ những thứ vật dụng của Ngài trước kia.

Trước chùa có cầu Hải Hội. Tôi được đọc sách của Ấn Quang Đại Sư khuyên tu Tịnh Độ từ lâu, nay có hạnh duyên đến nơi Ngài đã ở 30 năm thì rất xúc động, quỳ xuống hướng về giường ngài

lạy ba lần.

Má tôi đã dạy tôi niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm Bồ Tát từ nhỏ. Trước khi qua Úc, mỗi ngày tôi tụng kinh Phổ Môn hai lần đến thành thuộc làu, nên tâm hồn hướng về vị bồ tát lớn này. Nhưng khi tới đảo Phổ Đà thì hơi thất vọng. Cảnh cũng đẹp nhưng ồn tạp quá, chứng cớ là phái đoàn đã xin bỏ bớt một chùa để có thì giờ đi mua bán. So với Cửu Hoa Sơn thì Phổ Đà Sơn không lớn bằng, không u tịch và khung cảnh không linh thiêng bằng. Phải chăng câu chuyện Ngài Vô Hà sống một mình trọn trăm năm trên núi làm tôi thích Cửu Hoa Sơn hơn?

 

Ngày 4 tháng 10 năm 1997.

8 giờ 30 rời khách sạn, lễ mễ đem hành lý ra bến tàu. Kỳ này đi thuyền bay tên Châu Ưng. Rời bến lúc 10 giờ. Ngồi trong ca bin gắn cửa kính nên không thể nhìn toàn cảnh trên biển. Chỉ thấy bọt trắng xóa và sóng cao ngất đập vào cửa sổ. Quả là thuyền bay vì tốc độ rất cao. Chỉ một hai tiếng đồng hồ sau là đã tới lục địa, thị xã Ninh Ba. Ninh Ba là thành phố một triệu dân, thuộc tỉnh Phước Kiến mà thủ phủ là Hàng Châu. Đối với Phật Tử thì Ninh Ba nổi tiếng nhờ chùa A Dục Vương.

 

A Dục Vương Tự.

Gọi đủ là A Dục Vương Quảng Lợi Thiền Tự, nổi tiếng nhờ tháp thờ chân thân xá lợi Phật. Theo sách Phật Giáo Truyền Ký ghi: Thời Chu Lệ Vương, vua A Dục ở đông Thiên Trúc xây 84.000 tháp thờ xá lợi chân thân Phật ở khắp nơi cho thiên hạ có cơ duyên chiêm bái. Tây Tấn năm Thái Khang thứ ba (282) ẩn sĩ Lưu Thái Ha (khai sơn tổ sư Huệ Đạt), mộng thấy một vị Phạn tăng chỉ bày tìm kiếm xá lợi bảo tháp. Một hôm, khi đến Lưu Sơn bỗng nghe dưới đất có tiếng chuông khánh, ngài thành tâm cầu nguyện , và tìm được dưới lòng đất bảo tháp cao một thước bốn tấc tầu, rộng bẩy tấc tầu. Xá Lợi Phật đảnh được chứa trong chung vàng bên trong tháp. Để bảo tồn Phật Quốc thánh vật, Tấn Nghĩa Hy nguyên niên (405) khởi xây đình thờ xá lợi, đến đời Nam Triều, Tống Nguyên Gia thứ hai (425) bắt đầu xây chùa. Lương Vũ Đế năm Phổ Thông thứ ba (522) xây thêm điện đường lầu các và ban tặng tấm biển “A Dục Vương Tự”. Bắc Tống năm Tường Phù nguyên niên (1008) đổi thành Quảng Lợi Thiền Tự. Vua Tống Cao Tông tự tay đề biển “Phật Đảnh Quang Minh Chi Tháp”. Kiến trúc hiện nay lưu lại từ đời Thanh, gồm Thiên Vương Điện, Đại Hùng Bảo Điện, Xá Lợi Điện và Pháp Đường. Phía đông có chung lầu, Niệm Phật Đường, Khách Đường, Xá Lợi Đơn, Tiên Giác Đường, nơi cất chứa các văn vật. Phía tây có Đại đàn, Vân Thủy Đường, Tổ Sư Điện, Truyền Tông Đường, Thừa Ân Đường. Các cao tăng như Liên Tông thập nhất tổ Tỉnh An Đại Sư, Hư Vân Hoà Thượng đều phát nguyện tâm về đây đảnh lễ và chiêm bái chân thân xá lợi. Tương truyền xá lợi đổi màu, tùy theo nhân duyên của mỗi người mà thấy các màu đỏ, xanh, vàng và đen. Sau khi lễ bái, Trụ trì cầm cái tháp cho phép từng người của phái đoàn coi. Chỉ được chạm trán chứ không được đưa tay chạm vào tháp. Măt tôi đã kém, đeo kính thêm khó nên lúc đầu không thấy gì hết. Sau Thượng Tọa Trí Minh bảo tôi nghển cổ lên nhìn qua một lỗ hở thì thấy một khoảng sáng vàng vàng pha vài đốm đen. Không biết có phải là nhìn thấy xá lợi không. Nguyên Phong, tác giả rất nhiều sách dịch thuật về tu luyện Phật giáo, nói là anh thấy một cái giỏ nhỏ treo lơ lửng trong tháp, ánh sáng của xá lợi từ đó phát ra nhưng không cho biết là màu gì. Đa số trong phái đoàn thấy màu vàng, có vị thấy màu trắng. Một vị thấy đen thui và một vị thấy một cái đầu lâu. Tội nghiệp là hướng dẫn viên Cao Sĩ Bính. Lần hướng dẫn quí thầy và phái đoàn hành hương kỳ trước đây, anh chưa biết Phật giáo, nhìn vào tháp thấy đen thui. Nay anh hiểu đạo kha khá, muốn nhìn xem thấy màu gì thì không có dịp vì khi tất cả phái đoàn nhìn xong Thầy Trụ Trì không cho coi nữa. Anh buồn so. Chúng tôi phải an ủi anh.

Trong thời gian ở đây chúng tôi ở khách sạn Kim Long. Từ trên lầu 20 nhìn xuống thấy Ninh Ba có nhiều cao ốc và có vẻ rất lớn.

 

Ngày 5 tháng 10 năm 1997.

Dùng xe bus vượt 240 cây số đường xấu đi Nhạn Đãng Sơn. Lẽ ra đi sớm lúc 6 giờ sáng, nhưng nhiều hành lý quá nên mất rất nhiều thì giờ chất lên xe. Chúng tôi không có một ý niệm nào về nơi đây cả nên không tha thiết như Cửu Hoa Sơn hay Phổ Đà Sơn nhưng đến nơi mới biết là rất đẹp. Xe chạy lên cao dần, đến khách sạn Ngân Nhạn.

 

Nhạn Đãng Sơn.

Cao 1057 thước, sơn thanh thủy tú, được coi là đông nam đệ nhất sơn, thuộc huyện Lạc Thanh, thị xã Ôn Châu, tỉnh Triết Giang. Nhạn Hồ Cương là ngọn cao nhất, trên đỉnh có hồ. Đầu đời Thái Bình Thiên Quốc (1876) có đến 18 cổ sát, 16 đình và 10 viện. Từ động Dương Giác phía đông đến Phù Dung Bạch Cương phía tây, từ Cân Trúc Giản Khẩu phía nam đến Động Tiên Cô phía bắc, chia làm 5 khu phong cảnh như Linh Phong, Linh Nham, Đại Long Thu, Nhạn Hồ, Hiển Thánh Môn. Trong đó Linh Phong, Linh Nham và Đại Long Thu được gọi là Nhạn Đãng Tam Tuyệt. Toàn cảnh gồm 102 ngọn, 64 cương, 46 động, 18 thác, 28 đầm, 13 vực, 13 lĩnh, 10 suối...

 

Linh Phong.

Sau chùa Linh Phong là ngọn Linh Phong cao 270 thước, hợp cùng ngọn Ỷ Thiên, giống như đôi bàn tay chắp lại, gọi chung là Hợp Chưởng Phong. Trong đêm nhìn như một đôi nam nữ tựa kề nên cũng gọi là Phu Thê Phong. Dưới đỉnh là Quan Âm Động, trong động có điện Thiên Vương thờ Tứ Đại Kim Cương, qua điện này trong động dựa vào nham thạch, dựng nên lầu 10 tầng, cao nhất là Điện Quán Âm thờ phượng Quán Âm Bồ Tát và 18 La Hán, 9 tầng dưới là tăng xá. Có đến 370 bậc cấp từ cửa động đến tầng thứ 10, động này lớn nhất ở Nhạn Đãng Sơn. Chùa Linh Phong bên dưới ngọn Linh Phong xây vào đời Bắc Tống năm Thiên Thánh nguyên niên (1023) là một trong 18 ngôi cổ sát ở Nhạn Đãng Sơn và là đạo tràng của Liên Tông cửu tổ Ngẫu Ích đại sư.

Ngài họ Chung tên Tế Minh, tự Chấn Chi, người Ngô Huyện, tỉnh Giang Tô. Phụ thân trì Đại Bi chú hơn mười năm, mộng thấy Quán Âm Bồ Tát trao cho đứa bé, sau đó thì Ngài xuất sinh. Lên 7 tuổi chỉ dùng chay, 12 tuổi học sách Thánh Hiền, quyết gánh việc Thánh (Nho) thề diệt Thích Lão. 17 tuổi nhờ đọc Tự Tri Lục và Trúc Song Tùy Bút của Liên Trì Đại Sư, biết được lỗi báng Phật, ăn năn sám hối. Năm 20 tuổi, tang cha, do nghe Kinh Địa Tạng phát tâm xuất thế. Từ đó chuyên niệm Phật. Năm 23 tuổi nghe giảng Kinh Lăng Nghiêm, đến câu “Thế giới tại không, Không sinh Đại Giác” sinh dạ hoài nghi. Năm 24 tuổi một đêm mộng thấy tham bái Hám Sơn Đại Sư. Lần lượt ba lần. Vì Hám Sơn Đại Sư ở tại Tào Khê xa xôi nên xuất gia nơi Tuyết Lãnh là đệ tử Ngài, được đặt pháp danh là Tri Húc. Thọ giới cụ túc trước tháp Chu Hoằng, 26 tuổi thọ Bồ Tát Giới. Năm 27 tuổi xem hết một lượt Luật Tạng mới hay đời sống đầy giả ngụy, hư phù bất thật đều do cớ bỏ phế Luật học bấy lâu. Tuy tinh thông Luật học nhưng không nhận làm Hòa Thượng (Truyền giới sư) mà phát ba thệ nguyện. Thứ nhất, chưa chứng Vô sinh pháp nhẫn chưa nhận đồ chúng. Thứ hai không lên ngôi cao. Thứ ba thà đói lạnh chết, quyết không vì trưởng dưỡng sắc thân mà tụng kinh bái sám hóa duyên. Từ 37 tuổi trở đi, du hóa các phương, đến năm 57 tuổi viên tịch tại chùa Linh Phong. Ngài đã trước thuật hơn 60 loại, cộng chung 164 quyển như: Tướng Tông Bát Yếu Trực Giải, Tịnh Độ Thập Yếu, Duy Thức Tâm Yếu, Viên Giác Kinh Tâm Sở, Lăng Già Nghĩa Sớ, Phạm Võng Hợp Chú, Đại Thừa Chỉ Quán Thích Yếu, Đại Niết Bàn Hợp Luận, Tứ A Hàm Tiết Yếu...

Ba năm sau Ngài nhập diệt, môn đồ mở khám, thấy Ngài vẫn uy nghiêm tĩnh tọa, tóc dài lấp tai, diện mạo như người sống. Sau khi trà tỳ, răng còn nguyên vẹn. Khi còn sinh tiền Ngài thường căn dặn sau khi hỏa táng, nghiền linh cốt Ngài, phưa với bột làm bánh, đem rải khắp núi sông để kết duyên với chúng sinh, nhưng hàng môn nhân không đành lòng, xây tháp bên phải đại điện của chùa Linh Phong thờ phụng linh cốt Ngài.

Tuổi già sức yếu, chúng tôi chỉ đi thăm một số nơi. Các vị trẻ theo Thầy Thiện Huệ leo lên cao thăm nhiều cảnh rất đẹp. Đặc biệt có một hang động trưng bày các pho tượng của 108 anh hùng Lương Sơn Bạc. Rất tiếc là quí vị đó chưa hề đọc Thủy Hử nên nói có cái hang chứa một bọn cướp.

Chúng tôi cũng được dịp xem các “trình diễn viên” biểu diễn trò đeo dây tuột từ mỏm núi rất cao xuống đất, và trò bám vào dây băng ngang từ mỏm núi này sang mỏm núi kia.

Nhạn Đãng Sơn cực đẹp, muốn đi xem cho đã thì ít ra phải cả tuần lễ, nhưng thời giờ có hạn, chúng tôi còn phải đi nơi khác.

 

Ngày 6 tháng 10 năm 1997.

Đi Ôn Châu để viếng chùa Linh Nham. Ôn Châu, như tên gọi là một xứ ấm áp, thị xã còn có tên là Bạch Lộc Thành (thành nai trắng) nổi tiếng về kỹ nghệ giầy dép, quần áo và vật dụng xây cất. Dân chúng rất thạo nghề buôn bán. Xe đi ngang cầu Ân Xương bắc ngang một con sông rất đẹp rồi mới vào thành phố. Trọ tại khách sạn Ou chang.

Chùa Linh Nham có nhiều vận hạn thịnh suy và có lúc bị Chính quyền Cộng Sản trưng dụng làm chiêu đãi sở. Năm 1954, Hòa Thượng Hiền Quang (67 tuổi) cùng năm đệ tử từ Núi Thiên Thai về tu bổ lại chùa. Hòa Thượng là Phó Hội Trưởng Hội Phật Giáo Ôn Châu. Hiện đang trùng tu. Chùa có 10 tu sĩ và 6 cư sĩ.                                              

 

Ngày 7 tháng 10 năm 1997.

Rời khách sạn, đi xe bus ra sân bay, lấy phi cơ của Shanghai Airline đi Quảng Châu. Đặt chân xuống phi cảng Bạch Vân Q.C. thấy khí hậu khác hẳn. Trời nắng, nóng 25 độ. Quảng Châu nằm trên bờ Châu Giang, gọi là Sông Ngọc vì trai dưới sông có ngọc. Dân chúng trồng lúa nước và ăn cơm chứ không phải lúa mì như miền bắc. Đây là vùng Lĩnh Nam, chạy từ Triết Giang đến Bắc Việt Nam. Thiệu Hưng là kinh đô của Việt Vương Câu Tiễn. Đây là vùng lịch sử của người Việt. Vị vua đầu tiên họ Hồng Bàng là Kinh Dương Vương đóng đô tại Động Đình Hồ. Ta thấy Nam Sử Diễn ca ghi:

 “Kể từ trời mở Viêm bang,
Sơ đầu có họ Hồng Bàng mơí ra.
.Cháu đời Viêm Đế thứ ba,
Nối dòng Hỏa đức gọi là Đế Minh.
Quan phong khi giá nam hành,
Hay đâu Mai Lĩnh duyên sinh lam kiều.
Vụ Tiên vừa thuở đào yêu.
Xe loan nối gót, tơ điều kết duyên.
Người trần sánh với người tiên,
Tinh anh kết lại, thánh hiền nối ra.
Phong làm con trưởng nước ta,
Tên là Lộc Tục hiệu la Kinh Dương...”

Quảng Châu là thủ phủ tỉnh Quảng Đông với Hoàng Hoa Cương, gò chôn 72 liệt sĩ cách mạng chống Thanh Triều, trong đó có thêm ngôi mộ liệt sĩ thứ 73 của Phạm Hồng Thái, liệt sĩ Việt Nam đã dùng bom ám sát toàn quyền Pháp là Merlin tại Sa Điện nhưng không thành công, bị vây bắt ngặt quá, nhẩy xuống Châu Giang tự trầm. Dân Trung Quốc khâm phục sự anh dũng của ông nên vớt xác chôn ở Hoàng Hoa Cương chung với các liệt sĩ của họ.

Chúng tôi đến Quảng Châu để viếng thăm những nơi có liên quan đến Lục Tổ.

 

Quang Hiếu Tự.

Chùa lớn và cổ nhất ở Lĩnh Nam, rộng hơn 3 vạn thước vuông. Đời Trần, niên hiệu Thiên Gia (560-566) ngài Chân Đế dịch Nhiếp Đại Thừa Luận và soạn Nhiếp Đại Thừa Luận Thích tại chùa này. Cao tăng của các thời đại như Ngưỡng Sơn Huệ Tịch, Vân Môn Đạt Ngạn, Hám Sơn Đức Thanh, Đan Hà Thiên Nhiên đều từng trụ hoặc thuyết pháp nơi đây. Lục Tổ Huệ Năng thế phát và thọ giới cụ túc, đồng thời thuyết pháp môn đốn ngộ dưới cây bồ đề cũng ngay chùa này. Minh Thần Tông Vạn Lịch năm 26, Hám Sơn đại sư về đây trùng hưng thiền tông, hoằng bá tịnh độ, hiển bày pháp thiền tịnh song tu, tạo ảnh hưởng lớn khắp vùng Quảng Đông. Trước kia là nhà của Triệu Kiến Đức đời Tây Hán, cháu ba đời của Việt Vương Triệu Đà. Đến đời Tam Quốc, Ngu Phiên mở trường dạy học gọi là Ngu Uyển hay Hạ Lâm vì trong vườn trồng nhiều cây hạ. Sau khi Ngu Phiên qua đời, Ngu Uyển đổi thành già lam tên là Chế Chỉ Tự. Đông Tấn Long An nguyên niên (397) ngài Đàm Ma Da Xá từ nước Kế Tân qua Quảng Châu, lập Phật điện ở Chùa Chế Chỉ, đổi tên thành Ngũ Uyển Diên Tự (còn gọi là Vương Viên Tự), đây là lần đầu chùa có Phật điện. Minh niên hiệu Thành Hóa thứ 18, vua ban tặng tấm biển “Quang Hiếu Tự”.

Từ Nam Tống, Thiệu Hưng năm thứ 7 đến Nguyên Thế Tổ năm thứ 16 (1279) là thời kỳ hưng thịnh nhất, và bắt đầu suy vi từ đời Đạo Quang. Năm 1921 bị Quốc Dân Đảng chiếm dụng. Đại điện nguyên thủy có 5 gian, đến đời Thanh Thuận Trị thứ 11 làm thành 7 gian. Lục Tổ điện xây vào niên đại Tường Phù đời Tống (1008-1016), hai bên đại điện là hai tháp 7 tầng bằng sắt. Tây tháp đúc vào đời Nam Hán, năm Đại Bảo thứ 6, nay còn 3 từng. Đông tháp do Nam Hán Chủ là Lưu Trương đúc (967), cao 60 thước là mgôi tháp sắt cổ hoàn chỉnh nhất ở Quảng Đông.

Quang Hiếu tự đã từng đón tiếp nhiều vị cao tăng như Cầu Na Bạt Đà La mở giới đàn truyền thọ giới pháp vào đời Lưu Tống Nguyên Gia thứ 12 (435). Phạn Tăng Trí Dược trồng cây bồ đề trước giới đài, mở hội thuyếp pháp vào đời Lương. Ban Thích Mật Đế dịch Lăng Ngiêm Kinh đời Đường Thần Long nguyên niên (705). Danh tăng Nghĩa Tịnh, Bất Không, Giám Chân đều hoằng hóa giảng luật hoặc quán đảnh, hoặc truyền giới. Do vậy Quang Hiếu có một địa vị quan trọng trong lịch sử Phật Giáo Trung Quốc.

Nhìn cảnh chùa Quang Hiếu, tôi nhớ lại những đoạn trong Pháp Bảo Đàn Kinh kể lại cuộc đời Ngài Huệ Năng. Sau khi đã ẩn nhẫn lánh nạn trong 15 năm, Ngài Huệ Năng thấy đã đến thời kỳ phải hoằng pháp, chẳng nên ẩn dật hoài. Ngài bèn đi đến Chùa Pháp Tánh tại Quảng Châu, gặp Ấn Tông pháp sư giảng kinh Niết Bàn. Lúc ấy có luồng gió thổi động lá phướn. Một thầy tăng nói gió động, một thầy tăng khác nói phướn động, hai đàng nghị luận hoài chẳng dứt. Ngài Huệ Năng bước tới nói rằng: “Chẳng phải gió động, cũng không phải phướn động, ấy là tâm của nhân giả động”. Chúng nhân nghe nói đều kinh hãi. Ấn Tông liền mời Ngài ngồi chỗ trên hết, và cầu hỏi những nghĩa lý huyền ảo. Thấy Ngài trả lời, ngôn ngữ giản dị, nghĩ lý thích đương, mà chẳng do văn tự, Ấn Tông nói rằng: “Hành giả hẳn chẳng phải là người thường. Đã lâu tôi có nghe y pháp của Huỳnh Mai ngũ tổ đã về phương Nam, có phải về tay hành giả chăng?”. Ngài nói: “Tôi đâu dám”. Ấn Tông làm lễ, xin trao y bát cho đại chúng xem. Ấn Tông lại hỏi: “Đức Huỳnh Mai khi phú chúc, ngài truyền thọ như thế nào?” Ngài nói: “Ngài không có truyền thọ chi, chỉ luận môn Kiến Tánh. Ngài chẳng luận phép Thiền Định và phép Giải Thoát”. Ấn Tông hỏi: “Sao chẳng luận phép Thiền Định và phép Giải Thoát?”. Ngài đáp: “Vì hai phép ấy chẳng phải là Phật pháp. Phật pháp là pháp chẳng hai...”.

Thầy Thiện Huệ đã chỉ cho chúng tôi thấy một ngôi tháp thờ tóc của Ngài Huệ Năng khi thọ giới xuất gia. Nghĩ lại đoạn kinh trên tôi rất xúc động nên lễ quanh tháp.

Đến 6 giờ chiều đi ăn tại tiệm cơm chay Thái Căn Hương rất nổi tiếng. Tại Việt Nam cũng có một tiệm ở đường Nguyễn Thiện Thuật. Bữa ăn này do anh Cao đại diện Lạc Dương Lữ Hành Xã đài thọ vì hôm nay là sinh nhật của Thầy Trí Minh. Tối về trọ khách sạn Đông Phương năm sao, rất lớn và rất lộng lẫy.

~~oOo~~

 


Vào mạng: 10-12-2001

Trở về mục "Phật tích và Danh thắng"

Đầu trang