Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Hành hương Nhật, Ấn, Lào
Thích-Hạnh-Thức 

II. Ấn Độ:

Khẩn cầu xin Ðức Thế Tôn lại giáng xuống trần!
Ngài, đấng vô lượng thọ, vô đẳng luân
Xin xót thương ban niềm hy vọng muôn đời,
Xin tưới xuống mật ngọt vô lượng tỏa ra
từng cánh trên đài sen sáng chói!

……

                                               (Thơ Tagore)

                                                 

       ( Tới  phi trường Gaya)                                                                    (Đức Bổn Sư tại Bồ Đề Đạo Tràng)

 

17-10: Phi trường quốc tế Kansai Nhật nằm trên một hòn đảo nhân tạo bên bờ vịnh Osaka, với chi phí tổng cọng 17 tỉ $US, là một trong những phi trường hiện đại nhất hiện nay. Tôi dạo quanh các gian hàng tìm mua ấm pha trà Nhật nhưng không thấy. Khác với kiểu Trung Quốc, ấm trà Nhật miệng lớn, tay cầm vững chắc, mỗi lần châm trà và súc tiện lợi, dễ dàng hơn. Hôm ở siêu thị Tokyo, có nhiều cái rất đẹp nhưng tôi sợ mang theo dọc đường cồng kềnh nên không mua….  

 

Phi cơ ghé xuống phi trường Tapei, Taiwan để chuyển tiếp. Phi trường Taiwan thật thoải mái, được vào Internet miễn phí, chế trà nhâm nhi và đi dạo xem triển lãm mỹ thuật. Phòng triển lãm hiện đang trưng bày tranh và tượng của các nghệ nhân nỗi tiếng You Weuzhou, Chi Keyong, We Shixin, Fan Fenquin và Chen Borong. Những bức tượng bằng đồng hoặc bằng gỗ được chạm trổ rất tinh vi, sắc sảo, đường nét thanh tao… Tiệm quán đông vui nằm ở khu C. Giữa khu B và C có phòng tĩnh tâm cho Phật-giáo, phòng cầu nguyện cho Hồi Giáo, và cho Thiên Chúa Giáo. Tiền Nhật rất mạnh, có thể xài ở Đài Loan, Thái Lan hoặc Ấn Độ dễ dàng, không nên đổi qua đô la Mỹ sẽ bị lỗ tiền ngân hàng….

 

Phi trường Băng Cốc mới 4g sáng hàng quán đã có người lố nhố. Có rất nhiều người Tây phương qua lại. Nhớ hồi ở Chiang-Mai, miền bắc Thái Lan, ra đường thấy người Tây phương tràn ngập. Họ tới đây kết hợp 2 việc, vừa du lịch, vừa học thiền Vipassana. Trong khi ở Việt-Nam mình, chưa khai thác được mục nầy. Internet ở tầng II, phải trả tiền, một giờ 300 Bath (khoảng 3đô Mỹ)…. China Airline của Đài Loan đồ ăn chay quá tệ, dở và tồi. Không hiểu sao ăn vô là thấy khó chịu, buồn mửa... Chuyến nầy thức dậy sớm (dậy 1g30´ sáng), lại phải qua hai trạm chuyển tiếp rất lâu là Đài loan và Băng cốc. Mệt đừ….

 

18-10-2008: Đến Gaya lúc 8g50´ sáng. Hai thầy Hạnh Tuệ và Hạnh Bổn đem theo vòng hoa ra đón. Tới Ấn Độ là thấy „trần ai“ rồi, mà Gaya lại càng trần ai hơn. Vì Gaya, thuộc Bihar là tiểu bang nghèo nhất nước Ấn. Mấy ông kiểm soát giấy làm chậm như rùa. Thỉnh thoảng ngẩng đầu lên liếc liếc dòm dòm muốn kiếm cớ, trông thấy ghét! Có điêù ở đây và Thái Lan, tu sĩ được ưu tiên. Ngồi đợi, đi tàu, hoặc xe buýt .v.v… đều được ưu đãi. Không như ở Nhật và Taiwan, cứ tỉnh bơ, theo nguyên tắc „tự do bình đẳng“. Thật là xứ Phật-giáo có khác! Phi trường Gaya cách Bồ Đề Đạo Tràng 14 km, mới mở năm 2002, rất tiện lợi cho việc hành hương. Bốn hãng bay Sri-Lanka, Indian Airline, Thái và Druk Air thường xuyên có chuyến bay. Lúc trước phải qua ngả New Dehli, hoặc Kalkutta, rồi từ đó đi suốt đêm bằng tàu lửa hoặc xe buýt về Gaya, rất cực nhọc…. Phái đoàn đứng chụp hình với 9 vòng hoa đeo cổ, trông thật oai vệ giống như những vị quốc khách! Từ phi trường về Trung tâm Viên Giác chưa tới 30´. Đường xá tốt hơn mọi khi. Dầu vậy, nhiều lúc phải thét lên đứng tim, vì bác tài chạy lạn „quá đẹp“, không thua gì ở Việt-Nam! Tới nơi, có mấy anh Ấn Độ phụ đưa vali lên phòng. Sau khi lễ Phật và nhận „chỉ thị“, mọi người về phòng nghỉ. Hai người một phòng, có tivi, toillette phòng tắm riêng. Khí hậu dễ chịu, chỉ buổi trưa hơi nóng (gần cuối tháng 10 mà). Trung tâm Viên-Giác mùa nầy bận rộn tiếp đón phái đoàn các nơi đến, vì là mùa hành hương. Kỳ nầy có phái đoàn Thầy Đồng Văn ở Đức sắp qua (Thầy đi Nhật rồi về lại Đức 1 tuần để dẫn phái đoàn Đức hành hương Ấn Độ), phái đoàn ở Mỹ, ở Việt-Nam ….

 

19-10: Buổi sáng 4g ra tháp Giác Ngộ tụng Lăng Nghiêm. Từ Viên-Giác ra tháp đi bộ khoảng 7´. Có thêm vài vị tăng ni sinh VN du học tại New Delhi mới xuống hôm qua. Trời hãy còn tối. Ánh đèn đường le lói vàng vọt. Những chú chó ốm nhom chạy rông, ngứa miệng sủa rân. Những thân hình đen đủi bò lết, đầu tóc rối bù, ngóc lên ngửa tay xin tiền… Những cảnh trần ai đó đã được xếp lại ở ngoài cổng tháp. Vào đến cổng đã thấy giải thoát, bao nhiêu bực bội khổ đau đều được gác lại sau lưng…. Tháp Đại Giác trang nghiêm hùng vĩ do vua A Dục xây vào thế kỷ thứ hai. Chánh điện bên trong tháp thờ tượng Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, nét mặt Ấn Độ, lai một chút Tây Phương, trông to lớn, rạng rỡ, trang nghiêm. Tương truyền tượng nầy đã được Bồ Tát Di Lặc thị hiện hoàn thành. Bồ Đề Đạo Tràng đông hơn bao giờ, người ra vào tấp nập. Người ta thành kính lễ lạy, tụng kinh, bái sám, ngồi thiền, đi kinh hành nhiễu Phật,…. Phái đoàn tìm một chỗ sau lưng tháp, bên hông cội Bồ đề, trải chiếu tụng Lăng Nghiêm. Nhiều đoàn đi nhiễu vòng quanh tháp. Có một phái đoàn cư sĩ khá đông (chắc là Singapor) do một vị đứng tuổi, cao lớn dẫn đầu đi nhiễu Phật mỗi ngày. Ngày cuối trong chánh điện, vị nầy đã xuống tóc cho vài người trong nhóm. Rồi đến phái đoàn người Hoa, với giọng tụng kinh thật lớn; phái đoàn người Ấn, người Sirilanka, người Việt-Nam,… hầu như mỗi ngày đều có sự thay đổi. Đặc biệt kỳ nầy người Ấn và người Tích Lan rất đông, với đồng phục màu trắng hoặc đắp y truyền thống nhiều màu sặc sở. Tôn giáo nầy đã trở về lại nơi nó xuất phát rồi chăng?

Sau thời kinh, đi kinh hành, chụp hình kỷ niệm, rồi về chùa  ăn sáng. Phần còn lại trong ngày tùy mỗi người tu tập riêng. Có 3 ngày ở đây để tu tập. Tôi chọn bộ kinh Ngũ Bách Danh Quan Thế Âm, lạy theo kiểu Tây Tạng. Đằng sau lưng tháp, khu rất đông người lễ lạy, Hạnh Bổn chỉ cho tôi tấm ván của Thầy Minh Tánh. Thầy còn ở Na Uy chưa qua, vì thế tôi xin được „trưng dụng“ trong 3 ngày vậy.

 

Bồ Đề đạo tràng (Bodhgaya) nay thuộc bang Bihar, cách thủ phủ Patna 100 cây số, là một trong 4 động tâm mà người Phật tử nào một lần trong đời cũng ước ao được chiêm bái. Trước khi diệt độ Đức Phật có dạy: “Này Anan, sau khi ta diệt độ, tất cả Thiện nam, Tín nữ có lòng tin nơi Phật pháp nên đi đến 4 nơi linh thiêng và ghi nhớ rằng đây là Lumbini (Lâm Tỳ Ni), nơi Ta Đản sanh, đây là Bodhgaya (Bồ đề Đạo tràng) nơi Ta thành đạo, đây là Sarnath (Lộc Uyển) nơi Ta chuyển Pháp luân và đây là Kushinagar (Câu Thi Na) nơi Ta nhập Niết bàn”…. Mỗi lần tới đây lòng tôi cảm thấy rộn rã, xao xuyến. Tại đây, Đức Bồ Tát đã trải qua 49 ngày đêm thiền tọa, đã chiến đấu dũng mãnh với ma quân, để cuối cùng đã chiến thắng….

 

            20-10: Hôm nay ra tháp tụng kinh, có hàng vạn con châu chấu xanh bay đến đầy cả trời đất. Chúng đậu trên áo, trên vai, đổ xuống sàn nhà, dọc theo đường kinh hành. Mấy người phu quét sân phải nỗ lực gom chúng lại một góc để tránh bị chà đạp. Những chúng sanh nầy ưa phá hoại mùa màng, làm cho nhân dân ta thán. Phải chăng lời kinh tiếng kệ hôm qua đã chiêu cảm chúng nên hôm nay chúng rời „trú xứ“, dồn về đây để „thính pháp văn kinh“. Dễ gì một lần trong đời được nghe pháp Phật. Đó là một trong mấy cái khó: „thân người khó được, Phật pháp khó nghe“…

           

            21-10: Những con châu chấu hôm qua đã biến mất, trả lại sự yên tịnh cho đại chúng. Có lẽ chúng đã toại nguyện, và đã đi đầu thai ở một cảnh giới nào đó cao hơn?... Sau thời công phu, Sư phụ nói về sự tích cây Bồ Đề linh thiêng. Tương truyền rằng nó đã bị đốn nhiều lần, trong đó có vua A Dục khi ông chưa tin Phật pháp. Nhưng kỳ diệu thay, cây mẹ mất đi thì cây con lại mọc ra ngay chỗ cũ. Sau đó, con gái vua là tỳ kheo ni Sanghamitta đã đem một nhánh cây bồ đề nầy qua trồng tại Srilanka. Theo nhà khảo cổ nổi tiếng người Anh Alexander Cunningham -người đã vận động trùng tu lại thánh địa Bodhgaya vào năm 1871- từ cây bồ đề gốc ở Sri Lanka nầy đã được chiết nhánh đem về trồng lại tại Bồ Đề đạo tràng, đúng nơi Đức Phật ngồi tọa thiền cách đây 2.552 năm trước…

 

Sau khi điểm tâm, tôi lấy xe Lamb đi thăm Gaya cho biết! Gaya là thành phố gần đây nhất, cách 14km. Giá vé là 8 Ruby (1$US = 48 Ruby). Quá rẻ, thật là khác xa một trời một vực với Nhật! Tới nơi, người đông như kiến, xe cộ chạy chen với người, ồn ào, rối loạn, nhớp nhúa, mất trật tự. Vào một tiệm nước sinh tố, tôi kêu một ly nước ép trái lựu. Không biết giá bao nhiêu, tôi đưa 20 Ruby, họ thối lại 7. Ở đây vào tiệm ăn không cần hỏi giá, không sợ bị lừa. Người Ấn rất hiền lành, thật thà, chất phát. (Nhưng trong việc mua bán ngoài  đường cho du khách, phải cẩn thận, luôn luôn có sự nói thách trên trời dưới đất)…. Họ sống một cách bình thản bên cạnh trâu bò gà vịt, heo chó,… an nhiên tự tại, không lộ chút gì khó chịu. Đi ngang qua một góc phố, thấy có một anh sinh viên hay viên chức gì đó ăn mặc tươm tất, bảnh trai, đang đứng ăn chuối. Anh ta bóc từng trái ăn ngon lành, xong cứ việc phất tay, „thẩy“ võ chuối ra phía sau, mặt tỉnh bơ không chút đắn đo, ưu tư. Đó là chuyện đương nhiên, bình thường mà, có gì phải bận tâm? Nên an nhiên tự tại, mọi người, mọi hiện tượng đều có quyền hiện hữu. Đủ duyên thì hiện, hết duyên thì mất. Rác cũng như mình, nó „có quyền“ của nó. Bình đẳng. Tại sao kỳ thị?!....Tôi mỉm cười, nghiệm ra „chân lý“. À ha, thì ra chính nỗi băn khoăn ray rức, ràng buộc trong ý niệm đã làm mình khổ. Sau bài học đó, lòng tôi bỗng nhẹ ra, không còn thao thức, áy náy gì cả. Thì ra lâu nay mình cứ „ray rứt“ vì những chuyện bao đồng không đâu!...

 

            22-10: Rời Bồ Đề Đạo Tràng để đi thăm các thánh tích. Đầu tiên là núi Linh Thứu, cách Bồ đề Đạo tràng đi về phía đông bắc khoảng 50 cây số, nay thuộc thủ phủ Patna của bang Bihar, ngày xưa thuộc thành Vương Xá (Rajagrha). Đây là nơi Đức Phật cầm cành hoa dơ lên và ngài Ca Diếp mỉm miệng cười (niêm hoa vi tiếu), liền đó Ngài nói: „ta có chánh pháp nhãn tạng, niết bàn diệu tâm nay trao cho Ca Diếp“….  Linh Thứu sơn gắn liền với cuộc đời Đức Phật, là nơi Thế Tôn đã giảng nhiều bộ kinh, trong đó có kinh Pháp Hoa,  Lăng Nghiêm, Đại Bát Nhã..., cũng là nơi Đề Bà Đạt Đa lăn đá hãm hại Phật…. Đường đi tốt hơn kỳ trước nhiều lắm. Ngày nay, chính phủ Ấn đã biết đầu tư vào những thánh tích, cũng như đường xá, phi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách hành hương, thăm viếng. Dưới chân núi có những hàng quán bán thức ăn, đồ kỷ niệm…. Mặc dù có dây cáp kéo lên đến tháp Hòa Bình, do người Nhật thiết lập, nhưng chúng tôi leo bộ lên dốc. Trời nắng đẹp, khí hậu trong lành. Đường lên đã được lót gạch thẳng thớm. Được một nửa đường, phía trái dãy núi bên kia, có một ngôi chùa to lớn sơn màu trắng rất đẹp. Đó là tháp Hòa Bình của người Nhật. Chúng tôi không qua thăm, tiếp tục leo lên núi. Theo dấu tay Sư-phụ chỉ, nhìn lên trên đỉnh, thấy những tảng đá chồng lên nhau, miệng hở ra trông giống như đầu một con chim đại bàng, chim Linh Thứu vậy. Khi ngang qua những động thất ngài Xá Lợi Phất và A Nan nằm khuất trong đá, chúng tôi vào đảnh lễ, tụng thời kinh Bát Nhã và chụp hình lưu niệm. Dọc đường thỉnh thoảng có những người ăn xin ngửa tay xin tiền. Ở Ấn, ở đâu cũng thấy ăn xin, nhất là những nơi Thánh tích như thế nầy! Lên đến đỉnh, mặc dù ai cũng mệt đừ nhưng nhờ có những luồng gió mát từ bốn phương thổi tới, làm mọi người phấn chấn mau lấy lại sức. Có một người đàn ông dáng dấp trông rất sản khái (Bà La Môn?) đưa những vòng hoa vạn thọ cho chúng tôi, ý muốn xin tiền cúng dường. Chúng tôi nhận mỗi người một vòng, dâng lên lễ Phật và ngồi xuống tụng một thời kinh ngắn gồm Đại Bi, Bát Nhã. Xong lấy tiền ra cúng dường trong một cái dĩa để gần bình hương. Người Bà La Môn thập thò đứng dòm, thấy ai bỏ ít, anh  nằng nặc xin thêm! Sư-phụ chỉ về phía dưới dãy núi đàng xa, xưa kia là thành Vương Xá (Rajgir), kinh đô nước Ma Kiệt Đà (Magadha), nơi A Xà Thế (Ajātasattu) đã bắt giam vua cha là Tần Bà Xa La (Bimbisara) vào ngục thất. Hằng ngày nhà vua ngồi rất lâu nơi cửa sổ, hướng về núi Linh Thứu, nơi Đức Phật cư ngụ. Đức Phật đã sai Tôn giả Mục Kiền Liên hiện đến truyền giới Bát Quan trai cho ông. Sau đó Hoàng hậu Vi Đề Hi (Vaidehi), vì mang thức ăn đến cho chồng, cũng bị A Xà Thế bắt nhốt. Nhà vua đã chết trong ngục trước khi người con ăn năn hối hận. Trong cơn đau khổ cùng cực, Hoàng hậu Vi Đề Hi đã quỳ khóc, hướng về núi Kỳ Xà Quật (Linh Thứu sơn), đảnh lễ Thế Tôn. Đức Phật nhân đó đã hiện đến an ủi và nói kinh Quán Vô Lượng Thọ cho bà nghe…

 

Sau đó chúng tôi xuống núi, tiếp tục đi Trúc Lâm. Đường đi phải nói là tốt hơn trước nhiều lắm. Khi trước, từ Linh Thứu sơn đến đây là đã quá ngọ, nay mới 9g30´ là đã tới. Trúc Lâm là tinh xá đầu tiên được vua Tần Bà Sa La hiến cúng, với một giảng đường có thể chứa hơn 2000 người, là nơi Đức Phật và Tăng đoàn đã trải qua ba mùa an cư kiết hạ (từ hạ thứ nhì đến hạ thứ tư). Có một hồ nước rộng, tương truyền nơi đây Đức Phật và thánh chúng đã tắm. Chúng tôi đứng chụp hình bên những dãy trúc cao lớn, xum xuê.

 

Phái đoàn đi tiếp đến thăm phế tích đại học Na Lan Đà, nằm ngoại ô thành Vương Xá, là trường đại học đầu tiên và lớn nhất  thế giới, với hơn 10.000 sinh viên lưu trú tu học, được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 2 trước Tây Lịch, trên một khu đất rộng 14 mẫu. Các bậc cao tăng như Ngài Long Thọ, Mã Minh, Vô Trước, Thế Thân, Huyền Trang... đã được đào tạo tại đây. Thế kỷ 12, dưới ách xâm lăng của quân Hồi giáo, trường đã bị hủy diệt hoàn toàn, ngày nay chỉ còn trơ lại những nền gạch vụn. Phái đoàn đi dạo quanh, leo lên những nền nhà cao, xuống dưới hầm… trong sự ngậm ngùi luyến tiếc một thời vàng son, nơi chốn đã từng hoằng truyền chánh pháp trong một thời gian dài hơn ngàn năm.... Cảnh quang ở đây ngày hôm nay trông rất đẹp mắt, khác hẳn với những lần trước. Những hàng cây, bãi cỏ xanh mướt được săn sóc cẩn thận, càng làm nổi bật màu gạch đỏ rêu phong! Công trình trùng tu vẫn còn đang tiếp diễn với hàng chục nhân công mỗi ngày. Viện bảo tàng phía tuốt bên kia đường chưng bày những tượng Phật, hình ảnh, kỷ vật ngày xưa còn lưu lại.

 

Sau khi dùng cơm mang theo, phái đoàn khởi hành đi Tỳ Xá Li (Vesāli), cách khoảng 150 km. Tuy không phải là một trong 4 động tâm, nhưng đây là nơi có liên quan rất nhiều đến cuộc đời Đức Phật. Tại đây hiện còn một trụ đá nguyên vẹn của vua A Dục… Bác tài nói khoảng độ 3 tiếng. Mô Phật, như vậy là đường quá tốt rồi! Trên đường đi, có một đám rước, hầu hết là đàn ông thanh niên, đi sau những hình nộm, ca hát hò hét theo nhịp trống kèn, phèn la… Đây là huyết lộ chính, nên có rất nhiều xe cam nhông vận tải hiệu Ta Ta (sản phẩm của Ấn). Tôi chỉ thấy toàn là xe Ta Ta, gần như là không có hiệu xe ngoại quốc nào cả. Bác tài thường chơi trò chơi đứng tim, cứ cho xe chạy hết tốc độ; một chiếc cam nhông thật to lù lù phía trước, nhưng bác vẫn cứ lao tới vun vút. Cẩn thận! Vèo! Hai chiếc xe chỉ lách nhau giờ phút chót. Khiếp!

Khi xe rẽ vô đường nhỏ, ngang qua mấy khu chợ chồm hổm, Sư-phụ nói dừng lại xuống mua buồng chuối cau tới cúng Phật. Tôi và bác tài xuống lục lạo một hồi. Không có, chỉ còn những nải lẻ thôi vì chợ đã về chiều. Có một điều „lạ“ là vào chợ không thấy mùi tanh của thịt cá. Cả một dân tộc không sát sinh, sống hòa bình. Tất cả cho niềm tin tâm linh!

 

Tới chùa Ni Việt-Nam Kiều Đàm Di vừa tối, cổng kín cao tường. Bấm chuông chờ một lúc sau có một thanh niên người Ấn ra mở. Tôi ngạc nhiên thấy anh nói tiếng Việt rất rành. Té ra anh là con lai, cha Ấn mẹ Việt, tới đây giúp Ni sư trong việc xây cất, ngoại giao. Ni sư và vài ba cô đệ tử ra chào đón. Chùa xây rất lớn, đã được trên 80%, đồ đạt còn ngổn ngang đây đó. Đây là chùa Ni Việt-Nam đầu tiên được xây tại nơi Ni bộ được thành lập và lấy tên người đứng đầu Ni bộ thời Phật tại thế. Sau khi vãng thực, chúng tôi được hướng dẫn về phòng nghỉ. Trên những dãy hành lang qua những phòng ốc rộng rãi, tôi thấy có nhiều vị sư Việt-Nam… khoác y Nam tông.

 

23-10: 5giờ sáng Thầy trò chúng tôi xuống chánh điện tụng Lăng Nghiêm. Ăn sáng xong, lên đường đi thăm những thánh tích quanh vùng. Anh thanh niên Ấn Độ lai Việt hôm qua hướng dẫn. Trước tiên là tháp Hòa Bình, rồi đến nơi Đức Phật lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp cho mẫu hậu Maya, thăm Vườn Trúc, nơi Đức Phật an cư lần cuối… Xe chạy băng qua làng mạc nghèo nàn, nhà tranh vách đất. Quanh co một lúc, tới một cái giếng cũ rích, mạng nhện dăng đầy. Anh nói, đây là nơi Đức Phật thường ghé uống nước. Chúng tôi ghé mắt nhìn xuống, lòng giếng tối ôm, nhưng sau những lớp mạng nhện vẫn còn thấy có nước. Ôi, nếu quả vậy thì màu nhiệm quá. Đã hơn 2500 năm rồi mà mọi sự hình như không đổi thay gì nhiều, ngoài lớp rêu phong bao phủ. Mạch nước ngày xưa vẫn còn tuông chảy, hình bòng Thế Tôn như còn ẩn hiện dưới làn nước giếng kia!... Đi tiếp. Hai bên đồng ruộng lúa chín vàng, những con trâu đen dương mắt buồn ngơ ngác nhìn, hai cái sừng cuộn tròn nhỏ xíu trông hiền lành tội nghiệp. Nhiều người nông dân đập lúa bằng tay, như thôn quê Việt-Nam thời trước. Dân làng đưa mắt nhìn chúng tôi chạy ngang qua sát nhà. Vòng vòng một hồi, tới một gốc đa cao lớn, anh nói, nơi đây Đức Phật và thánh chúng đã từng an cư, ngồi thiền… Những dấu tích nầy thật ra khó kiểm chứng, dù cho có được các nhà khảo cổ nhìn nhận đi chăng nữa. Nhưng nó nói lên được một điều: địa phương nầy đã từng lưu dấu chân Thế Tôn. Thật vậy, tại đây Đức Phật đã nhận Ni giới vào tăng đoàn, qua sự thỉnh cầu của ngài Anan và dì mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề (Kiều Đàm Di); cũng là nơi Ngài đã thuyết nhiều bài pháp; là nơi ngài đã tiên đoán, còn 3 tháng nữa sẽ nhập vô dư y niết bàn; trước khi đi, ngài còn lưu luyến ngoảnh nhìn lần cuối (1)…. Xe chạy tới một nơi dân cư thưa thớt, giáp ranh với đồng ruộng trống trải, có một ngôi đền Hindu nhỏ. Đây là nơi kết tập kinh điển lần thứ hai dưới sự triệu tập của Ngài Da Xá (Yasa), với 700 vị A La Hán, sau Phật niết bàn 100 năm. Chúng tôi đứng xớ rớ bên ngoài nhìn vô, lòng không vui. Ngoại đạo đã xâm chiếm những thánh tích của Phật-giáo, đến khi nào chính phủ mới công bằng trả về cho lịch sử của nó?

 

Rời Tỳ xá li đi Xá vệ thành (Sravasti), nay là Sahet Mahet,  nơi khi xưa trưởng giả Tu Đạt (Sudatta) tức Cấp Cô Độc (Anathapindika), dùng vàng trải lên mặt đất để mua khu vườn 50 mẫu của Thái tử Kỳ Đà (Jeta), con vua Ba Tư Nặc (Pasenadi) để dâng cúng Thế Tôn và Tăng đoàn. Đoạn đường dài 500km. Xe chạy ngang qua làng mạc rất lâu trước khi vào đường chính. Nông thôn vẫn còn nguyên sơ hoang dã với những người dân cần cù, những em bé lam lũ,… Sư-phụ cho biết, thuê bao một chuyến xe như thế nầy trong 4 ngày, luôn tài xế là 330 $US! Bác tài còn trẻ, tính tình nhu mì, bình dân, ăn chung với phái đoàn (còn ở Nhật thì không). Tới nơi trời đã tối, chúng tôi nghỉ tại một ngôi chùa Đại Hàn.

 

24-10: Sau khi điểm tâm bằng cháo với món kim chi truyền thống Đại Hàn, và trò chuyện với các vị trong chùa, phái đoàn đi chiêm bái các Thánh Tích. Trước hết là nơi Phật vận thần thông lên cung trời Đao Lợi thuyết Kinh Địa Tạng cho thân mẫu Maya, người đã qua đời sau 7 ngày hạ sinh thái tử Tất Đạt Đa. Nơi này ngày nay người dân địa phương gọi là "Sakya Muni Buddha's Airport" (Phi Trường Phật Thích Ca). Hiện nay chỉ còn là một cái đồi cao và gạch vụn. Gần tới chân đồi, một dọng ca lanh lảnh cao vút bay thoát trong nắng mai. Một chú bé độ 10 tuổi ngồi 2 tay đánh trống dài 2 mặt, hát một điệu nhạc đền thờ, người lắc lư theo tiếng nhạc bập bùng. Tôi móc tiền ra cho em rồi theo phái đoàn lên đỉnh tụng kinh.

 

Tiếp theo, thăm Kỳ Viên tinh xá cách đó khoảng 5 phút lái xe. Tinh Xá này được xây dựng vào mùa an cư thứ 5. Tại đây Đức Thế Tôn đã cư trú tất cả là 25 mùa An Cư Kiết Hạ. Quanh gốc cây bồ đề hôm nay có pháp hội của người Sirilanka, với hàng trăm bạch y ngồi tràn ra đường, đang nghe một vị tăng cầm micro thuyết pháp, nên chúng tôi đi tiếp tới một nền gạch khác tụng kinh. Rải rác, có nhiều vị Tăng Đầu Lô đang ngồi bao quanh, đầu tóc nhẳn nhụi, mặt mày thao láo… Kỳ Viên tinh xá ngày nay chỉ còn là những nền gạch loang lổ. Tuy nhiên, khung cảnh đã được sửa sang, tu bổ, với những bãi cỏ, cây cối trông rất mát mắt. Chúng tôi đi dạo một tua ngắm cảnh, trước khi lên đường đi Sārnāth (Ba La Nại).

 

Từ Sravati về Lộc Uyển (Sarnath), nơi Đức Phật chuyển Pháp luân độ cho 5 anh em ông Kiều Trần Như đường xá tráng nhựa rất tốt, không ổ gà. Xe chạy 80km/h,  90km/h. Đến Sarnath lúc 4g chiều. Nghỉ và dùng tối tại khách sạn.

 

25-10: 5g sáng đi thăm sông Hằng, đi bộ băng qua một khu chợ. Phố xá tuy còn sớm, nhưng đã xôn xao nhộn nhịp. Tới bến, hàng chục người nằm ngủ la liệt. Vài em bé chạy patin. Thấy có khách đến, nhiều lái đò xúm lại mời. Trả giá. 1.000 Ruby một thuyền nhỏ cho 6 người. Quang cảnh nhốn nháo. Có rất nhiều du khách Tây phương. Ghe trôi dọc theo bờ. Nhiều người tắm giặt. Bỗng đàn xa trôi lại một đống màu trắng. Gần lại, là xác một con bò! Ngang qua khu thiêu xác. Vài đám lửa đang cháy bùng, vài đám đã lụn tàn, khói bay nghi ngút. Một cái hòm được khiêng xuống nhúng nước trước khi đem lên cho vô lửa đốt (người Ấn coi nước sông Hằng là nước thiêng!). Ghe quay trở ngược lại. Vài chiếc ghe nhỏ với nhiều em bé, cập đến mời mua đèn kết hoa. Chúng tôi mỗi người một cái thả trôi theo dòng nước hãy còn lờ mờ tối, với lời nguyện ước. Vài thuyền khác ghé lại, này mua cá phóng sanh… Trời ửng hồng ở phương đông. Mọi người đều quay mặt nhìn. Vừng ô từ từ ló dạng ở cuối chân trời. Trên mặt nước, con tàu đang nhấp nhô. Tất cả máy hình đều hướng về phía đó bấm lia lịa… Đó là cảnh mặt trời mọc trên sông Hằng. Ai nấy đều hoan hỉ. Chúng tôi rời thuyền, trở lại khách sạn ăn sáng…

 

Đi thăm Lộc Uyển (Sārnāth) gần đó. Cảnh tượng cũng chỉ còn những nền gạch nằm trơ cùng năm tháng. Tháp Dhamekh (Chuyển Pháp Luân) to lớn đồ sộ, nổi bật trên nền trời xanh. Tháp nầy được vua A Dục xây dựng vào thế kỷ thứ năm, và đã bị ngoại đạo tàn phá. Năm 1835, một nhà khảo cổ đến đây tiến hành công tác điều tra, khai quật và đã mở được cửa vào tháp, nhưng không tìm thấy hiện vật gì. Cuối cùng, chính phủ Ấn cũng nhìn thấy được tầm quan trọng của bảo tháp, nên đã tiến hành công tác khôi phục và bảo tồn như ngày hôm nay (2). Chúng tôi tụng một thời kinh. Có phái đoàn Thầy Thông Hải rất đông, đang đi nhiễu quanh tháp. Một phái đoàn người Nam Dương đang tụng kinh… Trụ đá vua A Dục đã bị gãy, có hàng rào bọc lại cẩn thận. Những chú nai chạy nhảy tung tăng, bu lại khi thấy khách bộ hành đến gần. Có 2 con nai chúa sừng rất cao và một bầy nai tơ. Nhiều lớp học sinh dự picnic trên những bãi cỏ…. Chúng tôi  đi bộ qua một ngôi chùa Tích Lan gần đó. Bên cạnh ngôi chùa là khu vườn với tượng năm anh em ông Kiều Trần Như đang ngồi nghe Phật thuyết pháp. Trước đó, là bệ đá khắc kinh Chuyển Pháp Luân bằng nhiều thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt. Một vị Tăng người Tích Lan, Đại-đức K. Siri Sumedha Thero, tiến sĩ triết học, phụ tá tổng thư kí hiệp hội Maha Bodhi Society of India, kiêm chủ tịch trung tâm tại đây, thấy phái đoàn Việt-Nam, đã đón tiếp niềm nở. Hội nầy được ngài Anagarika Dharmapala, người Tích Lan, sáng lập  năm 1891, là một Hội có tầm vóc lớn, trụ sở khắp nơi trên thế giới, như Hoa Kỳ, Anh, Tích Lan, Nhật Bản, Népal... và hoạt động rất mạnh ở Ấn Độ. Trụ sở chính của Hội đặt tại Bồ Đề Đạo Tràng, được chính phủ Sri Lanka tài trợ xây cất và do các vị sư người Tích Lan quản trị (3). Ông mời Sư-phụ và phái đoàn vào trò chuyện tại văn phòng. Ông đưa cho chúng tôi xem một lô hình chụp Hòa-thượng Nhất Hạnh vừa mới ghé thăm hôm kia. Ông dẫn phái đoàn lại tủ chưng bày những bảo vật, trong đó có hình ảnh mối liên hệ giữa hai nước Việt-Nam và Ấn Độ. Lúc chia tay, ông tặng Sư-phụ khăn choàng và sách. Sư-phụ cúng dường nhưng ông không nhận, bảo đem bỏ vô thùng phước sương. Cũng là nhân duyên, gặp một ông người Tích Lan, là đại sứ tại Nhật, nên cuộc nói chuyện tay ba diễn ra bằng tiếng Nhật thật hào hứng… Từ giả Lộc Uyển, ra xe để về lại Bồ Đề Đạo Tràng, nhưng bác tài cho biết, có tin tất cả các nẻo đường tới Bihar đều bị cấm tới 4 giờ chiều, vì có biểu tình (Ở Ấn Độ, biểu tình là chuyện cơm bửa!). Phái đoàn suy nghĩ, không biết nên đi đâu, làm gì, vì mới 11g trưa. Cuối cùng, quyết định thử về lại khách sạn, mặc dầu biết rằng khách sạn đã trả rồi, không thể vào phòng được. Cũng may, họ cho nghỉ trong phòng sinh hoạt thoải mái, rộng rãi ngoài vườn. Tới 4 giờ chiều phái đoàn lên đường. Ở đây mới thấy được đặc tính của người Ấn: có lòng trắc ẩn, bao dung, không lạnh lùng, luật lệ cứng ngắc.

 

Đất nước Ấn Độ được bao bọc bởi đại dương, dựa lưng vào dãy Hy Mã Lạp sơn (Himalaya) huyền bí phía bắc, đông bắc với đỉnh Everest cao nhất thế giới; cao nguyên Deccan phía tây bắc; có đồng bằng phì nhiêu sông Ấn, sông Hằng; diện tích tổng cọng là 3.287.263km km², trong đó đất liền chiếm 90,44% diện tích (VN: 329.314 km², đồng bằng chỉ chiếm 20%). Với một địa hình đặc biệt như thế, Ấn Độ đã sản sinh ra những nhà hiền triết muôn đời của nhân loại, như bậc giác ngộ Cù Đàm, bậc thánh sống Mahatma Gandhi, bậc Thánh sư Rabindranath Tagore (Nobel văn học 1913), triết gia thời đại Jiddu Krishnamurti, thủ tướng kiêm học giả Jawaharlal Nehru, toàn những danh nhân kiệt xuất được cả thế giới mến yêu. Tất cả đều toát lên một tính chất: lòng yêu thương, hòa bình, nhân bản. Ta hãy nghe những lời thơ của Tagore:

…..

Tình yêu giữa chúng ta giản dị như bài ca.

Không lạc ngoài ngôn từ vào vùng lặng im vĩnh cửu ; không với tay tới hư vô      để níu kéo những vô vọng.
Cho và nhận của nhau là đủ.
Không ép kiệt trái hân hoan vắt thành rượu đau khổ.

Tình yêu giữa chúng ta giản dị như bài ca.

 (Giản dị như bài ca)

 

Về đến Trung tâm Viên-Giác 8g tối.

 

26, 28-10-2009: Những ngày kế tiếp, phái đoàn đi phát quà, cho học sinh tại trường học, cho những người nghèo tại chùa Linh Sơn do Ni Sư Trí Hân trụ trì, và phát cơm cho những người nghèo, người ăn xin trước cổng chùa Viên-Giác.

 

Buổi chiều ngày chót (28-10) tôi ra tháp đảnh lễ chư Phật, chư Thiên, Long thần Hộ pháp đã gia hộ cho chúng con được sức khỏe để tu tập, được đi chiêm bái các Thánh tích, được gặp Thiện-hữu-tri-thức… Tôi lần ra phía sau hồ nước, nơi có tượng Đức Phật ngồi thiền dưới sự che chở của con rắn hổ mang. Bức tranh thật sống động, hùng tráng. Con rắn cuộn tròn dưới chân Ngài, mình vươn lên, phùng mang thật to bảo vệ Ngài dưới cơn giông tố. Ôi lòng từ của Ngài đã cảm hóa được tất cả các loài chúng sanh. Tôi ngồi xuống bên cạnh hồ. Cảnh vật thật tĩnh lặng, bình yên. Tất cả chìm lắng vào buổi chiều tịch liêu. Nhìn hình ảnh ngài an nhiên tĩnh tọa, lòng tôi cảm thấy thật an lành, hạnh phúc. Tôi nhìn sâu vào lòng mình, lắng nghe từng nhịp đập con tim. Những phiền muộn, những độc tố cuộc đời lần lần chìm xuống. Từng tế bào trong tôi đang hưng phấn, phục hồi. Cuộc đời đầy biến động, bon chen, phiền lụy. Xin hãy thôi gieo rắc những khổ đau cho nhau. Hãy đem tình thương trải rộng khắp nơi. Hãy nhìn nhau bằng ánh mắt cảm thông, tha thứ. Hãy tạo cho nhau một thế giới yên bình, hạnh phúc.… Buổi chiều xuống dần. Đức Phật ngồi đó bất động, mỉm cười nhìn tôi quay gót giả từ.

 

29-10-2009: Rời Ấn Độ để đi Lào lúc 9g35´.

 

 


 

 

(1). „Vài nét về Tỳ Xá Ly“  Thích Nữ Giới Hương

(2). „Lộc Dã Uyển“ Thích Thiện Chánh

(3). „Thiên Trúc tiểu du ký“ Thiện Phúc


 

                          

       (chùa Việt-Nam Kiều Đàm Di)                        (Phát quà cho học sinh)

      

                 

       (Sông Hằng, nơi thiêu xác)                               (đại tháp Giác Ngộ, Bồ Đề Đạo Tràng)


 

    

 

 


Vào mạng: 01-04-2009

Trở về mục "Phật tích và Danh thắng"

Đầu trang