Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

Sự Huyền Nhiệm Của Tâm Linh

Nguyên-Thảo

    (Bài viết được ghi lại tặng Quý vị đang hành Thiền)


               

Đã từ lâu lắm, tôi muốn viết về một câu chuyện để thưa cùng quý vị, nhất là những vị đang thực hành về Thiền. Câu chuyện ấy là một câu chuyện "mơ hồ"; câu chuyện thuộc về Tâm linh, câu chuyện "mơ mơ, màng màng" của Tâm thức mà tôi đã cảm nhận được một phần nào. Tôi muốn viết câu chuyện ấy một cách rõ hơn để từ đó có thể đóng góp chút ít ý kiến vào hành trang của quý vị để quý vị vững tiến vào con đường khám phá Tâm Linh.

Đối với tôi, điều ấy đến bằng một sự "rất tình cờ" mà tôi xem đó như là "một cái duyên". Tôi không là một nhà tu, cũng không là người thực hành Thiền, và cũng không am hiểu nhiều về bất cứ một tôn giáo nào. Nhưng câu chuyện ấy đã làm thay đổi ít nhiều cuộc đời của tôi.

Câu chuyện ấy bắt đầu bằng một chuyện thật buồn, chính vì thế mà tôi đã nhiều lần ngại ngần không muốn viết, nhất là viết về một câu chuyện riêng tư. Nhưng đến nay, tôi cảm thấy mình cũng cần nên viết, vì trong cái riêng tư ấy ít ra cũng có được những cái chung có thể đem đến ích lợi cho một số người nào đó, còn đối với những ai thấy các ý tưởng trong bài không ích gì cả thì cứ vui lòng xem qua như là một việc đọc vui chơi, như một bài viết về chuyện "tào lao" để giúp vui thiên hạ.

Câu chuyện xãy ra từ những năm cuối của 80, tôi không được may mắn và bước vào giai đoạn mà người ta nói là "Họa vô đơn chí". Một phần do số mình không may, một phần thì do "Tâm địa" con người hẹp hòi, ích kỷ. Bạn bè nhờ mình giúp một công việc, nhưng mình lại đang bận một công việc riêng tư không giúp họ được, thế mà họ đã rắp tâm thù hận. Rồi trước khi đi xa, họ kết cấu với một cặp vợ chồng khác để dèm pha, phá hại vợ chồng tôi trên bước đường "làm thuê, làm mướn". Người sử dụng thủ đoạn ác độc nhất lại là người ơn của mình. Thế là tôi phải "ngậm ngùi" mà nghĩ tình đời đen bạc. Trong hoàn cảnh ấy khiến tôi suy nghĩ và bận tâm rất nhiều. Từng bước, từng bước tôi phải tìm cách ổn định tinh thần. Trước hết đi vào hảng làm cho ổn thỏa. Làm trong hảng với tinh thần chán chường. Sau một năm, tôi có ý định ra nghề nông để mình tự làm chủ lấy mình. Thế nhưng, chưa đầy năm, tôi lại phải vào bệnh viện để mổ xương sống. Giấc mộng đành tiêu tan! Vì tương lai con cái, vì sức khỏe của mình, vì sợ cho sức khoẻ của vợ, tôi đành tính đến cách "bán đổ bán tháo", để vợ trở lại đời "làm thuê làm mướn". Tinh thần tôi trong lúc ấy trở nên sa sút, khủng hoảng vô cùng. Nằm trên giường dưỡng bệnh với bao nỗi niềm giăng mắc lo âu.

Một hôm, người anh bạn nhà bên cạnh rỗi rãnh qua thăm tôi. Tôi, anh ngồi nói chuyện thật lâu về nhiều vấn đề. Trong buổi ấy, anh có đề cặp đến hiện tượng một bà ni cô gọi là Thanh Hải, khá nổi tiếng đương thời. Tôi thì không để ý đến điều ấy, nên tôi khá ngạc nhiên về bà nầy. Thế rồi, ngày thứ bảy 27-3-92 anh trao cho tôi bài "Âm thanh siêu thế giới" của Thanh Hải mà đệ tử của bà nầy đăng trên tờ Việt Luận ngày thứ ba 23-3-92. Tôi đọc đến đoạn nói về "cái thai nằm trong nước mà vẫn sống" thì tôi bỗng nhớ lại một vấn đề: Lúc nhỏ, khi đi tắm suối tôi đã nghe âm thanh reo vui trong lúc lặn. Hồi đó tôi chỉ ngạc nhiên thôi, nhưng không hề biết tại sao lại có âm thanh ấy. Tôi đọc hết bài mà chỉ nhớ đến "cái thai nằm trong nước mà vẫn sống" cùng cái ý âm thanh siêu thế giới có thể bảo hộ cũng như rửa được nghiệp chướng.

Cái điều "âm thanh siêu thế giới có thể bảo hộ" làm cho tôi cũng lưu ý đến, vì những năm 69, 70 khi bắt đầu ra trường đi dạy học nơi xa do những biến cố từ bốn, năm năm trước tôi đã chẳng nhớ được nhiều. Dạy lớp 2, bài giảng chỉ có mười dòng mà tôi không thể nhớ được. Giận mình, nhiều đêm tôi đã phải vận dụng cách thức để luyện lại trí nhớ. Từng đêm, tôi nhắm mắt, tập nhìn vào khoảng không mù mịt để theo dõi. Sau hơn khoảng mười ngày tự dưng tôi thấy có những vầng ánh sáng từ trong đầu óc mình phóng về phía trước, càng lúc càng nhanh phóng qui tụ về điểm mà trong toán học gọi là điểm vô cực xa xôi. Tôi thấy lạ quá, tôi lặng tâm theo dõi, ánh sáng vẫn tiếp tục phóng đi từ màu lam, qua vàng, đỏ, xanh, cam, tím gần như là những màu của cầu vòng. Tôi lại càng định tâm hơn để theo dõi, xem coi những biến đổi ra sao: Như là một sự hiếu kỳ. Nhiều đêm vẫn như vậy, đến một đêm kia các vòng màu đi chậm lại và ở điểm vô cực hiện lên một điểm thật trong, điểm ấy dần lớn ra, tôi chú tâm theo dõi; nhưng "thằng bạn" ngủ chung mớ và nó đập mạnh trên tấm ván ép để lót ngủ thay ván một tiếng lớn làm tôi giật mình và "có vẻ chơi vơi". Tự đó tôi hiểu thế nào là "tẩu hỏa nhập ma" trong các truyện kiếm hiệp đã viết, tôi đành thôi không dám luyện trí nhớ bằng hình thức ấy nữa. Tuy nhiên, thỉnh thoảng về sau tôi cũng thực hành đôi lần để thoải mái đầu óc khi có những buồn chán. Những lần sau nầy tôi phải mất gắp đôi thời gian và phải tập trung mạnh hơn mới đạt được điều ấy vì lúc nầy tôi đã có gia đình, bởi một lẽ mà trong truyện kiếm hiệp gọi là "mất nguyên khí". Sau những lần ấy thì tôi bỏ thật lâu không sử dụng đến nó nữa vì tôi sợ bị "tẩu hỏa nhập ma". Tẩu hỏa nhập ma là gì? Tẩu hỏa nhập ma là hiện tượng xuất hồn, đang trong lúc xuất hồn đi xa hay xuất hồn để chú luyện, theo đuổi một cái gì; lại có những biến cố hay những tiếng động thật lớn khiến mình bị xúc động mạnh, hồn trở về không kịp khiến người ta chơi vơi và từ đó sống như người không hồn, hay bị dở điên, dở khùng. Sau nầy, tôi tìm thấy được trong kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật đã nói thêm 50 món ma khác mà người tu Thiền khi cố gắng vượt qua Sắc, Thọ, Tưởng, Hình, Thức gặp phải. Trong đó có điểm tự thấy mình vĩ đại rồi tự xưng là bậc nầy, đấng kia cũng là một hình thức "Tẩu hỏa nhập ma" hay đúng hơn là đã bị "Thiên Ma Ba Tuần" dẫn dắt đi vào con đường Ma. Cũng trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật đã căn dặn người tu Thiền cần biết đến chú Lăng Nghiêm để làm "hộ mệnh" trên bước đường tu. Nói tóm lại, người tu Thiền cần tìm hiểu kỹ về Kinh Lăng Nghiêm.

Với những kết hợp sự kiện đó đã trở nên "duyên sanh" và "sự kiện" được "trùng trùng khởi động".

Ngay đêm hôm ấy, tôi thử bịt lỗ tai lại, lắng nghe âm thanh như thế nào. Khi nghe được rồi, tôi lại cố gắng bịt lỗ tai kín hơn để âm thanh bên ngoài không còn lọt vào, rồi nghe lại; cùng một thứ âm thanh không khác. Lúc bỏ tay ra, tôi cố lắng nghe cái âm thanh ấy, nghe thật kỹ. Cũng giống như vậy. Với sự hiếu kỳ và tò mò tôi đã theo âm thanh đó, càng lúc tôi nghe càng rõ, lớn hơn nhất là càng về khuya. Tôi tự nhũ: "Không biết có một thứ âm thanh hay nhiều thứ âm thanh?". Thế rồi, tôi thử xem có khác biệt không; tôi lắng nghe âm thanh ở bên tai trái, rồi lại lắng nghe âm thanh ở bên tai phải. Quả thật có khác, hai bên lỗ tai nghe hai thứ âm thanh khác biệt nhau đôi chút. Cứ nghe bên nây một lúc, tôi lại sang qua lỗ tai bên kia nghe một lúc. Luân phiên như vậy bằng sự hiếu kỳ. Nhưng hình như có một hiện tượng là lạ xảy ra. Khi tôi lắng nghe tai bên nây, rồi tai bên kia, cái chiều "sang bên" không đi chiều ngang từ tai bên nây để sang bên kia, mà lại đi theo chiều xéo đi lên. Nó cứ thăng tiến như vậy, càng lúc càng nhanh và chiều xéo lại thẳng đứng hơn thêm. Tôi cảm thấy lạ quá! Càng thấy lạ, tôi càng theo dõi. Đến một lúc, chiều ấy trở nên thẳng đứng, như vậy là tâm thức của tôi đã "dính" theo chiều ấy mà đi theo nó, hay nói nôm na là bắt đầu xuất hồn. Tôi nhận thức như vậy! Và với cơn buồn chán trong tâm hồn, tôi không còn sợ "tẩu hỏa nhập ma nữa", tôi nhất quyết đi theo. Chiều "xuất hồn" đi lên qua đỉnh đầu, càng lúc càng nhanh. Tôi can đảm, liều lĩnh hít hơi từ từ, nhè nhẹ và thật sâu để nó không ảnh hưởng đến điều theo dõi của tôi trong "cơn mơ màng" ấy. Và khi thở ra tôi cũng thở thật nhẹ nhàng như để nó từ từ tan biến, cứ vậy mà tôi theo hiện tượng đó. Chiều đi lên thay đổi tốc độ với nhịp thở của tôi. Tôi cố gắng tìm cách thúc đẩy tốc độ bằng hơi thở của mình, khi hít vào nhè nhẹ, từ từ thì tôi đưa hơi thở đẩy tốc độ di chuyển ấy lên, và khi hơi thở hít vào đã đầy và thở ra thì tốc độ ấy như muốn "tuột xuống" một chút. Thấy điều đó, tôi cố gắng dùng hơi thở điều khiển cho "nó" luôn đi lên với một tốc độ đều đặn. Cuối cùng tôi đã làm được! Khi hít vào tôi đưa nó lên và khi ngưng hít vào tôi đưa phần phổi trên tiến lên "làm như" mình vẫn đang tiếp tục hít vào và khi bắt đầu thở ra tôi vẫn dùng "nhận thức" đẩy "nó" tiến lên. Cứ thế tôi tiếp tục! "Nó" được tiến lên với tốc độ đều đặn, và lại càng lúc càng nhanh. Ôi! sao mà nhanh quá vậy! Lúc đầu chầm chậm giống như xe lửa bắt đầu ra khỏi ga, rồi tốc độ nhanh như xe hơi, như máy bay rồi lại như phản lực, rồi như hỏa tiển. Tôi hơi chới với, nhưng tôi không hề nao núng vì lúc ấy tôi trở nên liều lĩnh vô cùng với nhận thức: "Nếu có chết thì đỡ phải đau đớn, không làm khổ mình, khổ vợ con; còn nếu có dở khùng dở điên thì mình sẽ không hiểu gì đến cái mình đã phải chịu, còn làm khổ vợ con thì lúc ấy cũng như hiện nay thôi!". Đánh liều cho số mệnh, tôi nhất quyết theo hiện tượng nầy!

Nghĩ như vậy, tôi liền để tâm theo, nhưng tôi vẫn không theo kịp. Và sau cùng tôi buông thỏng cho nó đi lên, tôi chỉ theo sau nó thôi, giống như tôi đang ở dưới gốc tre, còn nó bay vút nhanh lên đầu ngọn tre, nó đi nhanh quá! Đi nhanh theo chiều thẳng đứng, nó phóng từ đỉnh đầu của tôi thẳng lên trên không gian. Khi tôi nghĩ đến mặt trời thì nó đã qua khỏi mặt trời tự lâu rồi. Tôi từ từ theo nó mà tôi cảm thấy thoải mái, không bị chơi vơi nữa. Hiện tượng ấy cũng không lâu lắm, chỉ trong vài phút thôi! Rồi nó lại từ từ chậm lại và sau đó thì đứng hẳn. Tôi cảm thấy lơ lửng giữa từng không, không hề bị rơi và cũng không đi lên nữa. Nhưng khi nhìn xuống phía dưới sâu kia (cái nhìn trong thiền tức là nhìn bằng tâm trong khi mắt vẫn còn nhắm), tôi lại thấy có một cái xác giống như cái xác của chính mình. Thấy ngồ ngộ, tôi liền nhớ đến ngày đi học thằng bạn kể về chuyện Tây Du Ký: Lúc bước xuống thuyền không đáy để sang sông, Đường Tam Tạng không dám, Tôn Hành Giả đành xô thầy mình xuống, sau khi đi một khoảng thì Đường Tam Tạng thấy xác ai giống như xác của mình trôi trên sông, thì ở đây tôi cũng có cảm tưởng đó.

Cái giai đoạn nầy về sau khi tôi viết bài về Thiền tôi gọi là "Giai đoạn thăng hoa của Tâm Thức". Trong giai đoạn nầy có điều có thể nguy hiểm là: Trong lúc Tâm thức đi lên quá nhanh, nhanh đến độ ta không thể tưởng tượng được. Nếu trong lúc đó tôi không liều lĩnh và hiếu kỳ thì tôi mở mắt ra bỏ cuộc thì tôi có thể bị "rơi" và tẩu hỏa nhập ma ngay. Do đó trong bài viết về Thiền, tôi đã nhắc nhỡ: "Giả sử xe chạy từ từ, rồi nhanh hơn giống như máy bay, rồi như hỏa tiễn rồi lại nhanh như ánh sáng, như tư tưởng và nhanh hơn nữa. Bạn sẽ làm gì? Bạn có chóng mặt không? Chắc có lẽ bạn hoảng hốt và chỉ còn cầu nguyện lạy Chúa hay cầu Phật độ. Đúng vậy, nếu đã vào Thiền bạn có thể gặp tình trạng nầy. Lúc ấy bạn hãy lấy lại bình tĩnh, một mặt cầu nguyện Phật A Di Đà (nếu là Phật tử) để Ngài phóng quang tới mà hỗ trợ, tiếp sức cho bạn. Nếu là Công giáo bạn cầu Chúa giúp sức để đến cùng Chúa, hay tùy bạn muốn cầu nguyện đến vị nào tùy theo tôn giáo của bạn. Trong vận tốc quá nhanh bạn cố giữ bình tĩnh, vẫn nhắm mắt và cầu nguyện. Bạn nhớ đừng mở mắt ra, mở mắt ra bạn có thể rớt đài và có thể bị Tẩu Hỏa Nhập Ma. Sau đó không lâu bạn sẽ lấy lại cân bằng trên vị trí của bạn, tức là tầng cao ốc đẳng cấp của bạn đang ở đó. Lúc đó bạn có thể ung dung chiêm nghiệm khám phá lãnh vực tâm linh và cõi huyền bí"... Trên vị trí ấy khá lâu mà không thấy gì thêm nữa tôi đành ngưng lại. Tôi thử mở mắt ra xem mình có phải là mơ hay không? Nhưng không, tôi không mơ, tôi không ngủ mà! Tôi nhắm mắt lại tôi vẫn thấy như vậy. Đợi thêm chốc nữa cũng không nhận thức được gì thêm, tôi mở mắt ra, bắt máy cassette cho nó hát một băng tân nhạc với âm thanh nho nhỏ để ru mình vào giấc ngủ.

Những hiện tượng diễn ra trong đêm hôm trước khiến cho tôi lại hiếu kỳ thêm, tôi phải theo tiếp tục xem coi thế nào, vả lại khi nghe những âm thanh như tiếng dế kêu ấy cũng khá vui vui. Tôi vào cuộc. Tôi hít hơi từ từ, nhè nhẹ vào trong phổi, xong ém hơi lại và đưa dần lên phía phổi trên. Trong khi đó, tôi tưởng tượng đưa hơi ấy lên đỉnh đầu, rồi từ từ thở ra thật là nhẹ nhàng, nhẹ đến đổi giống như tự nó tan ra như khói sương. Tôi tiếp tục khoảng sáu lần thì đã dến nơi chốn mà tôi dừng lại hôm qua. Bấy giờ nó không lên mà cũng chẳng xuống nữa. Tôi mở mắt ra, rồi nhắm lại, vị trí ấy vẫn không thay đổi. Có lúc tôi "quán" (nhìn không mở mắt) xuống phía dưới lại một lần nữa tôi lại thấy cái xác nhỏ của tôi dưới kia; giống như tôi lên đến trần nhà, ngồi trên đó ngó xuống thấy cái xác vậy. Thú vị thật! Nhưng cứ như vậy hoài thì chán quá! Trong cơn ngủ vợ tôi mớ la khá lớn nhưng tôi thấy không hề gì vì trong lúc đó tôi lại trở qua "bám" vào cái âm thanh "dế kêu" đó. Tôi lại khám phá rằng "âm thanh" nầy có thể giúp tránh khỏi "tẩu hỏa nhập ma", tôi không phải "chới với" như thuở theo ánh sáng nữa. Do đó, trong bài viết về Thiền tôi đã viết với ý: "Vị trí ấy là đẳng cấp của tâm thức chúng ta tự những kiếp xa xưa". Tiến lên được nơi ấy cũng tương đối không là khó khăn lắm! Nhưng tiếp tục như thế nào đây?

Tôi lấy làm tức tối, không lẽ đến đó thì ngưng; như vậy Đức Phật làm sao ngộ được Đạo, chắc phải có đường tiến lên. Tôi lại nhớ đến chuyện Thích Ca ngồi cội Bồ Đề mà thề: "Không đạt được Đạo thì không rời khỏi chỗ nầy". Nghĩ vậy, tôi lại tiếp tục theo, nhưng tình trạng cứ ỳ ra như thế! Lúc đó, tự dưng tôi nhớ đến hình tượng Quán Âm hay Thích Ca bắt ấn, tôi liền để tay phải xếp chồng lên bàn tay trái trong tư thế ngữa, xong tôi lại cong ngón tay giữa và ngón cái giữ lại, ấy là tôi bắt ấn. Sau nầy tôi mới biết là tôi bắt ấn trật, nhưng lúc đó tôi chỉ muốn tìm cách để đi lên nữa của "nó" (Tâm thức) mà thôi. Kết quả vẫn tốt! Làm như vậy xong, tôi liền định tâm lấy hơi hít vào nhẹ nhàng, từ từ như trước tôi đã làm và dần di chuyển hai bàn tay lên cao hơn thì nó đi lên, nhưng cái đi lên bây giờ không nhanh. Tôi thử đi xuống thì nó lại không xuống cho đến khi tôi đổi bàn tay phải "bắt ấn" quay trở xuống và vị trí cả hai bàn tay di chuyển từ từ xuống thấp trong lúc từ từ thở ra thì nó lại đi xuống. Tôi thử nhiều lần đến khi nó không thể lên nữa được thì tôi biết đã hết mức của tôi rồi. Tôi giữ yên vị trí ấy, và lắng nghe trong tâm, trong không gian yên tĩnh ấy những âm thanh nào mà tôi có thể nghe được. Trong những cơn như vậy, tâm tôi giống như một người đang ngồi thiền, chứ trong thực tế tôi vẫn nằm, nằm trên giường vì lưng tôi hãy còn đau quá! Tôi không thể ngồi và nếu tôi có ngồi thiền thì tôi cũng sẽ ngồi không đúng cách, vì từ trước tôi không có học thiền với ai bao giờ. Có một lần đọc quyển sách mỏng về Yoga do người bạn cho mượn với tính cách hiếu kỳ, tôi lại không chú trọng đến nó và chỉ ghi lại vài tư thế của Yoga thể dục để tập mà thôi. Qua sách đó tôi chỉ hiểu sơ sơ về Thiền, vì tôi nghĩ với hình tướng xấu xí của mình và những "căn" gì gì đó kể trong sách, thì "tất nhiên" mình không thể thành Phật được rồi, cho nên "hướng" về tu đối với tôi hãy còn quá xa xôi. Thông qua lần trước tôi đến với ánh sáng bằng một sự tình cờ, và hôm nay tôi đến với âm thanh cũng lại là tình cờ lẫn hiếu kỳ.

Tôi thực nghiệm những lần đi xuống, đi lên và khi tôi nhận thức được độ "bão hòa" trong tâm thức, tức là đã hết mức của mình rồi. Tôi cứ yên lặng ở vị trí ấy mà nghe mà nhận thức những gì xãy ra, những âm thanh tự nhiên đến. Nghe âm thanh ấy cũng thú vị thật. Vui với âm thanh mà quên đi nỗi khổ của mình, vui với nhận thức mà quên mình đang bệnh hay là yếu đuối. Trong lúc như vậy, tôi thấy trong tai của mình như có chướng ngại gì đó, một lúc sau thì có tiếng "bụp" nho nhỏ, giống như tiếng làm cho mình hết bị chứng ù tai. Sau tiếng ấy, tôi có cảm tưởng hai lỗ tai của mình đã thông suốt với nhau, không còn ngăn trở nào nữa, đồng thời con đường từ tim đi lên bộ óc cũng được khai thông. Ngã tư "trục lộ" giữa hai lỗ tai và tâm-não không có còn chướng ngại. Khi ấy, tôi lại nhớ đến ngày còn nhỏ đi đến đám ma, vị thầy tụng tụng kinh có đoạn: "...điểm nhãn nhãn khai, điểm nhĩ nhĩ khai..." tôi nghĩ: "Không lẽ đoạn kinh ấy thích hợp với chỗ nầy chăng?". Dù nghĩ thế, tôi vẫn tiếp tục hiếu kỳ, tôi cứ yên lặng mà theo dõi, cứ "yên lặng để khám phá tâm linh". Tôi đã nghe tiếng rào rào, âm thanh của những chiếc xe hơi chạy trên con đường sau cơn mưa. Nhưng không, trời không có mưa và cũng chẳng có xe nào cả. Như vậy, tại sao? Về sau, tôi tìm hiểu trong kinh điển, tôi cũng không hiểu đó có phải là "Hải triều âm" hay không, nhưng có một điều cách đây vài tháng tôi có đến vùng biển nơi người ta trượt sóng, thì âm thanh sóng biển mạnh đánh vào bờ có tương tự với âm thanh ấy. Rồi có lúc tôi lại nghe như là tiếng trống đánh, tôi cũng ngạc nhiên. Chùa ở cách nhà tôi khá xa, không lẽ hôm nay chùa làm lễ gì mà lại đánh trống đêm khuya. Tôi kiểm nghiệm lại thì không phải. Tiếng trống ấy tự trong đầu của tôi. Tôi nhất định phải hiểu được nguyên nhân gây ra tiếng trống ấy. Thì ra trong lúc mình giữ thật là yên lặng ấy, tiếng dội của mạch máu được khuếch đại vang dội vào màng nhĩ tạo nên; Rồi có lúc tiếng om om như ta ở trong hang sâu mà nghe tiếng gió rút vào, hoặc tiếng gầm vang trong rừng của sư tử (sư tử hống), nhưng tôi lại thích nhất là tiếng vi vu ở trên cao của đỉnh đầu. Không biết đó có phải là tiếng sáo, nhạc trời hay không. Những âm thanh ấy, mới đây đọc sơ qua về Kinh Hoa Nghiêm tôi thấy có đề cập đến trong một đoạn ngắn. Tôi sẽ cố gắng đọc lại bộ Kinh ấy để tìm hiểu kỹ hơn, nhưng không biết có thì giờ rỗi rãnh hay không? Từ đó về sau tôi thích âm thanh sáo trời ấy, đôi khi tôi chìm đắm vào trong nó để quên đi hết những ưu phiền khổ lụy cũng như sau ngày làm mệt nhọc ta nằm thoải mái mà nghe những bài nhạc du dương, ưng ý nhất.

Đêm hôm ấy tôi cố gắng đưa tâm mình tiến xa hơn so với mức độ của mình đã có. Tôi đạt được chiều tiến và rồi có một lúc tự dưng tôi có cảm giác như mình "đang đội đầu phá thủng trần nhà bằng bê tông". Khi phá thủng được một lỗ hẹp, tôi lại cố gắng chui qua lỗ thủng ấy. Nhưng ôi! Sao mà khó khăn gớm thế! Tôi cố gắng vượt qua, đôi lúc tôi có cảm giác ngộp thở giống như mình đang chui qua một lỗ hẹp của cái hang ở dưới nước. Tôi muốn hụt hơi thở. Tôi dồn hết năng lực, hít hơi thở vào, cố gắng ém hơi để vượt qua. Cuối cùng tôi qua được lỗ hỏng đó, nhưng một cảnh tượng thật đẹp giống như tôi đã vượt qua được các từng mây. Tôi ngồi trang trọng trong tư thế Thiền như những tượng Phật và trước mắt ánh sáng hừng đông chói tỏa rực lên. Lúc ấy, tôi nhớ đến cảnh trong phim "Tế công Hòa Thượng" khi đứa học trò ngồi Thiền chạy ra báo thấy được ánh sáng thì Tế Công lại cầm quạt đánh vào đầu hắn kêu hắn vào ngồi thiền tiếp. Tôi muốn tiếp tục theo những hiện tượng ấy và đi xa hơn nữa, nhưng đêm đã quá khuya, cho nên tôi tạm ngưng và mở băng nhạc cassette để ru mình vào giấc ngủ.

Lạ một điều, là khi nào tôi nhắm mắt đi vào sự tĩnh tâm (tôi không dám nói đến vào thiền, vì thực sự tôi chưa thực hiện thiền bao giờ) thì sự cảm nhận lại tiếp nối chứ không lập lại. Cho nên sáng hôm sau tôi đi ra nhà kho làm chút ít việc, nhưng không hiểu tại sao như có cái gì khiến tôi phải ngồi xuống để thiền. Biết rằng tôi đang dưỡng bệnh do tình trạng của xương sống và tôi không thể ngồi lâu, nhưng tôi không thể cưỡng lại được. Tôi ngồi xuống trên tấm "foam" cũ rích mà tịnh tâm trong chốc lát. Theo hơi thở tôi hít vào, tâm của tôi lại có chiều đi lên nữa, mà hiện tượng nầy khá lạ lùng hơn nhiều, nó muốn vượt thoát ra khỏi thân xác, thế rồi nó phá vỡ đỉnh đầu, rồi phần thân trên để lột xác, chui ra theo chiều thẳng đi lên. Tôi cảm nhận nó đi ra được đến đâu thì cái vỏ thân xác laị nứt ra cong xuống đến tận đáy rất là nhiều cánh giống như một tòa sen mà thân xác khác bây giờ đang ngồi trên đó.

Hiện tượng thôi thúc vào thiền nầy khiến cho tôi ngạc nhiên lắm! Và tôi nhớ lại trong phim "Tế Công Hòa Thượng", khi Tế Công thiền với các sư huynh, đệ thì không thể ngồi yên lặng được hoặc buồn ngủ; còn khi nằm ngủ dưới bếp trong đống rơm thì Tế Công không ngủ mà lại thiền, thiền trong tư thế nằm ngủ. Và đến khi ngộ được một điều gì thì ông ta chạy đến gặp thầy, hỏi thầy: " Con là ai?"; Thầy tát vào má cho một cái và trả lời: "Con là ai, con đã biết rồi, thế mà còn hỏi ta!". Xong Tế Công chạy ra ngoài, khi đi ngang chánh điện, Tế Công vụt đứng lại nhìn các tượng Phật hồi lâu, và từ từ ngồi xuống mà Thiền. Cái cảnh Tế Công ngồi xuống mà nhà đạo diễn đã diễn tả thật là hay, bộ chân chao dao gợn như sóng nước và ngồi xuống, diễn tả một cái nét tự trong tâm linh thể hiện ra ngoài.

Từ khám phá nầy đến những lạ lùng khác, khiến sự tò mò của tôi lại mạnh hơn. Tôi không tin có chấm dứt ở tại đó, cho nên đêm đến tôi vẫn nằm trên giường để tịnh tâm, yên lặng mà khám phá. Tôi quán sát những biến chuyển của những dòng tư tưởng, những thể hiện trong tâm, những tự điều chỉnh của tâm. Và rồi từ đó tôi hiểu được đời sống nhân gian cả trăm năm chỉ là một cái chớp tắt của con đom đóm giữa đêm khuya; hay chuyện con người chỉ là nhân quả và nhân duyên, và sau cùng chỉ giống như một trò chơi của chính tâm thức của chúng ta. Tôi đeo đuổi các diễn tiến một cách say mê có lúc tôi cảm thấy buồn cho nhân thế, có lúc mình cảm thấy vui, biến chuyển từng đợt, từng cơn lại hiện đến, thật là nhiều, nhưng trong đó có lúc tôi cảm thấy mình bị quay tròn như bị cuốn trong xoáy nước. Theo thì bị lôi cuốn, còn cưỡng lại thì có thể ảnh hưởng đến ngoẹo cổ hoặc mắt bị ảnh hưởng cũng không chừng, thế là tôi đành buông, không theo nó nữa mà lại định tâm của mình trên đỉnh đầu, đưa về ngay chính giữa, thoát khỏi những hệ lụy của dòng nước xoáy. Tôi vượt qua được cửa ải ấy. Còn những cảm giác, biến chuyển tư tưởng khác không nặng nề lắm. Về sau, khi tìm hiểu về kinh Lăng Nghiêm tôi có thấy được những vấn đề ấy trong đoạn Đức Phật nói về 50 món ma mà người tu thiền phải biến chuyển, vượt qua trong lúc vận dụng thiền để phá được sắc, thọ, tưởng, hình và thức.

Có một buổi sáng vào trời hừng đông, tôi đã thấy thân thể mình tự nhiên như một màu vàng kim của vàng, óng ả, bóng bẩy; cùng với bao nhiêu hào quang phóng lên cao rồi rơi lả tả xuống hai vai, ôi cảm giác lúc đó thật kỳ diệu vô cùng! Tôi nằm yên mà nghe các cảm giác đi qua. Đến khi mở mắt ra thì trời rựng sáng, ánh mặt trời lên với màu vàng giống như thế. Tôi nghĩ: "A! chắc ánh sáng nầy đã làm cho mình cảm nhận những hình ảnh vừa qua". Tôi không tin điều tôi vừa thấy là mầu nhiệm. Đó chỉ là ảo giác mà thôi! Điều duy nhất dễ hiểu: Vì tôi không phải là một nhà tu, và cũng chẳng ăn chay được ngày nào. Tất cả những cảm nhận tôi thấy chỉ là biến chuyển của tâm linh, của ảo giác mà trong cơn bệnh, buồn cực độ tôi đã nhận được mà thôi!

Thế rồi tôi chẳng chịu dừng ở đó. Tôi đã quyết theo tới cùng, như ở trên tôi đã viết dù có chết cũng không nao lòng, chết thì khoẻ cho chính tôi mà cũng lại khỏe cho vợ con hơn, dù sự xa cách nào chẳng đau lòng. Trước sau gì cũng chết, đau lòng thì cũng sẽ nguôi ngoai. Còn nếu tẩu hỏa nhập ma thì điên điên, khùng khùng thì mình chẳng biết gì lại chẳng tốt hơn sao? Vợ con khổ thì bây giờ họ chẳng khổ với mình sao? Nghĩ vậy tôi quyết đeo cho tới cùng, xem thử cái gì sẽ xảy ra. Thế là tôi cứ tiến, có nhiều lúc tôi cảm thấy nhức đầu, mỏi cổ mà đường tiến lên hãy chậm chạp, tôi phải ngưng lại tìm con đường thoải mái hơn, con đường nào mà không làm cho mình bực bội, nhức đầu, hoặc nặng nề trong tâm thì tôi cứ chọn. Sự thoải mái là chính! Từ lúc bắt đầu vào cuộc tôi vẫn quan niệm như vậy; nếu khi cảm, nhuốm bệnh là tôi đành ngưng lại, rồi sau đó khi sức khỏe tốt hơn tôi mới tiếp tục. Có những hiện tượng đến rồi mất đi, tôi lấy làm ngạc nhiên nhưng tôi nghĩ chắc là đoạn đường ấy đã qua. Điều đó quả thật là như vậy, cho nên khi ấy tôi mới hiểu được chuyện cuối trong phim "Tế Công Hòa Thượng": Khi học trò Thiền thấy được ánh sáng (Phật quang) chạy ra báo với thầy, thầy gõ đầu kêu trò thiền tiếp; khi trò thấy Phật chạy ra báo với thầy, thầy gõ đầu kêu trò thiền tiếp; khi thầy hỏi còn thấy gì không trò bảo không, thì hai thầy trò nhìn nhau cười và trở thành hai Tế Công đi độ thế giúp đời. Tại sao vậy? Thấy Phật quang chỉ là mới khởi đầu; thấy Phật chỉ là bên ngoài, ta Phật còn là hai; tiếp đến không thấy gì hết tức là Phật, ta là một. Vì vậy mà Tế Công cười mừng cho trò đã đạt được Đạo.

Tôi cứ tiếp tục và tôi cũng chẳng chấp nhận hay bằng lòng với những cái mà tôi vừa cảm nhận được, tôi quyết theo cho tới cùng xem coi nó đến đâu là chấm dứt. Chính vì vậy mà tôi cố gắng theo dõi và điều khiển hơi thở để thúc đẩy sự thăng hoa hơn thêm chút nữa. Sau đó, tôi không còn cảm thấy thân xác mình là chính yếu nữa mà lại phần cái đầu là phần quan trọng. Mỗi lần tôi hít nhè nhẹ, từ từ vào thì cái đầu trương to lên giống như cái bong bóng được bơm lên từ từ. Cái cảm giác ấy thật là lạ! Tôi lại thúc đẩy nó lớn thêm lên. Lớn nữa, lớn nữa! Quả thật nó giống như một cái bong bóng thật. Cuối cùng bong bóng nổ, tôi cảm thấy chơi vơi và khối không khí trong bong bóng đã từ từ thoát ra ngoài hoà lẫn với khối không khí bên ngoài nhập thành một thể. Cái thể ấy do tất cả hợp thành một và trong cái một ấy là tất cả. Khi đã hoà lẫn rồi tôi có cảm tưởng khi mình nghĩ mình lớn thế nào thì mình lại lớn như thế đó, có khi tôi tưởng mình tràn đầy hư không và có khi thật là nhỏ như ngồi trong cái ly nước coca cola mà nghe những âm thanh sủi bọt vừa giúp cho tâm hồn mình thoải mái vừa cuốn những nhơ bợn của mình lên trên mặt nước. Lúc đó tôi chỉ biết như vậy thôi, vì tôi chưa được đọc hay nghiên cứu về bất cứ một quyển sách nào về đạo Phật. Tôi còn khám phá được vài ngày nữa, đến một ngày kia tôi cắt cổ hai con vịt để ba tôi tiệc với người bạn của ba tôi, thì vào đêm đó tôi vừa hít hơi vào, tâm thức phát khởi thì liền phát ra lửa bùng lên. Tôi không thể tịnh tâm mà theo dõi như trước nữa. Tôi cố làm lại nhiều lần, và trong những ngày sau đó thì cảnh tượng cũng vậy. Tôi đành thôi! Tôi không tiếc nuối gì cả vì tôi không phải là một nhà tu; tôi cũng không phải là người hành thiền, tôi chỉ là một người bệnh hoạn, buồn phiền mà thôi. Những gì tôi đã đạt được quá lớn đối với tôi rồi, nhất là tự lúc đó tôi có được một quan niệm sống thoải mái trong những hoàn cảnh đau thương nhất, tôi không còn bi quan, tôi cũng ít giận hờn hay mặc cảm tự ti và nhất là tôi sống theo tự nhiên một cách thoải mái: "Chuyện gì đến nó sẽ đến, nó đến rồi nó sẽ đi". Còn nó đến mà nó triệt tiêu mình thì mình không còn có nợ nần trên cuộc đời nầy nữa giống như một kép hát đóng xong vai trò của mình trong vở tuồng không lẽ còn đứng trên sân khấu để làm gì. Vì thế chuyện gì nó xui khiến thì mình làm miễn là đem lợi hay ít ra không thiệt hại cho người khác thì được rồi. Lão Tử sau khi ngộ đạo chẳng khuyên người ta sống theo tự nhiên là gì!

Với những ý niệm như vậy, tôi đã trãi qua được những khủng hoảng trong tâm hồn. Nhưng tôi vẫn luôn thắc mắc về những điều mà mình cảm nhận được. Tại sao mình lại thấy như vậy và tại sao diễn tiến những sự kiện đó chỉ trong vòng một tuần lễ thôi. Tôi hoài nghi về những điều ấy, và bắt đầu tìm đến những kinh sách, băng giảng để tìm hiểu. Còn đối với những lúc tâm hồn buồn bả, chơi vơi, hụt hẫng thì tôi nhắm mắt ngồi yên lặng, hít hơi vào phổi nhè nhẹ, từ từ; tôi hít thật sâu rồi ém hơi đưa lên đỉnh đầu cho nó tan biến từ từ như sương khói tỏa và thở ra thật nhẹ. Đồng thời, tôi lắng nghe âm thanh của bọt nước reo khuếch đại trong đầu óc của mình. Tôi đi tìm những thoải mái cũng như diệt những phiền não bằng cách ấy. Thế mà tôi đã đạt được kết quả tương đối gọi là khả quan trong nhiều vấn đề rối rắm sự đời.

Vào thời điểm ấy, một phần vì sự tò mò về hiện tượng "Thanh Hải và Quán Âm", một phần có vợ chồng anh chị bạn theo phái của bà nầy, phần nữa để giải buồn tôi đã mượn những băng giảng, vidéo và sách để xem. Thoạt đầu, tôi thấy có nhiều điều cũng có lý, có thể chấp nhận được, nhưng tại sao bà nầy tự xưng là Phật, là Vô Thượng Sư mà lại còn nhiều sân si đến thế kia. Trong các phim vidéo chiếu những người lên hỏi để bà trả lời thêm sau bài giảng bà đã "cự" người nầy người kia, tôi cảm thấy hơi bất nhẫn. Đến khi nghe cuồn băng giảng có tựa đề: "Những thể hiện về một vị Phật sống", trong cuồn băng ấy học trò kể những thể hiện- trong lúc ngồi thiền- về bà, có vài đoạn bà chửi học trò như chửi con. Từ đó giá trị của bà giảm khá nhiều đối với tôi. Sau bà để tóc dài có "Tóc mai sợi vắn sợi dài" và lên sân khấu hát bài nhạc kích động "A go go!", ăn mặc rất là "fashion" của nhiều nước như một "model" trình diễn thời trang. Từ đó tôi không hề đụng đến sách hay kinh của bà nữa. Tôi không quá khích, nhưng tôi thấy khá kỳ lạ. Mãi đến cuối năm 2001, khi tôi được đọc dến Kinh Lăng Nghiêm thì tôi mới hiểu bà đã bị Thiên Ma Ba Tuần lôi cuốn bà đi; bà không vượt nỗi 1 trong 50 món ma mà tôi đã có viết ở trên (Món ma Đại Ngã Mạn).

Bỏ không tìm hiểu theo bà Thanh Hải nữa, thì cùng lúc đó có bà chị đi làm chung vì trả hiếu cho mẹ khi mẹ mất, chị hứa ăn chay một tháng và chị thường tới chùa, tìm băng giảng để nghe (nhưng sau đó chị ăn chay trường luôn). Chị thỉnh nhiều băng giảng, tôi lại được nghe hùn với chị. Thuở đó, tôi trở lại nghề nông để đắp đổi phụ giúp con cái thoải mái đi học cho tới nơi tới chốn, chứ sức khỏe thì giảm thật nhiều. Có một ngày nọ chị cho hay có Thượng Tọa Thích Trí Minh từ bên Na Uy qua thuyết pháp ở chùa, chị rủ đi nghe. Thượng Tọa thuyết pháp hay thật, trong bài Thượng Tọa có đề cập đến những chuyện thực tế ngoài đời, Thượng Tọa kể có lúc bị bệnh, Thượng Tọa buồn chán rồi quyết chí tu, tôi không nhớ là tu Tịnh độ hay thiền, nhưng sau đó Thượng Tọa khám phá được vài vấn đề. Tôi mừng quá! Sau bài thuyết pháp tôi gặp Thầy để hỏi xem thầy khám phá được những gì, nhưng Thầy đã "cảm nhận" khác với tôi. Dù vậy, nó vẫn cho tôi ý niệm: "Như vậy là đã có một sự huyền nhiệm của tâm linh"! Một ngày kia vào cuối năm 97, nhân dịp lên Melbourne tôi nhờ em tôi chở lên chùa Quang Minh để xem có Kinh sách gì cho thỉnh không? Đến gặp Thầy Thích Phước Tấn, Thầy hỏi có biết gì về Phật pháp chưa? Tôi thành thật: Chưa! Thầy đưa cho cuốn "Đức Phật và Phật pháp" và "Xuân trong cửa Thiền 4" của Thầy Thích Thanh Từ. Tôi thấy bìa sau ghi: Một số Phật tử cúng dường. Tôi ngại ngần không dám lấy. Nhưng thầy bảo không sao cứ lấy về nghiên cứu. Từ đó tôi bắt đầu làm quen nghiền ngẫm với Phật pháp. Tôi thường đi nghe thuyết pháp hơn. Và trong những buổi thuyết pháp thường có cho thỉnh những băng giảng hay kinh sách, tôi cũng thỉnh một ít về để nghe hoặc xem. Nhưng với nghề nông thì không có nhiều thì giờ rãnh và nhất là sau một ngày mệt mỏi thì về nhà cũng không có thì giờ hay khoẻ khoắn để mà đọc. Vì ước muốn tìm hiểu cho bằng được những hiện tượng mình đã cảm nhận trong lúc bệnh, mà tôi cố gắng bỏ thì giờ để đọc, nghiên cứu. Do nhu cầu tìm hiểu được nhanh và gọn hơn, tôi đã phải mua thêm bộ Từ điển Phật học của Đoàn Trung Còn để với những chữ trong Kinh, sách mà tôi không hiểu thì với tự điển sẽ giúp cho tôi hiểu được nhanh hơn. Một phần nghe băng giảng, nghe thuyết pháp, một phần nghiên cứu, nhưng tôi cũng chưa tìm ra được điều giải thích thỏa đáng. Khi tôi đọc quyển "Xuân trong cửa Thiền 4", trong đó có bài thầy Thích Thanh Từ nói về "Đời tu của tôi", thì tôi nhận được một điều: Thầy Thanh Từ cũng đã bị bệnh, và quyết chí tu chết bỏ. Sau đó Thầy hiểu Đạo hơn; tôi nghĩ thầy đã chứng được Thiền trong thời gian ấy, nhưng thầy đã ngộ như thế nào thì Thầy không có kể lại. Vấn đề của tôi muốn tìm hãy còn nhiều gay go. Nhưng rồi, trong một dịp tình cờ, khi đọc quyển "Bản tin Nông gia" của Hội Nông gia Nam Úc số I, bài "Nhân Quả" của một người bạn đã viết khiến tôi có nhiều suy tư, và tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại cứ nhớ đến sự Luân hồi. Một phần vì tôi cũng muốn góp phần với Bản tin, một phần viết vui chơi, đấu láo với nông gia cho qua những cơn mệt nhọc của nghề, tôi ngõ ý với anh bạn lâu ngày của tôi là tôi sẽ viết, gởi bài cho anh. Thế là tôi bắt đầu vào giai đoạn tập tành mặc dù tôi chẳng có khiếu về văn chương từ trong trường học, năm tôi học lớp Đệ Tam (lớp 10) viết bài gởi cho Đặc san Xuân của trường hãy còn bị thầy chê là Văn chương của học trò lớp Đệ Thất (lớp 6), Đệ Lục (Lớp 7). Tôi đã viết bài: "Lạm bàn về một vấn đề", đưa đến cho anh bạn. Anh thấy tôi viết về Thiền, và nội dung là Thiền, cho nên anh gợi ý đổi lại tựa bài ấy: "Thiền là gì?". Vì ngại ngần với một vấn đề quá lớn so với khả năng nên tôi đã không chọn đến Tựa ấy, nhưng điều anh bạn tôi ngỏ ý vẫn không sai. Thế là bài đó được anh cho đăng với tựa "Thiền là gì?". Nhưng khi đăng bài ấy lên và phát hành khiến cho tôi giật nẫy mình, lo âu: " Người ta làm theo cách ấy, nếu có cơ duyên họ tiến xa hơn nữa thì sao?", điều nầy làm tôi lo lắng không cùng. Tôi nghĩ: "Lỡ rồi, tôi đành phải viết luôn chứ sao". Thế là tôi phải bỏ thì giờ ra, ngồi nhớ lại những điều của khoảng 6, 7 năm về trước mà mình đã cảm nhận được trong lúc mơ mơ, màng màng. Cũng may, vào giai đoạn đó vì tôi cảm thấy lạ lùng và hiếu kỳ, tò mò mà tôi đã chú ý đến nó thật nhiều, và biết đó không phải là một cơn mơ; cho nên tôi viết lại cũng không có gì khó khăn. Nhưng mỗi tháng tập san mới ra một lần, mỗi lần đăng chỉ một ít thôi. Vì sự nguy hiểm có thể xãy ra đến với người thực hiện theo điều chỉ dẫn của tôi, tôi gấp rút dành thì giờ để kết thúc bài ấy và thấy cũng không thể phổ biến trên "Bản tin Nông gia" nữa do nơi quá chậm. Tôi đành phải nhờ đến tờ báo Nam Úc, nếu thấy được đăng dùm. Hai tuần sau, trên số 236 ra ngày 31-3-2000 bài: "Những ý kiến đóng góp về một (vài) phương pháp Thiền" được trình diện với độc giả, dưới bút hiệu "Bất Hạnh". Bài ấy đăng lên rồi, tôi hồi hộp đợi chờ những ý kiến phản bác của những độc giả hay của những giới lão luyện của nghề Thiền. Sau vài tuần không có phản ứng nào hết, tôi mừng quá vì qua khỏi được "ách nạn" rồi. Cũng từ bài đó tôi lại từ từ "được" xui khiến đi vào cuộc viết văn bằng những thúc đẩy của cơ hội và phản ứng của tâm linh mà tôi không thể cưỡng lại được.

Đến khoảng đầu năm 2001 lại có một cơ duyên khác làm thay đổi thêm một chút nữa trong cuộc đời của tôi. Khoảng thời gian ấy có một vị tăng (Thượng Tọa Thích Thiện Duyên) từ Việt Nam sang, khi đến Adelaide Thầy tìm đến con gái của tôi, vì vợ chồng chúng nó lúc về Việt Nam có đi theo đoàn cứu trợ "Nạn lụt miền Tây" của Thầy. Thì ra Thầy cùng quê với tôi, Sinh quán của Thầy ở bên kia ngọn đồi, còn tôi thì ở bên nây ngọn đồi, chẳng xa với nhau gì cho lắm. Trong tình thân tôi đã đưa bài "Những ý kiến đóng góp về một phương pháp Thiền" để Thầy xem qua và cho ý kiến. Xem xong, Thầy có nói: "Bài cũng được lắm! Nhưng phải chi Thầy biết nhiều về giáo lý thì bài được chính xác hơn nhiều. Sai thì không có sai". Thầy nghiệm một chút, rồi Thầy bảo: "Nhưng nếu được thầy nên bỏ bút hiệu nầy đi, để nó nghe làm như là khổ lắm vậy! Đó là vấn đề tâm lý vậy mà! Còn về giáo lý tôi sẽ ráng giúp thầy. Khi về Việt Nam tôi kiếm cho thầy bộ "Phật Học Phổ Thông" của Thầy Thích Thiện Hoa biên soạn để thầy nghiên cứu về giáo lý". Tôi ngõ lời cám ơn Thầy trước và lúc đó tôi nhớ lại về cái bút hiệu nầy đã khiến nhiều người cũng "e ngại", ngay cả vợ con tôi.

Sau đó, Thầy Thiện Duyên rời Adelaide đi đến tiểu bang khác; còn tôi lại bắt đầu viết bài thứ nhất của loạt bài về Đạo Phật để tặng Thầy, đó là bài: "Nhân một câu chuyện..." có thêm tựa Đạo là: "Phiền não thị Bồ Đề". Vì viết về Đạo mà mình chưa có tài liệu hoặc nghiên cứu nhiều, do vậy tôi phải đến nhờ Hòa Thượng Thích Như Huệ duyệt lại dùm, xem có những sai trái gì không? Thầy cũng góp ý: "Con nên bỏ bút hiệu nầy đi, nếu con viết chuyện ngoài đời thì con xài nó như là một vui chơi thì được, nhưng con viết về Đạo thì không thích hợp mấy. Người ta viết về Đạo thì thường dùng tên hoặc là pháp danh". Với những lời khuyên hợp lý ấy tôi quyết định bỏ bút hiệu đó cho đến bây giờ và chắc không xài đến nó nữa.

Rồi tôi lại đưa ba tôi về Việt Nam trong khoảng tháng sáu năm 2001 sau khi đi một vòng thăm viếng những người thân thuộc trên các nước khác. Và lúc nầy được Thầy Thiện Duyên tặng cho bộ "Phật Học Phổ Thông"; với bộ sách nầy giúp tôi viết thêm được một số bài về đạo Phật, mặc dù kiến thức Đạo của tôi thật là ít ỏi. Tại sao tôi viết về Đạo Phật? Vì những điều tôi cảm nhận trong lúc tôi bệnh là của đạo Phật hay gần với Đạo Phật hơn là ở các tôn giáo khác. Vả lại, tôi tìm đến giáo lý đạo Phật để xem những điều tôi cảm nhận có được ghi trong Kinh của Đạo Phật hay không? Sau, nhân những dịp các Thầy Thích Quảng Ba, Thích Phước Nhơn về Chùa Pháp Hoa thuyết pháp, tôi cũng có mạn phép hỏi về vấn đề khai ngộ. Thầy Phước Nhơn cho biết Đức Phật nói rãi rác trong các bộ Kinh; và Thầy Thích Quảng Ba thì cho biết là trong bộ Kinh A Hàm. Nhưng tôi chưa có nhiều thì giờ để tìm các bộ Kinh ấy mà đọc. Tuy vậy, những điều tôi "cảm nhận" được trong lúc tịnh tâm vào thời kỳ bệnh hoạn và tinh thần yếu đuối nhất đã giúp cho tôi hiểu được kinh điển đạo Phật dễ dàng hơn. Cho đến ngày hôm nay qua những quyển Kinh mà tôi đã đọc được thì sự sai trái chưa có xảy ra, đôi khi nó còn giúp cho tôi nhận định được những điều lý thú về "những sự tự xưng" là do "bị cám dỗ" bởi Thiên Ma Ba Tuần, hay còn "Sát, Đạo, Dâm, Vọng" thì không thể là người "Thành đạt được đạo" dù sự chứng ngộ của họ đạt đến nơi đâu; hoặc thế nào là Tiểu thừa hay Đại thừa theo cách và đường lối tu. Nhất là ảnh hưởng đến cái quan niệm sống của tôi hơn bao giờ hết, tôi cảm thấy mình được thoải mái hoặc là an tâm hơn, không phải thắc mắc, nghĩ ngợi lo lắng nhiều nữa.

Trong bài nầy tôi muốn dẫn chứng về sự huyền nhiệm của tâm linh, từ một đứa học trò học bài thuộc lòng rất vất vả và không bao giờ nhớ trọn được một bài hát, viết văn bị thầy chê là non yếu, một thầy giáo kém trí nhớ; Thế mà sau cơn bệnh tôi lại tập tành viết văn, làm thơ vào lứa tuổi mà người ta gọi đùa là "gần miền". Tôi không nghĩ đó là những khả năng của tôi, mà đó chính là "sự huyền nhiệm" của Tâm linh của Linh hồn hay Phật tánh ở trong tôi. Với một trình độ học vấn không cao, tiếp xúc hạn hẹp trong xã hội, thiếu sự đi đây đi đó thì tôi rất khó để hoàn tất một bài viết. Thế nhưng, tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại viết được liên tục như thế mặc dù công việc nông của tôi rất là bận rộn, nhiều người cũng ngạc nhiên hỏi tôi, tôi cũng không biết tại sao nữa là! Nhưng có một điều tôi biết rất rõ là những kiến thức vụn vặt, nghe kể, đọc được, chứng kiến hay tìm hiểu của những ngày xa xưa "tự dưng" nó lại hiện về để tôi viết được một số bài. Những bài đó hiện hữu như là một cái "cơ duyên", và tôi vẫn cố gắng làm theo cái duyên ấy như là một sự cống hiến nhỏ nhoi trong xã hội nầy.

 

 

***

 

  http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/suhuyennhiemcuatamlinh.htm

 


Vào mạng: 01-02-2008

Trở về mục "Đức Phật và Phật pháp"

Đầu trang