Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Thiên nhiên trong văn thơ Lý Trần
Như Hiếu

Thi liệu được sử dụng nhiều nhất khi miêu tả thiên nhiên trong thơ thiền Lý Trần là mùa thu, ánh trăng, gió, hoa, chim, nước, mây và núi.

Trước hết là mùa thu. Mùa thu là cảnh sắc thiên nhiên đẹp, trong sáng, gợi cảm và thường mang nét buồn dịu dàng, man mác. Xưa nay, thi sĩ của các thời đại vẫn thường rung động trước mùa thu. Họ sáng tác nhiều về mùa thu. Ở thơ thiền, mùa thu một mặt gợi lên sự mong manh chóng tàn, cái ngắn ngủi và hữu hạn của vạn vật, dùng làm phương tiện để diễn đạt cái "không" của triết lý Thiền. Mặt khác, cái trong trẻo lặng lẽ của nó, nhất là vào ban đêm, tạo nên một không gian bát ngát vô giới hạn và hư không tĩnh lặng đến vô cùng. Nó gợi nhớ cái bản thể vũ trụ lớn lao không hình sắc, không sanh diệt, thường hằng và có mặt ở khắp nơi. Đó cũng là cái tâm trống không của con người đã đạt đến sự hòa nhập cùng bản thể tự nhiên tự tại và thư thái vô biên.

Cũng cần để ý cặp hình ảnh "xuân thu" thường đi liền với nhau để biểu tượng cho quy luật sinh trưởng và tàn lụi của vạn vật. Tại sao các nhà thơ thường chọn cặp từ ngữ "xuân thu" này ? Đây là dấu vết của triết học phương Đông. Với quy luật Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu sát, Đông tàn. Mùa xuân và mùa thu là hai mùa mà sự vật đang phát triển theo hai hướng ngược nhau, nhưng chưa phải là đến tột độ để dừng lại và sắp biến đổi về chất. Mùa xuân là mùa vạn vật sinh sôi nảy nở nhưng là mới bắt đầu, có thế đang lên của sự hưng vượng, chưa dừng lại kết thúc quá trình. Nó là cái "dương" chưa trưởng thành đầy đủ. Mùa thu là mùa cây cỏ, hoa lá úa vàng, con người buồn, sinh vật ít hoạt động, nhưng cũng là giai đoạn đang còn tăng tiến của tính chất này, chưa phải đã là đỉnh cao của sự tàn lụi. Nó là cái "âm" chưa trưởng thành đầy đủ. Hai mùa xuân và thu như vậy vừa tiêu biểu cho hai trạng thái đối nghịch nhau của vạn vật, vừa chứa trong nó khả năng tiếp tục phát triển của quá trình, do đó nó được chọn để biểu tượng cho quy luật vận động không ngừng của tự nhiên.

"Đản tri kim nhật nguyệt
Thùy thức cựu xuân thu".
(Sống ngày nay biết ngày nay
Còn xuân thu trước ai hay làm gì).
(Nhựt Nguyệt 1Thiền Lão)

Ánh trăng, như đã đề cặp ở trên thường dùng để tượng trưng cho trí tuệ Bát nhã, cho sự Viên giác – cái tâm đã đạt đến chỗ hư không trong suốt. Thường đó là ánh trăng sáng vằng vặc trong một khoảng không bao la cao rộng và sâu hơn giới hạn. Sự đơn lẻ của một vầng trăng sáng trên núi cao hay giữa bầu trời, càng tạo cảm giác về sự trống không và tịch tĩnh vô biên của thế giới ngoại vật trong "con mắt tuệ". Mặt khác, ánh trăng trong nước còn là một hình ảnh thường gặp, biểu tượng cho cái giả, cái ảo của thế giới hiện tượng.

"Hữu không như thủy nguyệt".
(Có không như ánh trăng trong nước).
(Hữu không Đạo hạnh)

Ở trường hợp này, ánh trăng hầu như chỉ có chức năng biểu tượng để diễn đạt một triết lý, ít chất thơ và khơi gợi những cảm xúc nơi người đọc về sự huyền diệu của bản thể, của đạo, của chơn tâm, tuệ giác, như trường hợp đầu. Trăng sáng thường đi với gió trong. Cũng như trăng, gió vừa có ý nghĩa miêu tả trực tiếp thiên nhiên, đồng thời cũng có ý nghĩa biểu tượng. Thiền sư Minh Trí đời Lý trong bài Tầm Hưởng đã nói :

"Tùng phong thủy nguyệt minh
Vô ảnh diệc vô hình
Sắc thân giá cá thị
Không không tầm hưởng thanh".
(Gió trên cây tùng trăng dưới nước
Không có bóng cũng không có hình
Sắc thân cũng như thế đó
Tìm tiếng vang ở trong khoảng không).

Gió trên cây tùng cũng như trăng dưới nước tưởng như là cái hiện hữu, nhưng kỳ thực không thể nắm bắt, là hư không. Hiện tượng này được ví với sắc thân của con người, tất cả chỉ là giả, là cái biểu kiến, không có thật .Nó là cái gì vừa thanh thoát cũng vừa hư ảo. Chỉ có thể cảm nhận mà không thể nắm bắt cụ thể⮼/p>

Tương tự, hoa và chim cũng vừa có ý nghĩa trực tiếp, vừa có ý nghĩa biểu tượng. Chủ yếu nó tượng trưng cho quy luật tuần hòan theo chu kỳ của tự nhiên.

"Ly hạ trùng dương cúc
Chi đầu thục khí oanh".
(Cúc trùng dương dưới giậu
Oanh thục khí đầu cành).
(Tham Đồ Hiển Quyết - Viên Chiếu).
"Thu thiên đoàn thử lệ
Tuyết cảnh mẫu đơn khai"
 
(Hoàng oanh hót dưới trời thu
Mẫu đơn nở giữa mịt mù tuyết bay)
(Tham Đồ Hiển Quyết -Viên Chiếu)

Mây, núi và nước là những hình ảnh hay đi với nhau thường được dùng biểu tượng cho sự hồn nhiên tự tại của vạn vật. Nó vận động theo quy luật nào đó, nhưng là vô tâm, vô ý, do đó cũng tượng trưng cho cái tâm trống không của người đã giác ngộ không vướng bận chút gì, ví như "mây trên trời xanh, nước trong bình" (*) đi lại tự do, ở hoàn cảnh nào theo hoàn cảnh ấy. Những hình ảnh này cũng tiêu biểu cho sự vĩnh hằng của qui luật – nước muôn đời vẫn chảy mãi về đông và ngàn xa mây trắng vẫn lửng lơ trên núi xanh như ngàn xưa, mặc cho bao thăng trầm của thế sự, cả những cuộc biến động như lửa dữ cháy bừng thiêu ra tro đến mảy tơ.

Hình tượng thiên nhiên ngoại vật xuất hiện trong cảm hứng thơ hòa lẫn với cảm hứng thiền. Ởhương diện cảm hứng Thiền, chúng gợi sự liên tưởng vừa về cái vĩnh hằng của bản thể, của quy luật, vừa về cái hữu hạn của thế giới hiện tượng. Mỗi hình ảnh thiên nhiên có thể trở thành nhiều hình ảnh nghệ thuật mang ý nghĩa biểu tượng khác nhau, trạng thái cảm xúc khác nhau. Nó tạo thành một thế giới hình tượng đa thanh với nhiều giao thoa của các âm hưởng, các phương tiện cảm xúc, nhưng đều nhất quán thể hiện một triết lý thiền tông lấy cái "không" làm nền tảng. Chính nhờ trống không mà thu tóm được tất cả và không sợ mất cái gì, hòa điệu với bản thể vũ trụ và đạt được cái vui vĩnh hằng ở thế giới đời thường.

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/vh/006-thiennhien.htm

 


Cập nhật: 25-9-2000

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang