Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

"TÔI NHƯ TẾ BÀO TRỞ VỀ VỚI CƠ THỂ"

LTS: Sau khi về đến Hà Nội vào lúc 9 giờ 30 sáng 12-1-2005, Thiền sư Thích Nhất Hạnh cùng phái đoàn Tăng thân Làng Mai được hàng ngàn Tăng Ni, Phật tử thủ đô cung rước về chùa Bồ đề (Gia Lâm - Hà Nội). Buổi chiều cùng ngày, Thiền sư Nhất Hạnh đã có buổi  tiếp xúc với các báo chí Việt Nam. Nhân đây, phóng viên GN xin ghi nhanh những ý kiến trao đổi với Thiền sư.

G.N

PV:    Về nước lần này, Hòa thượng sẽ nói gì với Tăng Ni, Phật tử trong nước?

- Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm tu học tại phương Tây. Đạo Bụt tại mỗi nước mang sắc thái văn hóa của nước mình. Nhưng có một tinh hoa chung trên nền tảng Tứ đế và Bát chánh đạo....

 Thưa, Hòa thượng có thường xuyên liên lạc với Giáo hội Phật giáo VN tại quê nhà?

- Chính GHPGVN giúp chúng tôi nhiều lắm trong chuyến đi này, anh em trong nhà hết thôi mà!

            Theo Hòa thượng, những vấn đề về phương pháp hoằng pháp trong nước và tại nước ngoài có gì khác nhau?

- Đạo Bụt cũng như bất cứ một tư trào văn hóa, tâm linh nào trên thế giới, đều phải đổi mới để thích ứng với những nhu yếu của con người hiện tại. Vì vậy, nếu mình khư khư giữ những hình thái giảng dạy và thực tập cổ thì sẽ không thích hợp với thế hệ mới. Mình phải tu tập sâu, để có thể sử dụng ngôn ngữ mới, đưa ra phương pháp thực tập mới, để đạt được mục tiêu mà những người xưa đạt tới được. Cho nên cần có sự đối thoại, chia sẻ, góp ý với nhau, nếu muốn cho đạo Bụt luôn hiện đại và phục vụ con người. Vấn đề chia sẻ, làm mới, học hỏi lẫn nhau,... là rất quan trọng. Điều này đúng ở mọi mặt: văn hóa, kinh tế, xã hội, chính trị...

             Có phải là đạo Phật chưa được cập nhật, và Hòa thượng muốn chia sẻ những kinh nghiệm của mình ở nước ngoài?

- Trong nước cũng có những người muốn đổi mới. Điều này đúng với Phật giáo Trung Quốc, Hàn Quốc. Cho nên những thành phần tiến bộ phải cố gắng lắm mới có thể từ từ ảnh hưởng. Trong 40 năm qua chúng tôi đã nghiên cứu, thực tập, tìm cách hiện đại hóa đạo Bụt, để cho đạo Bụt có thể cung ứng được những nhu cầu cho con người mới. Người trẻ Tây phương tiếp nhận được thì người trẻ Việt Nam cũng tiếp nhận được.

            Ngoài sự hiện diện của Hòa thượng tại Việt Nam lần này là một niềm hoan hỉ, thông điệp Hòa thượng đem về để gửi tới Tăng Ni, Phật tử trong nước lần này là gì?

- Có thể không phải là thông điệp bằng lời. Mà là tình người, chỉ là việc ngồi lại với nhau, bằng tình huynh đệ, và giúp cho nhau thấy ra được những sai lầm, để mình khắn khít hơn, và mình hạnh phúc hơn, phục vụ nhiều hơn cho đạo pháp, cho dân tộc, cho đất nước. Và tình huynh đệ là cái cao quý nhất, nếu ai nhân danh cái gì mà tàn phá tình huynh đệ thì chính họ đi ngược lại cái điều mà họ muốn.

             Hòa thượng thấy thế nào về đời sống Phật giáo Việt Nam hiện nay? Qua những thư, những thông tin, thầy có nhận xét gì về Phật giáo trong nước?

- Những gì tôi biết được về PGVN là do các bạn báo, tôi biết rằng lần về này tôi sẽ lắng nghe các bạn bên này, không có ý trước, không có thành kiến; lắng nghe như vậy mới có được một cái thấy xác thực, gần với sự thực, chứ chưa thấy chưa nghe rõ ràng mà đã nói thì đó có thể là lầm lỡ.

Sự thật là ta có nhiều cố gắng, nhưng vẫn chưa đáp ứng được những nhu yếu của thế hệ trẻ, thế hệ trí thức mới. Những thành phần của đạo Bụt cần phải cố gắng hơn nữa. Cả trong nước và nước ngoài, ở đâu tôi cũng nói rằng "quý vị phải làm thế nào để cho giáo lý và sự thực tập của quý vị đáp ứng được, giải quyết được những đau khổ của thế hệ trẻ hiện tại, nếu không thì người ta sẽ bỏ đạo của quý vị mà đi thôi. Đạo Bụt cũng vậy, nếu không có đổi mới, nếu giảng dạy không sử dụng ngôn ngữ, phương pháp thực tập giúp con người giải quyết những khổ đau của họ, thì người ta cũng bỏ đạo Bụt mà đi. Đó là điều mà mình có giỏi rồi vẫn còn phải làm, huống hồ là mình chưa giỏi.

Hòa thượng từng được đề cử giải Nobel Hòa bình năm 1967, Hòa thượng có thể nhớ lại những hoạt động ngày ấy?

- Tôi ra nước ngoài từ những năm chiến tranh Việt Nam, lúc đó tôi diễn thuyết ở châu Mỹ, châu Âu và ở Úc để kêu gọi hòa bình cho Việt Nam. Lúc ra đi, tôi như một tế bào bị tách ra khỏi cơ thể, nhưng tế bào ấy không chết đi, vì tôi ra sức sống, thực hành Phật sự, kêu gọi hòa bình cho đất nước quê hương. Điều may mắn là hôm nay tôi về, cũng như một tế bào trở về với cơ thể, và hơn thế nữa, là tôi trở về giống như với một cơ thể mới, bởi có đến 190 Tăng, Ni, cư sĩ của khoảng 30 quốc gia cùng về Việt Nam.

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/thiensuNhatHanhveVN_GNphongvan.htm

 


Vào mạng: 7-2-2005

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang