Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
SƯ TRƯỞNG NHƯ THANH: CUỘC ĐỜI và SỰ NGHIỆP
Chùa Huê Lâm

Một nét chữ Tâm  trong công hạnh từ thiện
Giác Đạo

Sinh ra trong cõi trần ai, mỗi chủng tử đã là một nghiệp dĩ, căn phần thọ nghiệp. Bình đẳng trong đau khổ, bình đẳng trong phúc lạc, trong vòng xoay Thập nhị nhân duyên. Cái cõi mà Nguyễn Công Trứ đã phải tự vấn: "Thoắt đã sinh ra đà khóc chóe, trần có vui sao chẳng cười khì?" và cụ Tiên Điền - Nguyễn Du cũng đã khẳng định:

"Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa."

Càng thấm thía mọi khổ đau càng tỏ rạng công ơn Đức Bổn Sư Thích-ca chọn cảnh giới Ta-bà này thị hiện, đem giáo pháp chứng ngộ cao vời cứu độ chúng sanh. Hàng hậu sinh noi theo dấu chân lành tiếp tục đưa nguồn phúc lạc ấy tỏa lan, dẫu vốn mang nghiệp dĩ trần ai nhưng vừa tiến tu giải thoát đồng thời dang tay dìu dắt đồng loại bằng nhiều hình thức, trong đó công hạnh "cứu khổ, ban vui" là trọng tâm của những người con Phật. Từ đó, khái niệm từ thiện được dần hiện ra theo mỗi bước tiến hóa của thời đại. Và nó trở thành nét đặc trưng của Phật giáo, đi song hành với hình bóng của một vị xuất gia. Ý nghĩa đó càng về sau như nghiêng hẳn về Ni giới, khi giáo đoàn đã có mặt đầy đủ Tăng Ni. Sẽ ý nghĩa hơn khi chúng ta biết rằng Ni giới vốn kém phước báo về mọi mặt; được xuất gia cũng đã là một nỗ lực lớn lao và đã phải thọ giới nhiều hơn so với chư Tăng. Vì vậy, không lạ gì khi việc từ thiện hầu như luôn được chư Ni đặt lên hàng đầu và các vị luôn tỏ ra xuất sắc trong lãnh vực này. Trộm nghĩ như vậy, vì chư Ni từ trong nghiệp dĩ của mình vẫn biết lo nghĩ và thương xót đến tha nhân thì thật không còn gì cao cả hơn.

Nhận định như trên để khi đọc những dòng viết sau đây về công hạnh của Sư trưởng Như Thanh, chúng ta sẽ không ngỡ ngàng và đồng hóa với những ý niệm từ thiện khác, mà đã không ít khi nó bị xem thường do những tư tưởng cơ hội gây nên. Nét đáng quý ở Sư trưởng Như Thanh là trong thời gian hành đạo đã sớm nghĩ đến điều đó bên cạnh nỗi lo toan lớn khác, đó là đào tạo và giáo dục Ni chúng trở nên những người tu Phật có đủ đầy giới hạnh, tài đức. Khi đạt đến ước mong có một Ni đoàn, có tổ chức, có hữu ích cho Giáo hội, công việc từ thiện vẫn luôn là điều không thể thiếu trong các chương trình nghị sự ở các kỳ Đại hội Ni đoàn. Đôi khi chính Chư Tôn lãnh đạo Giáo hội còn tỏ ra nghi ngờ khả năng của Sư trưởng (cũng có nghĩa là Ni giới), lúc các kế hoạch được trình lên như: công tác thuyết giảng, tổ chức giáo dục, nghi lễ dành cho Ni giới v.v… thì Sư trưởng Như Thanh vẫn mạnh dạn tỏ rõ quyết tâm sẽ chu toàn được tất cả các mặt Phật sự đó.

Sư trưởng Như Thanh xuất thân từ một gia đình danh gia vọng tộc ở đẳng cấp trên trước xã hội, xuất gia chẳng vì gặp nghịch cảnh chướng duyên mà bằng cả ý lực tự giác, nương thừa chính phước báo gia đình, có điều kiện vươn tới tri thức Phật học. Tận dụng khôn khéo thuận lợi gia đình để tìm cầu Phật đạo, rõ Sư trưởng là một mẫu người hiếm có, để từ đó lòng tận tụy vì đạo, vì tương lai Ni chúng mai hậu của Sư trưởng, cũng như tất cả những thành quả đạt được, rất đáng trân trọng trong một ý nghĩa trọn vẹn.

Trong quá trình tu học, Sư trưởng lại có một thuận duyên hiếm hoi khác nữa là đã có được những bước chân theo chiều dài đất nước, tìm cầu tham học và gặp gỡ không ít Chư Tôn Đức khả kính, kể cả được chiêm bái các thánh tích Già-lam. Nhờ vậy có lẽ đã un đúc ý chí Sư trưởng, tạo nên nét đặc trưng mà Chư Tôn Đức hay ví von là một "Nữ tướng". Cũng nhờ đó, theo những bước chân nhẫn nại là chung quanh biết bao thảm cảnh loạn ly, đau thương của chiến tranh trong một đất nước triền miên chịu phần cộng nghiệp. Khi ước nguyện lớn chưa tròn, cũng như tự lượng đạo lực chưa cao, Sư trưởng dồn nén nỗi chạnh lòng đó vào một góc trái tim, hứa hẹn một ngày dang tay thể hiện. Thế nhưng, khổ đau nào hẹn, từ thiện nào chờ khi nhân thế "Kỷ hồi sanh, kỷ hồi tử; sanh tử du du vô định chỉ" luôn diễn ra khốc liệt. Tuy vậy, như Lục tổ Huệ Năng nói: "Ngột ngột bất tu thiện, đằng đằng bất tạo ác." Như thế, khi Sư trưởng Như Thanh còn đang ngổn ngang nỗi đau luôn canh cánh bên lòng ấy, cũng có nghĩa là Sư trưởng đã làm được điều thiện - điều thiện không nói ra - Tâm không tạo ác đã là điều thiện. Sự thôi thúc nhờ đó thêm vững tâm bằng một đồ án tương lai nhất quyết đạt thành.

Trong công quả tu hành, công hạnh từ thiện đã thấm từ trong máu thịt Sư trưởng tự bao giờ, khi gặp thuận duyên được bộc phát như lẽ đương nhiên mà chính tự thân Sư trưởng không nghĩ tới. Đó là ý nghĩa từ thiện đúng nghĩa, không câu nệ mang tính cách phong trào thi đua. Một bài học rất lớn lao cho những ai chưa thật tâm hiểu và hành động vẹn tròn cho từ thiện. Chúng ta sẽ thấy chi tiết này qua hình ảnh của Sư trưởng ngay giữa lúc chưa đạt thành mong ước hợp nhất Ni chúng, ngay giữa lúc Giáo hội Tăng Già chưa hình thành. Đó là hệ thống giáo dục mang tên KIỀU ĐÀM được bắt đầu khai sinh vào thập niên 50 (1952). Các em thiếu nhi nhà nghèo, hiếu học được học hành miễn phí tại đây. Từ nhân tố này, hệ thống trường KIỀU ĐÀM được chính bàn tay Sư trưởng nhân rộng, phát triển khắp mọi nơi và đã đi vào sử liệu Giáo dục-Từ thiện của Giáo hội. Ở những nơi điều kiện cơ sở vật chất không có hoặc các Ni viện chật hẹp, Sư trưởng vẫn tổ chức được những lớp học với mục đích tương tự, dù chỉ năm mười em học. Một cố gắng rất đẹp hữu ích quần sanh. Khi chưa có tài chánh để thực hiện công việc từ thiện, thì bằng tâm huyết sẵn có, nhân lực sẵn có, Sư trưởng đã làm từ thiện bằng cách đó, nói theo thuật ngữ giáo dục đương đại là "Công tác từ thiện mang ý nghĩa thế hệ."

Khi Giáo hội Tăng Già Nam Việt hình thành (1952), Ni Bộ Nam Việt cũng được ra đời, thì công việc từ thiện vẫn được đặt trọng tâm và mang tầm vóc lớn hơn cho cả miền Nam lúc bấy giờ.

Năm 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất được khai sinh, thì tầm vóc hoạt động thêm rộng, từ vĩ tuyến 17 trở vào. Đó cũng là giai đoạn hệ thống trường học từ thiện KIỀU ĐÀM phát triển rộng rãi nhất, như năm 1967 có nơi từ trường Mẫu giáo Kiều Đàm được mở rộng thành trường Trung học Kiều Đàm (từ lớp 1 đến lớp 9, hệ 12 năm). Chiến tranh không chịu thua để hạn chế bớt phần nào các con số nạn nhân, đã phải khiến Sư trưởng Như Thanh, vốn cũng không nhường bước trước đau khổ trần ai, đã thành lập thêm hình thức Ký nhi viện và rồi đến Cô nhi viện, cũng mang tên Kiều Đàm - Vị Thánh mẫu của Ni giới. Tất cả đều hoàn toàn miễn phí.

Điều đặc biệt trong công tác từ thiện của Sư trưởng Như Thanh là tính độc lập, tự lực rất cao, không chịu lệ thuộc vào bất kỳ một tổ chức hay các thế lực nào. Nhờ vậy, Sư trưởng rất vững vàng tiến bước bằng chính khả năng tự có của mình. Ngoài các nguồn hỷ cúng của tín thí, các nhà hảo tâm, phần lớn nguồn kinh phí có được để hoạt động là các cơ sở tự túc kinh tế do chính Sư trưởng điều hành và quản lý. Ngay cả khi ở cương vị cao trong tổ chức Ni Bộ Bắc Tông, Sư trưởng vẫn bằng ý chí đó, khả năng đó điều hành công tác từ thiện mang đặc tính của Ni bộ, tránh được điều có thể tránh, rất dễ làm lu mờ thiên chức của một người thực thi công hạnh từ thiện. Vì thế, kể từ ngày bắt đầu công hạnh từ thiện cho đến tận hôm nay, Sư trưởng Như Thanh vẫn bảo toàn được thanh danh của mình một cách trong sáng. Đến đây có một thoáng suy nghĩ rằng, cho đến tận thời điểm gần nhất, các mặt hoạt động từ thiện đã rầm rộ, ở các nơi, các tổ chức và cả tận ngõ các nhà tư nhân… mà Sư trưởng Như Thanh không có mặt? Tuổi già sức yếu sẽ không là lý do thu mình hiện tại, bởi giờ đây uy tín, đức độ và cả đến các cơ sở trực thuộc của Sư trưởng đã được đều khắp, hoặc có thể là đã đến lúc phải đúc kết các hoạt động này của Sư trưởng? Theo người viết bài này, hai khả năng đó đều không có cơ sở kết luận. Như vậy vấn đề được đặt ra sẽ là: Từ thiện như thế nào mới mang đủ đầy ý nghĩa. Điều đó, ngay từ đầu bài viết này đã được phân tích.

Sẽ cụ thể hơn bằng các con số choáng ngợp sau đây Sư trưởng Như Thanh đã làm và làm được ngay giữa lúc chiến tranh loạn lạc, trong lúc một cánh tay, trí huệ khác của Sư trưởng vẫn đang nặng phần trách nhiệm cho giáo dục Ni tài, cho tổ chức Ni bộ mà không có được một nguồn cung cấp nào, mặc dù điều đáng trân trọng là Sư trưởng không đòi hỏi, không tham vọng. Các con số tuy chưa được thống kê đầy đủ vẫn đủ sức bật dậy ý nghĩa tích cực như sau:

- Năm 1961, mở phòng thuốc Nam miễn phí, mỗi tháng điều trị khoảng 600 bệnh nhân.

- Năm 1966 mở phòng thuốc Tây miễn phí, cũng với con số xấp xỉ 600 bệnh nhân đến khám và điều trị.

- Năm 1975, mở phòng châm cứu miễn phí, mỗi tháng hơn 300 bệnh nhân được điều trị.

- v.v…

Về mặt hướng nghiệp, trước nhu cầu của rất đông người dân nghèo đang rất khó khăn và mờ mịt ngày mai do chiến cuộc gây ra, Sư trưởng đã cho tổ chức lớp dạy đan len miễn phí tại chùa Huê Lâm I (năm 1966), lớp dạy cắt may miễn phí cũng tại chùa Huê Lâm I (năm 1968) v.v…

Tất cả, kể cả các trường Cô nhi viện, Ký nhi viện, đều do chư Ni đứng ra đảm trách. Điều này nói lên công lao dạy dỗ, đào luyện Ni tài của Sư trưởng đã có kết quả và đã có không ít chư Ni thành danh trong nhiều lãnh vực, góp phần làm lợi lạc cho ngôi nhà chung Phật giáo. Rất hiếm hoi tìm gặp được một mẫu người nhiệt thành, đa năng và có bản lãnh như Sư trưởng Như Thanh, càng hiếm hoi hơn khi vừa thể hiện một vị chân tu có đầy đủ oai nghi tế hạnh, vừa lo lắng tổ chức, vừa ổn định Ni đoàn bằng tri thức như vậy.

Theo con số báo cáo vào thời điểm 1972, ở cương vị Vụ trưởng Ni Bộ Bắc Tông, Sư trưởng Như Thanh đã điều hành, quản lý, tổ chức Ni giới trực thuộc gồm có 136 tự viện, 50 tịnh thất và 989 Ni chúng, từ vĩ tuyến 17 trở vào. Trong cương vị này, Sư trưởng không áp dụng phương cách từ thiện của riêng mình mà còn mở ngõ, tùy nghi cho Ni chúng của tự viện ở các Tỉnh – Miền hoạt động. Nhờ vậy, hầu hết Ni bộ các nơi đều có trung bình một Ký nhi viện, Cô nhi viện và phòng phát thuốc miễn phí như: Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi (miền Vạn Hạnh); Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận (miền Liễu Quán); Tuyên Đức (miền Khuông Việt); Bình Dương, Gia Định (miền Khánh Hòa); 11 quận Sài Gòn (miền Quảng Đức); Định Tường, Sa Đéc, Vũng Tàu (miền Huệ Quang) v.v… Mỗi một Cô nhi viện trung bình không dưới 150 em. Cá biệt có nơi đến 400 em, như Cô nhi viện Tây Lộc (Thừa Thiên). Ký nhi viện cũng trung bình không dưới 100 em. Bên cạnh ba mặt nổi bật đó, có nơi còn thành lập được cả Viện dưỡng lão với trên dưới 50 cụ đến tá túc nương thân. Ngoài ra, như một định luật tất yếu, tất cả các nơi đều có thành lập một đoàn từ thiện, thường xuyên đi ủy lạo đồng bào chiến nạn. Tổng số các cơ sở từ thiện trực thuộc Ni bộ do Sư trưởng Như Thanh tổ chức là:

- 41 Ký nhi viện (với 7.132 em)

- 6 Cô nhi viện (với 1.125 em)

- 4 Viện dưỡng lão (với 340 cụ)

Mặt trái cuộc đời là khổ đau, được thể hiện bằng những con số lạnh lùng ấy, chỉ riêng của Phật giáo, cụ thể hơn của Ni Bộ Bắc Tông Vụ, đủ để khẳng định điều đó, ai sao tránh khỏi nỗi chạnh lòng. Huống lại là các bậc tu hành, khiến các vị thêm một vai nặng oằn bận bịu giữa chốn trầm luân. Và để hoàn thành các nhiệm vụ đó, ngoài bổn tánh chơn tâm từ bi, Sư trưởng còn phải đích thân can thiệp với Bộ xã hội, với các tổ chức để gởi Ni chúng theo học các kiến thức về dưỡng dục nhi hoặc các lớp tập huấn tâm lý trị liệu.

Dẫu biết rằng từ thiện cũng tương đồng một cách tu và bố thí Ba-la-mật là lý tưởng xả thân, nhưng bằng cách nhìn cảm hoài, người viết bài này vẫn không sao thoát được ý nghĩ con đường tiến tu giải thoát của các vị như thêm nỗi lao xao, gập ghềnh và như xa hơn, bước chậm hơn. Thật đáng trân trọng biết dường bao, khi nghĩ đến những điều ngược lại.

Có thể, người viết chưa có diễm phúc tìm gặp được hình ảnh của một người làm từ thiện có bản lãnh, có kiến thức tổ chức như Sư trưởng Như Thanh. Nếu không là thế thì "sổ vàng", "kêu gọi", "vận động"… kèm theo là cả một kế hoạch có trống chiêng hỗ trợ. Chợt nhớ, người học Nho có nói câu: "Cầu nhơn bất như cầu kỷ – Nhập sơn cầm hổ dị, khai khẩu kháo nhơn nan." Đại ý nói: Mong cầu kêu gọi kẻ khác không bằng mong cầu kêu gọi chính mình – Vào núi bắt hổ còn dễ, mở miệng ra nhờ người khác rất là khó.

Như đã trình bày, công tác từ thiện nơi Sư trưởng Như Thanh đã vượt lên trên những khái niệm bình thường, đã trở nên máu thịt gắn liền trong cơ thể. Hạnh từ thiện đó không chờ cơ hội, không nhóm họp cờ xí, và tất nhiên không mong được ai trao bằng tưởng lệ. Nhận thức được cái khổ đau ngay từ nơi ta đang dung thân thọ nghiệp và tận dụng ngay cái hoàn cảnh khổ đau đó, biến nó thành nguồn phúc lạc phụng sự lại cho chính tha nhân – một ý lực tự tại. Đó chính là cái TÂM tha lực nào phải tìm đâu xa và mong cầu ở ai, bởi "Chúng sanh chi tâm du như đại địa, ngũ cốc, ngũ quả tùng đại địa sanh. Như thị tâm pháp, cập ư Như Lai" (Kinh Tâm Địa Quán). Và lớn hơn, cái tâm đó còn "Dĩ thử nhơn duyên tam giới, duy tâm tam danh chi địa" (Kinh Pháp Hoa - phẩm Tùng Địa Dõng Xuất). Từ cõi trời Sắc Cứu Cánh, Đức Thế Tôn từng dạy chúng ta như thế.

Tôi chẳng dám làm một người như Kinh Hoa Nghiêm nói "Tâm như công họa sư, họa chủng chủng ngũ ấm…", chỉ dám lạm bàn về ý thức công hạnh từ thiện, bởi dù sao không có nó (Vong thất Bồ-đề tâm, tu chư thiện pháp, tức vi ma nghiệp) tất cả đều trở nên vô nghĩa. Ngược lại "Năng quán tâm giả, cứu cánh giải thoát. Bất năng quán tâm giả, cứu cánh trầm luân." Vì vậy Sư trưởng Như Thanh phải chăng đã dừng lại công hạnh từ thiện đúng lúc, nhưng vẫn không ngừng được cái tâm chủ ấy mà vẫn bảo toàn hạnh nguyện lớn lao "Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi bổn hoài?" và biết đâu từ nét đẹp vô ngôn hiện nay, Sư trưởng Như Thanh đã thực hiện được điều lý tưởng "Truyền đăng tục diệm, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức" để từ đây nhân tố được sáng lên từ điều không viết nên lời:

Sanh sanh bất khả thuyết
Sanh bất sanh bất khả thuyết.

Giác Đạo

 


Cập nhật: 4-3-2001

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang