Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
SƯ TRƯỞNG NHƯ THANH: CUỘC ĐỜI và SỰ NGHIỆP
Chùa Huê Lâm

Dòng mạch tâm linh trong các tác phẩm giáo lý
Tỳ-kheo-ni Như Ấn


Trong suốt thời gian hành đạo hóa đời hơn năm mươi năm, Sư trưởng luôn luôn khuyên dạy hàng đệ tử xuất gia cũng như tại gia nên song tu phước huệ. Bây giờ, nhìn lại đạo nghiệp của Người để lại cho hậu thế thì quả thật bên cạnh những kiến trúc đồ sộ của các tự viện thuộc phước đức hữu vi là những bộ sách được soạn thảo công phu như: Bát Nhã Cương Yếu (1989), Hành Bồ Tát Đạo (1989), Duy Thức Học (1991). Đó là ba bộ sách quan trọng thâu nhiếp hết thảy những bài giảng của Sư trưởng trong mấy chục năm qua, nhằm khai phát trí huệ vô vi.

Nhưng những ai được theo Sư trưởng trong một thời gian dài đều đồng ý rằng Sư trưởng chú trọng về Bát-nhã hơn hết, vì Người đã giảng đi giảng lại không biết bao nhiêu lần, từ Tâm Kinh Bát Nhã, Kim Cang đến những phần trích trong bộ Đại Bát Nhã. Điều đó cũng không có gì khó hiểu vì chính Đức Phật xưa kia đã giảng thuyết về Bát-nhã trong 16 hội tại 4 địa điểm khác nhau (gọi là tứ xứ thập lục hội) mà sau này kết tập ghi chép lại đến 600 quyển, thành bộ kinh Đại Bát Nhã thì rõ biết Bát-nhã là nòng cốt của Phật pháp.

Nếu bổn hoài của Đức Phật là muốn đem yếu lý của đạo Chánh Đẳng Giác mà trao truyền cho hàng đệ tử thì Sư trưởng, sau khi thâm ngộ lý mầu, đã cố gắng truyền trao ánh sáng Bát-nhã mong kẻ hậu học nắm được cương lĩnh, khéo tỏ ngộ chân tâm mà nối truyền mạng mạch Phật pháp.

Trong Đại Trí Độ Luận, Bồ-tát Long Thọ đã nêu lên những lý do Phật nói Kinh Bát Nhã Ba La Mật như sau:

- Vì muốn cứu cái khổ mê lầm cho chúng sanh, khiến cho tất cả đều thoát khỏi phiền não, thoát khỏi sinh tử.

- Vì muốn giúp cho những người tu pháp Niệm Phật được thêm phần lợi ích, tiến tới chỗ cứu cánh viên mãn.

- Vì muốn nói tướng Đệ Nhất Nghĩa Tất Đàn, tức Đệ Nhất Nghĩa Đế, là cứu cánh tuyệt đối không còn luận bàn, không phân biệt, không chấp trước, là thật tướng của các pháp.

- Vì muốn phá trừ các pháp phương tiện để dẫn tới chỗ "Vô sở hữu, bất khả đắc" nên Phật nói pháp môn Vô thượng, cứu cánh giải thoát tức Bát-nhã-ba-la-mật.

Như thế, Bát-nhã là pháp môn tối thắng, tối tôn mà một vị Tỳ-kheo-ni dám đăng đàn thuyết giảng vào những thập niên 50, 60... là khoảng thời gian mà phần đông những vị nữ tu sĩ Phật giáo chỉ biết an phận trong các công việc bếp núc, vá may, quét dọn thì đây quả là một hành động cách mạng tiên phong. Hơn thế nữa, đây cũng là hồi chuông trống Bát-nhã được cử lên một cách hùng dũng để xác định lại rằng: Nếu "Phật tánh không có Bắc, Nam"(1) thì tất nhiên cũng không phân chia nam nữ nhằm phá tan mặc cảm nữ nhi, phất lá cờ tiên phong cho Ni chúng mạnh dạn tiến bước trên con đường thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh. Bài thơ tóm tắt yếu lý của Bát-nhã dưới tựa đề Vạn Pháp Giai Không đã được Sư trưởng làm ra như sau:

Thân tâm ngoại cảnh không
Vinh nhục thị phi không
Thương ghét khổ vui không
Tiền tài danh dự không
Có không còn mất không
Năm tháng ngày giờ không
Lớn nhỏ rộng hẹp không
Rốt cuộc không cũng không.

Từ thân tâm với những khổ vui, thương ghét, những thăng trầm vinh nhục, những thất bại thành công, những danh dự thị phi cho đến ngoại cảnh bao gồm cả không gian lớn nhỏ rộng hẹp, những có không còn mất, luôn cả thời gian năm tháng, chậm mau... thảy đều từ nhân duyên sanh, do nhân duyên mà diệt nên nói là Không. Điều này có thể ai cũng hiểu được, nhưng rốt cuộc không cũng không thì quả là một công án treo lơ lửng giữa trời, chẳng thể nào dùng tư duy mà với tới được. Càng dùng lý luận nó càng vuột xa hơn, cả đến thuật ngữ Chân không Diệu hữu cũng chỉ là gượng ép, cũng chỉ là ngôn từ. Làm sao để trực ngộ thế giới mầu nhiệm của chân tâm vốn bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm để có thể ngang nhiên đi vào địa ngục độ tận chúng sanh như ngài Địa Tạng Bồ-tát, hay qua lại trong sáu cõi như đi dạo vườn hoa? Sau đó, Sư trưởng làm thêm một bài thơ khác, có thể coi như cái chìa khóa vàng để giúp cho thiền sinh tháo mở nghi tình trên. Đó là bài Phật Pháp Như Huyễn:

Tứ Đế, Nhân duyên mây
Lục Độ, Nhất thừa khói
Hư thiệt, có không a>nh
Pháp giới, trần gian hoa
Bồ-đề vô thượng mộng
Đạt đạo vô vi bóng
Công đức hữu vi sương
Hồi quang phản chiếu nước
Minh tâm kiến tánh gương.

Đặc thù của đạo Phật là tinh thần phá chấp một cách triệt để. Không vướng mắc vào ngã chấp đã đành, không vướng mắc vào thế gian pháp cũng là hữu lý, nhưng tới chỗ rốt ráo cũng không được chấp vào Phật pháp. Phải buông hết thảy, như "đầu sào trăm thước, tiến thêm một bước."

Tứ Diệu Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, Lục Độ Vạn Hạnh, Nhất Thừa Thật Tướng, Vô Thượng Bồ Đề... thảy đều là những món thuốc phương tiện để chữa bệnh vô minh cho chúng sanh, lành bệnh rồi thuốc men không còn dùng đến nữa. Qua sông rồi không cần phải vác bè trên vai mà đi, nó chỉ tạo ra sự vướng bận mà thôi.

Ở đây chúng ta có thể liên tưởng đến bốn câu thơ nổi tiếng của cố Hòa thượng Thích Phước Hậu:

"Kinh điển lưu truyền tám vạn tư,
Học hành không thiếu cũng không dư,
Đến nay tính lại chừng quên hết,
Chỉ nhớ trên đầu một chữ NHƯ."

Đây là giai đoạn tu nhi vô tu, là tinh thần phủ quyết mạnh mẽ trong Bát Nhã Tâm Kinh: "Vô vô minh diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử diệc vô lão tử tận; vô khổ, tập, diệt, đạo; vô trí diệc vô đắc. Dĩ vô sở đắc cố, Bồ-đề-tát-đỏa y Bát-nhã-ba-la-mật-đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng cứu cánh Niết-bàn."

Hễ còn chấp trước là còn điên đảo mộng tưởng, dù là chấp vào Phật pháp. Loại sở tri chướng này như hạt bụi vàng làm xốn mắt hành giả khiến những vị này không thể đi xa hơn nữa, không thể tiến tới chỗ cứu cánh viên mãn. Cho nên dưới ánh sáng Bát-nhã thì hạt bụi vàng hay hạt bụi đất cũng không khác vì chúng đều gây trở ngại như nhau.

Vì thế phải dùng tinh thần tu như huyễn pháp, hành như huyễn sự để có thể nương vào Bát-nhã mà không bị khái niệm vạn pháp giai không buộc ràng vào chỗ chấp Không. Đó là sự phủ định của phủ định: Rốt cuộc không cũng không.

Nhờ không rơi vào chỗ trầm không trệ tịch, hành giả mạnh mẽ phát Bồ-đề tâm, tu Bồ-tát đạo.

Để chuẩn bị hành trang cho các vị này, ngay sau khi hoàn tất cuốn Bát Nhã Cương Yếu vào năm 1983 (nhưng chưa đủ duyên để xuất bản ngay) thì Sư trưởng bắt đầu soạn thảo tác phẩm Hành Bồ Tát Đạo, dựa vào Kinh Hoa Nghiêm.

Hình ảnh của đồng tử Thiện Tài đi cầu đạo ở 53 trụ xứ là hình ảnh lý tưởng của một người phát đại nguyện: thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh. Với tinh thần không chấp trước, người học đạo tiếp xúc cùng hiện tượng giới trùng trùng duyên khởi, giao tiếp với mọi tầng lớp chúng sanh từ phàm tới Thánh, từ sang tới hèn, từ già tới trẻ... mà không móng tâm phân biệt; thấy ai cũng có thể là thầy mình, ai cũng có cái hay để mình học hỏi.

Phàm phu khi tiếp xúc với tha nhân, thường tìm khuyết điểm của người để gièm xiểm thị phi, hầu củng cố lòng kiêu mạn, còn hữu tình giác ngộ luôn luôn cung kính tôn trọng tha nhân, không để ý đến cái dở của người, nhờ đó mà học hỏi được nhiều điều hữu ích, giúp cho Hậu đắc trí ngày càng mở mang, phát triển.

Tu học Bồ-tát đạo theo tinh thần Hoa Nghiêm, hành giả đi vào thế giới duyên khởi vô tận, trùng trùng điệp điệp như màng lưới. Trong đó không một cái gì đứng riêng biệt, tách rời với những phần tử khác mà có thể tồn tại. Mỗi mỗi sự vật, mỗi mỗi chúng sanh đều làm duyên cho nhau để xuất hiện trên sân khấu vô tận của không gian và thời gian.

Hơn thế nữa, chẳng một sự vật gì có thể tự nó mà hiện hữu; nó phải được tạo thành bởi những cái "không phải của nó". Như bông lúa trên cánh đồng, sở dĩ có được là nhờ sự phối hợp của những mạ, nước, phân, ánh sáng mặt trời, thời tiết thuận hòa, bàn tay của nhà nông... Vậy thì, một là tất cả, tất cả là một. Chúng ta không thể tách rời mình với tha nhân vì tất cả đều tương tức tương nhập.

Vì tất cả đều tương tức tương nhập với nhau như thế, cho nên khi độ chúng sanh cũng không thấy có chúng sanh được độ. Thế là từ hiện tượng lại trở về với bản thể, đây là tùy duyên bất biến; ngay nơi bản thể lại theo duyên mà hành xử, đây là bất biến tùy duyên. Tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên có thể coi như là cẩm nang cho Bồ-tát sơ phát tâm vậy.

Trong Hành Bồ Tát Đạo, Sư trưởng dành trọn chương 6 và 7 để thuyết minh về thiền. Điều này rất quan trọng với hành giả tu Bồ-tát đạo. Bởi vì trong khi tiếp xúc cùng ngoại cảnh, với những được cùng thua, danh thơm và tiếng xấu, ca tụng hay khiển trách, hạnh phúc hoặc khổ đau... làm sao để giữ mình như sư tử chúa không run sợ trước tiếng động, hay như làn gió không dính mắc trong màng lưới, như hoa sen không nhiễm mùi bùn?

Như người võ sĩ, muốn thắng trận vẻ vang phải có nội công thâm hậu để chịu những quả đấm của đối phương, người học tu Bồ-tát đạo cũng phải dày công rèn luyện tâm linh. Tùy theo công phu hàm dưỡng nhiều hay ít, sâu hay cạn mà hành giả tiến bước mau hay chậm.

Nếu hằngày lo trau luyện Giới luật tinh nghiêm, thiền định vững vàng thì ngọn đèn trí huệ mới sáng tỏ, nhờ vậy không bị mê hoặc vì những trò ảo hóa đang bày ra trước mắt. Thiền cũng là một phương cách để trở về với bản tâm. Nếu một khi tỏ ngộ được rằng:

Bản lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai?
(Lục tổ Huệ Năng)

Thì bấy giờ tâm tư rỗng rang tự tại, không sạch, không nhơ, không thêm, không bớt. Hành giả tu mà không thấy mình tu, làm mà không thấy mình làm. Cứ như vậy tiến mãi trên mười nấc thang của Thập Địa, lên hàng Bất Thối Chuyển Bồ-tát.

Quyển Bát Nhã Cương Yếu được in ra vào đầu năm 1989, cuối năm đó Hành Bồ Tát Đạo được xuất bản tiếp theo. Đến năm 1991, Sư trưởng lại cho ra đời bộ Duy Thức Học, gồm bốn tập tổng cộng 745 trang.

Bộ sách này thuộc loại soạn dịch, trong đó nêu ra những vấn đề về tâm, pháp. Thiết nghĩ, đây là một sự bổ sung hết sức cần thiết cho hành giả trong thời đại ngày nay.

Chúng ta sắp bước vào thế kỷ 21. Khoa học gia đã phóng phi thuyền lên hỏa tinh; các nhà địa chất học đã phát hiện ra sự thành lập của trái đất lúc ban sơ; Y học đã thành công trong vấn đề thay thế tim, gan, phổi, thận... của con người; máy điện toán trở thành phổ thông trong tất cả mọi lãnh vực, từ phạm vi rộng lớn của quốc gia đến những sinh hoạt trong các ngành nghề; những nhà phân tâm học đã và đang dùng phương pháp và dụng cụ y khoa để thăm dò, phân tích lãnh vực tâm linh, từ tiềm thức đến vô thức của con người. Trước khí thế mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật Tây phương, các dân tộc Đông phương với truyền thống Phật- Lão- Nho không khỏi có những vấn đề, những nạn vấn, những mối nghi về truyền thống tâm linh lâu đời của họ. Đặc biệt là giới trẻ, họ sẽ không dễ dàng tin nghe, nhận lãnh giáo lý nếu nhà Sư không giải thích tận tường, không lý luận xác đáng, nghĩa là không áp dụng tính cách khoa học trong khi giảng thuyết, trong khi giải đáp các câu hỏi của họ. Cộng thức của mọi người trong thời đại mới không thể không ảnh hưởng đến hành giả. Nhưng là con Phật, chúng ta phải biết rằng kho tàng kinh điển Phật giáo thật là vô giá, bởi vì khoa học càng tiến bộ, càng làm sáng tỏ những điều mà Đức Phật đã nói mấy ngàn năm về trước. Vả lại, trong Phật giáo cũng có những bộ môn khoa học như Nhân Minh Luận, như Duy Thức Học v.v… Nếu biết áp dụng Duy Thức là môn khoa học của Phật giáo, từ Tâm pháp, Tâm sở hữu pháp, Sắc pháp, Tâm bất tương ưng hành pháp đến Vô vi pháp là sự phân tích rành rẽ từ gốc tới ngọn, có căn cứ, có hệ thống, có chứng nghiệm hẳn hoi thì hành giả chẳng những không còn chút mặc cảm chi đối với khoa học mà còn thấy rõ rằng khoa học chỉ mới khám phá được phần thô thiển của tâm, còn cái kho tàng vô tận của A-lại-da thức, khoa học chẳng thể nào vươn tới nổi nếu nhà khoa học chưa đạt đến Vô sư trí như những bậc tu chứng. Am tường Duy Thức, hành giả dễ nhận biết căn cơ, tâm địa và những uẩn khúc của chúng sanh để tùy bệnh cho thuốc và dĩ nhiên đối với những vấn đề của tâm ý, nhân quả luân hồi, cho đến công đức tu tập, sự thành tựu của các pháp môn tu đều có thể giải đáp tận tường khi có ai cầu hỏi.

Tất cả những gì cần làm, Sư trưởng đã làm xong sau bao nhiêu năm xả thân vì đạo pháp, vì chúng sanh. Sư trưởng như người mẹ hiền chẳng những đã nuôi dưỡng con thơ lúc còn trong trứng nước, tập cho con đi từng bước lúc ban đầu, dạy cho con nói từng tiếng một rất đơn sơ mà còn chu đáo sửa soạn đủ các món hành trang để sau này, dù mẹ hiền có mất đi, các con cũng không thiếu phương tiện khi quyết tâm cầu đạo Vô thượng.

Sợ đàn hậu tấn mải vì mặc cảm yếu kém mà không dám phát đại tâm, đại nguyện, Sư trưởng ân cần nhắc nhủ: "Người xưa lập nên sự nghiệp lớn lao để lại cho chúng ta. Ngày nay chúng ta là kẻ hậu sanh cũng phải phấn phát tinh thần làm nên những gì cho người đời sau noi gương chớ không nên tự cho mình là kẻ thấp kém mà lui bước."

(Hành Bồ Tát Đạo, Tập 2b, trang 227)

Bây giờ Sư trưởng tuổi hạc đã cao, sức khỏe yếu mòn, mạng sống mong manh. Thấy ai, Người cũng chắp tay cầu chúc: Bồ-đề tâm kiên cố, phước trí trang nghiêm hay công đức vô lượng v.v...

Phải chăng sau nửa thế kỷ xả thân vì đạo, cái duy nhất còn lại trong tâm tư Sư trưởng cũng chỉ là sự mong mỏi sao cho đàn hậu tấn luôn tiến bước trên đường đạo.

Nếu trái tim của Bồ-tát Thích Quảng Đức còn nguyên trong lửa đỏ, thì trái tim vì đạo, vì người của Sư trưởng cũng còn nguyên vẹn sắt son trải qua những biến thiên của đời sống hay trong mọi tình huống sanh, trụ, dị, diệt của thân phận con người.

Huê Lâm II, tháng 12- 1997.
Tỳ-kheo-ni Như Ấn

 

Bảng biểu về các tác phẩm giáo lý

Thể loại

Chuyên đề

Số lượng tác phẩm

Thời gian

Ghi chú

Trước

Giáo lý

căn bản

1 bộ 5 tập

Trải

 

tác

Luận

03

dài

Soạn

Sử

03

từ

thuật

Qui điều

03

năm

 
 

Nghi thức

07

1956

 
 

Kinh

01

đến

 

Dịch thuật

Sách nghiên cứu

06

năm

 
 

Thơ

01

1992

 

 


Cập nhật: 4-3-2001

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang