Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
SƯ TRƯỞNG NHƯ THANH: CUỘC ĐỜI và SỰ NGHIỆP
Chùa Huê Lâm

Sư trưởng Như Thanh: Một nhà thơ
Ni sư Như Đức

Hình ảnh Sư trưởng Như Thanh là một nhà thơ, không làm giảm nét uy nghiêm của một bậc Thầy, trái lại còn làm chúng ta khâm phục về sức sáng tạo kỳ diệu, về sự phong phú của nội tâm viên mãn. Đối với Sư trưởng, thơ văn là phương tiện để chuyên chở đạo lý, là cách hoằng pháp hữu hiệu, đi sâu vào lòng người qua giai điệu êm nhẹ của dòng thơ. Số lượng thi phẩm của Sư trưởng khoảng 500 bài, được kết tập thành sách, mang tên Hoa Thiền, Hoa Thanh Hương, Hoa Bát Nhã v.v... và còn những bài đăng rải rác trong các tập san Hoa Đàm, Phật Pháp Giáo Lý... Trừ tập thơ Tinh thần tu dưỡng (một tác phẩm phỏng dịch bằng thể lục bát, từ tập ‘Thể Căn Đàm’ của tiên sinh Hồng Ứng Minh), những tập thơ khác của Sư trưởng là biểu trưng cho tâm tư, cảm nghĩ, hoài bão của bậc Trưởng lão Ni mang chí nguyện độ Ni, cứu đời.

Ngược dòng sáng tác của Sư trưởng, chúng ta tìm thấy bài thơ Sóng Nước Đàm Bàn được làm từ năm 1930 tại chùa Hội Sơn (Thủ Đức). Từ bài thơ đó dẫn đến những bài thơ sau này, nguồn mạch không có gì thay đổi. Dòng tuôn chảy, mạch thi ca ấy, luôn luôn có một nền tảng đạo lý nằm ngầm bên trong. Bậc triết nhân, bậc đạo giả khi đối mặt với thiên nhiên, khi quan sát hiện tượng giới, khi nhìn cảnh dâu bể đổi thay, có nguồn cảm hứng khác với thường nhân. Mượn huyễn để nói chân, thơ văn của Sư trưởng là để hướng tới, để nói về bản tánh chân thật, trong sáng vô ngần ở trong mỗi sự vật; có một nỗi niềm lạc quan phấn khích; có lời chỉ dạy thâm sâu; có câu khuyên nhắc vỗ về. Cho nên nói là thơ nhưng không phải để cho người đọc mơ màng với mây gió, mà mỗi bài thơ là mỗi bài hướng đạo, bài cảnh tỉnh. Thơ văn tức người, cuộc đời của Sư trưởng như những bài thơ của Người: đậm nét từ bi, mang khí phách hùng lực độ đời. Mượn thơ để nói chuyện đạo, cho nên thơ của Người là thơ đạo, hay đạo lý trong thơ.

 

Thơ và Thiền

Sư trưởng thường dùng bút hiệu Thiền Gia để ký dưới những bài thơ mang tính chất thiền. Tập thơ Hoa Thiền của Sư trưởng mang ý nghĩa cành hoa ở hội Linh Sơn, cành hoa mà ngài Ca-diếp mỉm cười nhận được diệu ý của Phật, từ đó nguồn thiền tuôn chảy, Tổ tổ tương truyền. Cho đến thế kỷ này người cảm ngộ được Phật tâm, bất kể là nam hay nữ, đều có thể ngợi ca đường đi của Phật, đường hóa độ của chúng sanh:

Giòng thiền sớm được truyền trao,
Nguồn thiền bộc phát dồi dào từ đây.
Thung dung tánh tịnh vơi đầy.
Tùy cơ hóa đạo nước mây tự lòng.
(Cánh Hoa Thiền – Hoa Thiền)

Trên đường hóa đạo, Tổ Bồ-đề-đạt-ma dừng chân tại Tung Sơn, chín năm ngồi nhìn vách đá. Để làm gì? Tại sao bỏ công từ Tây Vực đến đây lại ngồi lặng thinh không nói? Con cháu nhà thiền lý giải việc này rất nhiều, dưới ngòi bút của Sư trưởng, Tổ sư ngồi lặng yên cũng là một cách gieo hạt giống để đợi ngày trổ mầm:

Chín năm liền những dãi dầu,
Sương rơi, tuyết đổ dễ hầu lạt phai.
Lặng nhìn vách núi ngày ngày,
Ngày ngày giống tốt ương ngay đất mầu.
(Cửu Niên Diện Bích - Hoa Thiền)

Ý Tổ sư từ Tây sang? Buông tất cả mọi thứ, ngồi yên nín lặng, nhưng không phải là cách ngồi tiêu cực mà là chờ người hữu duyên. Cũng như Khương Tử Nha ngồi câu trên sông Vị, buông một cái cần câu không lưỡi, cũng như những vần thơ của Sư trưởng, luôn luôn lạt lẽo nhưng luôn luôn đầy nhiệt tình. Đó cũng là nghịch lý trong nhà thiền:

Lạnh lùng lạt lẽo lâng lâng,
Thung dung tự tại, trong ngần tươi xinh.
Chẳng buông, chẳng nắm, chẳng gìn,
Chẳng thương, chẳng ghét, chẳng khinh, chẳng cầu,
Chẳng đi, chẳng đến, chẳng thâu,
Chỉ xem một mối tâm đầu bao la,
Chỉ nhìn kho báu của nhà,
Chỉ trông vào bậc tài hoa rộng truyền.
(Cửu Niên Diện Bích - Hoa Thiền)

Trông vào bậc tài hoa rộng truyền, đó cũng là ý nguyện của chư Tôn túc lãnh đạo, mong có người kế thừa, mong người sau nối chí mình để ánh đạo luôn rạng rỡ. Người đủ tư cách đó phải là người được rèn luyện, người biết cách sống:

Thấp mình, đâu dám sân si,
Khép mình, đâu dám nằn nì phân bua.
Dặn lòng, chớ tính hơn thua,
Thìn lòng, đâu dám bung thùa nết na.
(Bồi Dưỡng Công Thâm – Hoa Thiền)

Lục tổ Huệ Năng giã gạo nơi hội của Ngũ tổ Hoằng Nhẫn, và ẩn náu nơi đám thợ săn suốt 15 năm cũng để bồi dưỡng công lực của mình. Tổ Quy Sơn ẩn mình trên non Quy, ăn hạt dẻ, uống nước suối, mà đạo mạch tỏ rạng. Người xưa thường thử thách mình trong nghịch cảnh. Trong nghịch cảnh mà thân và tâm đều vững vàng, sau này mới có thể gánh vác đại sự. Đó phải chăng là lời nhắn nhủ của Sư trưởng đối với người sau?

Dẫu chăng nghịch cảnh vấn bao,
Dẫu chăng khổ lụy lao đao chực hờ.
Tâm này yên vững trơ trơ,
Thân này chặt chẽ giờ giờ chẳng nao.
(Bồi Dưỡng Công Thâm – Hoa Thiền)

Ngài Triệu Châu thường dạy chúng "buông hết đi!" ngài Thạch Sương tổ chức những hội thiền "ngồi như cây khô" mục đích là đưa học nhơn đến tận cùng bờ mé ý thức, khi mà mọi phân biệt so đo toan tính đã chết bặt, đã không thể nào khởi nghĩ:

Sững sờ bặt hết niềm riêng,
Như nhà hoang vắng, như miền hư vô.
Tới lui quên hết lộ đồ,
Lợi danh lạt lẽo, điểm tô ích gì!

Lúc chết tận cùng là lúc nhận ra mình có tánh linh bất sinh diệt:

Mới hay trong chốn thiền hà,
Đắng cay chua chát, tinh hoa đạo mầu.
Ai người thâm ngộ lý sâu,
Nhận ra cõi chết, là câu sống còn.
(Tuyệt Tử Tái Tô – Hoa Thiền)

Cùng ý với bài Tuyệt Tử Tái Tô, Sư trưởng làm thêm bài Sơn Cùng Thủy Tận cũng để nói về chỗ tu của hành nhơn, đến chỗ không thể xoay trở, bị ép ngặt tột cùng:

Than ôi! trong phút khốn cùng,
Nỗi niềm khổ thiết, lao lung ngỡ ngàng.
Như người ngặt khổ khó an!
Như cơn chết ngất giữa đàng quạnh hiu.
(Sơn Cùng Thủy Tận – Hoa Thiền)

Đến chỗ ấy không phải là không còn gì, mà chính là chỗ đạo mầu chợt hiện, như người xưa nói:

"Sơn cùng thủy tận nghi vô lộ,
Liễu ám hoa minh biệt nhất thôn."
 
(Núi cùng sông kiệt ngờ không lối
Liễu rợp hoa tươi riêng một thôn)

Người tu thiền quen với cách kết thúc bất ngờ, với sự chuyển đổi của tâm thức, sẽ không ngạc nhiên vì:

Non cùng nước tột lạ thay!
Cơ duyên ngộ đạo nơi đây hiện bày.
Lòng người một phút trở xây,
Vọng, chơn soi rõ, trời mây khác màu.
(Sơn Cùng Thủy Tận – Hoa Thiền)

Lục tổ Huệ Năng xưa kia ngộ đạo khi nghe Ngũ tổ Hoằng Nhẫn giảng đến câu "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm." Cũng lý vô trụ ấy, ngài Trường Sa Cảnh Sầm nói đến chỗ "Đầu sào trăm thước thêm một bước" ý chỉ rằng đã đi đến tận cùng chỗ tu chứng cần phải vượt qua tu chứng, bước thẳng vào hư không. Sư trưởng cảm hứng đoạn thiền cơ này, làm bài Vạn Nhẫn Cao Đăng, Can Đầu Tấn Bộ có những câu:

Kìa đầu sào trăm thước,
Còn một bước vượt lên.
. . .
Đấy con người vô ngại,
Thung dung giữa hiểm nhai.
Cơ mầu trong tay lái,
Chánh đạo rộng đường khai.

Người bước vào hư không, tất cả rối ren sự thế, muôn mối não phiền đều thẳng tay chặt đứt:

Vừng trăng thanh lố dạng,
Hoa chơn tánh bày màu.
Một dao trừ muôn loạn,
Thanh bình hết khổ đau.
(Trực Hạ Thừa Đương, Đơn Đao Triệt Đoạn – Hoa Thiền)

Tu thiền cần giẫm đạp trên đất chơn như, cần xây dựng ngôi nhà của mình ở nơi thật tế lý địa. Những danh từ chơn như, thật tế, nghe cao vời, riêng dưới ngòi bút của Sư trưởng, nó trở thành gần gũi dễ hiểu:

Một mình trên đất chắc,
Muôn việc hẳn xong mà.
Đất chắc nơi đâu nhỉ?
Tâm ta thật đó mà!
Bình đẳng tâm tự tại,
Chơn như tâm vị tha.
Đất chắc là nơi đấy,
Nơi đấy đáng làm nhà.
(Khước Đạp Thật Địa – Hoa Thiền)

Ca ngợi hạnh riêng mình, ngài Vĩnh Gia Huyền Giác nói:

"Thường độc hành, thường độc bộ,
Đạt giả đồng du Niết-bàn lộ."
 
(Thường một mình, thường tản bộ
Đạt giả lại qua Niết-bàn lộ)

Trong cõi cô đơn của riêng ta, bậc chí nhân vui hưởng cảnh thanh nhàn, dứt tuyệt sự rầy rộn bầy đoàn. Sư trưởng ca ngợi hạnh viễn ly, hạnh độc cư trong những vần thơ thanh thoát:

Khách thiền xa lánh rộn rầy,
Một thân một bước, đó đây lạnh lùng,
Chẳng cùng bầu bạn tương dung,
Chẳng cùng thế sự lộn chung pháp thiền.
Niềm riêng lặng lẽ vui yên,
Một thân đứng giữa cõi huyền chơi vơi.
(Độc Bộ Cô Hành – Hoa Thiền)

Những chủ đề lớn của thiền như: Vô Môn Quan, Triệu Châu Trà, Trực Chỉ Nhân Tâm Kiến Tánh Thành Phật, Phản Quan Tự Kỷ, Chế Tâm Nhất Xứ Vô Sự Bất Biện… đều được Sư trưởng diễn thành thơ. Những vấn đề thiền vốn nổi tiếng là khó hiểu, là bí mật, như cánh cửa đóng kín muôn đời. Người nghiên cứu bao năm miệt mài chỉ hé thấy một vài tia sáng. Nhưng với tài học uyên thâm và công phu nhập thất, Sư trưởng đã gỡ tung vấn đề, đem thi ca điểm tô đạo lý và ai đã từng đọc qua những câu chuyện thiền, chuyện thứ sử Lý Tường hỏi đạo ngài Dược Sơn Duy Nghiễm, sẽ thấy quen thuộc với bài thơ Vân Tại Thanh Thiên Thủy Tại Bình của Sư trưởng, hoặc nghe câu nói của Thiền sư Duy Tín: "Trước khi học đạo thấy núi là núi, thấy nước là nước" sẽ tìm thấy lời ấy trong bài thơ Kiến Sơn Tại Sơn, Kiến Thủy Tại Thủy:

Rằng đây non nước ngày ngày,
Khi chưa học đạo non rày, nước kia.
Đến khi học đạo xa lìa,
Non đâu chẳng thấy, nước kia cũng mờ.
Rồi khi đạo cả nên thơ,
Nước kia, non nọ trơ trơ rõ ràng.

Vấn đề thiền là vấn đề của con người muôn thuở. Nếm vị thiền trong tập thơ Hoa Thiền của Sư trưởng, như khám phá ra mình giữa muôn trùng huyễn mộng. Công án của Sư trưởng, đem chất thơ vào thiền và giải đáp những thắc mắc của chúng ta bằng những lời lẽ hết sức bình dị:

Đây thiền pháp công năng dung chứa sẵn,
Hướng tâm linh về muôn thặng vô dư.
Bến thiền hà, thôi phủi hết ưu tư,
Nếp đạo vị, rảnh thư đời sống đẹp.
(Nếp Sống Thiền Gia – Hoa Thiền)

Nói không bao giờ tận cùng, chỉ là giọt nước nhỏ trong đại dương, mỗi khoảnh khắc trong đời sống mà đọc lại những bài thơ ấy, sẽ thấy ra muôn vàn ảo diệu.

 

Thiên nhiên trong thi đạo

Ryokan, một thi sĩ Nhật Bản, có lần bị kẻ trộm viếng lầm nhà. Chú đạo chích không tìm gì được nên bỏ đi. Ryokan vui mừng reo lên khi thấy vầng trăng của mình vẫn còn y nguyên bên khung cửa sổ:

Tên kẻ trộm vất lại đằng sau
Vầng trăng nơi cửa sổ!

Trăng trong thơ Sư trưởng rất nhiều, tính cách biểu hiện đa dạng, tùy theo cảm hứng. Trăng rạng ngời như hạnh đức của vị Thiền sư làm mát dịu lòng người:

Kìa trăng buông thả, tơ vàng chói,
Êm dịu lòng tôi ngát vị hương.
Hạnh đức Thiền sư, đây bóng mát,
Trăng soi cửa tịnh, lộ Tăng đường.
(Trăng Rọi Cửa Thiền, Sóng Trôi Nghiệp Ái – Hoa Thiền)

Trăng chiếu giữa trời không, như trí huệ hiển hiện phá tan mê mờ.

Như vầng trăng chiếu trời không,
Đó đây soi khắp sáng trong mọi bề.
(Chế Tâm Nhất Xứ Vô Sự Bất Biện – Hoa Thiền)

Trăng tròn như bản tâm viên mãn, đó là cảnh giới của người giác ngộ:

Tỏ soi tâm tánh trong ngần,
Như vầng trăng sáng muôn phần thanh cao.
Trăng lòng tươi đẹp tròn phau,
Bầu trời giác ngộ treo cao giá lành.
(Minh Nguyệt Cao Huyền
Cô Trung Độc Chiếu – Hoa Thiền)

Đêm trăng yên tĩnh hành giả an nhiên tịnh tọa, trăng bên ngoài và trăng nội tâm cũng tương hợp:

Trời đêm bóng nguyệt mơ màng,
Khuyên ai thiền khách tịnh an một niềm.
Giữa bầu trăng sáng lặng êm,
Lung linh chiếu rọi bóng đêm nép mình.
(Minh Nguyệt Cao Huyền Cô Trung Độc Chiếu – Hoa Thiền)

Bài thơ Phút Ly Trần của Sư trưởng ghi lại khoảng thời gian nhập định, mọi vọng tưởng dừng bặt, người và vũ trụ hòa tan. Bài thơ mở đầu bằng bức tranh thiên nhiên dịu mát:

Đêm sương dưới ánh trăng vàng,
Bên vườn hoa rộng nhẹ nhàng dạo quanh.
Đặt mình trên bức thảm xanh,
Thảm xanh là cỏ thanh thanh dịu mềm.
Lặng ngồi trong cảnh trời êm,
Trăng trong vằng vặc, bóng đêm dịu dàng.
(Phút Ly Trần – Hoa Thiền)

Cùng cảnh giới, cũng là bầu trời mặt đất, lá hoa cây cỏ ấy, nhưng với tâm tưởng phàm phu sẽ thấy đầy dẫy khổ đau bất tịnh:

Thế nhân tâm địa hẹp hòi,
Nhìn trăng chỉ biết học đòi chơi trăng.
Chòm ba lũ bảy chuyện xằng,
Hay cùng đôi bạn lăng nhăng hẹn thề.
Đùa nhau cợt đã chán chê,
Cơn vui thoáng chút, não nề thoạt đây.
(Nói Chuyện với Trăng – Hoa Bát Nhã)

Bậc đạo nhân nhìn thiên nhiên rõ ràng, muôn vật hiện bày trong nguồn sáng vô tận:

Đêm thanh vắng nguyệt yêu kiều,
Hoa chơm chớm nở, gió dìu dặt đưa.
Sóng thiền định, gió sương thừa,
Hài gai nhẹ bước, song thưa lối nhìn.
Sao nhấp nháy, gió rung rinh,
Trăng tròn tròn sáng, mây in in trời.
(Giấc Thiền Chợt Tỉnh – Hoa Thiền)

Không còn gì thanh thản thú vị hơn, khi chúng ta đang ở trong ngôi thiền thất trên núi, chung quanh là trời biển, bên ngoài khung cửa mây trắng bay qua lớp lớp, như mọi thứ phù vân lớp lớp bay qua. Ngôi thiền thất ấy, thiền đường ấy, có thể ở Hải Vân, có thể ở Phổ Đà, là những thắng cảnh in dấu trong thơ Sư trưởng:

Mây trắng bay về núi,
Cửa thiền gió thoảng qua.
Sạch trong đời tuyết giá,
Thanh thoát hạnh thiền gia.
Biển dệt niềm trong trắng,
Trời thêu cảnh đậm đà,
Gió trêu mây rộn rã,
Non cợt nước la đà.
(Mây Trắng Cửa Thiền – Hoa Thiền)

Thiên nhiên biến đổi từ tịnh sang động, như mây thay hình thoáng chốc, như thuyền ngư ông đã về bến mà vẫn còn suy tính lao lung. Sư trưởng, bậc thiền gia quan sát bức tranh thế nhân ấy:

Mây tuôn tỏa muôn vừng trên khoảng trống,
Gió chơi vơi hoạt động giữa từng không.
Cây bày hàng to nhỏ rợp tươi đồng,
Theo gió thoảng khua vang trời tĩnh mịch.
Chim véo vắt trên cành cây hứng thích,
Lá vàng rơi, chiều gió cuốn bay tung.
Thuyền buồm kia khi tấp bến trập trùng,
Ngư phủ nọ rộn ràng cơn tính toán.
(Nếp Sống Thiền Gia – Hoa Thiền)

Bài thơ gợi nhớ một thi vị cổ xưa, gợi nhớ đến bài Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế, mà thi nhân Việt Nam dịch thoát như sau:

Trăng tà tiếng quạ kêu sương,
Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm vẳng tiếng chuông chùa Hàn San.

Xin mượn tiếng chuông để kết thúc những dòng mạn đàm về Thiên nhiên trong thi đạo của Sư trưởng.

 

Tính ngụ ngôn trong thi đạo

Kinh A Di Đà diễn tả thế giới Cực Lạc, ở đó có chim nói pháp, có gió thổi cây reo lời khuyên niệm Phật, có vô lượng thiên nhạc đồng diễn Phật âm. Hiểu theo một mức độ nào đó, từ thế giới chung quanh, từ những hiện tượng bình thường, chúng ta có thể nghe ra những bài học không lời. Điều này cần một lỗ tai tri kỷ và một trái tim nhạy bén. Dòng thơ ngụ ngôn của Sư trưởng dẫn chúng ta đi vào những câu chuyện mang tính cách ẩn dụ, hàm chứa vô số bài thuyết pháp thâm diệu.

Điểm qua số thơ ngụ ngôn của Sư trưởng chúng ta có thể kể tên các bài:

- Sóng Nước Đàm Bàn
- Biển Trời Nghị Luận
- Rừng Suối Giải Bày
- Núi Đồi Tâm Sự
- Núi Cây Phiền Trách
- Chân, Mắt Luận Đàm
- Chim Sáo và Chim Hoàng Oanh
- Cành Hoa cùng Viên Ngọc
- Mỹ Nhơn Tương Ngộ
- Lạc Bước Quay Về
- Hoa Phù Du
- Tâm Sự Hạc
- Chim Hồng Hộc
- Chim Hồng Hộc Con
- Long Ngâm
- Anh Ngã Ái
- Vịnh Ếch Đáy Giếng
- Bầu Trời cùng Tép Mồng Trò Chuyện
- Con Chim cùng Cội Cây Trò Chuyện
- Vịnh Chú Lái Đò
- Người Lành Ăn Trái Đắng
- Phú Ông cùng Quỷ Vô Thường
- Người Mang Mắt Kiếng Hồng
- Khuyên Can Đường Muối
- …

Các bài ngụ ngôn của Sư trưởng thường bắt đầu bằng cách diễn tả sự vật theo cái nhìn thông thường, như cành hoa than về thân phận của mình:

 

Lắng nghe hoa nọ phàn nàn,
Cuộc đời sớm nở, tối tàn thảm thương.
Nghĩ thân hương sắc chán chường!
Nghĩ đời ong bướm lật lường xót đau.
(Cành Hoa cùng Viên Ngọc – Ngụ Ngôn)

Đó cũng là lời than của thế nhân trong biển khổ lạc loài. So sánh một cuộc đời tầm thường với cuộc đời cao thượng của chư Phật, chư Bồ-tát, thì như hoa sánh với ngọc. Ngọc có đủ tính quý báu:

Ngàn muôn vẻ đẹp cao kỳ,
Không từng hư rữa, không tỳ vết chi.
Đá võ phu dám so bì,
Màu pha lê cũng dễ gì đọ xem.
(Cành Hoa cùng Viên Ngọc – Ngụ Ngôn)

Đoạn giữa là đoạn chuyển tiếp, hoa muốn đổi mình lên địa vị sạch trong, như chúng sanh muốn tu thành Phật thì phải:

Sớm hôm lập chí lợi tha,
Sớm hôm gần gũi Thiền gia học hành.
(Cành Hoa cùng Viên Ngọc – Ngụ Ngôn)

Cho đến khi đạt đến chỗ mọi phiền não đều tan như nước sôi tiêu băng, còn lại một bầu trời thanh tĩnh. Từ đó chúng ta rút ra một kết luận rằng sự biến hóa, chuyển đổi ấy do từ tâm ta:

Dẫu rằng hoa, ngọc rủi may,
Dẫu rằng kiếp số vắn dài khác nhau.
Trong cơn hóa đục muôn màu,
Tùy tâm, tùy cảnh lâu mau chuyển dần.
"Tiềm vi tiệm hóa" sửa lần,
Dở hay, trong đục tự thân sử dùng.
(Cành Hoa cùng Viên Ngọc – Ngụ Ngôn)

Cùng một ý như trên, bài Chim Sáo và Chim Hoàng Oanh nói về tâm sự của loài chim thấp kém, so bì ganh tỵ với chim Hoàng Oanh, về chiếc lồng vàng xinh đẹp, về miếng mồi tôm tép ngọt ngon Sáo toan muốn so tài với Hoàng Oanh:

Thử đem so lại chơn tài,
Hoàng Oanh đâu dễ mảy may hơn mình.

So đo rồi phiền não rối rắm, rồi tự nghĩ lại thấy rõ, trong mỗi loài đều có tánh linh, chỉ cần mình tự tu sửa, thời tiết đến thì SáoHoàng Oanh đâu khác:

Thôi nghĩ lại lạc lầm chừa bỏ,
Nguyện từ nay tỏ rõ lẽ mầu.
Suy tầm đạo lý cao sâu,
Dưỡng nuôi tánh thật, vọng cầu ích chi.
Thời tiết đến hẹn kỳ tao ngộ,
Tánh linh tri tỏ lộ cơ mầu.
Sắc không, không sắc tóm thâu,
Lung linh chơn giả, tròn câu siêu trần.
(Chim Sáo và Chim Hoàng Oanh – Ngụ Ngôn)

Trong bài Chân Mắt Luận Đàm, Sư trưởng mượn đôi chân để ví dụ cho hành động, đó là sự dụng công tu tập, còn con mắt là ví dụ cho trí huệ, cho sự hiểu biết. Kiến thức và hành động phải kết hợp chặt chẽ mới đưa đến kết quả, như nhà Nho nói Tri hành hợp nhất, nhà Phật nói Hạnh giải tương ưng. Bước đầu nào cũng gian nan, Mắt thấy tòa lầu đài cao đẹp muốn Chân đưa mình đến, nhưng Chân cản trở:

Ối! hơi đâu tìm tới làm chi!
Lầu cao cảnh đẹp đó thì,
Của ai tạo sẵn ta tri ích gì?

Đó là lúc tuy biết hạnh Phật phải làm, tâm Bồ tát phải tập, nhưng thói quen lười biếng khiến chúng ta dừng bước. Mắt lại phải gia công khuyên dỗ để Chân cùng đi với mình:

Chân nghe Mắt lây nhây nói mãi,
Chẳng đành lòng cượng cãi nhiều lời.
Thong dong bước nhặt, bước lơi,
Cõng em mắt sáng tới nơi em đòi.

Mượn câu chuyện ChânMắt để diễn tả lộ trình tu Phật, và ngầm ngụ ý khuyên chúng ta chớ biếng lười, khi vào được nhà Như Lai thì đó là lúc:

Công tròn quả đủ bấy nhiêu,
Mắt, Chân chẳng uổng khéo chìu lòng nhau.
(Chân Mắt Luận Đàm – Nhàn Đàm)

Đưa vào đối thoại những vật có tính cách dường như tương phản, như sóng lưu chuyển và nước lóng lặng, biển lao xao cùng trời mênh mông, núi cao với bên cạnh đồi thấp bé, để cuối cùng thấy giữa chúng vẫn có sự tương hợp, không thể tách rời, trong động có tịnh, trong cái bé có cái to. Những loại bài ngụ ngôn này là một lối diễn đạt của thế giới Hoa Nghiêm tương nhiếp tương nhập.

Trong bài Sóng Nước Đàm Bàn, Nước thì:

Thân ta thật như băng trong trắng,
Tánh êm đềm lóng lặng tỏ tường.

Chỉ vì:

Bởi anh Sóng phô trương nên nỗi,
Nay rạch này mai lối sông kia.

Những lời giải bày của Sóng thì nói rằng mình phải chen lộn, long đong với đời để giúp đời, để hòa nhập nhưng không mất phần thanh bai, nếu chỉ lắng yên như Nước thì đó là tiêu cực:

Mênh mông bủa sắc đua tài,
Giúp đời nào ngại vắn dài oán ân.
Vui vầy cảnh tao nhân mặc khách,
Tánh êm đềm cơ cách ai hay.
Hòa đời mà vẫn thanh bai,
Trong đời mà vẫn lạt phai mùi đời.
(Sóng Nước Đàm Bàn – Nhàn Đàm)

Lại một dịp khác, Người nghe chuyện luận bàn giữa TrờiBiển. Biển than thở:

Gió lay sóng gợn trùng dương,
Xôn xao mấy lượt đoạn trường bao phen.
Bụi nhơ vẩn đục phận hèn,. . .

Đối diện BiểnTrời cao mênh mông, Biển muốn gào thét thưa hỏi:

Trần gian khổ lụy liên miên,
Đâu bờ tự tại, đâu miền ưu tư.
Bể khơi ai lái thuyền từ,
Cành dương sái tịnh, thanh hư hiện tiền.

Đáp lại lòng Biển ưu tư, Trời thể hiện cho đức bao dung, thương và che chở vạn loại:

Lòng ta chứa cả càn khôn,
Không phân nhơ sạch trọng tôn chí thành.
Dưỡng sanh giữ đạo trọn lành,
Giúp công ứng hóa thêm rành nghĩa nhơn.

Trời như thế, Biển như thế. TrờiBiển có chung một hòa âm, chung tánh thể:

Biển, Trời thể hiện đạo mầu,
Dung hòa hạnh đức, chuyên cầu thắng nhơn.
(Biển Trời Nghị Luận – Nhàn Đàm)

Những loại bài này, Sư trưởng làm khi ở chùa Hải Vân, một thắng cảnh Già-lam giữa trời biển, núi đồi. Mượn thiên nhiên để nói lên đạo lý, nói lên đức hiếu sanh vô cùng của trời đất, và lý nhiệm mầu bất nhị của Đạo Phật. Những loạt bài này rất dài, lời và ý thâm sâu, người đọc phải ngẫm xét từng câu từng chữ mới thấy được sự lý thú trong ấy.

Nhóm bài Long Ngâm, Tâm Sự Hạc, Chim Hồng Hộc diễn tả ý chí siêu trần, vẫy vùng ngang dọc của loài thú có tánh linh hơn đồng loại. Mượn chim hạc, chim hồng có chí bay xa, gởi vào đó tâm sự của bậc Lão Ni đại nguyện, luôn mong có thời cơ giúp đời:

Lòng mong mỏi thiên hòa địa lợi,
Xảy gặp duyên vận tới thời nay.
Tung mình vượt thẳng như bay,
Vùng trời xoay múa trở day mặc tình.
Trong giây phút quần sinh mát mẻ,
Dầu nhỏ to nào rẽ chia ai.
Một vùng mưa pháp tuôn dày,
Cuộc đời khô héo từ nay đậm đà.
(Long Ngâm – Nhàn Đàm)
 
Chim hồng bay liệng khắp trần gian,
Nào phải vẩn vơ trước thẻ vàng.
Vỗ cánh lưng trời vang tiếng hét,
Kêu người quay lại cõi Liên Bang.
(Chim Hồng Hộc – Nhàn Đàm)

Các bài này Sư trưởng làm vào những năm 1938, 1939, 1940... cho chúng ta thấy người muốn gởi gắm chí nguyện, đại lượng hành Phật sự, tấm lòng tha thiết độ sanh, khai mở đường lối cho Ni chúng. Thời điểm ấy phù hợp với các phong trào chấn hưng Phật giáo ở khắp ba miền, báo hiệu sự vươn vai trỗi dậy của hàng Tăng Ni tín đồ Phật tử.

Đơn giản dễ hiểu như các bài Vịnh Ếch Đáy Giếng, Anh Ngã Ái, Phú Ông cùng Quỷ Vô Thường vẫn có những câu thơ dí dỏm:

Mỉm cười đắc chí gật đầu,
Rờ da, vuốt bụng bày câu tự tình.
. . .
Nực cười ếch vỗ hông bép bép,
Miệng oang oang ẹp ẹp kêu rùm.
(Vịnh Ếch Đáy Giếng – Nhàn Đàm)

Câu diễn tả sự giàu sang hưng thạnh:

Làng tôi có một phú ông,
Vườn to đất rộng minh mông thiếu gì.
Lâu đài đủ cả tiện nghi,
Xe tàu rần rộ, ai bì phú ông.
Gái trai lớn nhỏ ròng ròng…

Cho đến khi:

 

Xác thân lạnh lẽo bẽ bàng,
Ruộng vườn bỏ lại, bạc vàng mặc ai.
(Phú Ông cùng Quỷ Vô Thường – Hoa Bát Nhã)

Những bài học trong thơ ngụ ngôn của Sư trưởng mang nhiều tính chất, khi thì uyên thâm huyền ảo, hàm chân thiện mỹ trong từng câu thơ trang nghiêm, khi gần gũi thân thiện với tư cách đời thường, và trên tất cả, nhắc nhở cho tất cả, đó là sự dung thông hòa hợp, là lý trung đạo, giữ mực vừa chừng:

Đường nhiều e cũng dư thừa,
Bởi chăng ngọt quá khó vừa miệng ăn.
Việc đời phải phải, chăng chăng,
Đừng nên quá phận lằng nhằng kém hay.
Mặn ngọt đời cũng tương dung,
Có mặn thiếu ngọt, khó dùng lắm thay.
(Khuyên Can Đường Muối – Hoa Bát Nhã)

Mường tượng hình bóng oai nghiêm từ bi của Sư trưởng phảng phất qua lời ngụ ngôn nhắn nhủ cư trần bất nhiễm, sống với đời hiểu thấu ngọn ngành chi li của sự vật và giữ cho mình một bản tâm hồn nhiên trong sáng. Đó có thể là những điều Sư trưởng gởi lại cho hàng học Ni.

 

Tính giáo dục trong thi đạo

Như cơn mưa xối nguồn nước trong lành lên quả đất, những bài thơ ươm đầy tính cách giáo dục của Sư trưởng đượm nhuần tâm tư người đọc. Giáo dục một người bình thường đã khó, huống gì giáo dục sửa đổi cho một con người phàm tiến theo nẻo Thánh. Biết bao đức tánh cần phải rèn tập, bao hạnh nguyện phải un đúc, cần có chí lợi tha, cần niềm tin vững mạnh... Bài học Phật pháp đối với chúng sanh thật khô khan, tư cách người con Phật thật cao viễn. Mượn vần điệu thi thơ để diễn những điều khô khan, cao viễn ấy, đó cũng là diệu dụng của Sư trưởng:

Ngẫm đời trần hải mê tân,
Dẫu rằng thi tứ cũng gần tử sanh.
Chi bằng tâm niệm chí thành,
Mượn nguồn thơ Đạo chỉ rành lý chơn.
Luận bàn tâm cảnh thiệt hơn,
Ẩn trong thi vị, giọng đờn pháp âm.
(Thi Nhân Tự Cảm - Nhàn Ngâm)

Bước vào đời, có mặt ở nhân gian, mỗi người một tâm tư, một cách nghĩ. Tùy theo quan niệm đúng hay sai mà cuộc đời mình có ích hay vô ích. Sư trưởng đặt vấn đề:

Ta sống để làm gì trong kiếp sống,
Sống để ăn để mặc để già nua.
Sống thế thôi! Ta sống luống thẹn thùa,
Sống lơ láo vui đùa không đáng sống.
(Sống – Nhàn Đàm)

Từ luận đề này, mở ra phương hướng giải quyết, lấy chủ trương Bồ-tát đạo để nêu cao lý tưởng đời mình:

Muôn màu không, sắc rõ ràng,
Tùy duyên hóa độ muôn ngàn sanh linh.
Ngại chi uế độ hiện hình,
Ngại chi tục lụy diễn trình vô minh.
(Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ Bi – Nhàn Ngâm)

Bồ-tát mang chí nguyện độ sanh, tùy cơ giáo hóa. Khi làm Thầy, khi làm bạn, lúc khen ngợi, khi khuyên răn, cốt để thành tựu tánh Phật sẵn có nơi mỗi người:

Chúng sanh ai cũng như ai,
Khéo tu thì chứng, khéo trau thì thành.
(Đại Nhân Tự Xứng - Nhàn Ngâm)

Đi vào giáo dục, đối diện với vạn loại thi vi, muốn thành công phải có một vài bí quyết:

Niềm riêng lạt lẽo thỏa thuê,
Nhưng đừng riêng chấp một bề khô khan.
Giữ tròn đức hạnh nghiêm trang,
Nhưng đừng xẵng gắt, dễ dàng là hơn.
 
Gió đến trúc phải chuyển mình,
Gió đi trúc vẫn lặng thinh không chào.
Nhạn bay, đầm lạnh xôn xao,
Nhạn đi, đầm lạnh quét lau bóng hình.
(Cảnh Sách – Hoa Đạo)

Muôn vật đến và đi không lưu vết, thì dù có làm cũng như không làm. Biết pháp như huyễn dù được dù thua, tâm vẫn an nhiên:

Khi thất ý lúc vẻ vang,
Khác nào cõi mộng đêm tràng tỉnh ra.
Nhẹ nhàng tâm niệm dung hòa,
Giống như trăng nước, gương hoa êm đềm.
(Tu Như Huyễn Pháp, Hành Như Huyễn Sự - Hoa Chánh Giác)

Chiều sương buông, bóng tối gần kề như đời người gần đến chung cuộc, sao vẫn còn lang thang trên đường trần mê mải? Dòng thơ của Sư trưởng vang lên lời kêu gọi:

Ai còn mải ngắm phù vân,
Ai còn giẫm bước đường trần ngược xuôi,
Ai còn ngậm miếng ngọt bùi,
Ai còn chơi nhởn mua vui sắc tài?
(Tiếng Trống Chiều Hôm – Hoa Đạo)

Gẫm ra, những mùi vị mặn nồng chua cay, những thịnh suy thành bại làm thế nhân điên đảo đó, chỉ như tuồng hát trên sân khấu:

Sân khấu tuồng đời cuộc hát hay,
Kép, đào cũng có lúc nên thay.
Xuống lên, chê chán trò phô diễn,
Thua được, ê hề cảnh múa may.
(Tuồng Đời – Hoa Đạo)

Người vui sướng tự mãn, không biết giác tỉnh sẽ tạo nhiều oan nghiệp:

Càng gây ác nghiệp sâu dày,
Càng thêm tổn phước càng đày đọa thân.
(Tiểu Nhân Tự Tư – Nhàn Ngâm)

Người ngu tự mình vùi lấp tánh linh, cuộc đời đã không lợi ích cho ai, chính mình cũng bị thiệt thòi. Nhưng trên đường hóa đạo không phân trí ngu, bậc hiền thiện lên tiếng khuyên lơn, chỉ đường dẫn lối:

Nay thương nghĩ, đôi lời khuyên nhủ,
Giác tỉnh lòng, tạo đủ duyên may.
Thương mình thôi chớ đắng cay,
Thương người thôi chớ phiền dai chi mà.
Lập chí nguyện bao la cầu học,
Hiểu cho rành tơ tóc cội nguyên.
Suốt thông căn bản cơ huyền,
Tỏ thông chánh lý chơn truyền tự tâm.
(Ngu Nhân Tự Mãn - Nhàn Ngâm)

Độ tất cả chúng sanh thành Phật là chí nguyện của Bồ-tát. Chúng sanh cõi Ta-bà nổi tiếng là cang cường, khó giáo hóa, các vị Thanh Văn đều ngán ngẫm xin du hóa cõi khác, các vị Bồ-tát cũng e dè, xin nương uy lực của Phật. Vậy thì cõi này là một trường thi tuyển Phật:

Ai biết trường thi tuyển Phật chăng?
Không thi hùng lực thưởng văn bằng,
Chỉ thi tâm nguyện cho sâu rộng,
Độ tận quần sanh mới đậu thăng.
(Trường Thi Tuyển Phật – Hoa Chánh Giác)

Ai có trải qua những rèn luyện thử thách mới biết được thế nào là hùng lực, thế nào là can trường:

Lửa đỏ, than hồng chí nguyện sâu,
Thử lòng cao cả có bền lâu.
Thử ai gan sắt không rời rã,
Thử thách tâm hồn sẵn ngọc châu.
(Thử Thách – Hoa Chánh Giác)

Bài học càng khó người đi thi càng nhớ dai. Có trải qua khổ lụy mới phát tâm đại từ, mới hiểu mọi ẩn khuất của người đời. Cho nên người xưa nói: "Gian nan giả phi khốn ngã dã, nhi thành ngã dã" (Gian nan không phải vây khốn ta mà là thành tựu cho ta):

Ai biết đâu rằng lắm khổ đau,
Nhân tâm từ đấy bước lần cao.
Cay chua càng nếm càng thâm thúy,
Chia ngọt, sớt bùi, quý trọng nhau.
Bài học chua cay giá trị cao,
Sống trong khổ lụy thấu muôn màu.
Tình thương nhân loại thêm sâu sắc,
Giọt nước cùng chia biết có nhau.
(Bỏ Tất Cả Được Tất Cả, Dung Tất Cả Thâu Tất Cả – Hoa Chánh Giác)

Thấu tình đạt lý, dầu nói chuyện thâm huyền vẫn không quên nếp sống thường ngày. Với người đời muôn việc đều do phước duyên, nếu không đủ phước thì dù tài ba lỗi lạc, công danh phú quý ngất trời cũng chỉ như bọt nước, bèo trôi:

Phước duyên nếu chẳng ghi dành,
Dẫu tài ba lắm cũng đành bó tay.
(Học Nhân Tự Đắc – Nhàn Ngâm)
Của tiền đừng giữ bo bo,
Ra tay bố thí gồm no phước phần.
Giàu sang, đạo đức tỏ phân,
Nhân lành quả tốt, thế nhân kính vì.
(Phú Nhân Tự Kiêu – Nhàn Ngâm)

Kêu gọi người tỉnh ngộ, mượn tiếng chuông ngân, mượn hồi trống giục, như chiếc thuyền từ sẵn sàng chở người về bến giác:

Về đây thôi! Thuyền ơi, đừng e sợ,
Không phong ba, không bão táp lo gì,
Đừng đi sâu trong bể khổ cuồng si.
(Quay Về Đây - Hoa Đạo)

Quay về đây, về quê hương An Dưỡng, từ bỏ nẻo đường tối tăm mê si, Sư trưởng luôn khuyên nhắc:

Tỉnh ngộ trần gian cảnh mộng hoa,
Thân này bao kiếp mãi dần dà.
Lên lên, xuống xuống không ngừng nghỉ,
Tỉnh tỉnh, mê mê biết mấy a!
Danh lợi chung quy trò huyễn hóa,
Tài tình thôi cũng bóng chiều tà.
Quay mình trở lại về quê cũ,
Thắp đuốc quang minh thấy rõ nhà.
(Tỉnh Ngộ - Hoa Đạo)

Giáo dục học Ni vốn là chí nguyện của Sư trưởng, nuôi dạy từ thuở bé thơ:

Các điệu hỡi! Thiếu niên đành phận,
Nhưng duyên trần lận đận đã xa,
Há còn mến thú phồn hoa,
Theo tình con trẻ bánh quà ngọt ngon?
(Văn Khuyên các Điệu – Hoa Đạo)

Lời của bậc Thầy từ bi tha thiết, một lòng muốn con nên người, xa lìa các thói hư tật xấu:

Con ơi! sân chướng ích gì đâu,
Chịu khổ, chịu đau, lại chuốc sầu.
Tỉnh lại một niềm thôi quyết dứt,
Học câu từ nhẫn chí cao sâu.
Con ơi! biếng nhác hóa thành sâu,
Ăn hại của đời tội ít đâu.
` Phải biết ăn năn lo cải sửa,
Một đời tài hạnh vẹn toàn thâu.
(Kệ Khuyên Thi Hành Diệu Đạo – Hoa Đạo)

Răn nhắc từ thói ăn nết ở, cung cách xử sự với Thầy, với bạn, tấm lòng của Sư trưởng bao la như ánh trăng trên không, dõi theo đàn con dại từng bước tu tập:

Huynh đệ cùng nhau gắng học hành,
Lời qua tiếng lại nhớ đừng tranh.
Quyết lòng sửa tánh cho thanh tịnh,
Xuân đến đời ta đặng tiếng thanh.
(Khuyên Huynh Đệ Tấn Tu – Hoa Đạo)

Tiếng khen chê, thị phi là đầu mối của mọi đua tranh hiềm khích, người học đạo nên có thái độ thế nào?

Chê người biết chẳng nên rồi,
Chịu người chê đó một hồi cũng qua.
(Cảnh Sách - Hoa Đạo)

Cũng cần nên tụng hai câu thơ trên mấy ngàn lần trong cuộc đời, để nghiệm ra khả năng diệt trừ phiền não, để học được hạnh nhẫn nhục:

Trải qua trong cõi phù sinh,
Học rành chữ nhẫn hữu hình ngại chi.
Nhẫn là phước quả từ bi,
Giúp ta thâm ngộ vô vi Đạo mầu.
(Văn Khuyến Giới – Hoa Đạo)

Sư trưởng đưa ra những quy tắc để chúng ta lấy đó làm mẫu mực cho từng thi vi hành động.

Khi ra vào, khi trú nghỉ phải phân minh,
Khi đứng đi, tâm niệm vẫn trung trinh,
Khi nói nín, chi li càng cách biệt,
Khi thức nghỉ, tâm năng liền tỏ biết,
Khi diệu dùng, thâm thiết lẽ sâu xa,
Khi an ngồi, thân pháp phải dung hòa,
Khi xả tọa, bước ra càng cẩn thận,
Khi tham cứu, tinh thần thêm tinh tấn,
Khi công phu, minh mẫn mới sâu vào,
Khi xúc duyên, vạn sự chớ đề cao,
Khi chứng đắc, lặng vào e chúng biết.
(Nếp Sống Thiền Gia – Hoa Thiền)

Phải là bậc Thầy minh triết trải qua từng kinh nghiệm mới nói được như thế. Bản thân Sư trưởng đã là bài học sống cho chúng ta, không có tư tưởng hành động nào của Người mà không là khuôn vàng thước ngọc. Ngàn muôn sau ai nối được chí Người?

Hai tập thi Phẩm Chất Người Con Phật Hoa Đạo Hạnh là khuôn mẫu giáo dục của Sư trưởng đề ra, trong đó có:

- Đường Hướng của Một Học Ni
- Đạo Hạnh của Một Học Ni
- Tâm Đức của Một Học Ni
- Nếp Sống của Một Học Ni
- Chí Nguyện của Một Học Ni
- Tinh Thần Đạo Niệm và Sự Tu Học của
Chư Học Ni
- Oai Nghi của Người Học Ni
- Lễ Nghi của Người Học Ni
- Đường Lối Tu Học
- Tinh Thần Cầu Tiến của Ni Học Chúng
- Hữu Học Vô Hạnh
- Vô Học Vô Hạnh
- Trí Bát Nhã của Một Học Ni
- Tiếng Cười Rôdt>
- Sống Trong Bùn Nhơ Nước Đục

Những đề tài đều nhắm thẳng vào giới học Ni, là những người kế thừa mạng mạch đạo pháp, là những người Sư trưởng chú tâm rèn luyện để xứng đáng là Thích nữ:

Hỡi chư học chúng!
Đừng phí đời mình,
Đời mình quý giá,
Cố gắng giồi trau.
Học hạnh kiêm ưu,
Là điều cần thiết,
Lếu láo qua ngày,
Làm sao nên được?
(Đạo Hạnh của Một Học Ni - Hoa Đạo Hạnh)

Bước vào học Phật là đã trở thành người khác, chuyển đổi tâm tư ích kỷ hẹp hòi thành tâm lượng hỷ xả vô ngại:

Bậc Bồ-tát đâu người xa lạ?
Cũng tấm lòng, cũng dạ ước mong.
Nguyện độ đời luyện chữ chơn không,
Chí dõng tiến gia công tu tập.
(Nếu Con - Bài 2)

Bao nhiêu chí nguyện Thầy đã dặn dò cặn kẽ, những vần thơ Thầy mong con thâm nhập tận đáy lòng:

Này con ơi! Đạo tràng Thầy lập,
Này con ơi! Kinh tập Thầy truyền.
Mai kia Thầy đã tịnh thiền,
Bao nhiêu chí nguyện Thầy truyền cho con.
Con đứng lên lòng son chí cả,
Con đứng lên sắt đá một lòng.
Không lơ lửng chẳng long đong,
Chắp tay trước Phật, chí hồng nguyện sâu.
(Con ơi - Bài 8)

Ngồi lại bên những tập thơ của Sư trưởng, thời gian như ngưng đọng. Công nghiệp của một đời người, hạnh đức cao sâu của bậc Đại lão Ni hiền thiện trải suốt ba ngàn đại thiên sa giới. Xưa cũng như nay, những điều nói được là những điều hữu hạn, huống chi ở đây chỉ trích tuyển một phần rất nhỏ trong cõi hoằng viễn của Sư trưởng. Nhưng nếu không tìm về, không nếm nguồn mạch trong suốt thì làm sao biết được vị đậm đà của đại dương, và rồi nói như Tô Đông Pha:

"Nhân sinh đáo xứ tri hà tợ,
Ưng tợ phi hồng đạp tuyết nê,
Nê thượng ngẫu nhiên lưu chỉ trảo,
Hồng phi na phục kế đông tê."

(Cuộc nhân sinh rồi ra như thế nào? Có lẽ như chim hồng bước qua trên đám tuyết. Chim đã bay trong cõi mù khơi, dấu chân còn in lại trên đất.)

Những gì lưu lại của Sư trưởng, là dấu chân của chim hồng, chim hạc. Đưa cái cao vời tuyệt ngạn vào chốn ngữ ngôn hồ đồ, cũng chỉ là dấu vết. Lòng Ni chúng mai sau còn in đậm những lời thơ, điệu nói, cách dạy bảo, xử sự của Người. Vậy thì dấu chân rất cần thiết.

Trong cái muộn màng của thế hệ trẻ, trong cái vội vã bon chen của đời sống, xin cung kính viết những dòng này.

Viên Chiếu, ngày 05- 11- 1997.

Ni sư Như Đức
(Thiền viện Viên Chiếu)

 


Cập nhật: 4-3-2001

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang