Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
SƯ TRƯỞNG NHƯ THANH: CUỘC ĐỜI và SỰ NGHIỆP
Chùa Huê Lâm

Vài nét về Sư trưởng
Thượng tọa Thích Giác Thiện

Tôi đến Huê Lâm vào một buổi chiều mùa hạ trời vừa tạnh cơn mưa, không khí thiền gia thật tươi mát.Vừa gặp các Sư cô đi Hội Sơn về, mọi người đều vui khỏe. Sau khi tôi thăm hỏi Ni chúng, quý Sư cô pháp tử của Sư trưởng mời tôi viết bài cho quyển sách "Sư Trưởng Như Thanh - Cuộc Đời và Sự Nghiệp" Tôi hoan hỷ. Khi đến hương thất thăm Sư trưởng, thị giả thưa: "Bạch Thầy, có Thầy Phước Long đến thăm Thầy." Với giọng nói nhỏ, thật rõ, Sư trưởng bảo thị giả đỡ ngồi dậy nói: "A-di-đà Phật, bạch Thượng tọa mới đến." Giọng nói thật trang nghiêm trân trọng như ngày nào, cử chỉ thật đúng với oai nghi của bậc mô phạm. Mặc dù thân tứ đại có bì quyện nhưng tinh thần Sư trưởng luôn sáng suốt, biết rõ từng sự việc. Theo tôi, đây là kết quả của sự tu tập. Nếu một người bình phàm thì vào tuổi này rất nhiều triền phược, ngược lại Sư trưởng rất bình thường và sáng suốt. Điều này đã nói lên thành quả của sự tu tập. Sư trưởng đã thật sự giác ngộ trong cuộc sống Thánh thiện.

Thiếu thời, Sư trưởng được sinh ra trong hoàn cảnh xã hội chịu ảnh hưởng của Nho học, Phật pháp bấy giờ không được xương minh. Sư trưởng đã tự giác ngộ, cắt đứt cuộc sống phú quý nơi gia đình tìm đến Phật pháp xuất gia trong khi nước nhà đang có sự thay đổi giữa cũ và mới, tư tưởng chưa nhất quán. Giáo hội bấy giờ chỉ có Tăng, không có Ni. Trong giai đoạn đó, phần nhiều người nữ đến chùa công quả, nếu xuất gia thì học hai thời khóa tụng để công phu bái sám. Sư trưởng đã vượt qua mọi đối đãi của phàm tục vào thời niên thiếu, mạnh dạn chọn cho mình cuộc sống Thích tử thiền gia. Như vậy trí huệ của Sư trưởng phải thật sâu mới cương quyết thoát ly được gia đình và đặt đời mình trong sự tu học như thời chánh pháp. Sau khi được xuất gia, Người chuyên tâm vào sự tu học, tinh tấn nỗ lực và phát nguyện hướng thượng tham cầu học Phật pháp tại các Tòng Lâm. Sư trưởng ra Huế học thông Kinh tạng, rồi ngược về Bắc mà cầu học, nghiên cứu Luật tạng… hình ảnh này làm tôi liên tưởng đến tấm gương tha thiết cầu đạo của Ngài Kiều-đàm (Ma-ha-ba-xà-ba-đề) và 500 công nương đã tự cạo tóc, mặc y phấn tảo, đi bộ 500 dặm đến đảnh lễ Đức Thế Tôn cầu xin xuất gia.

Sau khi đã thành tựu huệ mạng pháp thân, Sư trưởng khai trường để hoằng pháp lợi sanh, đem giáo lý Phật-đà khai ngộ đến mọi tâm thức của chúng sanh. Một thời khi tôi còn ở Vạn An, lớp học Phật pháp do Thầy tôi khai giảng, bên Tăng độ khoảng 80 vị, bên Ni gần 100 vị, Sư trưởng Như Thanh giảng dạy cho lớp học ở Vạn An. Chúng tôi dự giờ học, mặc dù là lớp học của Ni. Giọng của Sư trưởng ôn hòa, bản lĩnh và cuộc sống tu hành thật đơn giản. Thật là, bậc Pháp sư giới hạnh trang nghiêm làm cho Tăng Ni đều ngưỡng mộ. Sư trưởng có rất nhiều tư kiến phóng khoáng vượt mọi sự đối đãi và tham cầu tu học rất uyên thâm. Sư trưởng đã thâm nhập pháp tánh Đại Thừa, xứng đáng là bậc xuất trần Thượng sĩ .

Trên đường du hóa, Sư trưởng đã vận dụng sáng tạo kiến thức của chính mình đạt được để truyền đạt cho mọi giới. Sư trưởng là người đầy đủ trí lực, đã mạnh dạn đứng lên xây dựng ngôi nhà Ni Bộ Bắc Tông, đã kết nạp những nhân tài của Ni chúng như những hạt ngọc trai được xâu lại thành chuỗi. Sư trưởng là người thành lập Ni bộ và nâng đỡ Ni chúng tiến lên trên con đường tu học. Từ đây, một mái ấm đại gia đình Phật giáo Ni chúng được thành lập, sự nghiệp hoằng pháp của Ni bộ khắp miền đất nước như ngày hôm nay là do một phần công đức rất lớn của Sư trưởng đã tô bồi.

Có lần tôi đến Huê Lâm vào giờ học của chúng. Thầy trò hơn khoảng 100 người mà Sư trưởng giảng dạy không mệt mỏi. Không biến hóa pháp thuật chi mà vẫn cảm hóa được lòng người; không uy quyền thế lực chi mà vẫn hướng dẫn được quần chúng. Thầy trò tự nhiên mà tôn trọng quí mến nhau, hội họp đông đảo, hòa nhã. Thật là xưa nay chưa có vị Pháp sư Ni nào thuyết giảng Kinh, khai ngộ Phật tánh cho mọi người được thâm nhập pháp lý mà tánh tình giản dị, giáo lý tinh tường, thuật học biết hết, toán số đều thông như Sư trưởng. Đến như diệu lý trong Kinh Luận thì không còn phải nói nữa, sự lý giải của Sư trưởng thật như dao chẻ tre. Sư trưởng thật là con người "năng lực tự trị tối cường, năng lực lý giải tối cường, năng lực tổ chức tối cường, năng lực phát động tối cường."

Sư trưởng là bậc chân tu thật học, Người đã đóng góp mọi mặt cho sự nghiệp Phật giáo nói chung và cho Ni giới nói riêng. Bước đường hoằng pháp của Ni giới khắp nơi được khởi sắc, là nhờ vào tâm lực, trí lực của Sư trưởng vun bồi, dựng xây.

Riêng Sư trưởng là người đã tìm về lẽ thật, đã sống đời đáng sống, xứng danh con gái dòng họ Thích. Bậc người đó mãi là tấm gương mà Ni giới cần học tập.

Thành phố Mỹ Tho, ngày 20-7-1998.
Tu viện Phước Long
Thượng tọa Thích Giác Thiện

 


Cập nhật: 4-3-2001

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang