Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
SƯ TRƯỞNG NHƯ THANH: CUỘC ĐỜI và SỰ NGHIỆP
Chùa Huê Lâm

Bậc Thầy giới đức kiêm ưu
Hàng đệ tử xuất gia và tại gia

 Gần gũi, thân cận Thượng nhơn thiện tri thức là một trong những điều kiện quan trọng của người tu học đối với hàng xuất gia cũng như tại gia.

Chúng tôi có lẽ đã gieo trồng căn lành nhân duyên với Sư trưởng từ trong tiền kiếp nên may mắn được tu trong Tổ đình Huê Lâm, Phổ Đà, Hải Vân, được làm đệ tử Sư trưởng, tức là được sự giáo hóa, dắt dìu, bảo bọc của Thầy trong bao nhiêu năm nay. Bây giờ mọi sự đã lo xong, nguyện lớn đã thành, Sư trưởng buông tay trở thành người vô sự, rảnh rang đưa võng đề thơ. Tuy tâm hồn Sư trưởng ung dung, nhưng mỗi khi nhìn dáng dấp hao gầy, yếu ớt của Sư trưởng, chúng tôi không khỏi xót xa.

Xin hãy đọc bài thơ Sư trưởng làm vào tối 17- 5- 1998 khi nhìn thị giả nhọc nhằn:

Thân tôi đau bệnh yếu gầy,
Nhờ hàng đệ tử tháng ngày lo toan.
Tâm hạnh quý, tấm lòng son,
Tình nầy, cảnh ấy vẫn còn trong tôi.

Tấm lòng của Sư trưởng đối với các đệ tử lúc nào cũng đầy ắp thương yêu. Dù trải qua bao nhiêu tuế nguyệt, tấm tình ấy không lúc nào vơi. Sư trưởng thà cam chịu lao nhọc cả đời để lo cho đệ tử chớ không nỡ nhìn đệ tử sớm hôm vất vả vì mình.

Nếu Tình nầy, cảnh ấy vẫn còn trong tôi nghĩa là Sư trưởng khắc ghi tình nghĩa ấy vào tim, thì chúng tôi, những người đã từng được Sư trưởng chăm nom săn sóc thương yêu, được Sư trưởng khai mở pháp thân huệ mạng lẽ nào không tạc dạ thâm ân?

Với tâm tư đầy ắp thâm tình, hôm nay chúng tôi xin phép Sư trưởng được ghi lại phần nào những công ân quí báu mà Sư trưởng đã dành cho chúng tôi, hầu giữ mãi khuôn vàng thước ngọc nầy như một cẩm nang trong chặng đường kế tiếp không có Sư trưởng kề bên để sách tấn.

Hảo tâm xuất gia đã là quí nhưng biết lập nguyện lại càng quí hơn. Bởi thế, trong các Giới đàn do Sư trưởng làm Đàn chủ và Hòa thượng Đàn đầu, Người luôn luôn đặt vấn đề về chí nguyện của người xuất gia, giới tử có giới cao nguyện rộng mới đủ điều kiện để được truyền giới.

Sư trưởng quan niệm rằng: Người có chí phụng sự đạo pháp cứu giúp chúng sanh mới có thể quên mình, sống cuộc đời đáng sống, xứng danh là bậc xuất trần Thượng sĩ.

Bằng không như vậy, tuy đầu tròn áo vuông, cư trú cửa thiền mà sống buông trôi hờ hững cho qua ngày tháng thì chỉ là kẻ vay nợ của đàn na tín thí, chẳng ích lợi chi.

Bởi vậy, ai là người có chí tiến tu đều được Sư trưởng thâu nhận, không kể sang hèn, thông minh hay tăm tối, không luận là Bắc, Trung, Nam; được ở trong các Đạo tràng của Sư trưởng, từ Huê Lâm I Huê Lâm II đến Phổ Đà, Hải Vân… là được Sư trưởng chú trọng chăm sóc về đủ mọi phương diện.

Sư trưởng chủ ý xây dựng các tự viện khang trang, rộng rãi để hàng đệ tử có nơi tu học thoải mái. Huê Lâm I tuy ở tại thành phố nhưng Sư trưởng đã xây cất lại thật rộng rãi với chánh điện thoáng mát, trai đường sáng sủa, phòng ốc cao ráo; Phổ Đà được tu bổ; Hải Vân cũng nằm trong dự định tái thiết. Sư trưởng không muốn đệ tử mình phải sống trong cảnh chùa dột cột xiêu.

Tại mỗi tự viện, Sư trưởng bày phương cách sống tự túc như mở tiệm cơm chay, sản xuất nước tương, chao, làm nhang, may gia công, phát hành Kinh sách… chủ đích là để cho đệ tử xuất gia không quá lệ thuộc vào tín thí, lại thực hiện tinh thần lao tác của Tổ Bách Trượng: Một ngày không làm, một ngày không ăn. Qua lao động, người xuất gia phát triển được nhiều đức tính tốt: siêng năng, chịu khó, nhẫn nhục, cần kiệm. Nhưng điều quan trọng hơn cả, nếu ai tinh ý nhận ra được mới cúi đầu khâm phục: tu hành thì phải có thử thách, để cho đua chen buôn bán với đời chẳng khác nào dùng lửa thử vàng. Ai là người giữ được thanh cao trong sạch trước bạc tiền, ai là người đối diện với chợ đời lao xao mà vẫn giữ được thiền tâm, ai là người sa ngã, thoái hóa? Điều đó, Sư trưởng để mọi người tự biết, tự thân sám hối. Nếu sớm thức tỉnh, chịu sửa đổi ăn năn thì con đường tu hành mới hanh thông, bằng không thì luống uổng cả sự nghiệp giải thoát.

Sư trưởng rất chú trọng phẩm cách của người xuất gia. Oai nghi tế hạnh không thể thiếu sót đối với Ni chúng. Nhờ khép mình trong khuôn khổ ấy, người tu có thể ý thức mọi hành vi, ngôn từ và làm chủ được ý nghĩ, tư tưởng của mình.

Giới luật là khuôn vàng thước ngọc để giữ nề nếp của đạo tràng, là cặp mắt của người tu. Nhưng Sư trưởng không áp dụng giáo điều một cách khô khan, Người dùng tâm từ bi, đức độ khoan dung tha thứ kẻ lầm lỗi sau khi đã răn dạy. Sư trưởng tạo cơ hội cho kẻ vấp ngã có thể đứng lên và tiến bước theo bằng hữu, nếu người ấy thật tâm sám hối.

Chùa đông nên vấn đề tôn ti trật tự là cần thiết. Sư trưởng dạy kẻ dưới phải kính nhường người trên, nhưng người trên cũng phải biết thương yêu lo lắng cho đàn em, hết lòng săn sóc họ lúc đang đau yếu và nên làm gương tốt. Đó là dùng đức dạy, không ỷ mình là kẻ trên mà thi hành quyền uy quá nghiêm khắc khiến chúng sợ mà không thương. Để tránh tình trạng ấy, Sư trưởng áp dụng pháp lục hòa rất cẩn thận.

Pháp lục hòa do Đức Phật chế ra áp dụng trong Tăng đoàn, nhờ đó tạo được sự hòa khí thân thương trong huynh đệ. Hơn thế nữa, pháp nầy ngụ ý còn nhắc nhở tính cách bình đẳng của mọi người: Ai cũng là Phật sẽ thành.

Giữ thân hòa, khẩu hòa, ý hòa cũng có nghĩa là tập bỏ hết những gì so bì hơn thua, những thị phi vô ích, hay sự kiêu hãnh đố kỵ. Sư trưởng khuyên người xuất gia phải rời khỏi những tập nhiễm ấy của phàm phu thì mới xứng danh Thích nữ và đáng được sự cúng dường tôn trọng của hàng cư sĩ, bằng không chỉ là hữu danh vô thật.

Để có được phẩm chất của người xuất gia, hằng ngày thay vì phóng tâm ra ngoài cho ý thức mặc tình buông lung, phải nên tự xét lại mình để chừa bỏ lỗi lầm, huân tập hạnh thiền gia. Bồi dưỡng công thâm không phải là việc của một tháng hay một năm mà là công phu trọn đời, trọn kiếp. Công phu nầy khi nhuần nhuyễn sẽ biểu lộ ra đức tánh hiền từ, lễ độ khiêm cung, khoan dung, hòa lạc, khiến người chung quanh đều sinh lòng quí mến, như hoa nở tỏa hương thơm.

Sư trưởng không chỉ chú ý trau giồi giới đức, hạnh đức cho môn đồ mà còn quan tâm đến việc trau giồi trí đức. Bởi vì sự nghiệp giải thoát quan trọng nhất là ở trí huệ, nên suốt nhiều năm ròng Sư trưởng đã giảng dạy biết bao kinh sách Đại Thừa, từ Viên Giác đến Đại Bát Niết Bàn, từ Lăng Già đến Thủ Lăng Nghiêm, từ Kim Cang đến Bát Nhã, Pháp Hoa, Đại Bửu Tích... những mong khai mở được trí tuệ Bát-nhã, chỉ rõ thật tướng của vũ trụ vạn hữu, dứt trừ mê chấp.

Những năm sau 1975, Sư trưởng thường xuyên bị đau nhức vì gân nướu răng có sạn, nhưng Người vẫn dạy giáo lý cho Ni chúng cũng như đoàn Bát quan trai. Chúng tôi không thể nào quên hình ảnh Người chịu đựng những cơn đau ấy để giảng dạy đều đặn. Hằng đêm, Sư trưởng còn chịu khó dịch ra Việt văn các tài liệu học tập quí báu để chúng tôi được mở rộng sự hiểu biết. Mỗi cuối năm, Sư trưởng dạy chúng tôi phải trình pháp để người biết sự tiến bộ của môn đồ.

Song song với nội điển, Người còn tổ chức dạy các lớp Hán văn, Việt văn và cho phép những tu sĩ trẻ đi học phổ thông hầu có khả năng phụng sự Phật pháp. Những khóa An cư kiết hạ được tổ chức đều đặn. Hằng năm, môn đồ các nơi có dịp vân tập về Tổ đình Huê Lâm hoặc Từ Nghiêm để được Sư trưởng giáo huấn, dạy dỗ thêm về giáo pháp cũng như về Luật tạng. Sư trưởng chủ trương "Thiền Tịnh song tu" là pháp môn dung hợp, dùng tThiền lý tu Tịnh độ, giúp cho thiền giả hạ thủ công phu dễ dàng mà kết quả lại cao. Trong những dịp nầy, huynh đệ có dịp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm tu hành và kết chặt thêm đạo tình.

Nhờ tình thương đồng đều và cách đối xử không thiên vị của Sư trưởng mà hàng đệ tử xuất gia rất thân thiết với nhau, như con một nhà. Những khi hữu sự chúng tôi cùng hợp sức chung lo, đến khi Phật sự hoàn mãn thì nhìn nhau cười hoan hỷ. Sư trưởng thường nói: "Đã là Phật tử, không kể tại gia hay xuất gia, ai cũng có bổn phận tu học và phụng sự đạo pháp theo khả năng và hoàn cảnh của mình. Người biết tự lợi, lợi tha là khéo tu phước huệ thì có đủ tư lương và thuận lợi trên đường giải thoát."

Sư trưởng chú trọng lo cho những cư sĩ lớn tuổi, nên dự định xây thêm phòng ốc ở Huê Lâm II và Hải Vân để sau này ai muốn xuất gia mà không đủ sức nhập chúng thì về đấy tu dưỡng, an hưởng cảnh trí thiên nhiên.

Không những chăm lo cho một vài thế hệ hiện tại thôi, Sư trưởng còn để tâm gầy dựng mầm non Phật tử, chúng Phổ Hiền của hàng cư sĩ đã nối tiếp nhau từ Phổ Hiền 1, 2, 3, 4. Thế hệ Phổ Hiền 4 lúc mới thành hình chỉ là các em thiếu nhi năm, sáu tuổi. Bây giờ họ đã trưởng thành, nhiều người sống ở ngoại quốc, nhưng họ luôn sống một cuộc đời trong sáng và biết hướng tâm về Phật pháp.

Thiết nghĩ, đối với các em thiếu nhi, Sư trưởng không dùng nhiều ngôn giáo, chính là nhờ thân giáo mà Sư trưởng đã gây ảnh hưởng đến các em sâu đậm như thế. Gặp Sư trưởng là tâm hồn các em cảm ứng được đạo mầu.

Bởi thế, một đệ tử tại gia, khi xa Thầy, nơi đất khách quê người, đã tâm sự:

Con vẫn tiếc những ngày xưa thanh tịnh
Ở bên Thầy phiền não tự sạch không.

Ở bên Thầy phiền não tự sạch không vì bản thân Sư trưởng không bao giờ xa rời chánh pháp. Chẳng bao giờ Sư trưởng vướng vào thị phi, danh lợi. Ở gần Sư trưởng, chúng tôi chỉ được nghe Người nhắc những lời Hiền Thánh, được kể những câu chuyện tu hành, những gương Đại sĩ. Còn những điều phải trái, hơn thua, có không, còn mất, vinh nhục, sang hèn của đời người, đối với Sư trưởng, như bóng trong gương, như trăng trong nước nên chẳng đáng quan tâm.

Là bậc minh sư tận tụy, Sư trưởng đã dạy chúng tôi bằng ngôn giáo, thân giáo nhưng quan trọng hơn cả là hạnh giáo.

Đạo Phật vốn là đạo thực hành, không phải chỉ là lý thuyết suông. Lý thuyết dù vi diệu cao siêu đến đâu chăng nữa mà thiếu sự ứng dụng thì cũng thành vô ích. Cuộc đời và sự nghiệp lưu lại của Sư trưởng là tấm gương cụ thể nhất cho chúng tôi noi theo trên bước đường tu tập và phụng sự đạo pháp cùng chúng sanh.

Từ lúc xuất gia (22 tuổi), trải qua giai đoạn cầu học kinh luật Đại Thừa với các bậc Tôn đức từ Nam ra Bắc, trong mười năm trời, cho đến khi ngoài 80 tuổi, Sư trưởng vẫn không ngừng làm các việc Phật sự, từ hữu vi đến vô vi.

Sáu mươi năm phát tâm Bồ-đề, thực thi hạnh Bồ-tát không ngơi nghỉ, không nhàm mỏi; Sư trưởng đã âm thầm dạy cho chúng tôi biết thế nào là vì đạo quên thân. Dám vì đạo quên thân, sự tu hành mới hữu hiệu, đạo nghiệp mới thành tựu, còn như mải mê chấp thân tứ đại và ôm ấp cái ngã si mê thì dù có phát tâm lập chí, cũng là tự dối mình và dối người mà thôi.

Từ xưa đến nay chúng tôi nương vào Sư trưởng như bóng mát của tàn cây cổ thụ. Người lo lắng cho chúng tôi chu đáo quá, từ vật chất đến tinh thần, và chuẩn bị cả cho tương lai về sau, sợ không còn ai dắt dìu nhắc nhở nên trong bài thơ Con ơi, Sư trưởng viết:

Này con ơi, đạo tràng Thầy lập,
Này con ơi, kinh tập Thầy truyền.
Mai kia Thầy đã tịnh yên,
Bao nhiêu chí nguyện Thầy truyền cho con.

Như thế đủ biết tấm lòng của Sư trưởng đối với đệ tử, đối với đạo pháp thắm thiết biết dường nào.

Một nhà tư tưởng đã nói: "Không cây cỏ nào vươn cao lên nổi dưới bóng của một cây cổ thụ." Chúng tôi hổ thẹn tự nghĩ: Có lẽ từ bao năm nay chúng tôi quá ỷ lại vào Thầy nên không phát huy phần tự lực. Bây giờ, Sư trưởng sắp xả bỏ phàm thân để vào cõi tịnh an nhiên, chúng tôi biết đã đến lúc phải gánh vác, đảm đang mọi Phật sự và tiếp nối chí nguyện của Sư trưởng, như là một cách đền báo ơn sâu.

Những ngày sắp tới, chắc chắn là chúng tôi phải đương đầu với nhiều khó khăn, từ ngoại cảnh đến nội tâm, nhưng chúng tôi xin cùng siết chặt tay nhau, nguyện cho chân cứng đá mềm, theo gương Sư trưởng để:

Đề cao hai chữ kiên trì,
Nêu cao hai chữ trí bi trong đời.
(Bồi Dưỡng Công Thâm - Hoa Đạo)

 

Kiên trì vượt qua tất cả chướng ngại để thành tựu trí, bi bằng pháp tu Bồ-tát đạo, đó là tất cả những gì Sư trưởng đã từng giáo hóa, đã từng thể hiện bằng cả cuộc đời tu hành gian khổ của Người.

Những lời Người khuyên, những điều Người làm không ra ngoài Tam tạng kinh điển của Chư Phật, Chư Tổ, mà bài kệ sau đây đã tóm thâu diệu ý:

Chớ tạo các điều ác
Nên làm các việc lành
Hãy thanh tịnh tâm ý mình
Đó là lời chư Phật dạy.

Thật vậy, Sư trưởng không nói những điều cao siêu, không phát minh những gì mới mẻ, cũng không có phép thần thông, nhưng tấm lòng thiết tha vì đạo pháp, chắt chiu thương đệ tử như con mọn, và bi nguyện độ sanh cao cả của Người là bài học thực tiễn vô giá cho tất cả chúng tôi mà mỗi lần nghĩ đến là mỗi lần chúng tôi cảm thấy như được tiếp sức, được khích lệ tinh tấn hơn và tự nguyện sống xứng đáng, tu tập tinh chuyên hầu có đủ trí đức nối noi chí nguyện của bậc Thầy chơn tu, hạnh giải tương ưng, giới đức song toàn.

Nam mô Chứng Minh Sư Bồ Tát

Hàng đệ tử xuất gia và tại gia
Đồng kính ghi.

 


Cập nhật: 4-3-2001

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang