Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
TRAI ĐÀN CHẨN TẾ BÌNH ĐẲNG
TẠI ĐẠI  TÒNG LÂM - TỈNH BÀ RỊA VŨNG TÀU
 Giác Hạnh Phương

Sau khi trai đàn chẩn tế bình đẳng kết thúc tại chùa Vĩnh Nghiêm TP.HCM, phái đoàn nghĩ ngơi một ngày, sau đó Thiền sư Nhất Hạnh và phái đoàn tiếp tục lên đường mở trai đàn vùng phụ cận tại Đại Tòng Lâm – tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu trong một ngày 19 tháng 3 năm 2007, bên cạnh 3 trai đàn chính. Trai này được tổ chức do một vị Thầy trẻ rất có tâm huyết đề xuất (Thầy Nhật Từ) phối hợp với Tỉnh Hội PG Bà Rịa Vũng Tàu. Vì nơi đây đã có hàng ngàn người nằm xuống do nhiều nguyên nhân: có người là chiến sĩ hy sinh, có những người bị cầm tù Côn đảo chết, có thuyền nhân chết trên biển cả …một cách tự hào hay oan ức hay do chiến tranh súng đạn vô tình giết chết những người vô tội…tất cả đều là những người rất cần nhu cầu trợ giúp của những người còn sống.

Trong buổi khai mạc trai đàn rất trịnh trọng do HT. Thích Quảng Hiển – phó Chủ tịch Thường Trực phát biểu, người điều khiển chương trình do Thầy Thích Nhật Từ thực hiện. Với số lượng người tham dự khoảng 10.000 người, ngồi chật cả hai chánh điện, tầng trên dành cho Tăng Ni, tầng dưới dành riêng cho nam nữ Phật tử cư sĩ…và các máy ảnh phóng to được đặt 4 nơi trong khuôn viên chùa.

Bài pháp thoại “Ý nghĩa siêu độ” Thiền sư phân tích rõ cho mọi người cùng nắm bắt ngoài nội dung chẩn tế mang tính chất tín ngưỡng. Tuy nhiên quan trọng hơn là giúp người sống chế tác tâm từ bi thương yêu mọi nguời đang có nhu cầu, từ đó mọi hận thù, oan khiên  có thể hoá giải, bởi vì khi chấp tay hướng tâm thương yêu, cảm thông và nói với người chết cũng là  lúc người sống quên đi tất cả hận thù, có thể trong số những người chết đó đã từng gây đau khổ cho mình, nhưng hôm nay do ảnh hưởng tính cộng hưởng về tinh thần từ bi đạo Phật, chỉ cần tập trung thân và tâm hướng về những người thân và người sơ thì những quá khứ vui- khổ đều tan biến.

Ý nghĩa đối với người chết họ nương nhờ vào sự cộng hưởng tâm linh tình thương của số đông người, giúp họ chuyển hoá mọi cảm giác khổ đau dù dưới hình thức là một cảm thọ thần thức. Giúp họ buông xả những thói quen chấp mắc để tâm họ được nhẹ nhàng mà siêu thoát. Đối với người sống cũng được hạnh phúc vì giúp cho người thân được siêu thoát. Người sống , người chết đều lợi ích, hài hoà hỗ tương lẫn nhau trong lễ trai đàn.

 Một số ý kiến khi nhận thức được lợi ích của trai đàn, một cụ già nói: Trai đàn này nếu được truyền hình trực tiếp cho các bà con vùng xa không có cơ hội chứng kiến để họ hiểu được ý nghĩa và giúp cho con cháu biết sợ tội lỗi do hành vi mình gây ra mà giảm bớt những đều xấu ác, thì xã hội cũng giảm bớt một nhà tù mà thay vào đó là những nhà chùa, nhà văn hoá …vì tác động ảnh hưởng giáo dục cũng rất lớn thông qua hình thức các lễ trai đàn, bồi đắp giá trị đạo đức cho con người.

Sự bồi đắp giá trị đạo đức ấy  được tăng lên, nếu như các nhà lãnh đạo đất nước cùng tham gia. Nhưng các lãnh đạo có vẽ chỉ đứng bên ngoài nhìn các vị Thầy tổ chức, như những người ngoài cuộc để quan sát mà thôi không liên hệ gì cả. Thật ra, nếu nhìn sâu sắc hơn đây là công việc chung của vận mệnh đất nước, chứ không riêng tôn giáo, chỉ vì hình thức tôn giáo mà một số người còn ngần ngại, hay vì còn lý do nào khác…

Ở mỗi gia đình ai cũng có bà thờ tổ tiên để mọi người thắp nén nhang tưởng nhớ ông bà cha mẹ. Dù đứa con ấy có làm vua, quan đi nữa nhưng khi về gia đình thì vẫn là người con của cha mẹ. Trai đàn cũng là cơ hội chung để mọi người thắp nén nhang cho đồng bào dân tộc, có thể trong số họ là những người anh em mình, những đồng chí, những bạn bè…thậm chí những kẻ thù …thì đến viếng thăm họ thông qua trai đàn là hình ảnh  rất đẹp mang đầy tính nhân bản và đạo đức làm người và hoá giải hận thù, thì hạnh phúc có mặt mà không tốn tiền và không cần đi tìm hạnh phúc đâu xa.

Trong đạo Phật theo truyền thống Bắc tông, ngoài việc thể hiện từ bi đối vối người sống, mỗi ngày các chùa đều cúng thí thực và phục nguyện cho các hương linh, và trãi tình thương  đến với họ, giúp họ nghe pháp, tụng kinh hằng ngày, từ đó hoá giải khổ đau và siêu độ, trở lại làm người có ích cho xã hội. Thực tế có những hương linh báo mộng cho người thân là được siêu hay đang bị khổ đau mà trong gia đình chúng ta thường nghe kể lại đó là sự thật, không hề mê tín.

Những ai ý thức được ý nghĩa triết lý “siêu độ” thì thực hành hằng ngày, trước nhất lợi lạc cho bản thân và  người thân “cõi âm siêu thoát, người dương nhẹ nhàng” chứ không ai khác./.

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/daitraidan_BaRia_VungTau.htm

 


Vào mạng: 24-3-2007

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang