Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .

Tham vọng toàn cầu hóa giáo dục đại học của Hàn Quốc

Nhật Anh

(Theo Chronicle of Higher Education)


                    


Trong 5 năm tới, Hàn Quốc sẽ chi 600 triệu đô la để thực hiện dự án xây dựng trường đại học đẳng cấp thế giới. Đây là một sự nỗ lực của Bộ Giáo dục nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu của 30 trường đại học.

Đối với các quan chức Chính phủ Hàn Quốc, giấc mơ biến Hàn Quốc trở thành điểm đến hàng đầu của giáo dục đại học trong khu vực Đông Nam Á, thu hút hàng ngàn sinh viên Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản từ các trường đại học Mỹ đến học và vượt các đối thủ Singapore, Malaysia và Hong Kong đang là vấn đề rất đáng quan tâm.

                         


                    Những viện nghiên cứu đẳng cấp thế giới là ước mơ của các nhà giáo dục Hàn Quốc. (Ảnh: Corbis)


Tính thiển cận cố hữu của hệ thống giáo dục đại học ở nước này sẽ mất dần. Một số trường đại học Hàn Quốc đã liên minh với các trường đại học hàng đầu thế giới. Sinh viên học trong nước vẫn được tham dự những chương trình đào tạo do chi nhánh một trường đại học của Mỹ đảm nhiệm.

“Chúng tôi sẽ mang những trường đại học nước ngoài về Hàn Quốc”, ông Hee Yhon Song, một trong những nhà phát triển chủ chốt của chiến lược quốc tế hóa đất nước nói.

Ảo tưởng lớn lao về tương lai thường bị “bay hơi” do sức nóng của cuộc khủng hoảng kinh tế tỏa ra, và điều này được nhiều người hoài nghi cùng chia sẻ quan điểm. Nhưng giữa những đình trệ tồi tệ nhất của châu Á kể từ thế chiến thứ II, Hàn Quốc lại đang tiến lên với những kế hoạch táo bạo, nhằm chuyển đổi hệ thống giáo dục đại học của đất nước.

Hàn Quốc đã ký cam kết hợp tác với các trường đại học Mỹ và mời hàng trăm các vị giáo sư nước ngoài đến với đất nước đã từng được xem là một nơi “tù túng” về giáo dục. Chính phủ nước này tin rằng trong tương lai, các trường đại học tốt nhất của Hàn Quốc sẽ lọt vào danh sách 50 trường đại học tốt nhất thế giới và "nắn dòng" sinh viên du học nước ngoài.

Các kiến trúc sư cho biết: những kế hoạch này sẽ không bị tác động bởi suy thoái kinh tế, trong đó có một dự án xây dựng trường đại học "toàn cầu" hoàn toàn mới cộng tác với một số các học viện của Mỹ được Nhà nước hỗ trợ.

“Chu kỳ kinh tế đi lên rồi lại đi xuống, nhưng chúng tôi đang chú trọng vào những kế hoạch lâu dài" - ông Song, Chủ tịch Viện Phát triển châu Á, nhóm chuyên gia cố vấn phi lợi nhuận ở Hàn Quốc nói.

Phát triển hay "thui chột" trí tuệ?

Nhưng kế hoạch toàn cầu hóa giáo dục của Hàn Quốc không phải là lời nói khoác vu vơ. Trong 5 năm tới, Hàn Quốc sẽ chi 600 triệu đô la để thực hiện dự án xây dựng trường đại học đẳng cấp thế giới. Đây là một sự nỗ lực do Bộ Giáo dục dẫn đầu nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu của 30 trường đại học.

Trong số 81 nhà nghiên cứu đến làm việc tại Hàn Quốc, có 9 nhà khoa học đạt giải Nobel, gồm cả nhà bác học Roger D. Kornberg từng đạt giải Nobel Hóa học năm 2006.

BrainKorea21, một dự án nhằm tạo ra “những trung tâm trí tuệ” về công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và các lĩnh vực tri thức khác đã được đầu tư 1,4 tỉ đô la trong giai đoạn 1999-2005 và trước năm 2012, nó sẽ được đầu tư thêm 2,3 tỉ đô la nữa.

“Sự ủng hộ đó là một sự đảm bảo to lớn rồi”, Young Soon Kang, người chỉ đạo các chính sách về giáo dục đại học của Bộ Giáo dục nói.

                          


Hàn Quốc đã thu hút 81 nhà nghiên cứu đến làm việc, trong đó có nhà bác học Roger D. Kornberg từng đạt giải Nobel Hóa học năm 2006. (Ảnh: Scholastic.com)


Tuy nhiên, những người chỉ trích vẫn còn hoài nghi, liệu những chiến lược này sẽ giúp Hàn Quốc vượt qua điều bất lợi trong việc nghiên cứu trước đây?

“Tôi nghĩ là họ sẽ thất bại”, Zang-Hee Cho - một nhà tâm thần học và một giáo sư danh dự tại Trường Đại học California ở Irvine nói.

Ông Cho đã chỉ trích gay gắt về những chiến lược giáo dục đại học của Hàn Quốc, đặt tên cho dự án BrainKorea 21 (Trí tuệ Hàn Quốc 21) thành “Brain Dead” Korea21 (Tạm dịch: “Thui chột” trí tuệ Hàn Quốc 21).

"Vấn đề là, những dự án này được chỉ đạo từ các nhà hoạch định chính sách không hiểu biết gì về các trường đại học" - ông nói.

Ông Cho phân tích: Chính phủ phải bắt đầu tháo dỡ hệ thống cấp bậc giảng dạy hiện đang bị cho là bó chặt sự sáng tạo, sau đó tập trung vào một nhóm các trường đại học tốt nhất của đất nước và tuyển các "giáo sư hàng đầu" trên khắp thế giới - những người sẽ ở lại với đất nước này.

“Chúng ta cần những nhà lãnh đạo giỏi ở mọi lĩnh vực. Họ phải tạo được sự đoàn kết trong nội bộ và tạo điều kiện tốt cho việc nghiên cứu để đạt được mục đích. Những thứ này chúng ta chưa có”, ông nói.

Ít nhất thì trên giấy tờ, việc xây dựng trường đại học bậc nhất thế giới được cho là phương án để giúp ổn định lại phần nào những vấn đề mà ông Cho đã chỉ ra. Chính phủ đã mời những học giả nước ngoài giúp sức “để chuyển đổi các trường đại học Hàn Quốc thành những viện nghiên cứu đẳng cấp thế giới”.

Những người hoài nghi cho rằng, nhiều học giả nhận lời đến Hàn Quốc thực chất đã đi qua thời kỳ đỉnh cao nhất của họ, và chỉ được yêu cầu ở lại nước này một học kỳ, hoặc nhiều nhất là hai tháng (trong một năm) đối với một bản hợp đồng ký cho 3 năm.

Điều đó hầu như rất khó có lợi cho việc tạo một nền tảng nghiên cứu bền vững - ông Hyeonsik Cheong, Giám đốc đối ngoại, Trường Đại học Sogang ở Seoul - nói. “Lo nhất là khi hết chương trình, những vị giáo sư này sẽ quay về đất nước họ”.

Ông Cheong nói, ông sẽ thiết kế lại chương trình và “bơm” thêm tiền để mời những vị giáo sư tốt nhất trên hành tinh về Hàn Quốc.

"Tôi có thể để họ làm toàn thời gian, tương tác cùng sinh viên cũng như các thành viên trong hội đồng để tạo ra điều gì đó thực sự lâu dài".

Đầu tư lớn cho giáo dục đại học

Kế hoạch của Hàn Quốc thật sự hoành tráng. Tuy nhiên, dựa trên nhiều thước đo, bao gồm rất nhiều các ấn phẩm nghiên cứu và trích dẫn, các trường đại học của Hàn Quốc không được đánh giá tốt như nhiều học viện khác ở phương Tây.

Một cuộc xếp loại mới đây do Trường Đại học Thượng Hải Jiao Tong thực hiện cho thấy trường đại học danh tiếng nhất Hàn Quốc - Đại học Quốc gia Seoul - xếp vị trí 21 trong danh sách những trường đại học tốt nhất châu Á và xếp thứ 146 trên thế giới.

Các trường đại học Hàn Quốc cũng ít có các giảng viên có tên tuổi trên trường quốc tế. Chỉ đến khi dự án trường đại học đẳng cấp thế giới bắt đầu thì các học viện mới miễn cưỡng thuê các giáo sư nước ngoài về giảng dạy.

Giai đoạn đầu tiên của BrainKorea 21 (từ 1999 đến 2005) hầu như là thất bại vì không đạt được bước "nhảy vọt" nào trong công cuộc nghiên cứu. Một nghiên cứu gần đây của chuyên gia giáo dục Trường Đại học Hàn Quốc Jung Cheol Shin cho thấy, dự án đó “không làm rút ngắn khoảng cách giữa các trường đại học Hàn Quốc và các trường đại học nghiên cứu đẳng cấp quốc tế ở Mỹ hay Nhật Bản về số lượng các công trình nghiên cứu được công bố”.

Sự khan hiếm các trường đại học hàng đầu ở Hàn Quốc là yếu tố chính dẫn đến tình trạng sinh viên kéo nhau đi du học.

Một báo cáo mới đây của Trung tâm giáo dục Fulbright của Mỹ ở Hàn Quốc cho biết, tính riêng ở Mỹ năm ngoái có đến 115.000 học sinh, sinh viên Hàn Quốc thuộc mọi cấp độ đến để học tập, trong đó có 69.000 sinh viên đại học – trung bình, cứ 7 sinh viên quốc tế ở Mỹ thì lại có 1 sinh viên Hàn Quốc. Một số lượng tương đương như vậy tìm đến châu Âu và các nước khác trên thế giới để trau dồi tri thức.

“Chúng ta không thể thu hút sinh viên từ nước ngoài trở về và phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ công nghệ của Mỹ và Đức”, ông Cho cảnh báo: “Chảy máu chất xám thật đáng sợ”.

Các quan chức của Chính phủ cho biết, cuối cùng thì Hàn Quốc cũng cơ cấu lại hệ thống giáo dục thiển cận và rệu rã trong thế kỉ XXI. Nhiều người nhấn mạnh vào con số khổng lồ tăng trưởng trong việc học ngoại ngữ.

“Tiêu chuẩn chính để tuyển giảng viên vào dạy trong các trường đại học là người ứng tuyển phải có khả năng giảng bài bằng tiếng Anh”, ông Kang, một quan chức của Bộ Giáo dục cho biết.

                                  

                     Trường quốc tế Ewha Women University ở Seoul. (Nguồn ảnh: Centreforwomanleadership.org)


Năm 2007 và 2008, Chính phủ đã nới lỏng mọi quy định, tạo điều kiện cho các trường đại học trong nước làm việc với các đối tác là đại học nước ngoài, một động thái để thực hiện thêm nhiều chương trình hợp tác.

Ví dụ, kể từ tháng 2 năm ngoái, Trường Đại học Hàn Quốc đã ký một thỏa thuận hợp tác với 50 đối tác nước ngoài, trong đó có Trường Đại học Navarra (Tây Ban Nha); Trường Confederation ở Canada; và Trường Đại học John Cabot của Ý. Các thỏa thuận này chủ yếu tập trung vào việc trao đổi sinh viên và các chương trình du học.

Tiến lên phía trước…

Trong khi đó, Bộ Giáo dục đang “khoe” thành công đã thu hút được 50.000 sinh viên nước ngoài, hoàn thành trước 3 năm so với kế hoạch đề ra.

Với tham vọng tăng gấp đôi con số đó vào năm 2012, Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ đẩy mạnh công tác tuyển sinh, đặc biệt là hướng đến Trung Quốc, nơi mà 70% du học sinh Hàn lựa chọn làm điểm đến.

Nhiều trường đại học cũng thuê thêm nhiều giáo sư nước ngoài làm công tác giảng dạy và nghiên cứu toàn thời gian. Con số này vẫn còn là thấp, so với tiêu chuẩn quốc tế - chừng 3.000 giáo sư trên cả nước. (Tuy nhiên, trong năm 2006, Bộ Giáo dục thông báo có 22 giáo sư nước ngoài làm việc toàn thời gian ở các trường đại học công lập).

Một số trường đại học như Trường quốc tế Ewha Women ở Seoul đang cố gắng cách “biến” trường của mình thành những nơi làm việc hấp dẫn hơn.

Đại học tư thục Ewha có trụ sở tại Seoul, đang xây dựng một khu liên hợp học tập và nghiên cứu mới, rộng 9 triệu m2 với tham vọng thu hút các giáo sư nước ngoài đến làm việc, mở rộng quan hệ hợp tác với các trường đại học hàng đầu quốc tế khác. Khu liên hợp Paju của Ewha sẽ bao gồm một trung tâm nghiên cứu về công nghệ sinh học, công nghệ nano và công nghệ thông tin để cộng tác nghiên cứu thuận tiện với các trường và viện nghiên cứu nước ngoài.

Liệu những nỗ lực này có giúp Hàn Quốc đạt được mục tiêu: Tạo ra được một số chi nhánh các trường đại học có đẳng cấp thế giới trong nước, dành được chỗ đứng nhất định trong hệ thống giáo dục quốc tế và lấp đầy những chỗ trống của các nhân tài trong nước?

Nhiều cuộc tranh cãi dường như gay gắt hơn trong năm nay khi có thông tin cho rằng sự táo bạo này trong bối cảnh Hàn Quốc hiện nay cuối cùng cũng có tác dụng giữ chân các sinh viên của họ. Nhiều trường, trong đó có Đại học toàn cầu Songdo được kỳ vọng là sẽ níu giữ thêm nhiều sinh viên hơn nữa.

Nhưng, những người chỉ trích cho rằng, việc đảo chiều được hiện tượng "thui chột" này phụ thuộc rất nhiều vào việc cơ cấu lại hệ thống giáo dục đại học hình chop của Hàn Quốc: Mỗi năm, chỉ có 10.000 trong số 550.000 học sinh tốt nghiệp THPT có chỗ trong ba trường đại học hàng đầu đất nước.

“Hầu hết các trường đại học khác rất “xoàng”, ông Cho nói. Nếu những điều này không thay đổi thì những người trẻ giàu tham vọng vẫn tiếp tục ra nước ngoài, bất kể chi phí là bao nhiêu.

Tuy nhiên, nhiều người cũng tin vào tương lai lâu dài của nền giáo dục Hàn Quốc. “Tôi nghĩ rằng, các trường đại học châu Á và Hàn Quốc cuối cùng cũng sẽ đuổi kịp các trường của Mỹ và châu Âu. Mỗi khi chúng tôi đặt ra mục tiêu, chúng tôi sẽ cố gắng đạt được nó” - Jongryn Mo, Hiệu trưởng Trường quốc tế Underwood, Đại học Yonsei - nói.

 


 

 http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/nuoc/thamvong.htm

 


Cập nhật: 14-07-2009

Trở về thư mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang