Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Đức Phật A-di-đà 
Tịnh Như
(Thanh Sơn trích từ quyển Những Cành Hoa Đạo)
 

Một số người trong hàng ngũ Phật tử chúng ta thường có thái độ đáng trách là xếp kinh Di Đà đằng sau những quyển kinh có giá trị khác. Theo họ, có thể kinh Di Đà không hàm chứa những nguyên lý Phật học và cũng có thể kinh Di Đà chỉ là một huyền thoại về Cực Lạc Tây phương.

            Trước hết chúng ta phải tin tưởng rằng sự hiện hữu của Đức Phật A Di Đà là có thực. Bởi vì, như Phật đã dạy trong quá khứ, trong hiện tại, cũng như trong tương lai, không phải chỉ có một mình Đức Thích Ca mới là người chứng được tuệ giác. Số Phật nhiều như số cát sông Hằng. Và đứng trên phương diện tuyệt đối mà nói, thì một Thích Ca hay một Di Đà đều chỉ là những hóa thân của thực tại. Tất cả những hóa thân đó đều do soi chiếu lẫn nhau, biến hiện lẫn nhau, dung hợp lẫn nhau trong một pháp thân thường trú. Thích Ca hay Di Đà trên chót vót của tuệ giác, chỉ là một, đều là hình ảnh của thực tại vô tận, vô cùng.

            Một khi đã tin tưởng về sự hiện hữu của đức Phật A Di Đà, chúng ta không thể nào không tin về một Cực lac thế giới ở Tây phương. Đó không phải là một thế giới do thần thông biến hóa, mà chỉ là kết quả của tâm nguyện. Mỗi đức Phật đều có những bản nguyện phát khởi do tâm Bồ đề. Một khi nguyện đã phát, thì hạnh phải xuất hiện. Nguyện để thực hiện cho hạnh và hạnh để hoàn thành cho nguyện. Cực lạc thế giới chính là hạnh của bốn mươi tám lời nguyện vĩ đại của Đức Phật A-Di-Đà vậy.

            Sở dĩ chúng ta không nhìn thấy được sự hoạt hiện của thế giới đó là vì tâm tưởng và hạnh nguyên không đồng. Chúng ta nên biết rằng, không có thế giới nào phát sanh ngoài tâm niệm. Nếu cùng có tâm tưởng và hạnh nguyện như Đức Phật A Di Đà, thì chúng ta sẽ đi vào Cực lạc thế giới tức khắc.

            Sau nữa, chúng ta cũng nên nhớ rằng, dù Tây phương hay Đông phương, Cực lạc thế giới không thể nào nằm ngoài tâm thể chúng ta. Và cũng chẳng có một Đức Phật A Di Đà nào tồn tại ở ngoài tâm thể chúng ta. Một khi quán niệm Đức Phật A Di Đà, chúng ta đình chỉ những tạp niệm vọng động bên ngoài và để mình thể nhập vào sâu thẳm tâm thể của chính mình, thì trong phút đó, chúng ta đã đi vào Cực Lạc thế giới của chúng ta, và chính ta cũng là A Di Đà chứ không ai khác. Một khi đã kết hợp với thực tại và trở nên thực tại, thì chúng ta cũng chính là Phật.

            Căn bản của kinh Di Đà như thế, là thuần niệm để kết hợp với chân thực tại, với tuệ giác tuyệt đối. Thế giới Cực lạc chỉ là một viễn tượng, còn sự dấn thân của chúng ta là tự lực và tự cứu. Công việc tiếp dẫn của Phật A Di Đà chỉ là mối liên hệ tương ứng giữa tuệ giác siêu thoát với thực tại siêu thoát mà thôi. Di Đà chính là thực tại siêu thoát. Tình trạng chánh định của chúng ta là tuệ giác siêu thoát. Tiếp dẫn trong nhận định đó, phải hiểu như một thứ liên giao, thể nhập. Mà bằng ý nghĩ đó, thì Tịnh độ tông và Thiền tông cũng đều chung mục đích.

            Kỷ niệm vía Đức Phật A Di Đà, chúng ta phải nhận thức sâu xa vấn đề "Tâm bình thì thế giới bình, tâm tịnh thì thế giới tịnh". Với phương tiện dẫn dụ, thì Tây phương Cực lạc được xem như một viễn tượng và Di Đà là một tha lực làm nơi nương tựa tinh thần. Nhưng với chân lý thì Tây phương Cực lạc chỉ là hình bóng của tâm thể tuyệt đối của chúng ta và Di Đà chính là ý chí tự lực thực hiện bằng hạnh nguyện.

            Chúng ta phải tin có Đức Phật A Di Đà và có Tây phương Cực lạc. Tin có Đức Phật A Di Đà và Tây phương Cực lạc là tin có tâm thể giác chiếu, là tin có khả năng biến hiện, khả năng hoán cải, khả năng cách mệnh và khả năng tự lực thành Phật. Tin như vậy là tự tin. Có tin mới có nỗ lực hành động (Hạnh) trong diệu dụng của Bồ đề tâm để thành tựu ý chí thực hiện (Nguyện).

            Kỷ niệm vía Đức Phật A Di Đà, ngoài thực tại tuyệt đối, chúng ta còn phải nghĩ đến thực tại tương đối này, một thực tại đầy dẫy khổ đau trầm trọng. Chúng ta phải tin ở khả năng cải tạo của mình, nhất tâm hoán cải tâm niệm, chuyển bạt nghiệp lực trần gian, để thế giới khổ đau trở thành thế giới Cực lạc.

            Chúng ta phải tin tưởng ở sức mạnh của chúng ta và tin tưởng về một Tịnh độ nhân gian đó.

CỰC LẠC THẾ GIỚI

            Mỗi năm, cứ đến ngày 17 tháng 11 kỷ niệm khánh đản Đức Phật A Di Đà, mỗi chúng ta không khỏi liên tưởng đến thế giới hoàng kim ở bên Tây phương Cực lạc và không khỏi ngậm ngùi khi nghĩ đến thế giới chúng ta đang sống đầy máu lửa hận thù này.

            Tây phương Cực lạc cách xa chúng ta qua bao nhiêu triệu kiếp dặm đường mờ mịt và chắc chắn rằng với một tốc lực nào của con người đầy nghiệp khổ này, chúng ta sẽ vĩnh viễn không bao giờ đạt tới. Nhưng có một điều chúng ta phải nhớ và cần phải nhớ kỹ là dù có cách xa đến bao nhiêu đi nữa, thì không gian và thời gian cũng đều là mê vọng. Chính mê vọng đã tạo nên không gian và thời gian. Nếu rời được mê vọng, rời được ý niệm sai biệt, thì khoảng cách có đến vô cùng cũng nằm trong gang tấc ,và thời gian dù có lâu xa vô lượng cũng thu gọn thành phút giây. Thực tai vốn bình đằng, đồng nhất, hồn nhiên. Thực tại trở nên thế này thế nọ, biến thành thiên đàng, địa ngục. Cực lạc Ta bà cũng do nơi tâm niệm và nghiệp báo của chúng ta mà ra. Cho nên khoảng cách Cực lạc nghìn trùng là khoảng cách đo bằng mê vọng. Và thế giới hoàng kim Cực lạc vẫn có thể nhìn thấy trong cuộc sống ô trược và đau khổ này.

            Người nào trong chúng ta khi đọc kinh Pháp Hoa, mà lại không suy gẫm về sự tương dung và tương hợp của không gian và thời gian, trong thực tại đồng nhất những biến hiện trùng trùng này. Thế giới xuất hiện dưới mắt chúng ta toàn là gò trũng gồ ghề, toàn là đau đớn ô trọc, nhưng cũng thế giới đó, dưới pháp nhãn của những đấng giác ngộ thì toàn là báu vật, hoàng kim. Thực tại thì bao quát nhất như; chỉ có nghiệp quả và tâm niệm đã chuyến biến thực tại trở nên thế này thế nọ. Do đó, niềm tin tưởng của chúng ta về một thế giới an lạc không phải trở nên vô vọng, và thế giới Cực lạc đối với chúng ta không phải là một ảo ảnh khói sương. Kẻ nào tâm bình thì thấy thế giới bình, kẻ nào tâm tịnh thì thấy thế giới tịnh. Hướng về Cực lạc, không phải là phiêu lưu đi tìm một đối tượng xa lạ nào ngoài tâm thể chúng ta. Hướng về Cực lạc là gạn lọc tâm hồn, xóa nhóa những biên giới cố chấp. Hội nhập tâm linh vào thực tại phong phú, bình an, để từ đó, niềm an lạc vô ưu bắt đầu nẩy nở.

            Thế giới chúng ta hôm nay là thế giới được sơn quét bằng máu lửa, bằng tham vọng hận thù. Lẽ dĩ nhiên thế giới đó không phải là Cực lạc đã đành, mà đã mang bóng dáng của những niềm đau địa ngục.

            Hãy nên nhớ rằng, mỗi người trong chúng ta đều là một Thượng đế sáng tạo nên cuộc sống và vũ trụ của mình. Góp tâm niệm và hành động để biến thế giới khổ đau trở nên an lạc mới là cách thức kỷ niệm và nhớ ơn Đức Phật A Di Đà, đấng biểu hiện cho Trí tuệ, Từ bi và An lạc tuyệt đối.

http://www.buddhismtoday.com/viet/niemphat/PhatAdida.htm

 


Vào mạng: 1-12-2001

Trở về mục "Niệm Phật"

Đầu trang