Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Kinh Trung bộ
HT. Thích Minh Châu dịch

Phần XVIII

(83) Kinh Makhadeva
(84) Kinh Madhura
(85) Kinh Vương tử Bồ-đề
(86) Kinh Angulimala
(87) Kinh Ái sanh


83. KINH MAKHADEVA [^]

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Mithila (Di-tát-la), tại rừng Makhadevamba. Rồi Thế Tôn mỉm cười khi đến tại một địa điểm. Tôn giả Ananda liền suy nghĩ: "Do nhân gì, do duyên gì, Thế Tôn lại mỉm cười ? Không phải không có lý do khiến Thế Tôn mỉm cười". Rồi Tôn giả Ananda, đắp y phía một bên vai, chắp tay vái chào Thế Tôn và bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì Thế Tôn lại mỉm cười. Không phải không lý do khiến Thế Tôn mỉm cười.

– Thuở xưa, này Ananda, vị vua chính nước Mithila này tên là Makhadeva, là vị pháp vương như pháp, kiên trì trên pháp, vị Đại vương thực hành Chánh pháp, giữa các Bà-la-môn, gia chủ, giữa thị dân và thôn dân, hành trì lễ Uposatha (Bố-tát) vào các ngày 14, ngày 15 và ngày mồng 8. Rồi này Ananda, vua Makhadeva sau nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, bảo người thợ cạo tóc:

"– Này Thợ cạo tóc, khi nào Ông thấy trên đầu ta, có mọc tóc bạc, hãy báo cho ta biết".

"– Thưa vâng, tâu Đại vương".

Này Ananda, người thợ cạo tóc vâng đáp vua Makhadeva. Này Ananda, sau nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, người thợ cạo tóc thấy trên đầu vua Makhadeva có sanh tóc bạc, thấy vậy liền tâu vua Makhadeva:

"– Các Thiên sứ đã hiện ra cho Đại vương. Tóc bạc đã được thấy mọc ra trên đầu".

"– Vậy này Thợ cạo tóc, hãy khéo nhổ những sợi tóc bạc ấy với cái nhíp, và đặt chúng trên bàn tay của ta".

"– Thưa vâng, tâu Đại vương".

Này Ananda người thợ cạo tóc vâng đáp vua Makhadeva, sau khi khéo nhổ những sợi tóc bạc ấy với cái nhíp, đặt chúng trên bàn tay của vua Makhadeva. Rồi này Ananda, vua Makhadeva, sau khi cho người thợ cạo tóc một lương ấp như một ân tứ, liền cho gọi hoàng tử con đầu và nói:

"– Này Hoàng tử thân yêu, các Thiên sứ đã hiện ra cho ta, tóc bạc đã được thấy mọc ra trên đầu. Ta đã hưởng thọ các dục lạc thế gian, nay đã đến thời đi tìm kiếm các thiên lạc. Hãy đến đây, này Hoàng tử thân yêu, hãy trị vì quốc độ này. Sau khi cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, ta sẽ xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Và này Hoàng tử thân yêu, khi nào Con thấy tóc bạc mọc ra trên đầu, thời hãy cho người thợ cạo tóc một lương ấp như một ân tứ, sau khi khéo giao lại quốc gia cho hoàng tử con đầu, sau khi cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, hãy xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Truyền thống tốt đẹp này do ta thiết lập, con phải tiếp tục duy trì, con chớ thành người tối hậu sau ta. Này Hoàng tử thân yêu, khi hai người còn tồn tại, và có sự đứt đoạn của truyền thống này, thời người nào, (làm cho đứt đoạn), người ấy là người tối hậu. Vậy này Hoàng tử thân yêu, ta nói với Con: "Truyền thống tốt đẹp này do ta thiết lập, Con phải tiếp tục duy trì. Con chớ thành người tối hậu sau ta".

Rồi này Ananda, vua Makhadeva, sau khi cho người thợ cạo tóc một lương ấp (như là một ân tứ) sau khi khéo giao quốc gia cho hoàng tử con đầu, chính tại rừng xoài Makhadeva này, sau khi cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, vua Makhadeva đã xuất gia. Vị này an trú, biến mãn một phương với tâm thấm nhuần lòng từ; cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên dưới bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú, biến mãn với tâm thấm nhuần lòng từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Với tâm thấm nhuần lòng bi... với tâm thấm nhuần lòng hỷ,... an trú biến mãn một phương với tâm thấm nhuần lòng xả; cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư, như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm thấm nhuần lòng xả, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Nhưng này Ananda, vua Makhadeva, tám vạn bốn ngàn năm, đã chơi trò chơi của hoàng tử, tám vạn bốn ngàn năm, đã trị vì như một phó vương; tám vạn bốn ngàn năm, đã chấp chánh như một quốc vương; tám vạn bốn ngàn năm, chính tại ngôi rừng xoài Makhadeva này, sau khi cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa đã xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, sống theo Phạm hạnh. Vị này, sau khi tụ tập bốn Phạm trú, khi thân hoại mạng chung được sanh lên Phạm thiên giới.

Rồi này Ananda, con vua Makhadeva, sau nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm cho gọi người thợ cạo tóc:

"– Này thợ cạo tóc, khi nào Ông thấy trên đầu Ta có mọc tóc bạc, hãy báo cho ta biết".

"– Thưa vâng, tâu Đại vương".

Này Ananda người thợ cạo tóc vâng đáp con vua Makhadeva. Này Ananda, sau nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm người thợ cạo tóc thấy trên đầu con vua Makhadeva có sanh tóc bạc, thấy vậy liền tâu với con vua Makhadeva:

"– Các Thiên sứ đã hiện ra cho Đại vương. Tóc bạc đã được thấy mọc ra trên đầu".

"– Vậy này Thợ cạo tóc, hãy khéo nhổ những sợi tóc bạc ấy với cái nhíp, và đặt chúng trên bàn tay của ta".

"– Thưa vâng, tâu Đại vương".

Này Ananda, người thợ cạo tóc vâng đáp con vua Makhadeva, sau khi khéo nhổ những sợi tóc bạc ấy với cái nhíp, đặt chúng trên bàn tay của con vua Makhadeva. Rồi này Ananda, con vua Makhadeva sau khi cho người thợ cạo tóc một lương ấp như một ân tứ, liền cho gọi vị hoàng tử con đầu và nói:

"– Này Hoàng tử thân yêu, các Thiên sứ đã hiện ra cho ta, tóc bạc đã thấy sanh ra trên đầu. Ta đã hưởng thọ dục lạc thế gian, nay đã đến thời đi tìm kiếm các thiên lạc. Hãy đến đây, này Hoàng tử thân yêu, hãy trị vì quốc độ này. Sau khi cạo bỏ râu tóc đắp áo cà-sa, ta sẽ xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Và nay, này Hoàng tử thân yêu, khi nào Con thấy tóc bạc mọc ra trên đầu, thời hãy cho người thợ cạo tóc một lương ấp như một ân tứ, sau khi khéo giao lại quốc gia này cho vị hoàng tử con đầu, sau khi cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, hãy xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Truyền thống tốt đẹp này do ta thiết lập. Con phải tiếp tục duy trì, chớ thành người tối hậu sau ta. Này Hoàng tử thân yêu, khi hai người còn tồn tại, và có sự đứt đoạn của truyền thống này, thời người nào (làm cho đứt đoạn), người ấy là người tối hậu. Vậy này Hoàng tử thân yêu, ta nói với Con: "Truyền thống tốt đẹp này do ta thiết lập, Con phải tiếp tục duy trì. Con chớ thành người tối hậu sau ta".

Rồi này Ananda, con vua Makhadeva, sau khi cho người thợ cạo tóc một lương ấp (như một ân tứ), sau khi khéo giao quốc gia cho vị hoàng tử con đầu, chính tại rừng xoài này, con vua Makhadeva sau khi cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, đã xuất gia, vị này an trú, biến mãn một phương với tâm thấm nhuần lòng từ; cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy, phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm thấm nhuần lòng từ, quảng đại vô biên, không hận, không sân. Với tâm thấm nhuần lòng bi... với tâm thấm nhuần lòng hỷ... an trú biến mãn một phương với tâm thấm nhuần lòng xả; cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên dưới bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm thấm nhuần lòng xả, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Nhưng này Ananda, con vua Makhadeva tám vạn bốn ngàn năm, đã chơi trò chơi của hoàng tử; tám vạn bốn ngàn năm, đã trị vì như một phó vương; tám vạn bốn ngàn năm, đã chấp chánh như một quốc vương; tám vạn bốn ngàn năm, chính tại ngôi rừng xoài này, con vua Makhadeva sau khi cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, đã xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, sống theo Phạm hạnh. Vị này, sau khi tu tập bốn Phạm trú, khi thân hoại mạng chung, được sanh lên Phạm thiên giới.

Rồi này Ananda, các tử tôn của vua Makhadeva truyền nối tiếp tục vua ấy, sau tám vạn bốn ngàn năm làm vương tộc (Khattiya), chính tại ngôi rừng xoài Makhadeva này, sau khi cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa đã xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, các vị ấy biến mãn một phương với tâm thấm nhuần lòng từ và an trú; cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên dưới bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm thấm nhuần lòng từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân, với tâm thấm nhuần lòng bi... ... với tâm thấm nhuần lòng hỷ... ... an trú, biến mãn một phương với tâm thấm nhuần lòng xả; cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, những vị ấy an trú biến mãn với tâm thấm nhuần lòng xả, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Vị ấy tám vạn bốn ngàn năm đã chơi trò chơi của hoàng tử, tám vạn bốn ngàn năm, đã trị vì như một phó vương; tám vạn bốn ngàn năm, đã chấp chánh như một quốc vương; tám vạn bốn ngàn năm, chính tại ngôi rừng xoài Makhadeva này, sau khi cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, sống theo Phạm hạnh. Các vị ấy, sau khi tu tập bốn Phạm trú, khi thân hoại mạng chung, được sanh lên Phạm thiên giới.

Nemi là vị cuối cùng của các vị vua ấy, là vị pháp vương như pháp, kiên trì trên pháp, vị đại vương thực hành Chánh pháp giữa các Bà-la-môn, gia chủ, giữa thị dân và thôn dân, hành trì lễ Uposatha (Bố-tát) vào các ngày 14, ngày 15 và ngày mồng 8.

Thuở xưa, này Ananda, khi chư Thiên ở Tavatimsa (Tam thập tam thiên) ngồi hội họp với nhau tại giảng đường Thiện Pháp (Sudhamma), cuộc đối thoại sau đây được khởi lên: "Thật hạnh phúc thay cho dân chúng Videha, thật tốt đẹp thay cho dân chúng Videha, được vua Nemi là vị pháp vương như pháp, kiên trì trên pháp, vị Đại vương thực hành Chánh pháp giữa các Bà-la-môn, gia chủ, giữa thị dân và thôn dân, hành trì lễ Uposatha (Bố-tát) vào các ngày 14, ngày 15 và ngày mồng 8".

Rồi này Ananda, Thiên chủ Sakka nói với chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba:

"– Chư Khanh, chư Khanh có muốn yết kiến vua Nemi không ?".

"– Thưa Thiên chủ, chúng tôi muốn yết kiến vua Nemi".

Lúc bấy giờ, vua Nemi trong ngày rằm lễ Bố-Tát (Uposatha), đã gội đầu, giữ trai giới đang ngồi trên lầu cung điện. Rồi này Ananda, Thiên chủ Sakka, như nhà lực sĩ duỗi bàn tay đang co lại, hay co lại bàn tay đang duỗi ra; cũng vậy, Thiên chủ biến mất giữa chư Thiên cõi trời Ba mươi ba, và hiện ra trước mặt vua Nemi. Rồi này Ananda, Thiên chủ Sakka nói với vua Nemi:

"– Tâu Đại vương, thật hạnh phúc thay cho Đại vương, thật tốt lành thay cho Đại vương ! Tâu Đại vương, chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba đang ngồi tại giảng đường Thiện Pháp tán thán Đại vương và nói: "Thật hạnh phúc thay cho dân chúng Videha... (như trên)... và ngày mồng 8". Tâu Đại vương, chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba muốn yết kiến Đại vương. Tâu Đại vương, tôi sẽ gởi cho Đại vương một cỗ xe có ngàn ngựa kéo, Đại vương hãy cưỡi thiên xa ấy, chớ có sợ hãi ! "

Này Ananda, vua Nemi im lặng nhận lời. Rồi này Ananda, Thiên chủ Sakka, sau khi biết được vua Nemi đã nhận lời, như nhà lực sĩ... (như trên)... liền biến mất và hiện ra giữa chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba.

Rồi này Ananda, Thiên chủ Sakka gọi người đánh xe Matali và nói:

"– Này Matali, sau khi thắng cỗ xe có ngàn ngựa kéo hãy đi đến vua Nemi và nói: "Tâu Đại vương, đây là cỗ xe có ngàn ngựa kéo do Thiên chủ Sakka gửi đến cho Đại vương. Đại vương hãy cưỡi thiên xa, chớ có sợ hãi ! ".

"– Thưa vâng, Tôn giả".

Người đánh xe Matali vâng đáp Thiên chủ Sakka, cho thắng cỗ xe có ngàn ngựa kéo, đi đến vua Nemi và thưa:

"– Tâu Đại vương, đây là cỗ xe có ngàn ngựa kéo do Thiên chủ Sakka gửi đến cho Đại vương. Đại vương hãy cưỡi thiên xa, chớ có sợ hãi ! Và tâu Đại vương, con sẽ dẫn Đại vương đi đường nào ? Con đường do đó các nghiệp ác đưa đến sự cảm thọ quả báo các nghiệp ác hay con đường do đó các thiện nghiệp đưa đến sự cảm thọ quả báo các thiện nghiệp".

"– Hãy đưa Ta đi, cả hai con đường".

Và này Ananda, người đánh xe Matali đưa vua Nemi đến giảng đường Sudhamma (Thiện Pháp). Này Ananda, Thiên chủ Sakka thấy vua Nemi đường xa đi đến, sau khi thấy vậy, liền nói với vua Nemi:

"– Hãy đến, tâu Đại vương; thiện lai, tâu Đại vương. Tâu Đại vương, chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba ngồi ở giảng đường Sudhamma, tán thán Đại vương như sau: "Thật là hạnh phúc... (như trên)... và ngày mồng 8". Tâu Đại vương, chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba muốn yết kiến Đại vương. Tâu Đại vương, hãy hoan lạc với thiên uy lực giữa chư Thiên".

"– Thôi vừa rồi, Tôn giả. Hãy đưa tôi về Mithila, tại đấy tôi sẽ sống theo Chánh pháp giữa các vị Bà-la-môn, gia chủ, và giữa các thị dân và thôn dân và thọ trì trai giới vào các ngày 14, ngày 15 và ngày mồng 8".

Rồi này Ananda, Thiên chủ Sakka nói với người đánh xe Matali:

"– Này Matali, sau khi thắng cỗ xe có ngàn ngựa kéo, hãy đưa vua Nemi về tại Mithila".

"– Thưa vâng, Tôn giả".

Này Ananda, người đánh xe Matali vâng đáp Thiên chủ Sakka, thắng cỗ xe có ngàn ngựa kéo, và đưa vua Nemi về Mithila.

Ở đây, này Ananda, vua Nemi sống như pháp giữa các Bà-la-môn, gia chủ và giữa thị dân và thôn dân, thọ trì trai giới vào các ngày 14, ngày 15 và ngày mồng 8.

Và này Ananda, sau nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm; vua Nemi gọi người thợ cạo tóc:

"– Này Thợ cạo tóc, khi nào Ông thấy trên đầu ta có mọc tóc bạc, hãy báo cho ta biết".

"– Thưa vâng, tâu Đại vương".

Này Ananda, người thợ cạo tóc vâng đáp vua Nemi. Này Ananda, sau nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, người thợ cạo tóc thấy trên đầu vua Nemi có mọc tóc bạc, thấy vậy liền tâu với vua Nemi:

"– Các Thiên sứ đã hiện cho Đại vương. Tóc bạc đã được thấy mọc ra trên đầu".

"– Vậy này Thợ cạo tóc, hãy khéo nhổ những sợi tóc bạc ấy với cái nhíp, và đặt chúng trên bàn tay của ta".

"– Thưa vâng, tâu Đại vương".

Này Ananda, người thợ cạo tóc vâng đáp vua Nemi, sau khi khéo nhổ những sợi tóc bạc ấy với cái nhíp, đặt chúng trên bàn tay vua Nemi. Rồi này Ananda, vua Nemi, sau khi cho người thợ cạo tóc một lương ấp (như một ân tứ), liền cho gọi vị hoàng tử con đầu và nói:

"– Này Hoàng tử thân yêu, các Thiên sứ đã hiện ra cho ta, tóc bạc đã được thấy mọc ra trên đầu. Ta đã hưởng thọ các dục lạc thế gian, nay đã đến thời đi tìm kiếm các thiên lạc. Hãy đến đây, Hoàng tử thân yêu, hãy trị vì quốc độ này. Sau khi cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, ta sẽ xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Và này Hoàng tử thân yêu, khi nào Con thấy tóc bạc mọc ra trên đầu, thời hãy cho người thợ cạo tóc một lương ấp như một ân tứ, sau khi khéo giao lại quốc gia cho vị hoàng tử con đầu, sau khi cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, hãy xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Truyền thống tốt đẹp này do ta thiết lập, Con phải tiếp tục duy trì, con chớ thành người tối hậu sau ta. Này Hoàng tử thân yêu, khi hai người còn tồn tại, và có sự đứt đoạn của truyền thống này, thời người nào (làm cho đứt đoạn) người ấy là người tối hậu. Này Hoàng tử thân yêu, ta nói với Con: "Truyền thống tốt đẹp này do ta thiết lập, Con phải tiếp tục duy trì. Con chớ thành người tối hậu sau ta".

Rồi này Ananda, vua Nemi, sau khi cho người thợ cạo tóc một lương ấp (như là một ân tứ), sau khi khéo giao quốc gia cho vị Hoàng tử con đầu, chính tại rừng xoài Makhadeva này, sau khi cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, đã xuất gia, vị này an trú, biến mãn một phương với tâm thấm nhuần lòng từ; cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú, biến mãn với tâm thấm nhuần lòng từ, quảng đại vô biên, không hận, không sân. Với tâm thấm nhuần lòng bi... ... Với tâm thấm nhuần lòng hỷ... ... an trú biến mãn mọt phương với tâm thấm nhuần lòng xả; cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm thấm nhuần lòng xả, quảng đại vô biên, không hận, không sân. Nhưng này Ananda, vua Nemi, tám vạn bốn ngàn năm, đã chơi trò chơi của hoàng tử; tám vạn bốn ngàn năm, đã trị vì như phó vương; tám vạn bốn ngàn năm, đã chấp chánh như một quốc vương; tám vạn bốn ngàn năm, chính tại ngôi rừng xoài Makhadeva này, sau khi cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, đã xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, sống theo Phạm hạnh. Vị này, sau khi tu tập bốn Phạm trú, khi thân hoại mạng chung, được sanh lên Phạm thiên giới.

Nhưng này Ananda, người con của vua Nemi tên là Kalarajanaka. Vị này không xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị này đã cắt đứt truyền thống tốt đẹp ấy. Vị này là người tối hậu của các vị ấy. Này Ananda, rất có thể Ông nghĩ như sau: "Trong thời ấy, vua Makhadeva, vị đã thiết lập truyền thống tốt đẹp ấy là một vị khác". Nhưng này Ananda, chớ có hiểu như vậy. Trong thời ấy, ta là Makhadeva. Ta đã thiết lập truyền thống tốt đẹp ấy. Dân chúng đến sau cho rằng truyền thống tốt đẹp ấy được Ta thiết lập. Nhưng này Ananda, truyền thống tốt đẹp ấy không đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, tịch tịnh, thượng trí, giác ngộ, Niết-bàn và này Ananda, nay thế nào là truyền thống tốt đẹp được Ta thiết lập, và truyền thống ấy đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, tịch tịnh, thượng trí, giác ngộ, Niết-bàn ? Chính là Thánh đạo Tám ngành này, tức là Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Này Ananda, đây là truyền thống tốt đẹp được Ta thiết lập, và truyền thống ấy đưa đến yểm ly, ly tham, đoạn diệt, tịch tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Này Ananda, về vấn đề này, Ta nói như sau: "Truyền thống tốt đẹp này do Ta thiết lập, hãy tiếp tục duy trì. Các Ông chớ có thành người tối hậu sau Ta". Này Ananda, khi hai người còn tồn tại, và có sự đứt đoạn của truyền thống này, thời người nào (làm cho đứt đoạn), người ấy là người tối hậu. Vậy này Ananda, Ta nói với Ông: "Truyền thống tốt đẹp này do Ta thiết lập, các Ông hãy tiếp tục duy trì. Các Ông chớ có thành người tối hậu sau Ta".

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Ananda hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.


84. KINH MUDHURA [^]

Như vầy tôi nghe.

Một thời Tôn giả Mahakaccana (Đại Ca-chiên-diên) trú ở Madhura, tại rừng Gunda. Vua Madhura Avantiputta được nghe như sau: "Sa-môn Mahakaccana trú ở Madhura, tại rừng Gunda. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được khởi lên về Tôn giả Kaccana: "Tôn giả là bậc Hiền giả, bậc Trí giả, thông minh, đa văn, nói năng lưu loát, nhà biện tài lão luyện, bậc trưởng thượng, bậc A-la-hán. Thật tốt lành thay được yết kiến một vị A-la-hán như vậy". Rồi vua Madhura Avantiputta cho thắng nhiều cỗ xe thù thắng, leo lên một cỗ xe thù thắng và đi ra khỏi Madhura với uy vệ của bậc đại vương để yết kiến Tôn giả Mahakaccana. Vua đi xe cho đến chỗ còn có thể đi xe được, rồi xuống xe đi bộ đi đến chỗ Tôn giả Mahakaccana, sau khi đến, nói lên những lời chào đón hỏi thăm với Tôn giả Mahakaccana, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, vua Madhura Avantiputta thưa với Tôn giả Mahakaccana:

– Thưa Tôn giả Kaccana, các vị Bà-la-môn đã nói như sau: "Chỉ có Bà-la-môn là chủng tánh tối thượng, các chủng tánh khác là hạ liệt; chỉ có Bà-la-môn là bạch chủng, các chủng tánh khác là hắc chủng; chỉ có Bà-la-môn là thanh tịnh, các chủng tánh phi Bà-la-môn không như vậy; các Bà-la-môn là con Phạm thiên. Các Bà-la-môn là con chính tông của Phạm thiên, sanh ra từ miệng, sanh ra từ Phạm thiên, tạo tác bởi Phạm thiên, thừa tự Phạm thiên. Ở đây, Tôn giả Kaccana đã nói gì ?

– Thưa Đại vương, đây chỉ là một âm thanh ở đời (câu nói): "Chỉ có Bà-la-môn là chủng tánh tối thượng, chủng tánh khác là hạ liệt; chỉ có Bà-la-môn là bạch chủng, các chủng tánh khác là hắc chủng; chỉ có Bà-la-môn là thanh tịnh, các chủng tánh phi Bà-la-môn không như vậy. Các Bà-la-môn là con Phạm thiên. Các Bà-la-môn là con chính tông của Phạm thiên sanh ra từ miệng, sanh ra từ Phạm thiên, tạo tác bởi Phạm thiên, thừa tự Phạm thiên". Đây chỉ là một pháp môn, với pháp môn này cần được hiểu như là một âm thanh ở đời. (Câu nói): "Chỉ có Bà-la-môn là chủng tánh tối thượng, các chủng tánh khác là hạ liệt... (như trên)... thừa tự Phạm thiên". Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào ? Nếu có người Khattiya (Sát-đế-lỵ) sống sung túc với tài sản, ngũ cốc, vàng hay bạc, người ấy có thể có một người Khattiya khác là người hầu hạ trung thành, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái; hay người ấy có thể có một vị Bà-la-môn, hay người ấy có thể có một vị Vessa (Tỳ-xá) hay người ấy có thể có một Sudda (Thủ-đà) là người hầu hạ trung thành, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái ?

– Thưa Tôn giả Kaccana, nếu có người Khattiya sống sung túc với tài sản, ngũ cốc, vàng hay bạc, người ấy có thể có một người Khattiya khác là người hầu hạ trung thành, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái; người ấy cũng có thể có một người Bà-la-môn, hay người ấy có thể có một Vessa, hay người ấy có thể có một người Sudda là người hầu hạ trung thành, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái.

– Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào ? Nếu có một Bà-la-môn sống sung túc với tài sản, ngũ cốc, vàng hay bạc, người ấy có thể có một người Bà-la-môn khác là người hầu hạ trung thành, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái; hay người ấy có thể có một vị Khattiya, hay người ấy có thể có một vị Vessa, hay người ấy có thể có một người Sudda là người hầu hạ trung thành, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái ?

– Thưa Tôn giả Kaccana, nếu có người Bà-la-môn sống sung túc với tài sản, ngũ cốc, vàng hay bạc, người ấy có thể có một người Bà-la-môn khác là người hầu hạ trung thành, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái; hay người ấy có thể có một vị Khattiya, hay người ấy có thể có một vị Vessa, hay người ấy có thể có một vị Sudda là người hầu hạ trung thành, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái.

– Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào ? Nếu có một Vessa sống sung túc với tài sản, ngũ cốc, vàng hay bạc, người ấy có thể có một người Vessa khác là người hầu hạ trung thành, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng người, lời nói kính ái; hay người ấy có thể có một Khattiya hay người ấy có thể có một Bà-la-môn, hay người ấy có thể có một Sudda là người hầu hạ trung thành, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái ?

– Thưa Tôn giả Kaccana, nếu có người Vessa sống sung túc với tài sản, ngũ cốc, vàng hay bạc; người ấy có thể có một người Vessa khác là người hầu hạ trung thành, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái; hay người ấy có thể có một người Khattiya, hay người ấy có thể có một người Bà-la-môn, hay người ấy có thể có một người Sudda là người hầu hạ trung thành, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái.

– Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào ? Nếu có người Sudda sống sung túc với tài sản, ngũ cốc, vàng hay bạc, người ấy có thể có một người Sudda khác, là người hầu hạ trung thành, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái; hay người ấy có thể có một Khattiya, hay người ấy có thể có một người Bà-la-môn, hay người ấy có thể có một người Vessa là người hầu hạ trung thành, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái ?

– Thưa Tôn giả Kaccana, nếu có người Sudda sống sung túc với tài sản, ngũ cốc, vàng hay bạc, người ấy có thể có một người Sudda khác là người hầu hạ trung thành, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái; hay người ấy có thể có một Khattiya, hay người ấy có thể có một Bà-la-môn, hay người ấy có thể có một người Vessa là người hầu hạ trung thành, dậy sớm, thức khuya, thi hành mọi mệnh lệnh của chủ, làm đẹp lòng mọi người, lời nói kính ái.

– Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào ? Nếu sự tình là như vậy, thời bốn chủng tánh này là đồng đẳng, hay không đồng đẳng ? Và ở đây Đại vương có ý nghĩ như thế nào ?

– Thật vậy, thưa Tôn giả Kaccana, nếu sự tình là như vậy thời bốn chủng tánh này là đồng đẳng. Ở đây, tôi không thấy có sự sai biệt gì.

– Do pháp môn này, thưa Đại vương, vấn đề này cần phải được hiểu như âm thanh ở trên đời (câu nói): "Chỉ có Bà-la-môn là chủng tánh tối thượng, các chủng tánh khác là hạ liệt... (như trên)... thừa tự Phạm thiên. Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào ? Ở đây, có người Khattiya sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong dâm dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham dục, sân hận, tà kiến, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy có sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục không, hay không phải thác sanh ? Hay ở đây Đại vương nghĩ thế nào ?

– Người Khattiya, thưa Tôn giả Kaccana, sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong dâm dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham dục, sân hận, tà kiến, sau khi thân hoại mạng chung có thể sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Ở đây, đối với tôi là vậy, và như vậy là điều tôi đã nghe từ các vị A-la-hán.

– Lành thay ! lành thay, thưa Đại vương ! Lành thay Đại vương ! Ở đây, đối với Đại vương là vậy, và lành thay như vậy là điều Đại vương đã được nghe từ các vị A-la-hán. Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào ? Ở đây, có người Bà-la-môn; ở đây, có người Vessa; ở đây, có người Sudda sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong dâm dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham dục, sân hận, tà kiến sau khi thân hoại mạng chung, có sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục không, hay không phải thác sanh ? Hay ở đây, Đại vương nghĩ thế nào ?

– Người Sudda, thưa Tôn giả Kaccana, sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời ác ngữ, nói lời phù phiếm, tham dục, sân hận, tà kiến, sau khi thân hoại mạng chung có thể sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Ở đây, đối với tôi là vậy, và như vậy là điều tôi đã nghe từ các vị A-la-hán.

– Lành thay, lành thay, thưa Đại vương ! Lành thay, Đại vương ! Ở đây, đối với Đại vương là vậy, và lành thay như vậy là điều Đại vương đã được nghe từ các vị A-la-hán. Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào ? Nếu sự tình là như vậy, thời bốn chủng tánh này là đồng đẳng, hay không đồng đẳng ? Và ở đây, Đại vương có ý nghĩ như thế nào ?

– Thật vậy, thưa Tôn giả Kaccana, nếu sự tình là như vậy thời bốn chủng tánh này là đồng đẳng. Ở đây, tôi không thấy có sự sai biệt gì.

– Do pháp môn này, thưa Đại vương, vấn đề này cần phải được hiểu như âm thanh ở trên đời, (câu nói): "Chỉ có Bà-la-môn là chủng tánh tối thượng, các chủng tánh khác là hạ liệt... (như trên)... thừa tự Phạm thiên. Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào ? Ở đây, có người Khattiya từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, từ bỏ tham dục, từ bỏ sân hận, có chánh kiến, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy có thể sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này không, hay không thể thác sanh? Hay ở đây, Đại vương nghĩ thế nào ?

– Người Khattiya, thưa Tôn giả Kaccana, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, từ bỏ tham dục, từ bỏ sân hận, theo chánh kiến, sau khi thân hoại mang chung, người ấy có thể sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Ở đây, đối với tôi là vậy và như vậy là điều tôi đã nghe từ các vị A-la-hán.

– Lành thay, lành thay, thưa Đại vương ! Lành thay, Đại vương. Ở đây, đối với Đại vương là vậy, và lành thay như vậy là điều Đại vương đã được nghe từ các vị A-la-hán. Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào ? Ở đây, nếu có vị Bà-la-môn, ở đây nếu có vị Vessa, ở đây nếu có vị Sudda từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, từ bỏ tham dục, từ bỏ sân hận, theo chánh kiến, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy có thể sanh thiện thú, Thiên giới, cõi đời này hay không, hay không thể thác sanh ? Hay ở đây, Đại vương nghĩ thế nào ?

– Người Sudda, thưa Tôn giả Kaccana, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, từ bỏ tham dục, từ bỏ sân hận, theo chánh kiến, sau khi thân hoại mạng chung, có thể sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Ở đây, đối với tôi là vậy; và như vậy là điều tôi đã nghe các vị A-la-hán.

– Lành thay, lành thay, thưa Đại vương ! Lành thay, Đại vương ! Ở đây, đối với Đại vương là vậy, và lành thay như vậy là điều Đại vương đã được nghe từ các vị A-la-hán. Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào ? Nếu sự tình là như vậy, thời bốn chủng tánh này là đồng đẳng hay không đồng đẳng ? Và ở đây, Đại vương có ý nghĩ thế nào ?

– Thật vậy thưa Tôn giả Kaccana, nếu sự tình là như vậy, thời bốn chủng tánh này là đồng đẳng. Ở đây, tôi không thấy có sự sai biệt gì.

– Do pháp môn này, thưa Đại vương, vấn đề này cần phải được hiểu như âm thanh ở trên đời, (câu nói): "Chỉ có Bà-la-môn là chủng tánh tối thượng, các chủng tánh khác là hạ liệt... (như trên)... là thừa tự Phạm thiên. Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào ? Ở đây, vị Khattiya đột nhập nhà cửa, cướp giật đồ đạc, hành động như kẻ cướp, phục kích các đường lớn hay tư thông vợ người. Và nếu có người bắt người ấy và dẫn người ấy đến trước mặt Đại vương và thưa: "Tâu Đại vương, đây là kẻ ăn trộm đã làm hại đến Đại vương. Nếu Đại vương muốn, hãy hình phạt nó". Hay Đại vương đối xử người ấy như thế nào ?

– Thưa Tôn giả Kaccana, chúng tôi sẽ chém giết người ấy, hay chúng tôi sẽ tra tấn người ấy, chúng tôi sẽ tẩn xuất người ấy hay chúng tôi sẽ áp dụng hình phạt tùy theo tội trạng. Vì sao vậy ? Thưa Tôn giả Kaccana, danh xưng Khattiya mà xưa kia người ấy được gọi đã biến mất. Nay người ấy chỉ được gọi là tên ăn trộm.

– Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào ? Ở đây, người Bà-la-môn; ở đây, người Vessa; ở đây, người Sudda đột nhập nhà cửa, hay cướp giật đồ đạc, hay hành động kẻ cướp, hay phục kích các đường lớn, hay tư thông vợ người. Và nếu có người bắt người ấy, dẫn người ấy đến trước mặt Đại vương và thưa: "Tâu Đại vương, đây là kẻ ăn trộm đã làm hại đến Đại vương. Nếu Đại vương muốn hãy hình phạt nó". Hay Đại vương đối xử với nó như thế nào ?

– Thưa Tôn giả Kaccana, chúng tôi sẽ chém giết người ấy hay chúng tôi sẽ tra tấn người ấy, hay chúng tôi sẽ tẩn xuất người ấy, hay chúng tôi sẽ áp dụng hình phạt tùy theo tội trạng. Vì sao vậy ? Thưa Tôn giả Kaccana, danh xưng Sudda mà xưa kia người ấy được gọi đã biến mất. Nay người ấy chỉ được gọi là tên ăn trộm.

– Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào ? Nếu sự tình là như vậy, thời bốn chủng tánh này là đồng đẳng hay không đồng đẳng ? Và ở đây, Đại vương có ý nghĩ gì?

– Thật vậy, thưa Tôn giả Kaccana, nếu sự tình là như vậy, thời bốn chủng tánh này là đồng đẳng. Ở đây, tôi không thấy có sự sai biệt gì.

– Do pháp môn này, thưa Đại vương, vấn đề này cần phải được hiểu như âm thanh ở trên đời, (câu nói): "Chỉ có Bà-la-môn là chủng tánh tối thượng, các chủng tánh khác là hạ liệt... (như trên).... là thừa tự Phạm thiên". Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào ? Ở đây, vị Khattiya, sau khi cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ nói láo, chỉ ăn một bữa, sống Phạm hạnh, trì giới luật, trì thiện pháp; Đại vương đối xử với vị ấy như thế nào ?

– Thưa Tôn giả Kaccana, tôi sẽ đảnh lễ hay đứng dậy, hay mời chỗ ngồi, hay cúng dường vị ấy bốn loại đồ dùng như y phục, ẩm thực, sàng tọa, y dược trị bệnh, hay chúng tôi sắp đặt sự bảo vệ hộ trì, che chở đúng pháp. Vì sao vậy ? Thưa Tôn giả Kaccana, danh xưng Khattiya mà xưa kia vị ấy được gọi đã biến mất. Nay vị ấy chỉ được gọi là một vị Sa-môn.

– Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào ? Ở đây, người Bà-la-môn, ở đây người Vessa, ở đây người Sudda sau khi cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ nói láo, ăn một ngày một bữa, sống Phạm hạnh, trì giới luật, trì thiện pháp; Đại vương đối xử với vị ấy như thế nào ?

– Thưa Tôn giả Kaccana, tôi sẽ đảnh lễ, hay đứng dậy, hay mời chỗ ngồi, hay cúng dường vị ấy bốn loại đồ dùng, như y phục, ẩm thực, sàng tọa, y dược trị bệnh, hay chúng tôi sắp đặt sự bảo vệ, hộ trì, che chở đúng pháp. Vì sao vậy ? Thưa Tôn giả Kaccana, danh xưng Sudda, mà xưa kia vị ấy được gọi đã biến mất. Nay vị ấy chỉ được gọi là một vị Sa-môn.

– Thưa Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào ? Nếu sự tình là như vậy, thời bốn chủng tánh này là đổng đẳng hay không đồng đẳng ? Và Đại vương, ở đây, Đại vương có ý nghĩ thế nào ?

– Thật vậy, thưa Tôn giả Kaccana, nếu sự tình là như vậy, thời bốn chủng tánh này là đồng đẳng. Ở đây, tôi không thấy có sự sai biệt gì.

– Do pháp môn này, thưa Đại vương, vấn đề này cần phải hiểu như âm thanh ở trên đời, (câu nói): "Chỉ có Bà-la-môn là chủng tánh tối thượng, các chủng tánh khác là hạ liệt; chỉ có Bà-la-môn là bạch chủng, các chủng tánh khác là hắc chủng, chỉ có Bà-la-môn là thanh tịnh, các chủng tánh phi Bà-la-môn không phải như vậy. Các Bà-la-môn là con Phạm thiên. Các Bà-la-môn là con chính tông của Phạm thiên, sanh ra từ miệng, sanh ra từ Phạm thiên, thừa tự Phạm thiên".

Khi được nói vậy, vua Madhura Avantiputta thưa với Tôn giả Mahakaccana:

– Thật vi diệu thay, Tôn giả Kaccana ! Thật vi diệu thay, Tôn giả Kaccana ! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho những người đi lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Kaccana dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Con xin quy y Tôn giả Kaccana, quy y Pháp, quy y Tỷ-kheo Tăng. Mong Tôn giả Kaccana nhận con làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

– Thưa Đại vương, Đại vương chớ có quy y tôi, Đại vương hãy quy y Thế Tôn, chính tôi đã quy y Thế Tôn.

– Thưa Tôn giả Kaccana, nay bậc Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy trú ở đâu ?

– Bậc Thế Tôn ấy, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, nay đã nhập Niết-bàn rồi, thưa Đại vương.

– Thưa Tôn giả Kaccana, nếu chúng tôi được nghe Thế Tôn ở xa mười yojana (do tuần), chúng tôi sẽ đi mười yojana để yết kiến Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Thưa Tôn giả Kaccana, nếu chúng tôi được nghe Thế Tôn ở xa hai mươi yojana, ba mươi yojana, bốn mươi yojana, năm mươi yojana, chúng tôi sẽ đi năm mươi yojana, để yết kiến Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Thưa Tôn giả Kaccana, vì rằng Thế Tôn đã nhập Niết-bàn rồi, chúng tôi xin quy y Thế Tôn đã nhập Niết-bàn ấy, quy y Pháp, quy y Tỷ-kheo Tăng. Mong Tôn giả Kaccana nhận con làm Cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.


Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn sống giữa dân chúng Bhagga, tại Sunsumaragira, rừng Bhesakala, vườn Lộc Uyển. Lúc bấy giờ, vương tử Bodhi có một ngôi lâu đài tên Kokanada dựng lên không bao lâu và chưa được một Sa-môn, một Bà-la-môn hay một hạng người nào ở cả. Rồi vương tử Bodhi gọi thanh niên Sanjikaputta và nói:

– Này Sanjikaputta, hãy đi đến Thế Tôn, sau khi đến, hãy nhân danh ta cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, hỏi Thế Tôn có ít bệnh, ít não, khinh an, lạc trú, và thưa: "Bạch Thế Tôn, vương tử Bodhi cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, hỏi thăm Thế Tôn có ít bệnh, ít não, khinh an, lạc trú, và bạch như sau: Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn nhận lời mời của vương tử Bodhi, ngày mai dùng cơm cùng với chúng Tỷ-kheo".

– Thưa vâng, Tôn giả.

Thanh niên Sanjikaputta vâng đáp vương tử Bodhi, đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm. Và sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Thanh niên Sanjikaputta đang ngồi một bên và bạch Thế Tôn:

– Thưa Tôn giả Gotama, vương tử Bodhi cúi đầu đảnh lễ chân Tôn giả Gotama, hỏi thăm có ít bệnh, ít não, khinh an, lạc trú và thưa như sau: "Mong Tôn giả Gotama nhận lời mời của vương tử Bodhi, ngày mai dùng cơm cùng với chúng Tỷ-kheo".

Thế Tôn im lặng nhận lời. Rồi thanh niên Sanjikaputta, sau khi biết được Thế Tôn đã nhận lời, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến vương tử Bodhi, sau khi đến, thưa với vương tử Bodhi:

– Chúng tôi đã nhân danh Tôn giả, bạch lên Thế Tôn Gotama như sau: "Thưa Tôn giả Gotama, vương tử Bodhi cúi đầu đảnh lễ chân Tôn giả Gotama, hỏi thăm có ít bệnh, ít não, khinh an, lạc trú, và thưa như sau: "Mong Tôn giả Gotama nhận lời mời của vương tử Bodhi, ngày mai dùng cơm cùng với chúng Tỷ-kheo". Và Sa-môn Gotama đã nhận lời.

Rồi vương tử Bodhi, sau khi đêm ấy đã mãn, tại trú xá của mình cho sửa soạn các món ăn thượng vị loại cứng và loại mềm, và cho trải vải trắng lâu đài Kokanada cho đến tầm cấp thấp nhất (pacchima), rồi gọi thanh niên Sanjikaputta:

– Này Thanh niên Sanjikaputta, hãy đi đến Thế Tôn, sau khi đến, hãy báo giờ cho Thế Tôn được biết: "Bạch Thế Tôn, đã đến giờ, cơm đã sẵn sàng".

Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát đi đến trú xá của vương tử Bodhi. Lúc bấy giờ, vương tử Bodhi chờ đón Thế Tôn đến, đang đứng ở cửa ngoài. Vương tử Bodhi thấy Thế Tôn từ xa đi đến, sau khi thấy, liền tiến đến đón, đảnh lễ Thế Tôn, đi đầu hướng dẫn đến lâu đài Kokanada. Rồi Thế Tôn đứng sát vào tầm cấp thấp nhất. Vương tử Bodhi bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy bước lên trên vải, Thiện Thệ hãy bước lên trên vải, để con được hạnh phúc, an lạc lâu dài.

Được nghe nói vậy, Thế Tôn im lặng. Lần thứ hai, vương tử Bodhi bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy bước lên trên vải, Thiện Thệ hãy bước lên trên vải, để cho con được hạnh phúc, an lạc lâu dài.

Lần thứ hai, Thế Tôn im lặng. Lần thứ ba, vương tử Bodhi bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, ... (như trên)... an lạc lâu dài.

Rồi Thế Tôn nhìn Tôn giả Ananda. Tôn giả Ananda thưa với vương tử Bodhi:

– Thưa vương tử, hãy cho cuộn lại tấm vải, Thế Tôn không có đi bộ trên vải, Như Lai còn nghĩ đến những người thấp kém.

Rồi vương tử Bodhi cho cuộn lại tấm vải, cho sửa soạn các chỗ ngồi tại tầng trên lầu Kokanada. Rồi Thế Tôn bước lên lâu đài Kokanada, và ngồi trên ghế đã soạn sẵn với chúng Tỷ-kheo. Rồi vương tử Bodhi tự tay mời chúng Tỷ-kheo với đức Phật là vị cầm đầu và làm cho thỏa mãn với các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm. Vương tử Bodhi, khi Thế Tôn ăn xong, tay đã rời khỏi bát, liền lấy một ghế thấp và ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, vương tử Bodhi bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, con nghĩ như sau: "Lạc được chứng đắc không phải do lạc, lạc được chứng đắc do khổ".

– Này Vương tử, trước khi giác ngộ, thành bậc Chánh Đẳng Giác, khi còn là vị Bồ Tát, Ta nghĩ như sau: "Lạc được chứng đắc không phải do lạc, lạc được chứng đắc do khổ. Và Ta, này Vương tử, sau một thời gian, khi còn niên thiếu, non trẻ, tóc đen nhánh...,(như Tập I, Kinh Thánh Cầu, từ trang 367 đến trang 373, thay thế "Này các Tỷ-kheo" với "Này Vương tử".)... và nghĩ: "Thật là vừa đủ để tinh tấn".

Nhưng này Vương tử, có thí dụ khởi lên nơi Ta..., (như Tập I, Đại Kinh Saccaka, từ trang 529 đến trang 543, thay thế "Này Aggivesana" với "Này Vương tử")... sống nhiệt tâm, tinh cần".

Rồi này Vương tử, Ta suy nghĩ như sau: "Pháp này do Ta chứng được thật thâm sâu... (như Tập I, Kinh Thánh Cầu từ 374 đến trang 386, thay thế "Này các Tỷ-kheo" với "Này Vương tử"... Sáu người sống, với các đồ ăn mà hai Tỳ Kheo này khất thực đem về. Như vậy, này Vương tử, chúng năm vị Tỷ-kheo được Ta giáo giới như vậy, giáo huấn như vậy, không bao lâu chứng được với thượng trí ngay trong hiện tại, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô thượng cứu cánh Phạm hạnh mà con cháu các lương gia xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến.

Khi được nói vậy, vương tử Bodhi bạch Thế Tôn:

– Độ bao lâu, bạch Thế Tôn, một vị Tỷ-kheo chấp nhận Như Lai là vị lãnh đạo, chứng được mục đích tối cao... (như trên)... và an trú.

– Này Vương tử, ở đây, Ta sẽ hỏi Vương tử. Tùy theo Vương tử có thể kham nhẫn, Vương tử hãy trả lời. Này vương tử, Vương tử nghĩ thế nào ? Vương tử có thiện xảo trong nghề cưỡi voi và trong kỹ thuật dùng câu móc không ?

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn, con thiện xảo trong nghề cưỡi voi và kỹ thuật dùng câu móc.

– Này Vương tử, Vương tử nghĩ thế nào ? Ở đây có người đến và nói: "Vương tử Bodhi biết kỹ thuật cưỡi voi và dùng câu móc. Tôi sẽ học kỹ thuật cưỡi voi và dùng câu móc với Vương tử". Nếu người ấy không có lòng tin, thời những gì lòng tin có thể đạt được, người ấy không thể đạt được. Nếu người ấy nhiều bệnh, thời những gì ít bệnh có thể đạt được, người ấy không thể đạt được. Nếu người ấy gian trá, xảo trá, thời những gì không gian trá, không xảo trá có thể đạt được, người ấy không đạt được. Nếu người ấy biếng nhác, thời những gì tinh tấn, cần mẫn có thể đạt được, người ấy không đạt được. Nếu người ấy có liệt tuệ, thời những gì trí tuệ có thể đạt được, người ấy không đạt được. Này Vương tử, Vương tử nghĩ thế nào ? Người ấy có thể học kỹ thuật cỡi voi và dùng câu móc với Vương tử không ?

– Bạch Thế Tôn, người ấy, dầu thành tựu chỉ một đức tánh, người ấy cũng không có thể học kỹ thuật cỡi voi và dùng câu móc với con; huống chi (nếu người ấy thành tựu) cả năm đức tánh !

– Này Vương tử, Vương tử nghĩ thế nào ? Ở đây, có người đến và nói: "Vương tử Bodhi biết kỹ thuật cỡi voi và dùng câu móc. Tôi sẽ học kỹ thuật cưỡi voi và dùng câu móc với Vương tử". Nếu người ấy có lòng tin, thời những gì lòng tin có thể đạt được, người ấy đạt được. Nếu người ấy ít bệnh, thời những gì ít bệnh có thể đạt được, người ấy đạt được. Nếu người ấy không gian trá, không xảo trá, thời những gì không gian trá, không xảo trá có thể đạt được, người ấy đạt được. Nếu người ấy tinh tấn, cần mẫn, thời những gì tinh tấn, cần mẫn có thể đạt được, người ấy đạt được. Nếu người ấy có trí tuệ, thời những gì trí tuệ có thể đạt được, người ấy đạt được. Này Vương tử, Vương tử nghĩ thế nào ? Người ấy có thể học kỹ thuật cỡi voi và dùng câu móc với Vương tử không ?

– Bạch Thế Tôn, người ấy, dầu cho thành tựu chỉ một đức tánh, cũng có thể học kỹ thuật cỡi voi và dùng câu móc với con; huống chi (nếu người ấy thành tựu) cả năm đức tánh.

– Cũng vậy, này Vương tử, có năm tinh tấn chi này. Thế nào là năm ? Ở đây, này Vương tử, vị Tỷ-kheo có lòng tin, tin tưởng sự giác ngộ của Như Lai. Ngài là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Vị ấy ít bệnh, ít não, với bộ tiêu hóa được điều hòa, không quá lạnh, không quá nóng, trung bình, hợp với tinh tấn. Vị ấy không gian trá, xảo trá, tự mình xử sự như chơn đối với bậc Đạo sư, đối với các vị có trí hay đối với các vị đồng Phạm hạnh. Vị ấy sống tinh cần, tinh tấn từ bỏ các bất thiện pháp, làm cho khởi lên các thiện pháp, kiên cố, kiên trì, không từ bỏ gánh nặng đối với các thiện pháp. Vị ấy có trí tuệ thành tựu trí tuệ về sự sanh diệt (của các pháp), với sự thể nhập bậc Thánh đưa đến sự chơn chánh đoạn diệt khổ đau. Này Vương Tử, như vậy là năm tinh cần chi. Này Vương tử, vị Tỷ-kheo thành tựu năm tinh cần chi này, chấp nhận Như Lai là bậc lãnh đạo, sau khi đã tự chứng tri với thượng trí ngay trong hiện tại vô thượng cứu cánh Phạm hạnh mà vì mục đích này các Thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, và vị ấy có thể chứng ngộ, chứng đạt và an trú trong bảy năm. Này Vương tử, đừng nói chi bảy năm, một vị Tỷ-kheo thành tựu năm tinh cần chi này... (như trên)... và an trú sáu năm... (như trên)... năm năm, bốn năm, ba năm, hai năm, một năm. Này Vương tử, đừng nói chi một năm, một Tỷ-kheo thành tựu năm tinh cần chi này... (như trên)... và an trú bảy tháng. Này Vương tử, đừng nói chi bảy tháng, một Tỷ-kheo thành tựu năm tinh cần chi này... (như trên)... và an trú ngay trong sáu tháng... (như trên)... trong năm tháng, bốn tháng, ba tháng, hai tháng, một tháng, nửa tháng. Này Vương tử, đừng nói chi nửa tháng, một Tỷ-kheo thành tựu năm tinh cần chi này... (như trên)... và an trú trong bảy đêm ngày. Này Vương tử, đừng nói chi bảy đêm ngày, Tỷ-kheo thành tựu năm tinh cần chi này sáu đêm ngày... (như trên)... năm đêm ngày, bốn đêm ngày, ba đêm ngày, hai đêm ngày, một đêm ngày. Này Vương tử, đừng nói chi một đêm ngày, một Tỷ-kheo thành tựu năm tinh cần chi này, chấp nhận Như Lai là bậc lãnh đạo, nếu được giảng dạy buổi chiều thời chứng được sự thù thắng buổi sáng, nếu được giảng dạy buổi sáng, thời sẽ chứng được sự thù thắng buổi chiều.

Khi được nghe nói vậy, Vương tử Bodhi bạch Thế Tôn:

– Ôi, thật là Phật ! Ôi, thật là Pháp ! Ôi, thật là khéo thuyết pháp thay ! Nếu được giảng dạy buổi chiều thời chứng được sự thù thắng buổi sáng, nếu được giảng dạy buổi sáng thời chứng được sự thù thắng buổi chiều.

Khi nghe nói vậy, thanh niên Sanjikaputta thưa với Vương tử Bodhi:

– Như vậy, Tôn giả Bodhi này đã nói: "Ôi, thật là Phật ! Ôi, thật là Pháp ! Ôi, thật là khéo thuyết pháp thay ! " Nhưng Vương tử không nói thêm: "Tôi quy y Tôn giả Gotama này, quy y Pháp và quy y Tỷ-kheo Tăng".

– Này Sanjikaputta, chớ có nói như vậy ! Này Sanjikaputta, chớ có nói như vậy ! Này Sanjikaputta, mặt trước mặt đối diện với mẫu thân của ta, ta tự nghe như sau: "Một thời, này Sanjikaputta, Thế Tôn trú ở Kosambi, tại tu viện Ghosita. Mẫu thân ta đang mang thai, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, mẫu thân ta bạch với Thế Tôn: "Bạch Thế Tôn, đứa con này của con, dù là con trai hay con gái, cũng xin quy y với Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Thế Tôn nhận nó làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, nó trọn đời quy ngưỡng". Lại một thời, này Sanjikaputta, Thế Tôn trú giữa dân chúng Bhagga, tại Sumsumaragira, rừng Bhesakala, vườn Lộc Uyển. Rồi người vú của ta, ẳm ta bên hông, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Đứng một bên, người vú của ta bạch Thế Tôn: "Bạch Thế Tôn, vương tử Bodhi nay xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Thế Tôn nhận vương tử này làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, xin trọn đời quy ngưỡng". Và nay, này Sanjikaputta, lần thứ ba ta quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo. "Mong Thế Tôn nhận con làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng".


86. KINH ANGULIMALA [^]

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú tại Savatthi, Jetavana, ở tinh xá ông Anthapindika. Lúc bấy giờ, trong lãnh thổ của quốc vương Pasenadi (Ba-tư-nặc), nước Kosala, có tên cướp Angulimala một thợ săn, tay vấy máu, sát hại, bạo tàn, không có lòng từ mẫn đối với chúng sanh. Vì nó, các làng trở thành không làng, các thị trấn trở thành không thị trấn, quốc độ trở thành không quốc độ. Do nó luôn luôn giết người, nó mang một vòng hoa làm bằng ngón tay người. Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, vào Savatthi để khất thực. Sau khi khất thực ở Savatthi, ăn xong, dọn dẹp sàng tọa, cầm y bát, Ngài quay trở về và đi trên con đường dẫn đến tên cướp Angulimala. Các người chăn bò, các người chăn thú, các người làm ruộng, các người bộ hành (padhavino ?) thấy Thế Tôn đang đi trên con đường dẫn đến tên cướp Angulimala, thấy vậy liền bạch Thế Tôn: "Thưa Sa-môn, chớ có đi trên con đường này. Thưa Sa-môn, trên con đường này có tên cướp Angulimala, là một thợ săn, tay vấy máu, sát hại, bạo tàn, không có lòng từ mẫn đối với chúng sanh. Vì nó, các làng trở thành không làng, các thị trấn trở thành không thị trấn, các quốc độ trở thành không quốc độ. Do nó luôn luôn giết người, nó mang một vòng hoa làm bằng ngón tay người. Thưa Sa-môn, trên đường này, có mười người, hai mươi người, ba mươi người, bốn mươi người tụ họp lại, tụ họp lại rồi cùng đi. Tuy vậy, họ vẫn rơi vào tay của tên cướp Angulimala". Được nghe nói vậy, Thế Tôn giữ im lặng, vẫn tiếp tục đi.

Lần thứ hai, các người chăn bò, các người chăn thú, các người làm ruộng, các người đi đường bạch Thế Tôn: "Thưa Sa-môn, chớ có đi con đường ấy... (như trên)... rơi vào tay của tên cướp Angulimala". Lần thứ hai, Thế Tôn giữ im lặng, vẫn tiếp tục đi.

Lần thứ ba, các người chăn bò, các người chăn thú, các người làm ruộng, các người đi đường bạch Thế Tôn: "Thưa Sa-môn, chớ có đi con đường ấy... (như trên)... rơi vào tay của tên cướp Angulimala". Thế Tôn giữ im lặng, vẫn tiếp tục đi.

Tên cướp Angulimala thấy Thế Tôn từ xa đi lại, sau khi thấy liền nghĩ: "Thật vi diệu thay ! Thật hy hữu thay ! Con đường này, cho đến mười người, hai mươi người, ba mươi người, bốn mươi người, năm mươi người tụ họp lại, tụ họp lại rồi cùng đi; tuy vậy, chúng vẫn rơi vào tay của ta. Nay người Sa-môn này, chỉ có một mình, không có người thứ hai, lại đi đến, hình như do một sức mạnh gì ? Vậy ta giết hại mạng sống của người Sa-môn này ! " Rồi tên cướp Angulimala lấy kiếm và tấm khiên, đeo cung và tên vào, và đi theo sau lưng Thế Tôn. Rồi Thế Tôn hiện thần thông lực một cách làm cho tên cướp Angulimala, dầu cho đi với tất cả tốc lực của nó cũng không có thể bắt kịp Thế Tôn đang đi với tốc lực bình thường. Rồi tên cướp Angulimala suy nghĩ: "Thật vi diệu thay ! Thật hy hữu thay ! Ta trước đây đuổi theo con voi đang chạy và bắt kịp nó, đuổi theo con ngựa đang chạy và bắt kịp nó, đuổi theo chiếc xe đang chạy và bắt kịp nó, đuổi theo con nai đang chạy và bắt kịp nó. Nay dẫu ta đi với tất cả tốc lực của ta cũng không thể bắt kịp Sa-môn này đang đi với tốc lực bình thường". Nó thưa với Thế Tôn:

– Hãy đứng lại, Sa-môn ! Hãy đứng lại, Sa-môn !

– Ta đã đứng rồi, này Angulimala ! Và Ngươi hãy đứng lại !

Rồi tên cướp Angulimala suy nghĩ: "Những Sa-môn Thích Tử này là những người nói sự thật và chấp nhận sự thật. Và Sa-môn này dẫu cho đang đi lại nói: "Ta đã đứng rồi, này Angulimala ! Và Ngươi hãy đứng lại". Vậy ta hãy hỏi vị Sa-môn này". Rồi tên cướp Angulimala với bài kệ nói với Thế Tôn:

– Người đi lại nói: "Ta đã đứng rồi",
Ta đứng, Ngươi nói: "Sao ta không đứng ?"
Sa-môn, ta hỏi về ý nghĩa này,
Sao Ngươi đứng lại, còn ta không đứng ?
– Angulimala, Ta đã đứng rồi.
Với mọi chúng sanh, Ta bỏ trượng, kiếm,
Còn Ngươi hữu tình, không tự kiềm chế,
Do vậy, Ta đứng, còn Ngươi chưa đứng.
– Đã lâu tôi kính, bậc Đại Tiên Nhân,
Nay Sa-môn này bước vào Đại Lâm.
Không lâu, tôi sẽ đoạn trừ ác pháp,
Sau khi được nghe pháp kệ của Ngài.
Nói xong tên cướp liền quăng bỏ kiếm,
Quăng bỏ khí giới xuống vực thâm sâu,
Tên cướp đảnh lễ dưới chân Thiện Thệ,
Ngay tại chỗ ấy, xin được xuất gia.
Đức Phật từ bi, bậc Đại Tiên Nhân,
Đạo Sư Nhân giới, cùng với Thiên giới,
Ngài đã trả lời: "Thiện lai Tỷ-kheo".
Uy đức Tỷ-kheo được Ngài xác chứng.

Rồi Thế Tôn cùng Tôn giả Angulimala là Sa-môn tùy tùng, bắt đầu du hành đi đến Savatthi, và tuần tự du hành, Thế Tôn đến Savatthi. Ở đây, Thế Tôn trú tại Savatthi, Jetavana, tại tinh xá ông Anthapindika. Lúc bấy giờ, tại cửa nội cung vua Pasenadi nước Kosala, một số đông quần chúng tụ họp lại, cao tiếng, lớn tiếng nói lên: "Tâu Đại vương, trong lãnh thổ Đại vương, có tên cướp tên Angulimala, là tên thợ săn, bàn tay vấy máu, sát hại, bạo tàn, không có lòng từ mẫn đối với chúng sanh. Do vì nó, các làng trở thành không làng, thị trấn trở thành không thị trấn, quốc độ trở thành không quốc độ. Do nó luôn luôn giết người, nó mang một vòng hoa làm bằng ngón tay người. Đại vương hãy tẩn xuất nó".

Rồi vua Pasenadi nước Kosala, với khoảng năm trăm con ngựa, sáng sớm đi ra khỏi Savatthi, đi đến tinh xá, đi xe đến chỗ nào còn đi xe được, rồi vua xuống xe, đi bộ đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với vua Pasenadi xứ Kosala đang ngồi một bên:

– Thưa Đại vương, có phải vua Seniya Bimbisara nước Magadha tức giận với Đại vương, hay các người Licchavi ở Vesali, hay một địch vương nào khác ?

– Bạch Thế Tôn, vua Seniya Bimbisara xứ Magadha không có tức giận với con, không phải các người Licchavi ở Vesali, cũng không phải có địch vương nào khác. Bạch Thế Tôn, trong lãnh thổ của con, có tên cướp tên là Angulimala, một tên thợ săn, bàn tay vấy máu, sát hại, bạo tàn, không có lòng từ mẫn đối với chúng sanh. Vì nó, các làng trở thành không làng, các thị trấn trở thành không thị trấn, các quốc độ trở thành không quốc độ. Bạch Thế Tôn, nhưng con không có thể tẩn xuất nó được (napatisedhissami).

– Thưa Đại vương, nếu Đại vương được thấy Angulimala cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ nói láo, ăn một ngày một bữa, sống Phạm hạnh, giữ giới, hành trì thiện pháp. Đại vương sẽ làm gì với Angulimala ?

– Bạch Thế Tôn, con sẽ đảnh lễ, hay đứng dậy, hay đưa ghế mời ngồi, hay lo liệu bốn sự cúng dường Angulimala, tức là y phục, ẩm thực, sàng tọa và dược phẩm trị bệnh, hay chúng con bảo vệ, hộ trì đúng pháp. Nhưng Bạch Thế Tôn, từ đâu một người phá giới, làm các ác pháp lại có thể trở thành giữ giới, biết chế ngự như vậy ?

Lúc bấy giờ tôn giả Angulimala ngồi không xa Thế Tôn bao nhiêu. Rồi Thế Tôn duỗi cánh tay mặt và nói với vua Pasenadi:

– Thưa Đại vương, đây là Angulimala.

Vua Pasenadi nước Kosala liền hoảng sợ, run sợ, lông tóc dựng ngược. Thế Tôn biết được vua Pasenadi nước Kosala, hoảng sợ, khiếp sợ, lông tóc dựng ngược, bèn nói với vua Pasenadi, nước Kosala:

– Chớ có sợ hãi, thưa Đại vương ! Chớ có sợ hãi, thưa Đại vương. Ở đây, không có gì đáng sợ hãi cho Đại vương.

Rồi sự hoảng sợ, khiếp sợ, lông tóc dựng ngược của vua Pasenadi, nước Kosala được tan biến. Rồi vua Pasenadi nước Kosala đến Gần Tôn giả Angulimala, sau khi đến, thưa với Tôn giả Angulimala:

– Thưa Tôn giả, có phải Tôn giả là Angulimala ?

– Thưa phải, Đại vương.

– Thưa Tôn giả, phụ thân Tôn giả thuộc dòng họ gì? Mẫu thân thuộc dòng họ gì ?

– Thưa Đại vương, phụ thân tôi thuộc dòng họ Gagga, mẫu thân thuộc dòng họ Mantani.

– Thưa Tôn giả, mong Tôn giả Gagga Mantaniputta được hoan hỷ. Tôi sẽ cố gắng lo bốn sự cúng dường là y phục, ẩm thực, sàng tọa, y dược trị bệnh cho tôn giả.

Lúc bấy giờ, Tôn giả Angulimala theo hạnh ở rừng núi, đi khất thực mà ăn, sống chỉ với ba y. Rồi Tôn giả Angulimala nói với vua Pasenadi nước Kosala:

– Thôi vừa rồi, thưa Đại vương, tôi đã đủ ba y.

Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến gần Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn ! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn ! Làm sao Thế Tôn lại nhiếp phục được người không thể nhiếp phục, làm cho an tịnh được người không thể an tịnh, làm cho tịch diệt được người không có thể tịch diệt. Bạch Thế Tôn, đối với người con không thể nhiếp phục với gậy, với kiếm, Thế Tôn đã có thể nhiếp phục được, với không gậy, không kiếm. Bạch Thế Tôn, nay chúng con phải đi. Chúng con có nhiều công việc, có nhiều trách nhiệm phải làm.

– Thưa Đại vương, nay Đại vương hãy làm những gì Đại vương nghĩ là hợp thời.

Rồi vua Pasenadi, nước Kosala, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài và ra đi.

Rồi Tôn giả Angulimala, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát đi vào Savatthi để khất thực. Trong khi đi khất thực từng nhà một ở Savatthi, Tôn giả Angulimala thấy một người đàn bà đang sanh đẻ, rất là nguy kịch và đau đớn. Thấy vậy, Tôn giả suy nghĩ: "Thật đau khổ thay các chúng sanh ! Thật đau khổ thay các chúng sanh ! " Rồi Tôn giả Angulimala, sau khi đi khất thực ở Savatthi, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực trở về, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Angulimala bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, ở đây, con vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào thành Savatthi để khất thực. Bạch Thế Tôn, trong khi đi khất thực từng nhà một ở Savatthi, con thấy một người đàn bà đang sanh đẻ, rất là nguy kịch, đau đớn. Thấy vậy, con suy nghĩ: "Thật đau khổ thay các chúng sanh ! Thật đau khổ thay các chúng sanh ! "

– Này Angulimala, Ông hãy đi đến Savatthi, sau khi đến, nói với người đàn bà ấy như sau: "Này Bà chị, vì rằng tôi từ khi sanh ra chưa bao giờ cố ý giết hại mạng sống của chúng sanh, mong rằng với sự thật ấy, bà được an toàn, và sanh đẻ được an toàn ! "

– Bạch Thế Tôn, nếu làm vậy, thời con là cố ý nói láo. Bạch Thế Tôn, con đã cố ý giết hại mạng sống rất nhiều chúng sanh rồi.

– Vậy thì, này Angulimala, Ông hãy đi đến Savatthi, sau khi đến hãy nói với người đàn bà ấy như sau: "Này Bà chị, vì rằng tôi từ khi được Thánh sanh đến này chưa bao giờ cố ý giết hại mạng sống của chúng sanh, mong rằng với sự thật ấy, bà được an toàn và sanh đẻ được an toàn ! "

– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn giả Angulimala, sau khi vâng đáp Thế Tôn, đi đến Savatthi, sau khi đến nói với người đàn bà ấy như sau: "Thưa Bà chị, vì rằng tôi từ khi được Thánh sanh đến nay chưa bao giờ cố ý giết hại mạng sống của chúng sanh, mong rằng với sự thật ấy, bà được an toàn, và sanh đẻ được an toàn ! " Và người đàn bà được an toàn, sanh đẻ được an toàn. Rồi Tôn giả Angulimala, sống một mình, viễn ly, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, và không bao lâu sau, tự thân chứng ngộ với thắng trí, chứng đắc và an trú ngay trong hiện tại vô thượng cứu cánh Phạm hạnh mà vì mục đích này các Thiện nam tử xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, từ nay không còn trở lui đời này nữa". Vị ấy biết như vậy. Và như vậy, Tôn giả Angulimala trở thành một vị A-la-hán nữa.

Rồi Tôn giả Angulimala buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Savatthi để khất thực. Lúc bấy giờ, một cục đất do một người ném, rơi trên thân Tôn giả Angulimala, rồi một cây gậy do một người khác quăng, rơi trên thân Tôn giả Angulimala, rồi một hòn sỏi do một người khác quăng, rơi trên thân Tôn giả Angulimala. Rồi Tôn giả Angulimala bị lỗ đầu, chảy máu, bình bát bị bể, ngoại y bị rách, đi đến Thế Tôn. Thế Tôn thấy Tôn giả Angulimala từ xa đi đến, thấy vậy, liền nói với Tôn giả Angulimala: "Hãy kham nhẫn, này Bà-la-môn ! Hãy kham nhẫn, này Bà-la-môn ! Ông đang gặt hái ngay trong hiện tại quả báo của nghiệp mà đáng lẽ Ông phải chịu nấu sôi ở địa ngục nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm".

Rồi Tôn giả Angulimala sống độc cư, Thiền tịnh, cảm thọ được giải thoát lạc, và trong lúc ấy nói lên lời cảm khái sau đây:

"Ai trước phóng dật, sau không phóng dật,
Sáng chói đời này, như trăng thoát mây,
Ai làm ác nghiệp, nhờ thiện chận lại,
Sáng chói đời này, như trăng thoát mây.
Niên thiếu Tỷ-kheo trung thành Phật giáo,
Sáng chói đời này, như trăng thoát mây.
Mong kẻ địch ta, nghe giảng Pháp thoại !
Mong kẻ địch ta, trung thành Phật giáo !
Mong kẻ địch ta, thọ lãnh chánh pháp,
(Thân tâm) an tịnh, san sẻ mọi người.
Mong kẻ địch ta, từ bậc Thuyết nhẫn,
Từ bậc Tán thán, vô oán hận tâm.
Thời thời nghe pháp, y pháp hành trì.
Một kẻ như vậy, không có hại ta,
Cũng không làm hại một người nào khác.
Vị ấy sẽ chứng tối thượng tịch tịnh.
Hộ trì mọi người, kẻ tham người không,
Như người dẫn nước, hướng dẫn nước chảy,
Như kẻ làm tên uốn cong thân tên,
Như người thợ mộc uốn nắn cây gỗ.
Kẻ trí tự mình, tự điều phục mình,
Có kẻ được điều bởi gậy, roi, móc,
Riêng Ta được điều không gậy, không kiếm.
(Bởi bậc như vậy).
Ta tên Vô Hại, trước ta sát hại,
Nay được chánh danh, vì chẳng hại ai.
Trước ta được tên Angulimala,
Bị nước thác cuốn, ta quy y Phật.
Trước tay vấy máu, danh xưng (Anguli) mala,
Xem ta quy y, đoạn dây sanh tử,
Làm nghiệp như vậy phải sanh ác thú,
Khi lãnh nghiệp báo, không nợ ta hưởng.
Kẻ ngu vô trí, đam mê phóng dật,
Còn người có trí, giữ không phóng dật,
Như giữ tài sản, tối thượng, tối quý,
Chớ mê phóng dật, chớ mê dục lạc.
Giữ không phóng dật, luôn luôn Thiền định,
Chứng đắc đại lạc, quảng đại vô lượng,
Thiện lai, ta đến, không đi lạc hướng,
Không ai khuyên ta theo tư tưởng ác.
Giữa các chân lý (được khéo) giảng dạy,
Chân lý ta theo, chân lý tối thượng,
Thiện lai ta đến, không đi lạc hướng,
Không ai khuyên ta theo tư tưởng ác,
Ba minh ta chứng, Phật lý viên thành.

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Savatthi, Jetavana, tại tinh xá ông Anathapindika. Lúc bấy giờ con một của một gia chủ, khả ái, đáng thương, bị mệnh chung. Sau khi nó chết, (người cha) không còn muốn làm việc, không còn muốn ăn uống, luôn luôn đi đến nghĩa địa, người ấy than khóc: "Con ở đâu, đứa con một của ta ? Con ở đâu, đứa con một của ta ?" Rồi người gia chủ ấy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với người gia chủ đang ngồi một bên:

– Này Gia chủ, có phải Ông có các căn để an trú tự tâm ông, có phải các căn của Ông đổi khác ?

– Bạch Thế Tôn, sao các căn của con có thể đổi khác được ? Bạch Thế Tôn, đứa con một khả ái, đáng thương của con đã mệnh chung. Sau khi nó chết (con) không còn muốn làm việc, con không còn muốn ăn uống, con luôn luôn đi đến nghĩa địa và than khóc: "Con ở đâu, đứa con một của ta ? Con ở đâu, đứa con một của ta ?"

– Sự thật là như vậy, này Gia chủ, vì rằng, này Gia chủ, sầu, bi, khổ, ưu não do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái.

– Nhưng đối với ai, bạch Thế Tôn, sự tình sẽ như vậy: "Sầu, bi, khổ, ưu, não do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái ?" Vì rằng, bạch Thế Tôn hỷ lạc (anandasomanassa) do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái.

Rồi người gia chủ, không hoan hỷ lời Thế Tôn dạy, chống báng lại, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

Lúc bấy giờ, một số người đánh bạc đang chơi đổ nhứt lục không xa Thế Tôn bao nhiêu. Người gia chủ kia, đi đến những người đánh bạc ấy, sau khi đến nói với những người ấy như sau:

– Này Quý vị, ở đây tôi đi đến Sa-môn Gotama, sau khi đến, đảnh lễ Sa-môn Gotama rồi ngồi xuống một bên. Này Quý vị, Sa-môn Gotama nói với tôi đang ngồi một bên:

– "Này Gia chủ, có phải Ông có các căn để an trú tự tâm ông. Có phải các căn của Ông đổi khác ?" Này Quý vị, được nghe nói vậy tôi nói với Sa-môn Gotama:

– "Bạch Thế Tôn sao các căn của con có thể đổi khác được. Bạch Thế Tôn, đứa con một khả ái, đáng thương của con đã mệnh chung. Sau khi nó chết, con không còn muốn làm việc, con không còn muốn ăn uống, con luôn luôn đi đến nghĩa địa và than khóc: "Con ở đâu, đứa con một của ta ? Con ở đâu, đứa con một của ta ?"

– "Sự thật là như vậy, này Gia chủ. Vì rằng, này Gia chủ, sầu, bi, khổ, ưu, não, do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái".

– "Nhưng đối với ai, bạch Thế Tôn, sự tình sẽ như vậy ! "Sầu, bi, khổ, ưu, não do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái". Vì rằng bạch Thế Tôn, hỷ lạc do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái". Này Quý vị, không hoan hỷ lời Thế Tôn dạy, ta chống báng lại, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

– Sự thật là như vậy, này Gia Chủ ! Sự thật là như vậy này Gia chủ ! Này Gia chủ, hỷ lạc do ái sanh, hiện hữu từ nơi ái.

Rồi người gia chủ suy nghĩ: "Có sự đồng ý giữa ta và những người đánh bạc, " rồi bỏ đi. Và cuộc đối thoại ấy dần dần được truyền đi và truyền đến trong nội cung. Rồi vua Pasenadi xứ Kosala cho gọi hoàng hậu Mallika:

– Này Mallika, đây là lời Sa-môn Gotama nói với các người ấy: "Sầu, bi, khổ, ưu, não do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái".

– Tâu Đại vương, nếu Thế Tôn đã dạy như vậy, thì sự việc là như vậy.

– Điều gì Sa-môn Gotama nói, Mallika này cũng nói theo. Vì Mallika quá hoan hỷ với Sa-môn Gotama. Vì vị Đạo sư nói gì cho đệ tử, và đệ tử quá hoan hỷ với vị Đạo sư nên nói: "Sự thật là vậy, thưa Đạo sư ! Sự thật là như vậy, thưa Đạo sư". Cũng vậy, này Mallika, điều gì Sa-môn Gotama nói, Hoàng hậu quá hoan hỷ với Sa-môn Gotama nên đã nói: "Nếu Thế Tôn đã nói như vậy thời sự việc là vậy". Hãy đi đi, Mallika, hãy đi đi !

Rồi hoàng hậu Mallika cho gọi Bà-la-môn Nalijangha và nói:

– Này Bà-la-môn, hãy đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nhân danh ta cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, hỏi có ít bệnh, ít não, khinh an, khí lực sung mãn, lạc trú, và thưa: "Bạch Thế Tôn, hoàng hậu Mallika cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, hỏi thăm Thế Tôn có ít bệnh, ít não, khinh an, khí lực sung mãn lạc trú không, và thưa như sau: "Bạch Thế Tôn, có phải Thế Tôn đã nói như sau: Sầu, bi, khổ, ưu, não do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái". Và nếu Thế Tôn trả lời Ông như thế nào, hãy khéo nắm giữ và nói lại với ta. Vì các Như Lai không nói phản lại sự thật.

– Thưa vâng, tâu Hoàng hậu.

Bà-la-môn Nalijangha vâng đáp hoàng hậu Mallika, đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên những lời chào đón hỏi thăm với Thế Tôn, Và sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Nalijangha Bạch Thế Tôn:

– Thưa Tôn giả Gotama, hoàng hậu Mallika cúi đầu đảnh lễ chân Sa-môn Gotama, hỏi thăm có ít bệnh, ít não, khinh an, khí lực sung mãn, lạc trú và thưa như sau: "Bạch Thế Tôn, có phải Thế Tôn đã nói như sau: "Sầu, bi, khổ, ưu, não do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái" ?

– Thật sự là như vậy, này Bà-la-môn. Thật sự là như vậy, này Bà-la-môn. Này Bà-la-môn, sầu, bi, khổ, ưu, não do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái.

Này Bà-la-môn, đây là một pháp môn, do pháp môn này, cần phải được hiểu là sầu, bi, khổ, ưu, não do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái. Này Bà-la-môn, thuở xưa, ở tại Savatthi này, bà mẹ của một người đàn bà mệnh chung. Từ khi bà ta mệnh chung, người đàn bà này phát điên cuồng, tâm tư hỗn loạn, đi từ đường này qua đường khác, từ ngã tư đường này qua ngã tư đường khác và nói: "Người có thấy mẹ tôi đâu không ? Người có thấy mẹ tôi đâu không ?"

Này Bà-la-môn, đây là một pháp môn, do pháp môn này, cần phải được hiểu là sầu, bi, khổ, ưu não do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái. Này Bà-la-môn, thuở xưa, ở tại Savatthi này, người cha của một người đàn bà mệnh chung... (như trên)..., người anh mệnh chung, người chị mệnh chung, người con trai mệnh chung, người con gái mệnh chung, người chồng mệnh chung. Từ khi người chồng mệnh chung, người đàn bà này phát điên cuồng, tâm tư hỗn loạn, đi từ đường này qua đường khác, đi từ ngã tư đường này qua ngã tư đường khác và nói: "Người có thấy chồng tôi đâu không ? Người có thấy chồng tôi đâu không ?"

Này Bà-la-môn, đây là một pháp môn, do pháp môn này cần phải được hiểu là sầu, bi, khổ, não do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái. Này Bà-la-môn, thuở xưa, ở tại Savatthi này, người mẹ của một người đàn ông mệnh chung. Từ khi bà ta mệnh chung, người đàn ông này phát điên cuồng, tâm tư hỗn loạn, đi từ đường này qua đường khác, đi từ ngã tư đường này qua ngã tư đường khác và nói: "Người có thấy mẹ tôi đâu không ? Người có thấy mẹ tôi đâu không ?"

Này Bà-la-môn, đây là một pháp môn, do pháp môn này cần phải được hiểu là sầu, bi, khổ, ưu, não do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái. Này Bà-la-môn, thuở xưa, ở tại Savatthi này, người cha của một người đàn ông mệnh chung... (như trên)... người anh mệnh chung, người chị mệnh chung, người con trai mệnh chung, người con gái mệnh chung, người vợ mệnh chung. Từ khi người vợ mệnh chung, người đàn ông này phát điên cuồng, tâm tư hỗn loạn, đi từ đường này qua đường khác, đi từ ngã tư đường này qua ngã tư đường khác, và nói: "Người có thấy vợ tôi đâu không ? Người có thấy vợ tôi đâu không ?"

Này Bà-la-môn, đây là một pháp môn, do pháp môn này cần phải được hiểu là sầu, bi, khổ, ưu, não do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái. Này Bà-la-môn, thuở xưa chính tại thành Savatthi này, một người đàn bà đi về thăm gia đình bà con. Những người bà con ấy của người đàn bà muốn dùng sức mạnh bắt người đàn bà ấy phải xa chồng và muốn gả cho một người đàn ông khác. Người đàn bà ấy không chịu. Rồi người đàn bà ấy nói với chồng mình: "Này Hiền phu, những người bà con này muốn dùng sức mạnh bắt tôi phải xa anh và muốn gả cho một người đàn ông khác. Nhưng tôi không muốn như vậy". Rồi người ấy chặt người đàn bà ấy làm hai, rồi tự vận, nghĩ rằng: "Hai chúng ta sẽ gặp nhau trong đời sau". Này Bà-la-môn, do pháp môn này cần phải được hiểu rằng sầu, bi, khổ, ưu, não do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái.

Rồi Bà-la-môn Nalijangha hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến hoàng hậu Mallika, sau khi đến, kể lại cho hoàng hậu Mallika toàn thể cuộc đàm thoại với Thế Tôn. Rồi hoàng hậu Mallika đi đến vua Pasenadi nước Kosala, và thưa:

– Tâu Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào ? Đại vương có thương công chúa Vajiri của thiếp không ?

– Phải, này Mallika, ta thương công chúa Vajiri.

– Tâu đại vương, Đại vương nghĩ thế nào ? Nếu có một sự biến dịch, đổi khác xảy đến cho công chúa Vajiri của Đại vương. Đại vương có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không ?

– Này Mallika, nếu có sự biến dịch, đổi khác xảy đến cho công chúa Vajiri của ta, thì sẽ có một sự thay đổi đến đời sống của ta, làm sao không khởi lên nơi ta, sầu, bi, khổ, ưu, não ?

– Chính liên hệ đến sự tình này, tâu Đại vương mà Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã nói: "Sầu, bi, khổ, ưu, não do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái". Tâu Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào ? Nữ Sát-đế-lỵ Vasabha, Đại vương có thương yêu không ?

– Này Mallika, ta có thương yêu nữ Sát-đế-lỵ Vasabha.

– Tâu Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào ? Nếu có một sự biến dịch, đổi khác xảy đến cho nữ Sát-đế-lỵ Vasabha, Đại vương có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không ?

– Này Mallika, nếu có một sự biến dịch, đổi khác xảy đến cho nữ Sát Đến Lỵ Vasabha, thì sẽ có một sự đổi khác xảy đến cho đời sống của ta, làm sao không khởi lên nơi ta sầu, bi, khổ, ưu, não ?

– Chính liên hệ đến sự tình này, tâu Đại vương, mà Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã nói: "Sầu, bi, khổ, ưu, não khởi lên do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái". Tâu Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào ? Tướng quân Vidudabha, Đại vương có thương quý không ?

– Này Mallika, ta có thương quý tướng quân Vidudabha.

– Tâu Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào ? Nếu có một sự biến dịch, đổi khác xảy đến cho tướng quân Vidudabha, Đại vương có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không ?

– Này Mallika, nếu có một sự biến dịch, đổi khác xảy đến cho tướng quân Vidudabha thì sẽ có sự đổi khác xảy đến cho mạng sống của ta, làm sao không khởi lên nơi ta, sầu, bi, khổ, ưu não ?

– Chính liên hệ đến sự tình này, tâu Đại vương, mà Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã nói: "Sầu, bi, khổ, ưu, não khởi lên do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái". Tâu Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào ? Đại vương có yêu thương thiếp không ?

– Phải, này Mallika, ta có thương yêu Hoàng hậu.

– Tâu Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào ? Nếu có một sự biến dịch, đổi khác xảy đến cho thiếp, Đại vương có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không ?

– Này Mallika, nếu có một sự biến dịch, đổi khác xảy đến cho Hoàng hậu, thì sẽ có một sự đổi khác xảy đến cho mạng sống của ta, làm sao không khởi lên nơi ta sầu, bi, khổ, ưu, não ?

– Chính liên hệ đến sự tình này, tâu Đại vương, mà Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã nói: "Sầu, bi, khổ, ưu, não khởi lên do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái". Tâu Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào ? Đại vương có yêu thương dân chúng Kasi và Kosala không ?

– Phải, này Mallika, ta thương yêu dân chúng Kasi và Kosala. Này Mallika, nhờ sức mạnh của họ, chúng ta mới có được gỗ chiên-đàn từ nước Kasi và dùng các vòng hoa, hương liệu, phấn sáp.

– Tâu Đại vương, Đại vương nghĩ thế nào ? Nếu có một sự biến dịch, đổi khác xảy đến cho dân chúng Kasi và Kosala, Đại vương có khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não không ?

– Này Mallika, nếu có một sự biến dịch đổi khác xảy đến cho dân chúng nước Kasi và Kosala, thì sẽ có một sự đổi khác xảy đến cho mạng sống của ta, làm sao không khởi lên nơi ta sầu, bi, khổ, ưu, não ?

– Chính liên hệ đến sự tình này, tâu Đại vương, mà Thế Tôn, bậc Tri Giả, Kiến Giả, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đã nói: "Sầu, bi, khổ, ưu, não khởi lên do ái sanh ra, hiện hữu từ nơi ái".

– Thật vi diệu thay, này Mallika ! Thật hy hữu thay, này Mallika ! Thế Tôn đã thể nhập nhờ trí tuệ, đã thấy nhờ trí tuệ. Đến đây, Mallika, hãy sửa soạn tẩy trần.

Rồi vua Pasenadi nước Kosala từ chỗ ngồi đứng dậy đắp thượng y vào một bên vai, chắp tay vái Thế Tôn và nói lên ba lần lời cảm hứng sau đây: "Đảnh lễ Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ! Đảnh lễ Thế Tôn... (như trên)... Đảnh lễ Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ! ".


| Giới thiệu & Mục lục | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 |
| 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 |

 


Cập nhật: 25-8-2000

Trở về thư mục "Kinh điển"

Đầu trang