Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Chú Đại Bi có bị thiếu chữ không ?
Thanh Sơn hỏi, Thích Giác Hoàng trả lời

*******

Câu hỏi:

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

******

Virginia, ngày 28 tháng 02 năm 2002

Kính gởi:  Thầy Giác Hoàng

Đề tài thảo luận:  Chú Đại Bi.

Đệ tử là Thanh  Sơn, 62 tuổi, hiện  ngụ tại Alexandria, Virginia, Mỹ Quốc. Trước tiên kính chúc Thầy cùng chư tôn đức trong Ban Biên Tập Đạo Phật Ngày Nay thân tâm an lạc, phước duyên tròn đầy, vạn sự hanh thông trên đường hoằng dương giáo lý Phật-đà, thắp sáng đuốc từ bi, trí huệ, giải thoát, ban bố nguồn an lạc cho tất cả chúng sanh hữu duyên.

Từ lúc còn ở Việt Nam cho đến ngày hôm nay tạm trú trên đất Mỹ, đệ tử có một điều thắc mắc về bài Chú Đại Bi như sau:   Trong các phần nghi thức tụng niệm tại các chùa chiền và tại gia đều có tụng Chú Đại Bi, có thể nói đa số đều thuộc lòng bài chú này. Bài chú này kể từ câu: Nam-mô hắc ra đát na... đến cuối câu: Án tất điện đô mạn đa ra bạt đà giạ, ta bà ha, có cả thảy là 84 câu, 415 chữ.

Vấn đề nêu ra như sau: phần đông những kinh sách xưa đều đăng đầy đủ bài Chú Đại Bi với 84 câu, 415 chữ. Hiện tại đệ tử thường tụng Chú Đại Bi trong cuốn Tam Bảo Tôn Kinh do Thích Ca Phật Viện xuất bản và phát hành năm 1949 đăng đầy đủ số câu và số chữ đã nêu trên. Sau này, có một số kinh sách đăng bài Chú Đại Bi cũng 84 câu nhưng thiếu 5 chữ như sau: Nguyên văn đầy đủ là "Tát bà tát đá na ma bà tát đá na ma bà dà"; kinh sách sau này đăng như sau: "Tát bà tát đá na ma bà dà" thiếu năm chữ có gạch đít trên câu nguyên văn. Như vậy đâu là đúng đâu là sai, đệ tử có đem vấn đề này hỏi quý Thầy tại các chùa chiền nơi cư ngụ, phần đông đều không trả lời thỏa đáng, ý muốn nói kinh sách đăng thế nào thì tụng như vậy, còn đúng sai thì không biết.

Công năng và diệu dụng của Chú Đại Bi không thể nghĩ lường, nếu có đức tin, lòng thành kính, và chuyên tâm trì tụng mới có thể kết hợp được Đại Bi Tâm của Bồ Tát Quán Thế Âm và nhiều lợi ích cho bản thân... Nhưng đệ tử nghĩ rằng nếu tụng bài Chú Đại Bi đăng thiếu 5 chữ như trên thì sẽ ra thế nào, vấn đề này nói ra thì e không có thì giờ để giải quyết thỏa đáng. Vậy ai là người có thể nói lên việc này để đưa sự chính xác về cho những lời Phật thuyết và hiệu đính những thiếu sót cho các kinh điển sau này cho được thống nhất.

Mong Thầy từ bi chỉ dạy chỗ thắc mắc đã nêu trên. Cuối thư kính chúng Thầy và chư tôn đức vạn sự kiết tường.

            Trân trọng kính chào.

                                                                                                Thanh Sơn.

 

Thư phúc đáp Bác Thanh Sơn:

            Kính chào Bác,

Giác Hoàng xin thay lời quý Thầy Cô phụ trách HTPH, cũng như quý Thầy phụ trách biên tập trang nhà kính gởi lời cầu chúc sức khoẻ và tán thán tinh thần kiên trì học hỏi giáo pháp không mệt mỏi của Bác. Kính chúc Bác đạt nhiều kết quả tốt đẹp trong quá trình tu tập tâm linh của mình.

Thưa Bác,

Nội dung bức thư của Bác làm cho GH đang bận cũng phải cố gắng sắp xếp thời gian, tranh thủ để phúc đáp cho câu hỏi thao thức, nhiệt thành của Bác. Một lần nữa,  xin tán thán tâm hạnh của Bác.

Như Bác đã trình bày, bản Chú Đại Bi đầu tiên mà Bác đã đọc thì  có cả thảy là 84 câu, 415 chữ. Bản thứ hai mà hiện nay các chùa ở Việt Nam  và hải ngoại đều trì tụng không có hẳn 5 chữ  na ma bà tát đá, nghĩa là chỉ còn 410 chữ như Bác đã đối chiếu. 

Hồi còn ở Việt Nam, có lần GH cũng được nghe một sư huynh nói rằng bản Chú Đại Bi hiện nay và một số thần chú khác bị thiếu một số chữ, vì những người soạn kinh sơ ý bỏ sót hoặc giấu bớt vài chữ để mình giữ mật chú  đó làm “gia bảo”. GH cứ tưởng đó là câu nói đùa, không ngờ nay được Bác cho biết bản Chú Đại Bi có dị bản như vậy.

Cũng rất may, hiện nay GH có được bản Chú Đại Bi bằng tiếng Phạn (Sanskrit) viết tay do Thầy Minh Hạnh tặng từ năm ngoái. Bản viết tay này được viết bằng ngôn ngữ Devanàgarì, đính kèm bản phiên âm La-tinh. Nếu bản này đúng 100% thì chúng ta có thể xác định được bản thứ hai hiện nay các chùa ở Việt Nam hoặc hải ngoại thọ trì là chuẩn xác hơn, rất khớp, không có 5 chữ như trên đã đề cập. Nhân đây, xin ghi lại toàn bộ bản phiên âm của Chú Đại Bi để đáp lại tấm lòng khao khát học hỏi của Bác.  Xin Bác bấm vào đây để đọc.

Cũng xin nói thêm là câu xưng tán: Nam-mô Đại Bi Hội Thượng Phật, Bồ-tát (3 lần) là câu thêm vô giống như các bản Kinh Di Đà, Pháp Hoa trước khi trì tụng đều có phần xưng tán pháp hội, chứ trong bản gốc không có. Tương tự, danh hiệu thần chú: Thiên Thủ Thiên Nhãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà-là-ni  cũng được thêm vào để xưng tán danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm. Phần chính của thần chú bắt đầu từ câu: Nam-mô hắc ra…. cho đến câu chót: Aùn, tất điện đô, mạn đa ra, bạt đà dạ, ta bà ha.

Đoạn “Nam-mô na ra cẩn trì hê rị, ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu du bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà già, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha  rất trùng khớp với đoạn trong bản nguyên tác Sanskrit: “Na mo na ra ki dhi he ri  ma ha va dha ?a me sa rva a tha du su bhu? a je ya? sa rva sa ta. Na mo va ja ma va du du ta dya tha” .

Nhân  đây, cũng xin trình bày vài ý nhỏ liên quan đến thần chú: Vì người Trung Hoa không phát âm được những âm tiết mà người Aán phát âm, do đó các dịch giả Trung Hoa đã cố gắng Hán hoá toàn bộ những âm tiết của  Ấn Độ, dù đó là thần chú hoặc là nhân danh và địa danh. Người Việt Nam mình lại copy toàn bộ cách phiên âm của người Trung Hoa để đọc theo giọng đọc của mình. Do đó, không tránh khỏi cách đọc lệch lạc biến âm qua hai hệ thống phiên âm của hai nước.

Ở đây, chúng ta cũng cần lưu ý là cách ngắt đoạn và cách đọc một số chữ không được chính xác, ví dụ đoạn  tô đỏ bên trên. Đúng ra, tới chữ sa ta thì chấm câu, bản tiếng Hán hoặc tiếng Việt tương ưng cũng phải chấm câu mới đúng, nhưng đây lại dùng dấu phảy. Tiếp theo là câu Na movốn nó phiên âm của chữ Namo bằng tiếng Sanskrit, nghĩa là thành kính hoặc đảnh lễ, trong khi đó mình phiên âm thành na ma  hoàn toàn mất đi ý nghĩa của đoạn thần chú. Lấy một ví dụ khác, câu “ma phạt đạt đậu” là cách đọc của người Việt Nam, người Trung Quốc cũng đọc bốn âm tiết hoàn toàn khác nhau: ma fa da dóu (đọc là “ma pha ta tấu”), chưa kể các thổ ngữ khác nhau. Chúng ta thấy hai âm “đạt đậu” hoàn toàn khác nhau về âm tiết, trong khi đó, đối chiếu với bản nguyên tác thấy hai chữ đó viết y như nhau, phiên âm theo La-tinh và đọc theo giọng Ấn là “du du”.

Một điểm quan trọng khác, một số người Ấn có trình độ uyên bác về cổ ngữ học Ấn Độ, đều có thể hiểu được nghĩa lý nhiệm mầu ẩn chứa bên trong của các bài chú, trong khi đó, mình đọc không hiểu gì cả. Đơn cử, cứ một đoạn là có chữ Nam-mô (bản tiếng Phạn là Namo) nghĩa là thành kính / đảnh lễ một bậc giác ngộ, hoặc một đại oai lực, hoặc chơn lý tối thượng, trong khi đó người Việt Nam, Trung Quốc cũng như một số nước hiện nay, phần lớn đọc tụng nhưng không hề quan tâm đến nghĩa lý tiềm ẩn bên trong của câu thần chú là gì. Nhiều vị cho rằng trì chú là phương tiện để nhiếp tâm nên không cần hiểu; trì chú nhằm cầu sự hỗ trợ tha lực của chư Bồ-tát, thiện thần. Trì chú để kết hợp tâm mình với tâm chư Phật và Bồ-tát, nương vào đó tâm linh của mình được thăng hoa. Thiết nghĩ, xét về công năng của trì chú, các quan điểm trên cũng đúng, nhưng  để hoàn hảo hơn  có lẽ chúng ta cũng nên tìm hiểu ý nghĩa của  bài chú.

Vấn đề này cũng là một vấn đề cần được quan tâm đối với những vị có trách nhiệm hoằng dương Phật Pháp. Người viết trình bày vài ý tưởng trên chỉ với mục đích đưa ra những chỗ mà bản thân thấy việc phiên âm thần chú còn nhiều vấn đề, chưa thật sự thoả đáng. Kính mong các bậc thiện trí thức cao minh bổ chính.

Đôi hàng kính gởi đến Bác. Kính chúc Bác dồi dào sức khoẻ, đóng góp nhiều thi phẩm  hơn nữa cho vườn hoa thơ đạo thêm sắc màu; và trên hết, cầu chúc Bác tinh tấn tu học để làm tư lương cho hành trình vạn dặm của mình.

Kính,

Ấn Độ, ngày 08 tháng 03 năm 2002.

Thích Giác Hoàng.

http://www.buddhismtoday.com/viet/hopthu/chudaibi-thieuchu.htm

 


Vào mạng: 10-3-2002

Danh sách các câu hỏi Phật học

Đầu trang