Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

Lời nói đầu Thi tập Nhịp Bước Đăng Trình

Mặc Giang


Trên mọi nẻo đường đời, tiếng gọi tha thiết hiểu biết, lắng nghe, cảm thông… bao giờ cũng rung lên từng nhịp vắn dài, trào tuôn theo dòng cảm xúc. Cái cảm xúc mà con người sẵn sàng đón nhận như một chất xúc tác, gắn bó, trải dài theo nhịp tim, hơi thở, hoặc theo tiếng thở dài, mừng giận, yêu ghét; để từ đó có thể tô bồi đắp xây tình thân giữa người với người ngày một khắn khít vững bền. Thế cho nên trong những cõi đời chung, vẫn tồn tại vĩnh hằng cõi đời riêng, hay chính trong cái phổ quát đã hàm tàng cái riêng biệt đặc thù. Ðó là lý do tại sao tôi có thể ngồi xuống bên anh, bên chị và bên em…. trong cái dáng điệu, tâm trạng ưu tư của một người anh em…. Ðể làm gì? để bênh vực, vỗ về nhau trong từng cảnh ngộ riêng biệt, trong từng cuộc đời với tâm trạng thầm kín của riêng anh, riêng chị và riêng em. Nói chi cho nhiều cũng bằng không, chi bằng gởi lòng mình trên trang thơ chưa ráo mực, trên từng cung bậc nhịp trổi của tiếng vọng thời gian. Đưa lòng mình đến với những mảnh đời, với tâm trạng khắc khoải ưu tư thầm kín, uất hận, buồn chán, dại khờ, ngây ngốc…., trang thơ muốn càng thâm thiết CHIA SẺ, CHUYỂN HÓA, rồi cùng vui thú TÌNH QUÊ. Chỉ chừng ấy thôi mà thi tập được nuôi lớn từng phút từng giờ…. Mà trong đó, “tôi là…” được hiểu như là sự hóa thân, sự lắng nghe và thấu hiểu mọi ngõ ngách, biến trạng tâm tư trước muôn vàn biến động, thịnh suy của dòng đời. Ði khắp mọi nẻo đường quê hương, tiếp xúc lắng nghe tâm sự từ mọi mảnh đời; nhờ đó, sự hóa thân “tôi là….” càng trở nên chuyên biệt, “hóa thân” hay “hóa tâm” là chẳng phải hai; và cánh cửa tình thương và sự cảm thông cũng sẽ mãi mở ra đón nhận bao mảnh đời bất hạnh, tai nàn và khổ đau tột cùng.   

Nhịp Bước Đăng Trình là từng bước chân đang tiến lên phía trước, mà ở đó sóng tình thương mãi chuyển tải, tài bồi đầy ắp biển tâm. Nhịp Bước Đăng Trình luôn thổn thức, ước mơ và hoài vọng một tương lai tươi sáng cho anh, cho chị và cho em. Cho thấy, Đăng Trình cũng chính là sự bình định độ nhân tính của tâm, là ánh mắt dõi soi con đường sáng; là đang lắng nghe để thương cảm, vỗ về xoa dịu bao nỗi đau đời. Ðể từ đây, trên mọi lối về quê hương, chúng ta luôn bắt gặp “hai sóng yêu thương gặp nhau trong biển đời giông tố” “bàn tay nắm lấy bàn tay”. Cái ước mơ thầm kín, sự kỳ vọng, nỗi đau buồn suốt đời, hay vết rạn nứt tật nhọt của tâm hồn…được chuyên chở bởi con thuyền Đăng Trình. Nó sẽ dong buồm đến một chân trời mới; mà ở đó, sự cải tạo, sự làm mới trong thâm tình luôn là định hướng trên sóng biển đời lồng lộn. Nói cách khác, Nhịp Bước Đăng Trình cũng muốn chúng ta ngày nay và ngày sau “… Cùng bước chân đừng có nói năng gì, Ta sẽ nghe sóng lòng rơi biển mặn, Tan hết rồi những niềm đau cay đắng, Cùng dắt nhau về ngưỡng cửa thương yêu, Cùng lắng nhau nghe hai tiếng nhiễu điều…. Nhịp Bước Đăng Trình là thế đó, là sự gặp gỡ thâm thiết của tâm, và cố nhiên là không ồn ào náo nhiệt như lẽ thường. Đó là sự âm thầm đón nhận, trang trải hoặc lắng nghe hai tiếng “tình người”; để cho “…..hồn quê hương muôn thuở, ta đắp xây. Tình anh em, mãi mãi ta tiếp tay. Tình dân tộc, ngàn đời không lay chuyển”.

Từ mối tình cảm đan chéo, nối kết liên hoàn, hòa quyện bổ túc tựa nương nhau ở trên mà nói, phải chăng không quá khi nói rằng, nếu đọc thi phẩm Nhịp Bước Đăng Trình, cũng là đọc lại chính mình đó thôi! cũng chính là nghe lại âm vang  “nhân tính” vĩnh hằng đang ở sâu dưới tập quán mê vọng của tâm. Bất kỳ thời đại nào, chúng ta cũng có mặt, khắn khít trong những mảnh đời khác. Thấy mình có mặt trong mọi hiện hữu của dòng sống, chính là biến cuộc sống hiện sinh càng trở nên thâm trầm ý vị. Vậy thì chả ai không sẵn sàng đổi thay, để cho trang đời hay chính trang tự thân luôn mới mẻ như trang sách mới. Ðể từ đó, ta có thể lắng nghe trang chân kinh ở ngay trong lòng mình, trang chân kinh còn mãi giữa cõi đời huyễn hoặc.    

Thi phẩm Nhịp Bước Đăng Trình xin hân hạnh ra mắt cùng quý bạn đọc gần xa.

Xin chân thành cảm ơn sự đón nhận, chia sẻ của bạn đọc.

                                    

Năm 2008

     Tác giả

 

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/dien/loinoidau.htm

 


Vào mạng: 07-01-2009

Trở về mục "Diễn đàn"

Đầu trang