Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

David Arling,  Zen Physics: The Science of Death, the Logic of Reincarnation. New York: Harper Collins, 1996. 205 P.*  

Phật-Điển Hành-Tư điểm sách

 

            Tự ngã là gì? Tự ngã sẽ đi về đâu sau khi thể xác này mất đi? Ta hiện hữu trên thế gian này để làm gì? Với mục đích gì? Có còn sự sống nào sau khi ta chết không? Đó là những vấn đề mà con người thường hay đặt ra, để rồi trở lại dày vò con người, luôn luôn thắc mắc, luôn luôn tìm hiểu một ý nghĩa vô cùng vô tận cho cuộc sống hạn cuộc không tới trăm năm này. Từ khi con người biết suy tư, và khẩu truyền hay ghi chép suy tư vào văn bản, thì mục đích cũng không ngoài đi tìm giải đáp cho những vấn đề trên, từ đó phát sinh triết học và tôn giáo, hai phạm trù lớn thuộc đời sống trí thức và tâm linh của con người. Đến khi khoa học phát triển thì bộ môn này hầu như hoàn toàn biệt lập, vì khoa học chủ trương thực nghiệm và thực chứng, với đối tượng hầu hết là vật chất, cho nên có vẻ - chỉ là có vẻ - như là không hề liên hệ với hay hệ thuộc vào hai phạm trù trên.

            Nay David Darling, một vật lý học gia trong nhóm còn rất ít người - trong đó có Fritjof Capra, tác giả The Tao of Physics - đi tiên phong trong việc mò mẫm vào lãnh vực nơi mà khoa học và triết lý hội tụ và gặp nhau, để cống hiến cho độc giả những câu trả lời thật logic, thật đủ sức thuyết phục, rút ra từ một hệ luận tổng hợp giữa những khám phá khoa học cận đại nhất và minh triết ngàn đời của phương Đông. Cống hiến đó là quyển Vật lý Thiền này.

            David Darling bắt đầu bằng những quan điểm căn bản nhất về điều mà ta cho rằng thế nào là "cái ta", là tự ngã. Ông nêu lên rất nhiều những trường hợp lâm sàng để chứng minh cái mà ta cho là "tự ngã" của chúng ta quả thật là mong manh và dễ bị uốn nắn theo từng hoàn cảnh, chứ không phải là cái "tự ngã" cứng đọng không thể thay đổi như ta thường tin tưởng. Tác giả còn thông dò những bí ẩn về cái gọi là sự rối loạn của nhân cách đa tính (multiple-personality disorder), về phân tích giữa não bộ bên trái và bên phải, về các chứng bệnh trong não như hydrocephaly (có nước trong não nhưng vẫn sinh hoạt bình thường), v.v... để làm sáng tỏ điều bí ẩn to lớn hơn là, thứ nhất, tại sao chúng ta lại phải bị lôi cuốn trong tiến trình của cá tính (individual personalities) và sau đó, cũng là để chứng minh tại sao rất dễ dàng khiến cho cái "tâm" của chúng ta có thể thay đổi nhanh chóng. Mặc dầu là mỗi một cá nhân là sản phẩm của một cơ quan não bộ nào đó và theo thế, thì phải biến đổi thường xuyên không ngừng nghỉ để rồi cuối cùng phải chết mất đi, nhưng mà sự kiện thu nhận của nhận thức đối với thế giới ngoại tại thì lại hoàn toàn độc lập với thể xác, tuy rằng nó phải dựa vào thể xác để tồn tại. Do đó, nhận thức, hay ý thức, hoặc, thức, là độc lập với sự chết.

            Theo định nghĩa trên, Darling khảo sát lại vai trò của ý thức trong vũ trụ. Phương Tây đã phân chia ý thức thành hai yếu tố khách thể và chủ thể, cho nên đã bỏ qua "tự ngã" và "ý thức" không cho là đối tượng của phạm trù nghiên cứu khoa học. Ấy thế mà, như Darling giải thích, những khám phá gần đây trong lãnh vực vật lý lượng tử (quantum physics) đã đặt chính ý thức chủ thể tự nó làm trung tâm điểm cho sự khảo cứu về vũ trụ. Để rồi khoa học phải chấp nhận sự kiện rằng thế giới ngoại tại không thể chia chẻ ra từng phần riêng rẽ để phân tách như xưa nay thường làm, rằng, thao tác về một quán sát cách thực sự chủ quan cũng là một yếu tố cũng quan trọng trong sự vận chuyển của vũ trụ như là tốc độ của ánh sáng. Từ đó, ông chứng minh cho ta thấy, sinh tử luân hồi không còn phải là một lý luận hay tin tưởng suông, vì truyền thống phương Đông, nhất là Phật giáo, cho là có tái sinh thì cứ tin như thế, mà sinh tử luân hồi là một thực chứng thật logic, không còn không thể không chấp nhận nữa.

            Viễn kiến theo chính thể luận (holistic vision) này, do các khoa học gia phương Tây phát minh vào hậu bán thế kỷ XX, thật ra là căn bản của Thiền và những hệ thống đức tin phương Đông khác đã hiện hữu từ hơn hai ngàn năm trước. Cả hai thuyết tiến bộ về vật lý lượng tử và triết lý căn bản của Thiền đều ủng hộ ý niệm rằng tất cả các pháp - tất cả mọi vật trên thế gian này - đều tương liên nhau; vũ trụ không thể phân chia một cách dứt điểm thành tốt/xấu, có/không, trắng/đen, hay ngay cả tố chất nhỏ nhất/từ trường (particle/wave). Một khi khoa học và huyền học quy tụ vào một cái nhìn thống nhất toàn diện thì chúng ta bắt đầu siêu việt sự hạn cuộc của cái ngã và nhận ra "con người thật sự của chúng ta" trong một cái nhìn mới, không phải là những cá thể yếu đuối bị hạn cuộc bởi những cuộc sống ngắn ngủi, nhỏ bé, không chắc chắn, mà là những đóng góp miên viễn vào một cuộc phiêu lưu phổ quát lớn, vô cùng vô tận, siêu việt thời-không.

            Trong tác phẩm Vật lý Thiền này, Darling đã làm rung chuyển mọi huyền bí về cuộc đời, bằng một logic thật minh nhiên và tao nhã, đã chứng minh bằng khoa học, không phải bằng biện luận hay đức tin, rằng cái chết không phải là dứt điểm cuối cùng của ý thức. Nói cách khác, chết không phải là hết, mà là bắt đầu một cuộc sống mới. Trong tiến trình minh chứng này, Darling đã cho chúng ta một tri kiến mới thật đột ngột về cái ngã, ý thức, sự sống và chỗ đứng của chúng ta trong vũ trụ.

            Nội dung Zen physics gồm một số chương đáng kể như chương 1, phần I: Our greatest fear, về nỗi lo sợ của con người khi đối diện với cái chết; chương 2: The soul is dead, long live the self: một lối chơi chữ thú vị về quan niệm linh hồn (soul) của người phương Tây, cho rằng chết là hết trong khi Đông phương ý thức về một cái ngã thường tồn, bất diệt; chương 7: Being someone and becoming someone else: con người ta đang là và cái người mà ta sẽ là; Phần II: về khoa học và chủ quan luận, chương 10: Matters of consciousness, cũng là một lối chơi chữ về từ "matter/s", những yếu tố của ý thức hay những vấn đề về ý thức; chương 11: East world, thế giới phương Đông, trong đó có Thiền tông đã cống hiến cho phương Tây một gia tài tâm linh và thực chứng (theo khoa học) để giải quyết những khủng hoảng, phiền não, lo sợ, áp lực gia đình và xã hội, đang đối diện con người trước khi tử thần tìm đến; chương 12: Now & Zen, để giải trừ những nổi khổ như kể trên, Thiền dạy cho chúng ta biết sống với hiện tại, ngay bây giờ và tại nơi này, không ở thời-không nào khác; chương 13: Transcendence, do đó, ta mới có thể siêu việt thời-không để mà (chương 14. I, Universe) ta và vũ trụ mới có thể ngang nhiên tương sinh tương hợp nhau.

________ * Sách đọc tại thư viện chùa Việt Nam, Houston, TX, nhân dịp lễ khánh thành bảo tượng Quán Thế Âm Bồ tát, 30-6-2001.

(Trích báo Nguyệt San Giác Ngộ số 65)
Đánh máy: Hải Hạnh

http://www.buddhismtoday.com/viet/diemsach/Zen_Physics

 


Vào mạng: 1-12-2001

Trở về mục "Điểm sách"

Đầu trang