Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

Guenther, Herbert. From Reductionism to Creativity: Rdzogs-Chen and the New Science of Mind. Boston: shambala, 1989. 306 p. 

Phật Điển Hành Tư điểm sách

Đạo Phật cần phải được truyền thông bằng những ngôn từ sinh động và trong thời đại chúng ta. Với chủ trương đó, giáo sư Guenther, thay vì đóng kín Phật giáo vào trong khuôn khổ của những khái niệm cổ hủ lỗi thời của hàng ngàn năm về trước, đã dịch giải một số kinh luận, sử dụng ngôn từ hiện đại mà vẫn trung thành với những ý nghĩa của nguyên bản. Phật giáo là một khoa học về tâm, về nguyên lý căn bản (thể), tính chất biểu hiện (tướng) và chức năng (dụng) của tâm, cho nên trong lúc các nhà khoa học phương Tây gần đây mới bắt đầu chú ý đến vấn đề tâm thức như là một đối tượng của khoa học thực nghiệm, thì ta không lấy làm lạ khi tìm thấy trong kho tàng sung túc về tâm trí của các bản kinh văn truyền thống từ hai ngàn năm trước, có rất nhiều điều rất thích đáng cho khoa học nghiên cứu về tâm. Tuy nhiên những vấn đề về trí tuệ đó lại không được các nhà khoa học duy nghiệm (cognitive scientists) và các tâm lý học gia phương Tây biết đến, chỉ vì những ngữ từ quá cổ hủ trong các bản kinh văn này. Cho nên tác phẩm Từ Giản hóa đến Sáng tạo của Guenther rất có giá trí khi chuyển đạt sự thâm hiểu về cái gọi là tâm trong truyền thống Phật giáo bằng những ý niệm trong ngôn từ khoa học.

            Bằng ngôn từ của khoa học hiện đại. Guenther bắt đầu tìm về diễn tiến của quan niệm Phật giáo về sự nhận thức, về ý thức, và chỉ điểm những chỗ ứng dụng của nó trong khoa học ngày nay. Lịch sử tư tưởng Phật giáo là một thí dụ độc nhất về giao điểm giữa sự thiểu giản hóa để đưa đến một sáng tạo mới giữa những gì gọi là truyền thống, hay bảo thủ, và cách tân, hay cải tiến; và đây cũng là mục đích của tác giả để nghiệm sát lại sự xung động giữa những xúc tác hỗ giao bổ sung này. Cốt lõi chính yếu và quyết định của bối cảnh đó là ý niệm về "tâm", mà từ xưa Phật giáo đã nhận định là một tiến trình (a process) diễn tiến theo thời gian và trong không gian, chứ không phải là một vật (a thing) hoàn tất, cứng nhắc. Nhận thức này đánh dấu một sự chuyển tiếp từ xu hướng suy tư theo cấu trúc (structure-oriented thinking) đến xu hướng suy tư theo tiến trình (process-oriented thinking) một cách quyết liệt, để đưa đến cực điểm trong tác động chính thể gọi là rDzogs-chen.

            Dựa trên các nguyên bản của kinh điển Pàli, Tây Tạng và Phạn ngữ, quyển From Reductionism to Creativity đã triển khai tư tưởng Phật giáo bằng ngôn từ hiện đại, thực tiễn và logic, vượt ra khỏi bối cảnh truyền thống mà chúng phát xuất, từ hơn hai ngàn năm trước. Theo đó, một số chương trong Từ Giản hóa đến Sáng tạo đã bàn đến phạm vi và ý nghĩa của A-tỳ-đàm (Abhidharma) (chương 1) rồi bắt đầu đề cập đến cái tâm theo hệ thống thao tác (chương 2, operational system "mind"). Từ đó bàn qua đến chữ tâm theo nội dung... (contextual system "mind"). Đến chương 5, Guenther phân biệt ý nghĩa những từ liên hệ đến thiền định như: chú ý (concentration), quán tưởng (contemplation), thiền quán (meditation): chú ý cách giảm tiêu - khách quan (objectivistic - reductionistic concentration), quán tưởng cách sáng tạo - tâm lực (mentalistic - creative contemplation). Chương 6 nói đến Đạo: quan niệm Nguyên thủy lúc sơ thời, các pháp giới của Thinh văn và Duyên giác thừa; Bồ tát đạo; ý nghĩa Bồ tát và Bồ đề tâm; thao tác của Bồ đề tâm; Đạo: quan điểm hậu thời, sau khi Đại thừa được triển khai, đạo lý về kiến giải (way of seeing), tu hành (of cultivation), sở tri kiến (what has been seen), và về vô sở học (of no more learning). Chương 10 bàn đến rDzogs-chen: tính chất siêu toàn (super-completeness) để giải minh sự tiến hóa của khái niệm tương liên giữa Thiên Chủ/Minh Sư (God/Teacher idea); sự tiến hóa của con người như là một cách thức sai lạc của vận trình thần thánh hóa (holo-movement's errancy mode); vai trò của sự tiến hóa trong sự tiến hóa tâm linh của cá thể (role of evolution in an individual's psycho-evolution); động lực tự tổ chức (dynamics of self-organization): từ mờ mịt đến quan đãng (obscurration & clearing) hay từ vô minh đến giác ngộ.

            Đấy là một số trong các từ mà Guenther đã sáng chế để cập nhật hóa những ý niệm hay ngữ từ sử dụng trong kinh văn từ hơn hai ngàn năm trước. Gọi là sáng chế, bởi vì Guenther cũng không theo cách dịch nghĩa từ Phạn hay Tây Tạng ngữ của các Phật học gia phương Tây, nhất là tại Mỹ những thập niên gần đây, mà lại cố ý sử dụng những ngữ từ mới lạ, nhưng nói lên được ý niệm của văn bản cổ xưa. Một nhà phê bình đã nói về sức thu hút trong tác phẩm của Guenther, đó là chính vì ông đã biết dùng ngôn từ và khái niệm tân thời để diễn đạt những lỗi lạc trong các văn bản Phạn và Tây Tạng. Trong chương nói về khái niệm Thiên Chủ/Minh Sư (God/Teacher idea), Guenther đã làm sáng tỏ hiện tượng quan yếu giữa tương liên thầy-trò theo Phật giáo Tây Tạng, bởi vì chỉ có vị minh sư (lama, spitual teacher) mới có thể hướng dẫn hành giả tự thân thực chứng trên đường tu tập tâm linh, đạt đến cùng tột của sự toàn vẹn (great/super-completeness), viên mãn (great fulfillment), hoàn hảo (great perfection) mà Tây Tạng gọi là rDzogs-chen, một trạng thái thiền định siêu thăng; trong khi những khái niệm về một thiên chủ, hay một thần linh nào đó chỉ khiến con người khiếp sợ, quỳ lụy, run rẩy vì bị trừng phạt, hăm dọa, mà thôi. Do đó, mà từ vị trí con người, như Đức Phật đã từng kinh nghiệm qua, con người tự đạt đến siêu thoát, cho nên một khi thần thánh hóa một cá thể nào đó chính là lúc làm suy thoái, làm hoại diệt cá thể đó đi; đó là một sai lầm không cứu vãn được trong các tôn giáo phương Tây.

            Một ít các tác phẩm nghiên cứu về đề tài rDzogs-chen nầy có thể kể:

            Guenther, Herbert V. Matrix of Mystery; Scientific and Humanistic Aspects of rDzogs-Chen Thought. 1984.

            Guenther, Herbert V. Meditation Differently: Phenomenological-psychological Aspects of Tibetan Buddhist (Mahamudra and sNying-thig) Practices from Original Tibetan Sources, 1992, xvi, 210 p.

            Karmay, Samten Gyaltsen. The Great Perfection (Rdzogs Chen): a Philosophical and Meditative Teaching in Tibetan Buddhism. Leiden: Brill Academic Publishers, 1999.

            (Sách đọc tại thư viện chùa Việt Nam, Houston, TX, nhân dịp lễ khánh thành bảo tượng Quán Thế Âm Bồ tát, 30.6.2001).

(Trích báo Nguyệt San Giác Ngộ số 66).  
 Đánh máy: Hải Hạnh

http://www.buddhismtoday.com/viet/diemsach/Reductionism.htm

 


Vào mạng: 1-12-2001

Trở về mục "Điểm sách"

Đầu trang