Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
NGÔI SAO PHƯƠNG NAM
  Thích Lệ Thọ

 

Đến Bạc Liêu, một vùng đất xa xuôi của tổ quốc, nhưng cuộc sống nơi đây rất sung túc nhờ thiên nhiên ưu đãi. Thuở khai hoang lập ấp, người ta thường ví vùng đất này “trên cơm dưới cá” bởi sông nước hiền hòa, tạo nên khí chất của người dân nơi đây chất phác hiền lành-ruột để ngoài da, thương là nói thương còn ghét thì giận ngay ra mặt, nên vùng đất này còn gắn liền với tên tuổi của Công Tử Bạc Liêu. Một giai thoại dễ thương, bộc lộ bản sắc của vùng đất phương Nam-sống hết dạ hết tình với bạn bè bằng hữu cho dù phải tốn hao bao nhiêu cũng sẳn lòng. Bởi ở đây người ta chỉ coi trọng nhân nghĩa. Con người đã thế nên âm nhạc lại càng không có gianh giới khi nói về Sư Nguyệt Chiếu thì người dân ở đây đều say sưa kể nhau nghe về sự tài hoa thiên phú có một không hai. Ông đã để lại cho nền âm nhạc và lễ nhạc Bạc Liêu nói riêng và đất nước nói chung một gia tài văn hóa nghệ thuật “đờn ca tài tử” Nam bộ và nhạc lễ Phật giáo.

Đất nước đã hội nhập và khẳng định vai trò, vị trí mới của dân tộc với thế giới nên rất cần giới thiệu cho bạn bè khắp năm châu biết về đất nước con người Việt Nam có một nền văn hiến lâu đời với nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật rất có giá trị chứ không phải chỉ biết đến các trận đánh thắng Nguyên-Mông[1], bắt sống tướng Đờ-cát[2] và đẫy lùi ý chí xâm lược của cường quốc Mỹ[3]. Điều đó khẳng định với thế giới rằng, dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, và không hề chịu khuất phục bất cứ sức mạnh phi nghĩa nào, chứ dân tộc Việt không hề hiếu chiến. Vì vậy, thời gian gần đây tổ chức thế giới UNESCO rất quan tâm Việt Nam và ghi nhận: Quốc Tử Giám, Vịnh Hạ Long và Nhã nhạc cung đình Huế[4] … nên chúng tôi đánh giá rất cao về kỳ hội thảo “Sư Nguyệt Chiếu-cuộc đời và sự nghiệp nhạc lễ cổ truyền Nam Bộ” nhằm bảo tồn và phát huy lễ nhạc Phật giáo nói riêng giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc nói chung.

Ngày nay khi khách nước ngoài và hai miền Trung, Bắc được thưởng thức những câu vọng cổ ngân nga hay các bài “ba nam sáu bắc” hoặc các điệu lý ngọt ngào mượt mà kia, nhưng có mấy ai biết được những con người tài hoa ở đầu thế kỷ 20: Sư Nguyệt Chiếu, Nhạc Khị … đã dùng tài năng của mình để khắc họa nên những con người lưu phương, hay hòa mình với sự êm đềm của sông nước hữu tình, tạo nên một tiền đề vững chắc cho con cháu có một tương lai xán lạn… nên những sáng tác vào thời điểm đó thường phảng phất những tư tưởng trầm buồn bi tráng, nhưng ý tứ thì vô cùng sâu sắc! Nó phản ảnh nỗi ước vọng của những  người con Việt “Từ độ mang gương đi mở cõi, Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”[5] Cho nên, hầu như từ Miền Đông Nam bộ trở vào người dân đều rất thích loại hình nghệ thuật “đờn ca tài tử” để rồi sau đó có thêm một bước tiến dài tạo nên những tuồng tích bởi những người tài hoa kế thừa: Cao Văn Lầu, Trịnh Thiên Tư, Ba Chột, Mộng Vân, Lưu Hòa Nghĩa và Trần Tấn Hưng…đã thổi hồn vào cho bài Vọng cổ hoài lang đã được chuyển tải thành ca cổ cải lương diễn tả kỹ hơn những thân phận, những ngả rẽ của cuộc đời nhưng kết cuộc rất có hậu đoàn tụ hạnh phúc, kẻ ác phải bị quả báo… Nền tảng bộ môn nghệ thuật cải lương hoành tráng hiện nay và những buổi lễ cúng trang nghiêm ở các Chùa là có một sự đóng góp thầm lặng của Sư Nguyệt Chiếu và các cao đồ, từ rất lâu cho đến tận hôm nay mới được đem lên bàn nghị sự!

Vùng đất mới nên sự mong đợi chung của người dân Nam Bộ có được một đời sống ấm no và lễ nghĩa. Sư Nguyệt Chiếu là người con của Bạc Liêu đã hiểu điều đó hơn ai hết nên đã mạnh dạng thể hiện tính “hòa nhập”  đạo lý vào cuộc đời mà bản thân ông có sẳn chất văn chương nghệ sĩ trong một con người tu sĩ nên phương tiện dùng  đạo lý để hòa quyện nghệ thuật mà “tải đạo”,  chứ để con người dừng lại với tiêu chí “cơm no áo ấm, được hưởng văn hóa nghệ thuật” thì chưa đủ mà cần phải có “đạo lý” mới thật sự là một đời sống hạnh phúc của con người!

Thiết nghĩ, ngày nay sau thời kỳ hội nhập có cả những loại văn hóa nghệ thuật du nhập đi ngược lại đạo lý của người Việt và thậm chí nó đang gặm nhấm tuổi trẻ “…từ cà phê lùm, cà phê chòi Sài gòn tiến đến cà phề giường Hà nội, rồi ‘quả bom Vàng Anh’ và hàng loạt những biểu hiện khác thường của giới trẻ [6] đã làm cho chúng ta phải giật mình với cái giá phải trả của sự hội nhập và sự thiếu chuẩn bị những người làm Văn hóa dân tộc đã để một khoảng trống trong tâm hồn của những con người làm chủ đất nước này trong tương lai đã thiếu đi một yếu tố quan trọng của tiền nhân là đạo lý sống!

Điều này làm cho chúng ta thấy giá trị biết bao ở cuộc hội thảo lần này của Tỉnh Bạc Liêu về Nhạc lễ cổ truyền Nam bộ, đóng góp rất kịp thời cho nhu cầu xã hội hiện nay, đồng thời chắc lọc để tạo nên một món ăn tinh thần không chỉ cho Bạc Liêu mà cả dân tộc. Giúp cho thế hệ trẻ biết nâng niu cái hay cái đẹp của những người đi trước, chính cái gia sản đó mới là chất liệu sống và cái riêng của mỗi con người mà không nên “bạc đãi” văn hóa dân tộc, để rồi một ngày nào đó nhìn lại trong “căn nhà” của mình toàn là “hàng ngoại”, nên nhớ văn hóa dân tộc mất là coi như đất nước mất!

Vì vậy, “Các loại hình lễ hội và lễ hội Phật giáo là loại hình văn hóa truyền thống mang nhiều dấu ấn của lịch sử”[7], tuy hai nhưng là một, bởi đạo Phật là đạo của dân tộc. Nên Sư Nguyệt Chiếu, không chỉ sáng tác tu chỉnh “Bảy bản bắc”, mà còn có một khả năng rất đặc biệt, đó là tự làm được nhiều nhạc cụ. Đây cũng là một biệt tài độc đáo của ông, ông chỉ dùng những dụng cụ thông thường của thợ mộc như: bào, đục, cưa, khoan, dùi, búa... để sản xuất ra rất nhiều sản phẩm giá trị: trống bản (trống cái), trống đạo, trống cơm, trống đôi, trống chầu, trống bác nhã (đại cỗ), mỏ, bạc, đờn cò (nhị cầm), đờn gáo (hồ cầm), đờn kìm (nguyệt cầm)... Kể cả những loại nhạc cụ thật xưa như: bồng, phách, ốc... ngoài ra, Sư còn đạo tạo ra một thế hệ vàng nghệ sĩ ca tài tử cải lương, đáp ứng món ăn tinh thần tuyệt vời cho người dân Nam bộ.

Kỳ hội thảo này không nên dừng lại ở điểm công nhận một nghệ nhân lớn, đóng góp nhiều giá trị… như những kỳ hội thảo ở vài nơi mà chúng ta thường thấy, hội thảo xong rồi tư liệu xếp vào một góc, mà nên xây dựng một đề án tiếp theo là tổ chức ngày tưởng nhớ ông ở cấp tỉnh. Chắt lọc tinh hoa thể loại “đờn ca tài tử” của Ông thành một phong trào phù hợp với xu thế mới, mang tính chiến lược bảo tồn văn hóa dân tộc, thay vì cứ để cho con em chúng ta xem quá nhiều trò chơi (Game show)  trên Tivi như hiện nay. Ngoài ra, còn giới thiệu cho du khách đến Bạc Liêu, và thế giới biết đến một loại hình nghệ thuật có một không hai này.

Có như thế chúng ta mới không bị mai một gia tài “đờn ca tài tử” vô cùng quí giá, bởi nó hoàn toàn sáng tạo từ con tim và khối óc của những người nghệ sĩ tài ba. Và Chư tôn đức trong Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bạc Liêu nên đề xuất với giáo hội Trung Ương thành lập một ban nghi lễ Nam Bộ dựa trên nền tảng sáng tác của Sư Nguyệt Chiếu để đáp ứng cho tầng lớp Phật tử và quần chúng một thể loại nghi lễ đa dạng theo nhu cầu thực tế. Đồng thời, nên thành lập một trường Cao đẳng lễ nhạc Phật giáo Nam bộ để gìn giữ và phát triển gia sản và đưa sự hội nhập của Phật giáo và xã hội lên một tầm cao mới. Bởi  tính nghệ thuật đặc biệt này chỉ có riêng ở Việt Nam “…Nét nhạc của các bài tán, bài tụng thay đổi theo  miền, theo vùng. Mà thang âm, điệu thức dùng trong những bài tán, tụng rất gần với thang âm điệu thức của tiếng hát ru, những điệu dân ca đặc biệt của mỗi vùng”[8]. Nó đóng một vai trò hết sức quan trọng trên con đường hoằng pháp lợi sinh mà Sư Nguyệt Chiếu đã khéo léo phương tiện đưa giáo lý vào sinh hoạt đời sống tăng sĩ qua tán tụng không ngoài mục đích là “tải đạo” cho đời thêm hương! Quả là bậc trí dũng, tài đức vẹn toàn, lý sự viên dung. Ông là một vì sao sáng trên bầu trời âm nhạc và lễ nhạc của vùng đất phương Nam, càng nhìn càng sáng!

Trân trọng,
28.10.2007

 

[1] Trần Thái Tông, 1257-1258; Trần Thánh Tông, 1284-1285; Trần Nhân Tông, 1287-1288

[2] Thiếu tướng chỉ huy Christain de Castries, ngày  08.05.1945

[3] Giải phóng đất nước 30.04.1975.

[4] Một loại hình văn hóa phi vật thể được Unesco công nhận vào năm 2003 (Bản tin Unesco 07.11.2003)

[5] Tác giả, Huỳnh Văn Nghệ.

[6] Điều gì đang xãy ra với giới trẻ, Tiến sĩ tâm lý Đinh Phương Duy. Tuổi trẻ, thứ bảy 27.10.2007

[7] Giáo sư Mạc Đường, Viện Trưởng Viện Khoa học xã hội tại Tp Hồ Chí Minh.

[8] Tiến sĩ Trần Hồng Liên, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu dân tộc và Tôn giáo.

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/cuocsong/ngoisaoPhuongNam.htm

 


Vào mạng: 01-11-2007

Trở về mục "Quà tặng cuộc sống"

Đầu trang