Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Phật Giáo Chính Tín
HT. Thích thánh Nghiêm
Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học dịch

Câu hỏi 36-43


36. PHẬT GIÁO CÓ BI QUAN TRƯỚC TIỀN ĐỒ CỦA NHÂN LOẠI ? [^]

Người Phật tử chính tín, đối trước vấn đề này, cương quyết trả lời : "không bi quan".

Vì Phật giáo tin rằng, qua một thời gian dài nữa, ước chừng sau 56 ức năm nữa, trước khi địa cầu này hủy diệt, thì sẽ có một vị Phật xuất hiện giữa loài người. Đó là Phật Di Lặc. Lúc bấy giờ trái đất này, về các mặt đạo đức và xây dựng vật chất, là một cõi nước an lạc, thanh tịnh, đẹp đẽ, trang nghiêm, bằng phẳng, thống nhất, tự do, toàn thiện. Ở trong nước, mọi người đều quan hệ tốt và hỗ trợ lẫn nhau. Trên các phương diện, giao thông, nhà ở, quần áo mặc, ăn uống, ao hồ, vườn rừng, cây cỏ, hoa trái, chim chóc, vui chơi, giáo dục, văn hóa, là một cõi nước kiện toàn, giàu có đẹp đẽ, trong sạch. Người bấy giờ có thân thể cao lớn, thọ mạng lâu dài, tướng mạo đoan nghiêm, thể lực dồi dào. Lúc bấy giờ thế giới là thống nhất, tiếng nói cũng thống nhất, tư tưởng cũng thống nhất. Cả thế giới như anh em một nhà, cùng sống trong an lạc. Loài người lúc bấy giờ, trừ các cảm thụ như nóng lạnh, đói khát, đại tiểu tiện, tình dục, ăn uống và già chết, thì cũng không khác gì cõi cực lạc phương tây di chuyển về trên trái đất này (chú 6).

Phật giáo tin rằng, tất cả những người nào đã quy y theo Phật pháp của Phật Thích Ca, sẽ tái sinh trở lại cõi đất này, khi Phật Di Lặc xuất hiện, sẽ cùng nhau nghe pháp và được Phật Di Lặc thụ ký, cho biết lúc nào họ sẽ thành Phật.

Phật Di Lặc ra đời, tuy cách hiện nay rất xa, nhưng Phật giáo chính tín, tin tưởng sâu sắc rằng, thời kỳ ấy sẽ đến. Để đón chào thời đại sáng lạn và quang vinh ấy sẽ đến, mỗi người chúng ta đều tham gia xây dựng các mặt, các lĩnh vực của đời sống xã hội loài người ngày nay cho tốt đẹp. Đó là trách nhiệm của Phật giáo chính tín [Xem ba kinh về Phật Di Lặc; Kinh Trường A Hàm, quyển 6 trang 6; Trung A Hàm cuốn 13 trang 66; Tăng nhất A Hàm, phẩm 10 : bất thiện, cuốn 48 trang 3].


37. KIẾP LÀ GÌ ? [^]

Kiếp, dịch âm kiếp-ba từ chữ Phạn Kalpa. Danh từ Kalpa không phải do Phật giáo sáng tạo, mà là tên gọi chung một đơn vị thời gian của Ấn Độ cổ đại, để tính những khoảng thời gian dài, cũng như từ sát-na (ktana) cũng là một đơn vị thời gian chỉ khoảng thời gian ngắn. Nói dài thì có thể dài vô hạn, mà nói ngắn thì cực ngắn như một sát na.

Nhưng, thông thường, từ "kiếp" được dùng để chỉ khoảng thời gian dài của thế giới sa bà, nơi chúng ta ở, kinh Phật nói kiếp có 3 cấp :

Thứ nhất là kiếp nhỏ (tiểu kiếp) được tính theo thọ mệnh của loài người trên địa cầu này. Từ mức thọ mệnh dài nhất là 8.4000 tuổi, cứ quá 100 năm, giảm một tuổi, giảm tới khi thọ mệnh người chỉ còn 10 tuổi, giai đoạn này gọi chung là giảm kiếp. Rồi, từ thọ mệnh 10 tuổi, qua 100 năm, tăng thêm một tuổi, cho đến khi đạt mức thọ mệnh 84.000 tuổi, gọi chung là tăng kiếp. Quá trình thời gian một lần giảm một lần tăng như vậy gọi là một kiếp nhỏ (tiểu kiếp).

Cấp thứ hai là kiếp trung bình (trung kiếp). Hai mươi tiểu kiếp gộp lại thành một trung kiếp. Theo sách Phật, địa cầu nơi chúng ta ở, diễn biến qua bốn giai đoạn lớn : Thành (hình thành), Trụ (tồn tại), Hoại (hủy hoại), Không (thành hư không). Mỗi giai đoạn lớn như vậy, dài bằng 200 tiểu kiếp. Trong bốn giai đoạn nói trên, chỉ có giai đoạn trụ là có người ở. Trong giai đoạn sơ Thành địa cầu có thể lỏng và thể khí, và từ thể lỏng khô cứng dần dần. Vì vậy mà người không thể ở được. Đến giai đoạn "Hoại", trái đất bị phá hoại kịch liệt, dữ dội, người cũng không thể ở được. Theo sách nói, trong giai đoạn này, trái đất phải trải qua 49 lần hỏa tai lớn, 7 lần thủy tai lớn, một lần gió bão lớn (phong tai), sau đó đất bị băng hoại. Sau khi "Hoại kiếp" kết thúc thì bắt đầu "Không kiếp", là kiếp không có vật gì tồn tại, kéo dài 20 tiểu kiếp nữa. Rồi một địa cầu mới lại dần dần hình thành. Một giai đoạn "Thành" khác lại bắt đầu. Như vậy, bốn giai đoạn "thành, trụ, hoại, không" của trái đất là bốn trung kiếp, gọi là thành kiếp, trụ kiếp, hoại kiếp, không kiếp.

Cấp thứ ba là kiếp lớn. Bốn trung kiếp gộp lại thành một đại kiếp. Nói cách khác, một lần sinh diệt của địa cầu là một đại kiếp (kiếp lớn). Thế nhưng, trong giai đoạn hoại kiếp, mỗi lần xảy ra hỏa tai lớn, thì thiêu cháy từ địa ngục vô gián đến cõi trời sơ thiền của sắc giới. Mỗi lần xảy ra thủy tai lớn, nước tràn ngập từ địa ngục vô gián đến cõi trời nhị thiền của sắc giới. Và cuối cùng, một trận bão lớn, gió thổi mạnh suốt từ địa ngục vô gián đến cõi trời tam thiền của Sắc giới. Có thể nói, trong một đại kiếp, vào giai đoạn hoại kiếp, cả thế giới này từ địa ngục vô gián cho tới cõi trời tam thiền của sắc giới, đều nằm trong phạm vi ảnh hưởng của kiếp nạn, hỏa, thủy và phong tai. Chỉ có cõi trời thiền thứ 4 của sắc giới và 4 cõi trời thiền của Vô sắc giới mới tránh khỏi được kiếp nạn. Thế nhưng, có điều may là đến giai đoạn hoại kiếp, các chúng sinh ở thế giới này đều là chuyển sinh sang các thế giới khác, hoặc là siêu thăng lên cõi trời thiền thứ 4 của Sắc giới. Có thể nói, không có chúng sinh nào là không có nơi an thân.

Sách Phật nói kiếp, nếu không nói rõ thì thường chỉ cho đại kiếp. Trong chúng sinh ở ba giới này, dục giới, sắc giới và vô sắc giới, thọ mệnh chúng sinh ngắn nhất là sinh ra chết liền. Thọ mệnh chúng sinh dài nhất là ở 4 cõi Trời thiền của vô sắc giới. Thọ mệnh dài nhất là ở cõi trời hữu tưởng vô tưởng, tám vạn 4 nghìn đại kiếp ! Thọ mệnh của họ bằng 8 vạn 4 nghìn lần sinh diệt của trái đất này, vì vậy có chúng sinh ở cõi Trời này nhằm tự cho mình là bất tử. Kỳ thực, qua 8 vạn 4 nghìn đại kiếp, chúng sinh ở cõi Trời đó vẫn trở lại vòng sống chết luân hồi. Với con mắt của Phật, chỉ 8 vạn 4 nghìn đại kiếp cũng chỉ như khoảnh khắc một sát na mà thôi. Chỉ có tu đạo giải thoát, phá ngã chấp, mới vào được cảnh giới Niết Bàn bất tử. Và tiến thêm một bước nữa, phá cả pháp chấp, thì trở thành Bồ Tát, bậc Thánh tuy đã thoát sinh tử nhưng vẫn không trụ ở Niết Bàn, tùy theo loại mà hóa độ chúng sinh, và tiến dần tới quả Phật.

Có thể có người hỏi : "Trái đất này còn tồn tại bao lâu nữa ?"

Tôi có thể lấy một ví dụ : Giả sử ở giai đoạn trụ của quả địa cầu này thọ mệnh trung bình là 100 năm, và nếu thọ mệnh trung bình của con người nay chỉ còn 45 tuổi. Chúng ta biết, một trụ kiếp gồm có 20 tiểu kiếp, như vậy hiện nay, địa cầu đang ở thời kỳ giảm kiếp của tiểu kiếp thứ 9. Như vậy, mọi người chúng ta hãy an tâm mà sống. Đừng có nghe tuyên truyền "Ngày tận thế đến rồi" mà sinh lo lắng ! Bất quá, trong mọi tiểu kiếp, khi giảm kiếp giảm tới mức 10 tuổi thọ mệnh thì cũng có các nạn như bệnh dịch, đói kém, giặc giã xảy ra, đấy là do trong thời kỳ giảm kiếp, nhân tâm suy đồi, loài người tự làm tự chịu quả báo mà thôi. Nhưng các kiếp nạn trong mỗi lần kiếp giảm đều có tính tạm thời và cục bộ, loài người tuy bị thiệt hại và chết nhiều, nhưng không đến nỗi bị tiêu diệt. Ngược lại, có tin mừng báo cáo cho mọi người biết, tức trong hơn 10 tiểu kiếp còn lại, sẽ có 996 vị Phật sẽ ra đời lần lượt trên địa cầu này, và vị Phật đầu tiên trong số này sẽ xuất hiện chính là Phật Di Lặc; vì vậy mà Phật giáo gọi "Di Lặc là Di Lặc tôn Phật hạ sinh". Sự kiện đức Di Lặc thành Phật trên địa cầu này diễn ra trong giai đoạn tăng kiếp của tiểu kiếp thứ 10, lúc thọ mệnh trung bình của loài người đạt 8 vạn tuổi, đại khái cách xa hiện nay đến 56 ức năm [ức bằng 10.000.000 năm (10 triệu), 56 ức năm là 560 triệu năm] (chú 8). Các chuyện thọ mệnh người tăng và giảm, và có lúc tăng tới 8 vạn 4 nghìn tuổi, chúng ta không ngại gì mà không tin là sự thật, vì các kinh Đại và Tiểu thừa đều có chép. Trong kinh Phật có ghi "Khi thọ mệnh người giảm đến 10 tuổi, thì phụ nữ mới sinh được 5 tháng đã đi lấy chồng. Lúc ấy trong thế gian, không còn có các thức ăn có vị ngọt như dầu bơ, đường trắng, mật". Lại có chép : "Khi thọ mệnh người đạt 8 vạn tuổi thì phụ nữ 500 tuổi mới lấy chồng. Lúc bấy giờ, đất đai trên địa cầu bằng phẳng, không có gò đống, hang hố, gai góc, cũng không có rắn rết, ruồi muỗi, côn trùng độc; gạch, ngói, đá đều biến thành ngọc lưu ly; nhân dân giàu có thóc gạo giá rẻ, hạnh phúc cùng cực". (Trường A Hàm, quyển 6).


38. NÓI VỀ ĐẠI THIÊN THẾ GIỚI NHƯ THẾ NÀO [^]

Trong kinh Phật nói : "Một hệ mặt trời mặt trăng là một thế giới nhỏ (Tiểu thế giới). Núi Tu Di là trung tâm, mặt trời mặt trăng quay vòng xung quanh núi Tu Di. Cũng tức là nói, một núi Tu Di là một tiểu thế giới. Vấn đề núi Tu Di, trong giới Phật học hiện nay, vẫn còn là điều mờ mịt. Một số người nhận định rằng [như các học giả Nhật Bản], núi Tu Di là truyền thuyết cổ xưa của Ấn Độ. Khi Phật còn tại thế, Phật đã lợi dụng truyền thuyết đó biểu dương Phật pháp. Núi Tu Di trong truyền thuyết, có thể có hay không có, Phật không chú tâm thuyết minh vấn đề đó. Đức Phật chỉ sử dụng truyền thuyết núi Tu Di để biểu dương Phật pháp nhằm cứu nhân độ thế, và giác ngộ cho đời. Quan điểm ấy của các học giả cũng khá vững. Nhưng muốn nói về thế giới quan của Phật giáo thì không thể không nói tới núi Tu Di được. Núi Tu Di thật sự ở đâu ? Người viết đây không dám phủ định, cũng không biết dựa vào đâu để khẳng định. Khi chúng ta chưa xét vấn đề này một cách thấu đáo thì thái độ an toàn nhất là cứ để thành nghi vấn. Vì vậy mà tôi xin gác vấn đề núi Tu Di lại một bên (chú 9).

Phạm vi của tiểu thế giới là hệ mặt trời mặt trăng. Đó là thái dương hệ, hay cũng là hằng tinh hệ. Một hằng tinh hệ đều có một số vệ tinh đi kèm. Hằng tinh đều là mặt trời, vệ tinh đều là mặt trăng. Trong Thái dương hệ này, mặt trăng cố nhiên là mặt trăng rồi, còn 9 đại hành tinh, trong đó có địa cầu đều là vệ tinh, đều cũng là mặt trăng.

Một ngàn tiểu thế giới gộp lại, gọi là tiểu thiên thế giới; phạm vi của một tiểu thế giới trong tiểu thiên thế giới là từ núi Tu Di cho tới cõi trời Phạm thiên của sắc giới.

Một ngàn tiểu thiên thế giới, gọi là một trung thiên thế giới, phạm vi của một trung thế giới trong trung thiên thế giới, kéo dài tới Vô lượng tịnh thiên của sắc giới.

Một ngàn trung thiên thế giới là một đại thiên thế giới, phạm vi của mỗi đại thế giới trong đại thiên thế giới, kéo dài tới Quang âm thiên của sắc giới.

Như vậy là đại thiên thế giới là một ngàn tiểu thế giới, nhân lên một ngàn lần, thành một trung thiên thế giới, rồi lại từ một trung thiên thế giới nhân lên một ngàn lần nữa mà thành… Như vậy là kinh qua ba lần lũy tiến con số ngàn, vì vậy mà có tên gọi tam thiên đại thiên thế giới. Thực ra, đó chỉ là một đại thiên thế giới mà thôi. Thống trị một Đại thiên thế giới là Đại Phạm thiên vương ở cõi Trời Sắc cứu kính thiên. Mỗi đại thiên thế giới có một Đại Phạm Thiên vương. Vì có vô số Đại thiên thế giới, cho nên cũng có vô số Đại Phạm Thiên vương. Đại thiên thế giới trong đó có loài người ở, gọi tên chung là Sa bà thế giới. Mỗi đại thiên thế giới là cõi giáo hóa của một đức Phật. Phật Thích Ca được tôn xưng là Sa bà giáo chủ vì lẽ như vậy.

Địa cầu nơi chúng ra ở chỉ là một đơn vi vô cùng nhỏ bé trong đại thiên thế giới. Để hóa độ phổ biến khắp chúng sinh ở cõi Sa bà này, Phật Thích Ca phải dùng hàng trăm triệu hóa thân. Tuy dùng đến hàng trăm triệu hóa thân nhưng phạm vi giáo hóa của Phật Thích Ca chỉ là cõi Sa bà này mà thôi.

Do đó có thể thấy, thế giới quan Phật giáo thật là rộng lớn, và phù hợp với quan điểm của thiên văn học cận đại.


39. PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ CỦA PHẬT GIÁO NHƯ THẾ NÀO ? [^]

Đây quả là một vấn đề rất quan trọng. Nếu chỉ biết tin Phật Pháp mà không biết sinh hoạt trong thực tiễn theo đúng Phật Pháp, thì chỉ vun xới được thiện căn để tương lai thành Phật và sẽ rất khó tìm được lợi ích thực tế trong cuộc sống hiện tại.

Nói sự tu trì của Phật giáo, tức là nói thực tiễn sinh hoạt của Phật giáo, mà nội dung chủ yếu nhất gồm có bốn mục : 1. Tín, 2. Giới, 3. Định, 4. Tuệ.

Nếu chưa có tín tâm (lòng tin) thì tức là căn bản chưa vào được cửa Phật. Vì vậy, tín tâm là yêu cầu cơ bản của việc học Phật. Và quy y Tam Bảo chính là đầu tiên xây dựng tín tâm. Nội dung của giới rất rộng, yêu cầu nói chung là giữ cho được 5 giới và thực hành mười điều thiện. Nếu giữ được 8 giới hay là thụ Bồ Tát giới là chuyện tốt nhất. Giới đối với Phật tử có công năng giống như công sự phòng vệ đối với chiến sĩ ở ngoài chiến trường. Một Phật tử mà không thực hành tốt 5 giới và 10 thiện thì sẽ không có khí chất của người Phật tử nữa. Nếu không giữ 5 giới mà tu thiền, thì dễ rơi vào lưới của thiền ma, gặp phải ma cảnh.

Thiền định là thu tâm, nhiếp tâm để cho sức mạnh của tâm không bị ngoại cảnh làm xáo động. Công phu thiền định đều được các tôn giáo khác coi trọng. Các ngoại đạo ở Ấn Độ đều có tu định. Lão giáo ở Trung Quốc điều hòa hơi thở, đạo Gia Tô cầu nguyện đều là các loại tâm chuyên chú vào một cảnh. Chỉ khi nào khiến tâm chuyên chú được vào một cảnh thì mới thể nghiệm được giá trị vĩ đại, cao cả của tôn giáo, mới đạt được cả thân và tâm đều nhẹ nhàng, an lạc. Đó là một cảnh giới an lạc mà cái vui của 5 món dục tầm thường không thể đem so sánh được (1). Một khi đã thể nghiệm được định tâm một cảnh rồi, thì niềm tin tôn giáo của người tu thiền càng tăng gấp bội, không thể nào làm cho anh ta mất niềm tin ấy được… Thế nhưng, công phu thiền định không phải là sở hữu riêng của Phật giáo. Sở hữu độc đáo của Phật giáo là trí tuệ chỉ đạo thiền định và giúp cởi bỏ được sự say đắm đối với thiền định. Bởi vì, thiền định tuy là công phu nội chứng không bị ngoại cảnh xáo động, thế nhưng một khi đã vào thiền định, đã làm theo cái vui của thiền thì dễ say đắm cái vui đó mà không thấy muốn rời khỏi thiền định nữa. Cũng như một người, sau khi mệnh chung, được tái sinh lên các cõi Trời thiền. Trong Phật giáo, các cõi Trời thiền chia làm 8 cấp, cao cấp khác nhau, gọi là bốn thiền, tám định. Nhưng bốn thiền, tám định đều chỉ là những cảnh trời Sắc giới và Vô sắc giới và nằm trong phạm vi Ba giới. Thọ mạng ở cõi Trời tuy dài, nhưng chưa ra khỏi sinh tử. Vì vậy, Phật giáo xem thiền định chỉ là một phương pháp tu hành, chứ không phải là mục đích của tu hành. Vì vậy, Thiền tông Trung Hoa, tuy lấy thiền làm tôn chỉ, nhưng lại chú trọng khai ngộ hơn là thiền định. Ngộ là khai mở trí tuệ. Chỉ có khai mở trí tuệ, thấu rõ được thực tướng các pháp thì mới giải thoát được sinh tử và ra khỏi ba giới.

Sự thực, về vấn đề tu trì, tốt nhất là nên gần gũi các bậc thiện tri thức lớn; sẽ giúp tìm ra con đường đi đúng đắn cho mình. Bài này không thể nói tường tận được, chỉ có thể giới thiệu vấn đề một cách sơ lược mà thôi. Nếu độc giả có hướng thì đối với vấn đề này, đề nghị xem bài của tôi : "Tu trì đạo giải thoát như thế nào?", đăng trong sách "Học Phật tri ân".

____________________

  1. 5 món dục là tài, sắc, danh, ăn, ngủ (Người dịch chú)

40. PHẬT GIÁO CÓ PHẢI LÀ TÔN GIÁO CHỦ TRƯƠNG KHỔ HẠNH? [^]

Trước khi giải đáp vấn đề này, hãy nên làm rõ nghĩa hai chữ "khổ hạnh".

Thông thường người ta hiểu khổ hạnh là dùng phương pháp tự làm khổ mình để đạt mục đích giải thoát. Đứng về nguyên tắc mà nói thì không sai, nhưng đứng về xuất phát điểm mà nói thì sự khác biệt lớn. Có người làm khổ mình một cách mù quáng, có người làm khổ mình vì lý tưởng. Kẻ tự làm khổ mình một cách mù quáng, vừa không có căn cứ lý luận, vừa không có mục đích nhất định, cũng giống như kẻ luyện cát để làm dầu mỏ. Vậy trong số những người tự làm khổ mình vì lý tưởng cũng nên phân biệt : Có người chỉ là mê tín, có người hành động dựa vào lý tính. Có người mê tín tu khổ hạnh thì cho rằng nếu giữ giới làm trâu ăn cỏ, làm chó ăn phân, làm cá tắm mình luôn luôn dưới nước, thì sau khi chết, sẽ được sinh lên các cõi Trời. Nhưng người tu khổ hạnh có lý tính cũng chia làm 2 loại : Một loại dùng phương pháp tu trì hợp lý để mình được giải thoát. Một loại lợi dụng thân tâm như là phương tiện để giải thoát khỏi cái Ta, để hỗ trợ người khác (chúng sinh) cùng được giải thoát.

Ngoài phương pháp khổ hạnh có lý tính ra các phương pháp khác đều là khổ hạnh ngoại đạo.

Có những người gần đây cho rằng, Phật giáo không chủ trương khổ hạnh, cho rằng Phật giáo chủ trương lập trường Trung đạo, điều hòa vui và khổ. Đúng là Phật Thích Ca thành Phật, là sau khi từ bỏ lối tu 6 năm khổ hành, phục hồi sức khỏe lại cho thân thể đã bị suy nhược [Tăng nhất A Hàm, Tăng thượng phẩm]. Bất quá, chúng ta cần thấy rõ, Phật đã bỏ lối tu khổ hạnh mù quáng và mê tín, nhưng lại nhấn mạnh lối tu khổ hạnh có lý tính. Lối tu khổ hạnh của Tiểu thừa là nhằm giải thoát cho bản thân mình, còn hỗ trợ cho chúng sinh cùng giải thoát là khổ hạnh của Đại thừa.

Vì vậy, trong Trường A Hàm, quyển 8, có đoạn văn như sau :

Phật nói với Bà la môn Ni Câu Đà : "Điều các Người thực hành là thô lậu đê tiện, bỏ hết quần áo sống lõa lồ, lấy tay che; ăn phân bò, hay phân hươu, hay rễ cây, cành lá, trái quả. Có người giơ tay lên, hoặc không ngồi giường, chỉ quỳ gối, hoặc có người nằm trên gai góc, hoặc có người nằm lõa lồ giữa đống phân bò. Có người một ngày tắm 3 lần, hay một đêm tắm 3 lần, chịu thống khổ vô lượng, đầy đọa thân xác này…".

Những loại khổ hạnh như vậy đều bị Phật cực lực phản đối, bởi vì làm như vậy, chỉ làm khổ thân xác mà không được lợi ích gì. Đã không tu thân, nuôi dưỡng sự sống được, cũng không tu tâm nhập định được, còn nói gì tu hành, đem lợi ích cho người khác. Tiếp theo đó, Phật giảng về lối sống khổ hạnh của Phật giáo cho Bà la môn Ni Câu Đà : "… Khi được cúng dường, thì cung kỉnh lễ. Được cúng dường rồi, tâm không tham đắm, hiểu rõ phương pháp viễn ly xuất thế. Nghe người khác nói chính nghĩa thì hoan hỷ tán đồng, không tự khen mình, không hủy báng người khác. Không sát sinh, trộm cắp, dâm dục, nói chia rẽ, nói ác, nói dối, nói lời vô nghĩa, không tham lam, ghen tị, tà kiến… tinh tấn không ngừng, khéo tập thiền định, siêng tu hành, bồi dưỡng trí tuệ, không kiêu căng tự đại… thường giữ tín nghĩa, thường xuyên tự phản tỉnh, giữ giới trong sạch, chịu khó học hỏi, thường làm bạn với người thiện, làm việc thiện lành không ngừng, không tức giận, không dối trá, không cho rằng mọi ý kiến của mình là đúng, không nói khuyết điểm của người khác, không có tà kiến (không tin lý nhân quả là tà kiến), cũng không có biên kiến (không có quan điểm trong đạo đức là biên kiến, như tin rằng có linh hồn vĩnh hằng bất biến, và cho rằng, chết là hết tất cả). Đó chính là phương pháp khổ hạnh thanh tịnh".

Chúng ta đọc đoạn văn kinh nói trên, cảm thấy thân thiết vô hạn; nội dung của nó không có gì ngoài giới, định, tuệ là pháp giải thoát, đồng thời cũng là pháp xử thế trong nhân gian, và còn là pháp môn cầu giải thoát theo lý tính. Các kinh Đại thừa lại càng khuyến khích bố thí lớn, xả bỏ lớn, chịu nhẫn nhục những điều khó nhẫn nhục, làm những việc thiện khó làm; có thể hy sinh tất cả để cứu độ chúng sinh, và còn phát nguyện sống đời này qua đời khác, hy sinh mình để cứu độ chúng sinh, thậm chí làm đến mức "Trong tam thiên đại thiên thế giới, không có hạt bụi nào không phải là nơi xả thân mạng của Bồ Tát". Hành Bồ Tát như vậy phải chăng là pháp khổ hạnh vĩ đại ?

Vì vậy, đã là Phật tử chính tín thì phải biết chế ngự thân tâm, siêng năng khắc khổ, đối với người thì hậu, tự mình sống thì đạm bạc; chỉ có hạn chế đời sống vật dục mới đề cao được cuộc sống tinh thần, siêng năng tu đạo, làm cho sự nghiệp Phật giáo phát triển, cống hiến cho lợi ích của đại chúng, phát nguyện lớn, phục vụ cho toàn nhân loại, làm người bạn sẵn sàng của mọi chúng sinh, thậm chí hy sinh cả tự thân để cứu độ chúng sinh. Đó là khổ hạnh của Phật giáo. Nếu có người cho rằng, nhịn ăn cơm, không chịu sống như con người bình thường, làm các công việc kỳ lạ, kỳ quái, thì đó không phải là khổ hạnh của Phật giáo mà là khổ hạnh của ngoại đạo.


41. BÀN VỀ "SÁU CĂN THANH TỊNH" [^]

Danh từ "6 căn thanh tịnh", đối với người không biết Phật pháp, thì xem ra rất nông cạn dễ hiểu, thậm chí cho rằng đáng buồn cười nữa. Họ cho rằng, đã là Tăng, Ni xuất gia thì sáu căn phải thanh tịnh. Nếu có Tăng Ni nào vì thời gian mà "mắc" ít chút nữ sắc và tiền tài thì báo chí làm rùm beng một cách ác ý "vị Tăng hay Ni này sáu căn không được thanh tịnh !". Nhưng sáu căn là gì ? Thế nào là sáu căn thanh tịnh thì các nhà báo cũng không biết nữa.

Thực ra từ ngữ "sáu căn thanh tịnh" rất có đạo lý. Sáu căn là toàn bộ phạm vi của sinh lý học. Đối với vũ trụ và nhân sinh, Phật giáo không phải là duy vật luận cũng không phải là duy tâm luận, mà chủ trương duyên sinh luận, tức vạn vật do nhân duyên hòa hợp mà có. Phật giáo xem con người là sự cấu thành của ba bộ phân tâm lý, sinh lý và vật lý. Sáu căn nói trên đây thuộc về bộ phận sinh lý học, cộng thêm sáu trần thuộc phạm vi vật lý học, và sáu thức thuộc phạm vi tâm lý học, tổng hợp cả ba bộ phận ấy tạo thành cá nhân một con người. Sáu căn, sáu trần, sáu thức tổng hợp lại thành 18 giới. Căn trần thức giống như cái vạc ba chân, nương tựa vào nhau mà tồn tại, khuyết một không được. Khuyết một thì hai bộ phận kia không tồn tại được. Vì rằng, sáu trần và sáu thức phải dựa vào môi giới sáu căn mới có tác dụng. Sáu trần và sáu căn, phải dựa vào sự phân biệt của sáu thức mới có giá trị. Sáu thức và sáu căn phải dựa vào bóng dáng phản ánh của sáu trần mới có công dụng.

Hãy dùng một ví dụ : Sáu căn như cái gương, sáu trần là bóng dáng phản chiếu trong gương. Thức là con người phân biệt bóng dáng phản chiếu trong gương.

Sáu căn, sáu trần và sáu thức là gì ? Mới nói ra thì rất giản đơn. Đó là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Do tác dụng môi giới giữa 2 bộ phận tâm lý và vật lý mà nói thì gọi chúng là sáu căn. Chúng là những quan năng thần kinh về mặt sinh lý học. Mắt có thần kinh thấy, tai có thần kinh nghe, mũi có thần kinh ngửi, lưỡi có thần kinh nếm, thân có thần kinh xúc và ý có thần kinh não. Chúng là cơ sở của môi giới giữa tâm lý và vật lý, cho nên gọi chúng là 6 căn.

Đối tượng tiếp xúc của 6 căn là 6 trần, tức là các loại vật chất thuộc phạm vi vật lý học. Là màu sắc và hình sắc được con mắt thấy, âm thanh được lỗ tai nghe, mùi hương được mũi ngửi, vị được lưỡi nếm, cảm giác trơn nháp, mềm hay cứng của thân tiếp xúc, và "pháp" là đối tượng nắm bắt của ý căn. Đó là 6 trần. Do 6 căn tiếp xúc với 6 trần mà sản sinh ra 6 thức có công năng phân biệt và ghi nhớ. Nếu chỉ có 6 căn, 6 trần mà không có thức thì đó là cái thây ma, không phải là người sống nữa. Vì vậy, 6 thức là những ông chủ sử dụng 6 căn; 6 căn là công cụ tiếp xúc của sáu thức với 6 trần.

Nếu vậy thì vì sao nói "sáu căn thanh tịnh ?". Bởi vì sáu căn là công cụ của sáu thức. Sáng tạo ra hành vi thiện ác lại do tác dụng của 6 căn. Người ta sở dĩ quanh quẩn trong vòng luân hồi sinh tử là do 6 căn không được thanh tịnh. Mọi tội ác làm ra từ thời vô thủy đến nay, đều do 6 căn tạo ra. Như, con mắt tham sắc, tai tham âm thanh, mũi tham hương, lưỡi tham vị, thân căn tham tiếp xúc với cái êm dịu và ý căn tham cảnh vui. Đã có tham thì có sân. Tham và sân là do phiền não, vô minh mà có. Hợp cả ba loại thành tham, sân, si, ba món độc kết hợp nhau, ác nhiều thiện ít, khiến cho càng xa vời ngày thoát ly sinh tử.

Công phu tu trì đạo giải thoát khỏi sinh tử không ở ngoài ba môn học : "giới, định, tuệ". Nhưng, gốc chủ yếu của trí tuệ là giới và định. Do đó, công phu nhập môn phải bắt đầu từ thân và tâm, tu thân và tu tâm. Loại bỏ hết niệm ác gọi là tu tâm. Công phu chủ yếu tu tâm là tập thiền định. Loại bỏ mọi hành vi bất thiện gọi là tu thân; công phu tu thân chủ yếu là giữ giới. Mục đích giữ giới là hộ trì các căn, không để cho các chuyện xấu, lọt qua các căn, vào tới nội tâm, gieo rắc hạt giống sinh tử luân hồi.

Bởi vì, một người bình thường, trừ các giờ nhập thiền thì không thể tránh khỏi vọng tưởng. Vọng tưởng giống như cái dây dẫn lửa, thúc đẩy các căn tạo nghiệp. Giới luật nhà Phật giống như cái thắt lưng bảo hộ, hay là dụng cụ dập tắt lửa, đặt giữa vọng tưởng và sáu căn. Nhờ có giới luật phòng vệ, sáu căn mới dần dần trở nên thanh tịnh. Một khi sáu căn đã được thanh tịnh, thì người tu hành đạt gần tới chỗ siêu phàm nhập thánh.

Do vậy, đối với những Tăng Ni bình thường, thì chỉ có thể dựa vào giới luật để phòng vệ 6 căn, chứ không thể nói sáu căn đã được thanh tịnh. Quan niệm thông thường là, một Tăng hay Ni không phạm giới thứ 5, không tham của không cho, không xen vào chuyện thị phi của người khác, thì tức là sáu căn thanh tịnh. Trên sự thực, còn tham và theo đuổi thụ dụng vật chất thì đã không thanh tịnh trong 6 căn, dù là xem, nghe, ngửi, nếm, mặc, chơi chỉ cần tham thích không bỏ thì đã là sáu căn không thanh tịnh. Vì vấn đề thanh tịnh hay không thanh tịnh là vấn đề nhỏ nhiệm khó nhìn thấy (không kể quan hệ nam nữ và tiền tài v.v…) cho nên người ta ít chú ý.

Theo sự phán đoán của tông Thiên Thai, cấp vị sáu căn thanh tịnh là thập tín vị, thuộc 10 cấp đầu trong 52 cấp vị của Bồ Tát; phải đoạn trừ kiến hoặc và tư hoặc, tương đương với đoạn trừ phiền não chướng và sở tri chướng của tông Duy Thức; và với bước chuyển từ địa vị phàm phu phổ thông (gọi là ngoại phàm phu) lên địa vị phàm phu hiền trí (gọi là nội phàm phu hay hiền vị phàm phu).

Theo kinh Pháp Hoa và kinh Niết Bàn, nếu thành tựu được 6 căn thanh tịnh thì tác dụng của sáu căn có thể thay nhau. Nghĩa là bất cứ căn nào cũng có đầy đủ tác dụng của 5 căn kia : Mắt, không những thấy, mà còn có thể nghe, ngửi, nếm, tiếp xúc, v.v… tai cho đến mũi, lưỡi, thân, ý đều cũng như vậy.

Sáu căn thanh tịnh, có tác dụng thay thế nhau, là chuyện thần kỳ, quái lạ đối với độc giả bình thường. Trên sự thực, 6 căn chúng ta sở dĩ không có được tác dụng như vậy, là chính vì do tự chúng ta hạn chế tác dụng của 6 căn. Nghĩa là chúng ta dùng 6 căn để nắm bắt 6 trần, chấp thủ 6 trần, trở thành nô lệ của 6 trần, bị sáu trần chiếm lĩnh. Sắc trần xuất hiện thì con mắt ứng phó ngay. Âm thanh đối với tai, mùi đối với mũi, vị đối với lưỡi v.v… cũng đều như vậy.

Nếu 6 căn không bị 6 trần chi phối, mê hoặc thì 6 căn được giải thoát, được tự do. Sáu căn được tự do thì có thể được sử dụng thay thế nhau không khó, không có giới hạn. Đó là sáu căn thanh tịnh. Sáu căn tuy vẫn tiếp xúc với 6 trần nhưng đã không bị 6 trần chi phối, mê hoặc, dám tới tạo nghiệp nữa. Vì vậy mà gọi là sáu căn thanh tịnh.

Nói rõ ràng hơn, 6 căn thanh tịnh không có nghĩa là không còn có 6 căn, mà có nghĩa là các quan năng sinh lý của chúng ta không còn chuyển theo cảnh hư huyễn của 6 trần nữa, không còn bị ngoại trần làm cho nhiễm ô nữa - Một kết quả không thể tự nhiên nhàn hạ mà có được.

Để dễ ghi nhớ, chúng tôi ghi lại 6 căn, 6 trần, 6 thức như sau :

Sáu thức : nhãn thức, nhĩ thức, tỵ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.

Sáu căn : mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý căn.

Sáu trần : sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp trần.

Sáu thức phát động sáu căn tiếp xúc với 6 trần, 6 trần phản ánh trong 6 căn và được 6 thức phân biệt, ghi nhớ lưu lại. Rồi lại từ trong cái "kho" ghi nhớ, bảo lưu ấy hiển hiện ra, phát động 6 căn tiếp xúc lại với 6 trần, chấp thủ sáu trần. Đó chính là nguyên do của cuộc vận động sinh tử luân hồi. Mục đích của tu tập 6 căn thanh tịnh là để đoạn tuyệt và siêu việt lên trên dòng chảy sinh tử luân hồi.


42. BỐN ĐẠI ĐỀU KHÔNG LÀ THẾ NÀO ? [^]

Bốn đại đều không có nghĩa là xóa bỏ bốn đại thành hư không hay sao ?

Người không hiểu Phật pháp, sẽ nói : "Bỏ rượu, bỏ sắc, bỏ tiền tài, bỏ cả hơi thở thì sẽ xóa không bốn đại".

Kỳ thực, nói như vậy là lấy râu ông nọ cắm vào cằm bà kia. Bốn đại mà sách Phật nói là bốn nguyên tố vật chất lớn : Đất, nước, lửa, gió (địa thủy hỏa phong).

Khái niệm bốn đại không phải là phát minh của Phật giáo. Đó là kết quả của nhân loại bước đầu tìm hiểu bản thể của vũ trụ. Trong lịch sử tư tưởng của triết phương Tây và phương Đông, đều có xu thế tìm hiểu và nhận thức bản thể của vũ trụ như vậy, như thuyết ngũ hành (thủy, hỏa, kim, mộc, thổ) chép trong Kinh Thư Trung Quốc, kinh sách cổ Veđa của Ấn Độ, có chép thế giới hình thành trên cơ sở 5 nguyên tố tự nhiên là đất, nước, lửa, gió, không. Triết học gia Hi Lạp cổ đại, Empedocle cho rằng có bốn nguyên tố lớn bất biến là khí hơi, nước, đất và lửa.

Nói tóm lại, dù là thuyết ngũ hành hay ngũ đại, hay tứ đại, chúng đều là những nguyên tố cơ bản của giới vật lý. Nếu chỉ dừng ở đây, ách tắc ở đây, thì đó là duy vật luận, hay là tiền thân của duy vật luận.

Thuyết bốn đại đều là không, vốn là tư tưởng vốn có của Ấn Độ nhưng được phát triển thêm phần sâu sắc và "Phật giáo hóa", vì địa, thủy, hỏa, phong là bốn nguyên tố vật lý lớn của vũ trụ, như núi non đất đai thuộc về địa đại, sông biển thuộc về thủy đại, ánh sáng, sức nhiệt mặt trời thuộc về hỏa đại, không khí lưu chuyển thuộc về phong đại. Nếu nói về tính lý của cơ thể con người thì tóc, xương thịt thuộc về địa đại; máu, các chất lỏng bài tiết thuộc thủy đại; sức nóng trong người thuộc về hỏa đại, khí hô hấp thuộc phong đại. Nếu đứng về thuộc tính vật lý mà nói thì cái gì thô cứng thuộc về địa đại, cái gì ướt thuộc về thủy đại, cái gì nóng ấm thuộc về hỏa đại, cái gì chuyển động thuộc về phong đại. Thế nhưng, dù có phân tích thế nào thì bốn đại là thuộc về giới vật chất chứ không thuộc giới tinh thần. Do đó, phái duy vật luận cho rằng bốn đại là nguyên tố cơ bản của vũ trụ. Thế nhưng, Phật giáo không tán thành một quan điểm như vậy.

Thuyết bốn đại có điểm khác biệt giữa Đại thừa và Tiểu thừa. Đối với Phật giáo tiểu thừa, bốn đại là những nguyên tố cơ bản tạo ra hiện tượng vật chất, gọi là tứ đại chủng (chủng là hạt giống). Ý tứ là bốn đại là hạt giống của tất cả mọi hiện tượng vật chất. Nếu bốn đại mà được phân phối điều hòa, thì hiện tượng vật lý phồn vinh, nếu bốn đại mâu thuẫn xung đột, thì hiện tượng vật lý tiến tới giải thể, hủy diệt. Hiện tượng sinh lý cũng như vậy. Người sở dĩ mắc bệnh là vì bốn đại không điều hòa. Tiểu thừa nhận thức sắc thân con người là do bốn đại tạo thành, mục đích là để chúng ra đừng chấp sắc thân là ta, rồi tạo ra các nghiệp sinh tử luân hồi. Nếu chứng được lý ngã không thì sẽ vào được cảnh giới Niết Bàn của Tiểu thừa, không còn bị luân hồi sinh tử nữa.

Còn Phật giáo Đại thừa thì không xem bốn đại là Nguyên tố căn bản mà là hiện tượng vật chất, là hư giả, không phải là thực. Các hiện tượng sinh lý hay vật lý hình thành là dựa vào bốn đại làm tăng thượng duyên chứ không phải là yếu tố cơ bản và có thật. Tiểu thừa tuy xem sắc thân là vô ngã, là không có thực nhưng bốn đại là những pháp cực vi thực có. Phật giáo Tiểu thừa tuy không phải là duy vật luận, nhưng là đa nguyên luận.

Thực ra, Phật giáo không phải chỉ xem 4 đại là không mà xem cả 5 uẩn cũng đều là không, mà 4 đại chỉ tạo ra một uẩn mà thôi, tức là sắc uẩn.

Năm uẩn là gì ? Năm uẩn là sắc, thụ, tưởng, hành, thức. Trong 5 uẩn, chỉ có sắc uẩn là thuộc về giới vật chất.

Năm uẩn là pháp sinh tử trong ba giới. Chỉ có chứng ngộ năm uẩn là không thì mới siêu việt được cảnh giới sinh tử của ba giới. Cho nên Phật giáo không phải chỉ nói bốn đại là không mà còn tiến thêm bước nữa, nói 5 uẩn cũng đều là không. Trọng tâm của Phật giáo, không phải lấy 4 đại làm chủ mà lấy thức uẩn làm chủ, còn ba uẩn tinh thần kia (thụ, tưởng, hành) chỉ là những kẻ phụ trợ cho thức uẩn mà thôi, làm tỏ rõ công dụng rộng lớn của giới tinh thần mà thôi. Do đó, Phật giáo không phải là duy vật luận mà là duy thức luận.


43. PHẬT TỬ CÓ HIẾU THUẬN VỚI CHA MẸ KHÔNG ?  [^]

Đúng là ở nước ta, có một số nhân sĩ thích phê bình Phật giáo là đạo bất hiếu, vì họ cho rằng xuất gia làm Tăng Ni, không có con nối dõi tông tộc, là việc đại bất hiếu. Suy nghĩ như vậy là do quan điểm và tư tưởng gia tộc hẹp hòi của họ vì Mạnh Tử nói : "Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại" (Bất hiếu có ba, không có con là tội lớn nhất). Tuy rằng, đây không phải là tư tưởng chủ yếu của Nho gia, nhưng ngay trong thời hiện nay, cũng có một số nhà Nho thiên chấp, phê bình Phật giáo là tôn giáo bất hiếu. Thật ra, trong các kinh Phật Tiểu thừa và Đại thừa, những lời dạy về đạo hiếu đối với cha mẹ, có thể nói là nhiều không kể xiết. Chỉ cần đọc vài bộ kinh, liền thấy rằng Phật giáo không những không phải là bất hiếu, mà còn là một tôn giáo cực kỳ tôn trọng đạo hiếu. Trong kinh "bản sinh tâm địa quán" có câu : "Đối với cha, có ơn về lòng từ, đối với mẹ có ơn về lòng bi, ân bi của mẹ, dù ta có ở lại thế gian này một kiếp, nói cũng không hết được". Vì vậy lại nói : "Trải qua một kiếp cứ mỗi ngày, cắt thịt mình để nuôi dưỡng cha mẹ, cũng không báo đáp được ân một ngày". Lại nói : "Vì vậy, các người phải hết lòng hiếu dưỡng cha mẹ; phúc đức hiếu dưỡng cha mẹ cũng bằng phúc đức cúng dường Phật. Các người phải báo ơn cha mẹ như vậy". Tăng nhất A Hàm quyển 11 nói rằng : cúng dường cha mẹ, cũng như cúng dường vị Đại Bồ Tát sắp thành Phật. Trong sách Ngũ Phần Luật, cuốn 22, kể câu chuyện : "Khi Phật còn tại thế, có một A La Hán, đệ tử Phật, tên là Tất Lăng Già Bà Sa, vì cha mẹ nghèo muốn đem đồ ăn thứ mặc cúng dường cha mẹ, nhưng không dám, bèn hỏi Phật. Phật triệu tập các Tỳ kheo lại nói rằng : Nếu như một người, trong một trăm năm, vai bên phải cõng cha, vai bên trái cõng mẹ, dù cho cha mẹ có đại tiểu tiện ở trên mình, và đem đồ ăn thức mặc quý nhất ở thế gian cúng dường cha mẹ, thì vẫn không báo đáp được cái ơn trong giây phút của cha mẹ đã nuôi dưỡng mình. Từ nay về sau, các Tỳ kheo hãy chăm lo suốt đời cúng dường cha mẹ; nếu không cúng dường thì phạm tội nặng". Kinh Tăng nhất A Hàm cuốn 11 cũng có lời dạy của Phật tương tự như vậy. Trong kinh "Bề Bà Lăng Kỳ" kể chuyện : "Có một công nhân nghèo ở vào thời Phật Ca Diếp tại thế, tên là Nam Đề Bà La tin theo Phật giáo, sống hoàn toàn như xuất gia, nhưng vì để nuôi dưỡng hai cha mẹ già mù lòa, cho nên vẫn làm nghề đồ gốm duy trì sinh hoạt mà không xuất gia".

Sự thực, Phật giáo tuy cho rằng xuất gia ly dục là đáng quý, nhưng cũng không cưỡng ép phải xuất gia. Thậm chí, trong giới luật, có quy định rõ : "Cha mẹ không đồng ý thì không được xuất gia; nếu cha mẹ nghèo, không có ai phụng dưỡng, thì con cái dù đã xuất gia cũng hết lòng phụng dưỡng nếu không thì phạm tội nặng. Kinh Ni Đà Na căn bản quyển 4 cũng nói : "Nếu xuất gia, ở nơi có cha mẹ thì vẫn phải cung cấp đầy đủ cho cha mẹ". Như vậy sao nói được đạo Phật là bất hiếu ? Đương nhiên, những người có đầu óc hẹp hòi, ấu trĩ vẫn nói là phải lập gia đình, sinh đẻ con cái mới là có hiếu ! Với những người như vậy thì còn nói làm sao được ! Không lạ gì ngày nay, người thế tục nói chung chỉ nuôi được con cái mình rất ít người nuôi đưỡng được cha mẹ. Đó cũng là kết quả của tệ mê tín "vô hậu vi đại" !

Thực ra đạo hiếu của Phật giáo là không thể hiểu được đối với những người còn mê tín thuyết "vô hậu vi đại". Phật giáo cho rằng, người ta sống trong vòng sống chết luân hồi, đời này cố nhiên là có cha mẹ; trong vô số vô lượng đời sống quá khứ và vị lai, đã có và sẽ có vô số cha mẹ. Hiếu dưỡng đối với cha mẹ đời này, cũng phải cứu độ cha mẹ, đời quá khứ và vị lai. Trong con mắt của vị Bồ Tát thì "mọi người con trai đều là cha mình, mọi người con gái đều là mẹ mình, đời này qua đời khác, ta sinh ra từ họ" (kinh Phạm Võng). Vì vậy, thực hành đạo Bồ Tát, độ khắp chúng sinh, tức là hiếu thuận với cha mẹ. Đương nhiên, Phật giáo không phải giống như Mặc Tử đã từng bị Mạnh Tử phê bình là "xem cha người như cha mình, tức là không có cha". Phật giáo chủ yếu nói tới cha mẹ của đời sống này, từ đó suy rộng ra cha mẹ cả 3 đời. Vì vậy, Phật giáo cho rằng độ khắp chúng sinh là mở rộng việc báo ơn đối với cha mẹ, gọi là báo ân chúng sinh. Đó là từ ở cha mẹ mà suy rộng ra chúng sinh. Vì vậy, Phật tử trước hết phải hiếu dưỡng cha mẹ, rồi sau mới bố thí, phóng sinh và cúng dường Tam Bảo.

Thói quen thế tục tổ chức ngày sinh nhật thành một dịp ăn uống linh đình, xuất phát từ một tư tưởng không chính xác. Theo quan điểm Phật giáo, ngày sinh của con cũng là ngày đau đớn của mẹ. Cho nên, ngày sinh của con phải là ngày người con bày tỏ lòng thương đối với mẹ, lòng thông cảm của người con đối với những nỗi đau đớn của mẹ, khi con sắp ra đời, lòng biết ơn của con đối với công sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ, phải tỏ lòng biết ơn đó gấp bội, gấp trăm bội lần vào ngày sinh nhật của mình, thay vì tổ chức sinh nhật thành ngày ăn uống linh đinh. Nếu cha mẹ đã qua đời thì nên nhân ngày sinh nhật của mình, làm các công việc thiện như bố thí, phóng sinh, cúng dường mẹ, tự mình cũng được phúc đức. Trái lại, nếu nhân ngày sinh nhật mà giết thịt gà vịt, lợn bò, ăn nhậu thì sẽ không được phúc mà còn giảm phúc, giảm thọ.


Mục lục | 1-7 | 8-16 | 17-23 | 24-35 | 36-43 | 44-55 | 56-63 | 64-68 | 69-70 | Phụ lục

 


Cập nhật: 1-12-2000

Trở về mục "Phật giáo cho người bắt đầu"

Đầu trang