Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... ..  . ..  .  .
Chuyện du học tại Úc

LTS: Đại đức Thích Nguyên Tạng  là cộng tác viên của Báo Giác Ngộ từ năm 1990, Đại đức định cư tại Melbourne, Úc châu từ năm 1998, từ đó đến nay, Đại đức vẩn thường xuyên gởi bài cộng tác với  báo. Đại đức hiện là phó trụ trì tu viện Quảng Đức và là chủ biên trang nhà Phật học, www.quangduc.com. Bài viết sau Đại đức chia sẻ một số thông tin về việc du học ở Úc.

GN

Tôi  đến Úc giữa năm 1998, không theo diện du học mà được bảo lãnh theo diện nhà truyền giáo (Minister of Religion). Mình hiện là phó trụ trì tu viện Quảng Đức tại Melbourne, nơi có khoảng 50.000 người Việt định cư.

Ngoài công tác chuyên môn của một Tăng sĩ, hiện tại mình đang theo học năm thứ 2 cử nhân ngành social work tại Đại học Latrobe (http://www.latrobe.edu.au. Sau khi tốt nghiệp ngành này, có thể làm việc cho các bộ, sở Chính phủ (Government Departments), bệnh viện và trung tâm sức khỏe cộng đồng (Public Hospitals and Community Health Centres) cơ sở tôn giáo và trung tâm phúc lợi xã hội (Religious and Community Welfare Agencies); chính quyền địa phương (Local Government).....

Social work là loại hình công việc phổ biến tại Úc, giúp cải thiện đời sống của xã hội, làm việc trực tiếp với mọi người ở mọi tầng lớp, đặc biệt là các cộng đồng di dân đến từ các quốc gia thứ ba, họ cần nhiều sự giúp đỡ từ vật chất đến tinh thần, người làm công tác xã hội phụ trách những phần việc rất mênh mông để giúp đỡ cho họ ổn định cuộc sống trong giai đoạn đầu mới định cư. Đối với người tu sĩ PG ở nước ngoài, hiện tại ngành học này tương đối phù hợp với tinh thần nhập thế của Phật giáo. Ngoài việc học, mình còn làm việc trong Chaplaincy Department của Chính phủ Úc, để đi thăm bệnh nhân, tù nhân và trường học theo định kỳ hàng tháng, để giảng dạy giáo lý. Mỗi tôn giáo đều có đại diện để làm công tác này, giảng dạy, an ủi, cầu nguyện cho những tín đồ theo đức tin của riêng mình.

Có nhiều bạn viết mail hỏi thăm về vấn đề tôn giáo học ở Úc, nhân đây xin vắn tắt như sau. Về ngành học Tôn giáo so sánh (Comparative Religion), tất nhiên có đề cập đến Phật giáo trong chương trình học. Hiện tại tại tiểu bang chúng tôi ở chỉ có một đại học duy nhất dạy ngành này là Deakin University (http://www.deakin.edu.au) cách chỗ chúng  tôi ở khoảng 2 giờ lái xe, hơi bất tiện trong việc đi lại, nhưng bạn có thể chọn học chương trình hàm thụ (Correspondence course), tức chỉ nhận tài liệu từ nhà trường, ở nhà đọc, nghiên cứu và viết essay và gởi qua bưu điện. Mỗi học kỳ, mình làm 3 bài essay, mỗi bài trung bình từ 2 đến 4 ngàn từ. Từ nước ngoài bạn có thể học theo cách này. Mọi chi tiết xin liên lạc về: Deakin Uni, Geelong Campus, 1 Gheringhap St, Geelong, Vic 3217. Tel: 61. 03. 5227 2333; Email: courseassistỴdeakin.edu.au. Về ngành Phật học (Buddhist studies), do nhiều yêu cầu, từ năm 2003 trở đi, Đại học Latrobe tại Melbourne sẽ bắt đầu cung cấp ngành cao học và tiến sĩ Phật học và tôn giáo cho những nghiên cứu sinh có nhu cầu, đặc biệt dành cho sinh viên ngành Châu Á học (Asian studies). Để vào được ngành này, thí sinh phải có bằng cử nhân loại giỏi về ngành trực thuộc như Châu Á học, Triết Đông, Thần học, Tôn giáo học, Ngôn ngữ học... Điều kiện bắt buộc đương sự, ngoài Anh văn, phải thông thạo hai cổ ngữ quan trọng cho ngành này là Pali, Sanskrit. Nếu như không biết hai ngôn ngữ này từ trước, đương sự có thể học 1 khóa từ 6 tháng đến 1 năm tại Phân khoa Asian studies. Về học phí cho ngành cao học và tiến sĩ Phật học, toàn thời 3 năm là 36.000 đô-la Úc. Nếu bạn muốn đăng ký và hỏi thêm các chi tiết, xin liên lạc: Dr. Greg Bailey, Asian Studies Program, Faculty of Humanities and Social Sciences, Latrobe University, Vic 3086. Tel: 61. 03. 9479 21 34; Email: greg.baileyỴlatrobe.edu.au; Website: http://www.latrobe.edu.au/humanities.

Tình hình sinh viên Việt Nam đang du học tại Úc, hiện có trên dưới 5.000 người đang theo học ở các đại học lớn trên khắp xứ Úc, phần lớn đều theo học các ngành quản trị kinh doanh (business administration),  điện toán (computer), kế toán (accountant)... Thủ tục xin đi du học khá đơn giản, nếu có thân nhân ở Úc thì nhờ họ tìm đại học thích hợp cho mình, mỗi tiểu bang đều có trường đại học nổi tiếng, ví dụ như tại tiểu bang Victoria, Đại học Melbourne nổi tiếng về luật (law), Swinburn nổi tiếng về computer, Monash Uni là ngành y (medicine), Latrobe Uni là ngành social work, RMIT là các ngành về kỹ sư (engineering).....

Sau khi chọn được trường, mình gởi thư đăng ký khóa học. Các thủ tục cần thiết và quan trọng nhất là đầy đủ tài chánh và khả năng Anh văn (do Trung tâm Giáo dục Australia (Australian Education Centre/AEC) tại VN kiểm tra và cấp giấy chứng nhận), nên biết rằng ngoài việc kiểm tra, AEC còn cung cấp các dịch vụ tư vấn có chất lượng cho sinh viên VN muốn sang Úc du học, họ giúp đỡ trực tiếp hoặc qua sách báo, tài liệu và sử dụng công nghệ hiện đại như Internet, CD-ROM và băng video.   Muốn biết thêm chi tiết về dịch vụ của AEC hoặc các thông tin chi tiết về các ngành học, học phí tại Úc, bạn có thể liên lạc AuseducaỴnetnam.org.vn (Hà Nội) hoặc aeiỴhcm.fpt.vn (thành phố Hồ Chí Minh ) Tel: 84-8 829 6035 ).

Trước khi gởi đơn đăng ký, trong sổ bank của mình phải có đầy đủ tiền học phí và chi phí ăn ở của ba năm học (tùy theo ngành mình chọn, có ngành 1, 2 cho đến 4 năm), ví dụ nếu mỗi năm tổng chi phí các thứ là 20.000 Úc kim thì trong bank account phải có đủ 60.000 Úc kim; bước tiếp theo gởi thư xin du học đến đại học mình chọn, thư gởi đăng ký gồm có : toàn bộ bằng cấp về học lực, kể cả khả năng Anh ngữ,  giấy chứng nhận về khả năng tài chánh của sinh viên, sau đó đại học này gởi cho mình một thư chấp thuận (admission letter), nếu họ xét thấy các điều kiện mình hội đủ. Tiếp đó liên lạc xin visa du học với Đại sứ quán Úc tại Hà Nội (8 Đào Tấn, quận Ba Đình, Tel: (4) 831-7755; Fax: (4) 831-7711 ) hoặc Tổng Lãnh sự quán Úc tại TP Hồ Chí Minh (lầu 5, cao ốc Landmark, 5B Tôn Đức Thắng, quận 1,  Tel: (8). 829 6035 ; Fax :(8). 829 6031; Email: austembỴfpt.vn . Các hồ sơ cần thiết để xin visa gồm có: hộ khẩu, chứng minh nhân dân, lý lịch, hộ chiếu (do Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh VN cấp), giấy chứng nhận tài chánh, các bằng cấp về học lực và khả năng Anh ngữ, chi phiếu lệ phí visa 300 Úc kim. Tất cả các tài liệu trên đều dịch sang Anh ngữ trước khi gởi đi. Nếu không có gì trở ngại, sau 3 tháng mình sẽ có visa để đến Úc du học.

Hiện tại Chính phủ Úc đang gặp khó khăn về người tị nạn, nên chính sách di dân ngày càng hạn chế, do vậy quá trình xét đơn và cấp visa rất gắt gao, nếu họ khả nghi mục đích du học của mình, mình sẽ được gọi phỏng vấn.

Về cộng đồng người Việt Nam sinh sống tại Úc, phần lớn đến đất nước này vào cuối những năm bảy mươi, tính đến nay có khoảng 200.000 người Việt định cư tại xứ sở này, tập trung nhiều nhất là hai thành phố Sydney và Melbourne. Có khoảng 12 tờ tuần báo, 10 chương phát thanh tiếng Việt, và 2 chương trình truyền hình tiếng Việt để phục vụ cho cộng đồng. Về Phật giáo VN thì đang từng bước hòa nhập và phát triển tại Úc. Tính đến nay, có khoảng bảy mươi Tăng Ni người Việt và trên ba mươi tự viện VN trên khắp châu Úc và New Zealand. Theo cái nhìn của người bản xứ là PGVN rất khác biệt và phong phú hơn so với các hội PG sắc tộc khác có mặt tại Úc. Đó là sự hòa hợp độc đáo giữa ba tông phái khác nhau là Mahayana, Theravada và Khất sĩ, cũng như Thiền tông và Tịnh Độ tông. Một nét đặc thù khác của PGVN tại Úc, là mỗi chùa đều có tổ chức Gia đình Phật tử (hiện có 13 GĐPT, và khoảng 1000 huynh trưởng và đoàn sinh trên khắp nước Úc) và mở trường Bồ Đề dạy Việt ngữ, giúp cho thế hệ trẻ VN sanh tại Úc biết rõ và duy trì ngôn ngữ và nền văn hóa của mình.

Đôi hàng thăm bạn và chia sẻ một ít thông tin về chuyện du học ở Úc, mong sẽ giúp được bạn. Nhân mùa Phật Đản trở về, xin cầu chúc bạn và gia đình luôn được an lành trong hồng ân của Đức Phật.

Tuần báo Giác Ngộ, số Phật đản PL. 2546

http://www.buddhismtoday.com/thongbao/duhocUc.htm

 


Vào mạng: 1-6-2002

Trở về mục Thông Báo

Đầu trang