Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

Quỳnh hoa

Vĩnh Hảo


 

"Này, em thấy không, chỉ ở xứ này quỳnh mới chịu ra hoa chứ ở các vùng lạnh có tuyết đấy à, quanh năm suốt tháng chỉ có lá thôi, mà còn èo uột chứ không lớn bản và xanh mướt như vầy đâu nhé."

"Em biết mà. Bởi vậy em mới nói là anh đáng được tưởng thưởng lắm! Rinh về một chậu quỳnh to bự có sẵn mười mấy cái hoa sắp nở, lại thêm mấy chục nụ hoa mới chớm. Thưởng anh nè..."

"Hê, tưởng em thưởng thứ gì chứ hôn thì có gì đặc biệt đâu!"

"Anh á, bộ tưởng dễ được hôn lắm hả? Anh không nhớ hồi đó anh muốn hôn em bắt chết mà có được cho phép đâu! Cả mấy tháng trời mới thuyết phục được người ta chứ bộ! Bây giờ có rồi không biết trân quý nữa. Đàn ông mấy người bao giờ cũng thế, chỉ ham chuộng cái gì chưa có!"

"Đừng nói bậy. Cái tâm lý ấy không phải của riêng đàn ông đâu nhé. Đàn bà cũng vậy thôi. Chẳng hạn... cái xe mới mua về, ham lái lắm, lái xa đến đâu cũng chẳng thấy mệt, bụi bặm chút xíu là lau tới lau lui, nhưng quen rồi thì đâu thấy em chăm sóc nó kỹ lưỡng như thuở ban đầu nữa, phải không?"

"Chuyện đó thì khác. Chiếc xe tự nó đâu có đòi hỏi mình chăm sóc, chỉ tại mình muốn chăm sóc thôi. Khi mình không có thời giờ chăm sóc nữa thì mình cũng chẳng có lỗi gì với nó cả. Còn con người ta đâu phải như vậy. Người ta luôn muốn được người khác quan tâm, chăm sóc, nếu không được thì người ta héo úa đi chứ."

Hưng đang loay hoay cắt xén mấy cành lá quỳnh bị háp nắng, nghe vợ nói vậy, quay lại, cười, dịu giọng với nàng:

"Em thấy anh không quan tâm em đúng mức hả?"

"Đôi khi cảm thấy vậy. Hình như anh bắt đầu chán em thì phải."

"Đừng nói bậy," Hưng bước đến gần chỗ vợ, đưa hai tay cầm vật dụng làm vườn ra sau lưng, nghiêng đầu đến, hôn nhẹ trên trán vợ, "anh vẫn yêu em như thuở nào, chẳng gì thay đổi cả. Bằng chứng là... anh mang chậu hoa quỳnh về cho em nè. Em có biết tại sao các loại hoa khác anh cũng thích nhưng lại thích hoa quỳnh một cách đặc biệt như vậy không?"

"Thì tại nó trùng tên với em chứ gì!"

"Chứ không phải em trùng tên với nó sao?"

"Nó mới có hôm nay thôi anh à."

"Nhưng tên của nó có trước em lâu rồi. Ha, vậy thì em cũng biết rồi! Anh yêu hoa quỳnh, mang hoa quỳnh về đây, bộ không chứng tỏ được gì tình yêu của anh dành cho em sao?"

"Cũng chứng minh được chút chút, nhưng để xem thế nào đã chứ. Biết đâu anh lại lo chăm sóc, tỉa xén, vun bồi, tưới tẩm cho nó tốt tươi mà quên em luôn sao."

"Thiệt khéo lo! Nó chỉ là một thứ vô tri thôi em à. Có nó cũng được, không có nó cũng chả sao. Còn em, anh không thiếu em được, em có biết không?"

"Thiếu em thì anh tìm cô khác, khó khăn gì đâu chứ."

"Đâu có dễ vậy! Người ta nói cái quí không phải là cái tìm không có, nhưng chỉ đơn giản là cái có nhiều kỷ niệm khó quên đối với mình thôi. Em không nhớ câu chuyện xưa bên Trung Hoa mà anh kể em nghe à: có người đàn bà đi ngang rừng cỏ tranh, đánh rớt cái trâm cài tóc làm bằng gốc tranh. Cô ta cứ đi tìm hoài. Người qua đường biết chuyện, góp ý: ‘Cỏ tranh cả rừng như thế, cô đâu cần mất thời giờ nhọc công sức đi tìm cái trâm đã mất!’ Cô trả lời: ‘Cỏ tranh tuy cả một rừng, nhưng tôi vẫn muốn tìm cái trâm tôi dùng hằng ngày vì chính cái trâm đó mới là cái có nhiều kỷ niệm với tôi.’ Em thấy chưa? Cho nên... không có em, đi tìm cô khác, tuy rằng có thể được nhưng mất công quá đi! Phải làm lại từ đầu với một cái gì thật mới, không có chút kỷ niệm nào với mình sao?"

"Ha, anh nói nghe hay lắm, tình lắm, nhưng chẳng biết có thực lòng như vậy không à!"

Hưng cười, tính nói một câu gì đó nhưng nghĩ sao, không nói, tiếp tục xăm xoi, ngắm nghía chậu hoa quỳnh. Quỳnh Hoa cũng đứng gần đó, nhìn chậu hoa một lúc rồi quay vào nhà trong:

"Em vào nấu ăn nghe. Mới đó mà trời tối rồi. Anh có cần phải tưới cho nó không, tưới xong rồi vào chứ."

"Người ta dặn chỉ tưới ngày một lần thôi. Những ngày hoa sắp nở thì tưới nhiều một chút."

"Thì bây giờ hoa sắp nở rồi đó. Anh nghĩ là cuối tuần này hoa nở chưa?"

"Cũng khó mà biết được. Không chừng tối mai đã nở vài cái rồi đó. Để chờ xem sao. Mình chưa có kinh nghiệm gì với loài hoa này cả."

"Thật không đó?" Quỳnh Hoa cười hỏi lại.

"Ô, em muốn nói... ha ha, có chứ, có kinh nghiệm với nó chứ, nhưng là kinh nghiệm chiêm ngưỡng, thưởng thức thôi chứ đâu phải kinh nghiệm đoán trước được ngày giờ phát tiết anh hoa của nó."

"Anh thực tình không có kinh nghiệm đó sao? Không biết được ngày sinh nở của nó?"

"Hi hi, đừng làm khó anh chứ. Ư Ø thì người ta nói là khoảng thời gian đó sẽ khai hoa nở nhụy, nhưng mình đâu biết được giờ nào, phải không? Em không nhớ hồi mang thai bé Thư, em cứ la lên ‘It’s time!’ bao nhiêu lần trong ngày, bao nhiêu ngày trong tuần, nhưng rồi đâu đã đến lúc. Ngược lại, đến lượt sinh bé Thi thì em lại nói, làm như là giàu kinh nghiệm lắm, ‘chưa đâu, chưa đâu’ nhưng cuối cùng lại chạy không kịp!"

Hai vợ chồng cùng cười vui với nhau một lúc rồi lại bắt qua chuyện này chuyện nọ, toàn là những kỷ niệm vui đẹp của quá khứ.

"Ấy chết, mải mê nói chuyện, trời tối rồi. Em phải vào nấu ăn. Thôi anh ở lại mà ngắm hoa quỳnh giả há."

"Hứ, thật thì thật hết, giả thì giả hết chứ."

Quỳnh Hoa ngẫm nghĩ câu chồng nói, vừa cười vừa nguýt dài một cái rồi bước lên bậc thềm từ sân sau dẫn vào nhà bếp. Nàng phải vịn một tay vào khung cửa, khó nhọc nhấc cả người để bước lên. Hưng nhìn theo nàng từ phía sau, thấy dáng vợ nặng nề chẳng khác gì Tracy, cô Mễ làm cùng sở. Tracy đã bị cho nghỉ việc với lý do là làm công việc chậm trễ quá, không đáp ứng được nhu cầu của sở. Cái lý do này ở một vài nơi khác đã bị gán cho cái tội "kỳ thị người mập" nhưng Tracy thì hiền lành, biết phận, chẳng kiện cáo gì, chỉ nhận lương tháng chót và 6 tháng phụ cấp thất nghiệp, rồi nghỉ luôn. Nói cho cùng thì dù người ta không muốn kỳ thị người mập nhưng cũng khó mà ngăn cản những ông bà giám đốc cái nhận xét chung rằng người nặng nề quá thì ắt phải làm việc chậm đi. Thực tế như vậy, ai mà không thấy. Cứ tưởng tượng một người làm công việc như thư ký chạy bàn giấy, hay một người hầu bàn ở nhà hàng chẳng hạn. Những người này cần phải di chuyển nhiều, mà nếu sự di chuyển đối với họ là một công việc nặng nhọc thì chắc chắn là năng suất phải kém đi so với những người mảnh khảnh, nhỏ con, lanh lợi... Đó là chưa kể đến hình ảnh của một người dư thừa thịt mỡ đi qua đi lại trong một tiệm ăn, nếu không gây cảm giác ớn trong họng thì cũng có vẻ như ngầm đưa ra dấu hiệu cảnh cáo ‘này các người, có ăn uống gì thì cũng ăn ít thôi nhé, ăn nhiều thì sẽ... thê thảm như tôi ngay.’ Ở nhà hàng mà gợi cho thực khách cảm nghĩ đó thì chết rồi!

Quỳnh Hoa ngày xưa—xưa không bao lâu đâu, chỉ chừng mười năm trước thôi—là một hoa khôi của Tổng hội Sinh viên Việt Nam của trường đại học Long Beach (CSU of Long Beach). Lúc ấy Hưng là sinh viên mới từ tiểu bang khác đến, lo thủ tục nhập trường thì quen được nàng ở văn phòng Admission and Records. Ở đó, Quỳnh Hoa là thư ký—vừa học vừa làm (work study)—tại văn phòng, đã tận tình hướng dẫn chàng và rồi chàng cũng tận tình theo đuổi nàng cho đến khi thành vợ thành chồng. Thực ra thì Hưng không hề có ý theo đuổi một hoa khôi, và cũng chẳng hề biết rằng Quỳnh Hoa được chấm như là hoa khôi trong nhóm sinh viên Việt của liên trường đại học thuộc quận Los Angeles. Mà chuyện bầu chọn hoa khôi như thế cũng chẳng có gì chính thức. Chẳng qua chỉ là sự truyền miệng với nhau, dĩ nhiên là khởi đi từ đám nam sinh viên những lúc rỗi rảnh ngồi tán dóc ở các cafeteria của trường. Chàng ở trường khác mới đến không hề biết chuyện đó. Đến khi trở thành bạn trai ‘chính thức’ của Quỳnh Hoa rồi thì mới được một số bạn học ‘chúc mừng.’ Năm sau, do đề nghị của nhiều người, Quỳnh Hoa dự thi "Hoa hậu Áo dài Long Beach" do cộng đồng Việt tổ chức hàng năm, và rồi được trao vương miện... Câu chuyện là như thế. Tự dưng ở một nơi xa xôi chuyển đến, chân ướt chân ráo xin nhập học rồi tình cờ chiếm được trái tim của một người đẹp được nhiều chàng trai khác ngấp nghé, săn đuổi. Quỳnh Hoa thuở ấy cũng quen nhiều bạn trai nhưng chẳng bao giờ xem những người này như là tình nhân thực sự của mình cả. Chẳng ai hiểu được tại sao Quỳnh Hoa không chọn họ lại chọn một người chẳng có gì đặc biệt ở nhân dáng bề ngoài như Hưng. Còn về chuyện học hành của Hưng thì vào thời gian chàng mới chuyển trường, chỉ có Quỳnh Hoa mới biết được qua hồ sơ học vấn của chàng nộp nơi văn phòng làm việc của nàng. Chàng là sinh viên ưu hạng (honor student) của Arizona University, nhưng chàng không nghĩ rằng đó là điểm làm cho Quỳnh Hoa hứng thú. Nàng là người hoạt bát, cởi mở, thông minh, chăm chỉ, học giỏi, có vẻ như là một con người hướng ngoại, nặng về vật chất. Nhưng không đúng vậy đâu. Khi chọn Hưng, nàng chỉ chấm chàng ở một điểm duy nhất: thành thật. Nói vậy chẳng phải là những người khác đều dối trá, lừa đảo đối với nàng mà chỉ có nghĩa rằng trong tình yêu và trong sự theo đuổi tỏ tình với nàng, Hưng rất thành thật, không tán hươu tán vượn, không ca tụng nàng quá đáng. Đó là tự Quỳnh Hoa nói lại Hưng nghe khi hai người đã thân nhau. Riêng Hưng, chàng lại nghĩ khác. Chàng nghĩ đến một yếu tố xem ra chẳng quan trọng gì nhưng chính vào thời điểm ấy, vào hoàn cảnh ấy, nó đẹp và nó làm rung động trái tim người đẹp. Sau này nghiệm lại, chàng biết không phải chàng đã cố tình sử dụng nó như một chiêu thức để chinh phục nàng. Chàng chỉ hành xử theo cảm tính—một thứ bản năng—của một nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ Việt Nam, trước cái đẹp. Nếu có thể cưỡng gọi là một thứ chiêu thức, thì đó là chiêu thức rất cổ điển: tặng thơ người đẹp. Một bài thơ ngắn thôi, bốn câu. Không có câu nào ca tụng nàng đẹp như nhân vật nữ huyền thoại Bạch Tuyết, hay trong cổ sử như Tây Thi, hay hiện đại như công nương Diana, các siêu sao màn ảnh và siêu người mẫu như Sean Young, Cindy Cradford, Demi Moore, Nicole Kidman, Wynona Ryder... như hoa hậu Việt Nam, hoa hậu Á châu, hoa hậu thế giới... cũng không ví nàng như thiên thần hay tiên nữ giáng trần chi cả. Nguyên bài thơ chỉ nói về sự rung động của mình trước một con người tử tế, tốt bụng và... có duyên. Chỉ vậy thôi. Vâng, chỉ đơn giản như vậy. Thấy rung động và cứ ghi xuống đại thành một bài thơ ngắn, rụt rè ép vào sách, tặng người đẹp để cám ơn nàng giúp đỡ. Rất ư là cổ điển. Rất ư là nhà quê. Một bài thơ gửi đi chỉ để biểu lộ lòng mình, không cần hồi âm đáp trả, không mong đợi bất cứ thứ đền bù nào cả. Nhưng rồi lại được đáp trả.

"Sự thành thật chỉ là một đức tính. Nó không đủ để em thích anh đâu. Kèm theo đức tính đó là một thái độ, một lối sống, một lối bày tỏ theo cung cách thích đáng nhất... Có phải rằng em lưu ý đến anh từ một bài thơ ngắn, phải vậy không?" Khi thành vợ chồng rồi, đã có lần chàng hỏi lại nàng như vậy. Nàng im lặng suy gẫm một lúc, rồi gật đầu công nhận.

Nàng cho rằng, giữa một đám phàm phu tục tử làm gì cũng muốn cho nhanh, nói gì cũng muốn nói cho rõ hết, tán tỉnh thì nịnh bợ và khoa đại hết biết, giao tiếp thì cố tình phô trương mớ kiến thức lượm lặt nông cạn, mới quen hôm trước hôm sau đã đòi hò hẹn đi ăn tối, đi xem phim... thì một gã sinh viên lặng lẽ, ít nói, rụt rè đưa một cuốn sách rồi biến mất, để lại một bài thơ thật nhỏ, chỉ hai mươi chữ thôi... quả thật là một nhân vật, một dấu tích, một biểu tượng thầm lặng còn sót lại của huyền sử Đông phương trên đất nước hoa dạng này. Cái kiểu tỏ tình cổ điển ấy trải bao thời gian, trải bao hoàn cảnh đổi thay, vẫn giữ được vẻ lãng mạn thâm trầm của nó. Thời nay người ta không còn tỏ tình kiểu ấy nữa không phải vì nó lỗi thời, mà chính vì họ không còn lãng mạn và nên thơ như con người của những thế hệ trước.

Khi Quỳnh Hoa công nhận tình yêu của nàng dành cho Hưng khởi đi từ cách tỏ tình bằng một bài thơ của chàng, bỗng dưng Hưng thấy tăng thêm niềm tin vui trong lòng. Tin rằng thi ca, dù ở tầm mức nào, cung bậc nào, cũng luôn đưa cánh tay huyền diệu của nó xuống để cứu vãn con người ra khỏi sự tầm thường dung tục của thế giới hiện thực. Theo Hưng, Thượng đế có chết thì con người vẫn sống; nhưng thi ca mà chết thì con người chỉ còn là cái xác khô. Nói về thi ca, Hưng không nói riêng về thơ mà nói chung về nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, màu sắc hay âm thanh để biểu đạt cái đẹp. Cũng theo chàng, cái đẹp không phải là cái đối nghịch với cái xấu qua kết quả thẩm định của số đông, mà chính là thực tại của sự vật khi số đông hay từng cá nhân chưa kịp phán xét và thẩm định nó... Cho nên khi Quỳnh Hoa từ một hoa hậu mảnh khảnh trở nên một thiếu phụ đẫy đà sau khi sinh con đầu lòng, rồi dần dần trở nên người đàn bà hai con nặng ký như hôm nay, Hưng vẫn cứ thấy nàng đẹp và tình yêu nơi chàng vẫn thế, có vẻ như chẳng đổi thay gì. Dầu vậy, thoạt khi Hưng cũng đâm nghi ngờ chính mình. Chàng cho rằng có thể chàng chỉ tự dối lòng, tự an ủi mình thôi: cái đẹp ngày xưa của Quỳnh Hoa không còn nữa, và cái đẹp hiện tại của nàng chỉ là bóng dáng nhập nhòa của bao kỷ niệm chồng chất lên nhau. Thời gian trôi đi, cuốn phăng bao vẻ đẹp thực tế của hương sắc con người. Không cưỡng chống được sự tàn phá vô tình ấy, con người đành chắt mót những kỷ niệm vui buồn từng chia xẻ với nhau làm thành tố để gìn giữ và tô chuốt lại vẻ đẹp ban đầu của người yêu. Cho nên, một mặt chàng cứ tự nhủ hoặc nói với Quỳnh Hoa rằng ‘em vẫn đẹp như xưa’ nhưng mặt khác, chàng vẫn biết rằng cái đẹp ấy không còn nữa với thời gian. Những người yêu nhau chỉ sống với cái đẹp quá khứ và khi sống với nhau là sống với tình yêu quá khứ...

Hưng xoay chậu hoa quỳnh để tìm cho nó một vị trí thích hợp. Đứng ngắm nghía một lúc rồi rửa tay vào trong. Quỳnh Hoa đang làm bếp.

"Cần anh giúp gì không?"

"Ơ... anh lặt rau cho em được không?’

"Được, để anh. Nè, em nghĩ sao nếu cuối tuần mình mời vài người bạn thân đến chơi, uống trà, ngắm hoa quỳnh nở?"

"Vui chứ sao. Nên lắm. Nhưng anh có chắc được ngày nào hoa nở không?"

"Ông Dân đoán là trong vòng vài ngày nữa thì hoa nở đợt đầu. Thường nở vào lúc 8 đến 9 giờ tối. Anh nghĩ là mình mời và thông báo cho họ trước. Khi biết chắc ngày nào hoa nở thì mình lại gọi điện thoại, hú một tiếng, chắc chắn họ kéo tới, khó khăn gì. Anh hi vọng là hoa nở vào dịp có trăng tròn. Hôm nay mười hai âm lịch rồi."

"Vậy thì anh gọi mời đi. Cũng lòng vòng mấy ông mấy bà cựu sinh viên của trường thôi chứ gì. À, anh tính làm tiệc gì đãi khách đây?"

"Tiệc trà thôi," Hưng nhún vai nói, "chứ có cái tiệc nào thích hợp hơn để ngắm hoa quỳnh?"

"Nhưng tiệc trà là lúc hoa sắp nở, đang nở, còn trước đó thì cũng phải đãi họ ăn bữa cơm tối đã chứ. Em tính là nướng barbecue."

"Xì, làm cái gì đơn giản thôi. Bày ra đó rồi đến khi hoa nở dọn không kịp!"

"Thì cứ ngồi đó vừa ăn vừa ngắm hoa, có sao đâu?"

"Chao ôi, ngắm hoa quỳnh mà ăn thịt nướng à! Đời thuở nào mà diễn ra cái cảnh rùng rợn đó nhỉ!"

"Chứ tiệc trà đơn sơ thanh đạm gì của anh thấy xưa lắm rồi anh ạ. Bây giờ ngắm hoa thì cũng ngắm lẹ lẹ thôi chứ, ai có thời giờ đâu mà ngồi lâu nhâm nhi tách trà với anh."

"Thôi được, không cãi với em nữa. Em muốn bày thịt nướng với rượu bia, giặm thêm nem chả, hột vịt lộn gì cũng được, nhưng các màn nhậu nhẹt đó phải chấm dứt trước 7 giờ tối."

"Có nghĩa là phải bắt đầu vào tiệc lúc 5 giờ rưỡi? Sớm quá vậy!"

"6 giờ bắt đầu cũng được, có sao đâu. Một giờ đồng hồ cho chuyện ăn uống, một giờ đồng hồ nghỉ ngơi cho rượu thịt tiêu bớt, rồi mới đến tiệc trà chứ."

"Được rồi, được rồi, theo ý anh. Làm như là người ta ham nhậu lắm vậy. Bày tiệc nhậu là bày tiệc cho mấy ông thôi. Phận đàn bà chúng tôi chỉ cần gặp nhau, nói chuyện là đủ rồi. Anh lo mời đi rồi cho biết bao nhiêu người tới dự há. Nhớ mời thằng em nuôi của em nghen."

"Tất nhiên rồi. Nhưng mà... mời nó tới nhậu thì được chứ không lẽ bắt nó ngồi ngắm hoa. Cái thằng đó có chịu được một phút im lặng để uống trà, nghe người ta ngâm thơ, ngắm trăng lên, nhìn hoa nởø... không vậy?"

"Ôi chao, làm như là chỉ có anh mới là thi nhân thôi vậy há! Thằng em tôi cũng có làm thơ chứ bộ."

"Thơ ở đâu, hồi nào? A, bài thơ bữa nó đọc cho tiệc đám cưới con bà Liên đấy à! Hô hô... bài đó nó ăn cắp nguyên vẹn của một tiệc cưới trong nước chứ có phải của nó đâu! Nhưng mà... dù đó là bài thơ của nó đi nữa thì nó cũng chẳng phải là mẫu người thích hợp cho tiệc trà. Cái mẫu người của nó hả, chỉ thích chỗ ồn ào, cụng ly cốp cốp, dzô dzô 100%, la lối om sòm, cười nói sang sảng... em không thấy vậy sao?"

"Vậy mới vui nhà vui cửa chứ. Có đâu như anh, cứ ngồi im lặng cả buổi, nhấp trà lâm râm từng chút, cười không ra tiếng, thở không nghe hơi, buông lời ra thì toàn là thơ văn triết lý... y như một cụ già."

Hưng cười, xua tay tỏ ý không muốn bàn nữa, sợ mất công đưa đến cãi vã. Lặt rau xong, Hưng giúp vợ rửa rau rồi dọn bàn.

Quỳnh Hoa đã thay đổi nhiều. Dường như ngay từ khi bắt đầu trở thành đàn bà, người phụ nữ thực tế hơn. Mọi thứ đều thực tế. Trong sinh hoạt hàng ngày, mỗi thứ đều thoắt cái trở nên tinh vi. Tình yêu cũng thế, biến thành cái gì có thể tính toán được, sờ mó được qua những biểu hiện vật chất. Một bài thơ cho ngày sinh nhật, viết trên một tấm thiệp tự tay vẽ lấy, không còn làm nàng cảm động bằng một bó hoa kèm theo tấm thiệp in sẵn hình và chữ đầy đủ, thật đẹp, dày cộm nhiều lớp giấy, có nhạc. Cách nàng hí hửng, nói cười huyên thiên khi nhận quà, hoa và thiệp của "thằng em nuôi" đã chứng minh điều ấy. Nàng vui thật. Không phải để làm vui lòng "thằng em nuôi" trước mặt nó đâu. Ngay cả khi nó đã về rồi, nàng vẫn cứ vui, đi ra đi vào ngắm lọ hoa, chăm chút sắp qua sắp lại vị trí những cành hoa, rồi cứ ngắm nghía, đọc tới đọc lui tấm thiệp, mở tấm thiệp ra để nghe bản nhạc chúc mừng sinh nhật nhàm chán mà ai cũng biết "happy birthday to you"... niềm vui sinh nhật kéo dài cả tuần cho đến khi hoa héo. Còn bài thơ và tấm thiệp của chàng thì nàng chỉ đọc qua một lần với một vẻ lạnh nhạt. Nàng chỉ giả vờ hỏi lại vài chữ trong đó ý nghĩa thế nào để tỏ ra nàng có quan tâm. Vậy thôi.

Anh chàng gọi là "thằng em nuôi" của Quỳnh Hoa nhỏ hơn nàng hai tuổi, tên Long. Cũng tận tình thương và theo đuổi "chị" hết sức nhưng lúc nào chị cũng xem như một cậu em nhỏ. "Chị" lên xe hoa theo chồng rồi mà em vẫn không chịu buông tha, cứ bám theo, làm người bạn của gia đình, rồi lại làm người em nuôi bất cứ tiệc lớn tiệc nhỏ, chuyện xa chuyện gần gì của gia đình cũng có mặt, cũng xen vào, góp ý, thảo luận sôi nổi... đôi khi nói đùa thẳng thừng "đáng lẽ bà là bà xã chứ không phải chị nuôi tui đâu nhé!" hoặc "đáng lẽ cái chỗ của ông ngồi là chỗ của tui đó. Chẳng biết sao bà ấy lại chọn ông!"... Đại khái là vậy. Một thằng em nuôi dễ ghét và dễ sợ. Giống như một con đỉa. Nó bám mình thì mình chẳng có lợi ích gì cả, về vật chất cũng như về tinh thần. Bây giờ cố ý hất nó ra thì làm tổn thương cái tâm lượng quân tử của mình—biến mình thành nhỏ mọn trong mắt người khác, và sẽ tự cảm thấy hèn hạ đối với chính mình—mà để nó tự tung tự tác thì nó phá hoại cả cái đẹp mà mình trân quí gìn giữ.

 

*

 

Chiều chủ nhật. Hưng dọn dẹp và trang trí sân sau, tạo một khung cảnh ấm cúng, thơ mộng cho một buổi tối ngắm hoa quỳnh nở cùng các bạn bè thân. Quỳnh Hoa lui hui ở bếp, sửa soạn thịt nướng cho bữa ăn chiều. Có Long, thằng em nuôi, vừa phụ giúp vừa pha trò vui vẻ. Phần tiệc trà cho đêm ngắm hoa thì chỉ có bánh ngọt, trà ngon, do Hưng chịu trách nhiệm. Pha trà là nghề của chàng.

Quỳnh Hoa và Long định dọn bàn ăn ngoài sân. Hưng cự nự:

"Cũng cái khung cảnh này, nhậu nhẹt rồi kế đó ngồi uống trà ngắm hoa, coi sao được. Giữ giùm tôi một chút thanh lịch cho cái sân sau này được không? Dọn bàn ăn trong kia đi."

"Anh thật khó tính. Ngồi ngoài này mát mẻ, khoảng khoát hơn chứ," Quỳnh Hoa cằn nhằn lại.

"Thôi mà anh Hai, đừng làm khó tụi này chứ," Long tiếp lời Quỳnh Hoa, "ăn gì lại chẳng là ăn, uống gì lại chẳng là uống. Dọn cùng một chỗ cho tiện mà."

Hưng nghiêm mặt định nói một câu gì đó, nhưng kềm lại, nhún vai, tỏ ý thuận theo hai người. Chàng đã trân quí, chăm chút, chờ đợi giờ phút hoa nở đã nhiều ngày nay rồi, không muốn gây gổ làm hỏng mất không khí đẹp đẽ thiêng liêng của những giờ sắp tới.

Khách lục tục kéo đến. Tính luôn cả chủ nhà thì cũng mười hai người. Long lăng xăng nói cười, tiếp rước như thể chính y là chủ nhân, chủ tiệc. Bầu trời còn ửng nắng mà bữa ăn đã bắt đầu. Tiếng nói tiếng cười rôm rả. Ly cụng nhau rổn rảng. Lời đẩy nhau rộn ràng. Những khuôn mặt đỏ gay. Những đôi mắt đục ngầu. Giọng cười tiếng nói kéo nhựa. Chuyện thời sự. Chuyện mạng lưới và kỹ thuật tân kỳ. Chuyện tiếu lâm. Từ cấp độ nhẹ nhàng đi dần đến đậm đặc, thô tục. Hưng ăn lấy lệ, uống qua loa, cười cầm hơi. Quan sát. Trong cái đám ồn ào bát nháo này, thực sự là không ai thích hợp cho một đêm trăng ngắm hoa quỳnh nở. Sao vậy kìa? Họ đến đây làm gì, chẳng phải để ngắm hoa nở, và đọc thơ cho nhau nghe? Ăn nhậu say bí tỉ, nói cười ồn ào như chợ, rồi chỉ một tiếng đồng hồ sau nữa thôi, bước vào một thế giới thanh lịch, nhẹ nhàng khác? Vợ chồng chàng đã mời lầm người hay là họ đã thay đổi cả rồi, không còn thơ mọng như mười năm về trước?

Chỉ có một khuôn mặt lạ ngồi ở góc bàn là có vẻ ít nói, ít cười. Một phụ nữ thầm lặng đi theo Tạo—bạn cùng trường của Hưng—hoặc gã đàn ông hoạt náo nào đó ngồi kế bên nàng mà Hưng không biết tên. Có lẽ nhờ cô ta không biết uống rượu bia nên ít nói chăng? Hay vì cô ta không muốn đến mà bị gã đàn ông kia ép đến? Hay vì cô ta nghe nói có tiệc trà ngắm hoa quỳnh nở nên sốt sắng có mặt và bây giờ đang thất vọng nhìn bữa tiệc vui nhộn đang cục cằn phá vỡ từng giây từng phút của đêm thiêng sắp tới? Dáng người mảnh khảnh. Khuôn mặt nhỏ. Không đẹp. Chẳng có đặc điểm gì đáng để lưu ý nơi con người ấy ngoại trừ sự im lặng giữa một đám đông ồn ào. Nét im lặng đó làm đẹp cả một góc bàn, làm sáng cả một vùng sân phía ấy. Hưng nghiêng nghiêng đầu ngắm nhìn nàng qua bóng chiều nhẹ xuống, chập choạng, hư ảo. Nàng cười nhẹ. Không biết là cười với Hưng hay chỉ cười gượng để đáp lễ câu chuyện của người khác. Nhưng dù thế nào, ngay phút ấy, Hưng thấy nàng đẹp hơn tất cả những người đàn bà nào khác trên đời. Hưng nâng ly bia, uống cạn. Không lẽ... không lẽ cái đẹp chỉ hiện hữu trong những phút huyền hoặc, mong manh? Hưng không dám nhìn nàng nữa. Sợ mình chết đắm. Hoặc sợ nàng tan biến đi. Hưng đứng dậy, rời bàn. Xin phép, tôi vào trong chút xíu. Ê, đừng có trốn quân dịch nghe! Làm một ly nữa nè, 100% coi nào! Không, tôi vào một chút rồi ra ngay. Hưng hơi khệnh khạng bước vài bước rời khỏi đám đông. Không phải chàng say men. Chỉ say một chút tình hư huyễn...

Hai bé Thư và Thi đang ngồi làm bài tập cho ngày mai. Hưng nhìn chúng bất chợt lại nẩy lên ý nghĩ rằng chính cái đẹp ngày xưa của Quỳnh Hoa đã hóa thân thành hai đứa con gái. Con người luôn luôn muốn níu kéo và bám víu vào cái gì mình ưa thích để tự đánh lừa rằng mình vẫn tồn tại theo thời gian. Nhưng có cái đẹp nào có thể còn mãi với thời gian? Tất cả đều trôi về quá khứ. Chỉ có tình yêu thì hướng về tương lai. Ôi, rõ khùng! Con người một khi khởi lên tình yêu, đều có khuynh hướng nghĩ đến một tương lai nào đó. Người ta kéo cái tình yêu đó dài ra theo năm tháng, theo sự mê loạn của chính mình, nhưng thực sự thì không thể có một cái tình yêu kéo dài. Bi kịch của tình yêu nằm ở chỗ đó. Khơi dậy một thứ tình rồi tô vẽ cho nó tính cách dài lâu. Trong ảo tưởng về tính cách dài lâu của nó, sẽ thấy cái đẹp thật ngắn ngủi. Cho nên, nếu yêu người là yêu vì cái đẹp của tâm hồn hay thể xác thì không làm gì có một mối tình chung thủy! Cái đẹp nào cũng trôi đi, cũng thay đổi, tàn tạ theo thời gian cả. Chỉ có cái đẹp hiện tiền, chợt hiện chợt biến, trong khoảnh khắc, làm dậy lên một thứ tình yêu, cũng trong khoảnh khắc. Không có cái đẹp kéo dài. Không có tình yêu kéo dài. Tất cả đều hiện hữu và mất đi trong khoảnh khắc. Ngay trong khoảnh khắc ấy, nếu bắt được nó thì nó trường tồn miên viễn; không bắt được nó thì khởi sự cho một ảo tưởng kéo dài...

Khi Hưng trở ra thì vườn sau đã lên đèn. Bầu trời đêm tím sẫm. Tiệc rượu coi bộ đã tàn. Mấy người đàn ông bụng bự ngồi ì ra, tiếp tục tán gẫu. Mấy người đàn bà đứng dậy phụ nhau dọn dẹp tàn tích của một trận thư hùng giữa sức người và những thực phẩm vô tri.

"Anh chuẩn bị pha trà là vừa rồi đó," Quỳnh Hoa nói với chồng.

Hưng quay trở lại bếp, nấu nước sôi, tráng cho nóng những tách trà nhỏ, mở nắp hộp trà ngon.

"Có ai còn hứng thú để uống trà ngắm quỳnh nở không?" Hưng hỏi khi Quỳnh Hoa và người đàn bà mảnh khảnh kia bưng chén bát dơ vào bếp.

"Hỏi gì kỳ vậy! Dĩ nhiên là ai cũng mong đợi tới giờ phút này chứ!"

Quỳnh Hoa nói rồi quay qua người đàn bà kia, như tìm đồng minh. Người đàn bà kia gật đầu, không nói. Hưng chế nước sôi vào bình trà. Người đàn bà kia đứng lại bên cạnh nhìn Hưng tỉ mỉ làm công việc của chàng.

"Anh có cần giúp gì không?"

"Không, cám ơn cô. Tôi làm một mình được mà. Chỉ cần... chỉ cần cô biết thưởng thức, là đủ rồi."

"Thưởng thức trà đấy à, dĩ nhiên là biết chứ."

"Và thưởng thức hoa nữa kia."

"Dĩ nhiên, em đến đây để được ngắm hoa quỳnh nở mà. Với lại... nghe anh Tạo quảng cáo là có mục ngâm thơ nữa, em thích lắm."

Hưng gật gù tính nói một câu tỏ ý như tìm được tri âm bỗng thấy Tạo bước vào.

"Vân à, mình phải về đó em. Anh Hưng ơi, tôi có việc phải về gấp, cáo lỗi với anh nghe. Ôi, tiếc quá, mất cơ hội ngắm hoa quỳnh nở rồi."

Té ra Vân là người tình mới của Tạo mà Hưng không biết. Vân ngạc nhiên trố mắt nhìn Tạo, vùng vằng không muốn đi. Vân nói:

"Gì mà gấp vậy! Sao anh nói tối nay rảnh, có thể ngồi chơi lâu được mà?"

"Thì có chuyện bất ngờ mới phải về chứ anh đâu muốn. Vừa có cú phone nhắn phải đi gấp đó. Cấp cứu mà, đâu làm ngơ được."

"Phải cấp cứu không hay là...?" Hưng hỏi lại với giọng nửa tin nửa nghi.

"Thật mà, bạn không biết đâu, rời nơi đây giờ này, mất cơ hội ngắm quỳnh nở, tôi đau lắm đó. Nhưng thôi để dịp khác, mùa khác vậy. Tôi phải đi đây anh Hưng ạ. Đi em."

"Hay để cô ấy lại đây, tôi sẽ đưa cô ấy về sau. Anh đi bệnh viện thì cũng đâu cần đem cô ấy đi?" Hưng đề nghị.

"Ưm... thì đi bệnh viện rồi còn đi công việc khác nữa mà. Đi, em."

Vân chàu bàu, nhưng rồi cũng bước theo Tạo, vừa đi vừa e dè ngoái lại, nói với Hưng:

"Xin lỗi anh Hưng nhé, thôi hẹn dịp khác."

"Tôi đau lắm đó, mất cơ hội ngắm hoa quỳnh," Tạo còn nói thêm.

Họ đi rồi, Hưng lắc đầu, lẩm bẩm:

"Đau tiếc cái con khỉ. Chỉ nói cái miệng."

Hưng đem trà ra sân. Thực khách cùng ồ lên một tiếng, rồi lao nhao:

"Rồi, đến rồi!"

"Mục chính bắt đầu."

"Nãy giờ đến đây chỉ chờ đợi giờ phút này thôi đấy."

"Lấy cây đàn ra đây đi chị Quỳnh Hoa, cho anh Hưng trổ tài, lâu quá không nghe anh ấy gãy nhạc classic."

"Thú vị quá, thú vị quá, không gì bằng ngồi ngắm hoa nở, nhìn trăng lên, nghe bằng hữu ngâm thơ, đánh đàn..."

Đặt bộ đồ trà lên bàn, tự dưng Hưng cảm thấy những lời reo mừng của đám thực khách này đều rỗng tuếch, giả tạo. Hưng vẫn không tin nổi là từ không khí náo nhiệt có thể bước thẳng vào không khí thanh tao thi vị một cách tự nhiên, dễ dàng được. Họ chỉ đóng kịch thôi. Họ chẳng còn chút thơ nào cả. Bây giờ họ chỉ thích rượu mạnh, coi phim khiêu dâm hay phim bạo động, đọc và nghe băng tiểu thuyết rẻ tiền loại chẳng cần suy nghĩ và chẳng cần giữ lại nơi tủ sách, thích nghe nhạc kích động hoặc chỉ hứng thú với những liên khúc tango, boléro... Ôi, với sự trống rỗng vô vị của tâm hồn như thế thảo nào họ lại chẳng mê nghe nhạc liên khúc. Họ không muốn có một khoảng trống nào trong không gian và thời gian nên cứ lấy liên khúc ra mà lấp đầy. Mà càng cố gắng khỏa lấp những khoảng trống, họ lại càng trống rỗng, tầm thường, nhạt nhẽo hơn. Họ chẳng biết rằng chính những khoảng trống, những nốt lặng, những giây phút thiếu vắng chờ đợi nhau, giữa hai nốt nhạc, hai bản nhạc, hai giọt nước mưa rơi, hai chặng đời, hai khoảng thời gian, hai tâm cảnh, hai con người... mới là cái chỗ thâm sâu, ý nghĩa nhất. Cũng như ngắm hoa quỳnh, giây phút hoa khẽ rung mình rồi lay nhẹ, lay nhẹ để hé mở những cánh hoa, là giây phút linh thiêng mầu nhiệm, đẹp đẽ; nhưng giây phút chờ đợi trước khi hoa khai nhụy lại chính là thời gian đem lại nhiều bồi hồi xúc cảm nhất. Nếu chỉ cần thấy những bông hoa thì sao không chờ hoa nở xong rồi hãy đến mà nhìn, hay là cứ mua hoa nhựa về cắm ở một góc nào đó trong nhà cho vui. Nghe nhạc mà cứ muốn nhạc réo liên tục không ngừng nghỉ, hết bản này qua bản nọ, không một nốt lặng, không một giây phút ngừng nghỉ, thì còn gì là nhạc nữa! Cái thằng em nuôi kia nữa, hắn chỉ là một thằng láu cá với liên khúc của những lời, những câu, những nụ cười sáo, rỗng.

Trà được rót ra những cái tách nhỏ xíu. Hương trà tỏa thơm dìu dịu. Nhưng cũng chưa át được mùi thịt nướng còn phảng phất chung quanh.

"Trà ô-long hảo hạng đấy bà con ơi," Long nói lớn.

Mọi người im lặng, chẳng ai nói gì. Dường như hương trà và những tách trà đã mang đến cho họ một chút không khí cổ kính nào đó, khiến họ tự dưng bớt ồn ào. Chỉ còn một mình Long là cứ bô bô cái miệng.

"Trà ô-long này muốn mua rẻ một chút tí phải lái xe lên Chinatown trên Los Angeles. Dưới này bán 30 đô một hộp ‘103’ chứ trên đó mình mua 1 hộp chỉ 25 đô thôi."

Mọi người gật gù, bắt đầu nhấp trà. Long tiếp:

"Trà này sản xuất từ Đài Loan đấy. Có nhiều hạng còn đắt tiền gấp 5 lần trà ô-long 103 này nữa kia. Dù vậy, tôi vẫn thích trà 103 hơn. Không phải đắt tiền thì lúc nào cũng hợp với khẩu vị của mình, phải không? Chẳng hạn như hộp 409, họ có pha sâm vào đó nên bán đắt hơn 103, nhưng đâu có ngon. Mùi vị nó chát hơn, cái hậu ít ngọt hơn. Ở đây có ai uống trà 409 chưa?"

"Chưa," một người đáp, giọng nhỏ, "anh Long này có vẻ sành điệu quá nghe. Từ rượu bia đến trà, thứ gì cũng sỏi hết mà."

"Hì hì, có gì đâu, sơ sơ thôi mà. Để tôi nói cho quí vị nghe, về chuyện liên quan đến hoa quỳnh này đấy mà. Khi nãy tôi đã nói với chị Quỳnh Hoa rồi, bây giờ nói cho bà con ở đây biết," Long tiếp tục bô bô.

"Thôi, khoan nói đã Long à," Quỳnh Hoa chặn lại. Nhưng Long cứ tiếp:

"Nói thì nói, cho vui, chứ có gì đâu. Này nhé, tôi có học được một món súp rất độc đáo. Bảo đảm quí vị thử một lần sẽ không bao giờ quên được. Món này vẫn còn trong vòng thí nghiệm thôi; ý tôi muốn nói là trên căn bản nó đã thành một món súp, nhưng có thể tùy theo khẩu vị và tài nghệ chế biến của những tay đầu bếp, có thể làm cho nó ngon hơn, hấp dẫn hơn..."

"Là món gì vậy nói mau đi, lòng vòng hoài!" một người trong bàn tiệc thúc giục.

"Thì món súp hoa quỳnh đấy mà!" Long vừa nói vừa cười thật lớn.

Hưng trợn mắt, gằn lên:

"Im đi. Muốn nói gì thì... ra ngoài đường mà nói."

"Thôi mà anh Hai, bớt giận coi nào. Chuyện gì mà nghiêm trọng thế! Anh không thấy mọi người đang chú ý lắng nghe tôi sao? Phải không quí vị? Thấy chưa, thấy chưa. Tôi tiếp nhé, hoa quỳnh có cái tên khoa học là... là gì nhỉ? Quên mất rồi. Nhưng dược tính của nó rất cao, có thể đem chưng với đường phèn mà ăn cho mát gan bổ thận; ngoài ra, còn có thể nấu súp ăn rất ngon: khi hoa vừa nở xong chừng nửa giờ hoặc cao lắm là một giờ, lúc nó còn tươi chưa rũ xuống, cắt ngang cuống hoa, chỗ sát với lá, đem vào lo nấu ngay còn như không nấu được liền thì bỏ vào bao, cho vào tủ lạnh, hôm sau lấy ra nấu..."

"Thôi đi. Bây giờ không phải giờ ăn nhậu nữa," Hưng lại gằn giọng nói.

"Trời ơi, anh Hai nói vậy mà nói được. Đây chỉ nói chuyện thôi chứ có nhậu nhẹt gì đâu. Này nhé, trước khi nấu phải lấy cái nhụy hoa ở giữa ra, để nó lại sẽ bị đắng vì đầy bông phấn. Cái hoa thì chẻ mỏng ra từng miếng cỡ này. Nồi súp có thể nấu với mức rong khô, tao một ít tôm tươi nữa thì tuyệt... Nói vắn tắt vậy thôi chứ không chừng quí vị nấu còn ngon hơn tôi nữa kia. Hoa quỳnh nấu súp có chất nhờn nhờn như lá mồng tơi quí vị ạ..."

Hưng đứng dậy, khều vai Long, ra dấu ngoắc Long:

"Ra đây mình nói chuyện riêng một chút."

"Gì mà nghiêm trọng thế anh Hai," Long cười giả lả, nhưng vẫn mau mắn đứng dậy bước theo Hưng.

Hưng đi ngang nhà bếp, phòng khách, mở cửa bước ra ngoài đường. Long theo sau, vẫn cười. Hưng nghiêm sắc mặt nói:

"Về đi. Tao không muốn nhìn mặt mày nữa. Mày có muốn gặp chị nuôi của mày thì phone đến hoặc gặp ở ngoài đường, đừng có bước vô nhà tao nữa, nghe chưa!"

Nói xong, không cho Long đủ thời gian nói lại tiếng nào, Hưng quay nhanh vào, đóng cửa sầm một cái. Đến ngang bếp, Hưng rót một ly nước lạnh, uống cho nguôi giận. Vài phút sau Hưng mới ra sân với khách. Quỳnh Hoa thấy Hưng trở lại một mình không có Long, liền hỏi:

"Gì vậy? Long đâu rồi?"

Hưng không nói, chỉ hất hàm hướng ra phía đường. Quỳnh Hoa đứng dậy ngay, làu bàu:

"Anh làm cái gì vậy? Long về rồi phải không? Tự dưng làm mất vui! Thiệt tình, anh cố chấp quá!" nói rồi Quỳnh Hoa đi nhanh ra ngoài.

Hưng ngồi lại với khách, im một lúc mới nói:

"Xin lỗi các bạn... Tôi không kềm được nóng giận. Xin bỏ qua cho. Mời uống trà."

Mọi người có vẻ ái ngại, nhìn Hưng. Không khí im lặng bao trùm.

Hoa quỳnh bắt đầu nở. Từng đóa, từng đóa, như hẹn trước với nhau, cùng run rẩy cựa mình dưới ánh trăng mờ nhạt. Trong thoáng chốc, chậu hoa với những cành lá xanh mướt uốn éo như bầy rồng đã được điểm bằng những hoa lớn trông như những nàng tiên áo trắng từ cõi nào đáp xuống vườn này. Cuống hoa đỏ, từ các cạnh của những phiến lá mỏng mà túa ra, cong xuống dưới rồi lại hướng lên, nâng những nụ hoa nghiêng chênh chếch về hướng người ngắm—có vẻ là như vậy; nếu cuống hoa nâng nụ hoa thẳng đứng lên thì người ngắm không làm sao thấy được nhụy hoa lấm tấm vàng và rất cầu kỳ bên trong. Hoa quỳnh lớn mà không thô. Đài các mà không kiêu sa. Thơm dìu dịu chứ không ngào ngạt. Vậy rồi hương thơm cũng tỏa ngát một vùng.

Một vài tiếng xì xầm, rồi vài tiếng xôn xao.

"Thơm quá."

"Ôi đẹp quá."

Hưng lặng lẽ ngắm, rung động một lúc nhưng rồi cảm hứng trong chàng lụi tàn thật nhanh. Nghĩ đến Quỳnh Hoa, vợ mình, đang vắng mặt trong những phút giây đẹp đẽ nhất, Hưng khóc trong lòng bằng một nỗi đau khó hiểu.

Gần một giờ đồng hồ sau thì khách lần lượt cám ơn chủ nhà, ra về. Hưng tiễn người khách cuối cùng ra cửa rồi quay trở lại sân sau. Đánh đàn guitar, ca một mình. Gần một giờ sau, mới thấy Quỳnh Hoa trở lại, lặng lẽ ngồi ở một cái ghế gần đó. Cả hai im lặng chẳng nói gì. Hưng cũng không đàn ca nữa.

"Anh đã ngắm hoa xong chưa?"

"Có việc gì sao?"

"Vào nghỉ mai đi làm. Long nó dặn... hái hoa lúc còn tươi đem vào bỏ tủ lạnh ngay thì ngày mai nấu mới ngon."

"Em muốn làm gì thì làm đi."

Quỳnh Hoa đứng dậy, với con dao cầm sẵn trên tay, cắt những hoa quỳnh cho vào một cái rá nhựa.

Quỳnh Hoa vào trong rồi, Hưng vẫn còn ngồi im nơi đó thật lâu, cho đến khi trăng lên quá đỉnh đầu, cho đến khi sương đêm xuống lạnh, khiến chàng phải rùng mình. Chậu hoa quỳnh vẫn còn đó, nhưng không còn hoa, không còn hương. Hưng tưởng chừng nó đã chết. Hưng muốn ca thêm một bản trước khi vào ngủ nhưng cuống họng như bị tắc nghẽn, không thốt nên lời. Chỉ còn tiếng đàn vang nhè nhẹ, nhè nhẹ trong đêm.

(Trích từ tác phẩm mới nhất của Vĩnh Hảo: Giấc Mơ và Huyền Thoại , 2001 by Chieu Ha Books, 220 pages, 10 USD)


(Mua sách, xin gi ngân phiếu hay lnh phiếu đến:)

CHIEU HA BOOKS

4702 W. FIRST ST., SUITE C

SANTA ANA, CA 92703 - U.S.A.

Outside U.S.A., add 2USD postage fee per book

(Ngoài Hoa K thêm 2USD cưc phí cho mi cun sách)


http://www.buddhismtoday.com/viet/truyen/quynhhoa.htm

 


Vào mạng: 10-12-2001

Trở về mục "Truyện Phật giáo"

Đầu trang