Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN LIÊN HIỆP QUỐC 2007
Tại Trung tâm Phật giáo thế giới Buddhamonthon
và Trung tâm Liên Hiệp Quốc Châu Á Thái Bình Dương, Bangkok
Ngày 25-30 tháng 5  năm 2007
 
Ảnh chụp tại sân của trụ sở Liên Hiệp Quốc

Từ ngày 26-30 tháng 5, năm 2007, không khí tại thủ đô Bangkok, Thái Lan, trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết, để đón mừng tuần lễ Phật đản hay còn gọi là Đại Lễ Tam Họp Liên Hiệp Quốc (ĐLPĐLHQ) lần thứ 4, mừng đức Phật đản sinh, thành đạo và nhập niết-bàn, diễn ra một cách trọng thể, hoành tráng và trang nghiêm tại Trung tâm Liên Hiệp Quốc Châu Á Thái Bình Dương và Trung tâm Phật giáo thế giới Buddhamonthon, Bangkok, với sự tham dự của hơn 500 đoàn đại biểu Phật giáo quốc tế đến từ 61 quốc gia.

Có được sự kiện trọng đại này là nhờ vào ngày 15-12-1999 tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc phiên họp 54, mục 174 của chương trình nghị sự, Liên Hiệp Quốc đã chính thức thừa nhận và tổ chức Đại lễ Tam hợp hay còn gọi là ngày Phật đản (tương đương với tháng 5 dương lịch) như ngày lễ hội văn hoá tôn giáo thế giới của Liên Hiệp Quốc tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc và các trung tâm Liên Hiệp Quốc ở các khu vực từ năm 2000 trở đi. Kết quả là, vào năm 2001, Ngày Phật đản Liên Hiệp Quốc đã được các truyền thống tông môn pháp phái Phật giáo thuộc 34 quốc gia đồng long trọng tổ chức tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc, New York.

Kể từ năm 2004 đến năm 2007, Trường đại học Phật giáo Mahachulalongkorn với sự bảo trợ của chính phủ Hoàng gia Thái Lan và dưới chứng minh của Hội đồng Tăng thống Thái Lan, đã vinh dự bốn lần tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc.

Chủ đề chính của đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc năm 2007 là “Đóng góp của Phật giáo đối với quản lý tốt và phát triển bền vững” (Buddhist Contributions to Good Governance and Development). Bên cạnh đó, còn có năm chủ đề thảo luận nhóm: (1) Phật giáo và Quản lý tốt (Buddhism and Good Governance), (2) Hoằng pháp qua công nghệ hiện đại (Dissemination of Buddhism through Modern Technology), (3) Giữ gìn và phát triển nghệ thuật Phật giáo (Preservation and Promotion of Buddhist Arts), (4) Thiền Phật giáo và sự phát triển con người (Buddhist Meditation and Human Development) và (5) Hội thảo về Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Phật giáo thế giới (Buddhist University Symposium).

Tinh thần đại lễ Tam hợp Liên Hiệp Quốc một mặt thừa nhận và tôn vinh các giá trị triết lý và đạo đức mà đức Phật đã đóng góp cho nhân loại, mặt khác nối kết các truyền thống Phật giáo khắp năm châu bốn biển lại với nhau vì đại sự nhân duyên trong việc ứng dụng Phật pháp nhằm góp phần xây dựng một thế giới hoà bình với sự quản lý tốt, an lạc, thịnh vượng và phát triển bền vững.

Đại lễ đã nghênh đón chư vị tôn đức lãnh đạo Phật giáo tối cao như Tăng tống, chủ tịch các giáo hội và tổ chức Phật giáo, các nhà hành giả và nhà nghiên cứu Phật học trên khắp thế giới. Trong số khách quý tham dự còn có thủ tướng Thái Lan, ông Surayud Chulanont; Phó thủ tướng Thái Lan, ông Phaiboon  Watthanasiritham; tổng thư ký Trung tâm Liên Hiệp Quốc châu Á Thái Bình Dương, ông Kim Hak-Su; đại diện của Liên Hiệp Quốc và UNESCO; công chúa Thái Lan; Hoà thượng Somdet Phra Phutthacharn quyền Tăng thống Thái Lan; thiền sư Nhất Hạnh, các vị đại sứ của các nước tại Thái Lan và các vị bộ trưởng của các nước Phật giáo trong đó có Tích Lan và Campuchia.

Phái đoàn GHPGVN do HT. Thích Trí Tâm làm trưởng đoàn gồm có 115 thành viên, trong số đó có 40 vị chính thức, gồm có lãnh đạo Hội Đồng Trị Sự, các Ban Trị Sự Tỉnh Thành Hội Phật giáo, Ban Phật giáo quốc tế, đại diện ba Học viện Phật giáo Việt Nam và các trường Cao đẳng Phật học trên toàn quốc. Lãnh đạo Giáo hội gồm có HT. Thích Thiện Nhơn phó tổng thư ký kiêm chánh văn phòng II, TT. Thích Thanh Nhiễu phó tổng thư ký kiêm chánh văn phòng I. Phái đoàn Phật giáo nước ta còn có 3 thành viên thuộc Ban tổ chức quốc tế: (1) HT. Thích Thiện Tâm (thành viên), (2) GSTS. Lê Mạnh Thát (thành viên thường trực), (3) Chúng tôi (ĐĐ.TS. Thích Nhật Từ) (phó chủ nhiệm Ban thư ký quốc tế của Uỷ ban tổ chức quốc tế).

Trong số 38 bài tham luận được đưa vào kỷ yếu của Đại hội, có 8 bài của Việt Nam, đề cập đến các phương diện khác nhau của quản lý tốt và phát triển bền vững. Phái đoàn Phật giáo Việt Nam đã tặng cho Ban tổ chức và gần 2000 vị Tăng Ni và Phật tử thế giới quyển tuyển tập các bài viết của Việt Nam về chủ đề “Quản lý tốt và phát triển bền vững” do GSTS Lê Mạnh Thát và chúng tôi biên tập và xuất bản.

Với sự bảo trợ của chúng tôi, đoàn múa nghệ thuật “Những Bông Hoa Nhỏ” thuộc Nhà Hát Ca Múa Nhạc Truyền Thống Bông Sen do hai nghệ sĩ ưu tú Vương Linh và Đặng Hùng đạo diễn đã biểu diễn các tiết mục múa đặc sắc với những tà áo dài dịu hiền và nón lá thanh lịch, giới thiệu về đất nước, con người và Phật giáo Việt Nam. Các đóng góp về văn hoá và học thuật này đã để lại ấn tượng tốt đẹp về sự tham gia tích cực và năng động của người Việt Nam.

Đại lễ Tam họp Liên Hiệp Quốc không chỉ là lễ hội tôn giáo thế giới với các yếu tố tín ngưỡng, mà còn bao gồm ba phương diện quan trọng khác, đó là, văn hoá, hội thảo và hành trì.

Phương diện tín ngưỡng của lễ hội được thể hiện qua các khoá lễ tụng kinh ngắn của các truyền thống Phật giáo Nam tông, Bắc tông và Kim Cang thừa trước khi Hội thảo chính thức được diễn ra vào đầu mỗi ngày làm việc. 

Phương diện văn hoá của đại lễ bao gồm triển lãm nghệ thuật Phật giáo hoành tráng tại Trung tâm Liên Hiệp Quốc Châu Á Thái Bình Dương và nhiều show văn hoá Phật giáo thế giới, với sự tham dự của khoảng 20 quốc gia, được diễn ra từ 9 giờ sáng đến 10 giờ tối suốt bốn ngày liền tại Buddhamonthon.

Hội thảo và nghiên cứu học thuật là phương diện trọng tâm nhất của đại lễ Tam họp Liên Hiệp Quốc, vì nó quyết định giá trị nội dung và những đóng góp thiết thực của đại lễ, gắn liền với các vấn đề mà Liên Hiệp Quốc và thế giới quan tâm. Thuyết trình chính thiền sư Nhất Hạnh về đề tài “Nghệ thuật quản lý quốc gia” đã làm cho Hội trường Liên Hiệp Quốc trở thành như một thiền đường, im lặng và sâu lắng. Những lời dạy của thiền sư Nhất Hạnh nhấn mạnh đến các kỹ năng mang tính ứng dụng thực tế mà các nhà chính trị và kinh tế cần vận dụng trong đời sống thường nhật để mang lại hạnh phúc cho mình và người.

Điểm nổi bật của đại lễ Phật đản năm nay là Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Phật giáo đã được thành lập, gồm trên 80 trường viện từ 20 quốc gia. Hiệp hội đã thông qua nghị quyết và hiến chương nhằm điều hành hoạt động giao lưu về học thuật giữa các trường đại học Phật giáo trên thế giới, mở ra phương trời họp tác và nâng giá trị của ngành Phật học và triết học Phật giáo lên một tầng cao mới với những giá trị tương xứng của nó cho sự phát triển tư tưởng và tâm linh của con người.

Hội nghị cũng đã thông qua Tuyên Ngôn Bangkok 2007 gồm 12 điều, trong đó điều 2 đồng thuận và ủng hộ Việt Nam trở thành nước đăng cai năm 2008 và điều sáu kêu gọi thế giới ủng hộ “Diễn đàn Phật giáo thế giới lần thứ 2” tổ chức tại Trung Quốc năm 2008.

Trong lễ bế mạc Đại lễ vào lúc 15h00 ngày 29-5-2007, Hoà thượng GSTS. Dharmakosajarn thay mặt Ban tổ chức quốc tế và nước đăng cai từ 4 năm qua, dựa vào Hiến chương của Ban tổ chức quốc tế ĐLPĐLHQ công cử GSTS. Lê Mạnh Thát làm chủ tịch Ban tổ chức quốc tế năm 2008 và chuyển giao quyền đăng cai về cho Việt Nam trước sự hoan hô và đồng thuận của hàng ngàn tham dự viên và hàng triệu người Thái Lan đang theo dõi trực tiếp trên đài truyền hình True Vision. Hoà thượng Thích Trí Tâm thay mặt đoàn tiếp nhận Huy hiệu Phật đản và chuyển giao cho GS.TS. Lê Mạnh Thát. Trong lễ tiếp nhận còn có chúng tôi và thầy Thích Đức Thiện. Ông Đỗ Duy Hưng, đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, đã thay mặt chính phủ Việt Nam phát biểu cảm tạ, nói lên niềm vui mừng khôn tả khi Việt Nam được chọn làm nước đăng cai đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc năm 2008. Tiếng vỗ tay vang dội khá dài đã ngân lên, khi Hoà thượng trưởng ban tổ chức quốc tế mời gọi mọi người hãy sẳn sàng tham dự ĐLPĐLHQ năm 2008 tại Hà Nội, Việt Nam.

Để có được kết quả đăng cai này, vào ngày 2-3/5/2007, GSTS. Lê Mạnh Thát và  chúng tôi đã thay mặt Giáo Hội đến làm việc với Ban tổ chức quốc tế để thảo luận về Thoả hiệp chuyển giao cho Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc 2008 tại Việt Nam. Trong công văn của Trưởng ban tổ chức quốc tế ký ngày 3-5-2007 và công hàm của Phó thủ  tướng chính phủ Thái Lan ký vào tháng 5-2007 đã nhất trí ủng hộ tình trạng đăng cai của Việt Nam. Ngày 17-5-2007, Bộ Ngoại Giao nước ta đã gởi công hàm số 241 yêu cầu chính phủ Thái Lan và trưởng ban tổ chức quốc tế ủng hộ Việt Nam làm nước đăng cai. Ngày 23-24/5/07, GSTS. Lê Mạnh Thát và chúng tôi đã thuyết phục được Uỷ ban tổ chức quốc tế chấp nhận nước ta đăng cai năm 2008. Điều này đã được xác lập bằng công văn của chủ tịch IOC gởi cho Thủ tướng nước ta vào ngày 25/5/07 cũng như đã được công bố trong lễ bế mạc và được ghi nhận tại điều 2 của Tuyên Ngôn Bangkok 2007.

Hàng ngàn đại biểu Phật giáo quốc tế đã chụp ảnh lưu niệm tại Trung tâm Phật giáo thế giới và trước toà nhà Liên Hiệp Quốc Châu Á Thái Bình Dương, để đánh dấu nỗ lực tập thể của các truyền thống Phật giáo trong việc mang thông điệp từ bi và trí tuệ của đức Phật đến với nhân loại, góp phần xây dựng hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững.

Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc đã khép lại sau lễ thắp nến và nhiễu hành cầu nguyện thế giới hoà bình với sự tham dự của trên 25.000 tăng ni Phật tử Thái Lan bên cạnh các phái đoàn Phật giáo thế giới. Nến hoà bình đã được thắp sáng, tượng trưng cho “trí tuệ” là sự nghiệp và sự soi sáng hạnh phúc của con người trên hành tinh này. Tinh thần của ngọn nến tuệ giác ấy sẽ tiếp tục được thắp sáng tại thủ đô Việt Nam vào trung tuần tháng 5 năm 2008. Nguyện cầu ngọn nến ấy được thắp sáng trong trái tim, nhận thức và hành động của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi quốc gia và khắp thế giới, để giải phóng tất cả nỗi khổ niềm đau, mang lại an vui, hạnh phúc, thịnh vượng và phát triển bền vững.

http://www.buddhismtoday.com/viet/phatdan/phatdan_thailan2007.htm

 


Vào mạng: 13-6-2007

Trở về mục “Phật Đản

Đầu trang