Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Cửu Hoa Sơn
Một trong bốn thắng tích hàng đầu của Phật Giáo Trung Quốc
Tín Hoà

Cửu Hoa Sơn là một trong 4 ngọn núi có thắng tích Phật Giáo nổi tiếng của Trung Quốc (Ngũ Đài sơn, Nga Mi sơn, Phổ Đà sơn và Cửu Hoa sơn), nó vốn có tên gọi là Cửu Tử Sơn. Vào triều đại nhà Đường thi nhân Lý Bạch trong một lần ngao du sơn thủy đi ngang qua địa danh này, phát hiện đây không khác gì một cõi bồng lai tiên cảnh, và là một tuyệt tác của tạo hoá dành cho nhân loại; dãy núi cao hơn ngàn trượng, phía trên có 9 đỉnh núi cao vút tạo thành hình một đáo Hoa Sen với 9 cánh, ông đã đặt tên cho ngọn núi này là Cửu Hoa Sơn.

Ông dừng chân định cư tại địa danh này (bây giờ là tỉnh An Huy Trung Quốc), ông đã từng 3 lần leo lên đến đỉnh của ngọn núi này, và từ trên đỉnh núi cao ngất trời này ông đã tức hứng thành thơ, sáng tác ra nhiều bài thơ nổi tiếng khen ngợi vẻ đẹp hùng vĩ của Cửu Hoa Sơn như:

"Khí trời phân hai sắc,

                     Linh Sơn hé Cửu Hoa"            (tạm dịch)

Hai câu thơ này đã hấp dẫn và lôi cuốn người đời sau với những giả thuyết linh thiên về sự thần bí của Cửu Hoa Sơn, khiến người người lũ lượt rũ nhau hội tụ về nơi Thánh Địa này để chiêm bái và viếng thắng cảnh. Cũng từ đấy danh tiếng của núi Cửu Hoa được truyền bá rộng rãi trong nước Trung Quốc và ra đến cả nước ngoài. Một thi nhân vào thời Bắc Tống cũng có thơ khen ngợi rằng:

"Sở thời có núi có non,

               Cửu Hoa hùng vĩ trần gian mấy bì"      (tạm dịch)

 Vào thời Đường Khai Nguyên, tại nước Tân La (nay là một dân tộc thuộc Hàn Quốc) có một vị tên Tích Cửu Hoa thuộc dòng tộc Kim Kiều Giác Trác, ẩn mình tu luyện trong núi Cửu Hoa suốt 75 năm và viên tịch tại đây vừa lúc ông tròn 99 tuổi. Phật Giáo bấy giờ xưng tụng ông là hóa thân của Ngài Địa Tạng Bồ Tát, từ đó địa danh này trở thành Đạo Tràng Địa Tạng và phát triển cực thịnh nhất vào triều đại nhà Minh và nhà Thanh. Đương thời, tại đây có hơn 360 ngôi tự viện, tăng ni hơn 5000 người tu học, khói hương nghi ngút bốn mùa, tín đồ bốn phương khắp nơi đều hội tụ về đây tu học:

"Trùng trùng thắng cảnh ngàn khơi,

               cao tăng tự viện muôn nơi tụ về"         (Tín Hoà)

 

Trải qua bao cuộc thăng trầm biến thiên của trời đất, đến nay chỉ còn bảo tồn được 94 ngôi cổ tự, hơn 10 ngàn pho tựơng Phật cổ đáng giá, lưu giữ được hơn 2000 cổ vật có giá trị văn hóa cao, có khoảng hơn 700 tăng ni tu học trong các ngôi tự viện.

 Buổi sáng trên đỉnh Cửu Hoa Sơn

Cửu Hoa sơn không chỉ nhờ những thắng tích Phật Giáo mà tiếng thơm bay đi khắp nơi, mà nó còn có nhiều thắng tích nổi tiếng khác, núi non hùng vĩ, mây nước muôn màu, cảnh vật tươi xanh, chim chóc hót ca bốn mùa. Trong núi xuất hiện nhiều cảnh vật kỳ bí muôn màu muôn vẻ:

"kỳ phong trùng điệp muôn nơi

Non sanh nước biếc cảnh ngời sắc hương

Mây vờn lưng núi tà dưong

           Chim buông tiếng hót vào chùa nghe kinh"    (Tín Hoà)

Cảnh vật núi Cửu Hoa vô cùng tĩnh mặc, cây cối xanh tươi, thong reo suối hát suốt ngày. Khí hậu ở đây mát mẻ ôn hòa, bốn mùa thay sắc thay hương, thiên nhiên non nước hòa quyện với sự tĩnh mặc của chốn thuyền lâm, làm ru hồn lữ khách viếng cảnh nơi đây, cho nên từ xưa Cửu Hoa sơn được phong là"Đông Nam Đệ Nhất Sơn", và sớm trở thành thắng cảnh du lịch bật nhất của Trung Hoa.

Đỉnh cao nhất của Cửu Hoa sơn là đỉnh Thập Vương, cao 1342 mét so với mặc biển, đỉnh cao thứ 2 là đỉnh Thất Hiền cao 1337 mét, đỉnh cao thứ 3 là đỉnh Thiên Thai cao 1306 mét, còn lại có hơn 30 đỉnh núi cao trên 1000 mét. Mây mù quanh năm bao phủ, khí hậu thay đổi nhiều tầng, núi non hiểm trở chập chùng. Phía tây của đỉnh Thiên Thai có ‘Đại Bàng Thính Kinh Thạch’ (đá Đại Bàng Nghe Kinh), tương truyền có một chú chim đại bàng nghe ngài Địa Tạng Bồ Tát tụng kinh mà được cảm hóa sau đó đã biến thành đá; Quan Âm Thạch trên đỉnh núi Quan Âm có hình tượng tợ Ngài Quan Âm cưỡi mây du hành; phía tây đỉnh Thập Vương có ‘Mộc Ngư Thạch’ (mõ bằng đá); đỉnh núi Bát Mạnh có ‘Thạch Phật’ (Phật đá); đỉnh núi Trung Liên Hoa có ‘La Hán Sái Đỗ Bì’ (La Hán phơi bụng); đỉnh núi Nam Lạp Chúc có ‘Quan Âm phong’ (đỉnh Quan Âm) và ‘Hầu Tử Bái Quan Âm’ (Khỉ con bái Phật Quán Âm).v.v. . Trong núi còn có rất nhiều hang động kỳ bí như động U Thâm Nham, động Thôi Vân, động Địa Tạng, động Hổ, động Sư Tử, động Hoa Nghiêm, động Trường Sanh, động Phi Long, động Đạo Tăng .v.v. Tương truyền thuở xưa, ngài Địa Tạng thường tọa thiền trong các thạch động đó, về sau các vị thiền sư thường làm nơi thiền tọa tu hành.

 Long Tuyền

Cửu Hoa sơn có sơn thanh thủy mặc, có ao, suối, đầm, rạch; có rừng Tùng xanh ngát hòa quyện vào nhau tạo thành một nét hài hòa đặc sắc về cảnh quang. Trên có suối chảy róc rách, dưới nước hồ trong vắt như gương, chim xa cá lượn bướm rập vờn, cảnh vật làm lắng đọng lòng trần tục du khách, lưu luyến không muốn rời xa.

Cửu Hoa sơn là tổng hợp nhiều khu thắng tích và di tích quyện lẫn vào nhau, kim cổ dung hòa tạo thành một quần thể du lịch mang đậm màu sắc văn hóa tôn giáo và dân gian, tạo cho du khách cảm giác nhẹ nhàng thanh thản khi đến viếng cảnh và chiêm bái Phật Tích tại Cửu Hoa sơn. Phía tây bắc bộ có khu thắng cảnh Hoa Đài, phía nam là khu thắng cảnh Thiên Thai, phía tây là khu thắng cảnh Mẫn Viên, phía đông và bắc có khu du lich Hậu Sơn và Hà Đông với diện tích 10 km2.

Khu thắng cảnh Hoa Đài

 Đỉnh Sư Tử Vương

Khu thắng cảnh này nằm về phía tây bắc bộ của Cửu Hoa sơn, là một khu du lịch với nhiều thắng cảnh đặc sắc và đa dạng, có nét đặc trưng của địa hình đá Hoa Cương. Trong khu có đỉnh núi Liên Đài, đỉnh Thiên Môn, đỉnh La Hán, đỉnh Phủ Tử, đỉnh Bảo Tháp, đỉnh Phi Lai.v.v., hết thảy có 19 đỉnh núi như vậy nối tiếp lẫn nhau như một bức tranh thủy mặc. Ngoài ra còn có La Hán Sái Đỗ, Cửu Hoa Thùy Phật, Định Hải Thần Châm, Tê Giác Vọng Nguyệt.v.v. hơn 36 khu đá có hình thù kỳ dị; còn có Cổ Phật Nham, Tiên Nha Nham, Thanh Lương Đài, Hồi Âm Bích, Văn Thù Động, Cổ Phật Tuyền, Thái Cực Động, Sư Tử Động.v.v. với những kiến trúc tự nhiên tạo hóa kỳ vĩ, cảnh vật thanh tịnh, cổ thụ xanh tươi đa dạng và phong phú hoà lẫn với những thắng tích Phật Giáo huyền bí, đã tạo nên cho khu thắng cảnh những nét thú hút huyền bí đầy màu sắc văn hóa dân gian và tôn giáo, khiến du khách đến tham quan chiêm bái như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh, tinh thần nhẹ nhàng sảng khoái như thoát tục siêu phàm không muốn trở về nơi chốn trần gian đầy phiền trược.

Khu thắng tích Thiên Thai

 Đỉnh Thiên Thai

Khu thắng tích Thiên Thai là khu du lịch có độ cao nhất so với mặc biển, đỉnh núi Thập Vương cao nhất Cửu Hoa sơn nằm trong khu du lịch này, có diện tích 8 km2. Xung quanh khu thắng tích này tập hợp nhiều hang động huyền bí, đá núi hùng vỹ, cây cối xanh tươi, nhiều ngôi Cổ tự đều nằm trong khu vục này. Trong đó có nhiều ngôi cổ tự nổi tiếng qua nhiều thời đại phong kiến và được bảo tồn đến ngày nay, như Địa Tạng Thiền Lâm, Cổ Bái Kinh Đài, Đại Bi Viện, Quan Âm Phong Thượng Viện, Thúy Vân Am, Đạo Tăng Động, Vô Đáy Động.v.v. hơn 100 thắng cảnh tịnh mịch mà hùng vĩ, trang nghiêm mà huyền bí quyến rũ lòng khách phong trần như lạc vào chốn thần tiên. Cho nên từ xưa nơi đây được phong tặng là "Cõi Thiên Thai" của trần thế, từ trên đỉnh Thiên Thai nhìn xuống, du khách có thể tận hưởng được cảnh hùng vĩ của núi non và con sông Trường Giang như con rồng đang buông mình ngơi nghĩ, vắt ngang qua mặt đất phù du, lượn mình về phía xa xa của cõi hư không vô tận. Vì vậy từ ngàn xưa đã có thơ rằng:

"Thiên thai một cõi tiên bồng,

người đi kẻ ở hồng trần lắng phai

luyến lưu lưu luyến lòng ai

                  chưa lên đến đỉnh chưa về Thiên Thai"       (Tín Hoà)

Khu thắng cảnh Sơn Tiền

 Tôn Tượng Ngài Địa Tạng trên đỉnh núi

Khu thắng cảnh này nằm giữa khu du lịch Hà Thôn và Cửu Hoa Nhai, quần thể thắng cảnh này được tạo nên bởi những thắng tích như Nhất Thiên Môn, Nhị Thiên Môn và Tam Thiên Môn. Cảnh quan thiên nhiên hài hoà, xen lẫn là những kiến trúc cổ kính của những ngôi cổ tự và các động tháp, tiếng chim hót ngày đêm hoà lẫn với tiếng chuông mõ nhịp nhàng của tăng ni trong các ngôi tự viện làm rũ sạch lòng trần của du khách đến viếng cảnh nơi này:

"Mây trắng chiều buông thanh lòng tục

                 suối vàng chim hót, cá nghe kinh"          (Tín Hoà)

Theo các nhà nghiên cứu địa chất trong và ngoài nước cho rằng, cách đây 2 tỷ năm về trước, địa khu Cửu Hoa sơn trước đây là một phần của đáy biển đại dương, sau đó trải qua những cuộc thay đổi địa lý của trái đất đã làm cho biển Cổ Dương Tử khô cạn đi và khiến đáy biển trở thành lục địa như bây giờ. Sau đó cũng trải qua nhiều lần vận động lên xuống của trái đất mà tạo thành nhiều đồi núi hiểm trở, thêm vào đó là một thời gian xung đột thay đổi về khí hậu, lũ lụt mưa gió đã tạo nên những hang động, vực thẳm, khe suối, đầm lầy tự nhiên.v.v. khiến cho Cửu Hoa sơn không những phong phú về địa chất, mà còn đa dạng về sinh thái động thực vật hoang dã, ngày càng được các nhà nghiên cứu phát hiện và khám phá ra nhiều động thực vật quý hiếm mà chưa từng xuất hiện trên thế giới. Có thể nói tạo hoá thiên nhiên đã ưu đãi cho Cửu Hoa sơn về nhiều mặt, khiến cho cảnh vật Cửu Hoa sơn hoà quyện chan hoà vào nhau, thiên nhiên và con người, lòng trần và cảnh tịnh.v.v. như một bức tranh thuỷ mặc đầy màu sắc được vẽ nên bởi bàn tay tạo hoá:

"Chiều chiều trên đỉnh Thiên Thai

chuông ngân suối hát nhịp hoà câu kinh

khách trần buông tiếng lặng thinh

                chợt như bừng tỉnh giật mình ngủ mê"        (Tín Hoà)

 Đỉnh Liên Hoa

Cửu Hoa sơn có lịch sử rất lâu đời, có nhiều văn hoá phẩm vật vô cùng     trân quý của tổ tiên để lại, bao gồm nhiều thánh tích Phật Giáo , kiến trúc tự viện,  các pho tượng   cổ, đồ dùng sinh hoạt Phật Giáo, những trước tác tranh hoạ thi văn của những nhà thơ, nhà hoạ sĩ của các triều đại còn được bảo tồn lại. Trong đó có nhiều sản vật được công nhận là 'Quốc Báu' (báu vật quốc gia) của Trung Quốc như: Bối Diệp Kinh (kinh khắc trên lá), Minh Tạng Kinh (tạng kinh của triều đại nhà Minh), Thanh Tạng Kinh (tạng kinh của triều đại nhà Thanh), Huyết Kinh (kinh viết bằng máu), Cửu Long Kim Ấn (ấn dấu có 9 con rồng vàng), Thanh khang Hy Ngự Sử 'Cửu Hoa Thánh Kinh' (bộ Cửu Hoa Thánh Kinh của triều đại Khang Hy nhà Thanh), Phân Đà Phổ Giáo, Minh Thần Tông Thánh Chỉ.v.v.

Tết chay Tết mặn 

Từ xưa, vua quan của các triều đại Trung Hoa đã xem Cửu Hoa sơn là một Thánh Địa Phật Giáo, và luôn rất coi trọng Thánh Địa này. Vua Quan triều đình ban lệnh cấm xâm phạm vào Thánh Địa, đồng thời cũng cấm làm ô nhiễm đất Thánh như giết mổ động vật, buôn bán rượu thịt quanh khu cấm địa.v.v. từ đó tại địa phương này hình thành một lối sống mới theo lối sống Phật Giáo, là mọi người dân ở đây đều ăn trai tịnh, không giết mổ súc vật. Nhưng mãi từ triều đại nhà Thanh đến thời Dân Quốc sau này, khu vực Cửu Hoa sơn xuất hiện nhiều thương nhân nhập cư, làm sáo trộn đời sống của dân bản địa, thêm nữa Phật Giáo giới nghiêm lúc này không còn sự chắc chắn như xưa nữa, nên khu Thánh Địa chỉ có các tăng nhân trong chùa ăn chay, còn dân cư bản địa đều dần dần bỏ chay theo mặn. Nhưng cũng do lòng tự tôn dân tộc và tinh thần bảo tồn văn hoá lịch sử, nên người dân bản địa đã lấy ngày tết làm ngày chay mặn, trong khi đón tết, họ ăn ' Tết Mặn' trước rồi sau đó mới ăn ' Tết Chay' sau.

'Tết Mặn' bắt đầu vào ngày 28 tháng chạp âm lịch (tức là ngày 27 tháng 1 tây lịch). 2 ngày sau đó dân bản địa dùng cỏ khô chùi rửa sạch đồ dùng dụng cụ trong nhà, không để sót lại một chút gì mùi máu huyết để chuẩn bị cho một ngày ' Tết Chay' bắt đầu. Đến ngày 30 tháng chạp (tức là ngày 29 tháng 1 tây lịch) mọi gia đình trong khu Thánh Địa đều làm các món chay tịnh đón tết, tế bái Tổ Tông,  vui chơi thăm hỏi lẫn nhau, hoặc đi chùa lễ Phật.v.v.. "Tết Chay" tiếp tục kéo dài sang ngày mồng 3 tháng giêng của năm mới. Và đến nay 'Tết Chay- Tết Mặn' đã trở thành một chương trình du lịch đặc sắc của chương trình du lịch mùa đông của Cửu Hoa sơn.

Một số hạng mục du lịch tiêu biểu của Cửu Hoa sơn

Long Đăng (đèn Rồng)

Đèn Rồng là sản phẩm văn hoá dân gian không thể thiếu tại Cửu Hoa Sơn, và các vùng phụ cận khi vào dịp những ngày lễ lớn. Dân chúng bản địa dùng những điệu múa đèn Rồng hoặc đèn Sư Tử để chúc mừng ngày lễ. Lồng Đèn được làm từ những thanh tre vót nhỏ và uốn cong thành những hình thù Rồng hay Sư Tử, bên trong có thể đốt những cây đèn cầy nhỏ, thân Rồng (Sư Tử) chia ra làm nhiều ngăn nhỏ(9-10 ngăn), trong mỗi ngăn nhỏ đều có do một người cầm bởi một cây tre nhỏ dài, sau khi tiếng trống và la được cất lên, múa Rồng cũng bắt đầu bay lượn, xung quanh dân chúng và du khách tập trung cổ vũ vô cùng náo nhiệt.

Lễ Thành Đạo

Lễ Thành Đạo là một trong những ngày lễ quan trọng và mang tầm ý nghĩa rất lớn đối với Tín Đồ Phật Giáo. Vào ngày mồng 8 tháng chạp hằng năm, giới Phật Giáo tổ chức rất long trọng ngày Thành Đạo của Đức Bổn Sư mình. Tại Cửu Hoa Sơn, tăng ni trong các tự viện thường dùng Nếp tẻ, Vừng, Quế, Nấm Đông Cô, Hạt sen.v.v., hết thảy là 8 loại ngũ cốc hoà chung nấu thành một loại cháo gọi là cháo 'Bát Bảo', làm lễ thành đạo xong, tăng chúng cùng với dân chúng trong vùng thưởng thức loại cháo này, rồi đem bố thí đều cho những người già em nhỏ neo đơn đều cũng thưởng thức. Về sau loại cháo này dần dần truyền nhập vào dân gian trở thành một món ăn thường ngày của dân chúng, và cũng được gọi là 'Lạp Bát Chúc' hay là 'Bát Bảo Chúc'.

Khoá Bình An

Du khách khi đến chiêm bái và viếng cảnh Cửu Hoa Sơn, tại khu thắng cảnh Thiên Thai, du khách sẽ thấy xung quanh những bờ vực thẳm có những hàng rào sắc, trên đó được móc vô vàn những ổ khoá lớn nhỏ khác nhau, màu sắc cũng khác nhau. Đây cũng là một trong những nét đặc sắc của văn hoá dân gian Trung Hoa. Du khách đến chiêm bái viếng cảnh xong, đến khu vực này dùng ổ khoá sau khi đã cầu nguyện xong (ổ khoá có thể tự mình đem đi hoặc mua tại khu thắng cảnh), móc ổ khoá vào hàng rào sắc, sau đó khoá lại rồi ném chìa khoá xuống vực sâu. Ổ khoá này sẽ được lưu tại đây đến khi nào tự nó huỷ hoại là thôi, cho nên được gọi là 'Khoá Bình An'.

Tập tục dân gian Đêm Giao Thừa

Hằng năm đến đêm Giao Thừa, mọi người dân quanh khu vực này sau khi dùng bữa cơm đoàn tụ xong, mọi người hoặc xem tivi, hoặc chơi đùa với nhau, đợi đến chuông đồng hồ chỉ điểm 12h, chuẩn bị bước qua một năm mới mọi người đều làm vệ sinh cá nhân sạch sẽ, ăn mặc tươm tất, đốt pháo bông chờ đến giờ tốt mới 'xuất hành' đến chùa làm lễ bái Phật, dâng hương cầu nguyện cho một năm mới được bình an hạnh phúc, trong lúc đốt nhang lễ Phật, cho dù có gặp người quen cũng không được tiếp chuyện, mà phải im lặng cho đến khi dâng hương xong về đến nhà. Cho đến bây giờ đã trở thành một tập tục văn hoá dân gian không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của người dân tại đây.

Bách Tử Hội

Bách Tử Hội là tập hợp những tín đồ Phật Tử cùng tổ chức lại thành một hội đoàn, cùng nhau lên chùa dâng hương bái Phật, tu hành theo sự hướng dẫn của tăng ni trong các tự viện tại khu vực Cửu Hoa Sơn. Theo phong tục của người Hoa, tập hợp số người tròn 100 được gọi là 'Bách Tử Hội', 200 người trở lên gọi là 'Song Bách Tử Hội', còn nếu tập hợp không đủ 100 người thì gọi là 'Tiểu Bách Tử Hội'. Họ cùng nhau lên Cửu Hoa Sơn dâng hương, bái Phật, tụng kinh.v.v. sinh hoạt theo văn hoá Phật Giáo dưới sự hướng dẫn của Tăng Ni ở đây. Người trong Bách Tử Hội phải mặc áo tràng đà hoặc lam, đầu thắt khăn vàng có in dòng chữ 'Triều Sơn Tiến Hương' (lên chùa dâng hương), người người từng bước tiến lên chùa, miệng không ngừng niệm phật, tụng kinh theo tiếng khánh dập dìu từng nhịp. Đa phần các hội đoàn này thường lên chùa lễ Phật vào ngày lễ đản sanh của Đức Địa Tạng Bồ Tát (ngày 13 tháng 7 âm lịch hằng năm).

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/cuuhoason.htm

 


Vào mạng: 1-4-2008

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang