Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

TỦ SÁCH ĐẠO PHẬT NGÀY NAY

KINH

A-DI-ĐÀ


 

 Tỳ-kheo Thích Nhật Từ

Soạn dịch

 

 

– 2004 –


 

LỜI NÓI ĐẦU

 

1. VÀI NÉT VỀ BẢN DỊCH

Kinh A-di-đà mà quý vị đang có trên tay còn được gọi là Chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh, Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh, Tiểu Vô Lượng Thọ Kinh, Kinh Tiểu Bản Di-đà hay gọi tắt là Tiểu Kinh, được dịch từ bản chữ Hán của ngài Cưu-ma-la-thập. Bản dịch của ngài Cưu-ma-la-thập tuy không sát nguyên tác như bản của ngài Huyền Tráng (Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thụ Kinh), nhưng vì tính chất súc tích và thi điệu tứ tự của nó đã làm cho nó trở nên phổ biến nhất và được chọn làm tụng bản trong các ngôi chùa tu theo Tịnh Độ.

Trong bản nguyên tác Sanskrit, có tất cả là mười phương chư Phật đồng thanh tán thán đức Phật Thích-ca làm được việc hi hữu trong đời, đó là, thành tựu đạo quả Phật trong đời ngũ trược, đồng thời, còn truyền bá thành công pháp môn niệm Phật này. Bản dịch của ngài Cưu-ma-la-thập đã tỉnh lược bốn phương (đông nam, tây nam, đông bắc, tây bắc) nhưng ý nghĩa “được chư Phật hộ niệm” vẫn không mất đi. Nương theo phong cách văn dịch của bản chữ Hán này, chúng tôi dịch theo thể tứ tự với những cước vận tạo nhạc điệu cho bài kinh. Để người đọc tụng bản dịch chữ Việt dễ dàng nắm bắt được nội dung trọng tâm của Kinh, chúng tôi đặt ra một số tiêu đề gợi ý.

2. THẾ GIỚI CỰC LẠC

Như tên gọi của nó, kinh này giới thiệu về cảnh giới Cực Lạc của đức Phật A-di-đà. Do đó, Kinh này có thể được gọi là Kinh Thế Giới Cực Lạc. Đây là thế giới vắng bóng hoàn toàn mọi khổ đau, một thế giới thanh tịnh, an lạc và lý tưởng. Sinh hoạt căn bản của chúng sanh trong thế giới này là thiền định. Các loài chim và âm thanh gió, cây cũng đều là các phương tiện truyền thông pháp âm của đức Phật để hóa độ chúng sanh trở về con đường chánh pháp.

Khái niệm “thế giới cực lạc” được Kinh A-di-đà mô tả bao gồm hai phương diện an lạc nội tâm và thịnh vượng về phương tiện vật chất.

Về nội tâm, đó là nơi mà tâm của ta không còn mảy may của khổ đau, buồn phiền và sợ hãi. Khái niệm về “khổ” và “con đường của khổ” hoàn toàn vắng mặt. Khi tâm ta sống trong an lạc và thảnh thơi, thì thế giới Cực Lạc có mặt. Nói đến Cực Lạc chính là nói đến trạng thái tâm thanh tịnh và vô nhiễm này.

Về vật chất, thế giới Cực Lạc được biết đến như là mô hình điển mẫu về kiến trúc hạ tầng cơ sở và môi trường thiên nhiên. Bảy báu (vàng, bạc, lưu ly, pha lê, mã não, trân châu và xà cừ) có mặt ở đất đai, thành quách, cung điện, núi non và sông biển. Cư dân sống trong môi trường an lành và thanh tịnh. Dọc theo lề đường có nhiều cây xanh quý báu, hàng hàng lớp lớp thẳng tắp, không có ô nhiễm không khí và ô nhiễm tiếng ồn. Hoa sen trong hồ có nhiều màu sắc đặc biệt: “sen xanh ánh biếc, sen trắng ánh tuyết, sen vàng ánh rực, sen đỏ ánh hồng và sen trắng ánh tuyết,” tạo nên một môi trường sinh thái và tâm linh lý tưởng.

Như một quy luật “kéo theo,” chánh báo thanh tịnh sẽ tạo ra một y báo trang nghiêm. Cộng hưởng của con người thánh thiện đối với môi trường xung quanh là điều có thể tin và kiểm nghiệm được. Chính vì vậy, con người ở Cực Lạc Tây Phương là những người đạt đến trình độ tâm linh không còn lùi sụt trong ba cõi sáu đường, và phương tiện vật chất cũng như môi trường xung quanh đều là những “phương tiện” hỗ trợ cho sự tu tập và tỉnh thức. Giá trị của thế giới Cực Lạc không nằm ở phương diện vật lý, mà nằm ở chiều kích tâm linh của con người thánh thiện. Con người thánh thiện tạo thành Cực Lạc. Hoàn cảnh và phương tiện thánh thiện ở cõi Cực Lạc hoàn toàn tuỳ thuộc vào tập thể những con người thánh thiện này. Nói cách khác, thế giới Cực Lạc là thế giới của những người thánh thiện. Nơi nào có sự hiện hữu của người thánh thiện, nơi đó sẽ trở thành Cực Lạc.

3. HÌNH THỨC THUYẾT PHÁP

Điểm đặc biệt của Kinh A-di-đà là không chỉ có đức Phật và các vị thánh chúng thuyết pháp để giúp cho người mới vãng sanh được thăng tiến tâm linh và đạt được bất thoái chuyển, mà ngay cả các loài chim như bạch hạc, khổng tước, anh vũ, xá lợi, ca lăng tần già và chim cộng mạng v.v... mỗi một lời hót vang đều là pháp âm vi diệu, ngày đêm sáu thời. Nói cách khác, khi tâm có chánh niệm và tỉnh thức, thì trong tiếng gió thổi, thông reo và tiếng chim hót, ngay cả những âm thanh ồn ào cũng có tiếng pháp vi diệu.

Tương tự, khi chúng ta sống với dòng chảy của chánh niệm và thiền định, thì những sự kiện vô tình xảy ra quanh ta hằng ngày như trời mọc, trăng lên, lá rụng, hoa nở, trúc lay, gió thoảng, mây bay v.v... đều trở thành những bài pháp thoại sống động. Nhìn cuộc đời và quán chiếu âm thanh của cuộc đời (quán thế âm) trong tư thế chánh niệm sẽ làm cho sự vật quanh ta trở nên thanh tịnh. Sự có mặt của chúng ta trong môi trường thanh tịnh trên nền tảng của niệm Phật chánh niệm sẽ làm cho nơi đó trở thành Tịnh Độ và Cực Lạc.

4. XÂY DỰNG TỊNH ĐỘ

Cõi Tịnh độ Tây phương không phải là công trình sáng thế của đức Phật A-di-đà, mà là một cảnh giới hội tụ được nhiều bậc thượng thiện nhất (chư thượng thiện nhân câu hội nhất xứ) sống với nhau trong an bình, hạnh phúc và truyền dạy con đường hạnh phúc đó trên cơ sở của trạng thái “nhất tâm bất loạn.”

Nếu Tịnh Độ được mô tả là cảnh “không có mặt của ba cảnh giới sống thấp kém là địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh, ngay cả khái niệm và danh từ về ác đạo còn không có, huống hồ là có thực” thì phương pháp xây dựng Tịnh Độ có thể khởi đi bằng cách thiết lập tâm thanh tịnh và giải phóng tất cả các dòng chảy bất thiện của tâm. Nói cách khác, nơi nào có chánh niệm, có các bậc sống cao thượng, có sự truyền bá con đường hạnh phúc, nơi đó chính là Tịnh Độ.

Do vậy, xây dựng Tịnh Độ trước nhất và quan trọng hơn hết là xây dựng tâm chánh niệm và tỉnh thức. Có chánh niệm là có Tịnh Độ. Có tỉnh thức là có Tịnh Độ. Có tuệ giác là có Tịnh Độ. Có từ, bi, hỉ, xả là có Tịnh Độ. Nói chung, Tịnh Độ và Cực Lạc có mặt trong các đức tính thiện và đạo đức của mỗi con người.

5. ĐIỀU KIỆN VÃNG SANH

Kinh A-di-đà khẳng định  rằng để sanh cảnh giới an lành ở Tây phương, người chướng nặng nghiệp dày, lòng tin non kém sẽ khó có thể vãng sanh được. Nói cách khác, niềm tin chân chánh là con đường dẫn đến sự nhiếp tâm và chánh niệm. Chánh niệm dẫn đến “nhất tâm bất loạn.” Nhất tâm là trạng thái tâm chuyên nhất vào đối tượng thiền quán hay quán chiếu, là cửa ngõ của con đường thăng tiến tâm linh. Bất loạn là định tĩnh, không còn trạng thái lăng xăng, phan duyên theo trần cảnh, nhờ đó, điên đảo mộng tưởng vắng mặt.

Để được tái sanh về thế giới này, đức Phật dạy các hành giả phải tu tập thiền niệm Phật "nhất tâm bất loạn." Với phương pháp trì danh niệm Phật, an trú vào trong định, tâm xa lìa mọi điên đảo vọng tưởng, hành giả sẽ được tái sanh về thế giới Cực Lạc, khi nhắm mắt lìa đời. Điểm cần chú ý trong kinh này là pháp môn niệm Phật "nhất tâm bất loạn" là một pháp thiền định. Khi tâm an trú vào trong định, sự niệm Phật đã trở thành niệm tâm và niệm thiền. Với hành trang này, người ta sẽ có thể tái sanh về thế giới của Phật A-di-đà theo tâm nguyện.

Khi tâm vắng mặt dòng chảy của tư tưởng nhị nguyên, đối đãi, để từ đó trở nên thuần tịnh, hành giả sẽ sống trong trạng thái thiền định. Mỗi cái nhìn và cái suy nghĩ của hành giả lúc bấy giờ là một quán niệm. Mỗi động tác và hành vi đều thuộc thiện pháp. Nhất tâm để niệm Phật. Niệm Phật để nhất tâm. Tâm chuyên nhất thì Phật tánh hiển hiện. Khi tánh Phật tỏ rõ thì Cực Lạc hiện tiền. Tâm, Phật và Cực Lạc hoà quyện vào nhau, bất khả phân ly, đồng thời tương tức.

Pháp môn niệm Phật tuy đơn giản nhưng nếu áp dụng đúng tiêu chí “nhất tâm bất loạn” thì hiệu quả chuyển hoá tâm linh và chứng đắc giải thoát cũng không thua kém bất cứ pháp môn nào trong đạo Phật.  Niệm Phật được nhất tâm bất loạn chính là thiền định và giải thoát. Từ một phương pháp được trích ra từ pháp môn Lục niệm (niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng, niệm bố thí, niệm đạo đức và niệm chư thiên), niệm Phật qua hồng danh sáu chữ của Phật A-di-đà đã được tông Tịnh Độ nâng thành pháp môn phổ thông nhất, dành cho mọi căn cơ và đối tượng. Đối với người căn tánh thấp, niệm Phật không phải là pháp môn quá cao. Đối với người căn trí lớn, niệm Phật không phải là pháp môn thấp.

Niệm Phật không phải để được đức Phật rước về Tịnh độ sau khi qua đời. Niệm Phật quan trọng nhất là để thanh tịnh hoá tâm thức ở hiện tại, sống an lạc và thảnh thơi, thiết lập Tịnh Độ tại trần gian đau khổ này. Dưới con mắt thiền quán và niệm Phật nhất tâm bất loạn, thế giới Ta-bà này chính là Tịnh độ hiện tiền. Nói khác đi, Tịnh Độ ở phương Tây là tiêu chí cụ thể giúp cho hành giả thiết lập Tịnh Độ trong tâm, trong mỗi hành vi, và trong cuộc sống, ở mọi nơi và mọi chốn.

Cuối cùng, bao nhiêu công đức có được từ ấn bản này xin hồi hướng đến tất cả mọi loài.

 Rằm tháng 2 năm 2004

 Thích Nhật Từ      

      Kính ghi           

Home | Up | Lời Giới Thiệu | Dẫn Nhập | Chánh Kinh | Hồi Hướng

 


Vào mạng: 1-6-2005

Trở về mục "Nghi thức Phật giáo"

Đầu trang