Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Học thuyết Darwin, Phật giáo và Thiên Chúa giáo
Tiến sĩ Amarasiri Weeraratne

 

Lời người dịch: Nguyên tác tiếng Anh của bài khảo cứu ngắn này: Darwinism, Buddhism and Christanity được đăng trong tạp chí The Maha Bodhi, Sri Lanka, Tập 82,  số 11 & 12, Nov - Dec 1974, trang 443 – 446 của Amarasiri Weeraratne, nhà nghiên cứu Phật học nổi tiếng ở Tích Lan.

Thật ra, bài viết này đã được viết và đăng tải trên văn đàn cách đây khá lâu. Do đó, bài viết cũng không có gì mới mẻ đối với trào lưu nhận diện lại bản chất thật của các tôn giáo trên thế giới ngày nay. Tuy nhiên, khi đọc lại bài khảo cứu này, người dịch nhận ra một vài điểm khá lý thú. Khoa học càng lúc càng đưa ra nhiều bằng chứng để xác minh những gì được  gọi  “mặc khải” của Chúa trong Thánh Kinh, một bộ Kinh mà trước đây một phần nhân loại bị đào tạo buộc phải tin tưởng là “không thể nào sai lầm.” Dù bị phản đối, chống báng, hăm doạ, thậm chí bị mất mạng, các nhà khoa học vẫn miệt mài làm việc và nói lên tiếng nói đúng với nguyên lý vận hành của vũ trụ như thế nào.

Trước đây gần ba thập niên, Amarasiri Weeraratne đã mạnh dạn nhận định lại giá trị của học thuyết Tiến Hóa, ông phân tích rạch ròi đâu đúng đâu sai. Chúng ta cũng nên nhớ rằng, khoảng thời gian đó, văn hóa Thiên Chúa giáo của Tây phương đang tấn công sang hướng Á Châu, thế mà  Amarasiri Weeraratne vẫn không ngại trình bày quan điểm của mình. Tiếng nói của ông góp thêm sức mạnh vào dòng thác vạch trần những sai lầm, tội lỗi của một tôn giáo tự tôn là “thiên khải”, “cao quý”, để rồi đến ngày 12 tháng 3 năm 2000, Giáo Hoàng John Paul II, đại diện cho "Hội Thánh" Gia Tô đã phải xưng thú những đại tội của tôn giáo mình trước thế giới.

Phật giáo với học thuyết “Duyên Khởi” đã thiết lập nền tảng cho sự sinh khởi của vũ trụ. Các pháp nương nhau mà tồn tại, nương nhau mà hoại diệt. Không một đấng “Sáng Tạo” nào tạo dựng nên thế giới đầy chiến tranh, giết chóc, hận thù, bạo động, khủng bố, cuồng loạn lan tràn khắp nơi như lịch sử của quá khứ và hiện nay đang tiếp diễn.  Mặc dầu bài viết của tác giả chưa khai  triển hết học thuyết “Duyên Khởi” của Phật giáo để soi sáng vấn đề vũ trụ, vì chỉ dựa vào một Kinh trong nhiều bài Kinh đề cập đến sự hình thành thế giới mà khai triển vấn đề. Nhưng dù sao nó cũng thể hiện được phần nào đúng với tinh thần của Phật giáo, nên người dịch xin chuyển ngữ sang tiếng Việt và xin gởi đến quý độc giả.

*********

Chỉ hơn một trăm năm kể từ khi nhà bác học Darwin công bố học thuyết “Sinh vật tiến hóa”, khám phá mở ra một kỷ nguyên mới này đã làm lung lay nhiều triết thuyết căn bản của nhiều tôn giáo và nhiều trào lưu cách mạng hoá tư tưởng ở phương Tây. Các giáo sĩ Thiên Chúa giáo ở Anh Quốc bị đánh động và đã công kích lại Darwin và học thuyết Tiến Hóa của ông. Darwin mạnh dạn và kiên định đối mặt với nhiều trận tấn công cuồng tín và kém hiểu biết như vậy. Nhiều thế lực dùng tiền hòng bắt ông im tiếng đều bị thất bại. Giám mục Wilberforce là mũi nhọn, dẫn đầu các cuộc  công kích cuồng tín này. Luận điểm của Giám mục cho rằng nếu thuyết Tiến Hóa là đúng sự thật thì câu chuyện về sự tạo dựng trong phần mở đầu của Thánh Kinh phải sai. Các giáo sĩ tin rằng Darwin đã sai lầm, còn Thánh Kinh là những lời dạy của Chúa không thể sai được.

Tuy nhiên, nhiều ngành khoa học khác nhau như Địa chất học, Cổ sinh vật học, Nhân loại học, Động vật học, Phôi học, Sinh vật học, v. v… đã đưa ra bằng chứng xác minh và củng cố học thuyết của Darwin. Học thuyết của ông giải thích nguồn gốc sự sống trên thế giới thỏa đáng hơn bất kỳ học thuyết nào mà con người đã biết đến. Tất cả các khám phá khoa học có giá trị đã xác minh cho học thuyết này, và với thời gian các khám phá đó đã  khẳng định thêm giá trị của nó. Sự đối lập của những người cuồng tín dần dần bị bào mòn khi họ đối diện với sự tiến bộ của khoa học. Hiện nay, phần lớn, nhiều giáo phái thuộc Thiên Chúa giáo đã dừng lại cuộc chiến chống lại sự tiến hóa, và vài giáo phái đã cố gắng thoát khỏi giáo điều của họ dưới ánh sáng của tri thức khoa học. Họ nói:  “Dù cho chấp nhận thuyết Tiến Hoá”, thì “cũng có một năng lực nào đó vận động các năng lực này.” “Một năng lực nào đó” phải được xem là Thượng Đế với những thuộc tính như toàn năng và toàn bi. Một công trình nghiên cứu về học thuyết tiến hóa chỉ ra rằng điều này không phải vậy. Do đó, luận điệu này không những không thỏa đáng mà còn không tự biện hộ được và không thể đứng vững được khi khảo sát kỹ lưỡng. Ngày nay, thế giới khoa học và giới nghiên cứu đều đánh giá cao học thuyết của Darwin. Tất cả sinh viên đang theo đuổi ở cấp Đại học và hậu Đại học trong lãnh vực khoa học đều tiếp tục nghiên cứu vấn đề này.

Mặc dù học thuyết Tiến Hóa của Darwin đã làm cho nền tảng của nhiều tôn giáo vùng Xê-mít (Semite) bị sụp đổ, và khiến cho Thiên Chúa giáo bị điêu đứng, nó vẫn không gây  tổn thương hay có ảnh hưởng bất lợi gì cho Phật giáo. Đức Phật không dạy thế giới này do một đấng Thượng Đế tạo dựng hay con người chỉ  là sự sáng tạo đặc biệt của Thượng Đế. Từ “satva” (có nghĩa là chúng sanh) chỉ chung cho con người, loài vật, chư thiên, và tất cả mọi loài có sự sống. Vì vậy, đạo Phật không phân biệt con người với động vật như Thiên Chúa giáo. Trong Kinh Khởi Thế Nhân Bổn (Aggañña Sutta) [1], đức Phật  đề cập đến đời sống con người có liên hệ đến quá trình tiến hóa này. Do đó,  quan điểm này không có gì  lạ lẫm hay hấp dẫn đối với hàng Phật  tử, và vì vậy học thuyết Tiến Hóa này được chấp nhận như là một khám phá khoa học, không hề mâu thuẫn với giáo lý căn bản của đạo Phật. Trong bài viết ngắn này, tôi muốn biện minh vấn đề làm thế nào ba chân lý nền tảng, đó là Vô thường (Anicca), Khổ (Dukkha), và Vô ngã (Anatta) tạo thành giáo lý trọng tâm của đức Phật.  Ba chân lý này được xác định, soi sáng  và ủng hộ bằng những chứng cứ của khoa học. Đây là vấn đề làm cho Phật tử cảm thấy hết sức hào hứng và thoả mãn.

Thánh Kinh dạy rằng thế giới và sự sống trong đó, loài vật cũng như con người được Thượng Đế tạo ra trong vòng 7 ngày. Nhiều loài khác như những sinh vật dưới nước, các loài chim bay trên không, loài bò sát, và động vật bốn chân được nói là do Thượng Đế tạo ra riêng lẻ. Do đó, người phương Tây nghĩ rằng những loài này hoàn toàn khác, không có mối quan hệ với nhau. Họ cũng tin rằng con người cũng được Thượng Đế sáng tạo bằng hạt bụi của trái đất mà Thượng đế đã thở ra. Vì vậy, họ tin tưởng con người là một sáng tạo riêng lẻ và không có liên hệ gì với các loài động vật về mặt sinh học.

Darwin đã chỉ ra đời sống bắt đầu với một cơ thể đơn bào trong đại dương và phát triển qua nhiều giai đoạn tiệm tiến như thế nào. Ông viện dẫn bằng chứng khoa học để bảo vệ luận điểm của mình. Luận điểm  này chứng minh rằng tất cả loài động vật có một nguồn gốc chung và phát triển từ hình thái này đến hình thái khác nhờ vào các biến đổi sinh học. Nhờ đó, người ta đã khẳng quyết rằng động vật không phải là loài động vật không thay đổi được, mà cũng không phải doThượng Đế tạo ra, mà chúng tiến hóa dần dần từ dạng thức thấp nhất của sự sống, và ngay bây giờ chúng cũng vẫn đang tiến hóa liên tục dưới nhiều dạng  thức khác nhau. Đời sống của con người quá ngắn ngủi để theo dõi trọn vẹn quá trình tiến hóa này. Các loài động vật và thực vật sống cách đây hàng triệu năm, nay không còn nữa. Nhiều loại cây cỏ và động vật sống hàng triệu năm trong tương lai sẽ khác so với hiện nay. Trường hợp con người cũng vậy. Do đó, định luật “Vô thường” (anicca) không những ứng dụng cho các đối tượng vô tình mà còn áp dụng cho các loài động vật hữu tình. Lời đức Phật: “Sabbe sankhàrà aniccà”  (Tất cả hành đều vô thường)  lại càng được khẳng định và soi sáng nhờ các bằng chứng khoa học.

Thánh Kinh dạy rằng thế giới này và tất cả sự sống trên thế giới được đấng Thượng Đế đại từ, đại lực tạo ra.  Nhưng khi nghiên cứu quá trình tiến hóa, chúng ta thấy mọi loài đều phải chịu đau khổ. Kẻ mạnh đàn áp kẻ yếu là chuyện xảy ra phổ biến trong quá trình sống và tiến hóa. Sự tồn tại ở đây có nghĩa là sự kiếm ăn và tránh bị ăn. Do đó, cả trái đất này ở khắp  mọi nơi, ngay cả trên đất liền, trên không trung hay trong biển cả đều từng bị đẫm ướt máu của sinh vật bị giết. Nhiều động vật thời cổ bị tiệt chủng bởi vì chúng không thể chống lại nổi các loài dã thú ăn thịt. Các loài bò sát lớn đã bị tiệt chủng có thể xem như những điển hình. Chúng để lại các bộ xương và từ những bộ xương này, người ta đã tái hiện hình thù của chúng. Các loài động vật ăn thịt lẫn nhau là cách tự điều chỉnh của thiên nhiên đối với các loài dã thú. Nếu không thì  trái đất sẽ đầy dẫy những côn trùng và nhiều loại sinh vật khác, không còn ngay cả  một inch (2,54 cm) đất dành cho con người.  Thú vật luôn sống trong tình trạng sợ hãi các loài dã thú có khả năng giết và ăn thịt chúng. Không có một người trí thức nào, những người có khả năng suy luận, những người không bị niềm tin làm cùn mòn lý trí của mình lại   chấp nhận rằng Thượng Đế đã   vạch ra một kế hoạch sát hại đẫm máu như vậy lại là một đấng từ ái ! Niềm tin vào đấng Sáng Tạo, vào Thượng Đế và những thuộc tính nhân ái của Thượng Đế đã bị sụp đổ. Tuy nhiên, Phật ngôn: “Sabbe Sankhàra Dukkhà” (Tất cả hành đều khổ) lại được thẩm định như một chân lý dưới ánh sáng khoa học. Tại sao Thượng Đế đầy quyền năng và nhân từ tạo ra những chúng sanh tiến hoá ngang qua tiến trình khổ sở và chậm chạp đầy đau thương nhiều thế kỷ như vậy? Tiến trình phát triển này là một cuộc dò dẫm mù lòa trong bóng tối và mọi loài sống trong đau khổ. Quan điểm cho rằng đây là công trình của Thượng Đế toàn năng và nhân từ không còn đứng vững nữa. Quả thực nếu có một Thượng Đế như thế, Ngài nên tạo  dựng mau chóng, không có những đau khổ mò mẫm mù lòa tăm tối này. Sự sống của muôn vật nên được hạnh phúc và không bị khổ đau. Nhưng  khi giáp mặt với sự bất toàn của quá trình tiến hóa và khổ đau đính kèm đó, quan niệm cho rằng có một Thượng Đế nhân ái đứng sau tiến trình này đã bị đánh đổ. Trước thời Darwin, những tín hữu Ky-tô có lẽ đã hỏi “Làm thế nào thế giới có mặt mà không có một đấng Sáng Tạo?” Darwin đã chỉ ra thế giới này xuất hiện như thế nào. Học thuyết của Darwin không chỉ tranh luận mà còn hạ bệ lời nói “không thể sai lầm” của Thượng Đế trong Thánh Kinh. Như vậy, nền tảng của Thiên Chúa giáo và những tôn giáo hữu thần khác bị xói mòn và bị sụp đổ khi công trình nghiên cứu thuyết Tiến Hóa này được công bố.

Thánh Kinh dạy rằng con người là một sinh vật đặc biệt, nó tách biệt khỏi thế giới động vật. Nhiều nhà thần học cho rằng con người có một linh hồn mà động vật không có. Bertrand Russell đã nêu lên nghi vấn “Trong suốt quá trình tiến hóa lâu dài, từ một cơ thể đơn bào cho đến con người, linh hồn đã xuất hiện ở giai đoạn nào?” Không có câu trả lời nào cho vấn đề này, và điều này cho thấy rằng quan điểm về linh hồn chỉ là một ảo tưởng. Sinh vật học bảo rằng trong cơ thể con người có 182 cơ quan dấu tích của loài thú còn sót lại, chúng không còn hoạt dụng nữa, nhưng chúng là vết tích của nhưng giai đoạn tiến hóa trong quá khứ. Không tính tới các cơ quan bên trong, các cơ quan như đuôi ở phần cuối bộ xương, và lông trên cơ thể cũng cho thấy chúng ta có mối quan hệ họ hàng với loài vượn không đuôi.

Không những con người mà các sinh vật thấp hơn thế giới động vật đều có các cơ quan còn sót lại, nhưng những cơ quan này không còn hoạt dụng nữa. Điều này chứng minh rằng các loài động vật được phát triển từ các loài động vật bậc thấp. Ngành Phôi học cho biết phôi của con người và động vật lặp đi lặp lại nhiều giai đoạn tiến hóa khác nhau trong suốt quá trình thai nghén. Do vậy, chúng ta biết được con người là một sinh vật có liên quan với những động vật linh trưởng (con tinh tinh) và không phải là một sinh vật đặc biệt có linh hồn bất tử gì cả. Các công trình nghiên cứu hiện đại đã phát hiện những động vật linh trưởng như vượn có sức hiểu biết như đứa bé tuổi lên ba. Sự khác nhau giữa con người và những loại khỉ không đuôi cấp cao đâu có liên quan gì đến linh hồn. Chúng chỉ khác nhau ở chỗ con người có bộ não phát triển hơn, có khả năng hiểu biết nhiều hơn. Đây là sự thật xác chứng lời đức Phật dạy “Sabbe dhammà anattà” (mọi pháp đều không có thực thể).

“Thuyết Tiến Hóa đối lập với giáo điều của Thánh kinh về bốn điểm. Thứ nhất nó xác định lại quan điểm của các nhà địa chất về tuổi của trái đất. Nhiều nhà thần học Ky-tô-giáo đã ước tính tuổi của trái đất là 6000 năm bằng cách tính các thế hệ từ thời ông Adam đến Chúa Jesus như được trình bày trong Phúc Âm. Chúng ta thấy điều này không tương ứng với những khám phá của khoa học, và do đó, hiện nay các tín hữu Thiên Chúa giáo đã từ bỏ quan điểm này. Thứ hai, học thuyết Darwin cho chúng ta biết con người tiến hóa từ động vật chứ không phải là từ hạt bụi do Thượng Đế thổi ra. Thứ ba, học thuyết Tiến Hóa loại bỏ quan niệm phụ nữ được hình thành từ một cái xương sườn của người nam. Và thứ tư, học thuyết tuyên bố cây cỏ, động vật phát triển cùng một lúc và sự tiến hóa này bắt đầu vào khoảng thời gian nào đó sau khi hệ mặt trời hình thành. Theo phần “Sáng Thế Ký” của Kinh Cựu Ước, Thượng Đế đã tạo ra cỏ, hạt giống, và cây trái vào ngày thứ ba; mặt trời, mặt trăng và các vì sao được tạo ra vào ngày thứ tư; những loại cá như cá voi và các sinh vật dưới nước khác cũng như các loài chim chóc được tạo vào ngày thứ năm; thú vật trên đất liền vào ngày thứ sáu.” Do đó,  một khi lời dạy trong Thánh kinh bị bác bỏ và hạ bệ, chủ nghĩa Darwin đã làm cho các tôn giáo hữu thần ở phương Tây bị mất ảnh hưởng.

Chúng ta không thể nói rằng quá trình tiến hóa được đề cập trong Kinh Khởi Thế Nhân Bổn hoàn toàn trùng khớp với học thuyết Darwin. Bài Kinh không minh họa các sinh vật tự thích nghi với môi trường sống để tồn tại như thế nào, các sinh vật đã phát triển các khả năng để sinh tồn, cũng như những sinh vật khác lại bị hủy diệt  ra sao như  khám phá của Darwin. Tuy nhiên, có những điểm tương đồng nổi bật. Những dạng thức của sự sống đầu tiên được trình bày trong kinh là vô tính. Chúng sống như dạng rong rêu trên lớp váng ở đại dương. Sau một thời gian dài, chúng phát triển thành hình thù và có màu sắc khác nhau. Khi lớp váng có mùi thơm biến mất, một loại nấm phát sinh và sinh vật phát triển những giới tính khác biệt. Tất cả chi tiết này tương hợp với học thuyết Darwin, nghĩa là vạn vật tiến hóa và phát triển trong một thời gian dài, sinh vật mới liên tục phát sinh và phát triển, sinh vật vô tính có mặt trước khi các loại sinh vật có giới tính xuất hiện. Lại nữa, sự phát triển của thực vật trong các lớp váng nối tiếp,  đó là nấm,  dây leo, và lúa; đó là quá trình tiến hóa của thực vật.

Có một vài điểm bất đồng, do đó chúng ta có thể kết luận rằng Kinh Khởi Thế Nhân Bổn  chứa đựng một nội dung khá lý thú, đó là sự pha trộn giữa “những khái niệm khoa học và thần thoại huyền bí”. Chúng ta nên nhớ rằng Kinh Khởi Thế Nhân Bổn này được biên tập vào khoảng 500 năm sau khi đức Phật nhập vô dư Niết-bàn. Những học thuyết thịnh hành lúc bấy giờ có thể len lỏi vào bài Kinh. “Hoặc chúng ta đặt giả thiết rằng đức Phật đã dạy thuyết Tiến Hóa hoàn toàn giống với công bố của Darwin. Các đệ tử của đức Phật là những bậc hiểu biết trong các vấn đề liên quan đến tâm linh và đạo đức, và có lẽ không biết về khoa học như chúng ta ngày nay. Cho nên, chúng ta nên nghĩ rằng Kinh Khởi Thế Nhân Bổn đức Phật  mô tả thuyết Tiến Hóa không phải từ quan điểm khoa học, mà nhấn mạnh đến phương diện tiến hoá về đạo đức và tâm lý. Và ngược lại, nhiều vấn đề lớn có liên quan đến học thuyết Tiến Hóa ngày nay dường như không có gì quan trọng đối với người biên tập kinh điển thời  kỳ đầu, và do đó chúng được biên tập như thế hoặc vô tình bị thay đổi.”[2]

Do đó, chúng ta thấy rằng tự thâm tâm của Phật tử không có gì ngần ngại khi chấp nhận học thuyết Tiến Hóa của Darwin. Người Phật tử đã tìm ra những nguyên tắc cơ bản của đạo mình.  Người Phật tử rất sung sướng khi thấy sự tiến bộ của khoa học càng lúc càng tiến đến những sự thật  được ủng hộ và thiết lập nhờ các bằng chứng của các lãnh vực mới của tri thức nhân loại mà đã được đức Phật tuyên thuyết.


[1] Kinh này nằm trong Trường Bộ, số 27. Bài Kinh này có nội dung tương đương với Kinh Tiểu Duyên, số 5 trong Trường A-hàm (ghi chú của người dịch). 

[2] Trích từ Buddhism, Science, and Antheism by Douglas M. Burns M. D.

http://www.buddhismtoday.com/viet/kh/hocthuyetDarwin.htm

 


Vào mạng: 1-7-2002

Trở về mục "Phật giáo và Khoa học"

Đầu trang