Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Hiện tượng đầu ngón tay nóng khi ngồi thiền
Phật tử ABC hỏi; Thích Giác Hoàng trả lời

Câu hỏi:

Thưa Thầy,

Tôi đã thực tập thiền được một thời gian, bây giờ mỗi khi ngồi thiền và sáng khi tỉnh giấc, các đầu ngón tay phải thường nóng. Có người nói đó là hiện tượng  tốt, có người lại nói là không tốt, mong được biết ý kiến của Thầy.

 

Phật tử mến,

Vì Thầy Nhật Từ đang bận thực hiện một vài Phật sự, không thể trao đổi với Phật tử kinh nghiệm tu thiền được, nên Thầy đã chuyển nội dung nghi vấn trên đến Giác Hoàng.  Trước nhất, Giác Hoàng xin tán thán quá trình  tu tập thiền định của Phật tử. Cầu chúc Phật tử  tinh tấn tu tập thiền định  nhiều hơn nữa để tạo an lạc hạnh phúc cho mình và cho người ngay trong đời này và đó cũng là chánh nhân  đưa đến quả vị giác ngộ tối thượng.

Bây giờ xin chia xẻ kinh nghiệm tu thiền đến với Phật tử. Theo kinh nghiệm bản thân trong những ngày niêm mật tu thiền và trong những ngày dự khoá tu thiền  Vipassana 10 ngày tại các trung tâm thiền định ở Ấn Độ, xin kể cho Phật tử nghe. Khi tu thiền đã niêm mật vào các ngày thứ 4 thì ít ngủ dần. Một người trung bình  cần ngủ ít nhất là 6 tiếng đồng hồ, khi thiền định khá thì tự nhiên ngủ ít lại, có thể là 5 hoặc 4 tiếng một ngày, thậm chí  vào các ngày sau chỉ còn 3-2 tiếng đồng hồ. Trong quá trình ngủ hoàn toàn không mộng mị và rất tỉnh táo. Nếu có mệt và buồn ngủ thì một vài phút ngủ sâu, mình có cảm tưởng đã ngủ ít nhất là vài tiếng đồng hồ. Mắt thiền giả tự nhiên sáng hơn, thậm chí bị cận cũng có thể giảm độ.  Nếu bịnh đau lưng lâu năm, nhờ công phu tu thiền đều có thể  dứt  trừ.  Nếu bị bịnh nổi mày đay khi gặp phải thời tiết lạnh cũng có thể bớt hẳn mà không cần thuốc. Với cách ăn uống vừa phải, không ăn quá no vào buổi trưa, sáng điểm tâm sơ sài, chiều nhịn hoặc uống một ly nước chanh nhỏ hoặc một ly trà sữa nhỏ, nhưng da dẻ vẫn hồng hào, tươi nhuận. Đó là các kết quả về thân mà mình có thể kiểm nghiệm được.

Về tính cách và  hệ thần kinh: nói năng trầm tĩnh, làm việc cẩn thận, có tỉnh giác, ít quên đó là các triệu chứng mình  tu tập có tiến bộ. Lại nữa, khi thiền giả tu tập quán niệm hơi thở đều đặn trong một thời gian, và đặc biệt vận khí theo tư tưởng của mình thì   thân thể trở nên ấm hơn, các đầu ngón tay và bàn chân đều ấm, đó là kết quả tự nhiên và tất yếu. Đây là kinh nghiệm tu thiền của một số thân hữu đồng tu sau các khoá tu kể lại và kinh nghiệm bản thân của Giác Hoàng. Đây là chưa trình bày các đột biến bùng vỡ tâm thức của một số thiền giả mà quá trình thiền định đã ban tặng.

Trường hợp Phật tử  chỉ có các đầu ngón tay phải bị nóng, mà các chi phần khác không có hiện tượng gì thì nên xét lại. Vì nếu  dụng công theo dõi hơi thở đúng mức thì các chi phần của thân đều ấm áp, đây chỉ  có các đầu ngón tay phải bị nóng, hiện tượng này không thấy trong Kinh điển trình bày và ngay cả các vị Thiền sư có  năng lực thượng thừa cũng không nhắc đến. Thôi thì, Phật tử nên đi bác sĩ kiểm tra  lại coi có bộ phận nào  trong cơ thể trục trặc không. Còn nếu thân thể vẫn khoẻ mạnh thì nên tiếp tục quán sát, hy vọng trong tương lai sẽ tìm ra câu giải đáp thích ứng hơn.

Chúc Phật tử thân tâm thường an lạc và nếm được thiền vị trong quá trình chuyển hoá tâm thức của mình.

http://www.buddhismtoday.com/viet/hopthu/nongtay_khi_ngoithien.htm

 


Vào mạng: 1-11-2001

Danh sách các câu hỏi Phật học

Đầu trang